Tuesday 9 October 2018

Giải Nobel nào cho người VN? - Bích Ngọc

Image result for Nadia Murad

Giải Nobel hoà bình năm nay được trao cho cô Nadia Murad.

Vào năm 2014 bọn phiến quân IS tràn vào miền quê Sindschar sau những rặng núi ở phía Bắc Irak. Bọn chúng đã giết hại toàn bộ gia đình cô và họ hàng. Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày kinh hoàng như  địa ngục mà cô và hơn 1500 phụ nữ và trẻ em trở thành trò tiêu khiển tàn bạo của bọn phiến quân tàn ác, mất nhân tính.


Ba tháng sau đó với lòng cam đảm phi thường, cô đã may mắn trốn chạy khỏi địa ngục trần gian và với sự trợ giúp của quốc tế cô hiện nương náu ở bang Baden-Württemberg thuộc nước Đức.


Hình ảnh cô Nadia khuôn mặt đầm đìa nước mắt được truyền hình trực tiếp trên đài Tivi Na uy.  Từng tiếng nấc, nghẹn ngào cô kể lại câu chuyện thương tâm của cô và tôi chắc rằng  câu chuyện đẫm thấm đau khổ cùng cực của cô cũng giống y như của các phụ nữ, trẻ em nơi đó đang phải chịu đựng . 

Cô làm tôi khóc theo bởi không thể tưởng tượng được nỗi, bằng cách nào và làm sao mà những người phụ nữ ở xứ cô đã trải qua cực hình và đau đớn muôn vàn, bị hãm hiếp, bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn như thế.


Một năm sau cuộc trốn chạy thoát khỏi bọn IS, năm 2017 cô Nadia trở về thăm làng quê của cô với tư cách là một nhà đại sứ đặc biệt đại diện cho phụ nữ đất nước cô, chống lại bọn hãm hiếp phụ nữ, trẻ em và nạn buôn người. 


Cô phát biểu trầm tĩnh trước hội đồng bảo an Liên hiệp Quốc:

 
" tôi đến đây không đem theo lòng thù hận, điều mà tôi mong muốn mạnh mẽ đó là công lý. Tôi muốn đem bọn chúng ra trước toà án và đền tội. Tôi ao ước phụ nữ và trẻ em ở Syria và Irak được sống đời hoà bình,an lành."

Nghe câu chuyện thương tâm của cô, tôi khâm phục cô đã sống sót can trường, không gục ngã bởi quá khứ quá đau đớn do bọn phiến quân gây ra. Và giờ cô gái trẻ Nadia vừa tròn 25t đã mạnh dạn dấn thân đem tiếng nói của mình kêu gọi luật pháp quốc tế hãy quan tâm hơn nữa đến những số phận nghiệt ngã của trẻ em, của phụ nữ đất nước cô đang nằm trong bàn tay hung ác IS.


Cô làm tôi bớt co rúm,  sợ hãi khi phải đọc những mẫu tin tức nhan nhãn trên báo chí Việt đưa tin trẻ em ở Việt nam bị lạm dụng tình dục ngay nơi các em sinh sống, xảy ra ở làng quê hẻo lánh hay thành phố và thậm chi ngay nơi trường học. Tôi nghĩ đến thân phận các thanh hiếu niên,  phụ nữ ngây thơ bị lừa bán sang Trung quốc, Cam Bốt, thành nạn nhân cho bao thú vui bạo tàn. 
Vấn nạn buôn người, chỉ vì tiền mà người với người, đồng loại với nhau đã bán đi nhân cách, lương tâm, lừa gạt đẩy các em vào những nhà chứa tệ hại, bị đánh đập, bị hành hạ. Tôi đã đau lắm khi nghĩ về số phận đen tối, về tương lai không lối thoát của các em gái. Về những xác thân trong trắng đã sớm vấy bùn nhơ, làm trò mồi tiêu khiển rẻ tiền cho những tên vô lại. Các em bị đánh đập, dày vò, thân thế cô, yếu đuối.

 
Đất nước tôi ơi hãy thức tỉnh lương tâm, hãy bớt chạy theo đồng tiền làm mờ mắt, bớt đưa tin những giá trị hảo huyền vật chất, người đẹp chân dài, hoa hậu vương miện, túi xách bạc tỉ, áo quần, xe cộ nghìn tỉ. Đại gia đất đai, tài sản v.v... 


Thay vào đó hãy cùng nhau gánh vác lại Giang sơn, hãy thiết thực nhìn nhận đạo đức suy đồi. Vì đâu nên nỗi? 


Nếu chính chúng ta không mạnh dạn nói lên vấn nạn, nếu chính chúng ta không gánh lấy trách nhiệm, nếu chúng ta không tìm được hướng đi, giải pháp làm đến nơi đến chốn, chứ không phải hội nghị phô trương phát biểu hăng say đạo luật này, chính sách nọ nhưng rồi sau đó bỏ mặt mọi thứ chìm trôi. 


Nếu chúng ta không cứu lấy đất nước, không giúp nhau thì ai sẽ vào đây nữa? Hãy chỉ cho tôi đi. 


Đất nước chúng ta, dân tộc tiền đồ mai sau sẽ về đâu hỡi các vị chính trị gia đang tranh dành, phô trương quyền lực, đẩy đất nước ngày càng phụ thuộc Tàu. Lịch sử 1000 năm giặc Tàu đô hộ đã chứng minh bao điều. Chúng muốn cai trị chiếm lĩnh đất đai, biển hồ, thống trị về kinh tế, chính trị của Việt nam

-Giải Nobel Hoà bình năm nay được trao cho vị bác sĩ đáng kính người Congo ông Denis Mukwege. Cũng là người dấn thân cả cuộc đời giúp phụ nữ, trẻ em xứ châu Phi bị lạm dụng tình dục, hãm hiếp.


Ông suýt mất mạng trong cuộc chiến chống bọn quỷ xâm hại trẻ em,phụ nữ. Hơn 20 năm qua nơi nhà thương do chính ông thành lập ở Bukavu, đã và đang chữa trị cho hơn 50 ngàn bệnh nhân với thể xác muôn vàn đau đớn và tinh thần kiệt quệ do bọn quỷ khát máu gây ra. Có thời gian ông và gia đình phải đào thoát, lưu vong sang Belgium.


Nhưng ông lại quyết định trở về quê hương, vượt qua nỗi sợ hãi bọn phản loạn nơi quê hương có thể giết chết ông mọi lúc, chỉ vì ông không thể bỏ mặt người dân . Lòng yêu thương con người và trái tim nhân hậu vô biên của ông. Khoát chiếc áo blouse trắng ông và đồng sự cặm cụi mổ xẻ cứu sống hàng ngàn nạn nhân trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ và tận cùng nghèo khổ ở xứ Phi châu quê hương ông. 

Chúng ta hãy nghe ông nói: " mạng sống của tôi không quý bằng dân tộc của tôi. Tôi không thể để bỏ mặc họ chỉ vì sợ hãi."


Không chỉ cứu sống, chữa lành vết thương thể xác, tinh thần cho trẻ em, phụ nữ, mà ông còn đại diện cho tất cả phụ nữ quê hương ông đem tiếng nói trước công lý quốc tế, trình bày về tình trạng và số phận khổ đau của muôn vàn phụ nữ,trẻ em xứ Congo nói riêng hay của châu Phi, về tệ nạn buôn người và bị hãm hiếp dã man, bị chém giết. Theo ông không một từ ngữ nào đủ để diễn hết nỗi thống khổ mà phụ nữ, trẻ em trải qua khi bị hãm hiếp.


Ông cũng gióng hồi chuông đánh động sự quan tâm của các tổ chức quốc tế nhiều hơn đến  đất nước ông.


Ông Mukwege và cộng sự  nhận được vô số giải thưởng trao tặng cho sự cống hiến cao quý. Mới đây nhất là giải thưởng Nobel hoà binh. Vị bác sĩ đáng kính bày tỏ: "những giải thưởng này sẽ không có giá trị với tôi nếu nó không giúp thay đổi được số phận dân tộc tôi."

Vậy còn muôn vàn phụ nữ, trẻ em ở Việt nam bị lừa bán sang Trung quốc, sống cuộc đời tăm tối, không thấy ánh mặt trời ra sao? Có ai trong chúng ta nghe thấy tiếng kêu khóc, van xin của những đứa trẻ chưa tròn 18 hay những đứa bé vẫn còn mơ một giấc mơ " cho con xin một con búp bê" làm bạn  để quên tháng ngày tủi nhục. Và có ai trong chúng ta sẽ dấn thân như cô gái Nadia hay bác sĩ Mukwege  suốt cuộc đời đi tìm công lý, an bình và ra sức chữa lành vết thương tâm hồn, thể chất cho dân tộc họ.


Năm sau và bao nhiêu năm nữa ai trong số người Việt chúng ta sẽ được trao tặng giải Nobel hoà bình cho công việc giải cứu tất cả phụ nữ, trẻ em sống cuộc đời tầm gởi nơi xứ người, nơi mà những ánh đèn đỏ leo lét, chập chờn như số phận của các em tắt ngúm hy vọng, chỉ còn vang vọng tiếng cười thú tính của những tên phương bắc một đêm vui trên tiếng nấc tủi nhục của các em. 
Đau.