Thursday 5 July 2018

TRUYỆN ISE (I) & (2) - Dịch chú: Nguyễn Nam Trân

Tác phẩm cổ điển trong thể loại truyện thơ Nhật Bản
(Ise-monogatari - 伊勢物語, thế kỷ thứ 10)
Nguyên bản: Tác giả vô danh
Người canh cửa bên bức tường lở (Đoạn 5) 
Giới thiệu:
Truyện mang tên Ise 伊勢物語, địa danh cũ của phân nửa tỉnh Mie, miền trung Nhật Bản bây giờ, không biết do ai viết nhưng được ước định đã ra đời vào khoảng đầu đến giữa thế kỷ thứ 10 (905-951), hầu như cùng thời đại với Truyện lão tiều đốn trúc (Taketori Monogatari竹取物語). Theo học giả Kenneth Yasuda – giáo sư Đại học Indiana – qua nội dung đoạn 106 thì tác giả của nó phải là một người đàn ông và có thể là nhà quí tộc Fujiwara no Toshiyuki 藤原敏行 (mất năm 907), ít nhất ông này đã viết ra văn bản đầu tiên trước khi những người khác thêm thắt và hoàn thành. Toshiyuki là anh em vợ của nhân vật chính (Ariwara no Narihira) nên có cơ hội sử dụng như tư liệu những bài waka từ ca tập của ông này. Toshiyuki cũng đủ tài năng viết cuốn truyện vì ông là một nhà thơ nổi tiếng đương thời, có chân trong “Tam thập lục ca tiên” tức những nhà thơ lỗi lạc nhất của giai đoạn Nara và Heian (710-1185). Về niên đại sáng tác thì dịch giả người Pháp G. Renondeau đã dựa vào thời điểm ra đời của các thi tập waka soạn theo sắc chiếu có chép thơ Narihira như Kokinshuu (Cổ Kim Tập, 905) hay Gosenshuu (Hậu Soạn Tập, 950).

Phải chăng Fujiwara no Toshiyuki là tác giả Truyện Ise?

Trở lại với nội dung của cuốn truyện, ta biết nó xoay chung quanh cuộc đời tình ái của nhân vật được phỏng đoán là Ariwara no Narihira在原業平 (Tại Nguyên, Nghiệp Bình, 825-880), dòng dõi Thiên hoàng Kanmu (trị vì 782-805) và con trai ông là Heijô (hay Heizei, trị vì 806-809). Trong truyện, Ariwara được nhắc đến một cách kín đáo là « Mukashi, otoko » (Xưa, có một chàng trai ... ). Truyện gồm 125 đoạn ngắn, lấy thơ làm phần chủ yếu cho mỗi đoạn. Nhân vật chính, «Xưa, có một chàng trai ... » của cuốn truyện, vốn con nhà hoàng tộc, vì gặp buổi quyền thần (đại tộc Fujiwara) khống chế, đâm ra buồn rầu nên ngụp lặn trong vòng tình ái. Dĩ nhiên, nhân vật chính nầy không rập khuôn chàng Ariwara no Narihira ngoài đời mà được mô tả tự do theo hư cấu. Sự thực thì có một vương tử điển trai và đa tình tên gọi Ariwara no Narihira, sự tích được ghi lại trong bộ sử Sandai jitsuroku (Tam đại thực lục, 901). Chàng là con trai thứ 5 của một hoàng tử (Thân vương Apo, 792-842) và làm tướng trong đội ngự lâm quân, nổi tiếng vì tính trăng hoa và tài làm thơ waka. Có thể những bài waka gán cho Narihira chỉ là tác phẩm của thi hào Ki no Tsurayuki hay một người nào khác có tầm cỡ như vậy và được đem đăng vào Kokin-shuu (Cổ Kim Tập). Nói chung, Ariwara no Narihira là hình tượng chàng Don Juan trong văn học Nhật, không khác chi ông hoàng đa tình Genji của Murasaki Shikibu thời Heian và chàng trai phóng đãng Yonosuke của Ihara Saikaku thời Edo.
Tuy luyến ái nhớ nhung giữa nam nữ là cốt lõi nhưng Truyện Ise cũng nói đến những tình cảm quyến luyến (omoi思い) khác như tình gia tộc, tình bằng hữu. Ise-monogatari đã để lại ảnh hưởng quan trọng đến các tác phẩm đời sau. Ban đầu, Truyện Ise chỉ mô phỏng theo tập thơ cá nhân của Ariwara, sau đó lại được bổ sung để trở thành  Truyện Ise hiện tại. Truyện nầy còn được gọi là Zaigo chuujô monogatari (Tại ngũ trung tướng vật ngữ) hay Zaigo monogatari (Tại ngũ vật ngữ) vì Zaigo Chuujô là tên hiệu và chức tước của Ariwara.
Văn chương trong Ise cũng thô sơ như văn của Taketori Monogatari (Truyện lão tiều đốn trúc) nhưng nhờ xen kẻ tản văn và waka nhiều hơn nên có một nét duyên dáng đặc biệt. Câu chuyện kể từ lúc nhân vật làm lễ đội nón (sơ quán = uikôburi) nghĩa là thành nhân cho đến lúc lâm chung. Tuy tâm điểm của câu chuyện là mối tình của vai chánh (Ariwara no Narihira) với nàng công chúa chưa chồng được chọn đi tu là Ise no Saiguu (Y Thế Trai Cung) (đoạn 69) nhưng truyện cũng đề cập đến các nhân vật nam, nữ khác (trong đó có mối tình thầm vụng của « chàng » với người sau này sẽ là Hoàng thái hậu Nijô) và những hình thức thể hiện tình yêu nơi con người nói chung. Điều này cho ta thấy quan niệm tình yêu rất rộng rãi của người đương thời, không nề hà giai cấp (hoàng hậu) hay tôn giáo (công chúa đi tu). Nhân vật nam không hề bị trói buộc bởi tư tưởng Nho, Phật hay cả Thần Đạo.
Tuy nhiên, đặc sắc nhất có lẽ là chuyện tình của Ariwara no Narihira với một bà lớn tuổi yêu chàng, chứ không phải với những cô trẻ đẹp mà chàng chạy theo. Câu cuối của truyện đó phản ánh triết lý của tác giả :
« Ở đời, người ta chỉ quan tâm đến người họ yêu mà hờ hững với người họ không yêu. Thế nhưng cách sống của chàng Ariwara no Narihira là không phân biệt kẻ chàng yêu với kẻ chàng không yêu ».
Chủ đề của Ise là sự yêu chuộng và đi tìm cái cao nhã (miyabi) tức vẻ đẹp lý tưởng theo lối suy nghĩ của giới quí tộc Heian, phân biệt với cái thô lậu quê mùa (hinabi, inakabi) trong dân gian. Qua những vần waka tặng qua đáp lại, Truyện Ise tạo nên một không khí mơ hồ, khơi gợi trí tưởng tượng của độc giả, dẫn đường họ vào thế giới trữ tình của truyện kể một cách tự nhiên. Ise được xem như một truyện thơ (uta.monogatari 歌物語) tối cổ còn giữ được. Nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm uta-monogatari đi sau như Yamato, Heichuu và Genji. Đi xa hơn nữa, sự cao nhã (miyabi) còn liên quan đến quan niệm mỹ thuật gọi là yuugen (u huyền) thấy trong các yôkyoku (dao khúc) tức ca từ để hát trong tuồng Nô thời trung cổ, cũng như mỹ quan nghệ thuật tạo hình thời Edo của phái Kôrin (光琳), các tác phẩm tiểu thuyết loại « đắm sắc » (kôshoku好色) của Ihara Saikaku lẫn văn du ký của Bashô. Ảnh hưởng của Ise vào thời ấy còn được thấy qua sự xuất hiện của Nise Monogatari “Truyện Ise giả mạo » và Kuse Monogatari “Truyện thói tật » (hay cá tính) của Ueda Akinari. Dịch giả H. Jay Harris lại nhắc đến các bức tranh khắc gỗ thuần Nhật (Yamato-e) của họa phái Tosa với họa sư Suminokura Sôan (1571-1632) mà chủ đề chính là Truyện Ise. Bộ tranh ấy gồm 2 tập với 49 bức Tất cả cho thấy ảnh hưởng của Truyện Ise nhiều lần đi ra ngoài lãnh vực văn học.
Truyện Ise có đặc điểm là chứa đựng 209 bài thơ làm theo thể tanka với 31 âm tiết (5/7/5/7/7). Bản dịch sau đây của chúng tôi dựa trên bản cổ văn Truyện Ise của thi hào và cũng là nhà nghiên cứu Fujiwara no Teika 藤原定家 (gọi là bản Teika = Teikabon定家本) tàng trữ tại Đại học Gakushuuin (Học Tập Viện), Tokyo, đã được học giả Ishida Jôji thông dịch sang kim văn và chú thích tường tận. Chúng tôi cũng tham khảo một bản chuyển thể sang kim văn khác, gọn ghẽ hơn, của nữ văn sĩ hiện đại Tanabe Seiko. Phần bình luận là bản tổng hợp ý kiến các nhà văn Nhật và ngoại quốc, trong đó có Ishida Jôji, Kenneth Yasuda, H. Jay Harris và G. Renondeau (xem Thư mục tham khảo ở cuối bài). Các phần là do dịch giả đặt ra để tiện theo dõi, còn các đoạn thì đã có nhưng nguyên lai không có tiểu tựa, chúng tôi đặt thêm dựa trên ý kiến của hai dịch giả Ishida Jôji và Tanabe Seiko tùy theo trường hợp.
Nguyên tắc chính của việc dịch thuật lần này không phải là trực dịch (bám sát câu chữ) nhưng là thông dịch, sao cho ý nghĩa hiển lộ lẫn ý nghĩa tiềm ẩn đều được phơi bày trước mắt độc giả.

Nguyên Văn
Phần I: Từ đoạn 1 đến 25
Đoạn 1 : Tuổi thành nhân
Xưa có một chàng trai vừa đến tuổi búi tóc đội mão, một ngày lên đường săn bắn ở làng Kasuga, vùng ngoại ô kinh đô Nara. Đây là nơi gia đình chàng có thực ấp. Khi nhòm trộm qua hàng rào nhà kia, chợt thấy hai chị em cô gái xinh đẹp mỹ miều, với phong thái linh hoạt nơi thôn dã (khác với cung cách nhàm chán ở kinh đô), bèn đâm ra mê mẩn. Chàng làm ra vẻ người lớn, cắt vạt áo bào của mình và đề một bài thơ tặng mỹ nhân. Áo của chàng mặc vốn in mẫu hình nhuộm bằng nước cỏ Shinobu (Cỏ nhớ nhung) :
Kasugano no / wakamurasaki no / surigoromo / shinobu no midare / kagiri shirarezu /
Trên đồng Kasuga / Người đẹp hoa xinh nõn /Như vân áo chằng chịt / Lòng ta cũng rối bời /
Qua đó, chàng mượn ý một bài waka của một người đời xưa là Minamoto no Tôru. Bài thơ đó như sau:
Michinoku no / shinobu mojizuri / tare yue ni / midaresome ni shi / ware nara naku ni /
(Vùng Michinoku / Có loại Cỏ nhớ nhung / Bao người xưa nhuộm áo / Nào phải một ta đâu)
Người ngày xưa thanh nhã như thế đấy.
Lời bình (1):
Xưa kia trong giới vương hầu quí tộc ở Nhật, búi tóc đội mũ (sơ quán 初冠= uikôburi) hay genpuku 元服 (nguyên phục) là dấu hiệu trưởng thành, có đủ tư cách nối nghiệp và kết hôn. Ông hoàng Genji làm lễ ấy năm 12 tuổi và ngay đêm hôm đó, đã được sắp xếp để ngủ chung giường với một công nương (phong tục gọi là soine添寝) con gái quan đại thần (xem chương Kiritsubo). Chàng thiếu niên trong đoạn 1 này có lẽ tuổi cũng chỉ từ 12 đến 15.
Thời điểm câu chuyện có lẽ là dưới triều Nara (710-784), lúc trai gái còn bị cấm gặp nhau nếu không có quan hệ chính thức. Cách cắt vạt áo đề thơ tỏ tình là phong cách đương thời và nó biểu hiện thẩm mỹ của văn hóa ưu nhã, tinh tế cung đình (miyabi). Thế nhưng mẩu hình in trên áo bằng lá cây dương xĩ là một thủ công nghệ ngành nhuộm của vùng Shinobu thuộc Michinoku (nay là khu vực Đông Bắc đảo Honshuu). Vì Shinobu ngoài là địa danh còn có nghĩa là nhớ nhung nên tác giả đã ghép vào để chơi chữ ở đây. Hơn nữa, nó còn liên quan đến giai thoại về mối tình ngắn ngủi giữa Tả đại thần Minamoto no Tôru (822-895) và một người con gái miền Đông Bắc khi ông có dịp ghé qua vùng.
Đoạn 2: Cô gái Tây kinh
Xưa, có một chàng trai sống vào thời mà Nara đã trở thành kinh đô cũ. Kinh đô mới nằm ở miền Tây, nhà cửa bấy giờ hãy còn chưa đâu vào đấy. Nơi đây, có một nàng con gái vốn không phải là phụ nữ tầm thường như các cô khác. Vẻ đẹp của tâm hồn của nàng còn cao sang hơn cả dung mạo. Hình như nàng cũng đi lại với nhiều người đàn ông.
Chàng trai bèn đến tỏ tình yêu chân thành của mình. Đêm ấy trò chuyện đã xong, khi trở về, chàng càng đem lòng tơ tưởng. Trời đã bắt đầu tháng ba, mưa xuân lâm râm làm con tim chàng sướt mướt. Mới vịnh một bài thơ:
Oki mo sezu / Ne mo se de yoru wo / Akashite wa / Haru no mono to te / Nagame kurashitsu
(Ta từ nơi em về / Trằn trọc đến hừng sáng / Mưa xuân dài bất tận / Lại một ngày ngóng trông) 
Lời bình (2):
Kinh đô phía Tây (Tây kinh = Heian) lúc đó chưa xây dựng hoàn chỉnh, nhà cửa hãy thưa thớt. Một bầu không khí cô quạnh hoang vu còn vây bọc toàn cảnh. Thời tiết là mùa xuân, lúc mưa phùn còn dây dưa rắc hạt, đã giúp tác giả sử dụng cách chơi chữ nagame (= naga-ame長雨, mưa dầm) và nagame (naga-me 長目= nhớ mong). Việc đặt bút làm một bài thơ sau lần gặp gỡ để bày tỏ tình cảm cho nhau còn là một nghi thức xã hội thanh nhã của người đương thời.
Đoạn 3: Rong biển
Xưa có một chàng trai khi đem rong biển hijiki (鹿尾菜xưa đọc là hijikimo) gửi tặng cho người mình yêu dấu, có kèm theo vần thơ như sau:
Omoi araba / mugura no yado ni / ne mo shinamu / hishikimono ni wa / sode wo shitsutsumo /
(Nếu nàng rủ lòng thương / Thì cỏ rậm nhà hoang / Áo xống lót làm giường / Ta cũng không quản ngại)
Câu chuyện này xảy ra khi Hoàng hậu Nijô chưa vào hầu hoàng thượng và hãy còn là một cô con gái nhà dân.
Lời bình (3):
Hijikimo (Hijikia fusiforme, duckweed) là tên một loại rong màu đen, món ăn được người Nhật yêu chuộng. Chữ này gợi độc giả liên tưởng tới hishikimono vốn có là chăn nệm trải giường. Ở đây, người con gái mà Narihira tỏ tình là nàng Takako 高子, con gái của quan tham nghị (cố vấn) hàm nhị phẩm Fujiwara no Nagayoshi (802-856). Cô gái sau này sẽ được tuyển vào cung và thành người vợ thứ hai của Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa). Khi con trai ông bà là Thiên hoàng Yôzei (Dương Thành) lên ngôi, bà trở thành Hoàng thái hậu nhưng lại bị tước hết chức danh cao quí vì tội “thiếu phẩm hạnh”. Bà mất vào năm 901 ở tuổi 69.
Bà thiếu phẩm hạnh thế nào thì sự việc sẽ được đề cập đến trong đoạn sau.
Đoạn 4: Đâu trăng xưa?
Xưa kia, lúc Hoàng thái hậu còn ngự trong cung nằm trên phố Gojô ở phía đông kinh đô, phía tây ngôi nhà ấy có một người con gái sinh sống.
Chàng trai biết là một mối tình cấm đoán nhưng không cưỡng nỗi sự say mê. Chàng thường xuyên tìm đến nàng con gái nhưng vào ngày 10 tháng giêng năm đó bỗng cô ấy dọn nhà đi đâu mất. Hỏi thăm tông tích mới biết nơi đó là một chốn mà người thường không thể héo lánh, chàng bèn ngậm hờn sống những ngày cay đắng.
Tháng giêng năm sau, khi hoa mơ đang độ nở, chàng trai nhớ lại ngày này năm ngoái, tìm đến chỗ nàng từng cư ngụ. Hết đứng lại ngồi, bồi hồi nhớ về kỷ niệm xưa. Đưa mắt nhìn quanh nhưng nào thấy bóng dáng ngày nào, chỉ biết khóc tức tưởi. Lòng buồn bã, chàng bèn ngả lưng xuống sàn ván thô lạnh. Đến khi trăng mọc mới ngâm bài thơ như sau:
Tsuki ya aranu / haru ya mukashi no / haru naranu / wa ga mi hitotsu wa / môt no mi ni shite /
(Trăng, xuân của đêm nay / Nào phải trăng, xuân xưa / Riêng mình ta một bóng / Vẫn là ta thuở giờ )
Suốt đêm, chàng hồi tưởng kỷ niệm từng có với nàng. Đến khi trời sáng, lại than khóc rồi mới ra về.
Lời bình (4):
Gojô (Ngũ điều) là con đường số 5 trong thành phố Kyôto vốn được chia cắt theo hình ô bàn cờ. Hai dãy nhà bên cung hoàng hậu (taiya 台屋) là nơi các người giúp việc cho bà cư ngụ. Nàng con gái ở đây không ai khác hơn là bà Takako (Kôshi, Cao tử, xem Đoạn 3). Còn bà hoàng thái hậu nói đến trong đoạn này là bà Nobuko (Junshi, Thuận tử), con gái đại thần Fujiwara no Fuyutsugu. Bà là hoàng hậu của Thiên hoàng Ninmyô (Nhân Minh). Takako lúc ấychưa trở thành một Hoàng thái hậu như định mệnh cao quí của nàng sẽ đưa đẩy.
Chuyện tình giữa đôi nam nữ Narihira và Takako này thật thanh nhã và diễn ra trong buồn đau và câm nín. Biết là trái cấm mà người con trai cũng phải đụng vào, đang yêu thương khắng khít mà người con gái cũng đành lặng lẽ bỏ đi. Nên để ý đến sự giao hòa của con người và khung cảnh thiên nhiên (hoa xuân, trăng xuân) qua cái cảnh chàng trai về thăm chốn cũ nhớ lại ngày này năm ấy. Bài thơ trong đoạn 4 của tác phẩm là bài thường được người đời sau nhắc đến nhiều nhất.
Đoạn 5: Bờ tường lở
Xưa có một chàng trai, thường tránh mắt người đời, qua lại ở khu Gojô phía đông kinh thành. Vì đây là chốn nếu bị kẻ khác bắt gặp là khốn nên chàng tránh không đi vào cổng chính mà chỉ mượn bờ tường lở do bọn trẻ con dẫm đạp mãi thành đường. Tuy nhà này không có nhiều kẻ ra vào nhưng vì chàng trai đến quá thường xuyên nên chủ nhân của ngôi nhà đâm ra e ngại, mỗi đêm đặt người canh gác. Chàng trai tuy tới nơi nhưng hết cơ hội gặp gỡ nàng, đành phải ra về. Vì tình cảnh như thế, chàng mới thốt ra những vần thơ:
Hito shiranu /wa ga kayoiji no / sekimori wa / yoiyoigoto ni / uchi mo nenaramu /
(Lối nhỏ mỗi đêm qua / Nào đã ai hay biết / Người canh nếu thương ta / Ngủ ngon, đừng dò xét!)  
Người con gái vì thế hết sức đau khổ. Quá tội nghiệp cho nàng, chủ nhân (tức hai ông anh) đành dẹp bỏ người canh.
Chàng trai cố tránh mắt người đời để đến thăm Hoàng hậu Nijô nhưng vì thế gian nhiều lời đồn đại nên các anh của nàng mới phải cắt đặt người canh cửa.       
Lời bình (5)
Chỉ cần nói đến khu vực Gojô và mô tả khung cảnh là đủ biết hai nhân vật là đôi uyên ương Narihira và Takako. Thực vậy, Hoàng thái hậu Nijô (như đã nói, bà Fujiwara no Takako thời trẻ có sống ở khu Gojô). Lối gọi người bằng chỗ cư ngụ (Ichijô, Nijô, Sanjô, Shijô, Gojô, Rokujô...) đã có từ xưa. Trong Truyện Genji chẳng hạn, cũng có nhiều ví dụ như thế. Câu cuối cùng nói trắng tên họ như thế chắc là do người đời sau thêm vào chứ thời đó vốn không phải là điều cần thiết. Về “chủ nhân” thì không phải là nàng Takako mà là hai anh trai, có thể hiểu là Fujiwara no Kunitsune (828-908), ông anh cả và Mototsune (836-891) vì hồi đó, đàn ông con trai mới nắm quyền trong nhà.
Nói là “tránh mắt người đời”, “bí mật” nhưng thực ra chỉ là chưa được chính thức hóa trên danh nghĩa chứ các cuộc hẹn hò ngày xưa giữa nam nữ quí tộc đều xảy ra trước mặt nhiều người như kẻ ăn người ở và lính tráng hộ vệ.
Đoạn 6: Bị quỷ sứ nuốt trọn
Xưa, có một chàng trai bao năm tiếp tục đeo đuổi một người con gái có địa vị cao sang (xem như đóa hoa trên đỉnh núi cao) mà đáng lý ra chàng không có quyền với tới. Rốt cuộc, một đêm nọ, lợi dụng bóng tối, chàng đến lén bắt cóc nàng đi trốn, đến được bờ con sông Akutagawa. Bèn đặt nàng lên thảm cỏ còn ướt sương lấp lánh. Nàng thấy thế bèn hỏi: “Cái này là chi vậy anh?”
Chỗ chàng muốn đưa nàng đến hãy còn xa mà trời đã khuya khoắt, sấm chớp đùng đùng, mưa giông sắp đến, chàng mới đẩy nàng vào sâu bên trong một nhà kho bỏ hoang để tạm trú, còn mình thì mang cung tên trấn giữ ngoài cửa. Lòng chàng những mong sao cho trời chóng sáng. Thế nhưng không ngờ nàng đã bị quỷ sứ nuốt trọn. Nàng chỉ kịp kêu một tiếng “Ối, chao ôi!”(Ana ya) nhưng sấm đã che lấp, nó không đến tai chàng. Ngày hôm sau trời dần dần sáng, mối lo cũng vợi nhưng khi quay lại nhìn thì chàng thấy người con gái đã biến đi đâu mất. Chàng dậm chân than khóc mà chẳng làm được gì hơn.
Shiratama ka / nanzo to hito no / kiishi toki / tsuyu to kotaete / kienamashi mono wo
(Nàng hỏi ngọc đây chăng? Trả lời chỉ là sương / Ôi, phải chi thân ta / Cũng tan theo sương khói!)
Đây là câu chuyện xảy ra thời Hoàng thái hậu Nijô (Takako) còn là cung nữ hầu cận bên cạnh bà chị họ của mình là Hoàng phi Akiko. Takako nhan sắc tuyệt trần nên đã bị một chàng trai bắt cóc, cõng trên vai đưa nhau đi trốn. Hai người anh của bà là đại thần (Otodo) Horikawa và quan tham nghị cấp cao (Dainagon) Kunitsune - lúc ấy còn giữ chức thấp - trên đường vào cung chợt thấy người con gái đứng khóc bù lu bù loa nên đã bắt lại đưa về. Điều đó được nói bóng gió thành chuyện “bị quỷ ăn thịt” nói trên.
Còn bản thân Hoàng hậu Nijô thì lúc ấy bà cũng hãy còn rất trẻ và chưa có danh phận gì.
Đến bên bờ sông Akuta (đoạn 6)
Lời bình (6):
Hình như câu chuyện cô gái bị bắt cóc và bị quỷ nuốt này được dàn dựng lên theo mô-típ truyện kể dân gian để nói khéo về việc “thiếu phẩm hạnh” của bà Takako và tạo dịp đưa bài thơ của Narihira vào truyện.
Bà Fujiwara Akiko (Minh tử, 829-900) là một người chị họ của Takako (842-910), hoàng phi của Thiên hoàng Montoku (Văn Đức, trị vì 850-858) và là mẹ Thiên hoàng Seiwa (Thanh Hòa, trị vì 859-876). Akiko sẽ thành mẹ chồng của Takako khi nàng nhập cung Seiwa. Về hai ông anh thì đây là chức danh của họ, những người đã được nhắc đến trong các đoạn trước.
Đoạn 7: Như sóng vỗ bờ
Xưa có một chàng trai thấy mình khó sống ở kinh đô bèn đi về miền Đông (Azuma). Khi đang đi dọc theo bãi biển ở nơi tiếp giáp các vùng Ise, Owari, nhìn thấy những ngọn sóng trắng xóa thi nhau tấp vào bờ, mới có mấy vần thơ:
Itodoshiku / sugiyuku hô no / koishiki ni / urayamashiku mo / kaeru nami kana /
(Đi xa càng thấy nhớ / Nơi mình vừa bỏ đi / Thèm như sóng xô bờ / Lui ra rồi tấp lại)
Lời bình (7):
Một ghi nhận về đoạn này là cách chơi chữ yama (núi) trong urayamasahi (thèm được như). Đoạn đường lữ thứ có nhiều khi phải trèo non vượt suối chăng? Thấy như hình ảnh trong tranh khắc gỗ đặc biệt là tranh Hokusai!
Khoảng năm 1968, có bài hát “Ai no sasanami” (Những con sóng nhỏ của tình yêu) do nữ ca sĩ Shimakura Chiyoko trình bày rất ăn khách. Trong đó có câu “Kurikaeshi, kurikaeshi, sasanami no yô ni” (Như những con sóng nhỏ. Mãi mãi tấp vào bờ). Trên một nghìn năm sau, tình tự của người Nhật vẫn không khác. 
Đoạn 8: Núi Asama
Xưa có một chàng trai thấy mình khó sống ở kinh đô bèn đi về miền Đông (Azuma) kiếm nơi cư ngụ. Lần đó, chỉ có chàng cùng với một hai người bạn đồng hành. Qua vùng Shinano, thấy có khói bốc trên núi Asama ở nơi tiếp giáp hai vùng Shinano và Kôzuke (đây đó có những khách đi đường nhìn lên và ngạc nhiên):
Shinano naru / Asama no dake ni / tatsu keburi / wo chi kochi hito no / miya wa togamenu / 
(Trong vùng Shinano / Asama dậy khói / Bao lữ khách ngước nhìn / Chắc lòng thầm e ngại).
Lời bình (8):
Narihira đang đi về miền Đông (Azuma) tức vùng Tokyo bây giờ, qua các địa danh nổi tiếng trên tuyến đường như Ise, Owari, Shinano. Ngọn Asama ở vùng bây giờ là giữa Nagano và Gunma là một núi lửa hãy còn hoạt động nên trên đỉnh có khói. Lúc này, sau cuộc tình tai tiếng và nhiều cay đắng với Takako, chàng tránh xa kinh đô, tự lưu đày về miền Đông. Ngọn hỏa sơn Asama là một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà chàng gặp trên đường.
Đoạn 9: Về miền Đông
Xưa, có một chàng trai cảm thấy mình sống cuộc đời vô dụng ở kinh đô nên bỏ nơi đó mà lên đường đi về miền Đông (Azuma) tìm nơi cư ngụ mới. Chàng đem theo một hai người bạn bè thâm giao làm kẻ đồng hành. Không biết đường đất, lắm khi lạc lối. Đến vùng Mikawa (Tam Hà, ba con sông), họ phải qua một nơi gọi là Yatsuhashi (hay Yabashi, Bát Kiều, tám cây cầu). Sở dĩ nơi đó được mệnh danh như vậy là vì dòng sông đến đó thì phân nhánh tựa chân nhện (kumode) nên hành khách phải vượt tất cả là tám cây cầu. Họ xuống ngựa bên bờ đầm có bóng cây ngồi nghỉ, lấy lương khô ra ăn. Cái đầm nước ấy có hoa đỗ nhược (kakitsubata, iris) đang nở rất đẹp. Trong bọn có người bảo hãy thử lấy năm chữ cái (ka, ki, tsu, ha, ta) để vịnh một thơ làm kỷ niệm chuyến đi nên chàng mới ngâm rằng:
Karakoromo / Kitsutsu nare ni shi / tsumashi areba / harubaru kinu ru / tabi wo shizo omou /
(Như manh áo quen thuộc / Người yêu ở kinh đô / Đến chốn xa xôi này / Lòng càng thêm nhung nhớ)
Nghe chàng vịnh như thế, mọi người đều động lòng thương cảm, lệ nhỏ trên nắm cơm.
Họ cứ đi mãi và đến được vùng Sugura. Khi đặt chân tới núi Utsu (Utsunoyama) thì con đường vẹt ra để đi vào rất âm u và hiểm trở, đầy những lùm giây leo và rặng phong, nên không khỏi lo lắng. Đang sợ có chuyện chẳng lành thì tình cờ gặp một sơn tăng vân du (yamabushi). Nghe câu hỏi “Các thày cớ chi mà đến nơi này?”, nhìn lại thì thấy ông ta là người từng quen biết ở kinh đô. Chàng mới viết một phong thơ nhờ ông ta đem về cho người mình tưởng nhớ đang sống nơi ấy. Thơ rằng:
Suruga naru / Utsu no yamabe no / utsutsu ni mo / yume ni mo hito ni / awanu narikeri /
(Bên sườn núi Utsu / Trong xứ Suruga / Đang thức mà không gặp / Người đến mãi trong mơ!)
Nhìn lên ngọn núi Fuji thì thấy trên trời bầu tháng năm (satsuki) mây đang che khuất vầng trăng và tuyết rơi trắng lớp.
Toki shiranu / yama wa Fuji no ne / itsu tote ka / ka no ko madara ni / yuki no furu ramu /
(Đỉnh Fuji kia ơi / Sao chẳng hay thời tiết / Bây giờ là mùa nào / Mà tuyết rơi trắng lớp?)
Nếu đem so sánh với phong cảnh kinh đô thì ngọn Fuji này thật hùng vĩ, nó phải cao đến hai mươi lần núi Hieizan (gần Kyôto) và chẳng khác nào một đống muối lớn (shiojiri) ai đem chất bên bờ biển.
Tiếp tục đi, đi mãi, họ đến khu vực nằm giữa vùng Musashino và Shimôsa (nay là Tokyo, Chiba). Nơi đây có một dòng sông lớn tên Sumida. Dừng chân bên bờ nước, họ cảm thán vì thấy đã cùng nhau làm một chuyến hành trình dài dằng dặc, ngậm ngùi nhớ về quê cũ. Vừa lúc ấy, có một người chèo đò gọi: “Các bác mau lên đò đi, trời đã tối rồi đấy !”. Họ bèn lên đò và sắp sửa qua sông. Tất cả đều buồn bã vì trong bọn không có ai mà không để lại một người đàn bà yêu dấu ở kinh đô. Lúc ấy có một con chim trắng, mỏ và đôi chân đều màu đỏ, lớn cỡ chim dẽ (shigi), đang lượn trên mắt nước để bắt cá. Vì đây là một loài chim chưa từng thấy ở kinh đô nên không ai trong bọn biết là chim gì. Họ bèn hỏi bác lái đò thi mới hay đó là “giống chim kinh đô” (miyakodori). Một người mới làm bài thơ:
Na ni shi o wa / ba iza koto towamu / miyakodori / wa ga omou hito wa / ari ya nashi ya to /
(Tên dễ thương như thế / Xin hỏi “chim kinh đô” / Người ta yêu bây giờ / Sống chết ra sao nhỉ?)
Trên thuyền, tất cả không cầm được dòng lệ.
Lời bình (9):
Đoạn này trình bày nhiều thủ thuật tu từ của thơ waka. Trước hết là kiểu thơ mà mỗi câu đều bắt đầu bằng một chữ cái trong một danh từ (flags). Trong bài này lại có nhiều lối chơi chữ đồng âm dị nghĩa khác. Như câu thứ hai Kitsutsu narenishi chẳng hạn thì Kitsutsu vừa có nghĩa là “trong khi mặc (áo)” vừa có nghĩa là “trong khi đi đường”. Thật vậy câu đầu có nhắc đến tấm áo (karagoromo) như ẩn dụ về người yêu thân thương đi đâu cũng có nhau, quấn quít bên mình. Narenishi cũng vậy, vừa là “yêu dấu, thân thuộc” vừa là “vấy bẩn, hư hao” (không còn như xưa).Tsuma (vợ, người yêu) trong câu thứ ba cũng có nghĩa là “vạt áo”, tương ứng với ý nghĩa của “áo” trong câu thứ hai. Haru là “giăng” (áo) ra nhưng cũng là “xa lắc xa lơ” (harubaru). Kinuru có nghĩa “đã đi đến nơi” và cũng là “đã rách” (như áo kia). Những ví dụ đó là sự áp dụng các chữ bắc cầu (kakekotoba, pivots) hay là những chữ liên hệ (engo, related words) khiến cho một chữ có thể làm liên tưởng tới một chữ khác..
Cũng vậy, trong bài thơ nói đến núi Utsu thì Utsu không những là tên núi Utsu宇津mà còn có nghĩa là utsutsu () hay “hiện thực, lúc đang thức” nữa. Tả cảnh tuyết rơi trắng giữa tháng 5 thì lại dùng hình ảnh “đốm trên lưng nai con” (ka no ko madara鹿の子斑) nên rất giàu hình ảnh vì tháng 5 là mùa nai sinh nở. Miyakodori 都鳥là chim hải âu (seagull), một cách gọi thông thường nơi người bình dân (người như ông lái đò) nhưng đã được dùng để nối kết với lòng luyến nhớ kinh đô (miyako) trong tâm tư của mấy chàng lữ khách. Ở đây, tác dụng hài hước cũng được biểu lộ qua sự thiếu kiến thức về địa lý, xã hội của mấy chàng công tử, những người trước đó chưa hề bước ra khỏi kinh đô.
Đoạn 10: Đàn nhạn ngoài đồng
Xưa có một chàng trai đã đi lang thang về vùng Musashi và sau đó cầu hôn một nàng con gái sống ở đấy. Tuy cha nàng đã hứa gả nàng cho một người khác nhưng bà mẹ thì lại muốn chọn một ai phải là con nhà dòng dõi. Người cha thuộc giai cấp tầm thường trong khi người mẹ là một tiểu thư xuất thân từ cửa quí tộc Fujiwara cho nên bà muốn gả con mình cho chàng trai nào phải là thân danh cao quí. Bà bèn gửi cho người rễ mình ưng ý một bài thơ. Nên biết gia đình của bà lúc ấy sống ở làng Miyoshino thuộc quận Iruma :
Miyoshino no / ta no mu no kari mo / hitaburu ni / kimi ga kata ni zo / yoru to naku naru /
(Khắp Miyoshino / Ngay đàn nhạn ngoài đồng / Đều hướng cả về anh / Cất tiếng kêu hãnh diện)
Chàng rễ tương lai đáp trả:
Wa ga kata ni / yoru to naku naru / Miyoshino no / ta no mu no kari wo / itsu ka wasuremu /
(Làm sao tôi quên được / Đàn nhạn trên đồng làng / Đều hướng cả về đây  / Bày tỏ lòng tin cậy)
Dù đã rời xa kinh đô về đến những địa phương như nơi đây, cuộc đời tình ái của chàng không vì vậy mà thiếu đi sự phong phú.  
Lời bình (10):
Điều đáng ghi chú từ đoạn này là sự quan trọng của địa vị xã hội, giai cấp trong tình yêu thời cổ. Bà mẹ cô gái bất mãn vì ông chồng gốc gác thường dân nên ngấm nghé cho con gái mình một chàng rễ quí phái, nhất là khi bà từng là người thuộc đại tộc Fujiwara, lúc đó đang được thể lên chân. Tuy nhiên qua hai bài thơ thì chúng ta thấy bà mẹ vợ và cậu con rễ tương lai không chia sẻ chung quan niệm sống. Trong khi bà mẹ tỏ ra tích cực và muốn vơ vào cho con gái bao nhiêu thì thái độ của chàng rễ trái lại rất là mơ hồ và khá lơi là. 
Kỹ thuật tu từ thơ waka cũng được thấy qua cách dùng chữ tanomu, vừa có nghĩa 田の面 “mặt ruộng”, vừa có nghĩa 頼む“trông đợi”, mong chờ ai thực hiện điều gì cho mình. Còn “nhạn” cũng có thể chỉ cả người con gái trong cuộc.
Đoạn 11: Trăng qua bầu trời
Xưa có một chàng trai đi về miền Đông, dọc đường có làm bài thơ sau đây gửi đến bạn mình:
Wasureru na yo / hodo wa kumoi ni / narinu to mo / sora yuku tsuki no / meguriau made /
(Xin đừng quên ta nhé / Dù xa ngoài chân mây / Trăng tàn còn mọc lại / Mình gặp nhau có ngày)
Lời bình (11):
Bài thơ nói trên có chép trong Shuuishuu (Thập Di Tập, ước định 1005-07) và được biết là thơ Tachibana no Tadamoto, một người chết vào năm 957 lúc đang làm quan trấn thủ vùng Suruga. Yếu tố này có thể giúp ta suy định được mốc thời gian mà tập Ise Monogatari ra đời (nghĩa là có thể trước 957).
Chương 12: Cánh đồng Musashi
Xưa có một chàng trai đi bắt cóc người con gái và đưa nàng về vùng Musashi. Vì phạm tội cướp đoạt như thế nên bị quan trấn thủ cho lính truy lùng và bắt được. Anh ta dấu cô ta trong lùm cỏ cao trước khi bỏ trốn. Lúc đó, những kẻ truy lùng bảo với nhau: “Tên cướp đó đang ẩn nấp trong đám cỏ ngoài đồng” và cho nổi lửa. Nàng con gái quá đỗi tuyệt vọng, mới cất tiếng van lơn:
Musashino wa / kefu wa na yakiso / wakakusa no / tsuma mo komoreri / ware mo komoreri /
(Hôm nay xin đừng đốt / Cỏ đồng Musashi / Người ta yêu đang nấp / Ta cũng bên cạnh chàng )
Khi nghe lời thơ này, họ bèn cho bắt nàng và giải về theo.
Lời bình (12):
Đây là một bài thơ dựa trên một bài thơ gốc (honka) thấy trong Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập). Wakakusa (cỏ non) là một chữ gối đầu ( pillow-word, makura-kotoba), dùng trong một thủ pháp của waka để tạo nên hiệu ứng thi ca vì nó hướng người đọc về điển cố đã có trước. Ở đây, wakakusa phải được hiểu là là “người yêu”. Trong Truyện Genji, wakakusa hàm ý “người vợ trẻ đẹp như cỏ xanh non”.
Đoạn 13: Bàn đạp đi ngựa
Xưa kia có một chàng trai vùng Musashi nhắn về người con gái ở kinh đô “Nếu không nói ra thành hổ thẹn, mà nói ra lại thêm buồn”. Đầu thư, thay vì ghi tên người gửi, anh chỉ đề là Musashi-abumi (bàn đạp đi ngựa ở Musashi). Từ đó bặt tăm. Thành thử, từ kinh đô, người đàn bà mới viết mấy câu sau:
Musashi abumi / sasuga ni kakete / tanomu ni wa / towanu mo tsurashi / tou mo urusashi /
(Bàn đạp kẹp hông ngựa / Tin tưởng người lên đường / Không hỏi thì em khổ / Hỏi lại bận lòng anh)
Đọc lá thư trên, anh buồn không chịu nổi nên đã trả lời nàng:
Toeba iu / towaneba uramu /Musashi abumi / kakaru ori ni ya / hito wa shinu ramu /
(Hỏi thăm em, em trách / Không hỏi thăm, em hận / Đằng nào cũng giống nhau / Sao anh chưa chết quách?).
Lời bình (13):
Đây là một đoạn văn khó dịch vì tác giả chơi chữ nhiều lần. Musashi abumi là cái bàn đạp thắng vào con ngựa và tạo hiệu ứng như chữ móc nối (engo, duyên ngữ) với các từ sasuga (thắt gút, chẳng dè) và kakeru (thắng vào, treo lên). Thế mới thấy người Nhật chuộng những kiểu nói bóng bẩy, đa nghĩa.
Musashi abumi, bàn đạp thắng ngựa bằng sơn (lacquer stirrups) buộc bằng giây da vào bụng ngựa mà người di trú Triều Tiên vùng Musashi (Tokyo) đã chế ra. Người con trai nói đến nó vì anh ta đang sống ở một vùng xa xôi đối với kinh đô (Kyoto), nơi người yêu anh ở. Anh khó nói cho nàng rõ vì anh đang dan díu với một người đàn bà khác ở miền Đông. Lương tâm anh bị dằn vặt vì sự phản bội. Trong bài thơ phúc đáp của người đàn bà, ta thấy nó thể hiện tình cảm gắn bó (kakeru) nhưng cũng pha chút e dè (sasuga ni) khi cô ta nhắc lại từ khóa Musashi abumi. Còn trong bài thơ thứ 3 do người đàn ông viết thì Musashi abumi tượng trưng cho tình cảnh nan giải, một thân  vướng cả hai cô mà anh đang gặp phải.
Đoạn 14: Cây tùng Aneba
Xưa có một chàng trai lưu lạc lên vùng Mutsu. Có cô gái sống ở đó vì xem con trai kinh đô là vật hiếm quí nên quyết chí tìm đến với chàng. Cô mới làm bài thơ như sau: 
Nakanaka ni / Koi ni shinazu wa / kuwako ni zo / Narubekari keru / Tama no o bakari /
(Thay vì yêu tha thiết / Chết với tình bỏng cháy / Muốn sống yên đời tằm / Dù phận em ngắn ngủi )
Tuy gọi là thơ nhưng lời lẽ quê mùa nhưng có lẽ anh chàng thấy dễ thương nên đến ngủ với nàng một đêm. Sáng hôm sau anh ra về dù trời hãy còn tối. Người đàn bà bèn viết:
Yo mo akeba / kitsu ni hamena de / kutakake no / madaki ni takite / sena wo yaritsuru / 
(Trời mà sáng hẳn ra / Sẽ bắt mày nhận nước / Cái con gà khốn kiếp / Làm chàng bỏ về nhà!)
Bài thơ khiến người con trai không còn biết nói sao, mới từ tạ mà trở về kinh sau khi vịnh một bài thơ:
Kurihara no / aneha no matsu no / hito naraba / miyako no tsu to ni / iza to iwamashi wo /
(Cây tùng Aneha / Ở Kurihara / Nếu là người ta sẽ / Mang về kinh làm quà).
Nàng ấy có vẻ vui mừng vì đã tuyên bố: “Xem chừng anh ấy có lòng tưởng nhớ đến ta đấy chứ?”
Lời bình (14):
Bước chân của chàng trai đặt lên miền Đông Bắc. Cái hào hoa phong nhã (miyabi) của con trai kinh đô của chàng đã làm xiêu lòng một phụ nữ địa phương, đồng thời chàng cũng bị lôi cuốn bởi tâm hồn mộc mạc dân dã (hinabi, inakabi) của nàng.
Trong bài thơ đầu của người con gái, nàng đã dùng hình ảnh tama no o (khoảng cách giữa hai viên ngọc trên xâu chuỗi) để nói lên sự ngắn ngủi. Tuy chính xác nhưng hình ảnh ấy không ăn khớp với phần còn lại, khó có thể là yếu tố của một bài thơ hay. Bài thơ thứ hai dĩ nhiên là thô lỗ ( Kutakake là tiếng chữi con gà...chết bầm). Dùng cách biểu hiện như “nhận trong thùng nước” (hay “bỏ cho chồn bắt” (kitsu ni hamenade trong ngôn ngữ địa phương vì kitsu là âm ngắn của kitsune = chồn) thì quả là kém văn chương. Có chăng là bày tỏ được sự thành thực. Ngoài ra, trong bài thơ cuối, lý do làm nàng con gái vui mừng vì cứ tưởng người tình sẽ rước mình về kinh.
Hình ảnh con tằm trong bài đầu tượng trưng cho cuộc sống nông tang, cũng làm toát ra bầu không khí nơi thôn dã. Trong tập du ký Oku no hosomichi, nhà thơ Bashô cũng có lần sử dụng đến cây tùng Aneha như một “gối thơ” (uta-makura).
Đoạn 15: Ngọn núi vắng
Xưa có một chàng trai đi lại với người đàn bà vùng Michinoku, vợ của một anh đàn ông tầm thường. Tuy sống một cuộc đời tẻ nhạt như vậy, nơi nàng vẫn có cái khác người làm cho chàng trai say mê nên mới gửi bài thơ sau đây đến nàng:
Shinobu yama / shinobite tôu / michi mogana / hito no kokoro no / oku mo miru beku /
(Nếu có con đường vắng / Nằm ở đâu trong núi / Ta sẽ nương theo nó / Tìm đến cõi lòng nàng )
Người đàn bà vui mừng vô hạn khi nhận được bài thơ ấy. Thế nhưng nàng tự hỏi lúc anh chàng tỉnh thành khám phá nơi nàng được cái vụng về quê mùa của miền Đông Bắc thì nàng sẽ phải làm gì đây?
Lời bình (15):
Thực ra “shinobu” có hai nghĩa, một là “thầm mơ ước” (desire) hay là “làm điều gì một cách bí mật” (to do secretly). Oku là “sâu thẳm”(deep recesses) nhưng cũng là từ để chỉ miền Dông Bắc (Michinoku) Nhật Bản.
Tính cách của người đàn bà trong đoạn này tương phản với người đàn bà trong đoạn trước. Có lẽ nàng là con nhà dòng dõi nhưng kết cuộc đã phải kết hôn với một người đàn ông tầm thường. Chắc trong nơi sâu thẳm của cõi lòng nàng, với thời gian, cái thanh nhã (miyabi) ngày xưa đã nhường chỗ cho sự quê mùa (hinabi) rồi cũng nên?
Đoạn 16: Truyện Ki no Aritsune
Xưa có người tên Kino Aritsune, từng thờ ba đời thiên hoàng nhưng sau vì thời thế đổi thay, trở thành sa sút, phải sống cơ cực. Tuy nhiên ông là người có nhân cách, tính trình trung hậu và thanh nhã. Đó là cái làm ông khác người. Dù sống trong nghèo khó nhưng tâm cảnh vẫn không khác khi giàu sang chứ không xử sự như thế gian thường tình. Khổ thay, người vợ bấy lâu khắng khít với ông thì ngày càng xa cách rồi bỏ đi tu. Bà đến ngụ ở chùa nơi bà chị của nàng là một ni cô. Ki no Aritsune đối với bà tuy có xung khắc trước đó nhưng đến cảnh này, tuy ông có buồn và cảm thấy mất mát nhưng đành chia tay vợ mình. Đang nghèo túng, không có gì làm quà tiễn chân. Nghĩ mãi không ra cách, nên mới viết thư trình bày với một người bạn thân: “Duyên cớ là như thế này thế này, rốt cuộc cô vợ bỏ đi tu. Tôi không làm được gì hay tặng nàng vật gì cả”
Cuối thư có bài thơ:
Te wo orite / aimishi koto wo / kazofureba / tô toi hitsutsu / yotsu wa he ni keri /
(Chỉ bấm ngón tay thôi / Năm tháng sống chung đôi / Nếu tính mười năm một / Cũng đã bốn lần rồi)
Người bạn thân ấy đọc thơ xong không khỏi động lòng thương bèn lấy cả một tủ áo xống gửi tặng cho và vịnh một bài:
Toshi dani mo / to wo tote yotsu wa / he ni keru wo / iku tabi kimi wo / tanomi kinu ramu /
(Nếu tính theo thời gian / Cũng được bốn lần mười / Bấy nhiêu năm làm vợ / Chẳng nương tựa chồng à?)
Đọc được thư bạn, Ki trả lời.
Kore ya kono / ama no hagoromo / mubeshi koso / kimi ga mikeshi to / tatematsuri kere /
(Chao ôi, lời anh nói / Quí như áo nhà tiên / Áo anh đem tặng đấy / Vừa vặn vóc ni cô )
Vì không ngăn nỗi niềm vui (vì thấy bạn hiểu tâm sự mình), ông lại viết thêm:
Aki ya kuru / tsuyu ya magau to / omou made / aru wa namida no / furu ni zo arikeri
(Mùa thu đã đến nơi / Tưởng tay áo dầm sương / Thật ra đâu phải thế / Chỉ là lệ biết ơn )
Lời bình (16):
Ki no Aritsune (815-877) thờ ba đời thiên hoàng là Nimmyô, Montoku và Seiwa. Bà Shizuko, em gái ông, là phi tần của Montoku và mẹ của Hoàng tử Koretaka. Montoku muốn lập Koretaka làm thái tử nhưng gặp phải sự chống đối của đại tộc Fujiwara vì họ muốn lập Hoàng tử Korehito, con trai bà Fujiwara Akiko, một người bà con phía họ (bà là con gái quyền thần Fujiwara no Yoshifusa). Korehito sau sẽ trở thành Thiên hoàng Seiwa. Điều này xảy ra vào năm 850 và giải thích được việc cánh nhà Aritsune thất thế từ đó.
Đáng chú ý hơn nữa, có thể vì Ki no Aritsune là bố vợ Narihira, nhân vật chính của cuốn truyện, nên nhiều lần được nhắc đến trong tập.
Trong chữ “áo lông vũ nhà trời” (ama no hagoromo) có chữ “ama” (trời) nhưng “ama” cũng có nghĩa là “bà vãi” (ni cô). Đây là một trò chơi chữ khá dí dỏm và hợp tình hợp cảnh. Còn cách ví “sương” (tsuyu) với “nước mắt” (namida) thì chỉ là một khuôn sáo mòn trong thơ waka nên không có chi lạ.
Đoạn 17: Đời hoa
Có người đã lâu không tìm tới, nay gặp lúc anh đào mãn khai, mới tìm đến thưởng hoa. Chủ nhân bèn có bài thơ như sau:
Adanari to / na ni koso tatere / sakurabana / toshi ni mare naru / hito mo machikeri /
(Nghe nói hoa chóng tàn / Nhưng anh đào năm nay / Dẫu chân người thưa vắng / Vẫn thầm đợi ai sang)
Bài thơ đáp lại là:
Kefu kozu wa / aru wa yuki to zo / fu rinamashi / kiezu wa aritomo / hana to mimashi ya /
(Nay mà ta không đến / Hoa thành tuyết mất thôi / Dù tuyết ấy không tan / Nhưng còn chi để ngắm)
Lời bình (17):
Trong văn học Nhật về sau, “hana” (hoa) thường có cùng nghĩa với “sakura” (anh đào) chứ không cần phải nói trắng là sakurabana như trong bài thơ xướng cho dài dòng, trừ phi người làm thơ muốn nhấn mạnh như thế để phân biệt nó với một loài hoa khác.
Tuyết ở đây không phải tuyết thật, chỉ vì cảnh hoa rụng trông giống như tuyết rơi mà thôi.
Chủ nhân ngôi nhà có lẽ là một người đàn bà. Nàng muốn nói lên lòng chung thủy của mình dù người yêu đến thăm nàng thưa thớt. Tuy vậy lời thơ không khỏi hàm ý trách móc. Trong bài đáp, anh chàng tỏ ra muốn bào chữa là mình đến bây giờ là đúng thời điểm và mong rằng nàng không vì mình vắng tin mà đâm ra lạnh lùng.
Đoạn 18: Màu hoa cúc
Xưa kia có một người con gái hãy còn chưa rành chuyện đời. Có anh con trai nọ cư ngụ bên cạnh nhà nàng. Là người biết làm thơ, nàng mới dọ tình ý chàng bằng cách gửi đến anh ta một cành hoa cúc đã đổi màu cùng với một bài waka:
Kurenai ni / niô wa idzura / shirayuki no / edamoto wo wo ni / furu ka to mo miyu /
(Sắc hồng vừa tô đó / Giờ đã biến đi đâu? / Tuyết trắng dường gieo nặng / Làm trĩu nhánh hoa kia)
Giả bộ như không hiểu nàng muốn nói gì, người con trai trả lời:
Kurenai ni / niô ga ue no / shiragiku (shirayuki) wa / orikeri hito no / sode ka to miyu /
(Bên đài hoa, cúc trắng (tuyết trắng) / Thoáng một màu hồng xinh / Phải chăng ống tay áo / Người hái là cô mình
Lời bình (18):
Trong Nhật ngữ “màu” (iro) còn dùng để ám chỉ chuyện tình ái (iro = sắc tình). Ý bài thơ của người con gái, nàng hỏi rằng em nghe đồn chàng là người đa tình nhưng có thực thế hay không chứ sao em mà chẳng thấy tín hiệu gì cả. Trong bài thơ hồi đáp, chàng né tránh trả lời và chuyển sang nói về vẻ đẹp của nàng. Ống tay của người đàn bà có khi để lộ ra lần áo lót ở bên trong cho nên dưới ống tay áo trắng có thể nhìn thấy lớp áo lót màu đỏ.
Về bài thơ trả lời, theo G. Renondeau, có bản thay vì viết shiragiku (cúc trắng) lại viết là shirayuki (tuyết trắng). Chính ra nói là tuyết như thế có lẽ lại hợp với văn mạch hơn dù nhiều dịch giả giảng giải rằng khi bị giá lạnh và héo úa, vè cánh hoa cúc trắng có thể đổi màu thành đỏ sậm.
Đoạn 19: Như mây trời
Xưa có một chàng trai có mối tình với một nữ quan (nyobô) phục vụ cho phi tần của hoàng đế nhưng chẳng bao lâu, tình ấy phai nhạt và hai người đã phải chia tay. Cùng qua lại trong cung đình, nàng vẫn thường để mắt tới chàng nhưng chàng thì coi như không có nàng hiện diện. Người con gái ấy mới viết:
Amagumo no / yoso ni mo hito no / nariyuku ka / sasuga ni me ni wa / miyuru mono kara /
(Là mây trời hay sao / Mà chàng hờ hững thế! / Riêng em, trong mắt vẫn / Ngày đêm in bóng chàng)
Sau khi gửi thơ đi, nàng nhận lời phúc đáp:
Amagumo no / yoso ni nomi shite / furu koto wa / wa ga iru yama no / kaze wa yaminari /
(Mây có bay ngang trời / Cũng vì cơn gió thổi / Mây nào muốn bỏ đi / Nhưng mạnh thay gió núi )
Nhân vì nữ quan cũng đi lại với người khác nên chàng ta mới trả lời như thế chăng?
Lời bình (19):
Lối tỉ dụ về núi (đàn bà) và mây (đàn ông) vẫn thường thấy cũng như cách hoa (đàn bà) và bướm (đàn ông) bởi vì mây, cũng như bướm, tính vốn phiêu lưu, không hề ngừng một chỗ. Khi nói trên đỉnh núi nhiều gió mạnh, người con trai dường như muốn cho biết vào thời điểm họ là đôi tình nhân, cũng có những đám mây khác đang kéo đến nên chàng không thể đứng yên một chỗ.
Đoạn 20: Lá phong đỏ
Xưa có một chàng trai gặp gỡ một người con gái vùng Yamato, cầu hôn rồi đi lại với nhau. Sau một thời gian, chàng phải về kinh đô nhậm chức. Trên đường từ Yamato lai kinh, chàng mới hái một nhánh lá phong (kaede) và gửi cho nàng kèm theo một bài thơ:
Kimi ga tame / taoreru eda wa / haru nagara / kaku koso aki no / momiji shi ni keri /
(Ta bẻ để tặng em / Một nhánh lá phong nhỏ / Dù bây giờ đang xuân / Đã nhuộm sắc thu đỏ)
Sau khi gửi đi, về đến kinh đô thì chàng nhận được bài thơ hồi đáp:
Itsu no ma ni / utsurô iro no / tsukinu ramu / kimi ga sato ni wa / haru nakaru rashi /
(Mới đó đã đổi lòng / Như nhánh phong kia vậy / Chắc nơi chàng đang ở / Không hề có mùa xuân) 
Lời bình (20):
Nhánh lá phong mà chàng trai vừa bẻ đã vương màu hồng nhạt dù mới là mùa xuân. Do đó, theo ý anh ta, đến mùa thu thì nó sẽ phải nhuộm màu đỏ thắm, đẹp đến chừng nào. Có thể chàng muốn nói tình yêu của chàng sẽ nồng nàn hơn nữa vào mùa thu tới (cùng với thời gian).
Iro (màu, sắc) trong tiếng Nhật có nhiều ý nghĩa hơn là color trong tiếng Anh và nó biểu lộ trạng thái yêu đương từ tinh thần đến thể chất và khá phức tạp.
Tuy nhiên, nàng con gái lại hiểu rằng chàng đã chán chê nàng vì “aki” vừa là “mùa thu” vừa có nghĩa “chán chê” 飽き. Do đó nàng mới mỉa mai là nơi anh ở chỉ có “mùa thu” thôi chứ nào có “mùa xuân”và lần lên đường này biết đâu sẽ đánh dấu sự chia tay vĩnh viễn. Nàng đã hiểu lầm, hoặc vì quá lo âu cho tương lai hay chỉ là linh cảm về định mệnh của hai người?
Đoạn 21: Cỏ quên
Xưa kia có một chàng trai với cô gái nọ tình yêu khá khắng khít, tưởng chừng khó thể rời nhau. Sau không hiểu vì cớ gì, bắt đầu với một chuyện nhỏ nhặt, người con gái cảm thấy mỏi mệt và muốn bỏ đi, mới làm một bài thơ để lại:
Idete (dete) ina ba / kokoro karushi to / iiyasemu / yo no arisama wo / hito wa shiraneba /
(Mình bỏ nhà ra đi / Thiên hạ bảo nhẹ dạ / Nhưng nào có biết cho / Ai gây ra đau khổ !)
Nhìn lá thư ấy, chàng trai không hiểu nguyên nhân tại sao vì mình không làm gì lầm lỗi. Anh chỉ biết thở vắn than dài. Bèn đi kiếm nàng, ra cửa nhìn quanh quất nhưng không biết người yêu bỏ đi đâu. Lui vào trong phòng, thờ thẩn nhìn ra bên ngoài và viết mấy dòng:
Omou kai / naki yo nari keri / toshitsuki wo / ada ni chigirite / ware ya sumaishi /
(Yêu nhau biết bao là / Sao thành ra đổ vỡ / Lời thề thốt ngày xưa / Chẳng lẽ gian dối cả)
Hito wa isa / omoi yasuramu / tamakadzura / omokage ni nomi / itodo mietsutsu /
(Không biết em thế nào / Có từng nghĩ đến tôi? / Bóng em, dù cố đuổi / Vẫn hiện trước anh thôi)
Mãi về sau, có thể vì không chịu đựng nổi khổ tâm của cảnh biệt ly, người con gái ấy mới gửi cho chàng trai một bài thơ:
Ima wa tote / wasururu kusa no / tane wo dani / hito no kokoro ni / makasezu mogana /
(Giờ chắc anh đã quên? / Nhưng dù mình xa cách / Chẳng bao giờ em lại / Đem gieo hạt cỏ quên)
Người con trai bèn đáp lại:
Wasuregusa / uu to dani kiku / mono naraba / omoikeri to wa / shiri mo shitamashi /
(Em bảo, ta gieo cỏ / Để tìm cách quên em? / Hãy nhìn lại mình xem / Chứ tình anh vẫn thế).
Từ dạo đó, hai bên tiếp tục trao đổi thường xuyên hơn trước. Chàng con trai vịnh:
Wasuru ramu / to omou kokoro no / utagai ni / arishi yori ke ni / mono zo kanashisa /
( Có lẽ vì thấy em / Nghi ngờ anh đã quên / Cho nên lòng của anh / Giờ còn buồn hơn trước)
Trong bài thơ trả lời, nàng viết:
Nakazora ni / tachiiru kumo no / ato mo naku / mi no hakanaku mo / nari ni keru kana /   
(Như mây trên trời xanh / Bay qua không để dấu / Lòng em giờ mong manh / Chẳng biết về đâu nữa!)
Trao đổi tình cảm như vậy nhưng hai bên sau đó dần dần xa cách, mỗi người sống một đời riêng với người tình khác.
Lời bình (21):
Thời Heian là một xã hội trọng nam khinh nữ mà người con gái dám bỏ nhà đi như thế là khá bạo dạn. Vì chế độ kayoikon (đàn ông đêm đến thăm vợ ở nhà vợ) nên có lẽ nàng con gái ở đây đã rời nhà mình để về nhà cha mẹ đẻ hay sống ở một nơi nào khác.
Tamakazura (mái tóc đẹp, chuỗi ngọc trang sức trên đầu) là một makurakotoba (chữ gối đầu, pillow, conventional epithet) để chỉ một bóng dáng phụ nữ xinh đẹp. Tên một nhân vật nữ trong Truyện Genji (con gái nuôi của Hikaru Genji) cũng là Tamakazura (nàng Ngọc Mạn). Còn wasuregusa là “cỏ quên”, một loại cỏ tương truyền khi sử dụng nó thì người ta không còn nhớ gì chuyện xưa. Chủ đề của đoạn này là tình yêu và sự ngờ vực. Cỏ quên có thể mọc lên từ mảnh đất của sự ngờ vực.
Đoạn 22: Nghìn đêm trong một đêm
Xưa kia có hai người yêu nhau khắng khít nhưng vì một chuyện cỏn con mà phải cắt đứt. Có lẽ vì không quên được chàng trai, người con gái mới vịnh rằng:
Ukinagara / hito wo ba eshi mo / wasureneba / katsu uramitsutsu / nao zo koishiki /
(Em chỉ tiếc một nỗi / Là không thể quên anh / Đem lòng hận ai đó / Là cách tỏ tình yêu)
Thấy lời cô ta nói đúng với điều mình tiên đoán, chàng trai trả lời:
Aimite wa / kokoro hitotsu wo / kawwashima no / mizu no nagarete / taeji to zo omou /
(Hai đứa mình yêu nhau / Như sông không chia cắt / Nước tách vì gò nổi / Sau lại hợp dòng thôi)
Khi thơ đi xong, đến đêm anh mới tìm đến chỗ nàng. Họ nhắc lại tình xưa và bàn chuyện tương lai. Lúc đó chàng trai vịnh một bài:
Aki no yo no / chiyo wo hitoyo ni / nazuraete /yachiyo shi neba ya / aku toki no aramu /
(Đêm thu dài gộp lại / Nghìn đêm trong một đêm / Dẫu tám nghìn đêm nữa / Bên nhau nào đủ đâu)
Người con gái đáp:
Aki no yo no / Chiyo wo hitoyo ni / naseri to mo /kotoba nokorite / tori ya nakinamu /
(Đêm thu dài gộp lại / Nghìn đêm trong một đêm / Ân ái lời chửa vợi / Gà gáy bắt chia tay)
Tình của họ từ đó thêm nồng và đi lại với nhau thường hơn trước nữa.
Lời bình (22)
Nếu đoạn 21 nói chuyện tan vỡ thì đoạn 22 này nói chuyện sum họp. Việc ghép đôi hai đoạn bên nhau như thế khá thú vị. Không biết tác giả có dụng ý gì không?
Chữ kawashima hay gò nổi (hòn đảo) trên sông liên kết với chữ kawashi là “trao đổi” hàm ý “trao đổi xác thịt” nữa.
Trong bài thơ này, ta còn được biết thêm về qui tắc dùng con số trong tiếng Nhật (hitoyo = một đêm, chiyo = một nghìn đêm, yachiyo = tám nghìn đêm).
Đoạn 23: Bên thành giếng.
Ngày xưa có hai cô cậu con của hai gia đình sống cạnh nhau ở vùng quê thuở nhỏ thường ra bờ giếng chơi. Thế nhưng khi đến tuổi thành nhân họ đâm ra biết thẹn nên không còn tìm gặp nhau. Chàng trai những mong cô gái mai sau sẽ thành vợ mình mà cô gái cũng mong anh trở thành chồng, cho dù mẹ cha mẹ bắt kết hôn với người khác thì họ sẽ không ưng thuận. Vì vậy anh con trai nhà hàng xóm ấy mới gửi cho nàng một bài thơ:
Tsutsu itsu no / idzutsu ni kakeshi / marogatake / sugi ni kerashi na / imo mizaru ma ni /
(Xưa bên giếng ta đo / Chiều cao với thành giếng / Bấy lâu không gặp em / Anh đã cao hơn giếng)
Người con gái làm thơ đáp lại:
Kurabekoshi / furiwake kami mo / katasuginu / kimi narazu shite / tare ka kagu beki /
(Thuở mình đọ chiều cao / Tóc em chưa quá vai / Mái tóc này, ngoài anh / Không muốn cho ai bới )
Họ tiếp tục trao đổi với nhau như vậy, rồi sau đó ý nguyện được thành tựu và họ thành vợ chồng.
Vài năm trôi qua, cha mẹ cô gái mất. Cô lâm vào cảnh nghèo, cuộc sống của hai người sinh ra nhiều vấn đề, anh con trai mới đi lại với một người đàn bà khác ở Takayasu trong vùng Kawachi. Tuy cơ sự là thế nhưng người vợ không hề tỏ ra thù hận chồng mình mà cứ để anh đi khiến cho anh ngờ rằng vợ mình chắc đã có một người đàn ông khác. Trong lòng nghi hoặc, anh vờ nói là mình đi Kawachi rồi vào núp trong lùm cây để rình. Chỉ thấy vợ mình trang điểm đẹp đẽ, ngồi bên song buồn bã nhìn về phía xa và ngâm thơ rằng:
Kaze fukeba / okitsu shiranami / Tatsuta yama / yowa ni ya kimi ga / hitori koyu ramu / 
(Khi gió nổi, sóng tràn / Lên núi Tatsuta / Một mình chàng đêm nay / Chắc còn đang vượt núi )
Thấy thế, chàng trai động lòng thương cảm, dẹp lại chuyện đi Kawachi.
Thế nhưng sau đó, lâu lắm chàng mới có dịp trở lại Takayasu, mới thấy người đàn bà chàng đi lại ở đây trước đon đả bao nhiêu thì nay  thờ ơ bấy nhiêu. Thấy nàng ta phải tự tay lấy thìa xúc cơm, chàng chán ngán và không lui tới nữa.
Lúc ấy, nàng con gái ở Takayasu mới nhìn về hướng Yamato và ngâm rằng:
Kimi ga atari / mitsutsu wo ramu / Ikomayama / kumo na kakushi so / ame wa furu to mo /
(Mắt dõi nơi anh ở / Bên kia Ikoma / Mây đừng che núi nhé! / Dù trời có tuôn mưa)
Nàng cứ ngâm nga như thế mà nhìn ra bên ngoài. Sau đó có nghe chàng trai ở Yamato bắn tin là chàng sẽ đến. Nàng hết sức vui mừng nhưng qua bao đêm chờ đợi vẫn không thấy bóng ai. Nàng mới gửi mấy vần:
Kimi komu to / iishi yogoto ni / suginureba / tanomanu mono no / koitsutsu zo furu /
(Nói đến chắng thấy đâu / Bao đêm dài quạnh quẽ / Thôi, chẳng chờ anh nữa / Dù tình vẫn trong em )
Tuy nhiên, người con trai ở Yamato sau đó không còn đến thăm nàng.  
Lời bình (23):
Đây là một đoạn văn nổi tiếng của Truyện Ise vì nó đã gây cảm hứng cho một chương trong Truyện Genji vốn ra đời khoảng nửa thế kỷ về sau (1004?-1012?). Đoạn này còn là nhan đề của nhiều vở tuồng Nô cũng như văn của nhà văn nữ Higuchi Ichiyô (truyện Takekurabe = Đọ chiều cao, 1895-96) nữa.
Liên hệ giữa phong tục “bới tóc” và “mối tình đầu” đã từng được thấy trong thơ Man.yôshuu. Con trai khoảng 15 tuổi thì tóc trước để lòa xòa sẽ được bới thành búi, dấu hiệu của sự trưởng thành. Cũng vậy, con gái cỡ 13 là mái tóc đang để rẽ sẽ được cột lên và xỏa xuống đằng sau ót như đuôi ngựa. Từ đó, nàng được coi là đã sẵn sàng cho việc lấy chồng. Riêng chi tiết một cô gái muốn cậu nào đó bới tóc cho mình là ngụ ý cô đã chọn người con trai ấy như ý trung nhân.
Chúng ta thấy ở đoạn này vài kiểu chơi chữ như giữa Tatsu (dựng lên) và Tatsutayama (tên hòn núi) nằm trên con đường từ Yamato đi Kawachi hay giữa tsutsui (giếng hình tròn) và idzutsu (thành giếng). Tsutsu nghĩa là “cái ống” nhưng cũng có nghĩa là “lần hồi, dần dần”.
Câu chuyện cô cậu “đọ vai bờ giếng” có vẻ lãng mạn. Trên thực tế, ta thấy nhiều điều khó có thể đồng tình. Cô con gái biết chồng mình vượt núi đi ngoại tình mà vị tha tới mức lo lắng cho chàng đi bình an. Còn chàng trai này dường như chỉ chạy theo các người yêu có tư sản. Đối với người vợ đầu, khi cô gặp cảnh sa sút, anh ta bỏ đi. Cô thứ hai, nếu về sau anh có bặt tin có lẽ cũng cùng một lý do như vậy chăng?.
Nói đến địa danh thì xứ Yamato nay thuộc về Nara và Kawachi là Ôsaka, vốn không cách nhau bao nhiêu nhưng ngày xưa thì xem như xa xôi dịu vợi, phải vượt núi băng đồng mới đến nơi.
Đoạn 24: Cung gỗ bạch dương.
Ngày xưa có một chàng trai sống ở vùng quê cạnh kinh đô (kata-inaka). Chàng mượn cớ vào hầu việc trong cung rồi bỏ rơi nàng còn gái chàng đi lại nhưng không dứt khoát chia tay. Ba năm sau chẳng thấy tăm hơi, nàng con gái mỏi mòn bèn gửi thân cho một người đàn ông vốn thiết tha đeo đuổi mình. Đến khi nàng ước hẹn với người ấy “Đêm nay mình sẽ chung chăn gối” thì bất chợt người tình xưa bỗng quay về. Anh ta gõ cửa: “Mở cho anh vào!” thế nhưng nàng không chịu mở và ngâm một vần thơ:
Aratama no / toshi no mitose wo / machiwabite / tada koyoi koso / niimakura sure /
(Suốt ba nằm ròng rã / Đợi mãi chàng không về / Nhưng đêm nay là đêm / Em vui vầy duyên mới)
Anh con trai đáp lại:
Azusayumi / mayumi tsuki yumi / toshi wo hete / waga seshi ga goto / uruwashi miseyo /
(Suốt bao tháng năm dài / Anh yêu em tha thiết / Nay về bên chồng mới / Yêu giống thế nghe em )
Thế rồi anh ta bỏ đi. Sau đó, nàng mới viết:
Azusayumi / hikedo hikanedo / mukashi yori / kokoro wa kimi ni / yori nishi mono wo /
(Này anh, tình anh sâu / Làm sao em biết được / Riêng em vẫn tựa giờ / Một lòng thương anh đó)
Nhưng người con trai đã bỏ đi. Nàng quá sầu bi, chạy đuổi theo anh nhưng đà mất dấu, bèn ngã xuống ven suối. Mới lấy máu ngón tay viết một bài thơ lên trên phiến đá cạnh mình:
Ai omowade / karenuru hito wo / todomekane / wa ga mi wa ima zo / kie hatenu miru /
(Chẳng hiểu cho lòng em / Mà bỏ đi sao nỡ / Không giữ được anh lại / Thân này còn tiếc chi )
Rồi nàng gục chết ở đó.
Lời bình (24):
Trong bài thơ của hai người có trò chơi chữ về cái cung qua những từ  azusa-yumi, ma-yumi, tsuki-yumi vốn là tên những loại cung. Cung vốn làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau, trong đó có cả gỗ bạch dương. Cây cung làm liên tưởng đến vật mà người đàn ông mang theo người, ám chỉ “người vợ chung thủy”. Cung gỗ tsuki (một loại bạch dương) gợi hình ảnh tsuki (vầng trăng, tháng ngày). Vì vậy, cung cũng làm liên tưởng đến “tên bắn” và là hình ảnh của thời gian và hạnh phúc chóng qua. G. Renondeau và H. Jay Harris đều dẫn các học giả Nhật (Ôtsu, Ikeda) cho rằng cách ví von này cũng được thấy trong các bài thần nhạc (kagura-uta =ca khúc dân gian hát lên khi tế thần) của Shuu.ishuu (Thập Di Tập, 1005-07).
Cái chết của người con gái còn có thể xem như một cuộc tự tử vì tình. Chữ itazura là một trạng từ để nói về sự tự sát (itazuraji ni), còn khi dùng như danh từ sẽ có nghĩa là “tư thông giữa nam nữ” hay “ tình yêu bất chính”.
Đoạn 25: Người không gặp được.
Ngày xưa có một chàng trai gửi một bài thơ cho cô con gái kia bởi nàng ta vốn ởm ờ, không nói thẳng ra là không muốn gặp chàng và làm cho chàng hiểu là cứ tiến tới vì ... biết đâu đấy...Thơ của chàng như sau:
Aki no no ni / sasa wakeshi asa / sode yori mo / awade neru yo zo / hijima sari keri /
(Đồng thu vạch lùm trúc / Khi về áo đẫm sương / Áo ướt không bằng lệ / Cái đêm không gặp em)
Cô gái thích kén chọn đã đáp lại:
Mirume naki / wa ga mi wo ura to / shiranu ba ya / karenade ama no / ashi tayuku kuru /
Không biết bờ bãi này / Rong miru chẳng mọc / Hỡi anh người muốn cắt / Qua lại chỉ hoài công /   
Lời bình (25):
Trong bài thơ thứ nhất, sasa là tên một loại trúc con nhưng có nghĩa là tiếng kêu xào xạc. Nó tạo nên một âm hưởng buồn thương như tâm cảnh của kẻ thất tình, suốt đêm chờ đợi mà không gặp được người mình yêu.
Bài thơ thứ hai là lời từ chối lời tỏ tình của chàng trai. Người con gái so sánh tấm lòng nàng với một bãi biển hoang vắng, rong mirume 海松布 (Codium tomentosum) cũng không mọc nổi. “Me” ở đây là rong biển (hải tảo). Thế nhưng mirume naki 見る目なきcòn có nghĩa là “không để mắt tới” và nàng muốn nhắn anh chàng rằng dầu có đi theo đến mỏi gối chồn chân cũng sẽ không đạt được kết quả nào.
Một nơi khác, tác giả dùng chữ karenade khi nói về chuyện đi qua đi lại không ngừng của chàng trai trước cửa nhà nàng. Đồng thời, karenade cũng ám chỉ việc “không cắt được rong” (= không toại nguyện) nữa.
Trong nguyên tác, cô gái được xem là kôshoku 好色(háo sắc, đa tình) nhưng vì nàng không phải là kẻ chủ động trong cuộc chơi như đàn ông nên có lẽ chúng ta phải dịch là “thích kén chọn” thì mới hợp hơn.
(Còn tiếp)

1)    Ishida Jôji dịch chú. Ise Monogatari, Kadokawa Bunko 466,
Kadokawa Shoten xuất bản, Tokyo, 1979. Bản in lần thứ 19 (1992).
2)    Tanabe Seiko, Taketori Monogatari, Ise Monogatari (Gendaigo yaku). Iwanami Gendai Bunko 980, 2014.
3)     Haris, H.J., The Tales of Ise, Tuttle Publishing Co, Tokyo, 1972.
4)    Renondeau, G., Contes d’Ise, Gallimard / Unesco, Paris, 1969.
TRUYỆN ISE (II)
Tác phẩm cổ điển trong thể loại truyện thơ Nhật Bản
(Ise-monogatari - 伊勢物語, thế kỷ thứ 10)
Nguyên bản: Tác giả vô danh
Dịch chú: Nguyễn Nam Trân

Về miền Đông (Đoạn 9)    
Phần II: Đoạn 26 đến 50
Đoạn 26:
Xưa, có chàng trai đau khổ vì không sum họp được với nàng con gái sống ở khu Gojô. Để đáp lại một người bạn cám cảnh mình mà than thở hộ, anh viết mấy vần:
Omôezu /sode ni mina to no / sawagu kana / morokoshi fune no / yori shibakari ni /
(Tôi nào đâu có dè / Tay áo mình ướt đẫm / Vì sóng dậy bến kia / Khi chiếc tàu biển ghé)   
Lời bình (26):
Đây lại là một câu chuyện nói về mối duyên bất thành giữa Narihira và Takako. Thế nhưng bài thơ giống như là lời người bạn chứ không phải tâm sự của nhân vật chính.
Morokoshi fune (Đường thổ chu) hay thuyền buôn Trung Quốc vốn là thuyền đi biển to lớn hơn thuyền Nhật nên khi vào cảng có thể làm dậy sóng.
Theo H. Jay Harris, có thuyết cho rằng bài thơ nói đến tàu buôn Trung Quốc này có lẽ được dịch từ Hán thi vì thấy không được tự nhiên khi đưa vào bối cảnh Nhật Bản.
Đoạn 27: Bên ngòi ruộng
Xưa có một chàng trai đến thăm người con gái nhưng chỉ mỗi một lần rồi không hề trở lại. Buổi sáng ở nơi rửa mặt, khi nàng cuộn cái nắp đậy bồn nước đan bằng trúc qua một bên thì thấy hình ảnh buồn khổ của mình in ra trong đó, nên làm mấy câu thơ:
Ware bakari / mono omou hito wa / mata mo araji / to omoeba mizu no / shita ni mo ari keri
(Tưởng không có người nào / Đau khổ bằng mình cả / Ai ngờ trong đáy nước / Hiện bóng người thứ hai )
Người đàn ông nghe phong thanh như thế mới đáp trả:
Mizuguchi ni / ware ya miyu ramu / kawadzu sae / mizu no shita ni te / moro koe ni naku / 
(Bóng người trên mặt nước / Chỉ có thể là anh / Ngay ếch bên ngòi ruộng / Kêu khóc cũng đồng thanh)
Lời bình (27):
Theo tục lệ thời xưa, đàn ông đến thăm đàn bà chỉ một đêm rồi không đến nữa là có ý không muốn tiến tới hôn nhân. Còn khi ai cuộn một phần cái nắp đậy bằng tre (nukisu貫簀) ở chỗ rửa tay là để tránh nước trong bồn bắn lên làm ướt áo xống. Ngòi nước (mizuguchi水口) là chỗ dẫn nước vào ruộng. Ếch nhái trên đồng kêu (naku鳴く啼くcroak) cũng đồng âm với than khóc (naku泣く, cry) và khi chúng cất tiếng kêu thì lúc nào cũng đồng loạt. Chàng trai muốn nói trong sự chia tay giữa nam nữ thì cả hai đều đau khổ chứ nào phải chỉ một mình nàng.
Nhà nghiên cứu Ishida Jôichi lại cho rằng hình ảnh in trong bồn nước không phải là của nàng mà là của chàng trai (vì nàng bị hình bóng chàng ám ảnh tâm trí ?), khác với chủ trương của G. Renondeau và H. Jay Harris.
Dịch giả Jay Harris còn nói người đàn bà bị quên lãng trong đoạn này gợi cho ông nhớ tới hình ảnh nàng Hanachirusato花散里 (Làng hoa rụng) trong Truyện Genji.
Đoạn 28: Khó gặp nhau
Xưa có một người con gái đa tình, bỏ nhà đi đâu mất (làm người đàn ông ở lại viết mấy vần sau):
Nado tekaku / augo katami ni / nari ni kemu / mizu mo saraji to / musubishi mono wo /
(Ai xui chi gặp gỡ / Để rồi khuất bóng nhau / Dù mình từng nguyện thề / Không để tình vơi giọt)    .             
Lời bình (28):
Người con gái ở đây bản tính vốn lẳng lơ (irogonomi) chắc đã bỏ nhà đi theo một chàng trai khác. Trong đoạn này, tình yêu được ví như nước trong vò (water bucket) treo trên rường nhà, khó lòng bị rò rĩ để vơi đi. Thế mà cất ở một nơi cao như vậy vẫn chưa đủ an toàn.
Đoạn 29: Tiệc thưởng hoa.
Xưa kia, khi được mời đến dự tiệc thưởng hoa anh đào ở phủ đệ  mẫu hậu của Đông Cung thái tử, có người làm thơ rằng:
Hana ni akanu / nageki wa itsumo / seshi ka domo / kefu no koyoi / niru toki wa nashi /
(Bao lần nhìn không chán / Dù hoa chưa độ thắm / Đêm nay ngắm hoa bay / Tình cũ càng thêm say)
Lời bình (29):
Hana no Ga 花の賀hay Hana no Utage 花の宴là tiệc thưởng hoa anh đào đang độ nở và cũng có thể là ngày mừng sinh nhật một quí nhân. Trong Truyện Genji lại có Momiji no Ga紅葉の賀 (Tiệc thưởng lá hồng) nhưng được tổ chức vào mùa thu.
Nhà văn Tanabe Seiko giải thích rằng “mẫu hậu của Đông Cung” có lẽ ám chỉ bà Nijô (Fujiwara Takako).
Đoạn 30: Ngắn như chuỗi ngọc
Xưa có chàng trai gửi cho người con gái chàng chỉ gặp có một đôi lần bài thơ như sau:
Au koto wa / tama no o bakari / omo oete / tsuraki kokoro no / nagaku miru ramu /
(Ngắn như giây xâu ngọc / Thời gian gặp gỡ nhau / Nhưng lòng bạc bẽo kia / Vẫn dài theo nỗi nhớ)
Lời bình (30):
Giây xâu ngọc (tama no o) là một “chữ gối đầu” (makura-kotoba, pillow word) dùng để so sánh độ dài với độ ngắn. Độ dài được thấy trong câu chót (nagaku miru) về lòng bạc bẽo của người tình khiến mình hận khó quên. Còn độ ngắn là khi nói về cái hạnh phúc của buổi gặp gỡ (au koto) mà nhà thơ so sánh với dây xâu chuỗi ngọc..
Bài thơ giống như là một lời bào chữa của người đàn ông về lý do tại sao anh ta không đến thăm người đẹp nữa.
Đoạn 31: Được lắm, giống hay quên!
Xưa có chàng trai khi vừa đi ngang qua gian phòng trong cung của một nữ quan hầu cận (có lẽ vẫn mang mối hận lòng đối với chàng) thì nghe có tiếng nói: ”Được lắm! Ta đoán ngươi rồi sẽ tàn héo thôi, hỡi cái lá cỏ quên xanh tốt kia”. Thấy thế, chàng ta bèn làm một bài thơ:
Tsumi mo naki / hito wo ukeeba / wasuregusa / ono ga ue ni zo / ou to iu naru /
(Ai mà thích trù ẻo / Kẻ chẳng tội tình chi / Lời xưa : “Giống cỏ quên / Sẽ mọc nơi người đó”)
Tuy nhiên, đàn bà không thiếu chi những kẻ ghen tức với nàng này (vì nàng đã có một cuộc phiêu lưu tình cảm thích thú như vậy)
Lời bình (31):
Câu nguyền rũa của người con gái có lẽ đã được trích ra từ Zoku Manyôshuu (Tục Vạn Diệp Tập) như lời bàn của Fujiwara no Sanetaka (1455-1537) trong tác phẩm bình chú Isemonogatari Chokkai. (Y Thế vật ngữ trực giải). Toàn văn bài đó như sau:
Wasureyuku / tsurasa wa ika ni / Inochi araba / Yoshi ya kusaba yo / Naran sa ga mimu /
( Dẫu quên câu chuyện cũ / Lòng cay đắng chưa nguôi / Đến chết còn mong mỏi / Cỏ ấy héo đi thôi )
Có thể nàng con gái trong Đoạn 31 này cũng là người nữ quan mà chúng ta đã biết đến trong Đoạn 19 (Như mây trời).
Wasuregusa là tên văn vẻ của yabukanzô (tawny day lily), một giống hoa đồng nội thuộc họ bách hợp (yuri, lily).
Đoạn 32: Giây tơ buộc thư tình.
Xưa có một nàng con gái mà chàng trai từng đi lại, nhiều năm sau bỗng gửi cho anh một bài thơ:
Inishie no / shidzu no odamaki / kurikaeshi / mukashi wo ima ni / nasu yoshi mogana /
(Giây tơ buộc thư tình / Ngày xưa mình trao đổi / Nay mà đem tháo mối / Phải đẹp biết bao không?)
Thế nhưng không hiểu chàng trai đó còn tình ý hay không mà chẳng thấy hồi âm.
Lời bình (32):
Xưa cuộn lại rồi nay muốn cởi ra, tình ý khá lộ liễu. Người con gái bạo dạn ngỏ lời nhưng người con trai vì một lý do nào đó đã không đáp lại tình xưa.
Giải tơ nhiều màu sắc (odamaki) cuộn những bức thư tình (shizu) hàm ý sắc tình (iro) nữa.
Đoạn 33: Truyện vùng Mubara.
Xưa có một chàng trai đi lại với một người con gái vùng Mubara trong xứ Tsu (tức Settsu, ngày nay thuộc tỉnh Mie) nhưng thái độ của nàng tỏ ra thì như e sợ lần này nếu ra về chắc chàng sẽ không trở lại. Chàng trai mới viết bài thơ;
Ashibe yori / michifuru shio no / iyamashi ni / kimi ni kokoro wo / omoimasu kana /
(Như sóng lớn tràn lên / Rặng lau bên bờ nước / Tình ta đối với nàng / Ngày càng thêm dào dạt )
Nàng bèn đáp:
Komori e ni / Omou kokoro wo / ikade ka wa / funasasu sao no / sashite shiru beki /
(Điều nghĩ ở trong đầu / Như sông bị lau lấp / Làm sao anh biết rõ / Bằng người chống mũi sào)
Thơ của cô gái chốn quê mùa như vậy, xin hỏi thử là hay hay dở ?
Lời bình (33):
Chữ funasasu sao (cây sào dùng để cắm thuyền đỗ lại) còn có ý thăm dò mực nước nông sâu (cũng là sasu). Thế nhưng lòng người còn khó dò hơn mực nước.
Nơi nàng con gái sống là vùng Ashiya xưa có nhiều lau (ashi), nay thuộc Kobe nhưng thời xưa, so sánh với Kyôto thì Kobe chỉ là chỗ quê mùa.
Đoạn 34: Nếu có thể giải bày.
Xưa có một chàng trai gửi bài thơ sau đây cho một nàng con gái đã lãnh đạm với mình:
Ieba e ni / iwwaneba mune ni / sawagarete / kokoro hitotsu ni / nageku koro kana /
(Muốn tỏ lòng oán hận / Nhưng chẳng nói nên lời / Vì không thể tỏ bày / Hôm nay tim uất nghẹn)
Dường như anh chẳng còn sợ xấu hổ tí nào khi viết như thế.
Lời bình (34):
So với thời đại chúng ta thì lời thơ trên có vẻ thậm xưng nhưng đây là đặc điểm của các tác giả thời Heian. Có thể thấy phong cách này ở nhiều nơi, cả trong Truyện Genji.
Đoạn 35: Gút thắt bền chặt
Xưa có chàng trai nọ dù lòng không muốn nhưng đã đi đến chỗ tuyệt giao với một người đàn bà.
Tama no o wo / awao ni yorite / musubereba / taete no nochi mo / awamu to zo omou /
( Vì gút thắt bền chặt / Nên ngọc chẳng hề lìa / Lòng dẫu có xa xôi / Cũng có ngày nối lại)
Lời bình (35):
Giống như Đoạn 32, Đoạn 35 này cũng chứa chan tình ý nhưng vén khéo hơn. Bài thơ thấy ở đoạn này viết phỏng theo một bài trong Man.yôshuu (bài 763) của công nương Ki no Iratsume:
Tama no o wo / awao ni yorite / musubereba / arite nochi ni mo / awazarame ya mo /
(Như giải tơ xâu ngọc / Buộc chặt mối tình ta / Cho dù năm tháng qua / Tình nào xa cách nhỉ?)  
Bài này đã được Otomo no Yakamochi – người biên tập và cũng là một nhà thơ lớn trong Man.yôshuu - đáp lại như sau:
Momo tose ni / oijita idete / yoyomu tomo / ware wa itowaji / koi wa masu tomo /
(Đến trăm năm cuộc đời / Răng rụng lưng còng rồi / Thì trong lòng ta vẫn / Yêu người tình chưa vơi)  
Ojitai và yoyomu đều là những chữ trình bày dung nhan và dáng điệu người già, chắc là của cả hai.
Theo H. Jay Harris thì trong bài thơ của bà Ki có dùng chữ musubu (gắn bó) nhưng trong ngôn ngữ của thời Man.yôshuu,nó chỉ có nghĩa là gắn bó tình cảm (emotional love). Đến thời Ise monogatari thì ý nghĩa của động từ này đã trở thành gắn bó xác thịt (sexual liaison).
Đoạn 36: Dây leo lên mỏm núi
Xưa, có chàng trai khi nghe người con gái gửi thư trách móc: “Chàng đã quên mất em rồi sao?”, mới làm một bài thơ:
Tani sebami / mine made haeru / taemu to hito ni / wa ga omowanaku ni /
(Bởi vì hẻm núi hẹp / Dây leo tới đỉnh cao / Không bao giờ đứt đoạn / Khác nào tình anh đâu)  
Lời bình (36):
Người con gái không làm thơ để trách móc người tình một cách gián tiếp. Nàng đã chọn lối trình bày trực tiếp, không loanh quanh.
Trong bài thơ của chàng trai, hình ảnh dây cỏ bò lan hàm ý từ từ nhưng mạnh mẽ. Trên đỉnh núi cao có nhiều gió nhưng vẫn không làm cho giây leo đứt đoạn nghĩa là mối tình có sức mạnh vượt được thử thách.
Đoạn 37: Giải áo bên dưới.
Xưa kia có chàng trai đi lại với một cô gái đa tình. Có lẽ vì thấy tâm hồn nàng dễ thay đổi, chàng mới viết:
Ware nara de / shitahimo toku na / asagao no / yuukage matanu / hana ni wa aritomo /
(Đừng để ai cởi áo / Trừ một mình anh thôi / Biết em, hoa triêu nhan / Đâu đợi đến chiều tối)
Nàng ấy mới đáp lại:
Futari shite / musubishi himo wo / aimiru made wa / tokaji to zo omou /
(Giải áo này ngày xưa / Hai chúng ta cùng thắt / Một mình cởi làm sao / Xin đợi khi gặp mặt )
Lời bình (37):
Hoa triêu nhan (asagao, bìm ban sáng) là loài sớm mở tối tàn. Chàng trai lo rằng nàng ta không đợi nổi đến tối khi chàng đến thăm để cởi giải áo bên dưới (shitahimo). Nàng trấn an chàng là sẽ không đi lại với ai khác ngoài chàng.
“Giải áo bên dưới” hàm ý lòng trung thành trong tình yêu. Thế nhưng thiển nghĩ sự trung thành này cần phải được áp dụng cho cả hai bên chứ không chỉ cho phái nữ thời đó vốn bị động trong ái tình vì chỉ biết chờ đợi những cuộc viếng thăm nhiều khi quá thưa thớt. 
Đoạn 38: Nhà của Ki no Aritsune.
Xưa có người đến thăm nhà Ki no Aritsune nhưng ông đi vắng mãi không về, bèn để lại bài thơ:
Kimi ni yori / Omoi nara inu / yo no naka no / hito wa kore wo ya / koi to iu ramu /
(Chờ ông tôi chợt hiểu / Thế gian lời người ta / Bảo yêu ai chính là / Tình cảm như thế đấy!)
Ông đáp lại:
Narahaneba / yo no hitogoto ni / nani wo kamo / koi to wa iu to / toi shi ware shimo /
(Đến nay vẫn chưa biết / Làm sao định nghĩa yêu / Nay người bảo nhờ ta / Chuyện này nghe sao lạ ! )
Lời bình (38):
Ki no Aritsune là một nhân vật gần gũi với Narihira. Đã xuất hiện ở Đoạn 16 và sẽ xuất hiện ở Đoạn 87.Tuy nhiên, người ta ngờ rằng đây chỉ là hai bài thơ dịch từ Hán thi như từng thấy ở Đoạn 26 và được đem gán cho ông vì thấy bài này quá thiên về lý luận và không có một tứ thơ nào đặc biệt.
Đoạn 39: Lửa đom đóm.
Xưa có một vị thiên hoàng tên là Sai-in Tennô (Tây viện thiên hoàng tức Thiên hoàng Junna, Thuần Hòa). Cô công chúa con gái ông là Takaiko (Sùng tử) mất sớm. Hôm đám tang, có một người con trai sống bên cạnh cung muốn đến xem buổi lễ diễn ra như thế nào nên mới trèo lên trên chiếc xe đàn bà con gái đi đưa tang để có một chỗ ngắm tốt. Anh ta nằm chực trong đó đã lâu nhưng linh cữu chưa ra. Đợi mãi nản quá, anh đã tính chuyện bỏ về. Trong khi các nàng đang than khóc, có một chàng trai khác tên Minamoto no Itaru là kẻ phóng đãng nhất trần đời. Anh ta cũng muốn tham quan buổi lễ, thấy đấy là một chiếc xe chở phụ nữ, bèn tiến đến gần định tán tỉnh. Để trêu ghẹo các nàng, anh ta bắt đom đóm ném vào xe. Sợ ánh sáng đom đóm sẽ làm lộ hình tích của họ, những người đàn bà trong xe bảo nhau dập tắt. Người con trai đi cùng bèn thay lời họ làm một bài thơ như sau:
Idete ina / bakagiri narube / mito moshi ke / chitoshi henuru ka to / naku koe wo kike /
(Nếu linh cữu đưa ra / Sao gặp công chúa nữa / Hãy nghe tiếng thở than / Cho đời nàng đã tắt)
Gã Itaru kia mới họa lại:
Ito aware / naku zo kikoyuru / tomoshi kechi / kiyuru mono tomo / ware wa shirazu na /
(Nghe ai khóc não nuột / Ta cũng chạnh lòng thương / Tuy hồn nàng lịm tắt  / Lửa đóm vẫn soi đường )
Đó là bài thơ của một chàng trai tiếng là phóng đãng bậc nhất dưới gầm trời này nhưng thấy không có gì khởi sắc. Thái độ của anh ta tỏ ra bất kính với đám tang của công chúa.
Lời bình (39):
Thiên hoàng Junna (786-840), con trai Thiên hoàng Kammu, sau khi thoái vị năm 833 về ở Tây viện nên gọi là Tây viện Đế (Sai.in no mikado). Công chúa Takaiko, con gái ông, chết năm 848, lúc mới 19 tuổi. Còn Minamoto no Itaru là con ông Sadamu, một trong số rất đông những người con trai của Thiên hoàng Saga.
Khác với những gì ta có thể tưởng tượng, chàng trai trốn trong xe không có mục đích nào khác hơn là xem đám tang. Còn hình ảnh của Itaru – cứ xem nếp nhà và dòng dõi học thức của ông - Itaru sau là tổ phụ của thi hào và nhà soạn từ điển Minamoto no Shitagô, người mất vào năm 908 – thì cũng chưa hẳn phải xấu xa đến vậy.
Lời thơ bị xem là bất kính có lẽ vì hai chàng tuy tỏ ra xót thương công chúa những lại dùng những chi tiết “tức sự” nói về tình cảnh xảy ra lúc đó như việc trong xe tối om hay việc thảy đom đóm vào.
Đoạn 40: Tình khờ khạo
Xưa có chàng tuổi trẻ đem lòng yêu một người con gái khá xinh xắn đang giúp việc trong nhà mình. E rằng việc chàng yêu thương cô ta sẽ đưa đến khó khăn cho gia đình, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt đến độ dọa đuổi nàng ra khỏi nhà. Nói thế chứ chuyện ấy vẫn chưa xảy ra. Anh con trai hãy còn chưa tự lập làm sao ngăn cha mẹ mình phản ứng như vậy. Mặt khác, nàng con gái thân phận tầm thường, không đủ sức đương đầu với ông bà chủ. Thời gian trôi qua, tình cảm giữa đôi trẻ càng thêm thắm thiết. Đùng một cái, cha mẹ anh chàng đuổi nàng đi. Chàng trai khóc đến chảy máu mắt nhưng cha mẹ anh vẫn không rút lại quyết định. Nàng con gái bị một người khác đưa đi đâu mất. Anh con trai tức tưởi viết một vần thơ như sau:
Idete inaba / tare ka wakare no / katakaramu / arishi ni masaru / kefu (kyô) wa kanashi mo /
(Là người bị chia cách / Làm gì chẳng đớn đau / Nay còn buồn gấp bội / Khi nhớ thuở bên nhau)
Rồi ngất xỉu. Cha mẹ không biết xử trí thế nào vì xưa nay vẫn nghĩ mình vì tương lai con trai mà làm như thế, nào dè sự thể đã chuyển qua cách khác. Lúc đó họ mới ăn chay nằm đất, thành tâm xin Thần Phật giúp đỡ. Buổi chiều cậu con bất tỉnh nhưng đến giờ Tuất hôm sau (8 giờ sáng) anh đã hoàn hồn. Bọn trẻ ngày xưa xem trọng tình yêu đến mức đó chứ ngày nay, ngay cả người lớn tuổi, chắc không dám chết vì tình như vậy đâu.
Lời bình (40):
Có người so sánh đoạn này với đoạn nói về cái chết của chàng Kashiwagi trong Truyện Genji. Cũng có thuyết xem nó gần gũi hơn với Chương Wakana-ge (Wakana II, Rau non, phần hạ) liên quan đến việc nàng Murasaki no Ue lâm bệnh cũng trong cùng tác phẩm. Thế nhưng theo H. Jay Harris, có lẽ chúng chỉ giống nhau về phần ngữ vựng chứ không phải là về cấu trúc.
“Wakaki otoko” trong nguyên tác có lẽ phải được hiểu là “một chàng trai trẻ còn thiếu kinh nghiệm yêu đương”.
Đoạn 41: Áo bào màu lục.
Xưa có hai chị em nhà kia. Một người lấy chồng nghèo và chức vị thấp, người kia được gả cho con trai nhà quyền quí. Người con gái có chồng nghèo đến ngày cuối năm, đem áo bào (lễ phục) của chồng mình ra giặt và hồ bằng tay, tuy đã cố gắng hết sức nhưng vốn là một cô tiểu thư không quen việc cho nên áo ấy bị rách hỏng. Không biết làm sao chỉ biết ngồi đó rấm rứt khóc.
Người rễ thứ hai sinh trong nhà quyền quí nghe chuyện đó thấy tội nghiệp bèn đem một tấm áo bào mới màu lục (cho hàng lục phẩm mặc) mà tặng cho nàng. Lại kèm theo một bài thơ vịnh rằng:
Murasaki no / iro koki toki wa / me mo haru ni / no naru kusagi zo / wakare zari keri /
(Khi “hoa tím” sẩm màu / Nhìn cánh đồng từ xa / Cỏ cây cùng một sắc / Nào thấy khác chi nhau)
Có lẽ đây cũng là một bài thơ loại nói về cánh đồng Musashi (Musashino) .
Lời bình (41):
Murasaki (tên khoa học: Lithospermum erythrorhizon) là một loài hoa trắng nhỏ nhưng có rễ tím, dùng để nhuộm và làm thuốc giải độc hay chữa bệnh ngoài da. Chứ bảo là loài hoa cánh màu tím nào khác thì trong văn chương Nhật, chỉ có thể là hoa tử đằng (fuji, wisteria). Ở đây, chàng trai cho biết là mình vì thương vợ nên không hề phân biệt sang hèn với gia đình của người chị em vợ, kể cả ông anh em cột chèo.
H. Jay Harris cho biết thêm rằng ngày trừ tịch có buổi chầu trong cung và các quan phải ăn mặt tươm tất. Áo xống cần giặt sạch sẽ và hồ cho cứng. Chiếc áo màu lục mới tinh mà nhà quyền quí đem tặng  người anh em vợ kia là áo dành cho quan lục phẩm, hàng thấp nhất được vào chầu.
G. Renondeau cho biết trong Kokinshuu (Cổ Kim Tập, quyển 17) cũng có một bài thơ tương tự:
Murasaki no / Hitomoto yue ni / Musashino no / Kusa wa minagara / Aware to zo miru /
Bài thơ trên ý nói nhân vì thấy có một đóa hoa murasaki đáng yêu nằm trong đó thôi mà tất cả hoa cỏ trên cánh đồng Musashino đều trở nên đáng yêu cả. Cánh đồng Musashino là nơi mọc nhiều giống hoa murasaki này.
Cũng có thể hiểu thêm là nếu nhìn một cánh đồng từ xa thì người ta không làm sao phân biệt được phẩm chất, màu sắc của từng loài hoa.
Tuy nhiên câu chót trong đoạn văn có lẽ do người đời sau đưa vào như một lời bình luận chứ không phải đã có sẵn từ đầu.
Đoạn 42: Mới bước chân ra.
Xưa có chàng trai năng đi lại với một nàng con gái dù biết tính nàng lẳng lơ. Chàng không đặc biệt oán hận gì nàng về điều đó. Có chăng là dù thường xuyên lui tới nhà nàng mà chàng vẫn không an tâm, thế nhưng nếu không tìm đến nữa thì lòng lại không ổn. Khó chịu đựng sự xa cách hơn nữa nên có lần bận bịu, phải vắng mặt hai, ba hôm, chàng đã gửi đến nàng một bài thơ:
Idete koshi / ato dani imada / kawaraji wo / ta ga kayoi ji to / ima wa naru ramu / 
(Dấu chân anh bước ra / Hãy còn nguyên đấy chứ ? / Hay con đường nhà em / In bàn chân ai khác?)
Qua bài thơ, chàng ta bày tỏ lòng ghen tuông của mình.
Lời bình (42):
Cũng như nhân vật nữ trong đoạn 25, người con gái đa tình ở đây giao du một lượt với nhiều người đàn ông. Sở dĩ chàng trai rứt đi không đành có lẽ vì nàng là một tay thiện nghệ trong chốn phòng khuê. Còn phần chàng thì việc có khi phải “bận bịu hai ba ngày” cũng có thể hiểu là còn đi lại với một người đàn bà khác chăng?
Đoạn 43: Tiếng cuốc kêu
Xưa có một hoàng thân (miko) tên là Kaya. Vị hoàng thân này khi sủng ái đàn bà, thường ban thưởng nhiều ân huệ. Trong số đó có một nàng như thế và cô ta lại đang được người đàn ông khác ve vãn. Một chàng trai thứ thứ ba nghĩ nàng chỉ có mình là người duy nhất yêu nàng nhưng sau nghe lời thiên hạ đồn đãi, mới vẽ hình chim cuốc gửi cho nàng kèm theo một bài thơ:
Hototogisu / Na ga naku sato no / amatareba / nao utomarenu / omou mono kara /
(Hỡi này con chim cuốc / Vì mi hót khắp làng / Nên kẻ có lòng yêu / Không còn nghe tiếng hót )
Muốn làm cho anh ta bớt giận, người đàn bà ấy mới đáp:
Na nomi tatsu / shide no taosa wa / kesa zo naku / iori amata to / utomarenureba)
(Chàng tin chi chuyện hão / Sáng nay chim phải buồn / Giục gieo mạ khắp đồng / Cho nên chim bị ghét )
Bởi vì lúc đó đúng vào vụ gieo mạ tháng 5 âm lịch. Người con trai mới viết thêm một bài thơ khác như sau:
Iori ôki / shide no taosa wa / nao tanomu / wa ga sumu sato ni / koe shi taezu wa /
(Biết rằng chim cuốc kia / Vốn có nhiều chỗ đậu / Chỉ mong mỗi làng anh / Được nghe hoài tiếng hót)
Lời bình (43):
Kaya no Miko (mất vào năm 871) là người con thứ 7 của Thiên hoàng Kammu (Hoàn Vũ). Trong câu chuyện bên trên, không thấy ông đóng vai trò nào, trừ việc người con gái làm việc trong phủ đệ ông. Chàng con trai thứ ba cho rằng nàng tuy đi lại với nhiều người nhưng lại tỏ ra thờ ơ với chàng nên mới có lời trách móc.
Chim cuốc (Cuculus poliocephalus) ngoài cái tên thông thường là hototogisu còn được gọi là shide no taosa (ông lý trưởng của ngôi làng người chết) theo cách hiểu của người đời xưa cho rằng giống chim này như sứ giả đi lại giữa cõi sống và cõi chết (giống như các điển tích thường thấy ở Trung Quốc và Việt Nam) Nó còn được xem như con chim giục giã người nông dân gieo mạ vì thường xuất hiện vào đầu vụ mùa tức tháng 5 âm lịch.
Vì để cho bản dịch được nhẹ, từ hoa shide no taosa không được dịch ra.
Đoạn 44: Hết rủi ro.
Xưa có người tổ chức buổi lễ tiễn hành cho một người quen đi làm quan ở địa phương. Bởi vì họ khá thân nên vợ chủ nhân mới ra chuốc rượu người bạn và tặng một chiếc váy đàn bà (= mo). Nhân đó, chủ nhân mới làm một bài thơ và nhờ vợ mình đính kèm món quà:
Idete yuku / kimi ga tame ni to / nugitsureba / ware sae mo naku/ na rinu beki kana /
(Giờ anh bước đi xa / Cởi váy đem tặng cho / Chắc rồi mọi vận rủi / Cũng không còn nơi ta)
Vì trong những bài thơ hôm đó, bài này có ý nghĩa thâm thúy nên anh ta không đem ra đọc mà để người đó tự hiểu.
Lời bình (44):
Đây là cảnh tượng một bữa tiệc tiễn đưa ngày xưa (hananuke). Việc tặng cái váy hơi khó hiểu. G. Renondeau giải thích là món quà của đàn bà (vợ chủ nhân) tặng cho đàn bà (vợ của người ra đi) nhưng H. Jay Harris cho là món quà này chỉ dành cho anh đàn ông, người ấy sẽ dùng để khoác lên lưng che bụi đường khỏi dây vào áo bào (lễ phục) khi ở trên mình ngựa. Chữ mo  (váy) còn có thể hiểu như mo (tang tóc, vận rủi). Thế nhưng nếu chỉ thế thôi thì sao gọi bài thơ này là rất thâm thúy cho được? Hẵn còn có một ý nghĩa gì khác!
Đoạn 45: Đom đóm trên mây
Xưa có một chàng trai. Cô con gái nhà kia vốn được cha mẹ nuôi nấng kỹ lưỡng, rất yêu anh ta nhưng không biết làm sao bày tỏ lòng mình. Vì tương tư, cô lâm bệnh. Khi gần chết mới nói thật với bố mẹ là: “Con yêu anh ấy!”. Bố mẹ cô bèn khóc lóc đến báo tin, anh tất tả tới nơi nhưng không kịp nữa. Cô gái đã chết.
Từ đó chàng trai buồn bã, không còn thiết tha với công việc nữa. Một đêm vào cuối tháng 6, trời nóng, anh chơi nhạc để giải buồn. Khi đêm đã khuya, nhân có ngọn gió mát thổi đến, mới làm hai bài thơ:
Yuku hotaru / kumo no ue made / inu beku wa / aki kaze fuku to / kari ni tsugekose /
(Đom đóm đang bay ơi / Nếu lên tận bầu trời / Xin nhắn giùm đàn nhạn / Hơi thu đã dậy rồi)
Kuregataki /natsu no higurashi / nagamureba / sono koto to naku / mono zo kanashiki /
(Ôi từ sáng đến tối / Ta ngồi thừ nơi đây / Trời hạ ngày không tắt / Vô cớ, nỗi buồn dài )
Lời bình (45):
Đây là một thảm cảnh thường thấy vào thời Heian. Người con gái vì nếp nhà gia giáo nên yêu câm nín, không dám bày tỏ lòng mình đến nỗi ốm chết. Còn người con trai - cũng có thể đã tìm thấy nơi mình một tình yêu thức dậy muộn màng trong lòng - nên đã lâm vào cảnh u uất. Có lẽ đêm hôm đó chàng tấu nhạc để chiêu hồn nàng và tạm sống xa cách đám đông trong khoảng thời gian tang tóc như tục lệ đương thời với mục đích tẩy uế cái huông của sự chết dù chàng chưa có ràng buộc xã hội nào đối với nàng.
Đoạn 46: Dù xa mặt.
Xưa có chàng trai chơi thân với một anh bạn, họ lúc nào cũng ở bên nhau thế nhưng người bạn ấy phải đi xa và sống ở một vùng khác. Họ hết sức tiếc nuối lúc chia tay.
Ngày tháng trôi qua, một hôm chàng trai nhận được thư người bạn ấy viết: “ Chuyện bạn và tôi phải rời nhau quả là không ngờ. Sau bao năm tháng, không biết bạn còn nhớ tôi không? Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy lòng cay đắng. Thế gian vẫn có câu “xa mặt cách lòng” mà”. Xem thư, chàng trai mới đáp lại bằng một bài thơ:
Me karu to mo / omôenaku ni / wasuraruru /toki shinakereba / omokage ni tatsu /
(Có bao giờ tôi nghĩ / Mình đã hết gặp nhau / Bóng bạn còn hiện rõ / Trước mặt có xa đâu)
Lời bình (46):
Tuy không rõ về tên tuổi và công việc của người bạn ấy nhưng có thể tạm hiểu ông ta là người được bổ nhiệm đi làm quan xa. Thời xưa, ra khỏi kinh đô xem như bị đi đày, ít còn cơ hội gặp nhau. Ngoài ra, theo thiển ý, bài thơ này không có gì đặc biệt ngoài việc nói lên sự khắng khít trong tình bạn.
Đoạn 47: Chùm giấy thiêng.
Xưa có một chàng trai khao khát muốn đi lại với nàng con gái. Thế nhưng cô ta nghe đồn chàng là hạng trăng hoa (uwaki) nên dần dần lãnh đạm và gửi cho một bài thơ như sau:
Ônusa no / hiku ta amata ni / nari nureba / omôedo koso / tanomazari kere /
(Anh quơ chùm giấy thiêng / Qua lại bao nhiêu đám / Tuy có lòng tìm đến / Em chẳng thể nào tin )
Người con trai mới đáp lại:
Ônusa to na / ni koso tatere / nagarete mo / tsui ni yoru se wa / ari to iu mono wo /
Người bảo “chùm giấy thiêng” / Biết trôi giạt về đâu / Nhưng giấy ấy mai sau / Rồi sẽ về một bến)
Lời bình (47):
Để hiểu đoạn này, cần kiến thức về nghi lễ Thần đạo. Chùm giấy thiêng (Ônusa) là một nhánh cây sakaki dài (Cleyere ochnacea, loại cây có lá màu xanh lục) hoặc một cây gậy dài cỡ 1 m, trên có kết tụi vải hay tụi giấy màu trắng, hình thù được xén giống như lá cây. Các thần quan dùng nó làm nghi thức tẩy uế (harai-gushi) nghĩa là phất qua phất lại trên thân người để hút tà khí, chuyển nó qua nhánh cây và tụi giấy, tụi vải. Xong việc họ sẽ vứt xuống nước cho nó trôi ra sông, ra biển.
Chàng con trai bị buộc tội là hay nhìn dọc nhìn ngang. Chàng đã tự thú rằng mình tuy không cưỡng nỗi sóng lòng mà đi lang chạ nhưng sẽ xem nàng là người yêu cuối cùng. Rõ khéo nói!
Đoạn 48: Bây giờ mới hiểu
Xưa có một chàng trai mở buổi tiệc tiễn hành cho một người bạn phải đi xa nhưng đợi mãi vẫn không thấy người ấy tới. (Mới có thơ):
Ima zo shiru / kurushiki mono to / hito matamu / sato wo ba karezu / tou bekari keri / 
(Bây giờ mới hiểu cảnh / Khổ sở khi đợi ai / Từ nay sẽ không quên / Tìm đến người mình hẹn )
Lời bình (48):
“Người bạn đợi hoài không đến” có lẽ chỉ là nhân vật tưởng tượng mà chàng trai tạo ra để có cớ mà làm bài thơ đặc biệt này.
Sự phản tỉnh của chàng có phải nhắm đối tượng là những người đàn bà trong quá khứ từng vò võ đợi chờ vì chàng hẹn mà không đến (như cách hiểu của G. Renondeau) hay nó chỉ nhắm người đàn bà chàng vừa mới đi lại đây thôi nên chưa dám để nàng phải đợi lâu (như cách hiểu của H. Jay Harris) ?
Đoạn 49: Cỏ mơn mởn.
Xưa có một chàng trai khi nhìn thấy dáng dấp quá dễ thương của cô em gái mình, mới viết:
Ura wakami / neyo ge ni miyuru / wakakusa wo / hito no musubamu / koto wo shi zo omou /
(Dễ thương như cỏ non / Muốn quấn quít em ngủ / Lòng anh những lo lắng / Nhỡ em theo chàng nào)  
Cô bé mới đáp lại:
Hatsukusa no / nado medzurashiki / koto no ha zo / ura naku mono wo / omoi keru kana /
(Như cỏ non mơn mởn / Sao vội nghĩ lạ lùng / Em vẫn hồn nhiên xem / Anh, người anh trai vậy)
Lời bình (49):
Độc giả có thể suy luận rằng đây là một mối tình loạn luân bất chính. Thực ra trong xã hội Nhật cổ xưa, đàn ông có nhiều vợ và con cái được nuôi ở nhà riêng của các bà mẹ. Họ ít khi gặp nhau nên giống như người dưng. Tuy không là một trường hợp chung cho tất cả nhưng tục lệ Nhật (thời đó) khá lỏng lẻo để ngăn cấm anh em ruột thịt (cùng cha nhưng khác mẹ) kết hôn với nhau.
Trong đoạn văn này, câu trả lời của cô gái chưa hẳn là một lời cự tuyệt hoàn toàn. Nó chỉ có nghĩa là “để khi lớn hơn nữa rồi tính sau” tuy rằng khả năng nàng đang đi lại với một chàng trai khác không phải là không có.
Chữ dùng chung cho toàn bài là wakakusa (cỏ non, xem lại đoạn 12), một chữ gối đầu (makura-kotoba), cũng giống như động từ musubu (thắt, kết, đoạn 35).
Đoạn 50: Trách qua trách lại.
Xưa có một chàng trai hận một người con gái bạc tình và nàng cũng hận chàng như vậy. Chàng mới vịnh:
Tori no ko wo / tô wo dzutsu tô wo wa / kasane tomo / omowanu hito wo / omou mono ka wa /
(Dù không tài chồng trứng / Chục này lên chục kia / Nhưng làm sao yêu được / Kẻ hờ hững bao giờ!)
Nàng ấy đáp:
Asa tsuyu wa / kie nokorite mo / arinubeshi / tare ka kono yo wo / tanomi wa tsubeki /
(Sương tan, còn lưu giọt / Chứ anh lưu gì đâu! / Trông cậy làm sao được / Những kẻ đổi lòng mau )
Chàng trai lại viết tiếp:
Fuku kaze ni / kozo no sakura wa / chirazu tomo / ana tanomigata / hito no kokoro wa /
(Dù gió không thổi bay / Hết anh đào năm ngoái / Nhưng riêng trong lòng này / Niềm tin tan tác mãi)
Một lần nữa, nàng trả lời:
Yuku mizu ni / kazu kaku yori mo / hakanaki wa / omowwanu hito wo / omou nari keri /
(Khó còn hơn viết chữ / Lên trên dòng nước trôi / Ai lại đem lòng yêu / Người ghét mình cho được)
Người con trai lại đáp:
Yuku mizu to / suguru yowa hito / chiru hana to / idzure matetefu / koto wo hiraku ramu / 
(Bảo nước trôi, hoa rụng / Hay tuổi trẻ, hãy chờ! / Thì ai mà nghe được / Trách chi lòng đổi thay)
Hai người này trách nhau là lừa dối, ghét bỏ mình nhưng qua lời thơ, ta thấy rằng họ dấu diếm người đời việc cả hai vẫn âm thầm liên hệ.
Lời bình (50):
Trách cứ, nhấm nhẳng như trên chỉ là để cho tình yêu thêm phần thi vị chứ thực ra, ta thấy hai nhân vật này hãy còn quyến luyến nhau. Người này chưa có thể phớt lờ hành động hay thái độ của người kia. Đặc biệt ngôn từ của người con gái rất bạo dạn làm ta liên tưởng tới lối hành văn của nữ sĩ Sei Shônagon (không rõ năm sinh năm mất) thời Heian trong Makura no Sôshi Chẩm Thảo Tử, khoảng sau năm 1000).
Cách ví von (trò chơi sắp từng chục trứng lên nhau, sương rơi, viết chữ lên mặt nước vv...) dĩ nhiên chịu ảnh hưởng điển cố văn học Trung Quốc. Riêng trong bài thơ cuối, có thể nhìn thấy tư tưởng Phật giáo. Ngoài ra, ta nhận ra rằng tình cảm vô thường (mujôkan) lúc đứng trước mọi vật trên đời đã ảnh hưởng đến tâm hồn người Nhật đời Heian.
(Còn tiếp)

Thư mục tham khảo:
1)    Ishida Jôji dịch chú. Ise Monogatari, Kadokawa Bunko 466,
Kadokawa Shoten xuất bản, Tokyo, 1979. Bản in lần thứ 19 (1992).
2)    Tanabe Seiko, Taketori Monogatari, Ise Monogatari (Gendaigo yaku). Iwanami Gendai Bunko 980, 2014.
3)     Haris, H.J., The Tales of Ise, Tuttle Publishing Co, Tokyo, 1972.
4)    Renondeau, G., Contes d’Ise, Gallimard / Unesco, Paris, 1969.


* Nguyễn Nam Trân :
Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com