Trong
bài viết của Trần Doãn Nho về “Nhạc Lính” đã ghi nhận: “Có khá nhiều tác giả
viết về người lính: Y Vân, Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Nguyễn Văn Đông, Lê
Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Huỳnh Anh, Phạm Thế Mỹ, Đinh Miên Vũ, Phạm
Đình Chương, Tuấn Khanh, Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyên Đàm,
Nguyên Diệu, Phan Trần… Trong số đó, Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ viết nhiều
nhất…”. Còn có thêm Văn Giảng (Nguyên Đàm), Song Ngọc, Anh Thy, Duy Khánh, Mạnh
Phát, Nhật Lệ, Hùng Cường, Mạc Phong Linh… hay Anh Việt Thu (cùng làm việc
chung với Nhật Trường ở Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm lý Chiến và Đài Phát thanh Quân
Đội) nhưng chỉ có một vài bài.
Nói
đến Nhật Trường TTT, liên tưởng đến nhạc lính và ngược lại. Sáng tác nhạc tình của
TTT trong thời chinh chiến để làm thăng hoa hình ảnh người lính VNCH từ chiến
trường đến hậu phương. Những ca khúc của anh không những in sâu vào tâm hồn
người lính mà đi vào lòng mọi người từ thời binh lửa cho đến nay.
*
Trần Thiện Thanh sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại Phan Thiết. Trưởng
nam trong gia đình có 7 anh em. “Thật sự dòng họ Trần Thiện từ ông tổ gần là
Trần Thiện Chánh (1822-1874), tài kiêm văn vỏ, cho tới thân phụ của Trần Thiện
Thanh là Trần Thiện Hải nức tiếng khắp Phan Thiết là kẻ tài hoa, đủ đường ca
hát, đóng kịch, soạn nhạc... cho nên ảnh hưởng tới con cháu như Nhật Trường là
điều không ai phủ nhận…” (Hồ Đinh, bút hiệu Mường Giang, người bạn cùng thời tiểu
học với TTT).
Anh
cũng dùng bút hiệu Thanh Trân Trần Thị (tên con gái thứ nhì) qua một số nhạc
phẩm khác như Chuyện Hẹn Hò, Phút Giao Mùa, Chuyện Lứa Ðôi…
(Có
một số bài hát nổi tiếng như Tình Ðầu Tình Cuối, Tình Thiên Thu, Bắc Ðẩu, Mầu
Mũ Anh Mầu Áo Em, Tình Có Như Không… nhiều người nghĩ là của Trần Thiện Thanh,
nhưng thật ra, đã được in với tên Trần Thiện Thanh Toàn, Thiếu Úy QLVNCH, em
ruột Trần Thiện Thanh, hy sinh trên chiến trận khi còn trẻ. Ca khúc Trên Đỉnh
Mùa Đông là sáng tác của hai anh em).
Theo
lời người bạn Lê Hùng (Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 341 Địa Phương Quân, tiểu khu Bình Tuy)
học lớp Đệ Nhị cùng với Nhật Trường TTT ở trường trung học Ngô Đình Khôi niên
khóa 1960-1961 ở Phan Thiết. Nhật Trường vừa là Trưởng Ban Văn Nghệ và cũng là
cầu thủ (thủ môn) đội túc cầu của nhà trường. Thân phụ Nhật Trường là Trần
Thiện Hải, Trưởng Ty Thông Tin Bình Thuận, với môi trường đó qua chương trình
phát thanh và văn nghệ cũng tạo thuận lợi cho Trần Thiện Thanh ca hát để giải
trí. Trước đó, lúc còn nhỏ, Nhật Trường TTT (cũng như Song Ngọc ở Long Xuyên)
đã tham gia trong Ban Văn Nghệ 860 của Bảo An Đoàn ở Bình Thuận, có Mỹ Thể,
Nguyễn Hữu Sáng (em Nguyễn Hữu Thiết, gốc Quảng Trị, sinh tại Phan Thiết)…
Vì
đam mê với kiếp cầm ca nên con đường học vấn bị dang dở và trong cái rủi có cái
may khi rời quê nhà vào Sài Gòn để lập nghiệp… (Có vài bài viết cho biết năm
1958 Nhật Trường vào Sài Gòn lập nghiệp nhưng theo người bạn cho tôi biết cùng
học với Trần Thiện Thanh ở Phan Thiết, sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp
(1958), vào Sài Gòn học, thỉnh thoảng xuất hiện ca hát vào dịp cuối tuần ở Phan
Thiết. Có lẽ vào Sài Gòn học vì chặng đường Sài Gòn – Phan Thiết khoảng hai
trăm km, đi về dễ dàng và thời điểm đó).
Đầu
thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm anh và 3 nữ ca sĩ:
Như Thủy (em gái), Vân Quỳnh và Diễm Chi. Băng nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi trình
bày nhiều ca khúc về lính, được nhiều người ái mộ.
Góp
mặt trong nền tân nhạc ở Sài Gòn qua các nhạc phẩm: Đừng Hỏi Tại Sao (1963), Anh
Về Với Em (1964), Bảy Ngày Đợi Mong (1964), Đôi Ngã Đôi Ta (1964), Một Ngày Gần
Đây (1964), Ngày Anh Đi (1964), Hàn Mặc Tử (1964), Đồn Vắng Chiều Xuân (1964), Không
Bao Giờ Ngăn Cách (1964), Nỗi Lòng Thanh Trúc (1964), Từ Đó Em Buồn (1964), Tình
Yêu Thứ Nhất (1965), Người Yêu Của Lính (1965), Tâm Sự Mộng Cầm (1965), Một Đời
Yêu Anh (1965), Đời Còn Nhiều Gian Dối (1965)…
Nhật
Trường TTT tuy chưa vào lính nhưng đã sáng tác vài ca khúc nổi tiếng như Anh Về
Với Em, Ngày Anh Đi, Không Bao Giờ Ngăn Cách, Đồn Vắng Chiều Xuân… Và, ca khúc
Người Yêu Của Lính gắn liền với tiếng hát Ngọc Minh. Trước khi vào lính, Nhật
Trường xuất hiện trên sân khấu và truyền hình với quân phục VNCH.
Năm
1965 nhập ngũ, Hạ Sĩ Quan phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Đây cũng
là môi trường của Trần Thiện Thanh khi “khoác áo treillis” sáng tác rất nhiều
nhạc phẩm với các quân bnh chủng Hải, Lục, Không Quân VNCH.
Đề
cập đến nhạc lính như lời Trần Doãn Nho:
“Lính
ở đây là lính VNCH. Trong suốt những tháng năm dài chinh chiến, người lính là
hình ảnh nổi bật trong cuộc sống, gắn chặt với cuộc chiến, diễn ra từng ngày
từng giờ trên khắp đất nước. Gia đình nào, không ít thì nhiều, cũng đều có thân
nhân nằm trong quân đội. Những thắng, bại trên chiến trường của người lính đều
nhất nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Và bi kịch của chiến tranh gắn
liền với bi kịch cá nhân của từng người lính…
Nhạc
lính, trước hết, nói về người lính, đã hẳn. Mà cũng là nói về chiến tranh. Về
một xã hội vùng vẫy để tồn tại, để thích nghi với hoàn cảnh bom đạn. Và mơ ước.
Những gian khổ, nhọc nhằn, vất vả, tiếc nuối, buồn chán, thất vọng, cay đắng,
tủi nhục cùng với ước mơ – những gì vô cùng đời thường, vô cùng dân dã, tất cả
đều được bày tỏ qua lời ca mà không cần phải sử dụng một ẩn dụ xa xôi nào. Do
đó, khác với nhạc đỏ – thứ nhạc để chỉ nhạc Cộng Sản nói chung thường mang tính
tuyên truyền – nhạc lính đầy tính cách nỗi niềm và mang tính nhân bản rõ nét.
… Đặc
biệt, khác với nhạc đỏ, nhạc lính không nhằm gây căm thù. Không những thế,
trong một số trường hợp, còn kêu gọi xóa bỏ căm thù, kêu gọi tình thương, kêu
gọi hòa bình. Lời ca phần lớn và chủ yếu nói về nhiệm vụ, về lòng hăng say, sự
hy sinh, ca ngợi sự chịu đựng gian khổ và lòng quả cảm của người lính. Và ngay
cả khi đề cập đến cái chết anh hùng của những người sĩ quan chỉ huy trên chiến
trường, ta cũng không hề thấy khêu gợi chút căm thù nào. Chỉ nói về cái chết,
về sự hy sinh và nỗi tiếc thương…
Nhạc
lính đồng thời cũng là nhạc tình. Cũng là nhạc quê hương. Nói về lính cũng chỉ
để nói về tình. Mặt khác, trong một số bản tình ca thuần túy, hình ảnh người
lính cũng hiện diện. Có lẽ vì đời lính, tự bản chất, chứa đựng sự xa cách, nhớ
mong, niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu…
… Trong
khi còn chiến tranh, nhạc lính được hát như một bày tỏ nỗi lòng, có khi như một
bù đắp, của những người khoác chiến y…”
(Trần
Doãn Nho).
Từ
giã mái trường, từ giã người yêu khi, chàng trai trẻ đáp tiếng gọi của non
sông, với nghĩa vụ tòng quân:
“Ngày
anh đi, ngày anh đi phượng rơi rơi ngàn lối
Áo
chinh nhân ép cánh thư ngày nào
Gửi
cho nhau lúc mới quen lần đầu
Ngày
anh đi ngày anh đi sông hồ in dáng em
… Nếu
anh là chiến sĩ đi xây đắp tương lai
Em
là người ở lại muôn đời đợi chờ anh.”
Khi khoác áo chiến y, người yêu nơi hậu phương lúc nào cũng mong đợi lá
thư từ đơn vị xa xôi nên dặn dò. Ca khúc “Nhớ Viết Thư Cho Em” qua tiếng hát
của Lệ Thanh trên làn sóng phát thanh quá hay, nghe mà ngớ ngẩn, nghe mà ước
mong có người yêu dễ thương như vậy để xoa dịu tâm hồn người lính:
“Nhớ
viết thư cho em
mà
bảo rằng dù xa cách đừng quên
Nhớ
viết thư cho em
dù
mực nhòe trên trang giấy trắng
Em
biết đời phong sương
anh
đã chôn dĩ vãng trong tim
Sống
vui hiện tại và trọn đời anh cho tương lai
Nhớ
viết thư cho em
để
rạng ngời thêm trăng sáng nửa đêm
Nhớ
hái đôi hoa sim đặt vào lòng tờ thư thương mến
Em
muốn màu hoa sim
như
màu yêu tím của đôi ta
Tím
lên cuộc đời mà lòng ta thương mến nhau hoài”
(Trần
Thiện Thanh & Mạnh Phát)
Ca
khúc “Tình Thư Của Lính” thay cho lời tâm sự của người lính gởi cho người tình:
“Từ
khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo treillis
Từ
khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây
… Thư
của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư
của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư
của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ
Nhưng
thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy”.
Ca
khúc “Tâm Sự Người Lính Trẻ” của TTT chia sẻ nỗi niềm:
“Từ
khi anh thôi học từ khi đôi lứa đôi đường
Từ
sông ngăn núi trở tạ từ không nói nên lời
Từ
khi gót sông hồ ngược xuôi ôi những đêm thật dài hồn nghe thương nhớ ai
Một
năm tìm vui nơi quan tái chưa về một lần dù chỉ một lần thôi”.
Trong
thời binh lửa, qua vài ca khúc trữ tình nầy, cảm nhận cuộc tình thật lãng mạn,
dễ thương, quá đẹp khi xa nhau. Câu nói của Stefan Zweig “Dù cho biển cách núi
ngăn, lòng hai ta cũng mãi không rời xa” đã thể hiện ở ca khúc Trần Thiện
Thanh.
Bài
thơ “Cần Thiết” của Nguyên Sa đã một thời thay cho lá thư tình của tuổi học
trò:
“Không
có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy
ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai
lau nước mắt cho em ngồi khóc
Ai
đưa em đi chơi trong chiều mưa”
Thì
ca khúc của Trần Thiện Thanh chia sẻ hình ảnh giữa người lính với người yêu sự
“cần thiết” đó thật đáng yêu:
“Nếu
em không là người yêu của lính
Em
sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh
Em
sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng
Và
giữa chốn muôn trùng
Ai
viết tên em lên tay súng.
Nếu
em không là người yêu của lính
Ai
sẽ nhớ em chiều dừng hành quân
Ai
khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần
Để
thấy cánh sao gần
Không
đẹp bằng hồ mắt giai nhân”
(Người
Yêu Của Lính)
Người
lính khó giữ đúng hẹn hò vì có khi vào giờ phút cuối phải thi hành nhiệm vụ của
đơn vị đảm trách. Trong tình yêu phải có sự cảm thông cho nhau nên:
“Anh
hẹn em cuối tuần
Chờ
anh nơi cuối phố
Biết
anh thích màu trời
Em
đã bồi hồi chọn màu áo xanh”
Thế
rồi qua 7 ngày đợi mong, không gặp người tình và cuối cùng:
“Chiều
Thứ Bảy mưa rơi
Ai
bảo anh lại tới
Ai
bảo anh xin lỗi
Ai
bảo anh nhiều lời cho mắt em lệ rơi”
(Bảy
Ngày Đợi Mong)
Lời
trách yêu đó thật nhẹ nhàng, “lệ rơi” khi gặp nhau mà không cần xin lỗi, không
cần nhiều lời… Lời ca đó dành cho người thưởng thức cảm nhận.
Những
người lính Mỹ (GI) tham chiến ở chiến trường VN, thường viết trên nón sắt “When I die I will go to heaven because I
live in hell” (Khi tôi chết sẽ lên thiên đàng vì sống trong địa ngục) như
“than thân trách phận” nhưng với Trần Thiện Thanh thì ngược lại:
“Viết
tên người yêu lên ba lô nặng trĩu
Đêm
quân hành dừng chân đồi hoa tím
Nhớ
xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng
Đâu
bằng đôi mắt em…
Áo
anh nhuộm phong sương nhưng quê hương đẹp ý
Lối
trăng đầy tình em còn soi sáng
Sẽ
không bao giờ
Không
bao giờ ngăn cách đâu em”
(Không
bao Giờ Ngăn Cách)
Chỉ
có người lính nhớ người yêu mới viết tên trên ba lô, tâm hồn lãng mạn của người
lính làm đẹp chân dung người tình trong cơn binh lửa.
Nhạc
phẩm “Màu Mũ Anh Màu Áo Em”, TTT phác họa chân dung người lính của các binh
chủng với người yêu:
“Khi
em đã yêu anh chàng lính Thuỷ Quân Lục Chiến
Bạc
màu áo trận, bạc luôn cả chiếc mũ xanh
Khi
em đã yêu anh chàng áo rằn sọc ngang
Màu
áo xanh rừng em nhớ mang.
Hay
em đã yêu anh chàng lính Dù là anh
Dù
tung giữa trời và địa cầu dâng đất lên
Khi
em biết yêu thiên thần mũ đỏ dù hoa
Màu
áo bông hồng em nhớ cho…
Khi
em dám yêu anh bộ binh nghèo là anh
Thì
màu áo vàng là màu tình duyên đó anh
Xin
cho tháng năm không làm phai màu tình yêu
Màu
mũ anh và màu áo em
Khi
em đã yêu anh chàng lính biển là anh
Tầu
đi bến nào còn tình thì qua bến nao
Khi
em đã yêu anh chàng lính Hải Quân hào hoa
Màu
trắng mây trời trên áo em.
Hay
em đã yêu anh chàng lính Biệt Động Quân
Mà
rừng núi sình lầy nào còn vương gót anh
Khi
em đã yêu trên trời núi thẳm rừng sâu
Màu
mũ nâu là màu áo em”
Để
tưởng nhớ và tri ân những người con thân yêu của tổ quốc khi dấn thân trong
binh nghiệp bảo vệ lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc. Thân xác không còn nhưng qua các
ca khúc của Trần Thiện Thanh luôn gợi lại hình ảnh bi hùng, cao cả trong trái
tim mọi người.
Hình
ảnh hào hùng của cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương của binh chủng Nhảy Dù hy sinh
trong cuộc chiến qua ca khúc “Anh Không Chết Đâu Anh” của Trần Thiện Thanh góp
phần hình ảnh cao đẹp trong Quân Sử VNCH.
Phan
Nhật Nam tường thuật lại:
“… Đồi 31 ở mặt trận Hạ Lào, tháng Hai, 1971..
Đại quân Miền Nam gồm: Sư Đoàn Nhẩy Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I
Bộ Binh, Lữ Đoàn I Thiết Kỵ, và Liên Đoàn I Biệt Động Quân cùng vượt biên giới
Lào-Việt tiến đánh vùng hậu cần Tchépone của cộng sản Bắc Việt trên đất Lào. Lữ
Đoàn 3 Dù gồm các Tiểu Đoàn 2, 3, và 8 giữ mặt Bắc của trục tiến quân. Vị trí
Đồi 31 của Tiểu Đoàn 3 Dù được Pháo Đội B3 Pháo Binh Dù do Đại Úy Nguyễn Văn
Đương chỉ huy yểm trợ. Vòng đai cực Bắc của Biệt Động Quân bị tấn công trước;
tiếp vị trí Đồi 30 của Tiểu Đoàn 2 Dù bị công phá.. Cuối cùng, chỉ còn lại Căn
Cứ Đồi 31 giữa vòng vây của một sư đoàn Bắc Việt (tỷ lệ 1 chống 15). Ngày 25/2,
Đồi 31 bị tràn ngập, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ và toàn ban tham mưu lữ đoàn đồng bị
bắt, căn cứ chỉ còn khẩu pháo cuối cùng, Đại Úy Đương hạ ngang nòng bắn thẳng
vào toán quân cộng sản theo xe tăng T54 ào lên đồi chiếm mục tiêu, và ông gục
ngã với khẩu pháo cuối cùng bị phá hủy…”
Trong
cuốn hồi ký “Một Cánh Hoa Dù” của Thiếu Tá Trương Dưỡng đã kể lại thời điểm căn
cứ hỏa lực 31 Hạ Lào (cao điểm 456) vào 6 giờ 30 phút ngày 25 tháng 2 năm 1971,
như sau:
“Ngay
chiều hôm đó đồi 31 bị tràn ngập, tôi nghe tiếng Nguyễn Quốc Trụ, bạn cùng
khóa, gọi Kiệt bên căn cứ A-Lưới là: “Xe tăng Việt Cộng đang trên hầm chỉ huy,
mầy nói pháo binh bắn lên đầu tao, chờ tụi nó xuống tao sẽ tự tử, vĩnh biệt
mầy, Kiệt ơi.” Căn cứ hỏa lực 31 thất thủ, bên trong gồm Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3
Nhảy Dù, BCH Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh, Pháo Đội 33 của Nguyễn Văn Đương…”. Và,
người hùng Pháo Đội Trưởng Nguyễn Văn Đương chấp nhận hy sinh để khỏi lọt vào
tay Cộng quân.
Trần
Thiện Thanh viết lên lời ca vô cùng xúc động:
“Anh
không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương
Tôi
vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu
Nghe
trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau
Và
tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi…
… Ôi
đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu
cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong
những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu
Ôi
tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh
Không,
anh không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi
thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên
khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt
nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh ...”
Ca
khúc “Anh Không Chết Đâu Anh” là một trong những ca khúc được trình bày trong
một bộ phim truyền hình có tên là “Trên Đỉnh Mùa Đông” do Trần Thiện Thanh làm
đạo diễn, ra mắt vào năm 1972.
Trong
bộ phim này, còn nhiều ca khúc bất hủ nữa của Trần Thiện Thanh cũng được hát:
Trên Đỉnh Mùa Đông, Mùa Đông Của Anh, Chiều Trên Phá Tam Giang… Cuốn phim đã
làm rơi lệ của biết bao nhiêu khán giả, đã mô tả được phần nào cái chết bi hùng
của Đại Úy Nguyễn Văn Đương tại chiến trường Hạ Lào, trong chiến dịch hành quân
Lam Sơn 719.
Đồi
Charlie với cao độ 900 mét, Tây Bắc tỉnh Kon Tum, một cứ điểm quân sự để kiểm
soát cả một vùng rộng lớn ngã ba Đông Dương... Địa danh này nổi tiếng với nhiều
trận giao chiến khốc liệt giữa Quân Lực VNCH và đồng minh Hoa Kỳ với Cộng quân.
Ngày
25 tháng 3 năm 1972, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù được trực thăng vận bốc vào vùng hành
quân. Đơn vị thiện chiến nầy nhảy ngay trên đầu địch làm cho chúng bất ngờ và
nhiều trăm tên bị tan xác tại đây, lúc này cuộc hành quân đang đi vào giai đoạn
chót. Trung Tá Nguyễn Đình Bảo cùng Đại Đội chỉ huy và Đại Đội 110 trấn giữ
ngọn đồi, 3 Đại Đội còn lại đóng chung quanh ngọn đồi. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn Nhảy
Dù đóng ở xa vài chục cây số để yểm trợ.
Cộng
quân dốc toàn bộ toàn bộ pháo kích vào Charlie thật nặng, mỗi ngày hàng ngàn
quả đại bác 130 ly, 122 ly và cả hỏa tiễn 122 ly…
Cộng
quân gia tăng quân số dù hàng ngàn cán binh trẻ từ miền Bắc đã bị nướng thiêu
trong bom đạn nhưng họ vẫn ngông cuồng thí quân bao vây ngọn đồi Charlie. Dùng
trận đánh “biển người” này, hầm chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo đã lãnh
trọn 1 trái đạn pháo 130 ly và anh đã hy sinh! Sau 4 ngày đêm chiến đấu, ngọn
đồi Charlie đã bị mất, cộng quân tràn ngập. Xác chết của Trung Tá Nguyễn Đình
Bảo tuy đã gói trong 3 lớp vải dù poncho nằm lại ở giao thông hào mà cũng bị bom
đạn của quân ta trút xuống đánh bật Cộng quân, cày nát xác thân anh. Charlie đã
tan tành, chung quanh chỉ là khói tro quyện với thây người chết của cả hai bên.
Cố
Đại Tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh tại Charlie ngày 12 tháng 4 năm 1972 khi vừa
đúng 35 tuổi.
Ca
khúc “Người Ở Lại Charlie” của Trần Thiện Thanh, một trong những ca khúc được
nhiều người ngưỡng mộ với người chiến sĩ VNCH:
“Anh!
Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng,
chính anh là ngôi sao mới
Một
lần này chợt sáng trưng
Là
cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng…
Ngày
anh đi, anh đi anh đi từ tổ ấm
Anh
ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh?...
Toumorong,
Dakto, Krek, Snoul
Trưa
Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
Anh!
Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình
Charlie,
tên vẫn chưa quen người dân thị thành…
Xin
một lần thôi, một lần thôi
Vẫy
tay tạ từ Charlie
Xin
một lần nữa, một lần nữa
Vẫy
tay chào buồn anh đi”.
Với
binh chủng Thiết Giáp, nhạc phẩm “Bắc Đẩu” của TTT và Trần Thiện Thanh Toàn ghi:
Tặng anh hùng mũ đen Bắc Đẩu Nguyễn Ngoc Bích”. Cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích, Chi
Đoàn Trưởng CĐ 2, Thiết Đoàn 18:
“Người
bỗng trở thành vì sao Bắc Đẩu
Lẻ
loi tinh cầu đêm đen không dấu
Một
tối chớm hè đạn pháo chuyển mưa
Cây
Cầu Ga nhỏ anh qua, anh qua…
Xin
muôn năm như vì sao sáng đó
Hỡi
người định mệnh là vì sao lẻ
Dậy
đi Bắc Đẩu, dậy đi Bắc Đẩu
Bừng
mắt dậy soi sáng thiên thu...
Người
tên Bắc Đẩu chết trận La Vang
Liệm
xác ba lần Ngọc bích cũng tan
Chỉ
còn vì sao thôi, chỉ còn vì sao thôi”
Danh
hiệu Bắc Đẩu là đặt lệnh truyền tin của anh Nguyễn Ngọc Bích. Trường hợp Trần
Thiện Thanh sáng tác ca khúc nầy theo lời kể của anh Lê Văn Mạnh (Thiếu Tá kỵ
binh) cho biết, trong buổi gặp nhau ở quán nhậu tại Sài Gòn, TTT thấy hai vị
Thiếu Tá kỵ binh Trần Hữu Thành và Lê Văn Nho ngồi uống beer với nhau, hai
người nhưng có 3 ly, mỗi khi uống rót beer vào 3 ly rồi thay phiên nhau uống ly
beer người vắng mặt. TTT thấy lạ nên đến hỏi cho biết “sự tình”. Khi ở chung
đơn vị, 3 anh em thường có nhau, nay một người đã mất, để tưởng nhớ người bạn
không còn nhau nữa nên lúc nào cũng vậy. Cảm tính tình chiến hữu với nhau nên
ca khúc “Bắc Đẩu” hình thành…
Ca
khúc Rừng Lá Thấp, TTT viết cho người bạn cùng quê ở Phan Thiết, Đại Úy Vũ Mạnh
Hùng trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, đã hy sinh khi chận quân địch tại
Hàng Xanh, Cầu Bình Lợi trong trận Mậu Thân!
Đại
Úy phi công Trần Thế Vinh, đã vị quốc vong thân trên vùng trời Trị Thiên ngày 9
tháng 4 năm 1972. Ca khúc “Bay Lên Cao Đi Anh” của Trần Thiện Thanh không than
khóc, ủy mị mà vẽ lên nét hào hùng chiến sĩ Không Quân:
“…
Cao bay lên cao, bay lên cao đi anh
Như
trong kỷ niệm, anh đạp gió xé mây trôi
Cao
bay lên cao, bay lên cao đi anh
Xin
linh hồn anh, lên trời cao bay thật mau
Xin
cho cao thêm cho thêm lên cao lên
Cao
câu nguyện cầu cho tuổi trẻ sớm đi xa
Xin
cho cao lên cho cao lên cao lên
Hãy
ngước nhìn không gian Việt Nam cao diệu vợi
… Bay
lên bay lên cao đi anh
Mang
theo hào hùng cho cuồng bão biết xôn xao
Bay
lên bay lên cao, bay lên cao đi anh
Thế
giới chìm sâu anh vừa qua còn mộng du
Cao
bay lên, cao bay lên cao, đi anh
Xin
linh hồn anh lên thật cao lên thật nhanh”
Với
Không Quân và Hải Quân, Trần Thiện Thanh tô đẹp biết bao hình ảnh của quân
chủng nầy. Ca khúc Tuyết Trắng, TTT dùng hình ảnh mây trời như tuyết, quá
tuyệt:
“Đây
áo bay màu xanh xanh như tình ái
Thắt
lại khăn ấm chính em đan
Khi
gió quay cuồng sau cánh bay
Con
tàu thét gầm cho tim ngất ngây
Phi
đạo chạy dài anh cất cánh bay lên…
Ngả
nghiêng cánh chim con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi
Mây
giăng thật thấp mây đan lụa trắng mây pha màu nắng.
Vượt
cao vút cao mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần
Tuyết
ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương.
Khi
nắng chiều đi không gian chợt tối
Xóa
nhòa vùng tuyết trắng mông mênh
Anh
ước sao tình mình như tuyết trinh
Cho
dù chúng mình không gian cách ngăn
Cho
dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm”.
Nhạc
phẩm Hoa Biển của TTT và Anh Thy, đại lễ và quân phục của quân chủng, thủy thủ
màu trắng, sóng biển màu trắng… tất cả đều là màu trắng giữa đại dương, màu hoa
biển:
“…
Tại em suy tư bên bờ vắng
Nên
đêm vượt trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em
Cho
anh thì thầm em ơi tình mình trắng như hoa đại dương
Trùng
khơi nổi gió lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa
Màu
hoa thật trắng, ôi hoa nở thắm ngất ngây lòng thêm
Vượt
bao hải lý chưa nghe vừa ý, lắc lư con tàu đi
Chỉ
thấy bọt nước, tan theo ngọn sóng dáng hoa kia mịt mùng
Biển
khơi không mang hoa màu trắng
Tàu
anh xa xôi chưa tìm bến
Nên
em còn hờn, nên em còn buồn sao chưa thấy anh sang
Em
ơi giận hờn, xin như hoa sóng tan trong đại dương”
Ngoài
ra, TTT còn sáng tác Sư Đoàn I Bộ Binh VNCH Hành Khúc cho đơn vị nầy trấn đóng
ở vùng giới tuyến.
“Đây Sư Đoàn 1, đây Sư Đoàn Giới Tuyến
Chiến
Sĩ Tiền Phong nơi tuyến đầu Việt Nam
Lam
Sơn oai hùng, tay xây đài chiến thắng
Súng
thép đập tan quân Bắc phương hung tàn…
Quân
Dân chung lòng, vang câu hò chiến thắng
Chiến
thắng lừng danh, cao ngất như Trường Sơn
Gian
nguy coi thường, ta kiên cường chiến đấu
Quyết
chí đập tan quân Bắc phương ngông cuồng”.
*
Trong
tâm hồn lãng mạn, đa tình của ca sĩ và nhạc sĩ, Nhật Trường Trần Thiện Thanh có
nhiều hệ lụy với cuộc tình. Ngay thời còn đi học, có phải cô nữ sinh (Nhường)
là mối tình đầu? và, tiếp đó cô nữ sinh Hồ Mỵ Châu, đẹp nổi tiếng ở Chợ Lầu
cùng chàng trai trong mối tình ở trường Ngô Đình Khôi… chỉ là bóng mây.
Bài
viết Những Bài Hát Của Một Thời Binh Lửa của Phạm Tín An Ninh ghi lại mẩu
chuyện: “Sau mùa hè 1972, đơn vị tôi từ chiến trường Kontum được chuyển về
dưỡng quân một tháng tại hậu cứ Sông Mao, Phan Thiết. Trong một đêm văn nghệ do
tỉnh Bình Thuận tổ chức ủy lạo chiến sĩ, bất ngờ có sự tham gia của ca sĩ Nhật
Trường nhân dịp anh từ Sài Gòn về thăm quê (quê anh ở Phan Thiết). Lúc ấy anh
còn trẻ, đẹp trai và hoạt bát. Anh ngồi chung bàn với tôi. Trong lúc tâm tình,
khi nghe tôi nói là ngày mai sẽ về thăm vợ ở Ninh Hòa, anh tròn mắt nhìn tôi
rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ, có một thời anh đã say mê một cô gái Ninh Hòa. Sau
đó anh lên sân khấu hát tặng tôi bài Mùa Đông Của Anh, và nhờ tôi chuyển đến cô
gái Ninh Hòa nào đó hai câu:
...
Xưa hôn em một lần mà đau thương tràn lấp...
Anh
yêu em một ngày rồi xa em trọn kiếp...”
Và,
trong tình trường, không phải lúc nào cũng toại nguyện, có khi mang lại nỗi đau
mà nhạc sĩ tỏ bày trong “Hoa Trinh Nữ” như: “Tôi chỉ là người lính phong trần. Thấy
hoa nhớ người yêu rất xa” mà một thời dư luận cho rằng tác giả yêu nàng ca sĩ
nhưng nàng chắp cánh với “ông hoàng” ở cao nguyên.
Trên
trang mạng traixuviet.wordpress.com ghi lại cuộc tình và cuối đời của Trần
Thiện Thanh:
“…
Người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thành hôn với ông tại Phan Thiết
khi ông chưa đầy 20 tuổi, trước khi hai người cùng vào Sài Gòn sau đó. Chị Trần
Thị Liên và ông có với nhau 4 người con, 2 trai, 2 gái là Anh Chương, Thanh
Trân, Thanh Trúc và Anh Châu. Tuy nhiên hai người đã chia tay nhau một thời
gian trước biến cố tháng 4 năm 75.
Trong
thời gian còn ở lại Việt Nam sau năm 75, khi thường đi trình diễn chui ở các
tỉnh miền Nam, Nhật Trường sống chung với Kim Dung, trước đó cũng là một ca sĩ
trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.
Gần
gũi nhau trong những lần diễn với nhiều khó khăn đó, họ đã trở thành vợ chồng
và vài năm sau hai người có với nhau một con trai tên Anh Chính, (sau nầy theo
Nhật Trường sống chung với Mỹ Lan ở Nam California). Nhưng cuộc sống vợ chồng
giữa Kim Dung và Nhật Trường cuối cùng cũng đã đi đến đổ vỡ. Và người vợ thứ
hai của ông hiện cũng đã có gia đình khác ở Việt Nam.
Vào
năm 1993, Nhật Trường Trần Thiện Thanh rời Việt Nam sang Hoa Kỳ theo diện
“fiancé” do nữ ký giả Nam Trân bảo lãnh.
Tuy nhiên sau đó, lục đục xẩy ra giữa hai người nên tình trạng của Trần Thiện
Thanh không được hợp thức hoá theo diện di trú, cho đến khi được người con trai
trưởng của ông là Anh Chương, qua Mỹ trước đó và đã có quốc tịch Hoa Kỳ, đứng
đơn bảo lãnh.
Tuy
vậy tình trạng cư trú của ông vẫn chưa được chấp nhận. Phải đợi mãi cho đến
ngày 12 tháng 5 năm 2004, tức 6 tháng trước khi phát hiện ra bệnh ung thư phổi
và 1 năm trước khi mất, ông mới bất ngờ nhận được “green card” để có thể đi
trình diễn ngoài nước Mỹ.
… Nhật
Trường và Mỹ Lan trước khi ra hải ngoại cũng đã biết nhau qua những lần cùng đi
diễn ở các tỉnh ở miền tây. Thời đó Mỹ Lan còn là một vũ công thường theo các
đoàn hát đi lưu diễn đó đây trong những năm 76, 77. Tuy nhiên giữa hai người
chẳng hề có một ấn tượng nào về mặt tình cảm.
Nhưng
định mệnh đã đưa đẩy họ đến gần nhau vào năm 1993. Đó là năm Nhật Trường sang
Mỹ và cư ngụ tại Nam California vào tháng 3…
… Sau
mười mấy năm không hề liên lạc, lần đầu tiên Nhật Trường và Mỹ Lan gặp lại nhau
trên đất Mỹ vào ngày 29 tháng 5 năm 1993 trong một chương trình đại nhạc hội do
cố ca nhạc sĩ Duy Khánh tổ chức tại Seattle, tiểu bang Washingon. Trước đó, mỗi
người có một đời sống gia đình riêng tư phải lo lắng.
… Và
từ khoảng giữa thập niên 90, người ta thường thấy tên tuổi Nhật Trường – Mỹ Lan
xuất hiện tại các chương trình nhạc hội tổ chức tại nhiều nơi trên đất Mỹ cũng
như trong những buổi văn nghệ có tính cách cộng đồng hay từ thiện.
… Mãi
đến năm 1985, Mỹ Lan mới bước chân vào con đường đi hát chuyên nghiệp. Đến năm
86, chị bắt đầu được biết đến tên tuổi. Và đến thời kỳ được nhiều người chú ý
thì Mỹ Lan cùng chồng con được hai chị Mỹ Hoa và Mỹ Phương bảo lãnh sang
Canada. sau khi mẹ và một chị khác là Mỹ Vân đã được bảo lãnh qua đây từ trước. Họ cùng đoàn tụ tại thành phố
Montreal vào năm 1988.
Vài
năm sau khi cư ngụ tại thành phố này, cuộc hôn nhân giữa Mỹ Lan và người chồng
đầu tiên đi đến đổ vỡ sau khi có với nhau 2 con trai…
Sau
12 năm sống với Nhật Trường Trần Thiện Thanh, từ năm 1993 đến khi ông qua đời vì
bệnh ung thư phổi (1 giờ 5 phút trưa ngày 13 tháng 5 năm 2005, Nhật Trường Trần
Thiện Thanh trút hơi thở cuối cùng)
Với
Mỹ Lan, ông có được cháu trai Trần Thiện Anh Chí. Ngoài ra đứa con trai tên Anh
Chính với người vợ thứ nhì là Kim Dung cũng ở cùng với ông và Mỹ Lan (lúc mới 8
tuổi).
…
Sau khi Nhật Trường Trần Thiện Thanh nằm xuống, dĩ nhiên không ít thì nhiều đã
xẩy ra những tranh chấp giữa những người con của người vợ đầu tiên, đặc biệt là
người con trai cả của ông với người vợ cuối đời của ông. Đó là những gì đã xẩy
ra mà Trần Thiện Thanh đã biết trước.
Tuy
nhiên theo Mỹ Lan, chị cho biết nếu những người con của ông làm được những điều
chị muốn làm cho Trần Thiện Thanh thì chị sẽ sẵn sàng hợp tác trong việc duy
trì và phổ biến những tác phẩm của ông.
Nhưng dù thế nào, Mỹ Lan vẫn tiếp tục theo đuổi con đường của mình. Những gì
chị đã, đang và sẽ làm, Mỹ Lan cho là đúng và nếu những người con của Nhật
Trường Trần Thiện Thanh muốn hợp tác trong cùng mục đích như vậy là một điều
rất tốt”.
Ngày
29 tháng 5 năm 2014 Thanh Toàn (TTAC) qua đời tại Texas. Thật ra, khi Trần
Thiện Thanh qua đời, vấn đề tranh chấp nhà cửa và bản quyền không có gì trầm
trọng vì tình nghệ sĩ trong gia đình với nhau, dành cho đứa con thơ là Trần
Thiện Anh Chí và Mỹ Loan là người giám hộ. Thế nhưng có vài tờ báo xé chuyện
nầy ra to, làm đau lòng người quá cố! Tuy trải qua 3 đời vợ nhưng TTT có tình
thần trách nhiệm và quan tâm đến những người con.
Với
tài hoa sáng tác của Trần Thiện Thanh, có nhiều bài viết, ca khúc “Trần Thiện
Thanh, Dòng Nhạc Một Thời Chinh Chiến” của Thụy Long với lời ca, vinh danh
người nằm xuống:
“Xin
cám ơn anh, một thời chinh chiến
Tay
ôm đàn, ôm súng viết tình ca
Tầm
đạn bay xuyên qua từng nốt nhạc
Những
trận hành quân để biết nhớ nhà…
Cám
ơn anh, cám ơn anh gót giày saut áo trận
Mang
vào đời những dấu vết yêu thương
Giọt
mồ hôi mặn mà thêm thân phận
Tiếng
hát anh làm rung động cả chiến trường.
Những
khúc tình ca một thời chinh chiến
Anh
viết cho người góa phụ ngây thơ
Cho
bà mẹ già chờ tin chiến tuyến
Chưa
thấy con về, chưa thấy con về mắt đỏ bơ vơ...”.
Nếu
cho rằng sử thi là dòng thơ ghi chép lại giai đoạn lịch sử nào đó thì những ca
khúc của Trần Thiện Thanh, có thể nói lời ca của mỗi ca khúc là mỗi bài thơ
được bay bổng theo giai điệu của nhạc phẩm qua cung bậc… gom lại thành sử thi
của thời chinh chiến.
Khoảng hai trăm ca khúc của Trần Thiện Thanh, có một phần ba mang theo
hình ảnh người lính, người yêu của lính khi yêu nhau, lúc nhỏ lệ dưới vành khăn
tang.
Nhật
Trường Trần Thiện Thanh đã trở về với cát bụi nhưng tiếng hát và nhạc phẩm của
anh vẫn tỏa sáng nơi xứ người. Với người lính năm xưa, nhạc và lời của anh vẫn
còn vang vọng, bay bổng trong cánh dù, thấp thoáng giữa mây trời, tuyết trắng,
bồng bềnh cùng hoa biển với đại dương. Anh là người thiên cổ nhưng “anh không
chết đâu anh”: Nhật Trường Trần Thiện Thanh.
Vương
Trùng Dương
Little Saigon, Oct 2018
(Người
Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ)