Trời
giữa Thu, lá đã vàng và đang thi nhau rơi rụng. Mây buồn giăng ảm đạm, mưa bão
đổ tơi bời. Từng cơn gió xoáy cuộn đám lá vàng lùa vào góc giậu, góc hiên
nhà... Thu vàng đẹp nhưng buồn ảo não.
Mấy
ngày nay trong người tôi uể oải không muốn làm chuyện gì, ngồi đâu là thừ ra đấy.
Hàng tá việc phải lo để chuẩn bị cho mùa Đông cũng mặc, cứ thờ thẫn trầm tư.
Không phải do ảnh hưởng của mùa màng thời tiết, mà do lòng tôi đang trĩu nặng ưu
phiền...
Chúng
tôi gặp nhau khi mới định cư, quen nhau từ dạo còn là thanh niên trai tráng. Những
đêm đô thành men đắng ngập tràn, đắm đuối nhìn về quê hương mà lửa hờn uất nghẹn,
tay trong tay từng thề giữ vẹn lòng son...
Nhà
tôi và nhà anh ở hai đầu thành phố, cách nhau nửa tiếng lái xe. Xa không xa mà
gần cũng không gần. Vì cuộc sống, vì công ăn việc làm, gia đình ai cũng có chuyện
phải lo, mỗi năm chúng tôi còn gặp nhau được đôi ba lần những khi hội hè, giỗ,
Tết. Nói chung thì tình nghĩa anh em chúng tôi luôn khắng khít, hai gia đình vẫn
gắn bó không rời...
Vợ
tôi than, bản thân tôi hà tiện phát khiếp, mà đổ nước tưới cỏ lại phí phạm vô
cùng. Nói nào ngay, thấy cỏ cháy tôi thương tôi xót, thấy nhẫn tâm, bồn chồn
ray rứt không chịu nổi. Mà nắng hè Canada phải biết, một tuần quên không tưới
là cỏ cháy xạm gốc luôn.
Lịch
trình dùng nước ngoài trời như rửa xe, tưới cỏ... trong mùa hè giới hạn cách nhật
tùy thuộc vào số nhà, nhà số chẵn sử dụng ngày chẵn, nhà số lẻ dùng nước ngày lẻ.
Nhà tôi số lẻ, nhà anh số chẵn, nên nguyên mùa hè tôi chăm lo tưới cỏ, đuổi bướm,
hái hoa..., vui thú điền viên mỗi chiều tà!
Ngày
anh về, vợ chồng tôi nấu sẵn một nồi phở thật to để vợ chồng con cái anh về có
sẵn mà ăn, hôm sau dậy khỏi cần lo nấu nướng.
Dĩ
nhiên anh chị vui vẻ cảm ơn chúng tôi rối rít, vợ anh vừa trách khéo chồng, vừa
khen khéo lấy lòng tôi rằng: “Chưa bao giờ vườn cỏ nhà mình tươi tốt và đẹp như
năm nay, lối xóm ai cũng tấm tắc khen ngợi, trông xanh mướt cứ như sân golf
không bằng”. Anh cười giỡn: “Muốn sân cỏ đẹp thì mỗi năm mỗi về Việt Nam chơi”,
ý là để tôi chăm sóc thì cỏ sẽ xanh đẹp. Anh chị biết tôi chăm tưới, nhưng đâu
biết rằng tôi đã bỏ tiền túi rải fertilizer (phân bón cỏ) hai lần.
Tôi
gửi lại chiếc chìa khóa nhưng anh không nhận, anh bảo tôi giữ lấy phòng khi anh
chị nhờ bất tử khỏi mất công đưa tới đưa lui. Anh làm tôi cảm động nước mắt
đoanh tròng. Tính tôi cả nể lại ưa lo xa, sợ không chu toàn trách nhiệm. Anh chị
về rồi, tôi dở chiếc tủ đứng trong phòng ngủ lên, nhờ vợ tôi nhét chiếc chìa
khóa xuống dưới gầm tủ. Tôi giấu chiếc chìa khóa như một bảo vật, sợ thất lạc,
rủi kẻ gian vớ được vô mở cửa nhà anh ăn trộm thì tôi không biết ăn nói ra sao...
Mấy
tuần sau đi chợ Việt Nam, vợ tôi đứng lựa đồ trong góc kẹt không biết chị vô hồi
nào. Chợt nghe tiếng chị than với người quen đi chợ rằng: “Không biết làm gì,
nhà không ai ở mà tháng nào cũng trả bốn năm chục tiền nước đau cả bụng”. Vợ
tôi đứng chết trân không dám chường mặt ra, đành lẩn trốn chờ cho chị đi chợ
xong ra về trước.
Tuần
rồi nghe đứa con đi học về nói, con anh khoe anh kêu thợ tới thay hết ổ khóa vô
nhà. Tôi nghe mà bàng hoàng như sét nổ bên tai. Thầm mong sao cho ông Trời sập ngay
tức khắc, để cho tôi khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nghĩ, khỏi buồn... Ôi! Cuộc đời
sao lại trái ngang, người lại nỡ đem xát muối tim gan người cho đành đoạn?
Tôi
trông chờ cho mau đến cuối tuần, giả vờ đi công chuyện ngang, tiện đường ghé
thăm anh bất tử, tôi muốn biết có thật anh đã thay ổ khóa vô nhà? Đến nơi không
thấy cả xe anh lẫn xe chị, tôi vẫn vờ đứng gõ cửa bấm chuông. Nắm trong tay ổ
khóa còn nguyên mùi mới bóc, tay run run tôi móc chiếc chìa khóa của anh ra, tra
vào ổ khóa để chắc rõ thiệt hư hư thiệt thế nào.
Trở
về nhà ngồi nói chẳng nên câu, tôi mâm mê chiếc chìa khóa của anh trong tay, lòng
ngẩn ngơ không biết mình sẽ làm gì với nó. Vất vô sọt rác ư? Hoặc bỏ bao thư gửi
bưu điện trả về anh? Hoặc xỏ dây đeo vào cổ giữ làm kỷ vật?
Tháng
11, 2011.