Tường biên giới Mỹ-Mễ đang là đề tài thời sự nóng hổi.
Một độc giả gửi góp ý đến DĐTC, viết “Tới giờ tôi vẫn đợi một lập luận vững chắc chống lại việc xây tường biên giới”. Vị độc giả đó sẽ có quyền chờ tới Tết Congo, vì thực tế, chẳng ai có một lập luận nào nghiêm chỉnh bác bỏ việc xây bức tường biên giới hết. Đó không phải là ý kiến của kẻ này đâu, mà là quan điểm của ông Mark Morgan, cựu chỉ huy trưởng lực lượng biên phòng Mỹ của TT Obama. Ông này nói “Tôi không thể nghĩ ra một lập luận chính đáng nào có thể dùng để không hậu thuẫn việc xây tường như là biện pháp hữu hiệu bảo vệ biên giới”.
Thực tế là trên thế giới với hơn 200 quốc gia hiện nay, không có một xứ nào không tìm cách bảo vệ xứ mình hết. Không có một xứ nào có chuyện ‘no wall, no border’ hết.
Xin thưa ngay với tất cả quý độc giả: trước khi quý vị hô hào chống bức tường, xin quý vị hiểu những hô hoán chống TT Trump xây tường của phe cấp tiến đều chỉ là những khẩu hiệu chính trị giả dối nhất để lừa gạt những cử tri u mê nhất.
Trước hết, nói về nguyên tắc. Biên giới quốc gia đã có từ thời con người chui ra khỏi hang động, biết sống chung như một bộ lạc, có lãnh địa của mình để tự bảo vệ. Thế giới đã trải qua cả vạn cuộc chiến trong mấy ngàn năm lịch sử nhân loại, chết hàng triệu triệu người chỉ vì chuyện “bảo vệ lãnh thổ”. Bây giờ, không có lý do nào con người chui vào hang động trở lại, xóa ‘lãnh địa’, xóa luôn mọi khái niệm về ‘cái nhà của mình’, để mở toang cửa, ai muốn vào thì vào. Ông hàng xóm ăn nên làm ra, nhà cao cửa đẹp, đồ ăn đầy ắp, ta cứ ‘thoải mái’ vào sống sao? Ngay cả cái thế giới đại đồng không tưởng của cụ Các Mác cũng không thể đi xa đến mức đó được. Và cũng không có một nguyên tắc ‘nhân đạo’ nào có thể biện minh cho việc mở toang cửa nhà đón cả xóm vào ở chung.
Nước Mỹ là nước cởi mở đón nhận di dân nhiều nhất lịch sử nhân loại từ hồi nào đến giờ. Và ngay cả dưới thời TT Trump cũng không khác. Tất cả mọi tố giác Trump không nhận di dân, đóng cửa biên giới vì kỳ thị dân Mễ, kỳ thị dân Hồi giáo, tất cả chỉ là những luận điệu vu khống vô căn cứ nhằm mục đích đánh TT Trump không hơn không kém.
Nhắc lại cho rõ: trong vấn đề di dân Hồi giáo, TT Trump chỉ đòi hỏi có biện pháp thanh lọc hữu hiệu đối với dân một số nước đại loạn, chiến tranh triền miên, nơi mà chẳng có chính quyền hữu hiệu nào kiểm soát được dân, thì làm sao Mỹ có thể mở cửa đón nhận họ vào mà không cần thanh lọc những tên cảm tử Hồi giáo cuồng tín, vào Mỹ để giết dân Mỹ, tử vì đạo? Tối Cao Pháp Viện đã đồng ý với TT Trump 9-0.
Còn trong vấn đề di dân Nam và Trung Mỹ, TT Trump chưa hề cấm cửa di dân từ Nam Mỹ. Điều ông đòi hỏi là việc này phải có kiểm soát, trong luật lệ hiện hữu, chứ không thể là chuyện mở toang cửa, ai muốn vào kiểu gì cũng được. Hay là kéo nhau từng đoàn cả ngàn người đến biên giới đòi cho vào và phải nuôi họ, nếu không thì phải trả 50.000 đô một đầu người. Chuyện vô lý như vậy mà cũng có người hoan nghênh được, kẻ này thật tình chịu thua không thể lý luận gì được nữa. Giống như chuyện toán học cơ bản: nếu như có người nhất định khăng khăng nói 2+2=5 thì kẻ này đành chịu thua thôi.
Những người chủ trương mở cửa đón nhận đám dân này vì nhân đạo cho rằng “những người nhập cư là những người nghèo khổ, cần sự giúp đỡ”. Xin cho hỏi vài câu: Mở cửa đến lúc nào? Dựa trên tiêu chuẩn nào? Giới hạn tới số lượng nào? 1 triệu, 5 triệu, 50 triệu? Giới hạn sắc dân? Dân Nam Mỹ ô-kê, thế dân nghèo của Tây Tạng, Congo, Somalia, Zimbabwe, Bangladesh, Tầu cộng,… thì sao? Mở cửa đón hết sao? Tại sao Mỹ lại phải có trách nhiệm nuôi cả thế giới, nuôi tất cả những người nào có khó khăn trong cuộc sống.
Mà những người này sau khi được nhận vào Mỹ thì ai nuôi? Những người chủ trương ‘nối vòng tay lớn’, họ có chịu đóng thêm mỗi người vài ngàn tiền thuế để nuôi di dân không? (chính phủ Mỹ ước tính mỗi di dân vào Mỹ sống, Nhà Nước tốn sơ khởi 70.000 đô một năm nuôi họ trong những năm đầu). Hay họ nghĩ Nhà Nước Mỹ chỉ cần in thêm tiền là xong? Hay tăng thuế tất cả mọi người trừ họ ra (vì họ đều là dân hưu hay dân tay trắng, chỉ lãnh ueo-phe chứ không đóng một xu thuế nào)? Hay là họ chỉ hô hào bằng miệng cho ra vẻ ‘nhân đạo’ nhưng thật sự hoàn toàn vô trách nhiệm?
Trên thực tế, có hai loại người hô hào mở toang cửa biên giới: 1) là các chính khách dùng chuyện di dân làm khẩu hiệu chính trị để đi kiếm phiếu của dân gốc Nam Mỹ; và 2) là đám cừu cử tri đi theo mà không hiểu rõ hậu quả của việc mình đang làm, cũng chẳng nhìn thấy động cơ chính trị thực sự của các chính khách mà họ phụ họa theo, họ chỉ là những con vẹt nói mà không biết mình nói gì.
Kẻ này xin nói huỵch tẹt cho rõ: thái độ gọi là ‘cởi mở, rộng lượng, nhân ái,…’ hay gì gì khác mà khối cấp tiến DC hô hoán là chuyện viết lại lịch sử hoàn toàn giả nhân giả nghiã giả dối. Nói ‘giả dối’ có lẽ chưa đủ mô tả vấn đề một cách trọn vẹn mà phải nói đó cũng là thiếu lương thiện, miệt thị quần chúng, cho thiên hạ là ngu hết, muốn nói sao cũng được, vẫn sẽ có người tin. Cái điểm quái lạ là đã có không ít người… tin thật!
Quả đúng như vậy, đã có không ít người thật sự tin là đảng DC cũng như TTDC cấp tiến đã thật sự có lòng nhân ái, muốn mở cửa đón nhận di dân càng nhiều càng tốt vì thật sự muốn giúp họ thoát cảnh nghèo đói, bạo lực, bất an,… Và bức tường TT Trump muốn xây là để cản không cho bất cứ ai vào.
Ta phải hiểu như thượng nghị sĩ gốc di dân Cuba Marco Rubio của Florida đã giải thích: bức tường không phải để cấm cửa hoàn toàn di dân Nam Mỹ, mà chỉ là bịt kín các lỗ hổng để di dân có thể vào Mỹ qua những cánh cửa đang mở mà có kiểm soát. Chià khoá của vấn đề chính là ‘có kiểm soát’, mà phe DC và TTDC không bao giờ dám nhắc đến. Tất cả mọi lập luận ‘xây tường để cấm cản di dân’ chỉ là bóp méo thiếu lương thiện để xuyên tạc.
Muốn hiểu cho đúng sự phức tạp của vấn đề di dân, ta phải đi ngược lại dòng lịch sử.
Nước Mỹ mở cửa đón nhận di dân từ ngày khai quốc đến giờ, ai cũng biết, Đó là chính sách quốc gia, đã được ‘quảng bá’ công khai cho cả thế giới qua mấy dòng chữ viết dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do tại New York: “Give me your tired, your poor,…”. Những người cổ võ cho việc nhận di dân thường mang câu này ra để biện minh cho cái mà họ gọi là “tinh thần Mỹ”, American spirit, để đả kích mọi giới hạn di dân như là việc phản lại cái tinh thần đó. TNS lãnh tụ khối thiểu số DC tại Thượng Viện, Chuck Schumer mới vừa nhắc đến.
Ở đây, ta phải nói sơ qua về câu chuyện tượng Nữ Thần Tự Do để hiểu rõ vấn đề.
Tượng Nữ Thần Tự Do do chính phủ Pháp tặng TT Lincoln để ăn mừng việc TT Lincoln chiến thắng trong nội chiến, và giải phóng được dân Phi Châu khỏi xiềng xích nô lệ. Nghĩa là chẳng liên quan xa gần gì đến chuyện di dân. ‘Tinh thần Mỹ’ ở đây chỉ là ‘tinh thần giải phóng nô lệ’, chấm dứt cảnh dân da đen làm nô lệ cho dân da trắng, chứ chẳng liên hệ sơ múi gì đến chuyện di dân.
Pháp cho đúc tượng nhưng sau một thời gian thì… hết tiền. Những người chủ xướng tìm cách gây quỹ, và nghĩ ra cả chục, cả trăm khẩu hiệu để quảng bá, gây quỹ. Cuối cùng lấy một câu trong một bài thơ trong đó có câu “Give me your tired, your poor, …” làm khẩu hiệu dụ tiền của dân Âu Châu đang muốn tìm cơ hội mới tại Mỹ.
Tóm lại, dùng ‘American spirit’ trong bức tượng Nữ Thần Tự Do để biện minh cho việc mở toang cửa đón di dân là chuyện bá láp. Cái tự do của Nữ Thần tượng trưng là tự do không còn xiềng xích nô lệ, chứ không phải tự do vào Mỹ sống.
Nhưng cho dù mang ý nghĩa đón nhận di dân, cũng vẫn không có nghiã là nước Mỹ muốn hay có thể đón nhận cả tỷ dân nghèo của cả thế giới, vô giới hạn, vô trật tự. Cái gì cũng có giới hạn thực tế, nhất là khi những khẩu hiệu chính trị đụng đầu với thực tế xã hội.
Câu chuyện di dân hiện nay đúng là nồi cháo heo của những loại tin thất thiệt hay tin phịa.
Trên căn bản, TT Trump chia sẻ quan điểm với khối CH về việc giải quyết vấn nạn di dân. Có hai việc cần phải làm:
Di dân đang xin tị nạn vào Mỹ đang đứng đợi trên cầu Quốc tế ở Mexico
1. Chuyện tương lai lâu dài và căn bản là xây tường để chặn những làn sóng nhập cư lậu trong tương lai, đồng thời ban hành một luật di dân quy mô mới đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan, như điều kiện và thủ tục nhập cư trong diện di dân hay tỵ nạn, bảo trợ và đoàn tụ gia đình, trẻ em DACA, tình trạng ‘du lịch đẻ con tại Mỹ’, số lượng nhập cư tối đa, các luật ‘sanctuary laws’ của các tiểu bang và địa phương,…
2. Chuyện hiện hữu trước mắt là giải quyết tình trạng cả chục triệu di dân lậu đang sống hay làm việc bán thời tại Mỹ: đòi hỏi họ phải ra khai báo, đóng thuế hồi tố hay tiền phạt tượng trưng, trở về nước, làm thủ tục xin vào Mỹ sống thường trực hay xin phép làm việc bán thời, có thể được ưu tiên hay đặc miễn dễ dãi trong việc cứu xét đơn xin.
Đây là căn bản của giải pháp của khối CH đã từng được TT Bush con đề nghị. Nhưng giải pháp dung hòa này đã không qua được quốc hội khi phe DC nhất trí chống vì không có ân xá toàn diện, và khi một số dân cử CH cực hữu cũng chống, coi như đây là một hình thức ân xá. Cùng một giải pháp, một bên coi như ân xá, một bên coi như không ân xá, cả hai bên đều chống. Thế mới hiểu vấn đề di dân phức tạp như thế nào.
TT Trump trong hai năm qua cũng vẫn gặp rắc rối tương tự, chưa giải quyết được vấn đề. Hãy khoan chỉ trích TT Trump vô tài bất tướng. Cái gân gà di dân đã được 5 đời tổng thống từ Reagan đến Obama nuốt không trôi rồi. Mà không trôi vì không qua được quốc hội chứ không phải vì tổng thống bất tài. TT Obama khi tranh cử lần đầu đã hùng hổ hứa hẹn sẽ giải quyết trọn vẹn vấn nạn di dân nội trong năm đầu khi ông và đảng DC nắm quyền tuyệt đối với hơn 50% Hạ Viện và 60 ghế tại Thượng Viện. Nếu TT Obama tài giỏi, giữ lời hứa ra luật quy mô thì khủng hoảng di dân hiện hữu đã không xẩy ra.
Khối DC hiện nay chủ trương một giải pháp ‘rộng lượng’ hơn nhiều: ân xá toàn diện, cho phép tất cả di dân lậu đang sống được hợp thức hóa, trở thành công dân Mỹ trong những điều kiện dễ dàng nhất, không xây tường vì sẽ đưa ra hình ảnh một xứ Mỹ không cởi mở, không hoan nghênh di dân, không đúng ‘tinh thần Mỹ’.
Phải nói ‘hiện nay’ vì đó không phải là lập trường của đảng DC cách đây chỉ vài năm.
Dưới thời TT Clinton, di dân lậu tràn ngập Mỹ, hơn một triệu người mỗi năm! Cả trăm ngàn người mỗi tháng! Ông nhìn thấy mối lo chung của dân Mỹ, năm 1995, ban hành luật chống di dân khắt khe, trong đó có luật giam giữ di dân, kể cả trẻ con (sau đó bị tòa phán vi Hiến), với hậu thuẫn của cả đảng DC, bắt đầu xây tường đọc biên giới Mễ.
Năm 2006, TT Bush ra luật kiểm soát di dân còn khắt khe hơn nữa, xin quốc hội phê chuẩn tiền xây 700 dặm tường biên giới. Tất cả những lãnh tụ lớn của DC thời đó đều bỏ phiếu ủng hộ, trong đó có các thượng nghị sĩ Joe Biden, Hillary Clinton, Chuck Schumer, Bernie Sanders, Diane Fienstein,... Tất cả 36 thượng nghị sĩ DC hiện nay còn tại chức khi đó đã biểu quyết phê chuẩn không chừa một người. Cả bà Pelosi cũng ủng hộ. Ông Obama khi đó còn đang làm nghị sĩ tiểu bang Illinois, không tham gia bỏ phiếu tại Thượng Viện liên bang dĩ nhiên, nhưng ra tuyên bố ủng hộ hoàn toàn việc gia tăng kiểm soát biên giới. Ông tuyên bố “Một cách giản dị nhất, chúng ta không thể cho phép thiên hạ tràn vào nước Mỹ mà chúng ta không biết, không kiểm soát và không có giấy tờ hợp pháp, ... Chúng ta là một dân hào hiệp, hoan nghênh di dân, nhưng những người nhập cư lậu đã không tuân thủ luật và khinh thường những người tuân thủ luật”.
Sau này, bà Hillary tuyên bố “Khi làm thượng nghị sĩ, tôi đã biểu quyết cấp tiền xây tường để cản di dân lậu tràn vào”.
Ông Obama lên làm tổng thống, chuẩn chi hơn 40 tỷ đô cho việc củng cố các biện pháp bảo vệ biên giới, trong đó không ghi rõ bao nhiêu được dành cho việc xây tường, nhưng dĩ nhiên cũng phải cả chục tỷ.
TNS Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số DC trong Thượng Viện, tuyên bố năm 2009: “Nhập cư bất hợp pháp là sai trái… Kiểm soát biên giới qua việc củng cố xây cất hàng rào phòng ngừa, tăng cường phương tiện kỹ thuật và nhân sự biên phòng phải được thực hiện”.
Cho đến này, ba ông tổng thống trước TT Trump đã xây hơn 650 dặm tường biên giới, còn lại khoảng 1.300dặm chưa xây hay bỏ trống. TT Trump chỉ muốn xây tiếp để bít kín hết, và củng cố những khúc tường hiện hữu thôi.
Quý độc giả hẳn phải lấy làm lạ khi đọc những đoạn trên. Phe DC xây tường và ủng hộ một chính sách bảo vệ biên giới chống di dân Nam Mỹ mạnh từ thời Clinton qua tới Obama, phải không? Nếu nhìn vào những tuyên bố và quyết định của các vị dân cử DC trong những ngày tháng gần đây, thì rõ ràng đảng này đang chống lại mọi biện pháp cản trở việc di dân Nam Mỹ vào Mỹ, cho dù bằng những phương tiện bất hợp pháp hay ngay cả bằng bạo lực.
Tại sao khi đó đảng DC chống di dân? Vì tất cả thăm dò cho thấy dân lao động và trung lưu Mỹ chống di dân, coi di dân như là mối đe dọa lớn cho công ăn việc làm của họ và cho văn hóa của họ. Như vậy, tại sao bây giờ phe DC lại lật ngược chính sách di dân của họ bốn vó lên trời một cách hung hãn như vậy? Đã có hai lý do chính: 1) đảng DC chống Trump tuyệt đối, cứ Trump làm việc gì là phải chống ngay, không cần biết gì khác, 2) đảng DC bây giờ cần phiếu của dân gốc Nam Mỹ hơn bao giờ hết, sau khi dân da trắng lao động và trung lưu bỏ DC, đổ xô đi bầu cho ông Trump năm 2016.
Báo USA Today (USAT) viết bài, đả kích TT Trump cả chục chuyện về việc xây tường. Kẻ này xin bàn qua vài điểm chính:
- USAT: “Không có một cựu tổng thống nào đã công khai nói ủng hộ việc TT Trump xây tường”. Họ có nói gì hay không thì không biết, chỉ có điều chắc chắn 100% là các TT Clinton, Bush con, và Obama đều đã bỏ tiền ra xây tường. TT Trump cho đến nay, chưa xây tới một thước tường, vậy qúy độc giả lái xe dọc biên giới thử hỏi xem bức tường quý vị thấy do ai xây?
- USAT: “Các tiểu bang biên giới là an toàn nhất, không bị di dân lậu phạm pháp hoành hành, chỉ nhìn vào tỷ lệ di dân phạm pháp tại Texas thì biết”. Ý muốn nói di dân là khối dân hiền lành nhất. Sự thật khác hẳn. Texas an toàn nhất vì đây cũng là tiểu bang kiểm soát di dân mạnh nhất, di dân lậu rất khó tìm việc làm, không có luật ‘sanctuary law’, do đó, phần lớn di dân không ở lại Texas, mà đi lên phiá bắc tới những nơi như Chicago, New York, Boston,... Những thành phố này có số di dân cao nhất, đồng thời cũng có những tỷ lệ phạm pháp cao nhất, phần lớn do dân da đen và di dân Nam Mỹ.
- USAT: “Phần lớn di dân lậu là dân có chiếu khán hợp lệ vào Mỹ, rồi ở lại luôn, chứ không phải là di dân đi chui qua biên giới Mễ”. Đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Theo thống kê chính thức, từ năm 2007 đến nay, số người ở lại sau khi chiếu khán hết hạn lớn hơn số di dân đi chui khoảng nửa triệu (nguyên văn: Since 2007, visa overstays have outnumbered undocumented border crossers by a half million). Con số di dân lậu hiện nay được ước lượng trên 12 triệu người là tối thiểu; tức đại khái có 6,2 triệu ở lại sau khi chiếu khán hết hạn, và 5,7 triệu đi chui. Giải pháp xây tường dĩ nhiên không cản được hết di dân lậu đi chui, nhưng nếu cản được 5,7 triệu người thì có đáng không?
- USAT: “Mỹ đã có một chính sách cản di dân rất hữu hiệu rồi”. Có hơn 12 triệu di dân lậu mà gọi là “rất hữu hiệu” sao?
Chuyện quái lạ là bây giờ việc ‘xây tường’ đã chuyển qua việc xây ‘hàng rào sắt’!
TT Trump phát biểu tối 8/01/2019 tại Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc
Một câu chuyện thật khó hiểu cho kẻ này: ngân sách. Ngân sách Mỹ hiện là trên 4.000 tỷ, nhưng lại gặp khó khăn lớn khi thảo luận về 5 tỷ để xây tường bảo vệ biên giới. Nói cho dễ hiểu, Nhà Nước có 800 đô trong túi, TT Trump xin 1 đô xây tường không được. Phe cấp tiến cho rằng số tiền này quá lớn. Câu hỏi cho họ: 5 tỷ là quá lớn, thế thì so sánh như thế nào với 130 tỷ chi cho di dân lậu mỗi năm hiện nay? Và 5 tỷ đó so sánh như thế nào với 40 tỷ mà TT Obama được cấp để ‘bảo vệ biên giới’?
Phe cấp tiến cũng tố “khủng hoảng di dân là khủng hoảng phịa do TT Trump chế tạo ra”. Chắc họ không nhìn thống kê chính thức: con số di dân lậu tràn vào Mỹ bị bắt đã lên cao hơn 50% con số cao nhất trước khi ông Trump đắc cử tổng thống, từ 20.000 lên đến 30.000 người mỗi tháng sau khi phe cấp tiến làm rùm beng chống chính sách di dân của TT Trump, chống việc ‘cách ly trẻ em’, và Cali ra luật sanctuary law. Nhìn biểu đồ dưới (nhìn vào vạch xanh thì rõ hơn) thì thấy rõ có khủng hoảng hay không, và khủng hoảng từ đâu ra:
Nhà Nước đóng cửa vì giữa Hạ Viện và Thượng Viện đã không có được thỏa thuận về ngân sách, đó là sự thật. Cái mà TTDC và đảng DC hô hoán là “TT Trump đóng cửa Nhà Nước” vì không được cấp tiền xây tường biên giới là một tin phịa thô bỉ, nhưng được lập lại liên tục (trong đó không thiếu gì các cụ tỵ nạn bị bệnh Dị Ứng Trump) để hy vọng biến thành ... sự thật. Đúng như tay tổ tuyên truyền của Hitler đã nói, một điều nói láo, cứ lập đi lập lại mãi, sẽ có người tin là sự thật.
Câu chuyện di dân có thể tóm gọn lại trong một câu nói của bà chủ tịch Hạ Viện: “Xây tường là vô đạo đức” –immoral! Năm 2006, cũng như dưới thời Obama, bà Pelosi luôn vỗ ngực cổ võ xây tường, sao bây giờ xây tường lại thành vô đạo đức? Sự thật là thái độ lật lọng của phe cấp tiến mới chính là chuyện vô đạo đức. Nếu đảng DC chủ trương chống xây tường kiên trì từ mấy chục năm nay thì chuyện đó mới đáng nể, chứ lật lọng, lưỡi không xương vì phe đảng chính trị thì đó là việc thật sự vô đạo đức và đáng khinh.
Vũ Linh