Tuesday, 24 April 2018

Cái chết của Martin Luther King và cái lưỡi của Chu Ân Lai - Nguyễn Ngọc Giao

Hôm nay là ngày 4 tháng 4 năm 2018. Cách đây đúng 50 năm, mục sư Martin Luther King (MLK) đã bị ám sát tại Memphis. Cuộc đời hoạt động và cái chết của ông đã đi vào lịch sử như những cái mốc, những chặng đường của cuộc đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc, bình đẳng xã hội, cho hoà bình. Cũng đã đi vào lịch sử câu nói nổi tiếng của ông : "Tôi có một giấc mơ...". 

Năm mươi năm sau, một người cùng chiến đấu với MLK, mục sư Finley Campbell, 83 tuổi, trả lời phóng viên báo Le Monde (số đề ngày 1-2-3/4/2018) ở Chicago, nơi Barack Obama đã "thực tập chính trị" trước khi trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Hỏi về "giấc mơ" của MLK, cụ Campbell nói : « Có hai giấc mơ. Giấc mơ của giới thượng lưu và giai cấp tư sản da đen thì đã thành công m mãn. Còn đối với giai cấp lao động, thì mơ vẫn hoàn mơ ».
Tất nhiên, những "giấc mơ" 1968, hoặc chưa thực hiện, hoặc mới chỉ được thực hiện một phần, hoặc đã trở thành hiện thực, nhưng với những hậu quả và hệ quả không mấy tốt đẹp. Nói tới mặt trái của tấm huân chương, không phải để phủ nhận hay làm giảm giá trị những thành quả đã đạt được, mà để cùng nhau nhận thức những việc, to lớn, còn phải làm.
Nhân ngày 4-4, chúng tôi xin đăng lại một bài viết đã công bố trên mặt báo này cách đây hai năm.
Chúng tôi đến khách sạn Itoya ở Kyoto vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 4-2016, cô tiếp tân mời ngồi đợi đến 3 g chúng tôi mới có thể lấy phòng. Uống ly cà phê đá, tôi tò mò nhìn ngăn sách mà du khách có thể mượn đọc, thấy có cuốn Martin Luther King của Godfrey HODGSON xuất bản năm 2009 (nhà xuất bản Quercus, London).
Chợt nhớ mục sư King bị ám sát vào đầu tháng 4 năm 1968 (ngày mồng 4), thấm thoát gần đúng 48 năm, tôi đọc ngay mấy chương cuối :
* Sáng chủ nhật 31.3.1968, mục sư Martin Luther King (MLK) giảng ở nhà thờ lớn St Alban, Washington. Buổi tối, tổng thống Lyndon B. Johnson (LBJ) đọc diễn văn truyền hình, ra lệnh cho không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam (chính xác hơn : phía bắc vĩ tuyến 20), kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận « sớm thương lượng ». LBJ cử đại sứ A. Harriman thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ gặp đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bất cứ lúc nào tại Geneva hay địa điểm nào mà Hà Nội chấp nhận.
* Ngày thứ tư 3.4.1968, Chính phủ VNDCCH nhận « tiếp xúc » với Mỹ để đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom và oanh tạc miền Bắc Việt Nam, chấp nhận đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Cùng ngày, MLK bay tới Memphis để ủng hộ cuộc đấu tranh của người da đen công nhân vệ sinh và chuẩn bị « Cuộc vận động của Người Nghèo » (từ năm 1966, MLK liên hệ cuộc đấu tranh đòi bình quyền của người da đen ở Hoa Kỳ với cuộc đấu tranh của Thế giới thứ ba, với cuộc chiến đấu của Việt Nam). Máy bay chậm 1 giờ vì báo động đánh bom, đồng thời có lời doạ ám sát mục sư. MLK tới ở khách sạn (motel) Lorraine, khu phía nam Memphis. Buổi tối, ông đọc một bài diễn văn, mà G. Hodgson gọi là « một trong hai ba bài diễn văn đáng ghi nhớ nhất trong đời mục sư ». Đây là một trích đoạn :
« Vâng, tôi không biết rồi đây sẽ ra sao. Trước mắt chúng ta là những ngày khó khăn. Nhưng tôi không quan tâm bởi vì tôi đã trèo lên đỉnh núi. Tôi không quan ngại gì nữa. Như bất cứ người nào, tôi mong được sống lâu. Tuổi thọ là điều quan trọng. Nhưng bây giờ tôi không quan tâm tới điều đó nữa. Tôi chỉ muốn làm theo điều Chúa dạy. Và Chúa đã cho phép tôi trèo núi. Và tôi đã nhìn thấy phía trước. Tôi đã trông thấy Miền Đất Hứa. Có thể tôi sẽ không đặt chân tới cùng với các bạn. Nhưng tối nay, tôi muốn nói với các bạn là chúng ta, Nhân Dân ta, sẽ đi tới Miền Đất Hứa ! Và tối nay, tôi rất hạnh phúc. Tôi không còn lo lắng điều gì nữa. Tôi không còn sợ kẻ nào cả. Mắt tôi đã được thấy vinh quang Đức Chúa đang tới ! ».
Chưa đầy 24 giờ sau, chiều ngày thứ năm 4.4.1968, khi mục sư MLK đứng trên ban công khách sạn Lorraine với mấy người bạn, một viên đạn bắn xuyên qua cuống họng ông. Sát nhân bị truy tố là James Earl Ray, một tù nhân vượt ngục, và từ nhiều tuần trước, đã đi theo mục sư trong suốt lộ trình của ông. Cũng như mấy nhân viên FBI có nhiệm vụ bám sát MLK đứng dưới sân khách sạn, đã chứng kiến cái chết của mục sư (mọi người đều biết Edgar Hoover căm thù MLK tới mức nào, coi ông là « cộng sản » hay « bị cộng sản lèo lái », và đã ra lệnh nghe trộm điện thoại 24g/24g, theo dõi mọi hành tung, kể cả những cuộc tình ngoại hôn). 31 năm sau, toà án hạt Shelby (bang Tennessee) quyết án cái chết của MLK là kết quả của một « âm mưu » nhưng không nêu rõ kẻ chủ mưu là ai, có phải CIA và FBI hay không, như gia đình mục sư khẳng định.
Sở dĩ tôi muốn tìm hiểu thêm về cái chết của mục sư MLK vì nhớ mang máng câu nói của Thủ tưởng Chu Ân Lai. Tìm lại hồ sơ « Những cuộc gặp của lãnh đạo Trung Quốc với lãnh đạo của các nước Đông Dương » do Trung tâm Wilson công bố, chúng ta thấy, trong cuộc gặp Chu Ân Lai – Phạm Văn Đồng ngày 13.4.1968, thủ tướng Trung Quốc trách chính phủ VNDCCH 10 ngày trước đó đã « vội vã » đáp ứng đề nghị của tổng thống LBJ, như vậy là « thoả hiệp ». Không những thế, ông Chu còn liên hệ với « cuộc ám sát Luther King ngày 4 tháng 4, một ngày sau khi các đồng chí ra tuyên bố. Giá dụ như các đồng chí ra tuyên bố chậm một hai ngày thì có thể cuộc mưu sát bị ngăn chận » [bản tiếng Anh : « Had your statement been issued one or two days later, the murder might have been stopped »]. Như vậy là qua phát biểu của Chu Ân Lai, VNDCCH chấp nhận « tiếp xúc » với Mỹ là « thoả hiệp », lại chấp nhận « vội vã » khiến cho mục sư MLK bị giết !
Khó có thể tưởng tượng được rằng một nhà chính trị và ngoại giao xuất chúng như họ Chu lại có thể ăn nói hồ đồ, cãi chầy cãi cối đến mức ấy.
Quả là khó tưởng tượng nếu ta quên đi bối cảnh mùa xuân năm 1968, tình hình Mỹ và chính sách của Trung Quốc.
Cuộc tấn công «Tết Mậu Thân 1968» — cho dù là một thất bại chiến thuật nặng nề về quân sự — đã mang lại một kết quả chiến lược to lớn: nó đã bẻ gãy ý chí chiến lược của chính quyền Hoa Kỳ, buộc Nhà Trắng phải bắt đầu « xuống thang » (tất nhiên, phải mất thêm gần 5 năm và một đời tổng thống nữa, Mỹ mới xuống đến nấc áp chót, và hai năm nữa, đại sứ Mỹ Graham Martin mới cuốn cờ và ra đi bằng máy bay trực thăng). Bài diễn văn ngày 31.3.68 của LBJ cho thấy rõ sự bẻ gãy ý chí đó. Chỉ có điều, nó làm cho chủ trương « đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng » của Mao Trạch Đông bị hẫng hụt. Bắc Kinh không muốn Việt Nam bắt đầu thương lượng với Mỹ, vì Bắc Kinh chưa đủ « chủ bài » để làm ăn với « đế quốc số 1 ». Với tính toán của Mao, phải vài năm nữa, Trung Quốc giao chiến một trận với « đế quốc số 2 » (ở sông Ái Tình (!)) thì thế « tam quốc » mới hình thành trên thiên hạ, và Mao mới có thể bắt tay Nixon (và hơn 10 năm sau, Đặng mới chính thức liên minh với Mỹ, nhận làm NATO phương Đông để « dạy cho Việt Nam một bài học »).
Hai chữ « vội vã » của Chu Ân Lai chính là như vậy. Khi phía Việt Nam nhẹ nhàng trả lời rằng mình chỉ « học » Trung Quốc, « vừa đánh vừa đàm » đó thôi, thì ông Chu cũng hơi cứng họng, chỉ còn cách cãi chầy cãi cối với cái chết của mục sư M. L. King.

Nguyễn Ngọc Giao