Pcham Chi Dung žije vo vietnamskom Sajgone. Zdroj – Facebook/Pcham Chi Dung
Dennik N 8/8/2018
Người dịch: David Nguyễn
(Slovakia)
Ở đây họ đã cấm viết về vụ bắt cóc, nhưng chuyện liên quan tới ông Kaliňák cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Không có nhiều quốc gia, kể cả những nước thuộc khối XHCN cũ, sẵn sàng tiếp tay cho Việt Nam chuyện bắt cóc. Phạm Chí Dũng, nhà báo cộng tác với BBC hay Đài phát thanh châu Á Tự do chia sẻ:
“Tôi rất ngạc nhiên khi được biết, rằng Slovakia dính líu vào vụ bắt cóc.” Nhà báo độc lập hiện đang theo dõi rất sát vụ việc mà ban đầu chỉ cho là lòng hiếu khách của Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng này.
Bản thân ông đã từng có kinh nghiệm với với sự tàn bạo của mật vụ và công an Việt Nam, ông bị theo dõi nhiều năm và có lần ông bị đưa đi hỏi cung ngay từ nhà trẻ khi đưa đón con trai của mình.
Tuyệt đối không có một tin tức nào trên hơn 800 tờ báo nhà nước ở Vietnam về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và những nghi ngờ về việc chính phủ Slovakia hỗ trợ Bộ Công an Vietnam để trung chuyển Trịnh Xuân Thanh từ Slovakia qua không phận Ba Lan đến Moscow.
Theo tôi biết, đảng cộng sản Vietnam đã chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo trung ương cấm các báo nhà nước đăng tải bất kỳ tin tức nào về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, mà chỉ được đưa tin và viết bài theo định hướng của đảng cộng sản qua hai vụ án mà Thanh đã bị hai án chung thân.
Còn truyền thông phi nhà nước thì sao?
Những tin tức hiếm hoi về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh liên quan đến Slovakia chỉ đến từ những tờ báo của Đức như Taz trước đây, Frankfurter Allgemeine Zeitung và báo Dennik N của Slovakia gần đây, được dịch lại bởi trang Thoibao.de của người Việt ở Đức, cùng một số đài quốc tế như VOA, BBC, RFA… và được đăng lại trên một số trang mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó có trang Vietnamthoibao.org của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Những tin tức này chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội ở Việt Nam từ tháng Năm năm 2018 đến nay.
Theo ông nghĩa là thế nào khi Slovakia tiếp tay cho Việt Nam bắt cóc? Ông có cho rằng cả các nước châu Âu khác cũng sẽ hành động như vậy?
Tôi thực sự bất ngờ và thất vọng khi được biết là cựu bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák có tham gia vào vụ bắt cóc (các nhân chứng đã kể với Denník N, rằng Slovakia và Robert Kaliňák đã hỗ trợ bằng cách cho mượn chuyên cơ của chính phủ và đưa người bảo vệ, tạm thời vai trò của Robert Kaliňák chưa được xác định rõ – chú thích của BBT.Mmauf đỏ).
Trước đây tôi đã không tin những chuyện như vậy. Tôi chỉ cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam đã lợi dụng lòng hiếu khách của Slovakia, vì từ lâu Slovakia đã có chế độ dân chủ.
Cách giải thích chung chung khả dĩ nhất cho sự dính líu của Robert Kaliňák và cả chính phủ Slovakia, là Tiệp Khắc ngày trước cũng từng thuộc chế độ cộng sản, nơi mà chính phủ cũng tương tự như Việt Nam bây giờ là chỉ có một đảng, và những thủ đoạn của cơ quan an ninh bất chấp quyền con người như vậy không có gì lạ. Trong chừng mực nào đó cách mà công an Việt Nam điệu Trịnh Xuân Thanh về nước cũng được Robert Kaliňák ‚thông cảm‘.
Vụ Thanh thể hiện sự khác biệt lớn giữa Slovakia và Đức. Tôi không cho rằng các quốc gia châu Âu khác, kể cả những nước Đông Âu từng thuộc khối XHCN, có thể hỗ trợ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Những vụ tương tự khi Việt Nam bắt cóc công dân của mình ở nước ngoài?
Theo tôi biết, thì vụ Trịnh Xuân Thanh là đầu tiên, khi mật vụ Việt Nam bắt cóc công dân Việt Nam ở nước ngoài, mà truyền thông phương tây và quốc tế đã phát hiện được. Trước đây từng có vài tin về những cuộc bắt cóc khác, như vụ bắt Giám đốc hãng vận tải biển nhà nước Vinalines Dương Chí Dũng ở Campuchia năm 2012.
Tại sao giới lãnh đạo Việt Nam quyết định tự bôi nhọ uy tín quốc tế của mình bằng vụ bắt cóc Thanh?
Trịnh Xuân Thanh chỉ là một quan chức doanh nhân tầm trung, không phải đảng viên quan trọng và không có ý nghĩa đặc biệt nhạy cảm chính trị như giới lãnh đạo tình báo hay an ninh của quân đội và công an. Lẽ ra Thanh đã không bị bắt cóc. Tuy nhiên, sau khi đã đào tẩu sang Đức, Thanh đã viết thư trong đó chỉ trích nặng nề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một đòn đánh vào mặt ông Trọng, và vì thế Trọng phải quyết bắt bằng được để gỡ lại thể diện cá nhân ông ta và cho đảng.
Mật vụ Việt Nam đã quen với sự độc tài của đảng lãnh đạo, thường xuyên đàn áp nhân quyền, nên khi bắt cóc Thanh đã cho rằng, bắt cóc sẽ không gây hậu quả lớn về ngoại giao hay kinh tế. Họ không ngờ nổ ra khủng hoảng như vậy giữa Đức, Slovakia và Việt Nam.
Khi chuyện bắt cóc Thanh ở Đức vỡ lở, giới lãnh đạo Việt Nam một cách không chính thức cho rằng đó là chuyện nội bộ, kể cả khi bắt cóc Thanh đã gây ra khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ với Đức. Cho tới nay chính phủ Việt Nam vẫn khước từ xin lỗi Đức và không chịu cam kết là sẽ không tái phạm.
Ông nghĩ thế nào về Thanh?
Theo tôi Trịnh Xuân Thanh là quan chức nhà nước tham nhũng, hay ít ra ở ông ta có biểu hiện tham nhũng. Với Thanh lí tưởng cộng sản không quan trọng, chỉ có tiền và cuộc sống sung sướng, trái ngược với đói nghèo trong nước. Ở Việt Nam có rất nhiều quan chức như Thanh. Tôi cho rằng ở Slovakia không nhiều như thế. Nhiều người Việt Nam cho rằng cần phải bắt Thanh, cần phải kết án tù chung thân, thậm chí có người còn cho rằng hắn xứng đáng bị tử hình.
Chúng ta có thể nói rằng phiên tòa với Thanh đã chính trị hóa? Bị truy tố vì đã nằm ở phe cánh chính trị khác với phe đang cầm quyền hiện nay trong đảng?
Đúng, Trịnh Xuân Thanh thuộc một phe cánh chính trị khác với phe Nguyễn Phú Trọng nên Thanh bị xử án rất nặng nề so với những quan chức trong phe Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, không có chuyện Trịnh Xuân Thanh hay phe của Thanh do có quan điểm cấp tiến hay cải cách mà bị Nguyễn Phú Trọng tấn công. Về thực chất, những cấp trên của Thanh vào thời trước là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng chính là những quan chức bị dân chúng chỉ trích và lên án nặng nề nhất về tội tham nhũng và tài sản như núi. Chỉ thỉnh thoảng và khi bị phe Nguyễn Phú Trọng tấn công quyết liệt, những quan chức này mới mang dân chủ và cải cách ra như một thù đoạn mị dân. Tuy thế, điều đáng ngạc nhiên là thủ đoạn này có vẻ đã khiến không ít báo chí quốc tế và chuyên gia trên thế giới tin tưởng. Tôi và nhiều người đấu tranh nhân quyền đã rất ngạc nhiên khi đọc vài bài báo trên báo Đức cho rằng Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và bị xử án nặng nề là do thuộc trường phái cải cách ở Vietnam.
Phiên tòa của ông ta là công bằng?
Mặc dù chắc chắn Trịnh Xuân Thanh là một kẻ tham nhũng và đáng bị án tử hình, tôi vẫn cho rằng phiên tòa xử Thanh không hề công bằng vì Viện Kiểm sát và Tòa án đã không chứng minh được Thanh tư túi và tham nhũng. Do vậy hai án chung thân đối với Thanh là hoàn toàn khiên cưỡng và là ‘án bỏ túi’ , tức án được quyết định bởi đảng chứ không phải bởi tỏa án.
Theo ông tại sao Đức cho Thanh tị nạn?
Vào thời điểm bắt cóc và vài ngày sau đó Bộ Công an và bộ Ngoại giao Việt Nam có lẽ đã cân nhắc các khả năng, giải quyết ra sao với Đức và với công luận. Nhưng họ không hiểu được vấn đề chính: Đức là quốc gia, nơi pháp luật là giá trị then chốt trong xã hội và cả quan hệ đối ngoại. Tam quyền phân lập là một trong những giá trị đó. Tòa án Đức độc lập với chính phủ hay bộ Ngoại giao.
Vụ việc làm thay đổi ra sao quan hệ giữa các nước?
Mặc dù cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák khẳng định các bài viết trên báo Đức FAZ và Denník N của Slovakia là bịa đặt, nhưng đến nay vẫn chưa thể chứng minh là truyền thông đã bịa chuyện. Khi Robert Kaliňák tuyên bố là không biết gì về chuyện bắt cóc, thì cũng tình cờ vào đúng thời điểm lúc thủ tướng Pellegrini gặp bà Merkel ở Berlin.
Nay chính phủ Slovakia lâm vào khủng hoảng, để bảo vệ uy tín của mình ở trong nước và quốc tế, Slovakia phải thực hiện những quyết định đối ngoại cương quyết với Việt Nam để có thể giữ gìn được tình hình. Mặc dù chưa có quan chức Slovakia nào tuyên bố rằng tình hình đã gây tổn hại mối quan hệ giữa Slovakia và Việt Nam, nhưng tin tức của truyền thông Slovakia và Đức đã cho là Slovakia đã bị mật vụ và ngoại giao Việt Nam dắt mũi. Để không bị mất mặt chính phủ, Slovakia sẽ sớm phải thực hiện những quyết định cứng rắn với chế độ ở Việt Nam.
Về bản thân, ông nói mình là nhà báo độc lập. Nghĩa là thế nào?
Nghĩa là, tôi viết hoàn toàn độc lập với chính phủ Việt Nam, với bất kỳ chính đảng và tổ chức nào ở Việt Nam lẫn hải ngoại. Tôi sống bằng nhuận bút từ các bài viết cho báo chí.
Công an trong nước đối xử với ông như thế nào?
Từ năm 2013 đến nay tôi liên tục bị công an theo dõi. Thường thì có bốn hay năm người túc trực trước nhà tôi, khi tôi ra ngoài, đến bất cứ đâu cũng bị theo dõi. Nhất là vào thời điểm khi ở Việt Nam có các cuộc biểu tình, công an áp dụng những biện pháp cưỡng bức, ngăn chặn để không cho tôi ra khỏi nhà.
Bản thân ông đã có kinh nghiệm trực tiếp với công an Việt Nam. Chuyện gì đã xảy ra?
Hồi tháng Bảy 2015, khoảng 20 công an viên tràn vào nhà trẻ Tuổi Thơ 7 ở Sài Gòn, nơi con trai tôi gửi ở đó. Họ bắt giữ tôi giữa sân trường và giải tôi vào xe như tên tội phạm, trước sự chứng kiến của các ông bố bà mẹ và trước ánh mắt trẻ con. Công an đưa tôi về đồn, họ giải thích với tôi, là phải làm như vậy vì đã triệu tập tôi lên công an làm việc, nhưng tôi không tới. Thế nhưng hình thức triệu tập như vậy của công an là bất hợp pháp, vì không liên quan tới các vụ việc bị khởi tố theo luật Việt Nam.
Từ năm 2014 tôi đã bị công an thu hộ chiếu, không cho phép tôi xuất cảnh. Chỉ giải thích chung chung là vì lý do an ninh quốc gia. Năm 2015 Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi công hàm ngoại giao cho Việt Nam, yêu cầu trả hộ chiếu cho tôi. Bộ Ngoại giao Mỹ muốn mời tôi sang USA, nhưng Việt Nam vẫn chưa trả hộ chiếu cho tôi.
——————————————
Phạm Chí Dũng (1966)
Là một trong những nhà báo độc lập hiếm hoi ở Việt Nam. Từng tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, trong quá khứ đã tham gia quân đội. Từng làm việc cho cả Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động với tư cách là một nhà báo độc lập từ năm 1991. Cộng tác với truyền thông quốc tế như BBC, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài Phát thanh châu Á Tự do. Năm 2014 sáng lập và tới nay điều hành Hội Nhà báo Việt Nam độc lập. Tác giả của ít nhất 11 cuốn sách về đề tài xã hội, kinh tế và tôn giáo.
Đã nhiều lần gặp rắc rối với công an. Tháng Bẩy 2012 bị bắt và kết tội gây rối lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước. Tháng Hai 2013 kết thúc điều tra và trả lại tự do.
Tổ chức Phóng viên không biên giới đã trao tặng ông danh hiệu Information Hero