Pháo đài bay B-52 sẽ được "nâng cấp" thành kho vũ khí di động có khả năng kết nối tiêm kích thế hệ 5 để tấn công mục tiêu trên phạm vi toàn cầu. B-52 Stratofortress - pháo đài bay huyền thoại của Mỹ.
Tạp chí National Interest cho biết, Ngũ Giác Đài đang có kế hoạch triển khai chương trình “Kho vũ khí bay” nhằm nâng cao sức mạnh tác chiến cho Không quân Mỹ. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đề cập trong cuộc thảo luận gần đây của Ngũ Giác Đài về ngân sách quốc phòng năm 2017.
Bộ trưởng QP không chỉ định cụ thể loại máy bay sẽ được sử dụng cho kế hoạch “Kho vũ khí bay”, nhưng ông nói rằng, chương trình sẽ dựa trên loại máy bay “lớn tuổi” có thể là B-52 Stratofortress. Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết, B-52 sẽ được nâng cấp với khoang chứa vũ khí mới rộng hơn, cập nhật hệ thống điện tử tiên tiến.
Sau nâng cấp, B-52 sẽ có khả năng kết nối với tiêm kích thế hệ 5 như F-22 Raptor, F-35 Lighting II để tạo nên một mạng lưới thống nhất. Khi đó, trong các nhiệm vụ, các tiêm kích thế hệ 5 sẽ tận dụng lợi thế tàng hình để bay tiên phong tìm kiếm mục tiêu. Một khi đối tượng được xác định, F-22, hoặc F-35 sẽ cung cấp tham số cho B-52 bay phía sau phóng vũ khí dẫn đường tầm xa tấn công tiêu diệt mục tiêu.
Kho vũ khí bay B-52 sẽ được trang bị vũ khí dẫn đường công nghệ cao như đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM, bom thông minh JDAM, Paveway. JASSM có tầm bắn tới 370 km, có thể phóng từ ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại. Trong khi đó, F-22 hoặc F-35 sẽ tiếp cận gần hơn để đánh giá thiệt hại và yêu cầu đợt không kích mới nếu cần thiết.
Máy bay B-52 ném bom trong một đợt diễn tập. Ảnh: USAF
Để phát huy lợi thế tàng hình, tiêm kích F-22, F-35 phải mang vũ khí bên trong khoang. Chúng vẫn có thể mang vũ khí treo dưới cánh, nhưng khi đó, lợi thế tàng hình sẽ không còn khiến máy bay dễ tổn thương hơn trước hỏa lực phòng không. Mặt khác, tải trọng vũ khí với tiêm kích thế hệ 5 khá hạn chế, khó trang bị các vũ khí tấn công tầm xa.
Trong khi đó, giải pháp “Kho vũ khí bay” kết nối với F-22, F-35 sẽ phát huy tối đa lợi thế tàng hình của tiêm kích thế hệ 5 mà vẫn đảm bảo dội một lượng vũ khí lớn xuống đối phương. Ngoài ra, “Kho vũ khí bay” B-52 có thể phóng các máy bay trinh sát không người lái để tăng khả năng trinh sát, hoặc phóng đạn mồi bẫy đánh lừa hệ thống phòng không của kẻ thù.
Đánh giá về kế hoạch của Ngũ Giác Đài, Richard Aboulafia, Phó chủ tịch Teal Groups (tổ chức nghiên cứu thị trường và phân tích quốc phòng, hàng không vũ trụ có trụ sở tại Mỹ) nhận xét.
“Bạn đang sử dụng một máy bay phản lực đã có năng lực quân sự, trong khi các lựa chọn thay thế sẽ phải thiết kế lại. Nó không phải là máy bay tàng hình, nhưng được trang bị các biện pháp gây nhiễu và đối phó với hệ thống phòng không của đối phương. Nó là một sự kết nối cho nhiệm vụ chiến đấu”.
Ông Aboulafia cho biết thêm, “Kho vũ khí bay” có thể mở rộng phạm vi tác chiến cho máy bay chiến đấu của Mỹ khi phải đối mặt với kẻ thù hùng mạnh. Ý tưởng “Kho vũ khí bay” từng được lên kế hoạch trong những năm 1980 để đối phó với Liên Xô.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch không được triển khai. Tuy nhiên, gần đây, sự trỗi dậy của Tc và lớn mạnh của Nga đang đe dọa ưu thế quân sự của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Kế hoạch “Kho vũ khí bay” lại được xúc tiến để đáp ứng các thách thức mới.
"Pháo đài bay" B-52 xuất xưởng từ năm 1954 và có thể bay tới tận năm 2040. Ảnh: af.mil
Hệ thống điều khiển trong buồng lái của B-52. Ảnh:New York Times
Sức mạnh quân đội Mỹ qua hình ảnh
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm dàn trận trên biển, máy bay ném bom chiến lược B-52 khoe vũ khí là 2 trong số những hình ảnh nói lên sức mạnh hàng đầu của quân đội Mỹ.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor là chiến đấu cơ tối tân của Không quân Mỹ. Theo Military-today, F-22 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Nó là tiêm kích tàng hình duy nhất trên thế giới ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Máy bay ném bom B-52 Stratofortress - một trong bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ. Phi cơ này có thể mang theo tới 31,5 tấn bom đạn các loại. Ngày nay, Không quân Mỹ cấu hình cho B-52 làm nhiệm vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa hoặc bom thông minh JDAM.
3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ di chuyển trong ánh hoàng hôn. Lớp tàu chiến này là trụ cột cho năng lực tác chiến và phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ trên khắp thế giới. Các chuyên gia quân sự đánh giá, Arleigh Burke có sức mạnh hàng đầu thế giới.
Hàng chục tiêm kích F-16 của Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đồng loạt cất cánh nhằm phô diễn sức mạnh. Theo Global Security, Mỹ không sản xuất thêm máy bay mới nhưng F-16 vẫn là trụ cột trong sức mạnh tác chiến của không quân nước này.
Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer bay qua Đại Tây Dương trong một cuộc tập trận. Nó là phi cơ ném bom tốc độ siêu âm duy nhất của Không quân Mỹ. Cỗ máy răn đe hạt nhân này có thể mang tải trọng vũ khí tới 57 tấn. Theo FAS, Không quân Mỹ đang thử nghiệm B-1 cùng với tên lửa chống hạm tầm xa LRASM có tầm bắn tới 800 km.
Các nhân viên kỹ thuật đang lắp bom thông minh JDAM cho tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet. Chiến đấu cơ này là xương sống cho sức mạnh tác chiến trên không của Hải quân Mỹ.
Các binh sĩ đang tiếp đạn pháo cho xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams. Theo Global Security, quân đội Mỹ có khoảng 8.308 xe là hỏa lực mạnh nhất của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Nhóm tác chiến tàu sân bay lớp Nimitz dàn trận trên biển. Hải quân Mỹ có tới 10 nhóm hàng không mẫu hạm đưa họ trở thành lực lượng hùng mạnh nhất trên thế giới.
Các hộp chứa tên lửa chuẩn bị lắp vào ống phóng thẳng đứng Mk41 trên chiến hạm Mỹ. Mk41 là loại ống phóng đa năng có thể chứa và bắn nhiều loại đạn tên lửa khác nhau.