Ầu Ơ, Gió đưa bụi chuối sau hè.... - Tiểu Thu
Trên màn ảnh T.V hiện ra một căn nhà nhỏ, giữa một khu vườn sum suê cây trái. Những tàu lá chuối xanh tươi phe phẩy trong nắng vàng. Mấy bụi tre già, một cái ao nhỏ, từng dề lục bình nở hoa tím ngắt. Có tiếng chim ríu rít trên cành cây. Một thiếu phụ mặc chiếc áo bà ba lụa tím, quần đen, tóc xõa ngang vai, từ trong nhà bước ra, tay bồng một đứa trẻ được quấn kín mít, rồi tiếng nữ ca sĩ Hương Lan cất lên sầu thảm :
Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông...
Bỗng dưng My thấy tim mình nặng trĩu . Mỗi lần nghe mấy lời ru con này là My chạnh nhớ tới cô Ba, người cô hiền lành tội nghiệp của My... Ông nội có bảy người con, cô là con gái lớn, ba My thứ năm. Cô lấy chồng năm mười bảy tuổi, dượng ba Hiếu là con cả nên cô làm dâu rất cực.
Cô dượng có ba gái: chị Mai, chị Xuân, chị Liên và một trai là anh Đông. Chị Mai giống cô, người nhỏ nhắn, trắng nõn, hiền ơi là hiền. Chị cũng lập gia đình sớm. Theo My chị mai là người đàn bà sướng nhất thế giới, vì cả đời, chị không bao giờ phải chịu đựng cái cảnh “hiến binh gác cửa” hàng tháng như tất cả những người phụ nữ khác. Và rất chi là phản khoa học: đều đều mỗi năm chị cho ra đời một nhóc tì! Hình như cũng tới năm sáu đứa.
Gia đình anh Minh sống về nghề ruộng rẫy nên chị đầu tắt mặt tối, nhà ở tuốt trong đồng xa, quê rít quê rang... Chị Xuân may mắn hơn, lấy chồng về miệt chợ. Anh Khanh hiền, mồ côi cha mẹ, lúc nào cũng tươi cười nên rất được lòng mọi người. Chị Xuân to lớn, phốp pháp giống hệt dượng hai Hiếu. Làm biếng vô song nhưng được cái miệng ngọt như đường cát, mát như đường phèn. Tối ngày hai bên hàng xóm cứ phải nghe cái giọng Điêu Thuyền lảnh lót của chị: Anh ơi làm dùm em cái này... Mình ơi lấy giùm em cái kia... Thậm chí có người nghe:- Anh ơi thằng Khôi... ị! (My không biết có phải vì lòng ganh ghét khiến cho bà hàng xóm đâm ra... lãng tai chăng?). Nhưng ngặt nỗi anh chàng Đổng Trác Khanh thì cứ hồ hởi:- Gì đó em?- Ừa, để đó cho anh làm cho v.v và v.v...
Mấy mụ hàng xóm xấu bụng, thấy cái cảnh chị Xuân được chồng chìu chuộng, nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa thì rất lấy làm xốn con mắt, trề cặp môi như môi cá trèn bầu, xầm xì với nhau:
-Xời ơi, thứ đàn bà hư. Tối ngày có nước ngồi đó sai chồng!
(Mà nói nào ngay chị Xuân đâu có ngồi, cả ngày chị chỉ treo tòn teng trên võng đó chớ). Chuyện thấu tai chị Xuân, chị chỉ cười dòn như bắp rang:
- Chèn ơi, tui sai chồng tui chớ bộ tui sai chồng mấy bả sao mà mấy bả ngứa miệng vậy cà? Rồi quay qua ném cho anh Khanh một cái nhìn ướt rượt, chị ỏn ẻn:
- Phải vậy hôn mình?
“ Mình “ chỉ còn nước thộn mặt ra cười.
Chỉ tiếc là anh vắn số. Mới gần bốn mươi. Một bữa lái chiếc xe môtô xuống chợ Cao Lãnh, dọc đường không hiểu sao cả xe lẫn người bay khỏi thành cầu gỗ, lọt tuốt xuống rạch. Nước không sâu lắm, nhưng đầu anh bị đập vô đá, hôn mê bất tỉnh, chở xuống nhà thương chỉ được hai ngày thì anh mất. Chị Xuân trở thành góa phụ với bốn đứa con, ba gái một trai.
Vài năm sau, với cặp mắt trữ tình ướt rượt cộng với tiếng cười dòn tan, chị tái giá với một viên sĩ quan góa vợ. Và cái cảnh treo tòn teng trên võng, cái giọng Bao Tự Điêu Thuyền lại lãnh lót tiếp diễn trong sư... tức tối của mấy mụ hàng xóm xấu bụng!...
... Khi My ý thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh mình thì đã thấy cô ba Bạch cùng chị Liên và anh Đông ở chung nhà với ông bà nội và chú thiếm út. Gia đình My chỉ cách nhà ông bà một cái sân. Mà cái sân đó là cả một thế giới thần tiên đối với cô nhỏ My, mới lên bảy tuổi đầu. Mỗi buổi sáng, cái cảnh mấy chú gà trống tơ giành ăn mổ nhau túi bụi, rượt nhau chạy khắp sân, miệng la quang quác, lông lá bay tơi tả. Mấy chị gà mái tục tục gọi con, đám gà con lông vàng óng như tơ, quây quần bên gà mẹ, miệng kêu chim chíp. Chị heo nái ục ịt, vừa dẫn đám heo con thiệt dễ thương ột ệt theo sau thiếm út, miệng la eng éc... cứ tái diễn. My chỉ khoái chạy theo chọc mấy chú gà lôi xòe đuôi như đuôi công, rướn cổ có cái mồng đỏ chót hót lên cà rót... cà rót. Thiệt là nhộn nhịp vô cùng!
Má thương cô ba Bạch vì cô hiền lành, thiệt thà. Má nói là dượng ba Hiếu không phải là người tệ bạc lắm đâu. Cao lớn, đẹp trai như một ông tây. Tốt bụng, hay cà rỡn nên dễ chiếm cảm tình của người chung quanh. Thương vợ con lắm lắm, chỉ khổ cái là dượng có một quả tim hết sức mềm yếu, một tâm hồn nhạy cảm tối đạ Mà cái nghề buôn bán rày đây mai đó, nay Nam Vang mai Sàigòn, đã đem lại cho dượng không biết bao nhiêu là cơ hội... xấu! Một bận ghe cặp bến Nam Vang, dượng bị cảm nặng, phải vô nhà thương. Nơi đây dượng được đôi bàn tay ngà ngọc của một bà y tá người Việt Nam có cái tên rất đẹp là Minh Nguyệt, mới ngoài ba mươi cái xuân tình, săn sóc tận tâm nên dượng mau lành bịnh. Cô Nguyệt vừa lớn tuổi vừa không được đẹp nhưng bù lại có cách nói chuyện duyên dáng, ngọt như đường cát mát như đường phèn. Dượng ba hết bịnh nhưng lại đâm ra tương tư cô y tá tốt bụng!
Sau khi biết được cô Minh Nguyệt vẫn còn phòng không chiếc bóng, mỗi lần lên Nam Vang dượng đều kiếm cớ tới thăm người ơn với rất nhiều quà cáp. Và tài ăn nói duyên dáng, thêm tướng mạo bảnh trai (giữa thế giới ngưới Miên, dượng càng nổi bật bội phần!), Cô Minh Nguyệt lở thời này còn khuya mới chống cự nổi. Vậy là một cái tổ uyên ương mới được thành lập trên Nam Vang. Cho đến khi cô Nguyệt sanh thằng Liệt thì sự phản bội này cũng tới tai cô ba Bạch.
Cô ba của My hiền như cục bột, chỉ biết khóc lóc, thở dài than vắn, chớ cái mục đánh ghen thì bù trất! Hơn nữa tình địch ở tuốt trên Nam Vang, phần cô, cả đời chưa bước chưn ra khỏi cái quận Cao Lãnh, nói chi... ?!
Chợ Cái Dầu cách Cao Lãnh non hai chục cây số, nhưng thời đó chèo ghe đi cả buổi mới tới, nên hằng năm cô chỉ về thăm ông bà nội đôi ba lần.
Mấy lần sau này thấy con gái mặt mày héo úa như lá mùa thu, người ngợm cứ teo tóp dần, bà nội theo tra mãi, cô mới thú thật chuyện tệ hại của dượng Hiếu.
Bà nội lật đật đem chuyện này báo cáo khẩn với ông nội. Tất nhiên là sấm sét nổi dậy đùng đùng. Gì chớ ông nội cưng con gái số một. Ông liền khăn đóng áo dài, hét gia nhân hạ thủy ghe hầu, chèo một mạch lên Cái Dầu quyết hỏi tội thằng rể bất nghĩa.
May cho dượng ba Hiếu đang ở trên Nam Vang, nếu ở nhà dám được ông tía vợ tặng cho vài hèo! Ông nội My tuy người nhỏ thó, đen đủi, nhưng tiếng nói vang dội như chuông đồng. Cặp mắt sáng quắc, nhìn ai như muốn soi thấu tim gan người đó. Ông tự biết mình xấu xí nên hay kể một giai thoại về mình một cách thú vị:
-Hồi đó mới cưới bà của bây. Gia đình bà bên Mỹ Hiệp, phía bên kia bờ sông Cái, thuộc tỉnh Long Xuyên. Bữa phản bái tao đưa bả về nhà gái bằng ghe Tới bến bả lên trước, tao còn đang rửa chưn dưới sông thì có tiếng hỏi:
-Ủa chị Châu mới dìa hả. Ảnh đâu?
Bà bây trả lời ảnh còn đang rửa chưn dưới bến. Hai bà đứng nói chuyện láp giáp một hồi thì tao lên tới. Thấy tao bà kia kêu lên:
-Trời, bộ chồng chị đó hả?!
Nghe cái tiếng Trời hoảng hốt đó tao nghĩ chắc là mình xấu dữ lắm! Kể xong ông cười ha hả. Không một chút mặc cảm. Bởi tuy xấu xí nhưng ông rất thông minh, giỏi chữ Nho và hốt thuốc cũng khá mát tay nên rất được bạn bè cùng thời kính nể.
Ông cố của My giàu nhưng sáu ông con trai không được bảnh trai gì cho lắm. May mắn đầu óc vốn sáng suốt, ông lý luận rằng phải cưới dâu thiệt đẹp, nhà nghèo cũng được, cho đám hậu sanh nhờ. Mà phải công nhận là ông có lý tuyệt đối, vì sau này My có mấy bà cô họ đẹp nổi tiếng trong tỉnh nhà. Bà nội đẹp lộng lẫy. Ông nội cũng phải thốt lên :
- Tao đứng với bà bây không khác nào phụng đứng với gà!
Sau khi trình bày tự sự với ông bà suôi và được ông bà này hứa hẹn sẽ giải quyết mọi chuyện cho thiệt tốt đẹp, ông nội yên chí lớn, hân hoan ra về.
Nhưng ở đời đâu phải chuyện gì mình muốn cũng được? Cô Minh Nguyệt cho ra đời thêm một đứa con gái là con Thanh Trúc. Đến nông nổi này thì thật là tức nước vỡ bờ. Ông nội lại khăn đóng áo dài trở lên Cái Dầu lần nữa, nhưng lần này ông cương quyết bắt con gái về, kèm thêm hai đứa cháu ngoại chưa lập gia đình là chị Liên và anh Đông.
Nhà ông bà nội rộng minh mông. Ông bà chia hẳn cho má con cô ba cánh bên trái, bên phải thuộc về gia đình chú út với đám con bốn đứa. Cô ba Bạch vốn yếu đuối lại hiền như cục đất, không quen việc buôn bán như má của My, nên đành sống nhờ vào huê lợi của ông bà nội.
Vườn dừa bát ngát, gần trăm gốc xoài đủ loại, cam, quít, vú sữa, mận... cùng vài trăm mẫu ruộng cho tá điền mướn, ông bà nội dư sức nuôi cô con gái thiếu may mắn của mình. Về vấn đề vật chất không có gì phải lo, nhưng ở cô, My vẫn thấy có một cái gì đó không bình thường. Chẳng hạn như có bữa má sai My đem cho cô con cá lóc, gặp cô ngồi bất động, mắt dõi về một hướng xa xăm nào đó.
My kêu cô, cô mấy tiếng cô mới giựt mình trở về hiện tại, mà cặp mắt đỏ hoe, như người vừa mới khóc! My thấy thương cô dễ sơ... Thân thể cô càng ngày càng gầy gò, cặp mắt thụt sâu. Khi cô cười, người đối diện lại có cảm tưởng là cô mếu!
My nhớ cái Tết, vài tháng sau khi cô ba trở về ở với ông bà nội, dượng Hiếu có đến xin đón vợ con về Cái Dầu. Không biết hai người nói với nhau những gì, mà ông nội nổi giận đùng đùng, xách ba tong rượt chàng rể chạy có cờ! Dượng phóng vô phòng cô ba đóng chặt cửa, mặc kệ Ông già vợ đứng bên ngoài chưỡi xối xả! Sau vụ đó dượng Hiếu trở lên Nam Vang ở luôn với cô Minh Nguyệt và sanh thêm con Thanh Hương...
Cũng từ đó cô ba sống lặng lẽ như một cái bóng, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi! Má thương hoàn cảnh bất hạnh của cô nên giúp đỡ đủ thứ. Ông nội giận cá chém thớt, không muốn cho anh Đông đi học tiếp. Nhưng má thấy anh thông minh nên cứ theo năn nỉ và cuối cùng ông cũng bằng lòng cho anh xuống chợ Cao Lãnh, rồi sau này lên Sàigòn tiếp tục học lên... Anh Đông thông minh, chịu khó nên học đâu đậu đó. Có điều với cái đầu óc non nớt ngày đó, My cảm thấy cái thế giới của người lớn sao mà rắc rối quá chừng chừng! Không rắc rối sao được? Có ai giải thích cho My hiểu tại sao ông nội có phòng nhì thì được, mà dượng ba Hiếu thì không? Ông chẳng có ba người con riêng là gì? Cô Kiều lại giống ba My như đúc nữa mới là lạ! My có hỏi má, nhưng bị nạt ngang:
-Thôi, chuyện người lớn, con nít biết gì mà hỏi. Ông nội nghe được bị đòn nứt đít!
My đành ấm ức ôm cái dấu hỏi to tướng đó trong lòng! Sau cùng chịu không thấu My đem “vấn đề” này ra hỏi thằng Lâm, con chú út. Con nhỏ nghĩ nó lớn hơn mình hai tuổi, chắc nó “rành đời” hơn. Ai ngờ, sau khi thộn mặt ra tới mấy phút, nó gãi đầu gãi tai, ấp úng:
-Thì... chắc tại... chắc tại ổng là ông nội. Ông nội lớn nhứt nhà, ổng muốn làm cái gì mà không được! Mày thấy có ai dám la ổng không nè?
Nghe thì cũng có lý, nhưng con nhỏ vẫn cảm thấy dường như dượng ba Hiếu bị Ông nội... đì!
Còn một điều cho tới bây giờ My vẫn thắc mắc, đó là trường hợp anh Đông. Suốt quảng đời thơ ấu cho đến lúc lập gia đình, anh đã từng chứng kiến cảnh cô đơn, sự đau khổ tột cùng của mẹ, mà ngay cả bản thân anh cũng bị ảnh hưởng lây. My tin chắc như bắp là sau này anh sẽ hết sức tránh, không đi theo con đường đầy gai góc của ba anh.
Nên khi anh cưới chị Nga, mỗi năm đều đều cho ra đời một nhóc tì, tổng cộng hai gái một trai, mọi người đều tưởng anh chị tràn đầy hạnh phúc. Ngờ đâu một bữa đẹp trời, chị đi taxi vô cư xá Chí Hòa kiếm My, lúc đó vừa mới lập gia đình. Vừa khóc tỉ tê chị vừa kể lể:
-Thiệt không ngờ em ơi! Lúc mới lấy nhau, ảnh đã thề với chị là sẽ không bao giờ tơ tưởng đến một người đàn bà nào khác, khi đã chứng kiến nổi đau khổ của má ảnh hồi xưa. Vậy mà mới đây có người cho chị biết là ảnh tò tí với con Hân.
My hỏi « con Hân » là ai, thì chị cho biết đó là một đồng nghiệp dạy cùng trường với anh Đông. Mà đâu phải mới mẻ gì, cả mấy năm rồi đó em... Bạn bè ảnh ai cũng biết hết trơn, chị đâu có đi với ảnh thường nên đâu có hay!
Trời đất ơi, coi cái mặt ảnh hiền khô, mà không ngờ lòng dạ lại xấu xa như vậy! Chị nấc lên thảm thiết:
-Nếu anh Đông bỏ chị chắc chị chết mất My ơi!
Trước cái tin sét đánh này, My lặng người ngồi im như bị trời trồng. Cái ông anh bề ngoài coi rất ư là đạo mạo, học trò và cả đám em út đều sợ một phép này không ngờ cũng... đa tình ra phết! Nhớ lại tình cảnh buồn hiu hắt của cô ba Bạch ngày xưa, bây giờ lại nghe chị Nga đòi chết, bỗng dưng My thấy tức giận anh Đông hết sức!
Nhưng khi nhìn chị Nga khóc lóc mặt mũi tèm lem, áo quần xốc xếch. Mái tóc chắc hẳn cả năm nay chưa từng được thợ uốn tóc đụng tới, bị chị túm lại bằng sợi dây thun. Cái miệng lại méo xệch trông càng xấu tệ! Bỗng dưng My có ý nghĩ nếu là đàn ông, trước cái hình ảnh kém thẩm mỹ này chắc mình cũng phải dùng hạ sách... bỏ của chạy lấy người! Tuy chỉ là một ý nghĩ len lén trong đầu, My cũng cảm thấy mắc cở với bà chị dâu đang đau khổ và đang cầu cứu tới mình.
Thuở còn con gái, chị Nga cũng được liệt vào hạng trung bình. Là con gái duy nhứt trong một gia đình rất tồn cổ. Chị nghỉ học sớm, hằng ngày lủi thủi ở nhà lo việc nội trợ với mẹ. Chị không được có bạn. Ông già phán:
- Bạn bè nhiều chỉ tổ đua đòi rồi sanh hư!
Anh chị lấy nhau do mối lái. Anh Đông giống dượng ba, cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai. Anh yêu một người con gái cùng học Quốc gia Sư phạm dưới anh một lớp. Những tưởng ra trường sẽ làm đám cưới, nhưng vào một ngày nắng đẹp tưng bừng, phượng nở đỏ rực khắp nơi, em lên xe hoa về với một anh Bác sĩ quân y lon lá đầy mình! Anh Đông ôm hận và từ đó nhìn các cô con gái đẹp bằng một cặp mắt rất ư là thiếu thiện cảm. Khi có người làm mối chị Nga, má My cũng đốc vô:
- Nghe tao đi, cái nết đánh chết cái đẹp con à. Chỉ cần nó hiền, giỏi nội trợ. Nó con một chắc chắn người ta sẽ cưng rể như con ruột.
Anh Đông nghe bùi tai nên hoan hỉ nhận lời. Mấy năm đầu My thấy anh chị cũng hạnh phúc ra rít. Nhưng có điều tai hại là chị Nga không có lấy một người bạn thân, nên thiếu quân sư trong lãnh vực thẩm mỹ. Ba đứa con lần lượt ra đời, chị bận túi bụi nên cũng lơ là việc điểm trang. Tới đứa thứ ba là con Duyên thì chị đã có khuynh hướng trở thành một bà... nái xề!
Vốn thiếu chiều cao nên càng ngày chị càng giống cái hột mít lùi. Nhiều khi đến thăm anh chị, thấy chị Nga mặc những bộ quần áo trong nhà nhăn nheo, màu sắc tối tăm, tóc tai u xù My còn thấy nản lòng chiến sĩ huống chi... Không có thói quen đến chỗ đông người nên chị hay lấy cớ ở nhà với con, để anh Đông đi tiệc tùng một mình.
My đã nhiều lần cảnh cáo, nhưng với bản chất thật thà, lại tin tuyệt đối vào lời hứa (quên bảo chứng) của ông chồng yêu... quỉ, nên chị chỉ cười tủm, không coi lời cảnh cáo của My ra gì. Bữa nay được trớn My cằn nhằn:
-Phải chi chị chịu nghe lời em từ trước thì đâu đến nỗi này.
Chị Nga đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn My áo não:
-Thì tại... chị đâu có dè!
Đang bực, My cũng phát tức cười khi nhớ lại cách đây đã mấy mươi năm, có lần ông nội quát um trời:
-Từ đây tao không muốn nghe đứa nào nói trước mặt tao cái câu con đâu có dè. Bây cứ « dè » trước đi, rồi cái sự “đâu có dè”sẽ không khi nào xảy tới! Ông nội ơi, ông có lý quá chừng chừng!
Bây giờ My chỉ biết ôm vai chị Nga vỗ về:
-Tới nước này chị phải nghe em. Thay đổi toàn diện may ra còn lôi kéo được ảnh trở về. Để em đưa chị đến bà thợ may của em. Bà này cố vấn thì cứ yên chí lớn. Em thấy chị cũng rất cần tới thăm chú Sồi, thợ uốn tóc “ruột” của em nữa đó. Chị biết thẩm mỹ viện Thanh Thảo hôn? Để em lấy hẹn cho chị đến làm mặt. Mà em nói thiệt với chị nghen, một trăm người đàn ông thì có tới chín mươi chín ông rưỡi thích cặp tay với người đàn bà đẹp. Nếu có ông nào nói ngược lại thì một: hắn là tên xạo nhứt thế giới, hai: hắn mắc bịnh kiết lỵ!
Chị Sơn tròn mắt không hiểu:
-Tại sao lại bị kiết lỵ?
My cười ngặt nghẽo:
-Thì tại hắn không thích chi tiền cho vợ “bảo trì” dung nhan chớ sao!. Rồi My làm bộ vênh váo:
-Bộ chị tưởng ai cũng được ông Trời ban cho một dung nhan nghiêng nước nghiêng... thùng như em sao chớ? Ai cũng khen em đẹp hơn bà Chung Vô Diệm hết đó nghen!
Đang rầu thúi ruột, chị Nga cũng bật cười, đấm thùm thụp vô lưng My:
- Cô này thiệt. Phá chị không hà!
My ngưng cười, lấy giọng nghiêm trang:
-Từ nay chị làm ơn nhín chút thì giờ đi đây đi đó với ảnh. Chớ tối ngày chị cứ ru rú ở nhà, ảnh muốn làm trời làm đất gì chị cũng đâu có biết. Mỡ cứ nhử trước miệng mèo... Có mặt chị, đố « con » nào dám chàng ràng bên ảnh. À mà chị đừng quên anh của em tuổi Mẹo đó nghen... Mèo vốn thích ăn vụng. Chị biết hôn, em là đàn bà mà lúc nào trang điểm, mặc quần áo đẹp, nhìn vô gương em cũng còn thấy khoái nữa là... Chị cũng đừng quên, người đời bao giờ cũng đánh giá bộ vó bề ngoài!
Nghe em chồng “lãnh đạo” tới đâu chị Nga gật đầu lia lịa tới đó. Rồi sau khi đã tốn cả lít nước mắt, chị Nga ra về, lòng tràn trề hy vọng. My nhìn theo chị đầy thương cảm. Tội nghiệp những người đàn bà vừa thiệt thà lại kém nhan sắc! My tuy không phải chim sa cá lặn gì, nhưng bù lại tánh tình chỉ không... hiền như Ma Sơ thôi, nên ông xã còn chưa dám hó hé, dòm ngang liếc dọc. Nhưng suy đi nghĩ lại, cái chuyện các ông mê gái đẹp cũng không đúng hẳn.
Ngày xưa cô ba của My nhỏ nhắn, trắng trẻo, đẹp, hiền hậu, lại còn sanh cho dượng ba một đàn con, vậy sao dượng vẫn mê đắm mê đuối cô Minh Nguyệt? Trong khi cô này đen thủi đen thui, béo tròn béo ục.
Trường hợp ông nội cũng lạ. Nếu bà không sanh con cho ông thì không nói làm chi, đằng này bà cho ra đời bảy trự, ông nuôi mệt nghỉ, vậy mà ông cũng còn cố “bảo trợ” thêm má cô Kiều. Bà này vốn con gái của một tá điền làm ruộng cho ông Cố. Về nhan sắc thì có thể nói chưa tới gót chưn bà nội của Mỵ Còn chú Tửng có tiệm hàng xén ngoài chợ Vàm nữa, bỏ bà vợ lớn với ba đứa con trai bên Mỹ Hiệp, khăn gói qủa mướp theo bà nhỏ qua lập nghiệp bên này bờ sông. Mà phải chi bà nhỏ tiên sa phụng lộn gì cho cam. Mặt đã rỗ hoa mè lại con dữ như bà chằng! Tối ngày nằm đưa đứa con gái èo uột trên võng, miệng sai chú làm không kịp thở. Vậy mà có ai nghe chú mở miệng than tiếng nào đâu?!
My suy nghĩ mãi cũng không thể nào hiểu nổi cái bí mật kinh khủng này! Thiệt là kỳ hết sức. Những bí mật cả mấy triệu năm của đám khủng long, những bí mật hàng mấy ngàn năm của Kim Tự Tháp Ai Cập, rồi ngay cả mấy cái hành tinh xa lắc xa lơ như Mặt trăng, Hỏa tinh, Thiên Vương Tinh... cũng từ từ bị khám phá ra hết. (Trước dư luận quốc tế, My xin phép được phản đối những khám phá này, vì cô Hằng Nga và chú Cuội thân thương của My đã bị các nhà khoa học vĩ đại này ám sát không một chút tiếc thương!).
Duy chỉ còn cái bí mật của trái tim các đấng mày râu. Mặc cho các nhà tâm lý đại tài, các Bác sĩ tâm thần lừng danh tha hồ mổ xẻ, nghiên... kíu, phân tách, tìm tòi vân vân... và... vân vân. Tốn hàng triệu tấn giấy mực, hàng triệu lít nước miếng để bàn cãi... rốt cuộc cũng vẫn không bật mí nổi! My lắc đầu thở ra: Thôi nghĩ ngợi nhiều quá chỉ tổ nhức đầu. My ráng giúp chị Nga dành lại trái tim của anh Đông. Được thì tốt, còn thất bại thì My cũng đành đổ thừa cho hai chữ số mạng chớ biết sao giờ! Nhưng My cũng vái trời phật, tổ tiên phù hộ cho chị Nga được nhiều may mắn hơn cô ba của My ngày xưa... Ôi, thân phận đàn bà!