Sunday 29 April 2018

Chiến Hạm Không Người Lái Đầu Tiên Của Hải Quân Hoa Kỳ

Từ thời cổ đại cho đến bây giờ, khi nói đến chiến tranh là nói đến vũ khí. Bởi vì vũ khí gần như là một dụng cụ, yếu tố, cần thiết để chiến thắng. Từ khi biết dùng ngựa, con người đã có thể mở rộng chiến tranh qua những vùng lân cận. Sau khi phát minh ra chiếc bánh xe và thuyền buồm, thì chiến tranh đã bành trướng ra ngoài biên giới của quốc gia. Và rồi những chiếc máy bay cùng phi đạn đã đem chiến tranh đến bất cứ chỗ nào trên mặt quả địa cầu. Ở kỷ nguyên khoa học tân tiến, ngày nay, chúng ta vẫn được đọc và thấy những kỹ thuật mới với những từ ngữ “robot - máy tự động" và “intelligence - trí thông minh”, đôi khi gộp chung lại để trở thành “artificial intelligence - trí thông minh tạo”. Ông Alfred Nobel chế ra chất nổ để giúp cho kỹ nghệ hầm mỏ và kiến tạo. Thế nhưng kỹ nghệ chiến tranh đã dùng nó để làm thành vũ khí. Tương tự như kỹ nghệ hạt nhân được phát minh để giải quyết vấn đề thiếu năng lượng, nhưng đã được dùng để chế tạo ra bom nguyên tử, những robot đã đi ra khỏi nhà máy để trở thành vũ khí tự động. Máy bay oanh tạc không người lái đã tung hoành trên không, và bây giờ chiến hạm không không người lái (không thủy thủ đoàn) đã có mặt trên biển.. Tuy mới chỉ là chiếc chiến hạm không thủy thủ đầu tiên trên thế giới, chiếc Sea Hunter (Thợ Săn Trên Biển) của Hoa Kỳ, đã mở đầu cho kỷ nguyên chiến tranh của những “máy móc và vũ khí chiến tranh tự động." Mời quý vị đọc bài chuyển ngữ của Lâm Viên về chiếc chiến hạm Sea Hunter “không thủy thủ đoàn" này để cùng tự hỏi rằng: “những phát minh mới về vũ khí thông minh sẽ đưa con người về đâu?”


Sau tám năm nghiên cứu và thử nghiệm, chiến hạm đầu tiên hải hành trên biển, hoàn toàn điều khiển bằng robot, không có đến một nhân viên thủy thủ đoàn, đã gia nhập hạm đội của Hải Quân Hoa Kỳ (HQ/HK). Và cho đến bây giờ gần như tất cả thành phần của nó đều vẫn được giữ bí mật.

Với tên gọi Sea Hunter (Thợ Săn Trên Biển), đây là một chiến hạm robot nặng 140 tấn, dài 132 feet (36.5 m).

Phó Đề Đốc Nevin Carr nói "Tôi chỉ có thể cho quý vị biết là chiến hạm không người lái này đã được chuyển từ DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency - Cơ Quan Nghiên Cứu Dự Án Quốc Phòng Cao Cấp) qua Hải Quân, và đây là một thành công lớn của khoa học và kỹ thuật trên thế giới. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta, ngay tại đây, đã có một chiến hạm tối tân như thế."

Phó Đề Đốc Carr cho biết như trên trong một phiên họp của Sea-Air-Space (Biển-Không Trung-Không Gian) của một hội chợ và triển lãm lớn nhất về hàng hải của Hoa Kỳ. Ông biết rất rõ về chiếc Sea Hunter bởi vì ông là trưởng Văn Phòng Nghiên Cứu và Phát Triển của Hải Quân và hiện nay là phó chủ tịch Leidos, hãng thầu duy nhất phụ trách việc kiến tạo chiếc chiến hạm không người lái này.

Sản Phẩm của "Khoa Học Ngông Cuồng (mad science)"

Khái niệm về một chiến hạm không người lái đã được khai sinh năm 2010 từ một cánh của Ngũ Giác Đài (Bộ Quốc Phòng) có tên là "cánh khoa học ngông cuồng" của DARPA.

Bộ Quốc Phòng yêu cầu DARPA nghiên cứu một dự án khổng lồ: Kiến tạo một chiến hạm không người lái (drone warship) với khả năng săn tìm tàu ngầm, phát hiện ngư lôi, và tránh được các chướng ngại vật trên biển trong khi di chuyển với vận tốc tối đa là 27 hải lý (31 dặm) một giờ.

Sáu năm sau, một chiến hạm không có thủy thủ đoàn, nặng 140 tấn, dài 132 feet (36.5m), đã ra đời trên sông Willamette ở Portland, Oregon với tên gọi là Sea Hunter (Thợ Săn Trên Biển).

Trong một bài báo với tựa đề "Quân Đội không người: Vũ khí tự động và tương lai của chiến tranh - Army of None: Autonomous Weapons and the Future of War," Paul Scharre đã viết "Đây là một dự án đặc biệt của DARPA, không những đã thay đổi trò chơi (chiến tranh) mà còn thay đổi cả khuôn mẫu thông thường."

"Hình dạng đẹp và nhiều góc cạnh, nó trông giống như một sản phẩm, vượt thời gian, trong tương lai," Scharre, một cựu chiến binh của Biệt Động Quân Hoa Kỳ và là hội viên cao cấp của Trung Tâm An Ninh Mới của Hoa Kỳ (Center for a New American Security) cho biết thêm. "Với một thân tàu dài hẹp và hai đà phụ (outrigger), chiếc Sea Hunter sẽ lướt sóng đại dương như một con dao ba lưỡi, truy lùng các tàu ngầm của địch."

Có mặt trong buổi lễ hạ thủy năm 2016 của chiếc Sea Hunter, Phó Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Work đã ví thân hình hẹp của tàu với con "Chim săn mồi của Klingon - Klingon Bird of Prey" của bộ phim "Star Trek."

"Chiến hạm này sẽ hoạt động bất cứ nơi nào Hải Quân Hoa Kỳ hoạt động," Work nói với các phóng viên sau buổi lễ. "Nó có thể hoạt động ở Biển Đông. Nó có thể hoạt động ở Biển Baltic (Bắc Âu). Nó có thể hoạt động ở Vịnh Ba Tư. Nó có thể hoạt động ở giữa Đại Tây Dương hoặc giữa Thái Bình Dương. Nó sẽ có mặt ở khắp mọi nơi."

Sau khi ra mắt vào năm 2016, chiếc Sea Hunter đã được chuyển giao cho Hải Quân để thử nghiệm trong gần hai năm ngoài khơi bờ biển California. Kể từ khi chiến hạm không người lái bắt đầu, Hải Quân và Leidos đã do dự về việc cung cấp tin tức và vai trò tương lai của chiếc chiến hạm này.

via GIPHY

Chỉ Bằng Một Phần Chi Phí Của Một Khu Trục Hạm

Với giá 20 triệu đô la, chiếc Sea Hunter chỉ bằng một phần chi phí so với một khu trục hạm loại Arleigh-Burke, khoảng 1.6 tỷ đô la.

Chi phí vận hành của chiếm hạm không thủy thủ đoàn ước tính từ 15,000 đến 20,000 đô la một ngày trong khi tàu khu trục có chi phí 700,000 đô la một ngày để hoạt động.

Năm ngoái, Vigor Works, một công ty nổi tiếng với tàu thủy thử nghiệm tàng hình, đã được trao một hợp đồng Hải Quân trị giá 35.5 triệu đô la để chế tạo thân tàu thứ hai cho Sea Hunter II.

Và trong khi một chiến hạm không người lái khác đang được kiến tạo, người ta vẫn phải chờ xem những nhiệm vụ nào mà HQ/HK đã dự tính cho hai chiếc Sea Hunter và Sea Hunter II.

"Mô hình ban đầu sẽ là một thợ săn tàu ngầm tự động", Carr nói. "Những gì chúng tôi học được trong thời gian thi hành dự án này là sức mạnh thực sự không nằm trong bất kỳ nhiệm vụ cụ thể nào, nó cũng giống như một chiếc xe vận tải tự động có thể biến mất trong một thời gian dài và vẫn còn có khả năng liên tục cho bất cứ nhiệm vụ nào Hải Quân muốn làm."

Chiến hạm Sea Hunter hiện thời không có vũ trang, theo lời ông Work, cựu Phó Bộ Trưởng Quốc Phòng, mô tả trường hợp, ngày nào đó, sẽ cần được trang bị vũ khí.

"Chúng ta có thể trang bị cho nó (Sea Hunter) các dàn phóng phi đạn bốn hoặc sáu nòng. Hãy thử tưởng tượng 50 chiếc được phân phối và hoạt động dưới quyền chỉ huy của một hạm đội. Đây sẽ là một đơn vị HQ không giống như bất kỳ một đơn vị HQ nào trong lịch sử, một hạm đội chiến đấu với sự hợp tác giữa con người và máy móc sẽ làm xáo trộn kẻ thù của chúng ta."

Lâm Viên
(chuyển ngữ)

https://www.cnbc.com/2018/04/25/first-drone-warship-joins-us-navy-nearly-every-element-classified.html