Chương một:
Chợ Bến Thành - Sàigòn
Sàigòn Ngày tháng cũ
S
|
uốt bao nhiêu năm nhưng tôi vẫn không sao quên được những ngày tháng cuối cùng của Sàigòn mà tôi đã sống trong đó. Những ngày thành phố lâm trọng bệnh đi vào cơn hấp hối như người đang khoẻ mạnh bỗng chốc vướng vào chứng nan y, nhưng Sàigòn vẫn anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi mới chịu buông xuôi hai tay trước định mệnh uất nghẹn thương đau.
Tôi cũng không thể nào quên nổi vì đâu mà cả chế độ của một quốc gia hùng mạnh như Việt Nam Cộng Hòa, lúc đó phát triển ngang hàng hay hơn nếu so sánh với Thái Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, hay Đài Loan, đã phút chốc bị tan tác như xác pháo. Vì đâu mà hầu như nguyên một chế độ theo chân nhau vào tù trong bàng hoàng và tủi hận…
Tôi theo mẹ tôi leo lên trên lầu. Căn nhà số ba năm bẩy này có một tầng lầu nhìn ra con đường Trương Minh Giảng, Quận Ba, Sàigòn. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa sổ để có được một cái nhìn khái quát những xáo trộn ồn ào mà mười mấy năm nay tôi chưa từng bao giờ thấy xẩy ra trên con phố này. Những khuôn mặt ngơ ngác của dân chúng, người ôm giỏ người xách va-li vừa đi vừa chạy. Thành phố đang trong cơn náo loạn vì từ hơn hai chục năm nay dù là chiến tranh bộc phát nhiều nơi trên lãnh thổ miền Nam nhưng Sàigòn vẫn bình yên; và bây giờ lần đầu tiên Sàigòn - thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng Hòa - đang lâm nguy trong những giây phút cuối.
Phía bên kia đường, một tốp binh sĩ Cộng Hòa lầm lũi đi bên cạnh những người dân đang chạy loạn, họ về nhà hay đi về đâu thì tôi cũng không biết được nữa. Nhìn dáng đi thẫn thờ của những người lính, có người chỉ mặc áo may-ô, có người đi chân đất, không còn súng ống không còn quân phục, mà lòng tôi quặn đau khi nghĩ anh tôi, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 5 bộ binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở Bình Dương cũng bặt tin thời gian qua bây giờ không rõ ra sao. Bình thường, đầu óc tôi rất bén nhậy mà lúc đó cũng gần như tê liệt không nghĩ được phương kế gì.
Dương Văn Minh - (người vừa được đưa lên chức vụ Tổng Thống để thay thế cụ Trần Văn Hương, một nhà chí sĩ yêu nước nhưng đã bất lực trước thời cuộc) - vừa đọc thông điệp đầu hàng và kêu gọi mọi người buông súng. Lúc đó buổi sáng ngày 30-4-1975, giờ Sàigòn. Một không khí nặng nề bao trùm lên thành phố sau thông điệp đầu hàng đó và cảnh tượng dưới đường càng hoảng loạn hơn vì mọi người biết rằng quân Bắc Việt sắp sửa vào “tiếp thu” thành phố. Báo chí Sàigòn mấy tuần lễ nay đăng nhiều bản tin cộng sản vào miền Nam sẽ thành núi xương biển máu. Phía Hoa Kỳ cố gắng cải chính nguồn tin này để trấn an người Sàigòn nhưng không mấy tác dụng vì người dân miền Nam, qua bao nhiêu giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, hiểu sự tàn bạo giết người không gớm tay của cộng sản hơn ai hết.
Dương Văn Minh - hình như mỗi lần ông ta xuất hiện (mà theo một số bình luận gia thì các xuất hiện của ông đều do Mỹ đạo diễn) - là một thảm họa cho dân tộc Việt. Lần này, thông điệp đầu hàng của ông là một thông điệp của Thần Chết, báo hiệu sự cáo chung của một miền Nam yêu chuộng hòa bình, một miền Nam phát triển, thịnh vượng và nhân bản. Thông điệp này đã làm cho Sàigòn sụp đổ nhanh chóng hơn, báo hiệu một miền Nam bị nhuộm đỏ, bị tắm máu trong hận thù của cộng sản phương Bắc.
Lệnh buông súng vừa loan ra từ Dinh Độc Lập, tôi nghe tin một trung đội Dù, có người nói là Nhẩy Dù nhưng những đồng bào hớt hơ hớt hải từ ngã ba Ông Tạ chạy lên qua nhà tôi nói là trung đội Biệt Cách Dù, đã xua dân chúng ra xa rồi ngồi vòng tròn ôm nhau trong tư thế huynh đệ chi binh anh dũng nổ lựu đạn tự sát chứ nhất định không hàng quân giặc. Họ là những vị anh hùng vừa đền nợ nước trong danh dự. Nhiều nơi khác trong thành phố, ở ngoại ô, hay ở các tỉnh ven đô cũng còn những đơn vị chưa chịu buông súng hay tìm con đường tự sát để không phải chịu nhục trước kẻ thù. Ôi! Máu bắt đầu đổ xuống quê hương ngay trong ngày Sàigòn trút hơi thở cuối cùng.
Tôi đã đưa gia đình lên ở với mẹ và các em từ hai ngày nay vì căn nhà tôi trong Phú Lâm tuy thuộc Quận Sáu, Sàigòn nhưng nằm ở ven đô không được an ninh cho lắm. Cứ tạm thời ra trung tâm thành phố để tránh các toán du kích nằm vùng ở ngoại ô có thể xuất hiện bất ngờ trong hiện tình đất nước đang tranh tối tranh sáng như mấy hôm nay. Ngoài ra tôi cũng muốn vào khu trung tâm Sàigòn trong những ngày rất là biến động về chính trị này để giữ liên lạc với các bạn đồng nghiệp trong lúc chờ đợi người Mỹ sẽ bốc đi cùng gia đình, hay sẽ tùy cơ ứng biến.
Tôi đã nộp cho tòa đại sứ Mỹ một danh sách hai trang về chương trình di tản cho cả đại gia đình của tôi một hai tháng nay rồi, cho nên tôi phải kiên nhẫn chờ đợi tin từ phía các cố vấn Hoa Kỳ.
Hai ngày trước sáng 28-4, người Mỹ đột ngột ngưng chương trình di tản bằng đường hàng không, khi có một phi công nằm vùng trong Không quân đã bỏ bom xuống Tân Sơn Nhất, mọi người ai cũng hối hả tìm đường ra đi trước khi quá trễ. Có người bạn rủ tôi vào khu vực Hải Quân trên Bến Bạch Đằng xem sao, nhưng tôi lại không đi, tôi cố chờ đợi để đi theo chương trình ấn định của tòa đại sứ Mỹ trong buổi họp cuối cùng vì đi theo chương trình này ngoài vợ con, tôi còn đem theo được cả đại gia đình mẹ và các em một cách an toàn nhanh chóng hơn.
Chương trình di tản khẩn cấp đó là dựa theo tinh thần của buổi họp cuối cùng của Đoàn Liên Lạc Hoa Kỳ tại tòa đại sứ Mỹ vào ngày 27 tháng Tư năm 1975. Hầu hết các nhân viên người Mỹ, Việt và Á Châu trong đó có tôi đều tham dự phiên họp này. Thuyết trình viên người Mỹ loan báo rằng tòa đại sứ sẽ đưa đi tất cả những nhân viên và gia đình của họ nhưng chương trình nêu ra vài điểm đặc biệt về thứ tự ưu tiên:
-Ưu tiên một:
Dành cho các nhân viên từ sứ quán Vùng I và Vùng II ở miền Trung chạy lánh nạn cộng sản mấy tháng nay đã về tới Sàigòn, những người này sẽ ra đi trước với gia đình họ.
-Ưu tiên hai (không thiết yếu: non-essential):
Các nhân viên trong tòa đại sứ kể cả người Mỹ lẫn người Việt được chia ra làm hai thành phần:
*không thiết yếu (non-essential) và thiết yếu (essential).
*Theo sắp xếp, những nhân viên không thiết yếu được ra đi trước vì nhiệm vụ của họ không còn cần nữa trong tình hình hiện tại.
*Các nhân viên thiết yếu là những người đang sát cánh với các cơ quan, các Phủ Bộ của chính phủ Sàigòn phải ở lại tiếp tục yểm trợ các Phủ Bộ này cho đến giờ phút chót, tránh cho các cơ quan bạn có thể sụp đổ sớm vì nhân viên của tòa đại sứ Mỹ rút đi trước thời hạn.
-Lúc nào là thời điểm sau cùng? Lúc nào thì chương trình di tản khẩn cấp cho nhân viên thiết yếu sẽ bắt đầu? Câu hỏi ấy đều trong đầu mọi người nhưng không ai trả lời được. Câu trả lời từ thuyết trình viên là có thể trong tình hình dầu sôi lửa bỏng tòa đại sứ Mỹ sẽ thông báo cho các nhân viên Việt-Mỹ thuộc dạng thiết yếu biết để bốc họ đi bằng trực thăng cùng gia đình.
*Bảo đảm sẽ bốc hết tất cả mọi người còn lại. Thuyết trình viên một viên chức cao cấp người Mỹ đã lập đi lập lại lời cam kết sẽ đón đi hết các nhân viên thuộc dạng thiết yếu dưới bất kỳ tình huống nào.
-Kế Hoạch B:
Nếu tình hình cần thiết, năm ngàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ từ Đệ Thất Hạm Đội ngoài khơi Thái Bình Dương sẽ đổ bộ vào Vũng Tầu, thiết lập một con đường bộ nối liền Sàigòn ra Vũng Tầu - một con đường “Thép” an toàn bảo đảm cho việc di tản không bị gián đoạn.
*Chương trình di tản này dự trù sẽ kết thúc vào ngày 15-5-1975.
-Ngoài ra cần nói rõ thêm trong các ưu tiên hàng đầu phải nói đến Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự DAO (Defense Attache's Office) của Mỹ đã bắt đầu chương trình di tản trước tiên cho nhân viên của họ ra khỏi Sàigòn từ vài tháng trước. Nhờ đó mà vào tháng 3-75, chị dâu tôi và hai cháu đã đoàn tụ với anh thứ ba của tôi, thủ khoa khoá XIII Hải Quân, Phạm Gia Chính đang tu nghiệp tại Rhode Island bên Mỹ.
Mấy lần anh quá sốt ruột về tình hình sẽ mất Sàigòn, anh như người ngồi trên lửa khi thấy cảnh di tản tại Sàigòn, cảnh chiến tranh bom đạn trên truyền hình Mỹ, và anh định bỏ về nước. Tôi phải gửi điện khẩn qua hệ thống của tòa đại sứ để khuyên anh bỏ ý định mạo hiểm về Sàigòn của anh, bảo đảm chị ấy và hai cháu sẽ qua.
Trong bốn anh em trai lớn, gia đình anh ba là gia đình hạnh phúc duy nhất đã đoàn tụ trên phần đất tự do. Ba anh em chúng tôi còn lại đều... vô tù. Nhưng như vậy cũng chưa phải là nhiều vì bên cô ruột tôi, năm người con của cô, là em họ tôi cũng không thoát cảnh lao tù.
Sau buổi thuyết trình về kế hoạch di tản ngày 27-4, chúng tôi trong Đoàn Liên Lạc đều tin tưởng vào kế hoạch này, tuân thủ theo đúng lệnh họp và ở lại đến giờ phút cuối cùng, chờ đợi trong sự căng thẳng.
Ngày 28-4, tôi chở vợ con trên chiếc Renault 4CV, thứ xe rất phổ thông dạo ấy được dùng làm xe Taxi, ra nhà mẹ tôi ở Trương Minh Giảng, và sau một ngày chờ đợi không có tin tức gì từ phía các cố vấn Mỹ, tôi quyết định vào văn phòng của Đoàn Liên Lạc Hoa Kỳ bên cạnh một cơ quan tình báo trên Bến Bạch Đằng xem sao. Lúc đó sáng ngày 29-4, khi tôi lái xe đến nơi, mấy anh an ninh mở cổng cho tôi vào nhìn tôi với cặp mắt hết sức ngạc nhiên:
-Ủa! Ông mà còn đây thì làm sao tụi tôi đi được?
Với vẻ mặt bình tĩnh, tôi vẫy tay chào các anh rồi lái xe vào cổng:
-Tôi đang liên lạc chưa được. Có gì sẽ thông báo ngay cho các anh biết để cùng ra đi.
Tôi đậu xe vào khu vực sân bên trong rồi chạy lên lầu mở cửa vào văn phòng, dùng điện thoại liên lạc ngay vào tòa đại sứ nhưng tất cả các đường giây đều bận hoặc điện thoại reo mà không có ai trả lời. Trong lòng tôi nóng như lửa đốt như có linh tính không hay, mắt bên phải máy liên tục. Tôi vẫn tin là máy mắt bên trái thì may mắn hay có tiền, nhưng bây giờ lại máy mắt phải. Tôi vừa quay máy gọi vừa mong phía bên kia đầu giây có ai đó làm ơn nhắc dùm cái điện thoại lên nhưng vẫn vô vọng, biệt vô âm tín.
Kể từ hôm 27-4 sau buổi họp cuối cùng về tình hình di tản, các cố vấn Mỹ biệt tăm, bây giờ hai ngày sau cũng không biết họ giờ ở đâu. Lần đầu tiên tôi có cảm giác bơ vơ, hụt hẫng của người bị bỏ rơi. Tôi cố gắng kiên nhẫn gọi nhiều lần trong suốt một tiếng đồng hồ với hy vọng nghe được tiếng nói của bất kỳ tay cố vấn nào trong Đoàn Liên Lạc thì sẽ tìm ra manh mối về điểm tập trung mới cho kế hoạch di tản sau khi phi trường Tân Sơn Nhất đã bất khả dụng, nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả. Có lẽ chỉ còn một ít đường giây đặc biệt nào trong tòa đại sứ là còn hoạt động mà thôi, các đường giây khác đều bỏ trống vì nhân viên phụ trách đã di tản cũng gần hết rồi.
Tôi ngồi đó nhìn lại văn phòng nơi mình đã làm việc năm năm trời với bao nhiêu là kỷ niệm, nhìn sang hai bàn bên cạnh nơi hai bạn tôi vẫn ngồi nay đều trống trơn. Thấy giấy tờ còn đầy trên mặt bàn và trong các hộc tủ, tôi quyết định thủ tiêu hết các tài liệu, một số giấy tờ không kịp hủy, tôi bỏ vào trong thùng đem xuống xe.
Khi bước ra khỏi văn phòng, tôi nhìn suốt dọc hành lang tất cả đều vắng lặng như tờ, nguyên dẫy này và dẫy bên cạnh nữa trước kia tấp nập người đi lại, chạy lên chạy xuống cầu thang, giờ mình tôi đứng trên đây tựa vào lan can.
Dưới sân cũng không một bóng người, chỉ còn cây Mai Tứ Quí một mình bơ vơ giữa sân như tôi cô đơn đứng trên này. Một lúc sau trong trạng thái thất vọng, tôi bước từng bước nặng nề xuống cầu thang. Tôi quyết định lái xe trở về nhà mẹ tôi để lại ngồi chờ tin nữa.
Gia đình vẫn luôn là nơi cho ta trú ẩn qua những cơn giông tố của cuộc đời. Lần này một cơn giông bão khủng khiếp khổng lồ và đen tối nhất đang úp chụp lên miền Nam. Liệu gia đình có còn là nơi trú ẩn an toàn nữa không đây? Dầu sao tôi vẫn phải trở về nhà, đồng hồ mới chỉ 1 giờ trưa ngày 29-4, vẫn còn chút hy vọng là những người bạn Mỹ sẽ còn nhớ đến chúng tôi để thông báo về địa điểm tập trung cho kế hoạch di tản mới.
Trên đường về, tôi thử tạt qua vài nơi mà các tay số vấn Mỹ vẫn thường lui tới làm việc bí mật gọi là các nhà an toàn nằm trên đường Hồng Thập Tự và Sương Nguyệt Ánh nhưng họ đều đã rút đi hết không còn một ai.
Tối ngày 29 tháng Tư, tôi quyết định chở vợ con vào tòa đại sứ chứ không ngồi nhà chờ đợi nữa. Sau khi giã từ mẹ và các em trong xúc động của sự chia ly, tôi lái xe đến cổng sau để tìm đường vào bên trong thấy thiên hạ đen nghịt và nhốn nháo đầy những người. Chiếc cổng sắt đã đóng, trên bức tường bao quanh khu vực Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang gườm súng không cho ai ra hay vào nếu không có lệnh. Những nhân viên nào trình ra được thẻ của tòa đại sứ mới có cơ hội được nhấc vào bên trong bức tường mà thôi. Tôi đưa vợ con đến sát chân tường và tuy có thẻ nhân viên tòa đại sứ trong túi nhưng không biết có thuyết phục được các tay lính Mỹ này cho vợ con đi theo hay không.
Nếu tôi vào được bên trong mà vợ con bị bỏ rơi lại thì suốt đời là phân ly, có thể vợ con mình sẽ bị cộng sản trả thù. Ý nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi một lúc, rồi đột nhiên trong một giây tôi quyết định, một quyết định đã làm thay đổi hẳn cả một đời người. Tôi sẽ ở lại cùng vợ con chấp nhận hiểm nguy, tôi lách người ra khỏi đám đông đưa vợ con ra xe trở về lại nhà bên nội.
Khi mẹ tôi nhìn thấy tôi chỉ hỏi được một câu tại sao con không đi? Tôi trả lời rằng tôi không thể ra đi một mình được trong khi mẹ và tất cả gia đình đều ở lại, nhất là ông anh cả thì chưa có tin tức gì. Mẹ tôi chỉ biết than trời vì mẹ đã bảo tôi cứ ra đi một mình rồi mẹ sẽ lo cho vợ con tôi. Tối hôm đó tôi ngủ không được, chỉ có một điều ân hận mình chết quá trẻ hai mươi chín tuổi; vì khi mà cộng sản vào thành phố, chúng tìm ra tôi một phát súng là xong ngay.
Tôi chợt nhớ những ngày Tết Mậu Thân năm 1968 khi dân chúng đang vui vẻ ăn Tết Nguyên Đán thì đột nhiên Bắc Việt xé bỏ lời hứa hưu chiến rồi mở cuộc tổng công kích. Chúng điên cuồng tấn công vào thành phố Sàigòn, vào các tỉnh lỵ và thị xã; đốt phá, chém giết mọi người trên đường chúng đi, chôn sống dân lành tại Huế một cách man rợ. Trong khi chúng ta tin vào hưu chiến nên đã cấp giấy phép cho khoảng một nửa số quân nhân công chức đang đồn trú trong thành phố về ăn Tết với gia đình.
Điều đáng ngạc nhiên là các đơn vị quân đội của Hoa Kỳ trấn đóng tại Sàigòn và ven đô lại án binh bất động trước cuộc tổng công kích này trong khi các lực lượng quân sự và bán quân sự của chúng ta trong thành phố đồng loạt phản công lại tức thời.
Nhiều lý do khiến cho Việt Cộng có thể dễ dàng tuôn người và vũ khí vào được trong thành phố nhân dịp Tết Mậu Thân: một phần vì chúng ta thiếu cảnh giác tin vào lời hưu chiến, vì các nút chặn vào thành phố quá nhiều sơ hở lỏng lẻo, vì chúng ta không thẩm định kỹ các nguồn tin tình báo cho biết tình trạng tập trung quân của Việt Cộng quanh vòng đai Sàigòn. Tôi tin là người Mỹ đã biết trước nhưng thụ động, lúc đó báo chí thủ đô cho rằng Mỹ muốn thử xem phản ứng của chúng ta như thế nào.
Một điểm nữa vô cùng quan trọng là bao nhiêu Tiểu Đoàn Biệt Kích Mỹ trong đó có các sĩ quan chỉ huy của Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa đã bị giải tán, đưa về Địa Phương Quân. Những đơn vị Biệt Kích Mỹ trong những năm qua chính là lực lượng đã đóng một vai trò vô cùng hữu hiệu trong nhiệm vụ nằm chốt suốt chiều dài biên giới Việt Miên từ cực nam lên đến cao nguyên Kon-Tum Pleiku để ngăn chặn đường xâm nhập vũ khí và người của Bắc Việt từ Lào vào miền Nam. Các tiểu đoàn Biệt Kích Mỹ này thường xuyên tung ra những cuộc hành quân chớp nhoáng dọc biên giới gây nhiều tổn thất to lớn cho con đường mòn Trường Sơn, góp phần hủy diệt tiềm năng của Bắc quân trước khi chúng xâm nhập vào miền Nam, và là cái gai mà Bắc quân bao lần muốn nhổ không được. Bắc Việt đã nhiều lần mở các cuộc tấn công vào các căn cứ quan trọng này nhưng đều thất bại, đều gánh lấy những tổn thương nghiêm trọng và buộc phải rút lui. Nằm án ngữ dọc theo biên giới, các tiểu đoàn Biệt Kích Mỹ là những tiền đồn vững chắc gây rất nhiều khó khăn cho con đường xâm nhập người, vũ khí, quân trang quân dụng, xe tăng từ miền Bắc qua Lào và Campuchia vào miền Nam.
Thế nhưng phía Hoa Kỳ đã bất ngờ giải tán các đơn vị tinh nhuệ dũng cảm này vào cuối năm 1966 khiến cho biên giới mạn sườn phía tây của chúng ta mở ngỏ, tạo cơ hội bằng vàng cho cộng sản xâm nhập vào vùng cao nguyên, vào các tỉnh miền tây suốt một năm trời không gặp trở ngại nào để chuẩn bị cho tổng công kích Tết Mậu Thân 1968.
Đầu năm 1968, lần đầu tiên người dân thành phố biết thế nào là chiến tranh, đạn nổ khắp nơi, chạm súng diễn ra ngay trên đường phố thủ đô, trong các ngõ hẻm. Hỏa tiễn cộng sản pháo kích bừa bãi vào khu dân cư, nhiều gia đình đang mừng xuân trong khu gia binh bị cộng quân tàn sát thật thương tâm và dã man.
Trên đường Trần Quốc Toản, toán Việt Cộng vừa xâm nhập vào tới con đường này thì chúng ngăn dòng xe cộ lại, bắt các đàn ông thanh niên úp mặt vào vách tường của trường đua Phú Thọ. Công chức, quân nhân từng người một bị chúng hạ sát ngay tại chỗ.
- Công chức hả? bùm!
- Trung sĩ hả? bùm!
- Đại úy hả? bùm! Thây người ngã đổ xuống dài theo chân tường, máu loang khắp nơi.
Biến cố Tết Mậu Thân 1968, trong thời gian rất ngắn Việt Cộng xâm nhập vào Sàigòn rồi nhanh chóng bị các đơn vị Cộng Hòa, cảnh sát, nhân dân tự vệ tiêu diệt và đẩy lui mà chúng còn giết hại hàng chục ngàn người một cách không gớm tay.
Bây giờ Bắc quân và đám “mặt trận giải phóng” trong Nam đã chiếm được thủ đô Sàigòn thì khó tránh được cuộc thảm sát đẫm máu. Trên đường đi chúng gập những người như tôi thì chẳng tiếc gì một viên đạn. Đó là điều tôi phải suy nghĩ về số phận của mình khi chấp nhận ở lại.
Tối hôm 29-4 ấy, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi đã bỏ lỡ hai cơ hội để ra đi dù là đi một mình, lần thứ nhất là sáng ngày 29 và lần thứ nhì mới mấy giờ đồng hồ trước tại cổng sau của tòa đại sứ. Nếu buổi sáng 29-4, tôi chạy xe thẳng vào compound là tòa đại sứ Mỹ và tìm cách ở lại trong đó thì chắc chắn sẽ gập lại các cố vấn của Đoàn như Frank Rygalski, Vance Vincent, Jeffrey Ho, Paul hay Dick hay James, và đêm 29-4 tôi đã leo lên nóc sứ quán vào trực thăng để bay ra Đệ Thất Hạm Đội ngoài khơi Thái Bình Dương. Nhưng không hiểu sao tôi lại không chạy thẳng vào tòa đại sứ để ở lại trong đó sáng ấy?
Một phần vì không thể bỏ lại vợ và hai đứa con còn nhỏ dại đang ở nhà chờ tin tức, một phần tôi vẫn hy vọng người Mỹ còn giữ kế hoạch bốc chúng tôi đi vào phút chót vì tôi biết khả năng của người Mỹ rất rõ, biết tiềm năng của Hoa Kỳ là khổng lồ, nếu họ muốn là làm được.
Thực tế đáng buồn là Hoa Kỳ chỉ bí mật ra lệnh cho các nhân viên người Mỹ gấp rút vào trong compound sáng ngày 29-4, mà không hề thông báo cho các nhân viên người Việt hay Á Châu.
Không có trực thăng nào xuất hiện để bốc ai đi cả. Các nhân viên người Việt hay gốc Á Châu của sứ quán Mỹ thuộc Đoàn Liên Lạc cùng với các bộ phận yểm trợ bên Cảnh Sát Quốc Gia hay các phủ bộ kể cả các cơ quan tình báo thuộc Phủ Tổng Thống không một ai biết địa điểm tập trung mới là ở đâu nữa - cho nên tất cả sau đó đều gặp nhau trong... tù.
Bây giờ lệnh đầu hàng đã loan đi trên làn sóng điện Sàigòn, những nhân viên còn lại của Đoàn Liên Lạc Hoa Kỳ trong đó có tôi lại càng thêm bối rối. Con đường ra đi đã tắc nghẹn, kế hoạch di tản đến 15-5-1975 tan ra mây khói, plan B đưa năm ngàn lính Mỹ từ Đệ Thất Hạm Đội vào Sàigòn cũng bị hủy bỏ; con đường ở lại thì tương lai đen tối như đám mây mù không biết ra sao.
Tình huống trở nên tuyệt vọng, nhiều tin loan tải đi rất nhanh; như là cả một hạm đội gần hai mươi bẩy chiếc tầu của Hải Quân Việt Nam đã ra khơi an toàn, rồi tin thiên hạ đang ùn ùn kéo nhau về miền Tây để sinh sống hay tiếp tục tìm đường di tản.
Tin tức khác nữa thì chúng ta sẽ bỏ Vùng III và lui về cố thủ tại Vùng IV Chiến Thuật là vựa thóc đủ sức nuôi quân chờ một giải pháp mới chứ chúng ta không chấp nhận đầu hàng dễ như vậy. Hay sẽ có một chính phủ liên hiệp, một giải pháp tốt hơn cho miền Nam cũng được nhiều người bàn tán trong đó có ông anh thứ hai của tôi không hiểu sao lại tin tưởng sẽ có giải pháp hòa hợp?
Những tin tức đủ loại như vậy chỉ làm cho người dân trong đó có tôi thêm rối trí. Tôi đang đứng suy nghĩ như vậy thì nghe tiếng mẹ gọi. Bên dưới nhà ngay sau khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên radio mẹ bảo tôi đóng ngay cửa hàng bán quần áo trẻ em lại, khóa cửa sắt bên trong, kéo tấm màn che kín hết cửa hàng lại rồi kêu tất cả mọi người rút lên lầu.
Bên ngoài đường, như là đã chuẩn bị từ trước ở vùng ven thủ đô, cho nên chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau tôi nghe thấy tiếng âm thanh động cơ nặng nề của những bánh xích xe tăng T-54 lăn rầm rầm trên đường nhựa từ phía ngã ba Ông Tạ. Những xe tăng trước kia chỉ ở trong rừng rú bây giờ đang lăn bánh trong thủ đô Sàigòn đang chạy qua trước mặt nhà làm rung chuyển cả đường phố, chúng đều chạy qua nhà tôi về hướng cầu Trương Minh Giảng.
Tôi dụi mắt, đây là mơ hay là sự thật? Nhìn qua cánh cửa sổ hé mở từ trên lầu, trong mắt tôi hình ảnh đau thương đầu tiên nhất về ngày mà Sàigòn sụp đổ là một đoàn xe tăng T-54 đang lăn bánh hướng vào trung tâm của Sàigòn.
Trong khi mà đa số dân chúng hai bên đường còn sửng sốt chưa hiểu chuyện gì đang xẩy ra, thì một số người từ bên vỉa hè chả hiểu sao lại giơ tay vẫy vẫy đoàn xe tăng này. Hình ảnh trái ngược cạnh đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa từ trước tới nay chỉ biết cầm súng bền gan quyết chí chiến đấu bảo vệ miền Nam, nay đang lặng lẽ bước đi chẳng màng đến tiếng động cơ gầm rú trên đường.
Những xe tăng đang lăn bánh, nắp xe chợt mở lên, những lính Bắc Việt chui ra đứng lên nhìn thành phố một cách ngỡ ngàng, có lẽ họ không ngờ rằng thành phố Sàigòn to lớn đồ sộ phồn thịnh như vậy? Trái hẳn với luận điệu tuyên truyền là Sàigòn nghèo khổ dưới áp bức của Mỹ Ngụy nên phải vào để “giải phóng” thủ đô? Từng chiếc, từng chiếc một chạy ngang qua trước mặt tôi bên dưới lòng đường như những mũi kim xuyên qua da thịt đâm vào tim đau nhói. Tôi có cảm tưởng như bầu trời tối xầm hẳn lại vì một sự kiện không bao giờ ai tin có thể xẩy ra: quân Bắc Việt đang tiến chiếm và “tiếp thu” thành phố Sàigòn - thủ đô của Miền Nam thân yêu của tôi, và chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa tan vỡ sau hai mươi năm anh dũng chống lại quân xâm lược từ phương Bắc. Mạch máu trong thân thể tôi như nghẹn lại vì Sàigòn của tôi đang phủ màu tang trắng, Sàigòn của tôi đang bắt đầu vào thảm cảnh nước mất nhà tan.
Tôi theo mẹ xuống nhà dưới để chuẩn bị cùng gia đình ăn bữa cơm trưa, cố gắng lùa bát cơm nhưng không thể nào nuốt nổi dù là mẹ tôi có nấu những món mà tôi thường ưa thích.
Trên radio chợt có những giọng nói rất lạ đầy sắt máu của một nữ xướng ngôn viên mới. Trong những bản nhạc được phát đi, người ta nghe thấy bản “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ họ Trịnh. Tôi với tay tắt cái radio đi vì chả có gì cần phải nghe nữa trên cõi đời này. Thế là chấm hết, một dấu chấm to tướng.
Buổi sáng ấy, buổi sáng ngày 30-4, ngày mà chúng ta mất Sàigòn. Không hiểu sao tôi ngủ dậy rất sớm sau một đêm thao thức và trằn trọc vì cái quyết định ở lại không ra đi một mình. Tôi lấy xe chạy về phía tòa đại sứ Mỹ xem tình hình như thế nào trong khi cả nhà trừ mẹ tôi, là còn đang say ngủ.
Trời mới vừa hừng sáng, không khí còn hơi mát của sương đêm. Sàigòn dễ thương là chỗ đó, dù ban ngày có nóng mấy đi chăng nữa nhưng khi màn đêm buông xuống là không khí dịu đi ngay. Phố phường dọc theo con đường Trương Minh Giảng còn vắng người, tôi vừa lái xe ra khỏi nhà một lát chưa tới khu chợ chợt thấy một dáng người thất thểu đi bên đường như không hồn trông rất quen thuộc. Tôi nhận ra anh Điện, anh bạn đồng nghiệp của tôi biệt phái qua Tổng Nha Cảnh Sát. Tôi mừng quá vội dừng xe lại, nhẩy xuống bắt tay anh hỏi thăm chỉ nhìn thấy một khuôn mặt u buồn, anh không nói một lời nào, chỉ siết tay tôi thật chặt rồi lại đi bộ dọc theo con đường hình như đang suy nghĩ gì lung lắm. Tôi đứng nhìn theo anh một lát rồi lên xe đề máy chạy chầm chậm suốt cho tới cuối con đường, gập ngã ba rẽ trái vào Trần Quí Cáp để hướng về phía đường Thống Nhất.
Trong khi lái xe tôi suy nghĩ về anh Điện, dự định chiều nay sẽ đến thăm anh nhưng tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi gập anh bởi ngay sau khi anh nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, anh uống thuốc tự tử. Anh sinh trưởng ở Huế, là một người rất hiền lành, một công chức cần mẫn, gia đình chỉ có hai vợ chồng không con cái.
Con đường Trần Quí Cáp sáng hôm ấy vẫn đẹp và rợp bóng mát với hai hàng cây cao bên đường như mọi ngày nhưng tôi có cảm giác thật lạc lõng thật cô độc. Thiên hạ hình như còn đang chìm trong giấc ngủ, thỉnh thoảng mới thấy một hai chiếc xe gắn máy chạy vụt qua rồi mất hút. Những chiếc lá theo từng cơn gió sớm mai bay là là nghiêng cánh trước mặt kính xe của tôi rồi rơi xuống mặt đường nhựa và nằm im trên đó. Cuộc đời tôi cũng sẽ rơi rụng như chiếc lá khô này chăng?
Tôi lái xe vào phía trước của tòa đại sứ Mỹ và không thể không kinh ngạc khi nhìn thấy một dinh thự hoàn toàn trống rỗng, cánh cổng trước mở toang ra, với các mảnh kính vỡ bay ra tới tận ngoài đường. Vòng xe lại phía sau là đường Hồng Thập Tự quang cảnh còn tang thương hơn.
Một tòa đại sứ hôm nào còn nhộn nhịp, còn là đầu não của mọi kế hoạch tinh vi cho cuộc chiến tại miền Nam, bây giờ là một căn nhà hoang phế. Các cửa sổ bị đập nát, khu cỏ xanh, đường nhựa phía sau này đầy các mảnh vụn của cửa kính vỡ, tôi phải lái xe ra xa để tránh các mảnh vỡ đó.
Mới tối hôm qua khi tôi đến đây còn đông nghẹt những người là người chen chúc nhau để tìm đường di tản. Trên bức tường kia là các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ hườm súng và cổng vào thì đã đóng chặt. Bây giờ hai cánh cửa mở toang, trên tường hoang lạnh, trong sân chỉ thấy vài bóng người, trên nóc, hôm qua các trực thăng còn nườm nượp bay đi về để chở người di tản ra Đệ Thất Hạm Đội bây giờ cũng chẳng còn ai. Tôi chỉ nhìn thấy một bóng trắng rất nhỏ bốn chân đang chạy từ trên nóc xuống, có lẽ là con mèo đang đi tìm thức ăn.
Tôi đậu xe lại bên hàng cây, bước xuống cầm lên một mảnh vụn kính văng ra và nghĩ rằng phải có người dùng chất nổ để phá các két sắt trong đó tìm tiền hay đô la còn sót lại thì các mảnh mới có thể văng xa đến như vậy. Có điều tôi không ngờ rằng chẳng bao lâu sau cuộc đời hàng triệu người dân miền Nam trong đó có tôi cũng vỡ vụn ra không khác gì mảnh kính vỡ tan kia.
Tôi vòng xe về nhà nghỉ một chút để chiều ngày 30-4 ghé thăm anh Điện, nhà anh rất gần nhà mẹ tôi, ngay trong con hẻm bên cạnh ngôi chợ. Khi bước vào căn nhà, không khí hoàn toàn vắng lặng, tôi hơi bị khựng lại vì trong nhà vắng hoe chỉ có một người bà con ngồi đó. Tôi được biết anh đã quyên sinh. Tôi bước ra khỏi nhà anh mà đầu óc còn chưa tỉnh hẳn, mới gặp anh sáng nay mà giờ anh đã không còn nữa.
Tôi để xe đó đi bộ vào trong chợ, có ý tìm một nhân viên của tôi cùng làm việc trong Đoàn Liên Lạc, một người gốc Chàm rất thành thật và dễ mến.
Đang loay hoay nhớ lại lối vào nhà anh vì rất quanh co ở phía sau chợ, tôi chợt thấy anh vác chiếc xe đạp ra định đi đâu. Gặp tôi anh mừng qua dắt chiếc xe đạp trở lại, dựng nó tựa lên vách phòng khách trong nhà rồi chạy lại nắm tay tôi mời vào nhà. Căn nhà anh ở là nhà sàn vách ván, con sông chẩy lượn lờ bên dưới vòng quanh chân cầu Trương Minh Giảng. Căn phòng khách đơn sơ tối tù mù, trên tường một bàn thờ che vải đỏ nơi anh thờ bùa chú gì đó. Anh là một người với một cuộc đời khá đặc biệt chuyên giúp người, mà tôi nghe nhiều nhưng khi quen anh mới hay. Anh là một ông thầy người Chàm cao tay về bùa yếm. Căn nhà sàn này cũng là một tặng phẩm của một bà trên chợ Bến Thành biếu cho anh vì anh đã cứu mạng con gái của bà.
Anh kể tôi nghe rằng con gái của bà này khi xuống Cần Thơ ăn học có gặp một người thương yêu cô nhưng cô không chịu. Chàng trai kia bèn nhờ thầy bùa gì đó dưới Cần Thơ “thư yếm” vào phong bì gửi cho cô. Lúc mở thư ra, cô bắt đầu thấy như có ngọn lửa đang nung đốt ruột gan mình chịu không nổi, cô la hét và xé cả quần áo như người điên. Cô được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng bao nhiêu bác sĩ cũng bó tay vì không tìm ra chứng bệnh gì hết. Bà mẹ bèn đem cô về Sàigòn để tìm thầy chữa trị, và may mắn có người giới thiệu với anh. Anh nói với tôi anh biết người đã yếm bùa hại cô này nhưng anh cao tay hơn nên chữa được. Sau khi con gái bà đã được giải trừ bệnh tật xong, bà đã mua tặng cho anh ngôi nhà sàn này để đền ơn.
Lúc anh mới vào làm cho tòa đại sứ và được đưa về Đoàn Liên Lạc Hoa Kỳ, anh nói tiếng Việt chưa sõi mà tiếng Anh cũng yếu nữa nên tôi thường giúp anh trong các khi cần phiên dịch hay diễn đạt bởi thế anh rất thân với tôi hơn những nhân viên khác của Đoàn.
Tôi tình cờ đến thăm và thấy anh rất vui mừng. Anh có hỏi tôi về tình hình tại sao người Mỹ lại không giữ lời hứa và không đến đón chúng tôi như đã cam kết trong buổi họp cuối cùng ngày 27-4-1975. Tôi nói tôi không biết và lược sơ tình hình mấy ngày nay cho anh hiểu.
Riêng tôi có một câu hỏi với nghề nghiệp thầy pháp, tạm gọi anh như vậy đi, không biết anh có thể tìm được điều gì về tâm linh ngõ hầu soi sáng thêm cho tình hình đen tối này hay không. Anh nhìn tôi chầm chậm lắc đầu một cách bi quan. Anh cho tôi biết một số anh chị em trong Đoàn còn lại tại Sàigòn cũng rất hoang mang, không biết tính sao. Tôi nhờ anh nhắn lại với họ rằng mọi người nên lo cho gia đình mình là tốt nhất rồi xem tình hình ra sao sẽ tính. Tôi ngồi nói chuyện với anh một lát, bắt tay anh rồi ra về. Đó là lần tôi gặp anh sau lệnh đầu hàng và không còn dịp nào gặp lại nữa nhưng lúc nào tôi cũng mến anh, một con người thật thà ngay thẳng hay giúp người.
Tôi chạy xe đến nhà anh Sang, một cấp chỉ huy cũ trong Đoàn Liên Lạc. Tôi bước vội vào phòng khách, chỉ thấy một cô bé giúp việc đang khóc sụt sùi trong căn phòng vắng lặng trống trải, cô nói rằng cả hai vợ chồng anh đều đã ra đi từ hồi nào cô không hay nữa. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng tất cả đều đã tan tác như loài ong vỡ tổ và mạnh ai người nấy đi tìm đường thoát ra khỏi miền Nam trước khi quá trễ.
Vì quá tin vào lời hứa và cam kết của các cố vấn Mỹ trong buổi họp ngày 27- 4 mà phút chót, tôi cũng như hầu hết mọi nhân viên trong đoàn đều bị kẹt lại.
Các bạn đồng nghiệp của tôi, chính tôi nữa khi bước chân vào các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản, đã phải trả một cái giá rất đắt với bao nhiêu năm tù đầy cho niềm tin vào lời hứa sẽ bốc đi bằng trực thăng của người Mỹ. Bởi lẽ các cố vấn Mỹ chỉ lo cho những người họ quen biết, hay chỉ đưa đi một số người quan chức đã được chỉ định trong chính phủ mà thôi.
Vào đầu tháng 5-1975, tôi quyết định đi một vòng để thăm bạn bè và có dịp gặp gỡ một số bạn đồng nghiệp còn ở lại trong đó có một chị người Hoa nói tiếng Việt rất ít nên chúng tôi thường phải đối thoại bằng Anh Ngữ. Câu chuyện của chị kể đã khẳng định điều nhận xét của tôi là đúng.
Chị A.L. cho tôi biết vào sáng ngày 29-4, người cố vấn Mỹ đang thuê nhà của chị nói rằng anh vừa được lệnh triệu tập khẩn cấp các cố vấn Mỹ đang ở trong thành phố hay đang làm việc tại các nhà an toàn phải vào trong tòa đại sứ ngay lập tức.
Tay cố vấn này hỏi chị muốn đi hay không, chị A.L. trả lời đang chờ cố vấn của Đoàn Liên Lạc thông báo xem sẽ tập trung ở đâu. Người Mỹ này nói không còn kịp nữa đâu mà chờ đợi. Nhờ có tay cố vấn ấy mà cả hai mẹ con chị mới vào được trong compound yên ổn ngay sáng ngày 29-4. Tôi thắc mắc tại sao hai mẹ con chị đã vào bên trong yên ổn rồi mà còn ở lại đây Sàigòn giờ này? Chị nói quả con người ta đi đứng đều có số mạng.
Bởi tối hôm 29-4, ai có mặt trong tòa đại sứ cũng đều biết rằng đó là buổi tối cuối cùng vì ngày mai trực thăng sẽ không còn vào đón người di tản nữa từ trên nóc của sứ quán. Vì lẽ đó mà thiên hạ chen nhau một cách hỗn loạn, leo lên từng bậc thang một để lên trên sân thượng nơi trực thăng đang chờ - lý do là mỗi chuyến trực thăng chỉ đón một số người nhất định có tên trên manifest mà thôi.
Chị A.L. dẫn mẹ già nên chậm hơn mọi người. Khi lên đến nóc tòa nhà và chuẩn bị chui vào chiếc trực thăng chị hốt hoảng nhìn lại không thấy mẹ mình đâu. Hóa ra bà cụ vừa mới đứng phía sau chị bên cạnh cầu thang đã bị người ta xô đẩy tuốt về phía sau từ hồi nào. Chị vội quay xuống dẫn cụ lên lại tới nơi thì chiếc trực thăng đó không thể chờ được và đã cất cánh. Chị kiên nhẫn đứng chờ các chuyến sau, từng chuyến một, nhưng vẫn bị từ chối vì không còn chỗ, và cứ thế chờ suốt đêm đến sáng rồi đành ra về khi toán lính Mỹ cuối cùng đã rút lui - không còn một vết tích gì nữa của người Mỹ đã hiện diện ở đây ngày hôm qua.
Những người không đi được còn lại ở bên trong, một số ở bên ngoài quá bất mãn, đã phá tung cánh cửa ùa vào phá hết các đồ đạc tủ bàn ghế. Một số người nữa từ các nơi ngoài đường thấy cổng mở cũng túa vào. Họ đập nát các tủ sắt lấy đi những gì còn có thể lấy được. Đó là vì sao mà các mảnh vụn của cửa kính văng xa ra tới tận ngoài đường.
Ngày 30-4, ngày mất miền Nam, cái dinh thự to lớn và bề thế của tòa đại sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất cũng chỉ còn một cái xác nhà tan hoang. Tôi nhìn lại dinh thự đó một lần chót, không thể ai tin được rằng dinh thự ấy mới đây còn là nơi yểm trợ cho công cuộc chống Cộng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam tự do, nay đứng chơ vơ xác xơ như thân cây rỗng mục.
Trên đường phố chung quanh tôi nhìn thấy nhiều cảnh dở khóc dở cười của những người hôi của. Họ chạy xe gắn máy các loại, thòng dây kéo theo các chiến lợi phẩm như những chiếc ghế xoay rồi cột trên đó thêm cái máy lạnh, cái quạt máy, hay cái máy đánh chữ. Xe của họ phải chạy chầm chậm vì nhanh một chút nữa chiếc ghế xoay kia sẽ đổ ụp xuống đường. Tôi lắc đầu không hiểu được, trong tình hình này tôi chẳng còn thiết tha gì nữa.
Lái xe ngược trở về nhà mẹ tôi để thu xếp đưa gia đình về lại căn nhà tôi đang ở trong Phú Lâm. Tất cả đã hết thật rồi và hy vọng cũng tan tành như mây khói. Những người bạn Mỹ ngày nào vẫn cùng nhau sát cánh bao nhiêu năm giờ đây đã rời xa nghìn trùng không còn một dấu vết. Các viên chức quân dân cán chính thuộc các phủ bộ kể cả những cơ quan tình báo thuộc Phủ Tổng Thống cũng đang phải đối diện với một ngày mai đen tối, trước mặt là một kẻ thù cực kỳ hiểm độc và tàn ác.
Thôi cứ về nhà chờ rồi sẽ hay, cái gì đến sẽ phải đến. Có khác chăng, trước kia tôi chờ trong niềm vui hạnh phúc sẽ được người Mỹ đón đi di tản cùng với gia đình, còn bây giờ chờ người của họ sẽ đến tìm bắt mình ngay tại nhà.
Thành phố Sàigòn không còn nữa, tất cả những ngày tháng êm đềm mang đầy kỷ niệm trên mọi ngả đường thân yêu trong cái thành phố mang tên Hòn Ngọc Viễn Đông đó không còn nữa.
Lịch sử vừa sang qua một trang mới đầy sắt máu, hãi hùng, bi thương; và bên cạnh đó là một nền văn minh huy hoàng của hai mươi năm xây đắp dưới chế độ Cộng Hòa bắt đầu bị kẻ chiến thắng hủy diệt ngay trong thủ đô thân yêu mang tên Sàigòn.
Tôi lái xe đưa vợ con về lại căn nhà cũ trong Phú Lâm. Tôi đã mua sẵn một hộp thuốc ngủ loại mạnh và định cùng với cả gia đình quyên sinh chứ không thể sống với cộng sản. Nhưng nhìn hai đứa con đang say ngủ ngây thơ vô tội, lòng tôi chùng xuống, tôi bỏ ý định tự tử, chờ họ đến bắt mình rồi phó mặc cho số mệnh.
Mấy ngày sau, một chiếc xe díp chạy vào sân nhà tôi, ba người mặc sắc phục như công an trong đó có một người có vẻ là chỉ huy, ngừng trước nhà và hỏi tìm tôi. Họ đưa tôi đến một căn nhà ba từng tại ngã ba Ông Tạ, bên ngoài là một tiệm may, nhưng không ngờ một tiệm may trá hình mà trên lầu nơi ẩn trốn của Việt Cộng nằm vùng ngày trước. Sau ba ngày thẩm vấn liên tục, tên chỉ huy tự giới thiệu Trung Tá, có lẽ thuộc cơ quan phản gián nói giọng Bắc bảo tôi về sửa soạn để đi “tập trung cải tạo”. Lúc đó tôi vẫn chưa để ý đến hai chữ “tập trung”. Sau này tôi mới thấu hiểu được cách dùng chữ vì ở tù tập trung có nghĩa bị giam giữ không hạn định, không biết ngày về.
Thế rồi lệnh của Ủy Ban Quân Quản thành phố qua thông cáo và loa phát thanh cho chúng tôi chuẩn bị một tháng để đi “học tập cải tạo”, “để thành công dân tốt”, để được hưởng “chính sách khoan hồng nhân đạo” của Đảng và Nhà Nước. Trên thực tế, những người đi “cải tạo” mười ngày kéo dài ra vài tháng vài năm. Những người đi một tháng trở thành năm năm, mười năm, mười lăm năm. “Hãy nhìn những gì cộng sản làm, đừng nghe những gì cộng sản nói”, câu nói ấy chưa bao giờ đúng và đầy ý nghĩa như vậy.
Một định mệnh đầy xót xa đang cuồn cuộn bao trùm lấy thân phận những viên chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ còn ở lại sau ngày mất Sàigòn. Hàng trăm ngàn người bị bỏ rơi, bị ném vào một tình thế vô cùng nguy hiểm, trước cơn cuồng phong bão tố của giặc đỏ đang xô tới. Trước mắt họ và gia đình họ hiện ra những năm tháng đen tối nhất trong đời với bao nhiêu mất mát thương đau trong chương bi hùng ca “tù cải tạo”.
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ - Sàigòn