Tuesday 25 December 2018

Y Khoa, Như Trong Tiền Kiếp - Trần Mộng Lâm

Đến Canada vào cuối năm 1978, sau cơn quốc biến, và sau những khó khăn gặp phải trên đường vượt biên mà dấu tích còn  lại là những ác mộng thỉnh thoảng trở về làm thức giấc giữa nửa đêm, để rồi mừng rỡ khi thức dậy,  thấy mình đã ra khỏi Việt Nam, Phong không còn đủ kiên nhẫn kéo dài những năm học tại Viện Đại học Laval để lấy lại chuyên môn của mình. Chàng bằng lòng với bằng hành nghề tổng quát, và về Montréal lo việc nuôi sống tiểu gia đình của mình,tuy không phải không có nhiều dằn vặt, nhiều tiếc nuối trong lòng.Phong và hai người bạn tính tới chuyện thiết lập một dưỡng đường nhỏ mà ở đây, người ta thường gọi là clinique médicale du quartier, nghĩa là của dân trong khu phố , không muốn đi xa.
Điều tình cờ là cả ba người đều họ Trần.
Một hôm, một người bệnh nhân lớn tuổi, to béo, cứ nhìn vào những tấm bằng hành nghề treo sau lưng Phong rồi cười hoài. Ngạc nhiên Phong hỏi :
-Ông cười gì ?? 
Người bệnh nhân nói :
-Suốt đời tôi làm tại một ga xe lửa, nhìn những chuyến tầu qua lại, nay về hưu, lại gặp phải mấy ông tên TRAN
Phong hiểu là dân ở đây nói tiếng Pháp, gọ gọi xe lửa là TRAIN. Mà nay tên của ba ông BS đều là TRAN,ông thấy ngồ ngộ nên cười.
Bệnh nhân của Phong và các bạn, nghĩa là dân của khu phố, tình cờ lại có rất nhiều người ngoại quốc, gốc Đông Âu, Ukraine, Ba Lan,  gốc Do Thái. Tại khu phố này, có hẳn một nhà băng có tên gọi là Caisse Populaire Ukranienne. Công việc hàng ngày của Phong khác hẳn khi chàng còn hành nghề tại Việt Nam, trong một Quân Y Viện mà sau mỗi trận đụng độ, trưc thăng chở về những thương binh máu me chan hòa. Nói một cách tổng quát, Phong chỉ đánh vật với vài bệnh cảm cúm, có thể nói là chữa cũng khỏi, không chữa cũng khỏi, nặng hơn thì người ta vào nhà thương. Tuy nhiên , vì ít khi gặp những trường hợp hiểm nguy, Phong lại phải đối đầu với những vấn đề không kém nhức đầu, như là bệnh nghiện rượu, chứng trầm cảm, hay mất tinh thần vì công việc hàng ngày. Một anh da đen làm tại service à la clientèle ( Trả lời khách hàng) không chịu nổi áp lực của các khách hàng khó tính và các ông sếp ở trên tới khai bệnh xin nghỉ vì lý do sức khỏe hàng tháng trời hay nhiều hơn. Cho nghỉ thì bệnh nhân hài lòng nhưng các công ty bảo hiểm và các ông chủ hãng đòi chưng bằng cớ, đòi hồ sơ, đòi chứng minh, lôi thôi lắm. Ngược lại, không cho nghỉ thì đôi khi gặp phải sự hung hăng của khách hàng, nhưng điều phiền lòng hơn cả la vẻ tiều tụy, sự thất vọng của những con người bất hạnh, thấy mà thương khi họ trong tâm cảm, tự thấy rằng bản thân mình trong xã hội bị ruồng bỏ, khinh khi, không có một giá trị gì. Những người gốc ngoại quốc như người Ả Rập cũng vậy, vì bị dồn nén lâu ngày, sự uất ức chỉ chờ cơ hội bùng nổ như một lò thuốc súng.
Bởi vậy, nhiều khi Phong bỏ nhiều thì giờ để nói chuyện với những bệnh nhân của mình vì chàng vẫn không quên lời của nhà bác học LOUIS PASTEUR : Trong Y Khoa, cứu được một sinh mạng, rất hiếm, phần lớn, chúng ta chỉ làm nhẹ bới, nhưng điều cần thiết của một người Y Sỹ là biết nghe- Nghĩa là phải nghe bệnh nhân nói về những vấn đề của mình, và thông cảm với họ. Nhưng bác sỹ khám bệnh chưa đầy năm phút, rồi ra toa, không đáng gọi là y sỹ.
Trong số những người hay đến phòng mạch và gặp Phong trong những năm đó có một cặp nhười Ba Lan, tên Polanski hay gần giống như vậy, lâu quá, Phong không còn nhớ chính xác. Ông Polanski chỉ độ 60 ngoài, còn khỏe mạnh. Trái lại bà vợ ông thì đủ thứ bệnh và người mập ú. Ông ta đến nhiều lần, vì ông thì ít, mà vì bà vợ thì nhiều. Cả hai ông bà đều sống ở Âu Châu thời Đức Quốc Xã. Họ gốc người Do Thái nên là nạn nhân của Hitler. Khi ấy, hai ông bà còn trẻ. Họ có một đứa con chỉ mới độ 9 hay mười tuổi, gia đình êm ấm. Đức Quốc Xã đã phá tan sự hạnh phúc này. Ông kể lại những kỷ niệm kinh hoàng của đời ông khi cả gia đình bị đưa vào những trại tập chung khác nhau. Đứa con duy nhất của họ đã bỏ mình, có lẽ vì đói, còn hai ông bà sống sót như là một ân sủng của thượng đế . Sau chiến tranh, họ tìm lại được với nhau và đưa nhau sang Canada, ở khu phố này. Điều đau đớn là sau những bất hạnh đó, nhất là sự qua đời của đứa con duy nhất, bà Polanski không còn như xưa nữa. Bà không thể làm một việc gì, không ngủ mỗi đêm, bị bệnh đái đường, cao huyết áp, mập phì. Bà ít khi đi ra ngoài và mỗi khi cần, ông Polanski lại năn nỉ Phong đến khám tại nhà, tuy Phong không bao giờ làmđiều đó với các bệnh nhân khác.
Công việc trong gia đình ông Polanski hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng. Ông lau nhà, đổ rác và làm cơm, giặt giũ. Mùa hè, ông cắt cỏ, trồng bông. Mùa Đông, ông hốt tuyết. Phong cảm phục người đàn ông này, và nghĩ trong đầu là nếu phải ở trong hoàn cảnh tương tự, chắc Phong không làm được như ông.
Một hôm ông Polanski hỏi Phong :
-Bác sỹ có tin là có ma hay không ??
Phong trả lời :
-Tôi ;là một nhà khoa học nên khó trả lời câu hỏi của ông nhưng tôi kể cho ông câu chuyện này. Khi tôi còn làm tại Quân Y Viện, một hôm tôi trực gác với một bạn đồng nghiệp. Anh ta trực ngoại khoa còn tôi trực Nội Khoa. Một đêm, chúng tôi ngủ yên vì không có thương binh chở về. Khoảng nửa đêm, anh bạn tôi thức dậy và hỏi tôi :Anh có thấy ai vào phòng trực hay không. Tôi nói không có ai. Anh cho biết có người lay anh dậy và nói : Giờ này Bác Sỹ còn ngủ, người ta chết ở ngoài kia kìa !! Tôi nói : Chắc anh nằm mơ. Vừa nói xong  bạn tôi được gọi ra phòng lựa thương vì có thương binh vừa tới. Bạn tôi đi thi hành nhiệm vụ của mình, gần sáng anh mới trở về. Khi về anh nói với tôi : Một thương binh bị thương nặng quá không làm gì được hơn là để anh ta chết, không cứu được vì đã mất máu quá nhiều. Đó cũng là điều xẩy ra khá thường, ở một Quân Y Viện trong thời chiến tranh. Nhưng điều này là đặc biệt hơn cả, anh nói với tôi : Người lay tôi dậy lúc nửa đêm, chính là anh thương binh đó.
Ông Polanski sau khi nghe tôi trả lời xong nói với Phong;
-Đứa con tôi vẫn hiện về, tôi chỉ dám nói với bác sỹ thôi vì nói ra, không ai tin. Bà vợ tôi đã nhiều khi trong đêm, nói lảm nhảm gì với nó, tôi không biết, nhưng nhiều khi trong nhà tôi, có tiếng ai đập vào cánh cửa rầm rầm, và có khi có tiếng khóc, tiếng cười.
Phong nghe mà không dám có ý kiến tin hay không tin lời ông, cũng không dám tin hay không tin lời người đồng nhiệp ngày trước.
Phong vẫn tưởng ông Polanski sẽ săn sóc bà vợ ông trong nhiều năm nữa vì 2 người không còn bà con nào ở Montréal. Một thời gian sau, Phong ngạc nhiên không thấy ông đến phòng mạch nữa. Phong nghĩ rằng chắc không có gì cần thiết và vì bận việc, Phong không để ý gì đến chuyện này.Ccho dến một hôm, một người hàng xóm của ông Polanski đến khám bệnh. Phong hỏi :
-Bà có thường gặp ông Polanski không, sao lâu quá tôi không gặp ông ấy.
Bà bệnh nhân trả lời :
-Chết rồi.
Phong ngạc nhiên :
-Bà nói ai chết.
-Thì ông Polanski chứ ai. Cách đây một tháng, một hôm ông thấy đau dữ dội nơi ngực. Gọi 911, chở đến nhà thương Rosemont thì ông ấy chết, nhồi máu cơ tim.
-Thế còn bà Polanski, bây giờ ai lo cho bà ấy.
-Tôi không biết.

Rồi thời gian qua đi. Ba ông bác sỹ họ Trần, không ông nào tha thiết với việc quản trị, với những bản khai thu nhập, trả thuế, trả tiền thư ký…v..v Cái Clinique phải đóng cửa, rã đám rồi mỗi thành viên cũa nó đi tìm các polyclinique lớn hơn đầu quân, không còn làm chủ nhưng đỡ mệt các đầu. Clinique Bonaventure chỉ còn là một kỹ niệm của những người dân cố cựu của khu phố, mà bây giờ dân ở đó cũng không còn đa số gốc Đông Âu như thời mấy chục năm trước. Và Bác Sỹ Phong cũng đã giã từ ống nghe, sau khi gắn bó với nó trên 40 năm trời, tại một thành phố có tên Montréal.
Bây giờ, đối với Phong, Y Khoa chỉ còn như trong truyên cổ tích.Và trong những truyện cổ tích đó, thấp thoáng bóng dáng ông bà Polanski. Bà Polanski bấy giờ ra sao ?? Chắc chết rồi hay vẫn còn vật vờ trên cõi đời này, trong một viện dưỡng lão nào đó, khổ thân cho bà. Hay cả gia đình họ đã hội ngộ trên cao ?? Phong nhìn lên trời cao trong đêm Giáng Sinh, và mường tượng thấy 2 ông bà cùng đứa con đã bạc mệnh . Họ tươi cười và vẫy tay chào Phong .
Đêm Noel tĩnh lặng vô cùng. Cầu mong bình an cho nhân thế.
Trần Mộng Lâm