Tuesday, 10 April 2018

Chiêu dụ Cuba tham gia kinh tế thị trường

(Thời sự tổng hợp)

Ngày 29 tháng 3 năm 2018 nhân chuyến đi xóa nợ cho xứ sở Castro, giáo sư ngành xây dựng đảng kiêm nhiệm đảng trưởng đảng csVN Nguyễn Phú Trọng lên lớp cổ súy đàn em Raoul Castro mạnh dạn tiến vào nền kinh tế thị trường, bởi vì “kinh tế thị trường không phá hoại chủ nghĩa xã hội” (nguyên văn).

Khi rao giảng cho người học trò Cuba, giáo sư học viện chính trị của cộng sản Hà Nội đã quảng bá nội dung bài học “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (kinh tế TT đ/h XHCN).
Theo đó, kiểu “kinh tế thị trường không phá hoại xã hội chủ nghĩa” được hiểu là sẽ phù hợp quyền lợi và sự tồn tại của đảng cầm quyền:
Đảng toàn trị + đảng chỉ đạo kinh doanh = kinh tế TT đ/h XHCN.

Toàn thế giới loài người khi bước vào thế kỷ 21, chỉ vỏn vẹn có 4 quốc gia còn đang chịu sự cai trị độc tài của đảng cộng sản, gồm: Trung Hoa, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Cuba.

Về yếu tố địa lý.
Hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Việt Nam, chính là hai tiền đồn quan trọng nằm về hướng Bắc và hướng Nam che chắn, bảo vệ chế độ độc tài toàn trị tại Bắc Kinh. Không có con đường “thoát Trung”. Không thể chệch hướng ra khỏi tầm thống trị của thế lực cộng sản đàn anh. Rõ nghĩa hơn, tại Bắc Triều Tiên và Việt Nam, bằng mọi giá, đảng cộng sản vẫn phải tồn tại trên ngôi vị cầm quyền, để vừa giữ vị trí hành lang phiên thuộc bao bọc cho đế chế Tàu cộng, vừa là hai thị trường tiêu thụ hàng hóa do Tàu cộng sản xuất.

Còn lại đảo quốc Cuba, đơn độc trong vùng biển Caribe, Mỹ châu.
Cách xa cộng sản Tàu đến nửa vòng địa cầu, trải qua gần bốn thập niên bám theo chân phò chủ tướng Nga xô viết, Cuba vẫn dở sống dở chết với chế độ độc tài gia đình trị Castro nhân danh cộng sản.
Thế giới có trên 200 quốc gia. Vẫn còn 4 xứ sở chưa thoát ách cộng sản.

Về dân số và đời sống.
Dân số nước Tàu 1 tỉ 4 trăm triệu dân. Năm 2015 tại Ottawa Canada, ngoại trưởng Vương Nghị công khai thừa nhận sau 30 năm cải cách nhà cầm quyền Trung cộng đã nâng cao mức sống cho 600 triệu dân.
Như vậy, vẫn còn có 800 triệu dân Tàu hiện đang sống nghèo khó.

Cộng sản VN, với dân số 95 triệu, nhờ vào nguồn viện trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế, năm 2017 công bố thành tích cơ bản xóa đói giảm nghèo. Đã giảm nghèo lên tới mức không còn nạn đói, vẫn tồn tại hai phần ba dân số chìm trong lầm than cơ cực, được ước tính vào khoảng 50 triệu người sống dưới mức nghèo khổ.

Tuy xưng danh cai trị theo lý thuyết chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế đời sống căn bản của dân chúng Việt Nam hoàn toàn bị bóc lột bởi vô số chủng loại cước phí tùy tiện “phi ngân sách” nhằm từng ngày bồi đắp làm giàu thêm cho giai cấp đảng cầm quyền, ví như:
-       Giáo dục, phải trả tiền trường, tiền sách từ cấp vở lòng tiểu học
-       Y tế, phải trả chi phí khám bệnh, điều trị, tiền thuốc men
-       Giao thông, trả phí BOT trên toàn hệ thống quốc lộ trong nước.
-      Hành chánh, Tư Pháp, Kinh Tế, Xây Dựng áp dụng khá nhiều loại lệ phí bất minh, đi đôi với tình trạng sưu cao thuế nặng.

Cộng sản Bắc Triều Tiên, dân số dưới 30 triệu, hoàn toàn khép kín, đời sống tận cùng thiếu thốn, được biết đến bởi nạn đói triền miên, liên tiếp nhận thực phẩm cứu đói từ Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc.

Đảo quốc Cuba, 20 triệu dân, kinh tế bế tắc. Đời sống không khác bộ lạc trên ốc đảo cô lập giữa đại dương mênh mông. Không xây dựng được quốc sách phát triển, đảng cộng sản cầm quyền bất lực trước tình trạng kinh tế nghèo nàn, xã hội lạc hậu.

Thế kỷ 21, tổng dân số trên toàn thế giới vào khoảng 6 tỉ rưỡi người.
Riêng khối 4 nước dưới chế độ cộng sản toàn trị chiếm 1/4, tương đương với số dân cao hơn 1 tỉ rưỡi người.
Kéo dài 70 năm một chế độ cai trị khắc nghiệt. Mất trắng 30 năm đấu tranh giai cấp nồi da xáo thịt kể từ sau ngày cướp chính quyền, suýt xô đẩy sinh mệnh của cả 4 dân tộc tới bờ vực tự diệt vong. Mãi đến thập niên 80 của thế kỷ 20, lãnh tụ đế chế cộng sản Tàu đầu đàn, họ Đặng, mới tỉnh ngộ, tạm xa rời Mác Xít hoang tưởng, lấy sáng kiến tự cứu, bắt tay với thế giới văn minh, ẩn mình dưới vỏ bọc “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, để cố gắng vực dậy.
Trải qua 40 năm đổi mới nửa vời, toàn khối cộng sản chỉ đạt tới thành tích nâng mức sống cho 40 phần trăm dân số từ nghèo tiến lên bậc trung lưu. Số còn lại, 900 triệu dân Tàu, Việt, Triều Tiên và Cuba vẫn còn sống ở mức nghèo khó.

Cơ hội giúp khối cộng sản xoay xở xâm nhập kinh tế thị trường.
Có thể tóm tắt:
Chuyến Hoa du của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon năm 1972.
Chuyến Mỹ du của Chủ tịch Trung cộng Đặng Tiểu Bình năm 1979. Đã là hai dấu mốc lịch sử dẫn đến sự tự chuyển mình xoay xở mong cứu vãn sự thất bại kinh tế của chủ thuyết cộng sản áp dụng tại nước Trung Hoa. Khơi mào kiểu mẫu cho csVN lần bước theo sau.

Giai đoạn kế, Hoa Kỳ và các nước theo thể chế dân chủ đa nguyên vững mạnh trên nền móng chủ thuyết kinh tế thị trường nhân bản công bằng, đầy hảo ý và thiện chí, đã lần lượt mở cửa Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO), đón nhận Trung cộng (năm 2000) và csVN (năm 2004) gia nhập vào sân chơi kinh tế quốc tế.

Khá nhiều điều kiện đòi hỏi sự công bằng, tinh thần minh bạch về mặt tổ chức sản xuất đối với các quốc gia thành viên WTO. Điều này đã chạm phải những thuộc tính kiêng kỵ cố hữu về cấu trúc tổ chức trong xã hội độc tài cầm quyền của 2 tân thành viên cộng sản Tàu, Việt. Điển hình nhất, là yêu cầu hình thành tổ chức “công đoàn độc lập” có chức năng bảo vệ phúc lợi chính đáng cho giới công nhân toàn cầu.
Cả 2 thể chế cộng sản này đều khước từ, nại ra lý do quốc gia mới phát triển cần nhiều thời gian để tự điều chỉnh, tìm mọi cách chống chế lách né. Bởi vì công đoàn độc lập là một đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của đảng cộng sản cầm quyền, minh chứng rõ ràng qua sự sụp đổ của chính quyền cộng sản tại nước Ba Lan vào cuối thế kỷ trước..

Là một chính quyền cộng sản đàn anh tham gia WTO, Tàu cộng giữ im lặng, nhẫn nại âm thầm trục lợi, ăn cắp phát minh kỹ thuật của thế giới tư bản.
Vai trò csVN đàn em còn non nớt yếu thế trên đấu trường quốc tế, đã được Tàu cộng sai khiến, gióng lên với thế giới một tên gọi mới đầy tính chất cải lương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Kinh Tế TT đ/h Xã Hội CN), ngụ ý pha trộn thực chất hai vế đối nghịch không thể hòa vào nhau trong nền tự do thương mại toàn cầu, nhắm chủ đích ưu tiên bảo vệ tiếng nói cùng với lợi ích của nhà nước cộng sản cầm quyền, gây ra tình trạng đối chọi, lủng củng trong nội tình cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

So sánh hai thực chất đối nghịch căn bản của hai nền kinh tế thị trường:
Kinh tế thị trường nhân bản = dân chủ đa nguyên + tự do kinh doanh
Kinh tế TT đ/h Xã Hội CN     =  độc tài toàn trị + đảng chỉ đạo, trợ giá cạnh tranh

Hành trang sứ mệnh mà thuyết khách Nguyễn Phú Trọng đã mang đến Cuba chính là mô thức Kinh tế Thị Trường định hướng Xã hội chủ nghĩa do Tàu cộng khởi xướng, Tập Cận Bình lãnh đạo, mục đích chiêu dụ kết nạp Cuba làm thành viên, theo cách tự nguyện xin tham gia khu vực kinh tế “nhất đới nhất lộ” mở rộng địa bàn kinh doanh sản phẩm của china đến tận biên cương với Hoa Kỳ.
Nguyễn Phú Trọng ra sức khuyến dụ, cò mồi đưa Castro vào tròng, tự xin nhập hội, đồng sàng cùng với Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình, giống như đảng csVN đã làm, nhờ đó mới nắm lấy cơ hội thúc đẩy thay đổi "bộ mặt đời sống" đất nước, giúp đảng cầm quyền hưởng phần “lại quả” vinh hoa phú quý.

Nếu Castro chấp thuận, tức khắc Cuba sẽ nhận được chiếc chìa khóa mở cửa tiến vào xa lộ kinh tế thị trường OBOR (nhất đới nhất lộ).

Ngày mà ngân hàng China mở cửa khai trương, người dân và chính quyền Cuba đều sẽ được dễ dàng vay nợ đồng tiền Yuen của Trung cộng, là một ngoại tệ mạnh, tha hồ xây dựng, du lịch, mặc sức mua sắm hàng hóa lộng lẫy từ chiếc xách tay phụ nữ, đến các kiểu xe du lịch sang trong đời mới, hoặc những chiếc máy bay chở khách hạng nhẹ, hay khí tài trang bị quốc phòng, made in china, tùy theo sở thích và nhu cầu. 

Toàn dân Cuba được ứng tiền tiêu xài trước, nhà nước Castro sẽ thu gom thuế trả nợ sau.

Khi nợ đáo hạn không trả xuể, Castro có thể dễ dàng chọn cách trả nợ cho Tàu cộng bằng cách chuyển nhượng đất đai lãnh thổ, lãnh hải hay tài nguyên thiên nhiên có trị giá tương đương tổng số tiền đã vay nợ. 

Làm như vậy đồng nghĩa với việc Castro sẽ phải bán nước dần, rước Tàu vào cai trị Cuba.

Và còn thêm hậu họa lớn kéo theo, đại nạn Hán hóa khó tránh khỏi trên đất nước Cuba.

Đây, đúng là con đường duy nhất tiến vào “kinh tế thị trường không phá hoại chủ nghĩa xã hội” mà giáo sư cộng sản Nguyễn Phú Trọng phụng mệnh thiên triều Tập Cận Bình đến rao giảng tại Cuba ngày 29/3/2018.

Kết luận. Tự thân đảng cộng sản VN từ thời Hồ Chí Minh đến thời Nguyễn Phú Trọng kéo dài 73 năm, đã là con nợ lớn nhất của Tàu cộng đưa đến hậu quả mất đất, mất đảo, mất biển, và hiện vẫn còn đang là con nợ tính bằng bạc tỉ đô la đến độ phải mở cửa biên giới Móng Cái và Lạng Sơn (tháng 3/2018) cho dân Hán tràn qua mỗi ngày hàng chục nghìn người, thả nổi hối đoái mặc cho tiền Yuen công khai thay thế tiền Đồng trong sinh hoạt thương mại tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Kinh tế thị trường kiểu made in China, không có đường thối lui, “vay nợ trước, bán nước sau”.

Lưu Thiên Lý 
tổng hợp 10/4/2018