Thursday, 22 March 2018

Tôi đi chợ - Phan Hạnh

Đến thành phố Toronto này kể từ sau Ngày Ðứt Phim Tháng Tư Ðen Năm Bảy Lăm, tôi dần dần trở thành chuyên viên đi chợ hồi nào không hay. Ai cũng biết tự nấu ăn ở nhà đỡ tốn kém gấp nhiều lần so với ăn tiệm. Hơn nữa, tự nấu ăn ở nhà có nhiều lợi ích khác cho gia đình. Đi chợ cũng là một sự khám phá những kinh nghiệm mới lạ, chưa kể thế nào cũng gặp người đồng hương, được nghe họ líu lo tiếng Việt cũng vui.
 
 Trước khi sắm được xế riêng, tôi cũng từng rượt xe buýt, xe điện streetcar và xe điện ngầm subway để đi làm cho kịp giờ. Tôi cũng lấy hàng ngàn vé chuyển tuyến TTC, bấm thẻ ghi giờ làm việc cỡ mười lăm ngàn lần, chửi thầm thằng cha con mẹ xếp trong hãng xưởng nghe đã cái lỗ tai mình. Tôi lội bộ phố Tàu Spadina-Dundas đi chợ mấy trăm cái cuối tuần. Nhằm mùa đông đường sá lầy lội tuyết ướt, tôi chỉ sợ làm bể chai nước mắm.

 Xem nào, hồi mới đến Toronto năm 1975, Mít tôi lội ra phố Tàu kiếm mua mì gói và thức ăn khô thì phải vào tiệm Nhựt vì lúc đó làm gì có các chợ bán thực phẩm Á Đông như Tân Á, Tân Hưng, Bến Thành, Long Phát, Long Hoa, Long Huy, Kiến Hưng, Ðại Giang, T&T, Oceans, Nations… ở khắp Toronto như bây giờ đâu. Ngày đó chỉ có hai tiệm Nhựt ở Phố Tàu Spadina-Dundas. Một trên đường Dundas St. (góc Đông Bắc) và một trên đường Spadina Ave. (góc Đông Nam).
 Chợ Tàu ngày nay dù sao cũng vẫn còn chình ình đó để cho bạn và tôi thỉnh thoảng lái xe xuống dưới đó mua sắm, sẵn dịp ghé vô quán Noodle King làm một tô mì vịt tiềm hay vô quán Phở Hưng quất một tô hủ tiếu Nam Vang. Hưỡn thì thăm lại tiệm tạp hóa Nhựt cũ vẫn còn bám trụ trên đường Queen St., tạt vào tiệm trái cây K&K mua một mớ lôm chôm, măng cụt mang về làm quà cho vợ.


 Lâu lâu có một tin xấu làm hại phố Tàu mà cũng là phố Việt, một thứ Saigon nho nhỏ của dân Mít ta. Người ta nói phố Tàu có SARS, dịch cúm gà, cúm chim gì đó khiến cho một số người mạng thỏ đế đi phố Tàu phải mang khẩu trang! Rồi có người nào đó chụp được hình chuột hoặc gián bò trong khung tủ kính của một tiệm bán thịt heo quay, gà quay, vịt quay, xá xíu khiến cho khách-không-phải-là-người-Á-Ðông ghê sợ không dám tới. Trước đó, mấy tiệm thịt quay này còn bán cả món phá lấu heo gồm đủ tim, gan, ruột, tai, mũi dòm thấy sợ! Chắc Sở Y tế Thành Phố ra lệnh cấm hay sao đó mà các món rùng rợn đó không thấy bày bán nữa.

 Ngày nay chúng tôi đã bớt đi xuống Phố Tàu vì ngại nỗi thân già tay xách nách mang nặng, lội về tới chỗ đậu xe cũng muốn rụng hai cánh tay. Nỗi sợ thứ hai là lạng quạng dám bị đám đông chen lấn làm té nhẹp ruột. Và nỗi sợ thứ ba là lớ ngớ dám bị kẻ đạo chích thấy mình già ăn hiếp móc túi chơi lấy mất bóp, báo hại phải đi khai báo và làm lại giấy tờ, mệt lắm.

 Tôi nghĩ cánh đàn ông chúng ta suy tính và phản ứng nhanh hơn các bà, lái xe giỏi hơn các bà, có ý niệm về phương hướng bén nhạy hơn các bà, có nhiều sức mạnh thể lực hơn các bà; bởi vậy, khi đã có xe con, đàn ông Mít càng phải lãnh bổn phận đi chợ cho vợ mới đúng điệu người chồng gương mẫu. Trường hợp tôi còn có thêm lý do chính đáng: vợ nhà không biết lái xe.

 Trâu uống nước bùn lâu ngày trâu khen nước ngon; nhiều ông chồng đi chợ lâu ngày đâm ghiền. Mỗi ngày Thứ Năm, tôi chờ xấp flyers quảng cáo thảy trước cửa nhà để lật qua một lượt tìm món "sale" trong tuần. Hỏi chồng chợ gì, ở đâu bán món gì rẻ, chồng rành sáu câu. Hỏi vợ, vợ nói "Hổng biết!" 

 Ngày xưa còn trẻ “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, tôi cũng ăn nhậu tưng bừng. Bây giờ nhắc tới mà chảy nước bọt, nhưng thân già phải lo kiêng cữ thức ăn mỡ màng, thật tiếc thay những ngày vàng son ăn ngon thả cửa!

 Vợ tôi ăn uống kiêng cữ triệt để; tôi đi chợ mua thức ăn càng phải vô cùng cẩn thận. Nhưng dù thế nào tôi cũng phải nghe đôi lời phàn nàn vàng ngọc. “Em đã dặn anh đừng có mua sản phẩm của Trung Cộng và Việt Nam; sao anh mua hoài vậy?” Tại không có hiệu của Thái Lan. “không có thì đừng mua.” Không mua thì thiếu. “Chai tương ớt nầy ba ngày nữa hết hạn; anh mua mà không đọc kỹ.” Ngó ba chớp ba nháng lỡ rồi.

 Còn nữa, “Món nầy sao giá mắc quá anh mua làm chi?” Thì tại em ghi trong cái list thì anh mua. “Em chỉ ghi hờ chớ chưa cần gấp. Sao anh không chờ chừng nào nó seo hãy mua?” Bài ca muôn thuở.

 Bây giờ hầu hết các chợ Canada đã khôn ra nên cũng có bày bán một số thực phẩm Á Đông để phục vụ khách hàng da vàng mũi tẹt. Hơn nữa, chợ Tàu hay chợ Việt hầu như cũng có mặt rải rác mọi nơi, đâu đâu cũng có; tôi không cần phải đi chợ xa nữa.

 Cũng may cho chân yếu tôi, mới mùa thu năm rồi, siêu thị Tàu Nations mở một chi nhánh rộng lớn cách nhà tôi chừng một trăm thước. Chủ siêu thị này khôn, theo quan niệm mới, bán thực phẩm Tây Tàu đủ hết, từ thức ăn sống đến thức ăn nấu sẵn, buffet, có bàn ghế cho khách ăn tại chỗ, có phòng tiệc và phòng chơi ghêm điện tử giải trí nữa. Tuy chợ rất gần nhà, đi tay không khơi khơi thì được, có đồ đạc nặng làm sao tôi xách nổi, nhất là vào mùa đông ngoài trời lạnh lẽo. Hồi trước tôi còn khỏe khác, bây giờ tệ lắm rồi, tôi lái xe qua đó cho chắc ăn.

 Chợ này đặc biệt có hai tầng. Tôi đậu xe ở tầng trệt kín, không sợ xe bị mưa hay tuyết phủ. Tôi lấy xe đẩy, dùng thang máy rất rộng để lên chợ ở tầng trên. Chợ như một cái Mall, trung tâm mua sắm, rộng thoáng sáng trưng. Khỏi chê.

Inline image

***
Nhớ lại hồi mới chân ướt chân ráo đến Toronto, Mít tôi cũng hay đến tiệm bách hóa Honest Ed’s - mà người Việt quen gọi là Chợ Ba Tầng - để mua sắm. Vui ghê. Phe ta rất thích vì cái vẻ bình dân gần gũi của nó. Diện tích tổng cộng 160,000 ft vuông thế mà vẫn chật vì khắp nơi đều ngập tràn hàng hoá và hàng hàng lớp lớp người đi mua sắm. Mỗi buổi sáng chưa đến giờ mở cửa mà dân nghèo đã sắp hàng rồng rắn trước địa chỉ số 581 Bloor St. West để chờ xô cửa ào vào chộp mua trước theo kiễu lẹ tay thì còn chậm tay thì mất vì số lượng hàng đại hạ giá có giới hạn. Cá hộp tuna 170 ml. 10 xu, bánh mì xắt lát "sandwich" 10 xu một ổ, bịch đường cát trắng Redpath 2 kg. 25 xu, rẻ quá trời. Vậy mới gọi là "door crasher". Cửa sắt thật chắc chắn như cửa nhà thờ mới chịu nổi. 

 Ðó là một thắng cảnh tiêu biểu của thành phố Toronto đó bạn ơi. Nếu bạn có dịp đi ngang qua cái địa chỉ 581 đường Bloor góc Bathurst đó thì 23,000 bóng đèn nhấp nháy chạy viền bảng hiệu cửa tiệm ngày cũng như đêm sẽ đập vào mắt bạn khiến cho bạn chú ý nhìn châm bẩm. Và hình ảnh đó cũng giống như rạp Radio City ở thành phố New York không dễ gì xóa bỏ khỏi trí nhớ bạn.
 Ngoài ra tiệm còn có những câu quảng cáo mộc mạc đọc lên nghe rất dí dỏm vừa buồn cười vừa dễ thương hết sức như "Our Building is a dump! Our Service is rotten! Our Fixtures are orange crates! But!!! Our Prices are the lowest in town! Serve yourself and save a lot of money!" "Honest Ed is for the birds … cheap, cheap, cheap." "Don't just stand there...Buy something!" "Welcome, don't faint at our low prices, there's no place to lie down."… và còn nhiều câu hay lạ khác nữa, cứ lâu lâu được thay đổi bên trong các cửa kính bày hàng ở mặt tiền đường Bloor.

 Honest Ed's của Toronto được ví như các cửa hàng danh tiếng Macy's của New York, Harrods của London và Marshall Fields của Chicago vậy. Tiếc là cửa hàng này đã đóng cửa vĩnh viễn ngày cuối năm 2016.

 Các bạn có biết tại sao Chân Yếu tôi đi chợ mà không ngán không? Tại vì có cái xe đẩy; CY tôi vịn tay đẩy đi không sợ té. Xe đẩy của chợ Tây muốn lấy xài chỉ cần bỏ trước 25 xu như chợ No Frills, Food Basics, Freshco; các chợ khác như Wal-Mart, Metro, Loblaws thì không cần bỏ tiền xu. Xe đẩy tiệm Costco cũng xài không tốn tiền. Gia đình tôi thuộc diện “thiểu số” cho nên tôi không làm thẻ hội viên Costco. Xe đẩy của các siêu thị Tàu phải bỏ một đồng.

 Tuy tôi có giấy phép đậu xe dành cho người tàn tật, nhưng tôi thích đậu xe gần chỗ để xe đẩy rất tiện. Lấy một cái xe đẩy vịn tay đẩy đi ro ro; mua xong trở ra chất đồ vô cốp xe nhà rồi trả xe đẩy shopping cart gần kế một bên.

 Một điều tôi để ý là càng ngày số lượng người dùng giấy phép đậu xe vì lý do tàn tật càng nhiều. Mình người Việt với nhau quen dùng chữ “tàn tật” cũng không sao, nhưng với khuynh hướng cái gì cũng phải “politically correct” (đúng đắn về chính trị), chữ “handicap parking permit” đã được đổi lại là “accessible parking permit”, giấy phép đậu để xe ra vô cho dễ, không nhắc đến chữ tàn tật nữa. 

 CY tôi ít khi đi chợ trời chỉ nhóm họp trong hai ngày cuối tuần. Các chợ này thường chật hẹp đông đúc, tôi chân yếu đi lạng quạng vô đó lỡ té nhủi làm đổ bể đồ đạc của người ta thì khổ.

 Toronto cũng có dịch vụ nhận đặt hàng trực tuyến và giao thức ăn tươi tận nhà, nhưng tôi cù lần chưa theo kịp trào lưu tiến bộ. Biết đâu tới chừng cúp bình thiếc không còn được phép lái xe nữa, tôi cũng phải đặt giao thịt cá rau cải tận nhà thôi. Chừng đó tôi sẽ nhớ bài ca muôn thuở.

 PH-HCA