Thursday 30 August 2018

Tin Tức về Biển Đông Mấy Ngày Qua - Nguyễn Thứ Dân

Biển Đông (Thái Bình Dương), kể từ khi Tập Cận Bình với giấc mơ khôi phục bá quyền của một thời Đại Hán xa xưa đã khiến cho biển Thái Bình Dương không còn yên bình như tên gọi.
Biển Đông dậy sóng, ngòi thuốc nổ của Đông Nam Á, vùng tranh chấp chủ quyền là những tựa đề nóng bỏng thường xuyên được dùng để nói về tình hình an ninh của khu vực một thời hiền hòa này.
Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc bài tổng hợp tin tức về Biển Đông do Nguyễn Thứ Dân biên soạn để thấy rằng tình hình an ninh ở vùng Biển Đông vẫn đang có những "cơn sóng ngầm" rất nguy hiểm cho an ninh của vùng biển này cũng như toàn thế giới.


Việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như việc quân sự hóa các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn tiếp tục. Dưới đây là tổng hợp những tin tức trong tuần qua.

Việt Nam

Nhà cầm quyền csVN đã lên tiếng khiếu nại về một sản phẩm quả địa cầu bằng nhựa của Ukraine cho thấy tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam là lãnh thổ Trung cộng (TC). Quảng Ninh là một thành phố ráp ranh biên giới Việt Nam - Trung Cộng và nổi tiếng trên thế giới về Vịnh Hạ Long. Công ty bán sản phẩm này của Ukraine cho biết họ đã mua những quả địa cầu này từ một hãng sản xuất của TC ở Kharkov, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine. Sau thư khiếu nại của VN gửi đến Bộ Ngoại Giao của Ukraine, việc bán các quả địa cầu bằng nhựa nói trên đã bị ngưng.

Tháng Năm vừa qua một số du khách TC mặc áo thun có hình đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) đã gây làn sóng tức giận của người Việt Nam trong nước và những du khách này đã bị nhân viên của phi trường yêu cầu thay những chiếc áo thun đó để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.

Đài Loan

Tuần qua, mặc dù đã được thông báo trước về cuộc tập trận bắn đạn thật của lực lượng tuần duyên (coast guard) của Đài Loan ở đảo Thái Bình (tên quốc tế là Itu Aba), thuộc quần đảo Trường Sa, cuộc tập trận này đã bị các quốc gia trong vùng lên tiếng phản đối.

Đảo Thái Bình (Itu Aba) vẫn là một trong những hòn đảo đang có sự tranh chấp chủ quyền của TC, Phi và VN. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao VN đã tuyên bố rằng cuộc tập trận của Đài Loan đã vi phạm chủ quyền của VN và là một mối đe dọa cho an ninh hàng không và hàng hải trong khu vực. Chính phủ Đài Loan đã phản bác lời tuyên bố này và cho biết rằng đây là cuộc tập trận hàng năm của lực lượng tuần duyên Đài Loan và không gây nguy hiểm gì cho việc vận chuyển của tàu bè trong vùng.

Phát ngôn viên của chính phủ Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối cuộc tập trận này và cho rằng đây là một hành động "rất vô ích" cũng như không giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực, nơi tình hình đã quá căng thẳng.

Phi

Trong báo cáo thường niên năm 2018 với Quốc Hội về phát triển quân sự và an ninh liên quan đến TC, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết TC có kế hoạch sử dụng các nhà máy điện hạt nhân nổi để cung cấp năng lượng cho các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa mà họ đang chiếm giữ, và như thế có thể thêm yếu tố vũ khí hạt nhân vào việc tranh chấp lãnh thổ trong vùng.

Phát ngôn viên của chính phủ Phi, Harry Roque, đã lên tiếng "chính phủ Phi lo ngại về việc bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được đem vào lãnh thổ Phi vì ​​hiến pháp của Phi đã khẳng định quốc gia chúng tôi là một khu vực phi hạt nhân."

Mã Lai

Tân chính phủ Mã Lai do thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo đã tỏ ra cứng rắn trong việc chống lại sự xâm lăng kinh tế của TC vào Mã Lai. Gần đây, chính phủ Mã Lai đã đình chỉ một loạt các dự án xây dựng trị giá hàng tỷ đô la được tài trợ bởi tiền vay của TC, gây cản trở cho mộng xây dựng "Một Vành Đai, Một Con Đường" ​​của Xi Jinping (Tập Cận Bình). Các dự án bị đình chỉ bao gồm một liên kết đường sắt East Coast Rail Link trị giá 20 tỷ USD và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 2,3 tỷ USD.

Mã Lai là một trong những quốc gia liên hệ với việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Nhật Bản

Trong tuần qua Nhật Bản đã đưa chiếc Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) lớn nhất JS Kaga thuộc loại Izumo để đi tuần trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong hai tháng. Sau Thế Chiến Thứ Nhì, hiến pháp của Nhật Bản chỉ cho phép Hải Quân kiến tạo HKMH chuyên chở trực thăng mà thôi. HKMH loại Izumo có thể chở theo 28 trực thăng loại thường hoặc 14 loại lớn. Năm 2010 loại HKMH này được tân trang để có thể chuyên chở các loại phản lực cơ chiến đấu có phi đạo cất cánh ngắn và đáp xuống thẳng đứng như Bell-Boeing V-22 Osprey và Lockheed Martin F-35 Lightning II. Gần đây Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết, trong tương lai, Nhật có thể sẽ chế tạo trở lại các HKMH chuyên chở phản lực cơ chiến đấu tương tự như các HKMH của thế giới tự do.

Trung Cộng

Tuần qua TC tuyên bố đã hoàn tất việc thử nghiệm Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) loại 001A được chế tạo tại nội địa và sẵn sàng hoạt động trên Biển Đông.

Được biết chiếc HKMH "made in China" này đã được hạ thủy từ tháng Tư vừa qua và chưa được đặt tên. Chiếc HKMH này được chế tạo rập khuôn chiếc Liaoning đã mua lại của Ukraine từ năm 1998. Chiếc HKMH này có trọng lượng 65,000 tấn, vận chuyển bằng nhiên liệu xăng dầu thông thường, không thể so sánh với HKMH loại Nimitz của Hoa Kỳ. Hải Quân Hoa Kỳ hiện có 10 HKMH loại Nimitz, mỗi chiếc có trọng lượng 100,000 tấn và vận chuyển bằng hai lò năng lượng hạt nhân.


Nguyễn Thứ Dân