Chợ trời ở Sàigòn, sau năm 1975.
– Mại dzô… Mại dzô… Đồng hồ mười hai trụ đèn, không người lái, hai cửa sổ… Xem thử đi… Cái đồng hồ này đáng giá cả một gia tài, nhưng bây giờ chỉ bán với giá ủng hộ…
– Chụp ảnh lấy liền chỉ mất 30 giây bằng máy Polaroid tối tân của Mỹ… Chụp đầy đủ cả bộ Đạp-Đổng-Đài để làm kỷ niệm… Chỉ còn một ít giấy ảnh, chụp ngay kẻo hết… Một tấm giá chỉ 1 đồng tiền mới, không có tiền mới thì trả một ngàn đồng Ngụy cũng được…
“Đạo cụ”của anh thợ chụp hình gồm chiếc xe đạp, cái vỏ radio bằng da và nếu người chụp không có đồng hồ anh ta sẵn sàng cho mượn để thực hiện một bộ sưu tập Đạp-Đổng-Đài ( xe đạp - đồng hồ - radio )như quảng cáo.
Chợ trời là “nền kinh tế mới nổi’ trong thời kỳ vừa đổi chủ. Chợ trời, ve chai, lạc xoong nở rộ khắp hang cùng ngõ hẻm. Bụng đói nên mọi người phải ra đường kiếm kế mưu sinh. Trong hàng ngũ dân chợ trời, những người chân chính kiếm sống gồm đủ thành phần.
Nhà giáo vì “mất dạy,” “vô lương “ nên phải đứng chợ trời. Công chức mất sở làm phải ra chợ trời, còn ngụy quan ngụy quyền bận đi cải tạo. Từ xưa, trong mắt số đông người miền Nam, chợ trời đồng nghĩa với sự lừa đảo, dối trá, ma lanh, láu cá. “Dân chợ trời” là một cụm từ ngữ miệt thị chỉ những tay mua bán theo cơ hội, thời cơ nhưng trong thời điêu linh, thì Sàigòn biến thành một chợ trời khổng lồ, trong đó đủ các thành phần xã hội, thượng vàng hạ cám. Tất cả chỉ vì miếng ăn, có cái tọng vào họng là được, bất kể sang hèn.
Về mặt kinh tế, những nơi nào có nhu cầu mua-bán thì ở đó có chợ trời. Tuy nhiên, xét cho cùng, chợ trời thời đó là một hình thức tự phát khi nhu cầu của người miền Nam cần bán những mặt hàng được coi là không còn cần thiết trong tình hình mới gặp nhu cầu của người mua là những người đến từ phương Bắc, họ săn nhặt những mặt hàng lạ còn sót lại từ thế giới tư bản miền Nam.
Bước vào khu vục chợ trời, bạn sẽ được chào đón bằng câu: “Có gì bán không anh?” Nhiều người tỏ vẻ bất bình trước câu hỏi sỗ sàng đó, có người lại trả đũa một cách khó chịu: “Tôi bán tôi, anh có mua không?” Sau này, không ngờ câu hỏi cay cú đó lại được sử dụng ở các chợ người, hay còn gọi là “chợ lao động.”
Nhà văn Hoàng Hải Thủy vốn là người rất ít khi làm thơ nhưng chợ trời đã khiến ông “tức cảnh” với những dòng dưới đây:
Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây?
Chợ bày những đọa cùng đày
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa
Bán đồ toàn những người ta
Mua đồ thì rặt những Ma cùng Mường
Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường
Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây!
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây?
Chợ bày những đọa cùng đày
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa
Bán đồ toàn những người ta
Mua đồ thì rặt những Ma cùng Mường
Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường
Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây!
Đến khi thân nhân ở nước ngoài gửi quà về ViệtNam qua sân bay Tân Sơn Nhất và bưu điện đường Hai Bà Trưng lại phát sinh một nghề mới, nghề chợ trời mua thu gom đồ. Họ bám lấy người đi lãnh đồ như ruồi, không tiền đóng thuế cho hải quan, họ tình nguyện đóng thuế giùm, miễn là bán lại đồ cho họ.
Vậy là ngoài chợ trời lạc xoong còn có chợ trời thuốc tây. Người ta có thể tìm mua đủ các loại tân dược tại đây, từ những viên thuốc cảm, sổ mũi, nhức đầu cho đến thuốc “đặc trị” huyết áp, tiểu đường, thấp khớp – cái thì còn “đát” nhưng có cái hết “đát” từ mấy năm về trước. Nguồn hàng có xuất xứ đa dạng: thuốc từ các viện bào chế trước 1975, thuốc từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và sau này còn có cả thuốc từ các nước tư bản do thân nhân từ nước ngoài gửi về.
Nguồn thuốc gửi về có đến 90% tìm đường ra chợ trời vì người nhận thuốc không phải để uống mà để bán đi lấy tiền lo cơm áo hàng ngày. Người ta quan niệm, chống đói quan trọng hơn chống bệnh tật gấp nghìn lần. Thân nhân ở nước ngoài được báo là cứ gửi thuốc về, mặt hàng này có giá rất cao nếu so với quần áo, vải vóc, mỹ phẩm, kẹo bánh. Hơn nữa, trọng lượng lại rất nhẹ cân nếu so với các “hàng viện trợ” khác, đỡ tốn cước phí đối với người gửi.
Từ Mỹ, từ Pháp cũng xuất hiện những công ty của người Việt chuyên gửi thuốc tây về Việt Nam với danh sách các loại thuốc “hot” nhất, có nghĩa là bán được nhiều tiền nhất trên thị trường chợ trời. Tại Sàigòn có cả một hệ thống thu mua mặt hàng thuốc tây, họ là dân chợ trời nhưng đến tận nhà. Hệ thống chân rết này bắt đầu từ những tay “cò,” có mặt tại khu lãnh hàng trên phi trường Tân Sơn Nhất hay bưu điện, thấy ai lãnh thuốc là xin địa chỉ đến tận nhà để mua, vừa kín đáo lại vừa an toàn.
Dân chợ trời thuốc tây cũng xuất thân đủ mọi ngành nghề: từ ông dược sĩ chính hiệu bị mất sở làm đến anh “sĩ quan ngụy” vừa tốt nghiệp cải tạo, từ tên chuyên nghiệp mánh mung đầu đường xó chợ đến kẻ trong túi không có tiền uống cà phê cũng ra chợ trời buôn nước bọt. Họ đứng ra làm trung gian, dẫn mối…
Ngồi viết lại chuyện chợ trời để nhớ lại một thời điêu linh.
Phan Tất Đại
SÀIGÒN CỦA TÔI 50 NĂM TRƯỚC
Nguyễn Đạt
Đặt chân tới Sài Gòn năm 1954, lúc ấy tôi là đứa bé 9 tuổi, theo gia đình từ miền Bắc di cư vào miền Nam tự do. Ký ức của đứa bé 9 tuổi hẳn nhiên không thể ghi nhận được gì nhiều. Nhưng đứa bé ấy lớn lên và sinh sống tại Sàigòn từ thuở đó tới bây giờ, nên dẫu sao những hình ảnh đậm nét của Sài Gòn 50 năm về trước vẫn dễ dàng gợi dậy trong ký ức.
Ấn tượng về Sàigòn trong tôi cũng không phai nhạt bao nhiêu, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Ấn tượng sâu đậm, bởi Sàigòn những ngày tháng ấy quá mới lạ trong tâm trí tôi, đứa trẻ đã trải qua một đoạn đời ấu thơ tại Hànội. Điều đầu tiên tôi nhận biết lúc ấy, tôi nói với cha tôi, là Sàigòn có vẻ rất Tây so với Hànội. Cha tôi bảo, bởi vì một trăm năm Pháp thuộc, Sàigòn và miền Nam là thuộc địa; trong khi Hà nội của miền Bắc là bảo hộ.
Cha tôi làm thông ngôn trong quân đội liên hiệp Pháp, dạy tiếng Pháp cho các con từ nhỏ; nên tôi nhớ được rành rõ những tên Pháp ngữ đặt cho nhiều đường phố lớn của Sàigòn lúc ấy. Căn nhà đầu tiên của gia đình chúng tôi khi vào Sàigòn ở đường Bà Hạt, quận 10. Đường Bà Hạt là đường phố nhỏ, một đoạn chạy ngang đường phố lớn mang tên Tây, là Lacaze – tức đường Nguyễn Tri Phương.
Vài năm sau, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho thay thế tên Tây; vẫn giữ lại tên những danh nhân thế giới, dù danh nhân ấy là người Pháp, như Calmette, Pasteur, Alexandre De Rhodes… Những đường phố mang tên Tây, đa số là quan chức Pháp, được thay thế: Bonard – Lê Lợi; Charner – Nguyễn Huệ; Galliéni – Trần Hưng Đạo; De La Grandrière – Gia Long; Catinat – Tự Do; Lacaze – Nguyễn Tri Phương… Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, dân Sàigòn vẫn nói: đi bát phố Bô-Na, Catinat; đi mua hàng ở thương xá Charner… Người Sàigòn luôn là gọi tên Tây, cho 3 đường phố đẹp bậc nhất của Sàigòn.
Phố phường Sàigòn lúc ấy đa số là những con đường lớn rộng, dài dằng dặc. và rất nhiều cổ thụ. Đặc biệt loại cây có tên rất bình dân là cây dái ngựa – tên khoa học là meliaceae – thân to nổi mấu gồ ghề, tỏa rộng cành lá, bóng mát ngợp đường Lê Đại Hành, trước mặt trường đua Phú Thọ, quận 11.
Hàng cây me xanh mát mắt suốt con đường Gia Long – con đường có bệnh viện Grall do người Pháp lập nên, giữa vườn cây rộng rinh. Rừng cao su bát ngát, chạy dài theo con đường Nguyễn Văn Thoại, từ trường đua Phú Thọ tới ngã tư Bảy Hiền…
Cây trồng ở Sàigòn phong phú là nhờ công sức của vị giám đốc sở thú đầu tiên, người Pháp. Ông từng là chuyên viên nghiên cứu về cây trồng ở nhiều nơi trên thế giới; nhất là vùng nhiệt đới ở phi châu, có nhiều loại cây thích hợp với thổ nhưỡng Sàigòn.
Năm tôi còn nhỏ tuổi, cha vẫn dẫn đi chơi mỗi chủ nhật. Vào vườn ông Thượng, còn có tên tây là Bờ-Rô, sau đó mới gọi tên là vườn Tao Đàn; dẫn đi chơi ở sở thú – Thị Nghè… Những năm sau này, lớn thêm vài tuổi, lại được anh cùng cho đi “bát phố Bô-Na”, để thấy rõ Sàigòn quả là rất Tây; tôi tha hồ thưởng ngoạn vẻ đẹp “Paris” của nó.
Tản bộ trên đường Catinat, từ nhà thờ Đức Bà tới bến Bạch Đằng, nhìn ngắm các cửa hiệu sang trọng thời thượng dọc con phố. Và Passage Eden, rất nên gọi là “hành lang đi bộ”, chính diện nhìn ra đường Catinat. Passage Eden gồm trong đó: bát phố; xem chiếu phim – trong rạp Eden giữa lòng hành lang; mua sắm; ăn kem uống cà phê ăn tối ở quán Givral liền bên… và ngắm nhìn trai thanh gái lịch, quý ông bà Sàigòn, cũng ở trong đó.
Trai thanh – quý ông thì áo sơ mi quần tây trắng lốp; mũ flechet; giày deux couleurs; đồng hồ quả quít đeo ở dây lưng. Gái lịch – quý bà thì áo dài lemur-cát tường không thua phụ nữ Hànội, hoặc vận jupe như“bà đầm”; tay xách porte feuille, chân đi guốc cao gót; tóc búi cao hoặc uốn dợn sóng, cổ đeo kiềng vàng…
Ra vào passage Eden nhiều lối, ưa thích ra vào lối nào cũng được. Anh tôi dẫn tôi vào lối cửa ở đường Charner, rồi đi vòng qua Bonard, rồi ra cửa Catinat… rồi chúng tôi ghé hiệu sách Albert Portail – sau có tên là Xuân Thu – sát cạnh đó, toàn là sách từ bên Tây đưa sang, tha hồ mà đọc mà ngắm.
Tôi còn cùng lũ bạn học trường Chu Văn An, trường-trung-học-di-chuyển-Bắc-Việt (có ghi ở bảng hiệu của trường như vậy, vì trường cũng di cư từ Hànội vào Sàigòn) đi chơi và chụp ảnh lưu niệm Sàigòn.
Bất cứ buổi sáng chủ nhật nào, góc thân thuộc nhất, tập trung nhiều nhất các “bác phó nhòm” chính là quảng trường trước mặt quán Givral. Mái hiên cong kiều diễm của quán Givral, và con đường Catinat thẳng tắp, với hai hàng cây hai bên chạy dài ngút mắt, đã đi vào không biết bao nhiêu tấm ảnh lưu niệm Sàigòn. Rồi còn cả những tấm ảnh của cả gia đình, lưu niệm ngày đi mua sắm ở thương xá Charner; và cả buổi dùng bữa cơm tây ở một nhà hàng Pháp trên phố Bonard…
Những ngôi đền Ấn Độ giữa lòng Sàigòn lúc ấy cũng đi vào ký ức của đứa bé miền Bắc di cư khá đậm nét. Sao mà Sàigòn nhiều đền đài của Ấn giáo, với kiến trúc tinh tế kỳ công đến thế. Những ngôi đền uy nghi tọa lạc ở các con đường Tôn Thất Thiệp – Trương Định – Công Lý của quận 1, trung tâm Sàigòn. Người Ấn Độ sinh sống tại Sàigòn khá đông, chỉ không nhiều bằng người Tàu, ở cả một vùng Chợ Lớn. Tôi nghe dân Sàigòn gọi họ là Chà Và. Sau này tôi mới hiểu, Chà Và là đọc trại từ Java, gọi chung cho người Ấn Độ và người Mã Lai; họ thường làm nghề mại bản, quản lý nhà đất, cho vay tiền, làm trung gian giữa người Việt và người Pháp…
Có lẽ cái mới lạ, và thấy thân thương nhất đối với người miền Bắc di cư vào Sàigòn như tôi, là những quán tiệm bình dân, tiệm Tàu kiều. Hai thứ quán tiệm này khá giống nhau. Buổi sáng tới quán, những ông già Sàigòn đọc-nhựt-trình, nói chuyện ưa chêm tiếng Pháp, xưng tôi là mỏa(moi); những bà già hút thuốc điếu; những anh tài xe xích lô máy chở cả vợ con trong lòng xe rộng bè, tới quán ăn hủ tíu uống cà phê, xong chở về nhà rồi mới đi chở khách.
Một thời gian trong năm 1954-55, khi có xài tiền 5 cắc bằng kim loại; thì tại Sàigòn, cứ việc lấy giấy bạc một đồng – có hình Nam Phương Hoàng Hậu – mà xé làm hai, xài một nửa tương đương 5 cắc! Thật là thuận tiện, đơn giản.
Người Sàigòn – Nam Bộ không cần thiết phải biết tên người mới quen; chỉ hỏi người này là con thứ mấy trong gia đình, để kêu anh hai, anh ba… thân thương biết mấy! Chuyện trò với người Sàigòn – Nam Bộ, câu chuyện của họ giản dị, rõ ràng, không úp úp mở mở; không bắt người cùng trò chuyện với mình phải chịu đựng sự vòng-vo tam quốc, sự rào trước đón sau, như rất nhiều người miền Bắc và miền Trung, trong đó có dân di cư năm 1954 thường như vậy.
Nguyễn Đạt