Wednesday, 12 September 2018

CSVN vẫn chỉ là con cờ của Nga và Trung Cộng - Phạm Thạch Hồng


Báo chí nhà nước CSVN loan tin, hôm 5/9, Nguyễn Phú Trọng cùng 1 phái đoàn cao cấp của đảng và nhà nước CSVN đã đến Nga trong chuyến thăm viếng kéo dài 4 ngày.

Bản tin nói “chuyến đi này nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, khẳng định chủ trương của CSVN coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại cũng như  để  thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa CSVN và Nga đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả”.

Giới quan sát nhận định rằng mục tiêu “làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược” có nghiã chuyến đi Nga của Trọng có thể liên quan đến các vấn đề “hợp tác chính trị, kinh tế, giải quyết vụ Trung  Cộng  cản trở hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft khai thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và có thể có cả những điểm dính dáng đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức trước đây.
*
Theo thông tấn xã TASS của Nga, khi nói đến quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại,  Trọng thừa nhận rằng chưa phát triển tương xứng với “quan hệ chính trị tốt đẹp”, khi kim ngạch thương mại giữa  Nga và VN chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ Mỹ kim  trong năm 2017, chưa được 1% tổng kim ngạch xuất nhập cảng  hàng năm của Việt Nam.

Một chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị tại Việt Nam, TS Phạm Chí Dũng, cho rằng trong tình cảnh CSVN đang gặp nhiều khó khăn từ thị trường Âu-Mỹ – vì hàng rào quan thuế- thì chuyến đi Nga của Trọng nhắm đến việc thúc đẩy xuất cảng là chuyện có thể.

Tuy nhiên, kinh tế không phải là vấn đề chính bởi lẽ nếu chỉ để đẩy mạnh quan hệ thương mại thì không cần phải Nguyễn Phú Trọng mà chuyến đi sẽ do một nhân vật khác trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN hiện nay.

Theo TS Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, thì mục đích chính chuyến đi của Trọng đến Nga là nhằm tìm cách hóa giải áp lực của Bắc Kinh lên Hà Nội hiện nay, nhất là về chuyện đối phó với Trung Cộng trên Biển Đông

TS Hợp cho rằng tuy cả ba mục tiêu hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế là những điểm chính trong nghị trình làm việc, nhưng hàng đầu vẫn là việc tìm kiếm sự ủng hộ cụ thể và mạnh mẽ hơn của Nga về cả chính trị và quốc phòng để có thể có cách đối phó với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Cụ thể là Trọng và các nhà lãnh đạo Nga sẽ đề cập đến việc làm sao để giải quyết tình trạng bế tắc trong dự án khai thác dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty phụ thuộc của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft, tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu.

Xin nhắc lại, hồi tháng 5 vừa rồi, Trung Cộng đã tuyên bố không cho phép bất kỳ ai khai thác dầu khí ở “vùng biển của Trung Quốc” khi chưa có sự đồng ý của Bắc Kinh, sau khi có tin Rosneft Vietnam BV công khai bày tỏ mối lo ngại bị Trung Cộng tạo áp lực trên dự án hợp tác khai thác dầu khí của Rosneft với Việt Nam.
(Chi nhánh của tập đoàn Rosneft làm chủ 35% cổ phần và giữ vai trò điều hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại, thuộc Lô 06.1, cách bờ biển Việt Nam 370 km về phía đông nam. Lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò 9 đoạn Trung Cộng đặt ra và tuyên bố chủ quyền).

Khi Rosneft Vietnam BV lên tiếng báo động về áp lực của Trung Cộng, người ta hiểu rằng Rosneft  lo ngại dự án khai thác dầu khí chung với CSVN rồi cũng sẽ cùng chung số phận trước đó của các dự án khai thác dầu mà Việt Nam từng hợp tác với các nước khác là ở các Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh.

Vì vậy, theo TS. Phạm Chí Dũng thì “ chuyến đi này của Trọng chắc chắn sẽ đề cập đến mỏ Lan Đỏ để yêu cầu Mạc Tư Khoa  có phản ứng mạnh hơn với Bắc Kinh, thúc đẩy Nga thu xếp sao cho Trung Cộng  không can thiệp vào mỏ Lan Đỏ để tập đoàn Rosneft của Nga, liên doanh với PetroVietNam, khai thác mỏ Lan Đỏ, giúp cứu vãn ngân sách của CSVN đang vô cùng kiệt quệ.”. Theo suy nghĩ của ban lãnh đạo CSVN, dù trong thời gian gần đây, quan hệ giữa MTK và BK có chiều hướng xích lại gần nhau hơn nhưng không phải là mối quan hệ “đồng minh”, nhưng có thể hy vọng rằng vì Nga cũng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông, đặc biệt trong quan hệ song phương với VN cả về an ninh lẫn kinh tế, đặc biệt trong khai thác dầu khí, nên Nga sẽ có vai trò nào đó trong việc kiềm chế cả Trung Cộng lẫn các nước khác”.

Vì thế, cả hai nhà nghiên cứu , một trong nước và một từ bên ngoài đều tin rằng chắc chắn việc hợp tác về an ninh, quốc phòng, cụ thể là các cam kết của Nga cung cấp trang bị quân sự cho CSVN sẽ là một vấn đề hàng đầu trong chuyến đi Nga lần này của Trọng.

Ngoài các chủ đề này,  theo nhận xét của nhiều người, một chuyện khác sẽ  được hai bên bàn thảo là những hệ lụy của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến Nga.

Xin nhắc lại, theo cuộc điều tra của chính phủ Đức và Slovakia, CSVN đã dùng phi cơ mượn của chính phủ Slovakia áp tải Trịnh Xuân Thanh từ Slovakia sang Mạc Tư Khoa rồi từ đó đưa về Việt Nam.

Cho đến nay, cả CSVN lẫn Nga đều hoàn toàn im lặng không lên tiếng gì về những cáo giác về vụ bắt cóc này đã được nêu trước Tòa Án liên bang Đức, trong khi chính quyền Slovakia đã hợp tác chặt chẽ theo yêu cầu của Đức.

Mối lo ngại của Trọng và ban lãnh đạo CSVN là không biết chắc liệu Nga có sẵn sàng che đậy cho Hà Nội bằng cách phủ nhận mọi chi tiết điều tra chỉ rõ mật vụ CSVN đã giải Trịnh Xuân Thanh về nước qua ngả Mạc Tư Khoa; hay Nga sẽ  chấp nhận minh bạch hóa chuyện này theo yêu cầu của Đức, của  giới ngoại giao quốc tế và của Interpol hay không.

Có lẽ Mạc Tư Khoa sẽ tiếp tục giữ thái độ im lặng để chờ xem Đức sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án CSVN đã trực tiếp tổ chức và chỉ huy việc bắt cóc Thanh ngay trên lãnh thổ của họ thế nào rồi mới có phản ứng. Cứ dựa vào cách thức hành xử của Nga –dưới quyền Vladimir Putin- thì không ai trông mong gì Nga sẽ có thái độ ‘tích cực hợp tác theo tiêu chuẩn và nguyên tắc công pháp quốc tế’cả.

Và như thế, chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng chỉ là một bước đi nhỏ -rất nhỏ- trên bàn cờ chính trị thế giới trong bối cảnh  Nga và Trung Cộng đang từng bước củng cố chiến lược của họ.
*
Các nhà quan sát quốc tế hiện đang theo dõi chặt chẽ cuộc thao dượt quân sự của Nga sắp diễn ra tại khu vực Viễn Đông mang tên Vostok-2018 kéo dài4 ngày từ 11/9 đến 15/9 và nêu câu hỏi “liệu đó có phải là cuộc tập trận chuẩn bị cho chiến tranh toàn cầu?”

Cuộc thao diễn quân Vostok-2018 là cuộc tập trận lớn nhất của Nga từ sau cuộc thao diễn Zapad năm 1981 trên vùng phía Tây nước Nga hướng về Tây Âu. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cuộc thao diễn Vostok-2018 gồm cả 3 lực lượng Hải Lục Không với quân số tới 300-ngàn, cả 2 hạm đội Thái Bình Dương và Hắc Hải, toàn bộ lực lượng Nhảy dù với  1-ngàn phi cơ các loại, kể cả các loại oanh tạc và chiến đấu cơ tối tân nhất. Đáng chú ý là  cuộc thao dượt tại  vùng Viễn Đông này sẽ có sự tham dự của Trung Cộng với  3,200 binh sĩ Trung Cộng và hơn 30 phi cơ các loại.

Rõ ràng cuộc thao diễn này là một cuộc tập trận cho chiến tranh quy mô, nhất là trong bối cảnh lực lượng Nga phòng thủ phía Tây  (hướng về Tây Âu) vẫn giữ nguyên không giảm, thì đây là cuộc trắc nghiệm khả năng điều động lực lượng trừ bị trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Quan trọng hơn, cuộc thao diễn này, như Bộ Quốc phòng Nga loan báo, có cả các bài tập về khai triển và sử dụng vũ khí nguyên tử.

Các nhà quan sát còn nêu lên vấn đề, vì cuộc thao diễn tại vùng Viễn Đông nước Nga, thuộc Á châu, Nga không bị ràng buộc với những thỏa thuận hiện hành với các nước Tây Âu –khối NATO- về nguyên tắc thông báo cho nhau mọi hoạt động quân sự, kể cả thao dượt nên chắc chắn đây là cuộc diễn tập một cuộc chiến  toàn cầu, với những tình huống giả định ở một khu vực chiến lược quan trọng.
Việc sử dụng toàn bộ lực lượng Nhảy Dù trong cuộc tập trận Vostok-2018 này nhắc nhở đến lời báo động của Ukraine trước đây nhưng không được khối NATO coi trọng.

Đáng chú ý hơn, sự có mặt của Trung Cộng trong  cuộc thao diễn quân sự Vostok-2018 –tuy khiêm nhường với chỉ hơn 3-ngàn quân và 30 phi cơ- mang ý nghĩa là tín hiệu mạnh mẽ về tình hình bớt thù địch giữa Mạc tư Khoa và  Bắc kinh, khác hẳn cuộc thao diễn nhỏ hơn cũng ở vùng Viễn Đông nước Nga, Vostok-2010.

Trong tình hình quan hệ ngoại giao giữa Nga và Trung Cộng gần đây có nhiều bằng chứng là đang xích lại gần nhau hơn, cộng thêm chuyến hàng phi cơ phản lực chiến đấu SU-35 Trung Cộng sắp nhận từ Nga, nhiều quan sát viên tin rằng việc Mạc Tư Khoa mời Bắc kinh gửi quân tham dự cuộc thao dượt này là một trắc nghiệm trên con đường thành lập một liên minh quân sự Nga-Trung Cộng.
Cần nhớ rằng từ bao lâu Nga vẫn tìm kiếm cơ hội để có một liên minh với Trung Cộng như vậy mà không cần phải là một hiệp ước ký kết chính thức như kiểu Liên minh Bắc Đại tây Dương của Âu châu và Hoa Kỳ.

Đó là những nhận định của giới quan sát quốc tế về cuộc thao diễn quân sự của Nga quy mô nhất trong hơn mấy thập niên qua.
*
Tuy nhiên từ đó, có thể đưa ra hai kết luận quan trọng.

Thứ nhất, ở Á châu, mong muốn của Nhật Bản xích lại gần với Nga nhằm chuẩn bị đối phó với giả thiết Nga và Trung Cộng lại kết thân trở lại, đang bị đe dọa vì cuộc thao diễn kỳ này. Mặc dù Nhật đã kiên trì trong suốt 6 năm qua nhằm mở rộng mối quan hệ mọi mặt với Nga nhưng tới nay Đông Kinh chưa đạt được một kết quả nào cụ thể.

Cuộc thao diễn quân sự này là dấu hiệu cho thấy sự thân mật ngày càng tăng giữa Moscow và Bắc Kinh. Vì vậy, Vostok-2018 cho thấy có thể Nga muốn gửi tín hiệu nhắc nhở Nhật Bản phải suy xét  lại toàn bộ chính sách của mình đối với Nga, dường như chỉ dựa trên mơ tưởng và ảo tưởng.

Xa hơn, ngoài Nhật Bản thì tất cả các nước Á châu –kể cả Úc Đại Lợi-  cũng phải đặt ‘liên minh Nga Trung Cộng’ khi xét lại kế hoạch phòng thủ của mình.

Rõ ràng Nga đang diễn tập một cuộc chiến tranh quy mô lớn … huy động toàn bộ lực lượng trừ bị và đầy đủ các quân binh chủng .

Kết luận quan trọng thứ nhì được rút ra từ Vostok-2018 thực sự xảy ra ở vùng Địa Trung Hải.

Nga đã lầm ầm ĩ với lời cáo giác rằng các nước Tây phương đang chuẩn bị mở cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, dùng nó đổ thừa cho chính quyền Syria và tạo lý do để đem quân vào lật đổ chế độ al-Assad.

Dựa vào cáo giác đó, Nga đã điều động các hạm đội Bắc Hải, hạm đội Hắc Hải và lực lượng đặc nhiệm Địa Trung Hải Eskadra – có trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử Kalibir- đến vùng biển gần Syria nhằm mục đích ngăn chặn khối NATO và chuẩn bị cho cuộc tấn côn gquy mô phối hợp Nga –Syria vào Idlib, thành trì  cuối cùng của lực lượng kháng chiến Syria.

Thế nhưng mục đích chính việc điều động lực lượng Hải quân quan trọng này là một phần của cuộc thao dượt quy mô Vostok-2018. Bởi lẽ hoàn toàn không thực tế để di chuyển những hạm đội đó từ phía Đông Địa Trung Hải và Hắc Hải đến vùng Viễn Đông nên Nga một công hai việc, vừa khai triển lực lượng để ngăn chặn NATO can thiệp vào Syria, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần và đồng thời cũng có thể là  để  chuẩn bị cho một chiến dịch khác chống lại Ukraine.

Vì Nga đang phong tỏa biển Azov và ngăn cấm tàu bè Ukraine vận chuyển ở đó, các hoạt động phản ứng của Ukraine ở Hắc hải trước việc Nga tiếp tục thao dượt và tăng cường lực lượng và vũ khí trong  vùng này, có đầy đủ lý do để e ngại rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào Ukraine.

Cộng tất cả những  điểm trên đây với cuộc tập dượt khả năng của Nga nhằm điều động đồng loạt và  nhanh chóng trên một không gian có khoảng cách lớn nhiều đại lực lượng hỗn hợp, và thậm chí cả lực lượng có thể liên kết với Trung Cộng, rõ ràng cuộc thao dượt  Vostok-2018 là để diễn tập cho một cuộc chiến tranh toàn cầu quy mô.
*
Các chiến lược gia Tây phương và Hoa Kỳ hiện nay đang chăm chú theo dõi, và chắc chắn đã chuẩn bị và bàn thảo phương thức đối phó.

Trong bối cảnh đó, việc Nguyễn Phú Trọng đi Nga có thể chỉ là chuyện riêng nhằm tìm phương đối phó với tình thế lúng túng và suy kiệt về mọi mặt đang có nguy cơ sụp đổ chế độ CSVN , nhưng cũng có thể là một bược đi trong bàn cờ  thế mà Bắc kinh và Mạc Tư Khoa đang dàn xếp cho vai trò quân tốt của đảng và nhà nước CSVN.

Phạm Thạch Hồng