Monday 24 December 2018

Việt Nam sắp qua kiểm điểm: Cơ hội để các luật sư ở trong nước lên tiếng trực tiếp với LHQ

  • Ls. Võ An Đôn, Ls. Hà Huy Sơn… nên góp ý với Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 24 tháng 12, 2018
Gần đây, tôi thấy trên trang blog của RFA có bài phỏng vấn Ls. Võ An Đôn về đơn khởi kiện Bộ Trưởng Tư Pháp vì bị tước quyền hành nghề luật sư không lý do chính đáng. Cũng gần đây tôi đọc trên Facebook ý kiến của Ls. Hà Huy Sơn về “luật sư tự do”, nghĩa là không bị chi phối bởi đoàn luật sư vốn là công cụ của nhà nước để khống chế các luật sư có tinh thần độc lập. Những ý kiến này và những vấn đề liên quan đến hiến pháp, luật pháp, ngành tư pháp… ở Việt Nam đang là đề tài của cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Cuộc kiểm điểm sẽ diễn ra tại trụ sở của LHQ ở Geneva trong 2 ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây.
Để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm, ngày 16 tháng 8, Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ đã gửi cho nhà nước Việt Nam Danh Sách Các Vấn Đề (List of Issues, hoặc LOIs), đúc kết các thông tin và ý kiến của các tổ chức nhân quyền.
Đoạn 23, thuộc mục “Người bảo vệ nhân quyền”  trong văn bản LOIs của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, liên quan trực tiếp đến các đề tài mà Ls. Đôn và Ls. Sơn nói đến ở trên:
“Đoạn 23. Hãy bình luận về những cáo giác rằng luật sư đại diện cho các nhà hoạt động, người bảo vệ nhân quyền hoặc bất kỳ vụ việc nào liên quan đến ‘an ninh quốc gia’ bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện, bị đe dọa kỷ luật và thu hồi giấy phép, bị tước giấy phép, bị truy tố một cách sai trái dựa trên những lời buộc tội mang tính vu cáo, chẳng hạn như trốn thuế, và là đối tượng bị sách nhiễu, bị trả thù, bị tấn công thân thể, bao gồm bởi lực lượng công an, mà thủ phạm không hề bị truy xét. Hãy cung cấp thông tin chi tiết về việc đưa ra bất kỳ biện pháp bảo vệ nào để ngăn chặn sự tái diễn những hiện tượng trên, đảm bảo tính độc lập hoàn toàn của luật sư và bảo vệ họ khỏi bị trả thù.”
Ngày 26 tháng 11, nhà nước Việt Nam đã gửi văn bản trả lời cho Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ. Dưới đây là phần trả lời cho Đoạn 23 kể trên:
93. Tại Việt Nam, các hoạt động nghề nghiệp của luật sư luôn được đảm bảo bởi Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp lý khác có liên quan để giúp các cá nhân và tổ chức bảo vệ quyềnvà lợi ích hợp pháp của họKhông có những trường hợp luật sư bị bắt hoặc bị đe dọa vì các hoạt động nghề nghiệp hợp pháp như được đề cập trong các cáo buộc. Liên đoàn luật sư Việt Nam và các liên đoàn luật sư địa phương có nhiệm vụ đại diện cho luật sư; luật sư có quyền khiếu nại và tố cáo, và những khiếu nại và tố cáo đó được xử lý theo các quy định của Luật Luật sư và pháp luật liên quan đến khiếu nại và tố cáo.
94.       Trong pháp lý, ngoài nghĩa vụ công dân, luật sư còn bị ràng buộc bởi nhiệm vụ chuyên môn theo quy định của pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và hành vi của luật sư phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp của quốc tế. Một luật sư đã vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các biện pháp kỷ luật đối với luật sư đã vi phạm pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và hành vi luật sư hoặc Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam được thực hiện nghiêm ngặt và minh bạch của hiệp hội luật sư mà luật sư là thành viên. Trong mọi trường hợp, luật sư có quyền nộp đơn khiếu nại lên Liên đoàn luật sư Việt Nam để duyệt lại những biện pháp kỷ luật đối với họ. Nếu luật sư bị “đình chỉ tư cách thành viên của hiệp hội luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng” hoặc “xóa tên khỏi danh sách luật sư của hiệp hội luật sư”họ cũng có quyền nộp đơn khiếu nại các biện pháp kỷ luật này với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Các tổ chức nhân quyền và xã hội dân sự có thời hạn đến ngày 4 tháng 2, 2019 để phản biện văn bản trả lời này.
Chúng tôi khuyến khích các luật sư ở trong nước phối hợp với nhau để cung cấp thông tin và góp ý với Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, giúp họ có được cái nhìn đa diện thay vì chỉ nhận được câu trả lời từ nhà nước Việt Nam.  Quý vị có thể gửi bản báo cáo phản biện cho:
Gabriella Habtom
Secretary of the Human Rights Committee
ghabtom@ohchr.org

Hoặc, quý vị có thể gửi thông tin và góp ý cho BPSOS qua địa chỉ crp@bpsos.org. Chúng tôi sẽ đúc kết lại thành bản báo cáo, dịch sang tiếng Anh và nộp đi.
Lưu ý: Ngoài đoạn 23 kể trên, các Đoạn 14, 15 và 16 trong Danh Sách Các Vấn Đề cũng ít nhiều liên quan đến các luật sư bảo vệ nhân quyền hoặc dân quyền. Quý vị có thể dùng chung một bản báo cáo để góp ý cho các đoạn này cùng với Đoạn 23. Để tiện cho người ở trong nước truy cứu, BPSOS cung cấp bản dịch tiếng Việt gộp chung “Danh Sách Các Vấn Đề” của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ và văn bản trả lời của nhà nước Việt Nam tại đây: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/12/CCPR-Ba%CC%89n-Tie%CC%82%CC%81ng-Vie%CC%A3%CC%82t-cung-c%E1%BA%A5p-b%E1%BB%9Fi-BPSOS.pdf.
Bài liên quan:
10 tổ chức XHDS góp ý cho cuộc kiểm điểm nhân quyền đối với Việt Nam
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1329-2018-04-30-23-12-48.html