Saturday 3 November 2018

TRỊNH XUÂN THANH KHÚC XƯƠNG TRONG CỔ HỌNG - Phạm Gia Đại

Kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trở về Việt Nam để cho Nguyễn Phú Trọng trị tội “tham nhũng làm thất thoát 3 ngàn tỷ đồng” của nhà nước, và bị kết 2 án tù chung thân. Thời gian đã trên mười lăm tháng nhưng ít ai để ý đến quãng thời gian này có lẽ trừ đương sự đang nằm trong khám đường tại Hà Nội. Thế nhưng giới lãnh đạo tại miền Bắc Việt Nam lại đang như đếm từng ngày trôi qua trong nỗi ưu tư về năm 2019 sắp đến trong mối quan hệ đang căng như giây cung giữa cộng sản Việt Nam (CSVN) và Cộng Hòa Liên Bang Đức (CHLB Đức) và Cộng Hòa Slovakia nói riêng, và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu nói chung. Hà Nội đang âu lo rằng các khoản viện trợ khổng lồ của Đức và Liên Âu sẽ vuột khỏi tầm tay của họ, nếu họ không chịu trao trả Trịnh Xuân Thanh lại cho Đức.
Tháng 9 năm 2017, CHLB Đức đã tuyên bố tạm ngừng quan hệ chiến lược song phương với cộng sản Việt Nam. Về phía Slovakia, ông Boris Gandel Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Slovakia với Hãng thông tấn TASR đăng trên tờ Pravda 19-10-2018 rằng: “Slovakia là một quốc gia nghiêm túc, sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với Việt Nam về quan hệ ngoại giao nếu Slovakia không nhận được giải thích thỏa đáng và đáng tin từ Hà Nội về cách thức Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, thì quan hệ song phương giữa Slovakia và Việt Nam sẽ bị đóng băng.” Và sẽ đi đến trục xuất đại sứ CSVN về nước. “Việt Nam đã trắng trợn lợi dụng Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bằng cách sử dụng lãnh thổ của chúng ta và thậm chí cả máy bay đặc biệt của chính phủ Slovakia để vận chuyển.” Ngoài ra, ngày 17-10 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này, nhưng để hiệp định được chính thức thông qua, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị Viện Châu Âu, mà CHLB Đức là thành viên nòng cốt.
Hà Nội đã nhiều lần tìm mọi cách điều đình với CHLB Đức để làm sao họ vẫn giam giữ được Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam, không phải trao trả cho Đức, mà làm cho bà thủ Tướng Angela Merkel vẫn hài lòng dưới những điều kiện khả thi nào khác. Tháng 8-2018, Bộ Ngoại Giao CSVN đã bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam mới tại Đức là Nguyễn Minh Vũ để thay thế Đoàn Xuân Hưng, người bị CHLB Đức kết tội chỉ huy trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh; nhằm giảm đi sự tức giận của chính phủ Đức, và cất đi con bài đã xài xong là Đoàn Xuân Hưng.
Nhưng tiếc rằng mọi nỗ lực đi đêm của Hà Nội đều bị từ chối, và lập trường cực kỳ cứng rắn của CHLB Đức...trước sau như một, với bốn điều kiện ưu tiên hàng đầu: Phải trao trả Trịnh Xuân Thanh nguyên vẹn về Đức không điều kiện, Hà Nội phải nhận tội bắt cóc, phải xin lỗi, và phải hứa không tái phạm. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là qua năm mới 2019, sự bế tắc trong quan hệ giữa cộng sản Việt Nam và Đức, cũng như với Slovakia,  và với Liên Hiệp Châu Âu vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang nằm bên phía Hà Nội, như khúc xương trong cổ họng.
Theo các quan sát viên quốc tế, việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có một phần liên quan đến cái chết đột ngột của Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang. Trần Đại Quang đã được điều trị tại Nhật Bản vì nhiễm một bệnh “lạ”.  Căn bệnh này đã phát ra sau một thời gian Trần Đại Quang qua thăm Bắc Kinh và ăn uống bên Tầu. Khi trở về Việt Nam, hồng huyết cầu và cả bạch huyết cầu của Trần Đại Quang bỗng dưng tụt xuống một cách báo động. Theo một nguồn tin bên Nhật tiết lộ, Trần Đại Quang đã hít phải một chất phóng xạ cực độc mang tên Poloneum 210. Chỉ cần hít phải độc tố này thì chất độc sẽ thấm ngay vào xương, và các bác sỹ Nhật cũng từ chối chữa trị vì hiện nay y khoa chưa có thuốc nào có thể tẩy chất phóng xạ ra khỏi xương được. Cái chết bất ngờ của Trần Đại Quang đã tạo nên nhiều nghi vấn. Theo một blogger nổi tiếng thì Trần Đại Quang đã bị một lãnh đạo cao cấp nhất tại Hà Nội tìm cách giết hại qua bàn tay người Tầu tại Hoa Lục, một phần vì ông ta chống lại Bắc Kinh, có khuynh hướng nghiêng về Hoa Kỳ, một phần nữa vì vụ Trịnh Xuân Thanh. Bởi Hà Nội sau cuộc thẩm vấn Trịnh Xuân Thanh, có thể đã có trong tay những tin tức liên hệ đến việc Trần Đại Quang là người giúp cho Trịnh Xuân Thanh trốn thoát ra ngoại quốc, rồi qua Đức.
Ngày 2-11-2018, các báo chí truyền thông trên thế giới như Taz, VOA, RFI, RFA, Thoibao.de, v.v... đồng loạt đăng tin Hà Nội và Berlin đang thương lượng, bắt đầu từ ngày 1-11 để đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức. Được biết, Thứ Trưởng Ngoại Giao của CSVN Bùi Thanh Sơn dẫn đầu phái đoàn đến Đức nhằm hàn gắn lại mối quan hệ ngoại giao đã bị khủng hoảng, nhưng ông ta có thể không được ủy nhiệm quyền hạn về việc Trịnh Xuân Thanh, nên cuộc thương lượng khó đạt được kết quả như phía CHLB Đức mong muốn.
Những yêu cầu cứng rắn và dựa trên công pháp quốc tế của CHLB Đức làm cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà Nguyễn Phú Trọng thấy như miếng mồi béo bở chiếm đoạt được đúng như ý muốn, đang nuốt một cách tự mãn, đã trở thành khúc xương trong cổ họng./. (Tin Tổng Hợp).