Tuesday 24 April 2018

Đêm Chính Khí - Nguyễn-Xuân Nghĩa

Dẫn: Sau khi vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương để chống quân Pháp thì tháng Giêng năm Giáp Tuất 1874, tỉnh Nghệ An có hai người Tú Tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội các văn thân trong hạt, truyền hịch “bình tây sát tả” rồi kéo nhau đi đốt phá các làng theo đạo Thiên Chúa Giáo. Sử viết như vậy. Nhưng thế rồi không hiểu sao, người dân theo đạo lại không thấy họ vào đập phá nữa. Một số người am hiểu kể lại rằng bị giặc đuổi từ Hà Tĩnh về tới Kinh, đêm đó họ có lẻn vào một ngôi chùa. Phải chăng, họ đã nghe thấy chuyện này - từ một người trong cuộc?
****
Bình nhật, khi gia hình, bọn lính thường chúc ngọn côn xuống để đầu côn chấm đất cho tội nhân bớt đau.
Cũng chỉ là những tên nhà nông quanh vùng, đứa đói quá nổi loạn, đứa tòng quân nhập ngũ, lãnh được ít gạo hẩm của triều đình về nuôi vợ nuôi con, hành nhau làm chi quá tay? Nhưng, lần này, riêng với gã, rõ là bọn lính đang ra đòn thù. Năm mươi trượng được nện xuống tận tình, máu văng tung toé cùng mồ hôi và những mảnh vải cáu bẩn của manh áo rách che lưng. Những mảnh vải bay lên tơi tả như cánh bướm ma trong khi bọn lính canh liếc nhìn viên suất đội đứng gật gù trên kia.
Chúng vừa thở vừa đếm vừa chửi thề với sự thô bạo dễ ghét.
Gã thấy đau thấu xương. Bậm răng vào môi đến rướm máu, gã cũng lẩm nhẩm đếm số roi với vị máu mặn chát trong miệng. Gã không khỏi cười gằn trong dạ khi bọn lính thở rốc rồi xốc gã đứng đậy. Cây gông nặng mấy chục cân và chùm xích lòi tói kêu rổn rảng như tiếng cười đắc thắng của gã. Xong.
Nhưng, gã sẽ còn bị hành hạ tàn nhẫn hơn nữa, đúng như dự đoán.
Dám ngoéo chân gạt tên suất đội xuống bùn và nhẩy xuống thụi hắn như vậy thì đúng là chọc giận cai ngục. Bị năm mươi hèo và tống lên chuồng trọng tội là phải. Gã chập choạng bước lên thang trong khi tên lính canh cố tình trì kéo sợi dây xích để cái gông xiết vào cổ gã, như muốn lôi ngược gã xuống. Trò quái ác này, làm sao gã không biết.
Nhưng gã không giận, không hờn. Gã thấy hớn hở như thời trai trẻ được vào hội Xuân vậy.
***
Ngày xưa, ở ngoài đời, không ai dám cư xử với gã như vậy.
Suốt một dọc từ Văn Xá lên Tân Sở, không ai không nghe đến gã. Một tay chọc trời khuấy nước, nửa dân nửa lính, chữ nghĩa lõm bõm mà thủ đoạn giang hồ lại chẳng thua ai. Quỷ thần kinh mà quan binh cũng khiếp. Trong giới lục lâm làm giặc quanh Kinh Đô, gã là tay đáo để chẳng ai bì.
Rồi sự việc trước xảy ra cũng tình cờ thôi.
Năm Nhâm Tuất đó, gã ngụy trang hành khất, đi vào thành tìm hiểu ngõ ngách đột nhập khám đường. Gã có mấy tay em lâm nạn, lại ngang ngược muốn thân chinh giải cứu. Tới đấy, gã được bất ngờ chứng kiến cảnh quân binh hành quyết bọn tả đạo khi trời vừa rạng sáng.
Trên bãi trống ngoài hào thành, lũ người nhấp nhô như quỷ hiện hình dưới ánh đuốc lùng bùng chưa đủ sáng. Hai chiếc lọng nghiêng ngả cho biết có quan lớn tới củ soát việc hành quyết. Mấy tên đao phủ chân đất, quấn xà cạp bẩn, tuốt gươm trần đứng bên các tội nhân, đứa nào cũng có vẻ uể oải chán chường. Nhưng khi chúng múa thanh quất chém xuống thật gọn thì gã mới bật kêu kinh ngạc.
Nhìn đám tội đồ bị trói giật cánh khuỷu cổ vươn lên chịu chém, miệng mở lớn hát mừng Đức Chúa Trời của họ, gã thấy mình há hốc bàng hoàng đếm những cột người lần lượt đổ: gã chẳng biết sợ trời sợ đất, chẳng kiêng kỵ bất kỳ điều gì. Nhưng, những đôi mắt vàng ệnh thất thần vì đói bệnh của đám tội đồ đã làm gã giật mình.
Những tội nhân đó, trước khi chết, có phản ứng thản nhiên lạ kỳ. Mắt họ như sáng hơn, họ hát với vẻ thành kính như những mụ già lễ chùa đầu Xuân vậy. Miệng họ như mỉm cười hài lòng, và mỗi nhát gươm đưa đầu lìa khỏi cổ và một thân hình gục xuống thì tiếng hát lại cất cao hơn một chút. Tiếng hát nổi lên trầm bổng khác thường, vượt ra ngoài, vươn lên trên những lời tuyên đọc dõng dạc của viên quan phụ trách việc gia hình.
Họ như xuất thần và đã sống trong một thế giới khác ngay trước khi thọ hình.
Trời lạnh căm căm. Những bó đuốc nhợt nhạt soi ánh gươm lấp loáng nhịp theo cái đầu bật khỏi cổ, rơi ngược ra sau. Máu tuôn thẳng lên trời thành vọt đen xẫm, đổ xuống các vạt áo nâu rách rưới. Họ tìm đến cái chết như một sự giải thoát, như người ta tìm về nhà.
Tất cả, có hai mươi hai người tả đạo đã bị hành quyết sáng hôm đó. Khi ánh sao cuối cùng bị nhòa trong trời hừng sáng thì tiếng cầu kinh cuối cũng bị cắt ngang bởi thanh quất và thân người tử tội sau cùng rướn lên như muốn theo kịp các đồng đạo đã chết.

***

Gã từng thấy cảnh giết người mà không nháy mắt. Việc đào tường khoét vách hồi trẻ, rồi lớn lên cầm binh khí trổ nóc nhà rượt đánh binh triều là việc cơm bữa của gã. Cái chết của người, hay của chính gã, chưa bao giờ làm gã bận tâm.
Nhưng, đám dân Gia Tô bị hành quyết này lại gan lỳ hơn tất cả những kẻ gan lỳ nhất. Họ tin vào một sức mạnh nào đó còn to tát hơn và đáng sợ hơn những đường vòng của thanh quất chém đứt đầu từng người.
Sức mạnh đó là cái gì?
Gã rời pháp trường lủi thủi ra khỏi cửa An Hoà, trở về sào huyệt mà suy nghĩ mông lung. Con người không biết sợ là gì bắt đầu có những băn khoăn day dứt. Bọn tả đạo này cũng chỉ là dân làng An Ninh, nơi gã từng ghé qua nhiều lần. Họ tin vào một ông Vua Cả nào đó ở trên Trời còn có quyền uy lớn hơn Dực Tông Hoàng đế nữa...
Hai tháng sau, giải cứu xong cho đồng bọn, gã phân chia của cải, nhắn gửi anh em rồi bỏ đi.
Gã đã gặp một đạo trưởng Gia Tô nói tiếng trọ trẹ miền Cửa Thuận, cũng gốc ngư dân cục mịch như gã thôi. Gã hỏi chuyện, rồi tìm hiểu, rồi lặng thinh nghe lời giảng dạy. Gã trở nên một kẻ tả đạo mới đã hơn mười năm rồi.
Gã nhập đạo sau khi hiểu ra cái lẽ huyền bí khiến những tín đồ của Chúa sẵn sàng thọ hình trong sự an nhiên bình thản. Đời sống này quả bất công thiếu tình. Trên cõi Địa Đàng, những người con của Đức Chúa Trời sẽ được đối xử khác. Nhưng, phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời... Đức tin đó đã mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời thảo dã đầu trộm đuôi cướp của gã.
Thiên đường của đức Vua Cả trên Trời tràn đầy bác ái đã có sẵn một chỗ cho những con người xấu xa như gã. Miễn là gã biết tuyệt đối tin vào trái tim bác ái và những ân sủng rạng ngời của Người.
***
Cũng vì vậy, giờ đây, gã đang bị giam trong Khám Đường.
Triều Dực Tông, cùng với những đợt thất trận liên tục, từ Lục tỉnh Nam Kỳ ra đến Hà Nội, việc cấm đạo đã bớt khắt khe hơn mấy chục năm thời Thánh tổ Minh Mệnh về trước. Gọi rằng bớt là khi so sánh thôi, chứ mấy cái Dụ Cấm Đạo đó cũng ác độc quá quắt. Từ các đạo trưởng trở xuống, dân tả đạo không còn bị chết chém, nhưng bị thích chữ vào mặt và bị lưu đầy khỏi xứ. Gã không bị chết chém, nhưng vì nóng nẩy xô đẩy mấy tên lính xúc phạm đạo trưởng khiến chúng sặc máu nên bị giam cấm cố trong khám.
Chúng mà biết tên ngư dân tả đạo hung hăng này lại chính là đầu sỏ bọn lục lâm Văn Xá mươi năm trước, chắc đã đem gã ra pháp trường từ năm Ngọ đó rồi. Gã nhà quê vạm vỡ, chuyển nghề ăn trộm, rồi học nghề võ, biến thành ăn cướp và hoàn lương thành con chiên của Đức Chúa Trời này chẳng bao giờ sợ chết cả.
Nhưng chết để vinh danh Chúa ở trên Trời mới là đáng chết. Chứ chết về tội bạn nghịch chống lại quan binh ở Kinh Đô thì thật không đáng. Chúng chẳng tra xét lý lịch cho ra ngọn ngành. Vả, cũng chẳng cần, vì gã đã cúi đầu nhận mình là kẻ theo đạo và hàng ngày vẫn quỳ gối cầu kinh. Chỉ tội đó cũng đã quá đủ...
Hôm nay, ở giữa Khám Đường, sau khi lãnh 50 côn thừa sống thiếu chết, gã lại có vẻ vui hơn mọi ngày mới kỳ chứ!
Chỉ vì những gì gã toan tính nay đã thành. Gã được đưa lên khám trên. Sự việc trước là việc gã vào đạo, rồi nhập khám. Đây là sự việc sau.
***
Từ khi vào khám, hai năm về trước, gã đã để ý đến khu trọng cấm.
Rặt những trọng phạm bị xiềng quanh năm ngày tháng, hay những tên tử tù đợi ngày bị điệu ra pháp trường xử chém. Gã chỉ nghe nói thôi, chứ có bao giờ được nhìn thấy họ đâu? Cũng từ khám trên, gã loáng thoáng nghe bọn tù kể lại cho nhau với vẻ e sợ những sự lạ xảy ra trong khu biệt giam trọng cấm. Gã càng tò mò khi hàng đêm gió hú từ trên đó vọng xuống, nhòa trong tiếng rên rỉ oán hờn của đám tử tù than khóc nguyền rủa bọn lính Hùng Nhuệ canh giữ Cửa Tây và Khám Đường.
Là người có đạo, gã chẳng còn mê tín như dân lương. Gã không tin gì ở chuyện ma quỷ. Nhưng đêm đêm, khi gió lạnh thổi xuống, nghe tiếng người rên khóc trên khu trọng cấm văng vẳng quanh hàng cột, gã cũng thấy lạ lạ trong người. Cho đến ngày được bắt qua đội tu sửa trại trên, gã mới được biết đầu đuôi câu chuyện. Mươi năm về trước, đám thủ hạ của gã từng bị giam trong trại thường phạm thì có biết gì đâu mà kể cho gã.
***
Khám Đường nằm trên một khu đất vuông góc Tây Bắc, giáp các cửa An Hoà và Chánh Tây của Hoàng Thành. Bốn hướng đều có tường cao che bọc kiên cố, chung quanh có hào sâu, ngoài cùng là những bụi tre già đan gai dày đặc, chim chóc qua không lọt chứ đừng nói đến người ta.
Vào Khám, chỉ có một cửa hướng Đông-Bắc đêm ngày được canh giữ nghiêm mật. Qua cửa là phải bước lên một cây cầu con bắc ngang hào có lính canh hai đầu. Ngồi thu lu trong khám, gã đưa tay vuốt gò má sần sẹo mà nhớ lại từng bụi cây lùm cỏ ở bên ngoài. Gã thuộc địa hình địa vật của cái khám này như thuộc đường vào cổng làng khi xưa vậy.
Qua cửa khám, người ta phải vượt chòi canh và vòng qua dãy nhà của bọn lính mới tới khu giam tù. Bọn lính canh là những tên vạm vỡ được tuyển từ một trong năm vệ của binh Hùng Nhuệ triều đình, đứa nào cũng lỳ lợm táo tợn như binh Thanh Nghệ ngoài kia. Viên suất đội hách dịch chính là đứa đã bị gã tự nhiên nổi điên quét một đòn chân ngã lăn xuống rãnh chiều qua đấy. Vừa đủ để thành trọng tội, nhưng cũng không quá nặng làm gã bị thọ hình xử trảm vào mùa trăng tới.
Trọng tội là những tên phản nghịch đầu đảng mà chưa bị chết chém, hoặc nhờ có gia đình bên ngoài lo lót, hay vì quan trên còn tra khảo lấy cung để dò thêm tông tích. Vào đến nơi đó thì chẳng còn ai ra. Thản hoặc có ra thì cũng chỉ ra tới bãi ruộng bên ao hồ ngoài bờ thành mà thôi. Nơi đó là pháp trường xử chém.
Gã đã cân lường thật đúng, nên được đưa vào dãy trọng cấm của những loại tội nhân phi thường này.
Dãy trọng cấm nằm khá cao ở sát tường thành phía Tây, đi vào phải vượt qua ba gian giữa, dành cho những tên nhẹ tội hơn. Nhẹ nhất, ở gian ngoài là dãy chòi giam giữ những tên dân đen thường phạm là loại như hắn, cho đến sáng nay. Nặng hơn một chút là vào dãy trong, dành cho các viên quan cấp nhỏ và những tên tả đạo bị bắt quả tang rao truyền lời Đức Chúa mà trốn để khỏi bị thích chữ lên má. Trong cùng là dãy lều tiếp giáp với khu trọng cấm, dãy "quan viên" như bọn tội nhân thường gọi. Đây là nơi giam giữ những tội phạm thời trước đã từng có chức phận trong triều.
"Hình bất thướng đại phu".
Bọn có chữ thường nói vậy, để bảo là tội hình không lên tới các quan đại phu. Nhưng, thời nay loạn lạc từ trên chí dưới, nhất là sau vụ Hồng Bảo và vụ xây lăng Vạn Niên, thì chí đến các quan cũng có người làm loạn, và bị giam theo kiểu quan. Chặt chẽ hơn, gay gắt trì chiết nhiều hơn là đám thường phạm ở ngoài.
Vả lại, thời nay vật đổi sao dời.. Hôm trước là tướng ngoài biên ải hay quan ở giữa triều, chỉ cần một tờ sớ đàn hặc vu vơ của quan đồng triều hay một lời tâu bầy không đúng ý Thánh Thượng là hôm sau vào khu "quan viên". Dực Tông Tự Đức vốn hà tiện ban khen nhưng rất rộng ra hình phạt nên khu quan viên nay đã đông như một góc chợ.
Nghĩa là tấp nập tù nhân, nhấp nhổm trong từng khoang của họ.
Cũng nhờ cơn giông lớn tuần trước làm đổ hai dãy kèo trong khu "quan viên" mà gã được gọi lên tu sửa, và làm quen với con cụ lớn Thị Lang họ Đỗ thời Hiến tổ Thiệu Trị, tên là Chương.
Quan Thị Lang dày công dẹp giặc ngoài Bắc Hà, sau vì thua một trận nên bị cách chức về cầy ruộng. Thầy Cử Chương cũng đi học, thi đỗ được bổ đi dạy, lên Giáo thụ được vài năm, rồi đến vụ phản nghịch tại Kinh Đô năm Tự Đức 19 cũng bị liên lụy với "Sơn Đông Thi Tửu Hội", gồm một số quan định lật Dực Tông để đưa con trai Hồng Bảo lên, cho nên bị hạ ngục từ đó đến nay. Dù là chức nhỏ, vì phạm vụ đại nghịch và lại là con quan Binh bộ Thị lang, nên Giáo Chương cũng vẫn vào khu "quan viên" trong tù.
Gã gọi người tù này là Giáo Chương vì kính trọng nghề Giáo thụ của ông trước khi bị nạn thì ít, mà có lẽ vì tư cách và sự hiểu biết của ông thì nhiều. Gã không thích những văn nhân có học đã từng quen biết thời xưa. Riêng với Giáo Chương thì gã có cảm tình đặc biệt. Ông ta là người nói chuyện Ông Vò và Chúa Ngụy cho gã, khiến gã lãnh 50 hèo để được leo lên khu trọng cấm kể từ hôm nay.
Ông là một người tù vẫn giữ vẻ bình thản trong số tội nhân sang cả ở trên khu này.

***

Tiếng là sang cả, chứ dãy quan viên cũng được dựng lên như hai dãy dưới.
Cả ba dãy đều là những gian nhà sàn hai tầng. Tầng dưới để trống không vách, được ngăn ô với từng hàng cột, đứng bên ngoài nhìn thấu suốt vào trong. Tầng trên cách mặt đất chưa đầy một sải tay, nhưng có vách, mái lợp ngói và cũng được ngăn ô mà chặt chẽ hơn tầng dưới. Ban ngày, tù nhân mỗi người lom khom ở trong một ô, đứng lên không được vì vai đụng tầng trên, mà nằm xuống cũng không nổi vì mọi người đều phải đeo gông.
Tầng dưới không vách nên nắng mưa gì tù nhân cũng gánh chịu. Ở dãy hai và ba cho các quan nhỏ đến lớn, người ta còn thấy vài manh chiếu rách do gia đình tiếp tế cho tù nhân phòng ngừa mưa lạnh gió lùa, chứ ở dãy cùng đinh, tù nhân toàn là dân đen khèo khốn, họ còng lưng chịu rét mùa Đông và nắng cháy mùa Hè. Cả năm, đạp chân đất đến bị phong thấp như què, lại nửa đứng nửa ngồi cho nên thả ra người nào cũng đi lom khom tựa bầy khỉ.
Riêng ở dãy quan viên, tù nhân còn khó cục cựa hơn vì một sợi dây xích dài luồn qua gông nối người này vào người kia. Làm gì thì cả dãy đều nghe thấy. Quan viên thường quen biết rộng và có uy tín hay vị thế, nên bị canh chừng nghiêm ngặt hơn thường dân, để phòng khi họ liên kết với nhau, rủ bọn lính phá khám làm loạn.
Đêm xuống, lính canh mới rút xích cho từng người leo thang lên khung cửa hẹp chui vào tầng trên, mỗi người cũng có một ô để trú qua đêm. Hàng ngày, tù nhân chỉ chờ kẻng “lên chuồng” như họ thường gọi để được chui lên tầng trên kê đầu vào gông, tựa bên vách và duỗi chân thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhọc, mặc cho đám muỗi trời xà xuống đốt cắn đến mưng mủ phát ghẻ.
Tới sáng, lính canh mới bắc lại thang lên từng trên kiểm soát từng khoang tù rồi điểm danh cho mọi người lục tục "giáng trần", như đám tù chai lỳ thường gọi mỉa như vậy.
***
Sau cơn giông, hàng cột trên dãy quan viên bị đổ mất mấy cái và nhiều cột khác xiêu vẹo ngả nghiêng như sẽ đổ cho nên lính canh mới theo lệnh cai ngục gọi một số tù nhân mạnh khoẻ lên dãy quan viên tu sửa. Gã được gọi ra và được cắt việc đào móng nhổ hàng cột gẫy để dựng lại cột mới.
Khoang tù của Giáo Chương nằm ngay góc Tây Bắc, nơi cột cái bị xiêu, nên Giáo Chương được đặc cách rút xiềng mở gông và phụ bọn tù thường phạm dựng lại cột. Gã quen Giáo Chương vào dịp đó.
Giáo Chương ăn nói ôn tồn nhã nhặn và có vẻ thương người khiến gã có cảm tình từ đầu. Hai người vừa làm vừa bêu việc ra để có thời giờ trò chuyện. Câu chuyện xảy ra mấy tuần trước rồi, mà nghĩ lại gã vẫn thấy như mới nghe đêm qua vậy.
- Tôi nghe tụi lính nó bàn là thầy làm Giáo thụ thời xưa, sao lại phải vào khám này vậy?
- Ôi, chuyện xưa rồi. Mình sinh vào thời hôn quân bất túc thì chẳng gặp họa này cũng bị nạn kia. Bây giờ, nước sắp mất rồi, cái họa chung thì ai cũng hứng chịu hết. Nước sắp mất vào tay Lang Sa rồi, phải chi Người còn sống, phải chi...
- Người? Thầy nói ai? Quan Kinh Lược Sứ?
- Không, chuyện lâu rồi, ta mơ ngủ thôi, bác đừng băn khoăn thắc mắc... Thế ở khám dưới, bác có nghe nói đến Chúa Ngụy hay Ông Vò không?.. Mà chắc là không, ở gian dưới đó, bọn lính nó kín như bưng, làm sao dân biết được. Để ta nói cho bác nghe mà buồn cho vận nước, cho lòng người. Dân ta suy đốn khốn khổ từ lâu lắm rồi, chẳng phải đến đời nay đâu.
Gã nghe chuyện lạ trong khu trọng cấm như vậy, từ lời kể của thầy Giáo Chương.
Cuối năm Nhâm Tuất, 82 năm về trước, Nguyễn Phúc Ánh về tới Phú Xuân, lên ngôi là Gia Long và làm lễ Hiến Phù ở Thái Miếu ngoài kia. Ông sai các quan đào mả Quang Trung Nguyễn Huệ và Thái Đức Nguyễn Nhạc cùng Chánh Cung của Quang Trung lên, lấy hài cốt giã nát rồi vứt đi, lại còn chặt xương sọ giam vào Ngoại Đồ Gia. Điều ghê khiếp là Gia Long nhân danh việc trả thù cho nghĩa lớn, cho chín đời các chúa, cho Miếu xã, để vứt các hài cốt này vào rọ, cho binh lính tiểu tiện vào trước mặt bốn con nhỏ của Quang Trung, rồi đem mấy đứa nhỏ này ra cho voi xé xác.
Ông vua nhỏ Quang Toản cùng ba em bị bắt chứng kiến cảnh hài cốt cha mẹ và bác mình bị giã, bị chặt, bị phóng uế cho tuyệt linh khí rồi chính mình cùng các em phải ngồi vào bàn tiệc ăn kỳ no xong mới bị nhét giẻ vào miệng đặng khỏi chửi, và điệu ra pháp trường trói cho bốn voi xé xác.
Đùi Quang Toản bị xé lòi gân mà cậu ta vẫn ngoái nhìn về giỏ mây đựng hài cốt cha mẹ. Bọn lính dùng dao phanh thân còn lại làm bốn phần cho voi kéo đi, với đùi là năm mảnh, cắm trên đầu cọc treo tại năm góc chợ sầm uất nhất trong Kinh Đô cho đến thối rữa để thị oai với dân chúng. Cả thành ai cũng thấy ghê, trong mấy ngày chẳng ai dám ăn thịt nữa. Rồi còn gia đình nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái mười lăm tuổi cũng vậy. Quan trấn thủ Nghệ An thì bị nặng hơn, bị voi xé xác thành nghìn mảnh....
Mỗi mảnh lớn chưa đầy vốc tay..
Ba mươi năm sau, triều đình bắt thêm được hai con trai và một cháu nội của Nguyễn Nhạc và cũng đem ra chém ngang lưng. Thế là nhà Tây Sơn tuyệt tự chẳng còn ai.
Năm Minh Mệnh thứ hai, cách đây hơn sáu mươi năm, xương sọ của Quang Trung, Quang Toản và Nguyễn Nhạc bị Minh Mệnh hạ lệnh đưa từ Ngoại Đồ Gia ở ngoài kia vào đây. Giam ở trên kia kìa. Ngoại Đồ Gia là Võ Khố thời nay, ngoài phường Liêm Năng đó.
Còn vào đây là vào Khám Đường này. Trên kia là trên khu trọng cấm. Nơi gã thường nghe tiếng tử tù rên khóc cùng tiếng gió hú về đêm.
Trên đó, nhà ngục còn được xây kiên cố hơn, và ba cái sọ người bị đặt trong vò giam cấm cố trong ba ngăn riêng, bên ngoài đóng xiềng cẩn thận, tháng tháng lại có quan từ trên triều xuống kiểm soát xem bọn cai ngục có phong bế hẳn hoi không. Họ còn đưa cả thầy pháp thầy cốt vào làm lễ trù ếm để những di cốt này không phát tác quyền uy linh thiêng làm hại các vua nữa.
Quanh đây, ai cũng sợ khu trọng cấm vì chính bọn lính canh thường đồn là vẫn thấy tiếng trẻ khóc và tiếng người dõng dạc phán bảo như trong triều Ngụy Tây thời xưa vậy. Chẳng biết có đúng không, nhưng tên lính nào bị đổi về khu biệt giam này cũng đều nhang đèn lên khấn vái và xin Ông Vò hay Chúa Ngụy như họ gọi hãy tha cho tội xúc phạm di cốt và phù hộ cho họ không gặp tai họa. Bọn tử tù lên đến đấy ai cũng cầu được triều đình tha chết thoát nạn.

***

- Tôi mà lên đó sẽ không xin thoát nạn mà chỉ xin các ngài vật chết bọn Tây Dương!
Gã tròn mắt nghe Giáo Chương bất ngờ kết thúc câu chuyện bằng tiếng nghiến răng thở hắt cơn phẫn hận. Gã định hỏi lại cho rõ thì thấy người tù cử nhân này nhìn lên nóc nhà ngục của khu trọng cấm và nắm chặt tay gã run lên bần bật. Gã nhìn theo, thấy mình nổi da gà tóc tai dựng ngược.
Trời chiều xám đục, mây đen vần vũ như uất kết không tan trong cơn gió giật liên hồi. Gió lốc giận dữ đất trời muốn thổi bay ngói trại giam. Từ trên nóc nhà ngục, cả hai đều lạnh mình thấy một luồng sáng tuôn thẳng lên trời xoáy qua đám mây đen, tròn như cái tán bạc. Tựa có tiếng nổ trên không và có ai gào thét. Hay chính tai gã đang ù lên vì lạnh?
Gã là người bặm trợn gan lỳ mà lại là kẻ theo đạo, nhưng châu thân lạnh toát dần vì cảnh tượng vừa thấy. Rõ là còn ban ngày ban mặt, cũng chẳng có ma quỷ gì hiện hình, mà gã cảm ra được những chuyện dị kỳ từ trên khu biệt giam đó.
Giáo Chương chợt nhắm nghiền mắt lẩm bẩm điều gì không rõ, một chốc sau mới mở choàng mắt, thầm thì nho nhỏ.
- Nội một năm nữa thôi, khu này sẽ thành bình địa, Tây Dương sẽ xâm phạm Kinh thành và gây nạn lớn. Rồi đây dân tình còn khốn khổ hơn trước gấp bội. Quẻ này thật quá độc, quá xấu...
Gã không dám hỏi gì thêm, nhưng bắt đầu nhớ lại từng chi tiết người tù cử nhân này đã nói về những quy tắc giam giữ trọng phạm trên đó. Gã chợt loé trong đầu một quyết định táo bạo. Không phải là Giáo Chương, người sĩ phu nhiều đăm chiêu về thời thế kia, mà chính gã mới là kẻ sẽ lên đó.
Loài người quả đã phạm quá nhiều tội lỗi. Việc giết hại con trẻ, tru diệt cả một dòng họ sau mấy chục năm chiến thắng, tội đó có khác gì chém người theo đạo, vùi đầu các đạo trưởng xuống đất, chôn sống họ hai chân chổng lên trời, hay bắt họ đạp lên thánh giá để chối bỏ đức tin?
Đã tin ở ngôi Chúa Cả, gã biết là mình chẳng tin gì ở những chuyện quỷ thần như người lương. Nhưng, không hiểu vì sao gã vẫn phân vân suy nghĩ suốt mấy đêm về những việc xảy ra trên đó và về quẻ bói của Giáo Chương. Tổ tiên mình, gã nhớ, đời này qua đời khác cũng còn thờ cúng. Ở trên đó, những di cốt oan nghiệt và mộc chủ của Quang Trung Hoàng Đế đã bị đầy ải hơn tám mươi năm nay rồi. Là người nước Nam, làm sao gã có thể yên tâm khi biết sự thể như vậy? Khi khu Khám Đường này thành bình địa, những cái vò bị niêm phong và xiềng kín trên kia sẽ ra sao?
Gã định vào đây chịu cực hình như một góp phần chịu tội cho những người đồng đạo được tai qua nạn khỏi. Nhưng, đêm nay, gã quyết định mình sẽ vượt ngục. Mà không vượt một mình.
Gã sẽ đem ba cái vò này đi đến nơi thật xa, cải táng lại cho chu tất. Sau đó, ra sao thì ra.
Vì vậy mới có chuyện gã hất viên suất đội xuống rãnh và thoi cho hắn mấy quyền như trời giáng. Được đeo gông lên đó, gã sẽ tính tiếp. Việc gì chứ đào tường khoét vách và trổ nóc vượt thành, gã đã quá quen và còn thừa phong độ dẻo dai để trốn ra ngoài.
Gã chuẩn bị đồ nghề rồi mới thi hành mưu kế.

***

Gã không hay biết rằng bên ngoài, quan Phụ Chính Tôn Thất Thuyết cũng đang mưu tính những chuyện động trời khác.
Trong suốt thời gian đó, gã bị xiềng trên khu trọng cấm. Đêm đêm nghe tiếng chân lính canh kéo thang đi xa, gã luồn tay gỡ gông tháo xích nhanh thoăn thoắt mà không gây tiếng động. Gã chuẩn bị công phu từng mảnh giẻ bọc quanh xiềng và đẩy mộng gỗ tháo gông, gã xoay ngược đòn cái, dùng đầu dẹt như một cái xuổng. Gã nín thở hì hục khoét vữa trải đều lên mặt đất. Mỗi ngày, gã làm được vài tấc để thành một đường độc đạo xuyên dưới chân vách luồn qua ba gian ngục kín ở bên. Gã làm việc cần cù và chậm rãi như một con chuột, con kiến. Cứ gần sáng gã lại phủi vữa trên những mảnh ván rút từ vách tường ra che con đường nhỏ ăn thông qua ba gian ngục thất, trổ ra đến bờ tường bên ngoài. Những phần vữa còn lại, gã bụm thành từng nắm nhỏ nhét vào trong quần, túm ống lại chờ đến sáng tụt xuống đất là từ từ cho tuôn ra ngoài. Mỗi lần xong một tấc đất, gã lại lầm thầm đọc một bài kinh, cầu xin Đức Chúa Trời tôn kính phù hộ cho gã đủ sức lực làm được xong việc. Gã gầy róc đi sau những đêm trắng cầy cục đào xới như vậy, nhưng thấy tinh thần linh mẫn vô cùng.
Gã tin là việc mình làm cũng hợp ý đấng Vua Cả ở Trên Kia.
Trong đời, chưa khi nào gã lại làm một việc công phu đến thế, kín đáo và lặng lẽ như vậy. Và trong đời, chưa khi nào thần kinh của gã lại tỉnh táo đến mức đó. Ngày gã quyết định đào ngang ra các gian ngục, gã đã thầm khấn bài kinh tạ ơn và thấy mình phấn chấn vô cùng.
***
Một năm sau, gã đã đến đích.
Tháng Tư năm Ất Dậu, một năm sau khi cạo vữa xuyên vách trong ngục cấm, gã đã thấy ba cái vò đen đủi nằm trơ trọi giữa ba ô vuông, bên trên chằng chịt những xích và các mảnh giấy niêm phong cùng bùa chú dán ngang dọc ở trên. Gã trườn mình như con rắn dưới hàng xích sắt, vừa bò vừa nín thở nghe ngóng. Phải đến một tuần nhang gã mới trườn tới cái vò đầu tiên. Gã lẩm nhẩm khấn vái trong bóng đêm ẩm tối và vừa đưa hai tay ra thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc chợt rung chuyển cả đất trời làm gã run bắn mình.
Gã không tin vào quỷ thần, nhưng không thể không bật khóc khi vôi vữa và gạch ngói tuôn đổ lên đầu lên mình đúng lúc gã đi tới đích.
Chẳng lẽ các vị Hoàng Đế kia lại giận dữ vì tội xúc phạm của gã hay sao? Gã thủ sẵn cái ruột tượng vá chằng đụp quấn quanh bụng, sẽ mở ra cuộn cả ba cái vò kéo theo lỗ vách chui ra ngoài. Ra tới ngoài, gã tính không sai được, gã sẽ trổ ra ngang mé trên của tường thành. Hai mảnh ván rút từ bên vách được dùng làm đòn xeo và sẽ búng gã bay lên mé tường. Từ đó, gã sẽ cuộn ba cái vò nơi lưng, tung mình vào giữa bụi tre già, đón ngay thân tre nhẩy bật xuống đất. Gã còn đủ nghề võ để vượt qua chặng đường này, sau đó thì mọi việc đều dễ hơn nhiều...
Con nhà cửa Thuận, gã sẽ bơi qua hào như cá và băng hết bãi ruộng là về đến giang sơn hoang dã của gã...
Nhưng, giờ đây trời đất lại nổi cơn thịnh nộ như vậy làm gã chúi mũi xuống đất, chẳng biết tính sao.
Đột nhiên như có ai đấm mạnh vào vách và ngửng đầu lên nóc vừa bị trốc, gã thấy mảnh trời đen đặc bên ngoài. Có tiếng người la hét vọng từ dưới lên càng làm gã rối trí. Công phu cả năm trường, không lẽ lại chết nơi đây khi gần tới đích như vậy? Một loạt tiếng nổ chợt ầm vang và ánh sáng lấp loé bên ngoài khiến gã chồm bốn chân định lui về, đầu cổ va vào vào xích sắt. Không, gã không thể lui được. Gã rút ruột tượng ra quỳ lạy trước mấy cái vò và nghiến răng bò tới...
Tội gì thì gã cũng xin chịu, tấm lòng thành của gã, trời đất sẽ chứng cho.
***
Đến lúc đó, gã mới biết là những tiếng nổ kia chính là tiếng súng đại bác. Bên dưới, đám lính canh gọi nhau ơi ới xen lẫn tiếng tù nhân hét hò náo loạn như địa ngục đang vỡ tung, bung lên những lửa và thép.
- Súng từ Đại Nội bắn vào Khu Nhượng Địa!
- Không, binh Phấn Nghĩa của quan Phụ Chính đang đánh vào Tòa Khâm đấy!
- Tầu Tây pháo từ Bảo Vinh và Gia Hội vào Thành!
- Anh em đồng đạo hãy bình tĩnh tạ ơn Thiên Chúa, lính Pháp và các ngài thừa sai sẽ vào giải cứu chúng ta!
- Không, ta theo đạo nhưng không theo giặc Tây, hãy ở lại chống giặc!
- Tây phá thành, ai người yêu nước hãy cùng ra giết giặc! Đây là binh Phấn Nghĩa kêu gọi đồng bào vùng lên đánh giặc!
- Lệnh đức Hàm Nghi truyền xuống, ba quân và bá tánh phụng chỉ. Giặc Tây bức phá Kinh thành, toàn dân cùng đổ ra đánh giặc giúp Vua cứu nước!
- Hãy tháo xiềng cho tụi tôi! Hãy cho tôi cây dáo! Anh em, hãy đuổi giặc chuộc tội!
Từ khắp nơi, lửa bắt đầu bùng cháy, sau mỗi tiếng đại bác từ hướng Đông hướng Băc bắn về, soi cảnh lính Cẩm Y và binh Phấn Nghĩa cùng lính Kim Ngô chen chân phá tung các trại giam phóng thích đám tù nhân trong cả ba dãy nhà giam bên dưới.
Mọi người chạy túa khắp nơi, nhiều người phá cả gông làm khí giới. Có tù nhân bị đạn được lính canh kéo ra khỏi khoang tù. Có người ngồi bệt xuống đất làm dấu thánh giá. Trên khu trọng cấm, gã nghe tiếng chửi thề, tiếng cầu cứu thất thanh xen tiếng lửa cháy lốp bốp. Quân Pháp từ khu Nhượng Địa và từ tầu chiến bắn trả gây cảnh khỏi lửa lan rộng đến khám đường. Khu trọng cấm ở trên cao nhất nên bị cháy trước tiên..
Không ai nhớ đến ba gian biệt giam trên này cả. Chỉ có gã nhà quê tả đạo ôm cứng ba cái vò bọc trong ruột tượng, nước mắt thành dòng trên gò má sần sùi. Gã phải làm gì bây giờ? Đường hầm dọc theo vách đã bị sụp trong tiếng nổ long trời lở đất. Gã chỉ có đường chạy là nơi đó thôi, nay bị tắc nghẽn. Làm sao chui qua hàng xích sắt leo lên mái hổng để chạy ra ngoài?
Tại sao, vào lúc này, lại có đột biến như vậy?
***
Đột nhiên, gã thấy như lửa đốt trong lòng, nhìn quanh, gã chưa thấy lửa bén lấy mình mà vẫn nóng ran nơi bụng. Hơi nóng lan ra từ chính những cái vò này khiến gã rùng mình.
Nhắm nghiền đôi mắt, gã tự trấn an là mình bị thần hồn nát thần tính, chứ chẳng có sự lạ nào xảy ra hết. Tiếng đạn réo trên đầu và tiếng người hò bên dưới làm rung chuyển căn ngục, kéo gã trở về thực tại trước mặt. Gã biết là mình đã động đến vật thiêng và đem tấm lòng thành cầu xin trời đất thánh thần gia hộ cho hoàn thành được điều nguyện ước.
Chợt có tiếng nổ ầm trước khi gã cảm thấy trời đất tối xầm và bị một sức ép tức ngực bốc thân mình khỏi mặt đất. Gã văng ra ngoài như con nhái bén, thân thể rã rời, máu tuôn tung toé mà vẫn khư khư lấy thân bảo bọc mấy vò sành dán giấy điều tơi mục.
***
Khi trời tờ mờ sáng, bên chùa La Chữ, Sư Cụ vẫn bình thản tụng xong biến kinh Kim Cương.
Dưới chân bệ, một người nằm co quắp bất động như cái xác khô, áo quần rách nát nhàu bẩn những vôi vữa và bùn đất bết máu. Người đó đã gõ cổng chùa trong khi phía Kinh thành còn ngùn ngụt lửa đỏ rực cả góc trời. Trong tiếng thở hào hển và qua đôi mắt lạc thần vì kiệt sức của người khách lạ, Sư Cụ đoán dần ra cớ sự và kính cẩn nhận mấy cái vò, đặt trước Tam Bảo rồi thắp nhang khấn vái trước khi rót một bát nước trao cho người khách.
- Quanh đây chỉ còn nơi này tôn nghiêm, bạch thầy, xin thầy nhận cho, và dâng một khóa lễ cho những oan hồn thanh quý này...
Sư Cụ vẫn ngồi im, đợi khách hớp một hụm nước thều thào nói tiếp.
- Từ 83 năm nay bị giam trong khám, vua Quang Trung, Thái Đức, Quang Toản... Nhà thờ không có, con chẳng biết chạy về đâu... cửa Phật từ bi, thầy cho một khóa lễ giải oan và chu toàn... cải táng, an định, giữ kín, thầy không nhận, con chạy lên rừng... thiếu sự tôn quý, tủi hổ vong linh vua trước.... Anh hùng, nước loạn, con đã thế cùng sức kiệt... Xin ăn mày cửa Phật chút công đức cho những người xưa... Đầu đuôi là như thế này...
Đôi mắt sáng như điện của Sư Cụ không phải không nhìn ra gò má dị thường của khách lạ. Sự thông tuệ của bậc chân tu không thể không hiểu ra nội tình. Từ thời Gia Long, cực hình tru diệt, giã xương, giam sọ. Giữa cơn quốc biến ngày nay, khách lạ liều chết cứu lấy ba vò niêm phong từ niên hiệu Gia Long nguyên niên, vào chùa cầu xin một khóa lễ. Bên ngoài, giặc phá Kinh thành, chưa biết vua Hàm Nghi mệnh hệ ra sao. Sư Cụ hiểu ra sự chí thành của khách và rửa tay thay áo, người thỉnh một hồi chuông vang động không gian rồi bắt đầu khấn vái trước khi bàn thờ Phật.
Người khách lạ nằm bệt dưới chân bệ mỉm cười hiền hòa như nụ cười của bụt. Rồi thiếp đi trong tiếng mõ an bình thật đều, thật rõ của Sư Cụ...
Gã đã tròn nguyện ước và từ bao năm nay mới có giấc ngủ êm ả. Lời kinh đều đều vang vọng trong cảnh chùa tĩnh mịch, ngọn đèn dầu lạc chỉ đủ sáng để chiếu lên khuôn mặt bình thản của nhà sư...
***
Kể từ năm đó, theo lời truyền của Sư Cụ xuống tới Sư Bác và nhiều thế hệ về sau, cứ đến ngày 23 tháng Tư nhà chùa lại có một khoá cầu siêu... Không ai biết là cầu vong cho ai. Người không giải thích, nhưng cho đến khi viên tịch, năm nào người cũng kính cẩn thỉnh chuông dâng lễ cho nên các đời khác đều cứ theo đó mà làm.
Trong chùa, đằng sau Tam Bảo là bệ thờ vong, Sư Cụ đã đặt lẫn với mộc chủ và tĩnh sành của bá tánh ba cái vò được chính người dán lên nhiều đạo bùa ngoằn ngoèo chữ nghĩa khó hiểu. Dâng khoá lễ xong, người bước vòng ra ngoài, miệng vẫn niệm chú Đại Bi cho tới khi dừng chân bên một ngôi mộ nhỏ có ghi một chữ thập trên bia. Chân mộ có một cây mai do chính Sư Cụ đã trồng, nay đã thành cổ thụ.
Không hiểu là vì thổ ngơi hay lý do gì khác, mai nở rất trễ, đến tháng Tư mới rực rỡ ánh vàng.
Lịch sử thì ghi lại rằng vào năm đó, khi binh Phấn nghĩa của Triều đình tấn công dinh Khâm sứ của Thống tướng De Courcy và bắn vào đồn Mang Cá của quân Pháp khiến Khám Đường bị phá hủy, thì hài cốt còn lại của Quang Trung, Quang Toản và Nguyễn Nhạc bị giam trong khám đã mất tích. Bị tan thành tro bụi trong thành? Bị tiêu hủy cùng cơn quốc nạn? Không ai biết nữa.
Có biết chăng là đoá hoa mai vẫn lung linh nở ven sân chùa....

Nguyễn-Xuân Nghĩa