Thursday, 9 August 2018

Herta Muller - Nữ Văn Hào Romania - Nobel Văn Chương 2009 - Biên Khảo , Phạm Văn Tuấn

Herta Muller (1953- ) là nhà văn viết tiểu thuyết, nhà thơ, nhà văn viết bình luận (essayist) người Romania, gốc Đức, và cũng là Nữ Văn Hào lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2009.
Từ đầu thập niên 1990, nhà văn nữ Herta Muller đã nổi tiếng trên văn đàn thế giới và các tác phẩm của bà đã được chuyển dịch sang hơn 20 ngôn ngữ. Các tác phẩm văn chương của Herta Muller trở nên danh tiếng vì đã mô tả các ảnh hưởng của bạo lực, sự tàn ác và các cách khủng bố trong đất nước Cộng Sản Romania dưới thời kỳ cai trị tàn bạo của chế độ Nicolae Ceausescu, đây là quê hương mà bà đã từng trải qua các kinh nghiệm đau thương.
Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc bài biên khảo của Phạm Văn Tuấn về nữ văn hào Herta Muller, người được xem là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bằng hận thù, nơi này con người bị đối xử một cách tàn ác, mọi người trở nên vô cảm trước các nghi lễ và đạo đức, cá tính bị tiêu diệt, con người bị coi rẻ như nô lệ, mọi thứ đều do Đảng và Nhà Nước quyết định, tương tự như đảng csVN đang áp đặt lên đồng bào và quê hương Việt Nam của chúng ta.


Herta Muller (1953- ) là nhà văn viết tiểu thuyết, nhà thơ, nhà văn viết bình luận (essayist) và cũng là Nữ Văn Hào lãnh Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2009.

Từ đầu thập niên 1990, nhà văn nữ Herta Muller đã nổi tiếng trên văn đàn thế giới và các tác phẩm của bà đã được chuyển dịch sang hơn 20 ngôn ngữ. Các tác phẩm văn chương của Herta Muller trở nên danh tiếng vì đã mô tả các ảnh hưởng của bạo lực, sự tàn ác và các cách khủng bố trong đất nước Cộng Sản Romania dưới thời kỳ cai trị tàn bạo của chế độ Nicolae Ceausescu, đây là quê hương mà bà đã từng trải qua các kinh nghiệm đau thương.

Nhiều tác phẩm của bà Herta Muller đã kể lại toàn cảnh xã hội từ quan điểm của sắc dân thiểu số Đức sinh sống tại hai địa phương Banat và Transylvania. Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2009 được rất nhiều độc giả ca ngợi có tên là "Thiên thần đói khát" (The Hunger Angel = Atemschaukel) đã mô tả cảnh trục xuất sắc dân Đức thiểu số trong nước Romania tới các "Quần Đảo Ngục Tù" của Stalin trong thời gian quân đội Liên Xô chiếm đóng xứ Romania và người Nga đã dùng những người gốc Đức này làm lực lượng lao động cưỡng bách.

Nhà văn nữ Herta Muller đã nhận được hơn 20 Giải Thưởng, gồm có: Giải Thưởng Kleist năm 1994 (the Kleist Prize), Phần Thưởng Văn Chương Quốc Tế IMPAC Dublin năm 1998 (the International IMPAC Dublin Literary Award), Phần Thưởng Nhân Quyền Franz Werfel năm 2009 (the Franz Werfel Human Right Award)…

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2009, Hàn Lâm Viện Thụy Điển (the Swedish Academy) đã công bố rằng nhà văn nữ Herta Muller được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương và đã mô tả bà Muller là một phụ nữ "với cách tập trung thơ phú và lời văn xuôi thẳng thắn, đã mô tả toàn cảnh của những người bị chiếm đoạt" (who, with the concentration of poetry and the frankness of prose, depicts the landscape of the dispossessed).

1/ Các năm niên thiếu.

Herta Muller sinh ra đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1953 trong làng Nitchidorf (tiếng Đức là Nitzkydorf), hạt Timis trong khu vực Banat ở miền tây của nước Romania với tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức. Gia đình Muller này thuộc về sắc dân thiểu số Đức với ông nội của Herta Muller là một nhà buôn và nhà nông giàu có, có tài sản bị chế độ Cộng Sản tịch thu. Cha của bà Muller là một quân nhân trong đội quân SS của Đức Quốc Xã trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, rồi về sau kiếm sống bằng nghề tài xế trong xứ cộng sản Romania.

Vào năm 1945, mẹ của Herta Muller khi đó mới 17 tuổi, đã bị trục xuất cùng với 100,000 người Đức thiểu số khác, tới các trại lao động cải tạo của Stalin nằm bên trong Liên Bang Xô Viết rồi sau đó, bà mẹ này được thả ra vào năm 1950.

Tiếng mẹ đẻ của Herta Muller là tiếng Đức nhưng cô Herta đã học tiếng Romania tại trường trung học rồi khi lên Đại Học Timisoara, Herta Muller theo học môn Ngôn Ngữ Đức và Văn Chương Romania. Tới năm 1976, cô Herta làm công việc dịch thuật (a translator) trong một cơ xưởng kỹ nghệ nhưng qua năm 1979, cô bị sa thải khỏi nhà máy vì từ chối cộng tác làm tình báo viên cho cơ quan Mật Vụ Securitate của chế độ Cộng Sản Romania. Sau khi bị sa thải, cô Herta kiếm sống bằng nghề dạy các học trò tiểu học và dạy tư tiếng Đức.

2/ Theo nghiệp Văn Chương.

Cuốn truyện đầu tiên của Herta Muller có tên là "Các Nơi Thấp Nhất" (Nadirs = Niederungen) được phổ biến bằng tiếng Đức trong nước Romania vào năm 1982. Đây là ấn bản đã bị nhà nước kiểm duyệt, nhưng ấn bản đầy đủ được phát hành tại Tây Đức mới thực sự gây ra sôi động trong dư luận. Cuốn truyện này mô tả đời sống của những người Swabians sinh sống trong khu vực Banat với các cảnh sống bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ, sự tuyệt vọng, sự tham nhũng, cảnh nghèo đói và bạo lực. Nhiều người trong cộng đồng Banat Swabian đã chỉ trích Herta Muller vì cách mô tả thiếu thiện cảm đời sống của dân làng Banat.

Herta Muller đã là một hội viên của Nhóm Aktionsgruppe Banat, là nhóm các nhà văn viết tiếng Đức tại Romania, họ ủng hộ và cổ võ nền tự do ngôn luận, chống đối chế độ kiểm duyệt của chính quyền cộng sản Nicolae Ceausescu. Nhóm Aktionsgruppe Banat này đã bị cơ quan mật vụ Securitate giải thể.

Một tác phẩm khác đề cập tới vấn đề này, đó là cuốn truyện "Miền Đất của những Trái Mận Xanh" (The Land of Green Plums). Khi bà Herta Muller viết ra hai tác phẩm kể trên, bà đã bị cơ quan Mật Vụ Securitate sách nhiễu rồi sau đó, bà Muller đã xác nhận sự việc này trong một bài viết đăng trên tạp chí hàng tuần Die Zeit vào tháng 7 năm 2009.

Năm 1985, Herta Muller bị từ chối, không được phép di cư sang Tây Đức nhưng rồi hai năm sau, 1987, bà Muller cùng người chồng là nhà văn Richard Wagner được chính quyền Romania cho phép ra đi, sang thành phố Tây Berlin, tại nơi này, bà Muller nhận chức vụ giảng dạy ngôn ngữ Đức tại các đại học và tại các nước ngoài.

Bà Herta Muller được bầu làm hội viên của Hàn Lâm Viện Ngôn Ngữ và Thơ Ca Đức (the Deutch Akademie fur Sprach und Dictung) vào năm 1995, sau đó là các danh dự khác.

Nhà văn nữ Herta Muller đã nhận được hơn 20 Giải Thưởng, gồm có: Giải Thưởng Kleist năm 1994 (the Kleist Prize), Phần Thưởng Văn Chương Quốc Tế IMPAC Dublin năm 1998 (the International IMPAC Dublin Literary Award) trị giá 100,000 euro (tương đương với 85,000 bảng Anh), Phần Thưởng Nhân Quyền Franz Werfel năm 2009 (the Franz Werfel Human Right Award)…

Năm 1997, bà Herta Muller rút tên ra khỏi Trung Tâm Văn Bút Đức (the PEN Centre of Germany) để phản đối sự sát nhập của trung tâm này với trung tâm cũ của Đông Đức bởi vì đã có nhiều nhà văn Đông Đức đã làm mật báo viên cho cơ quan an ninh Stasi của Cộng Sản Đông Đức và những nhà văn kể trên chưa được bạch hóa trước công luận.

Nhà văn Herta Muller cho xuất bản tác phẩm "Sổ Thông Hành" (the Passport) trong đó tác giả đã dùng kỹ thuật ý nghĩa đặt sai chỗ (a strategy of displaced meaning) theo đó Nicolae Ceausescu không bao giờ được nói tới, nhưng nhà độc tài này vẫn là trung tâm của câu chuyện mà người đọc không bao giờ có thể quên được.



Vào năm 2009, Herta Muller đã thành công một cách lớn lao trên văn đàn quốc tế do cuốn tiểu thuyết "Thiên Thần Đói Khát" (the Hunger Angel = Atemschaukel), tác phẩm này được đề nghị dự tranh Giải Thưởng Sách Tiếng Đức (the German Book Prize = die Deutcher Buchpreis) và đã đoạt được Phần Thưởng Nhân Quyền Franz Werfel (the Franz Werfel Human Rights Award). Trong tác phẩm này, Herta Muller đã mô tả cuộc hành trình của một người trẻ bị đẩy vào "Quần Đảo Ngục Tù" bên trong nước Liên Xô, với các điều kiện sống kinh hoàng, cũng như số phận bị đầy ải khổ cực của nhiều người Đức trong miền Transylvania sau Thế Chiến Thứ Hai.

Sở dĩ Herta Muller viết ra được tác phẩm này bởi vì bà đã phỏng vấn nhà thơ Oskar Pastior, ông này đã kể lại quá khứ đau thương của mình khi bị bắt buộc làm lao động khổ sai tại Donets Basin, Liên Xô, và bà Herta Muller cũng dùng các kinh nghiệm sống còn của chính bà mẹ của tác giả. Qua các cuốn tiểu thuyết, các bài bình luận và các tập thơ, nhà văn Herta Muller luôn luôn đề cập tới các cảnh đàn áp, các cách khủng bố của chế độ độc tài cộng sản và sự lưu vong của chính mình.

Vào tháng 10 năm 2009, Hàn Lâm Viện Thụy Điển cũng trao Giải Thưởng Nobel Văn Chương cho nhà văn nữ Herta Muller bởi vì tác giả đã mô tả một cách thẳng thắn hoàn cảnh của những người dân bị chiếm đoạt đất đai và tài sản, rồi bị tống khứ đi các trại lao động cải tạo. Bà Herta Muller là phụ nữ thứ 12 đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương trong 108 năm phát giải, và bà đã nhận được số tiền thưởng là 10 triệu đồng kronors Thụy Điển, tương đương với 893,000 bảng Anh.


Ông Peter Englung, Thư Ký Thường Trực của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, đã ca ngợi nhà văn nữ Herta Muller về cách dùng các từ cực kỳ chính xác (extreme precision of words) do bởi bà Muller đã sinh sống trong một chế độ độc tài, tại nơi này ngôn ngữ đã bị dùng sai và đã bị lạm dụng (abused). Ông Englung cũng khuyên các độc giả chưa quen với tác giả Herta Muller nên đọc cuốn tiểu thuyết "Mảnh Đất của các Trái Mận Xanh" (the Land of Green Plums = Herztier) bởi vì nhiều người coi đây là tác phẩm hay nhất của nhà văn Herta Muller.  

Hàn Lâm Viện Thụy Điển cũng so sánh sự tương đương trong thể văn của Herta Muller với thể văn của Franz Kafka và ảnh hưởng của Kafka trong các tác phẩm của Herta Muller. Giải Thưởng Nobel Văn Chương này trùng hợp với ngày kỷ niệm 20 năm sụp đổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản, và ông Michael Kruger, giám đốc của nhà xuất bản các tác phẩm của Herta Muller đã cho biết: "Do tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương cho Herta Muller, Ủy Ban đã nhận ra một tác giả đã không để cho độc giả quên lãng bộ mặt bất nhân (inhuman side) trong đời sống dưới chế độ Cộng Sản".

Năm 2012, khi nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan) của Trung Cộng được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương, bà Herta Muller đã bình luận rằng Hàn Lâm Viện Thụy Điển rõ ràng đã lựa chọn một tác giả cổ võ cho sự kiểm duyệt.

3/ Nhận xét về Nữ Văn Hào Herta Muller.

Herta Muller đã không cho biết các nhân vật hay các quyển sách đặc biệt nào đã ảnh hưởng đến văn nghiệp của bà, nhưng bà Muller lại xác nhận sự quan trọng của ngôn ngữ khi theo học các nền văn chương Đức và Romania, bởi vì có khi với cùng một từ, ý nghĩa lại thuộc về hai thế giới khác nhau.


 Herta Muller là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bằng hận thù, nơi này con người bị đối xử một cách tàn ác, mọi người trở nên vô cảm trước các nghi lễ và đạo đức, cá tính bị tiêu diệt, con người bị coi rẻ như nô lệ, mọi thứ đều do Đảng và Nhà Nước quyết định.
Các tác phẩm của bà Herta Muller bị ảnh hưởng của nhiều kinh nghiệm của người chồng cũ là ông Richard Wagner, một nhà văn viết tiểu thuyết kiêm viết bình luận. Cả hai người này cùng trưởng thành trong nhóm sắc dân thiểu số Banat Swabian, cùng theo học văn chương Đức và Romania tại Đại Học Timisoara, cùng là giáo sư dạy tiếng Đức và cùng ở trong Nhóm Aktionsgruppe Banat, đây là một hội văn chương tranh đấu cho nền tự do ngôn luận.

Do ở trong nhóm tranh đấu kể trên, Herta Muller đã có đủ can đảm để viết một cách thẳng thắn mặc dù các đe dọa và các cách sách nhiễu của bọn Mật Vụ Romania. Các tác phẩm của Herta Muller đều thuộc loại giả tưởng nhưng được viết ra do các kinh nghiệm thực sự và được căn cứ vào các người thực sự bởi vì tác giả Herta Muller là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bằng hận thù, nơi này con người bị đối xử một cách tàn ác, mọi người trở nên vô cảm trước các nghi lễ và đạo đức, cá tính bị tiêu diệt, con người bị coi rẻ như nô lệ, mọi thứ đều do Đảng và Nhà Nước quyết định.

Herta Muller đã mang lại cho độc giả những kinh nghiệm chính trị quan trọng khi chủ nghĩa Cộng Sản vẫn còn tồn tại nhưng các tác phẩm của bà đã không bị chính trị hóa. Bà Herta Muller đã nói lên các bằng chứng, các kinh nghiệm của thế giới độc tài và tàn bạo của Nicolae Ceausescu, nơi chính bà đã được sinh ra và trưởng thành. Trước những người sinh sống trong chế độ đàn áp và tàn ác này, họ chỉ biết cúi đầu khuất phục thì tác giả Herta Muller đã phê phán, lên án chủ nghĩa đó với ý thức trách nhiệm và nhân bản.

Khi được nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza hỏi ý kiến về cái chết của vợ chồng nhà độc tài Nicolae Ceausescu trong cuộc cách mạng năm 1989, bà Herta Muller đã nói: “Tôi đã nhìn thấy trên TV và tôi đã khóc. Cuộc xử bắn thật đau lòng nhưng họ xứng đáng với kết cục đó, suốt 20 năm sinh sống trong chế độ của Ceausescu, lúc nào tôi cũng thầm mong cho họ chết đi. Tôi nói vậy, nhưng tôi không ủng hộ án tử hình”.

Cuốn tiểu thuyết "Mảnh Đất của các Trái Mận Xanh" (the Land of Green Plums) xuất bản năm 1996, được sáng tác sau cái chết của hai người bạn mà bà Herta Muller nghi ngờ rằng cái chết này do bởi bọn Mật Vụ và một trong các nhân vật của cuốn truyện được căn cứ vào một người bạn thân trong Nhóm Actionsgruppe Banat. Bà Herta Muller đã nói cuốn tiểu thuyết này được viết ra để “tưởng nhớ các người bạn Romania của tôi đã bị giết chết bởi chế độ Ceausescu”.

Truyện “Mảnh Đất của các Trái Mận Xanh” mô tả bốn người trẻ tuổi sinh sống trong chế độ cảnh sát toàn trị của xứ sở cộng sản Romania và người kể chuyện là một thiếu nữ trẻ không cho biết tên, thuộc về sắc tộc thiểu số Đức. Nhân vật đầu tiên được giới thiệu với độc giả là cô gái tên là Lola, cô này ở cùng phòng với 5 cô gái khác, kể cả người kể truyện, trong nhà lưu trú của trường đại học. Lola ghi lại các kinh nghiệm trong một cuốn nhật ký, nói về các cố gắng của cô muốn vượt thoát ra khỏi cảnh sống độc tài của trường học và xã hội. Cô Lola đã từng làm tình với các người đàn ông trở về từ nhà máy, luyến ái với thầy dạy thể dục và đã tham gia đảng Cộng Sản. Phần đầu câu chuyện chấm dứt khi người ta tìm thấy cô Lola bị treo cổ và cô ta đã để lại cuốn nhật ký trong va li của người kể chuyện.

Người kể chuyện sau đó kể về cuốn nhật ký với ba người bạn trai tên là Edgar, Georg và Kurt, các chàng thanh niên này đều mang tinh thần nổi loạn như cất giữ các sách tiếng Đức bị cấm đọc, hát các bài hát bị cấm hát, chụp hình các xe sơn đen chuyên chở tù nhân tới các công trường. Cả bốn người kể trên đã bị tên đại úy an ninh Securitate tên là Pjele theo dõi. Đồ đạc của họ bị lục soát, thư của họ bị mở ra đọc. Họ thảo luận phương cách trốn ra khỏi nước. Georg là người đầu tiên làm công việc này. Sau khi qua được nước Đức, Georg đã tự tử bằng cách nhẩy qua cửa sổ của một khách sạn ở Frankfurt. Người kể chuyện và Edgar nhận được thông hành qua nước Đức nhưng vẫn bị đe dọa, còn Kurt ở lại Romania nhưng về sau bị chết vì treo cổ.

Cuốn tiểu thuyết kể trên được tác giả Herta Muller viết ra để mô tả sự sợ hãi, nỗi cô đơn, sự bỏ rơi bởi vì mọi công dân của nước Romania đều sinh sống trong hoàn cảnh sợ hãi thường xuyên gây ra bởi bọn mật vụ (the secret police) hay cơ quan Công An Securitate. Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả Herta Muller đã nói rằng sự sợ hãi trong cuốn tiểu thuyết là lời tự thuật. Tác giả cũng đã dùng cách ẩn dụ bằng hình ảnh của các trái mận xanh. Từ xưa, các bà mẹ thường khuyên các con không nên ăn các trái xanh, chưa chín, bởi vì các trái này “độc”. Cuốn truyện thường mô tả các sĩ quan Công An ăn các trái mận xanh, tương tự như các cách hành hạ con người không thương tiếc của chế độ tàn bạo Nicolae Ceausescu.

Cuốn tiểu thuyết “Nơi Hẹn” (The Appointment = Heute war ich mir lieber nicht begegnet) mô tả những cách làm nhục do các người cộng sản Romania, kể lại do một thiếu nữ làm công nhân của nhà máy vải sợi, cô này bị mật vụ cộng sản tố cáo là đã may các lời nhắn vào trong các bộ áo vét đàn ông, yêu cầu người nhận được lời nhắn cưới cô để giúp cô thoát ra khỏi xứ sở.

Cuốn tiểu thuyết “Thiên Thần Đói Khát” là cuốn truyện dày 304 trang, được Philip Boehm dịch sang tiếng Anh là “The Hunger Angel = Thiên Thần Đói Khát” với tên tiếng Đức là Atemschaukel, xuất bản năm 2009. Do dịch thuật cuốn truyện này, ông Philip Boehm được trao tặng Giải Thưởng Sách Dịch Hay Nhất (the Best Translated Book Ward, 2013) và Phần Thưởng Oxford-Weidenfeld (the Oxford-Weidenfeld Translation Prize, 2013).

Truyện “Thiên Thần Đói Khát” thuật lại chàng thanh niên Leo Auberg là người Romania gốc Đức, được 17 tuổi khi Đức Quốc Xã bắt đầu thua trận, bỗng một hôm bị quân đội Xô Viết bắt giữ rồi bị tống lên một toa xe lửa cùng với hàng chục thanh niên Romania gốc Đức khác. Họ bị chuyển chở tới nước Nga để làm việc lao động trong kỹ nghệ mỏ than. Từ tháng 1 năm 1945 tới đầu năm 1950, Leo Auberg phải làm việc cực nhọc từ trước khi mặt trời mọc cho tới sau khi tối trời, phải xúc than, chuyên chở bê tông, vác gạch… công việc quá nặng nhọc mà lại không đủ ăn, chàng ta cảm thấy luôn luôn có một ông thần “đói khát” tìm kiếm cơ hội để kéo chàng về cõi chết âm u. Leo đã viết: "không lời nào đủ để mô tả sự khốn khổ gây ra bởi cơn đói." Nội dung cuốn truyện là sự mô tả các cách hành hạ các người Đức thiểu số tại Romania bởi chế độ Stalin-nít, họ bị lực lượng chiếm đóng Xô Viết đầy đi làm lao động khổ sai từ năm 1945 tới các năm về sau.

4/ Các tác phẩm văn xuôi của Nữ Văn Hào Herta Muller.


  • Các Nơi Thấp Nhất (Nadirs = Niederungen), truyện ngắn, ấn bản bị kiểm duyệt xuất bản năm 1982 tại Bucharest, ấn bản không kiểm duyệt xuất bản tại nước Đức năm 1984, phổ biến bằng tiếng Anh với tên là Nadirs năm 1999 do nhà x.b. the University Press of Nebraska Press.
  • Tango Ngột Ngạt (Oppressive Tango = Druckender Tango), truyện dài, Bucharest, 1984.
  • Sổ Thông Hành (The Passport = Der Mensch ist ein grosser Fasan auf der Welt), Berlin, 1986, xuất bản bằng tiếng Anh với tên là Passport, Serpent’s Tail, 1989.
  • Chân Đất Tháng Hai (Barefoot February = Barfussiger Februar), Berlin, 1987.
  • Du Lịch bằng Một Chân (Traveling on One Leg = Reisende auf einem Bein), Berlin, 1989, xuất  bản bằng tiếng Anh với tên là Traveling on One Leg, Hydra Books, Northwestern University Press, 1998.
  • Con Quỷ đang ngồi trong tấm gương (The Devil is sitting in the Mirror = Der Teufel sitzt im Spiegel), Berlin, 1991.
  • Con Chó Sói cũng là Người Thợ Săn (Even back then, the Fox was the Hunter = Der Fuchs war damals schon der Jager), Hamburg, 1992.
  • Củ Khoai ấm là một cái Giường ấm (A Warm Potato is a Warm Bed = Eine warme Kartoffel ist ein warmes Bett), Hamburg, 1992.
  • Người Gác lấy cái Lược (The Guard takes His Comb = Der Wachter nimmt seinen Kamm), Hamburg, 1993.
  • Tới như thể không ở đó (Arrived As If Not There = Angekommen wie nicht da), Lichtenfels, 1994.
  • Mảnh Đất của các Trái Mận Xanh (The Land of Green Plums = Herztier), Hamburg, 1994, phổ biến theo bản dịch tiếng Anh do Michael Hofmann thành The Land of Green Plums, New York, 1996.
  • Trong cái Bẫy (In a Trap = In der Falle), Gottingen, 1996.
  • Nơi Hẹn (The Appointment = Heute war ich mir lieber nicht begegnet), Hamburg, 1997, xuất bản theo tiếng Anh là The Appointment, N.Y./ London, 2001.
  • Thiên Thần Đói Khát (The Hunger Angel = Atemschaukel), Munich, 2009, Metropolitan Books, 2012.

5/ Các Phần Thưởng.

1981  Phần Thưởng Adam-Muller Guttenbrum của The Temeswar Literature Circle.
1984  Phần Thưởng Văn Chương Aspekte.
1985  Phần Thưởng Văn Chương Rauris.
1985  Phần Thưởng Văn Chương Khuyến Khích Bremen.
1987  Phần Thưởng Ricarda-Huch của Darmstadt.
1989  Phần Thưởng Marieluise-Fleisser của Ingolstadt.
1989  Phần Thưởng Ngôn Ngữ Đức.
1990  Huy Chương Roswitha của Bad Gandersheim.
1991  Phần Thưởng Văn Chương Kranichsteiner.
1993  Phần Thưởng Đặc Biệt về Văn Chương.
1994  Phần Thưởng Kleist
1995  Phần Thưởng Aristeion.
1997  Phần Thưởng Văn Chương của Graz.
1998  Phần Thưởng Văn Chương Ida-Dehmel và Giải Thưởng Văn Chương Quốc Tế IMPAC Dublin vì tác phẩm Mảnh Đất của các Trái Mận Xanh.
2001  Phần Thưởng Cicero.
2002  Huy Chương Carl-Zuckmayer.
2003  Phần Thưởng Joseph-Breitbach (cùng với Christoph Meckel và Harald Weinrich).
2004  Phần Thưởng của Konrad-Adenauer-Stiftung.
2005  Phần Thưởng Văn Chương Berlin.
2006  Phần Thưởng Wurth và Phần Thưởng Văn Chương Walter-Hasenclever.
2009  Giải Thưởng Nobel Văn Chương.
2009  Phần Thưởng Nhân Quyền Franz Werfel.
2010  Phần Thưởng Hoffmann von Fallersleben.
2013  Phần Thưởng Sách Dịch Hạng Nhất (Best Translated Book Award) vì cuốn truyện Thiên Thần Đói Khát = The Hunger Angel.

6/ Sơ lược về Lịch Sử của nước Romania sau Thế Chiến Thứ Hai.

Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu tại châu Âu vào tháng 9 năm 1939. Vào tháng 6 năm 1940, Đức Quốc Xã thắng các nước Đồng Minh, nên đã để cho nước Hungary chiếm phần đất Transylvania phía bắc của nước Romania, Liên Xô lấy phần phía đông bắc còn nước Bulgaria chiếm phần phía đông nam. Khi quân đội Đức chiếm đóng xứ Romania thì nước này tham gia vào cuộc chiến theo phía người Đức.

Vào tháng 8 năm 1944, khi phe Đức Quốc Xã thất bại, xứ Romania lại theo phe Đồng Minh. Khi Thế Chiến chấm dứt vào năm 1945, phe Đồng Minh đã lấy miền đất Transylvania phía bắc trao lại cho xứ Romania trong khi Liên Xô và Bulgaria vẫn còn chiếm giữ các phần đất của Romania.

Vì Liên Xô chiến đấu chống Đức Quốc Xã cùng với các nước Đồng Minh tây phương nên vào năm 1944, Liên Xô đã chiếm nước Romania, biến xứ sở này thành một vệ tinh của Liên Xô (a Soviet satellite).

Trong thập niên 1950, người dân Romania đã phẫn uất trước sự can thiệp của Liên Xô vào nội bộ của xứ Romania. Đầu thập niên 1960, lãnh tụ Cộng Sản là Gheorghe Gheorghiu-Dej bắt đầu chống đối công khai người Nga Sô. Gheorghiu-Dej qua đời vào năm 1965, Nicolae Ceausescu kế tục làm Bí Thư Đảng, cũng tiếp tục chống đối.

Nicolae Ceausescu (1918 – 1989) cai trị xứ Romania từ năm 1965 tới năm 1989, là người đứng đầu đảng Cộng Sản rồi tới năm 1968, ông ta cũng là Chủ Tịch Nhà Nước. Ông Ceausescu là nhà độc tài, đã kiểm soát rất chặt chẽ đời sống của người dân, đã đặt ra các chương trình kinh tế thất bại khiến cho các hàng hóa tiêu dùng bị khan hiếm trầm trọng, đời sống của người dân rất lầm than. Ngoài ra, ông Ceausescu đã dùng quyền lực một cách bất hợp pháp để thu gom tài sản cho riêng mình và xếp đặt các người nhà vào các chức vụ cao cấp của chính quyền.

Vào năm 1989, ông Ceausescu khước từ đi theo các cải tổ dân chủ giống như các nước cộng sản châu Âu nên hàng ngàn người Romania đã đứng lên phản đối đường lối cai trị độc tài của ông ta. Do đàn áp các cuộc biểu tình, lực lượng an ninh đã bắn chết hàng ngàn người. Sau đó, quân đội cách mạng đã lật đổ chính quyền đàn áp này và ông Nicolae Ceausescu cùng với bà vợ Elena đã bị xử bắn vào ngày 25 tháng 12 năm 1989, sau khi chính quyền mới kết tội hai vợ chồng này vì nhiều vụ sát nhân và tham nhũng.


Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, các bài báo ngoại quốc trên Internet.

https://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/2009/muller-facts.html


https://en.wikipedia.org/wiki/Herta_M%C3%BCller