Tuesday 25 December 2018

Sự ra đời của Việt Nam Quốc Dân Đảng và những giá trị lịch sử…

Nguyễn Thái Học (1901-1930)
Cách đây đúng 91 năm, Nguyễn Thái Học – vị anh hùng dân tộc đã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng ở tuổi 25 nhằm chống thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc. Dù ông không thành công nhưng những bài học và giá trị tinh thần ông để lại rất đáng để thế hệ trẻ noi theo.
Nam Đồng Thư Xã – Tiền thân của Việt nam Quốc Dân Đảng
Việt Nam vào những năm 1920, khi mà những phong trào đấu tranh giành độc lập đã không còn lấy triều đình làm điểm tựa, nhiệm vụ đánh đuổi thực dân là do quần chúng tự phát dưới nhiều hình thức khác nhau. Lúc bấy giờ ở Hà Nội có nhóm tri thức trẻ gồm anh em Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, cùng với Hoàng Phạm Trân đứng ra thành lập nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã nằm bên bờ hồ Trúc Bạch.
Nam Đồng Thư Xã ra đời là tổ chức thu hút rất đông thanh niên có lòng yêu nước tìm đến gặp gỡ nhau để bàn luận chuyện xã hội, chính trị. Nam Đồng Thư Xã vừa là một nhà xuất bản, một hiệu sách, đồng thời cũng là một nhóm biên soạn, dịch thuật, phát hành sách báo phổ biến các tư tưởng cách mạng. Những cuốn sách của Nam Đồng Thư Xã đã có tác động mạnh cổ vũ tinh thần yêu nước của thanh niên lúc bấy giờ, đặc biệt là những cuốn sách ca ngợi tấm gương các anh hùng cứu quốc của Việt Nam và nước ngoài; những cuốn sách viết về thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, các nhà tư tưởng nổi tiếng của Pháp như Rousseau, Montesquieu…
Trong số những thanh niên thường lui tới nơi đây có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch,… họ đều là những thanh niên trí thức, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có hoài bão giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Cuối tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học khi đó mới 25 tuổi đã đưa ra đề nghị thành lập một đảng cách mạng bí mật nhằm lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Kiến nghị này đã được các thành viên trong Nam Đồng Thư Xã tán thành, Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời từ đó và Nguyễn Thái Học được bầu làm chủ tịch Tổng Bộ của đảng.
Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời đã đáp ứng được lòng mong mỏi của giới thanh niên trí thức, công chức, và các binh lính người Việt trong quân đội Pháp, nên Đảng đã lớn mạnh rất nhanh chóng, đến năm 1929, đã thu hút được đến 1500 đảng viên.

Từ vụ ám sát Bazin đến khởi nghĩa Yên Bái

Trong quá trình hoạt động, VNQDĐ chủ trương đường lối bạo động, dùng vũ trang để lật đổ thực dân Pháp. Tháng 2 năm 1929, thành bộ của VNQDĐ đã ám sát tên trùm thực dân khét tiếng Bazin. Sự kiện này đã làm chấn động dư luận Pháp, thực dân Pháp đã khủng bố gay gắt các đảng viên của VNQDĐ. Sở mật thám Pháp do được nội ứng chỉ điểm, nên đã bắt được hơn hai trăm đảng viên.
Đứng trước tình thế không còn lựa chọn nào khác, ngày 26 tháng Giêng năm 1930, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã tổ chức một hội nghị khẩn cấp tại làng Võng La, để ra quyết định tổng khởi nghĩa.. Trong cuộc họp, Nguyễn Thái Học đã nhận định rằng Đảng có thể sẽ thất bại khi nổi dậy, nhưng sẽ để lại tấm gương hy sinh cho người sau. Bài phát biểu của ông có một câu nói nổi tiếng và đã trở thành châm ngôn:
“… Âu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta“Không thành công thì thành nhân”, có gì mà ngần ngại.”.
Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra trong khoảng thời gian từ rạng ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 năm 1930 ở nhiều nơi như Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hà Nội, nhưng lớn nhất là ở Yên Bái, nên có tên gọi là khởi nghĩa Yên Bái. Do sự tổ chức khởi nghĩa trong tình trạng khẩn cấp, tin tức bị bại lộ, lại thiếu đồng bộ giữa các địa phương về thời gian phát khởi, nên cuộc khởi nghĩa đã không thành công như dự liệu.
Ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt, Chí Linh, Hải Dương. Ông bị thực dân Pháp kết án tử hình, và ngày 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông trong VNQDĐ đã bị thực dân Pháp hành quyết bằng máy chém tại Yên Bái. Trước khi hy sinh, Nguyễn Thái Học và các thủ lĩnh của VNQDĐ đều hô lớn “Việt Nam Vạn Tuế”.
Phong trào yêu nước tuy thất bại, nhưng các nghĩa sỹ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã để lại những tấm gương sáng trong lịch sử dấu tranh giải phóng dân tộc. Nguyễn Thái Học và những thủ lĩnh của VNQDĐ xứng đáng tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên trí thức sớm giác ngộ lòng yêu nước và dám xả thân vì tổ quốc.

Một số nhận định về bài học lịch sử

Xét thấy, trong bối cảnh ngày nay, Việt Nam đã gia nhập WTO, đất nước còn nghèo, bị tụt hậu so với thế giới do hậu quả của nhiều năm sai lầm về chính sách kinh tế, thêm vào đó, nạn tham nhũng, quan liêu, hệ thống hành chánh cồng kềnh kém hiệu quả đang là những rào cản cho sự hội nhập và phát triển kinh tế. Tệ hại nhất là đất nước bị đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị độc tài, độc đoán..  Thái độ của thanh niên nói chung là thờ ơ trước thời cuộc và đối với đất nước. Vậy thì bài học lịch sử trên có giúp ích gì được chúng ta trong thời đại này chăng?
Trước hết, thanh niên vốn là nòng cốt của đất nước, mọi phong trào yêu nước muốn thành công phải có được sự ủng hộ nhiệt tình của thanh niên. Tiền thân của VNQDĐ là Nam Đồng Thư Xã, vốn là một câu lạc bộ có mục đích để thức tỉnh từng lớp thanh niên, cổ vũ lòng yêu nước. Ngày nay, hơn lúc nào hết, thanh niên cần quan tâm và ý thức được vị thế của Việt Nam so với thế giới và những gian nan mà đất nước sẽ gặp phải khi hội nhập với kinh tế toàn cầu.
Thanh niên cần phải có được những “sân chơi” để tự do hội họp, đóng góp ý kiến, truyền bá tư tưởng cho nhau, có như thế mới nẩy sinh những sáng kiến mới, thu hút được nguồn lực chất xám. Vậy phải chăng cần khuyến khích thanh niên thành lập những tập hợp giống như mô hình Nam Đồng Thư Xã của năm 1927 mà ở đó thanh niên được tự do bàn luận, tự do viết, dịch thuật, và phát hành sách báo…như vậy thanh niên phải đứng lên để đòi tự do dân chủ!
Trước cuộc khới nghĩa Yên Bái, ở nước ta đã có nhiều phong trào yêu nước khác do quần chúng tự phát, như cuộc khởi nghĩa Yên Thế của cụ Đề Thám, phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục… Khoan hãy bàn đến tính đúng sai của các phong trào, ta thấy rõ ràng là dù đường lối có khác nhau, nhưng các phong trào cũng đều nhằm đánh đuổi thực dân, giành độc lập dân tộc. Mặc dù chưa đi đến thắng lợi cuối cùng, nhưng các phong trào yêu nước đó đã góp một phần rất lớn vào sự thức tỉnh  nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của nhân dân và để lại những bài học quý giá.
Học tập tinh thần của thế hệ cha ông ta, phải chăng thế hệ thanh niên chúng ta nên xây dựng và ủng hộ các phong trào tự phát như phong trào Dân Chủ, phong trào Chống Tham Nhũng, phong trào Cải Cách Hành Chánh, tổ chức Xã Hội Dân Sự …, để góp phần giúp tổ quốc xây dựng một xã hội công bằng, tự do dân chủ và văn minh.
Bốn nghìn năm lịch sử của đất nước đã chứng minh rằng con người Việt Nam thời đại nào cũng yêu nước, nhờ thế mà chúng ta còn giữ được đất nước cho đến ngày nay. Đất nước “tự hô hào” độc lập, người dân chưa hoàn toàn có tự do, giặc ngoại xâm vẫn lấn chiếm cấu kết với giặc nội xâm đang huỷ hoại đất nước bằng tham nhũng, bằng kìm hãm sự phát triển, bằng trù dập những tư tưởng tiến bộ, làm cho nguyên khí quốc gia bị thui chột, tài nguyên môi trường bị tàn phá, người lao động phải làm việc với đồng lương không đủ sống, thanh niên bị giam hãm bởi những tư tưởng đã lỗi thời và không có sức sáng tạo.Và nhất là bằng sự cai trị độc tài toàn trị của Cộng Sản Việt Nam.
Trước bối cảnh thế giới hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự quan tâm gánh vác của thanh niên trong sự nghiệp chấn hưng nước nhà, muốn như thế thì những thanh niên trí thức phải là những người đi tiên phong noi gương tinh thần của Nam Đồng Thư Xã, dám cất lên tiếng nói của mình vì đất nước.
Nhật Ánh