December 31, 2009
Ngày 28 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Hôm nay, tại New York và một số thành phố ở Mỹ, người ta đã cử hành ngày Good Riddance Day để tống đi những muộn phiền, những bực bội, những chuyện không may, những thứ không ra gì của năm 2009 để đón năm mới, mong năm 2010 sẽ tử tế hơn.
Nhiều người đã đến Times Square để làm công việc đó.
Tại đây có để sẵn những cái máy shredder, loại máy dùng để cắt giấy tờ, tài liệu thành những mảnh vụn rất nhỏ để những bí mật, những thư từ riêng không muốn để người khác đọc được. Khoảng mấy trăm người đã mang đủ thứ giấy tờ, hình ảnh, tài liệu mà họ cho là đã đem lại những điều không đẹp, những kỷ niệm không hay, những bông băng (đầy thuốc đỏ) vừa dứt ra từ những vết thương chưa lành… Tất cả đều được đem quăng hết vào những chiếc máy shredder cho nghiến nát thành trăm, thành ngàn mảnh vụn nhỏ. Luôn cả những hồ sơ địa ốc, giấy nợ, văn tự của những căn nhà bị tịch thu cũng được đem xé hết thành vụn để không bao giờ cho chúng còn có thể gợi lại những chuyện không tốt đẹp của năm cũ nữa.
Khỏi phải mất công lặn lội trở về căn nhà, nơi hẹn cũ để đốt những lá thư như trong một bài hát của Đoàn Chuẩn.
Nghĩ cũng tội nghiệp người đàn ông trong ca khúc Lá Thư. Mình anh đã lênh đênh làng cùng sông đã đời rồi lại phải vượt biển với trèo non trở lại nơi xưa rồi mới đem những bức thư cũ đem đốt vì nàng đã vui bên người đàn ông khác, ra vào bảo sanh viện tới mấy lần.
Thế nên lôi cái máy shredder mua ở Home Depot giá khoảng 20 đô la, bỏ hết vào máy những lá thư mà có lần chàng đã nghĩ là "Em ướp hương vào những giấy thư/ Tôi hôn lên chữ một đôi tờ/ Nghĩ rằng em gửi hồn thơm đấy/ là bởi lòng kia vẫn ước mơ" Nghe mà phát mệt. Thế rồi luôn cả " Chữ Yêu lượn nét hoa kiều diễm/Tưởng thấy nghìn đuôi mắt hẹn hò" cũng đem xé hết...
Cứ tống hết vào máy shredder, bấm cái nút, rẹt một cái, lá thư quằn quại chạy qua những lưỡi dao sắc rồi rơi vào cái thùng rác ở dưới.
Trò Good Riddence Day này mới bắt đầu có từ vài ba năm nay nhưng càng ngày càng được nhiều người hưởng ứng.
Những tàn tích của năm cũ thì giữ ại làm gì. Quăng hết. Cái gì dính tới những chuyện cũ thì lôi ra, bỏ vào máy shredder. Ra về lòng thơ thới hân hoan như ngồi trong rạp xi nê không bị người ngồi cạnh hút thuốc thở vào mặt nữa.
Hết phải "đổ vật tư nhân", trông thấy vật mà nhớ lại người cũ.
Nhưng có thật như vậy không? Có thật là quăng chúng đi là hết nhớ người cũ không?
Bởi vì cái ca vát đẹp như vậy thì tội tình gì nó để phải cho vào máy xé tài liệu? Cái áo sơ mi, cái bút Parker 72, cái đồng hồ không còn chạy, cái triện son mua ở Quế Lâm … thì tại sao phải nghiến cho chúng nát vụn ra?
Thôi thì lại để trong cái hộp trong góc nhà, dặn chú em khi nào có chuyện thì quăng đi hộ. Đừng mở ra. Cứ quăng đi. Chứ tự mình, đích thân, tận tay mà làm những việc ấy thì làm sao được.
Ai đốt, ai xé thì cứ việc. Ai không dám xé, không dám quăng đi thì phải nhờ tới bàn tay thô bạo (?) của chú em vậy.
Ngày 29 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Mấy ngày hôm nay tôi nhớ cụ Yên Đổ vô cùng. Chán công danh sự nghiệp, buồn vì vận nước, vừa 50 tuổi, cụ cáo quan về vườn Bùi hưu trí, không còn muốn đụng tới chuyện đời nữa thì một hôm bị mấy anh nhà quê lôi cụ ra để làm giám khảo cuộc thi vịnh Kiều. Cụ chê mấy anh, không nhận, chỉ gửi cho mấy bài thơ vịnh Kiều để mắng khéo mấy anh ấy:
Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già …
Làm cho bận đến cụ Viên già …
Đang thảnh thơi thu điếu, thu vịnh, thu ẩm, cụ bị mời ra chấm thi thơ. Đúng là cụ bị làm bận. Tôi bỗng nhớ lại mấy câu trên vì nghĩ chúng ta cũng sắp bị phiền vì lại đang có thằng bán tơ giở giói ra.
Thằng chó này đem chất nổ định phá nổ chiếc máy bay của Northwest bay từ Amsterdam sang Detroit. Âm mưu không thành nhưng việc của nó cũng làm khổ rất nhiều người. Cách đây tám năm, năm 2001, một thằng chó khác, Richard Reid, bỏ trong giầy một ít chất nổ định phá chiếc Boeing 767 của hãng American Airlines. Tuy cũng không thành nhưng vì nó mà chúng ta ra phi trường phải cởi giầy ra, tháo thắt lưng, bỏ đồng hồ, điện thoại, tiền kim khí vào cái khay, vừa đi vừa xốc quần qua máy dò kim khí rồi mới được lên máy bay. Trông không đẹp chút nào cả.
Nay, âm mưu đánh bom của Umar Farouk Abdulmutallab cũng có thể sẽ còn làm phiền chúng ta nhiều hơn nữa. Báo cáo của FBI cho biết Umar Farouk Abdulmutallab giấu một túi chất nổ PETN trong quần lót để không bị khám phá ở phi trường. Bản tin CNN cho thấy Umar Farouk Abdulmutallab đã cho chất nổ vào trong một cái túi nhỏ rồi khâu cái túi này vào quần lót, ngay ở phía trước, và nhờ đó, đương sự đã lên được máy bay mà không bị an ninh phi trường phát giác.
Bức hình chụp mà FBI cung cấp cho báo chí cho thấy là làm như vậy quả là khó mà các nhân viên an ninh nhìn thấy nên Umar Farouk Abdulmutallab đã không bị chặn.
Gói thuốc nổ được khâu vào quần lót, và khi mặc chiếc quần lót đó vào người, thì ai có thể nghĩ đó là gói thuốc nổ.
Đến như Mae West cũng đã phải lầm và thốt ra: Is that your gun in your pocket or are you just glad to see me?
Cô đào sexy của điện ảnh Mỹ vào sinh ra tử (?) không biết bao nhiêu trận mạc (?) mà còn không biết đó là khẩu súng trong túi của người đàn ông hay đó là vì người đàn ông mừng quá (?) khi gặp nàng.
Tôi sợ là để đề phòng, cơ quan an ninh không lưu liên bang có thể sẽ bắt các hành khách cho thấy là không mang theo chất nổ bằng những biện pháp tương tự như sau vụ Richard Reid buộc chúng ta phải bỏ giầy. Lần này, Umar Farouk Abdulmutalab giấu chất nổ trong quần lót thì chúng ta sẽ còn bị làm phiền hơn biết là bao nhiêu nữa.
Không thể chỉ chim bay cò bay mà đủ. Bỏ giầy ra cũng chưa đủ. Tháo dây nịt, kéo quần xuống đầu gối cũng chưa đủ.
Cứ tưởng tượng đến khúc đó là không dám nghĩ thêm nữa.
Còn đâu là cảnh chàng lái xe ra phi trường, đậu lại, nhẩy ra khỏi xe, chạy như bay qua quầy vé, dông tuốt ra phi đạo nơi máy bay còn đang đậu, thấy nàng, chàng gào tên của nàng lên, hai bên chạy tới ôm nhau, hôn nhau mùi mẫn để từ biệt nhau hệt như cảnh Jean Paul Belmondo và Virna Lisi trong một cuốn phim xem ở Sài Gòn mấy chục năm trước.
Bây giờ, tiễn nhau một chút cũng khó vô cùng. Cả hai phải cởi giầy, rũ áo đười ươi như trong thơ Bùi Giáng, cởi mấy món ra, mặc lại, quần áo xốc xếch như ma dại rồi mới ôm nhau hôn một cái cho bõ những ngày cơ cực, trao đổi vài chục triệu con vi trùng cúm H1N1 làm kỷ niệm để về nhà khật khừ cả nửa tháng thì chán biết là chừng nào.
Nhưng đó là sự thật của ngày hôm nay. Thế giới đã thay đổi quá nhiều. Thay đổi nhiều đến độ một chút hạnh phúc nhỏ, một niềm vui không đáng chi nay cũng không còn nữa.
Cũng chỉ vì mấy đứa chó bọ. Cụ Viên tức điên lên là phải.
Có lẽ đến phải làm như lời cải biến của một ca khúc do Văn Cao viết: ra đi không mang va li, quần áo cứ thế cắp nách… thì mới được chăng?
Chao ôi là chán.
Mà đó là chưa kể tới việc Victoria’s Secret sẽ phải tung ra một loạt quần lót kiểu mới để không thể khâu thêm cái túi nào vào được nữa. Kiểu quần lót mà đạt được yêu cầu (?) như thế trong thời đại chó đẻ của khủng bố thì còn gì là đẹp nữa.
Có khi quờ quạng trong bóng tối lại hét lên kinh hoàng như vừa đụng tay vào … khủng bố thì buồn làm sao cho hết buồn đây?
May mà Umar Farouk Abdulmutallab không thành công. Không thành công nên chiếc phản lực của Northwest Airlines mới không nổ tung. Chứ nếu máy bay nổ, thì nếu kiếm được tử thi của tên khủng bố này, người ta chắc chắn đã thấy là nó được giải phóng (?) miền Nam ngay trong mấy giây đầu tiên rồi ấy chứ! Khâu ngay trong quần lót mà lại ở đúng vị trí chiến lược hàng đầu thì phỏng là phải.
Nhưng khổ nhất cho nhiều người đàn ông là đi ngoài đường thỉnh thoảng lại bị vài ba chị phụ nữ hô hoán ầm lên là có người khâu túi thuốc nổ vào quần lót trong khi các chàng có bao giờ muốn làm khủng bố đâu!
Ngày 30 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Phải thú thật với bạn rằng cho đến nay, tôi vẫn chưa gặp, chưa thấy, và lại càng không biết nó là cái gì. Hay là đã gặp, đã quen, đã biết mà không biết, không ngờ?
Nhưng như bạn, tôi cũng nghĩ là chắc nó phải đẹp lắm.
Không biết nó là cái gì là vì sau khi nhờ mấy cuốn tự điển dẫn đi, tôi vẫn ở nơi khởi đầu của chuyến đi. Nghĩa là không biết thêm gì hơn về nó hết.
Nó đây là cái "dáng huyền", hay cái "bóng huyền" mà chúng ta đã nghe bao nhiêu lần trong lời của vài ba bản nhạc. Nhưng có lẽ nếu hỏi ngay những người viết những bài nhạc có nhắc đến nó ở trong, tôi cũng không nghĩ là sẽ có được những giải thích thỏa đáng.
Bởi vì những chữ đó không hề có trong các tự điển.
Bóng hồng thì có, như đoạn Kim Trọng nhìn thấy Kiều lần đầu tiên: bóng hồng nhác thấy nẻo xa...
Nhưng đây là bóng huyền và dáng huyền.
Tự điển có tất cả những chữ huyền khác, ngoại trừ dáng huyền, bóng huyền.
Những chữ huyền trong tự điển thì có nghĩa là sắc tím đen, là nghĩa lý sâu kín, là thanh tịnh, là dây đàn, là treo lên.
Tất cả những nghĩa vừa kể đều không thể đi với hai danh từ dáng hay bóng. Không lẽ đó là cái bóng... đen, tím rịm. Hay cái dáng của sợi dây đàn? Hay cái bóng của người được... treo lên?
Những cái bóng hay dáng như thế thì hà tất phải đau khổ, hạnh phúc như trong lời mấy ca khúc:
... ngây thơ dáng huyền...(Ngọc Bích)
Huyền vi thì có: ôi phút huyền vi môi sát môi / kề vai nghe tiếng gọi luân hồi (Đinh Hùng)
Nhưng dáng và bóng huyền thì không.
Huyền đi với châu là đeo hạt châu. Huyền châu nghĩa bóng là mắt đẹp. Từ đó, chúng ta có mắt huyền. Rồi mắt mơ huyền, hay mắt huyền mơ để mô tả đôi mắt đẹp. Rồi đến mắt huyền nhung hay mắt nhung huyền. Tất cả đều dùng để tả đôi mắt rất đẹp.
Dáng huyền hay bóng huyền không lẽ chỉ để nói đến đôi mắt? Chúng tôi mất công đi sửa sang kỹ như thế, tốn không biết bao nhiêu tiền để các ông nhớ có mỗi đôi mắt thôi... á? Sao lại bất công như thế?
Hay dáng huyền, bóng huyền là cái dáng... đen, cái bóng đen thùi lùi?
Trắng da là bởi phấn nhồi
Da đen là bởi em ngồi chợ trưa...
Da đen là bởi em ngồi chợ trưa...
Chắc không đúng, nghe chung toàn lời bài hát thì thấy em trắng bốp chứ đen hồi nào đâu.
Có thể từ mắt huyền, nghĩa là mắt đẹp: đôi mắt huyền ơi, xinh xinh cô em đôi mắt dịu dàng, hồn đắm mơ say, tim tôi rộn ràng tình cô thờ ơ...(Thông Đạt)
Từ mắt huyền, là mắt đẹp do danh từ huyền châu ra, đẩy thêm một chút thì vẫn giữ được ý nghĩa đẹp, nhưng cái đẹp được chuyển sang một khu vực khác, không còn ở đôi mắt nữa, mà là toàn thể con người nhan sắc đó... hỡi người nhan sắc đa tình ấy, ta đã lòng son cháy ước mơ (Vũ Hoàng Chương).
Thế rồi chúng ta có dáng huyền và bóng huyền chăng?
Nhưng hai cái bóng này nó ra làm sao? Nghe nói hoài rồi đấy chứ, mà có biết nó to béo, cao hay lùn bao giờ đâu?
Mà bóng với dáng huyền thì có... dữ không? Biết hỏi ai cho ra điều đó bây giờ?
Ngày 31 tháng 12 năm 2009
Bạn ta,
Tôi có người bạn có một thói quen không biết từ bao giờ: mỗi lần cần ra hiệu hay chỉ trỏ điều gì, thì chàng không dùng ngón tay trỏ như 99,5% dân số thế giới, mà dùng ngón tay giữa, mặc dù cái ngón sát bên ngón tay cái là ngón đáng lẽ phải dùng
Chúng ta gọi nó là ngón trỏ, người Pháp và người Anh, từ trước khi tiếp xúc với chúng ta cũng gọi nó là ngón trỏ: index và index finger, không hẹn mà cũng vẫn gặp nhau ở đó
Nhưng bạn tôi thì cứ ngón giữa chàng dùng. Ở Việt Nam thì không có gì để nói cả. Nhưng ở Mỹ thì kỳ quá. Chàng ở đây ngoài hai chục năm, cần chỉ trỏ cái gì, chàng cứ ngón giữa lôi ra dùng.
Nếu chàng mới tới nước Mỹ thì chuyện đó có thể hiểu được. Nhưng hơn hai mươi năm ở xứ Mỹ, bộ không có ai thu hết can đảm nói với chàng, giải thích cho chàng biết là chàng không nên làm điều đó, trừ khi chàng muốn có những liên hệ xác thịt với người kia hay gửi tới người ấy một câu chửi thề tục tĩu ư?
Có thể là không. Vì lần mới đây khi tôi gặp chàng ở một bữa buffet ăn đứng, chàng chỉ cho tôi món cá hấp... cũng bằng cái ngón tay giữa đó của chàng.
Giơ ngón tay giữa ra vào mặt người nào thì nên sẵn sàng chờ một quả đấm thì hơn. Nhưng chắc bạn tôi chưa bị một quả đấm nào, nên chàng vẫn chỉ trỏ bằng ngón tay giữa.
Ngón tay giữa chỉ được vung lên trong những lúc không tiện để đến tận mặt kẻ đáng ghét vừa cắt ngang qua đầu xe của chúng ta mà không hề ra hiệu báo trước. Nhưng việc này, ngày nay cũng ít người làm, trừ khi trên ghế bên cạnh đã có khẩu shotgun lên đạn sẵn sàng để nổ nếu người lái xe kia xuống kính xe, chĩa ra một nòng súng magnum xanh rợn người.
Vả lại người tử tế, không thô tục thì cũng không nên làm thế với bất cứ ai. Ngoại trừ ông Nelson Rockefeller, phó tổng thống cho ông Ford sau ngày ông Ford lên thay ông Nixon, mà báo chí chụp được khi ông Rockefeller chào các sinh viên biểu tình chống ông ở đại học Colombia mấy chục năm trước. Trong hình, ông Rockefeller vui không thể tả được. Ông cười tít mắt, lưng gù xuống, tay phải vung lên trước mặt, ngón tay giữa thẳng ra, bốn ngón kia gập lại.
Ông không cần phải nói ra, mà cũng không cần phải viết tắt thành "f... you" người kia cũng vẫn hiểu ngay điều ông muốn gửi đến các sinh viên biểu tình.
Nhưng cũng rất nhiều khi khác chúng ta không nên giơ ngón tay giữa (to give the finger) cho những người lái những chiếc xe sơn trắng hay xám, trên mui lại có nguyên một giàn đèn xanh đỏ chớp liên hồi bao giờ. Giơ ngón tay giữa vào những lúc đó thì vất vả ngay.
Thì tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi đọc được đoạn tin về một vụ xẩy ra ở thị trấn Fayetteville, tiểu bang Arkansas. Theo tờ Playboy, Wayne Nichols, cách đây 2 năm, lái xe chạy ngang 1 xe cảnh sát, chàng thò tay ra ngoài, giơ ngón tay giữa lên... cho mát. Cảnh sát chặn chàng lại, biên cái giấy phạt về tội phá rối trật tự công cộng (disorderly conduct).
Wayne Nichols kiện cảnh sát viên này ra tòa, lập luận rằng người cảnh sát đã vi phạm quyền tự do bầy tỏ (right to free expression) của chàng, quyền được ghi trong Tu Chính Án số Một của Hiến Pháp Mỹ. Một bồi thẩm đoàn liên bang đồng ý với lập luận đó và ra lệnh cho cảnh sát viên phải trả cho Wayne Nichols $2,000.00.
Chưa hết, tháng trước đó, cháu trai của Wayne Nichols cũng được 1 cảnh sát viên khác bồi thường cho $2,500.00 vì cảnh sát viên này đã bắt giữ cậu sau khi cậu tặng cảnh sát ngón tay giữa của cậu. Tòa tối cao ở Pennsylvania cũng bác một phán quyết của tòa dưới, miễn tố cho một người lái xe vừa hét "f...you" vừa giơ ngón tay giữa vào mặt một nhân viên chỉ đường cho một công trường xây cất.
Như vậy, bạn tôi có thể yên tâm, cứ... chửi tục bằng ngón tay giữa của chàng mà không sợ bị rắc rối gì hết.
Chỉ sợ có ngày quen tay, sẽ có dăm ba phụ nữ rượt theo hỏi "có thật là "du" muốn làm thế với "me" không?" thì ai giúp chàng bây giờ.
Tôi thì không dám rồi.
Ngày 1 tháng 1 năm 2010
Bạn ta,
Người Mỹ có một việc làm nghĩ cũng hay. Cứ cuối năm họ ngồi xuống, viết ra giấy nhũng điều tâm nguyện cố gắng làm trong năm mới để sao cho năm mới khá hơn năm cũ, bỏ những tật xấu, cố làm những điều tốt đẹp cho năm mới. Nào là bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn, bớt rượu đi… Nhưng hệt như những resolutions của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vừa biểu quyết xong, là mọi chuyện đâu lại vào đấy, Iran tiếp tục làm giầu uranium để chế tạo võ khí nguyên tử, Bắc Hàn tiếp tục trò lục sở, Bắc kinh vẫn chơi trò khốn nạn với thế giới, thậm thụt buôn bán với Miến Điện…
Thế nên người ta đã phải nói là tuổi thọ ngắn nhất thế giới là những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Nghị quyết hay quyết tâm, tâm niệm (resolution) được viết ra để lại bị vi phạm ngay. Kể cả những nghị quyết có tính cách bó buộc cũng như những nghị quyết không có tính cách bó buộc (non-binding resolutions) như thỉnh thoảng Liên Hiệp Quốc vẫn đưa ra rồi lại cẩn thận ghi là không bó buộc. Vậy thì đưa chúng ra làm gì?
Được sự an toàn của những chữ non-binding resolutions, năm nào tôi cũng viết resolution để nếu có vi phạm thì lương tâm cũng không cắn nát người ra, lại cũng chẳng sợ là sẽ bị chế tài này nọ như Liên Hiệp Quốc vẫn làm. Mà ngay như khi có những biện pháp chế tài thì có ăn thua gì đâu. Miến Điện vẫn giam bà Aung Aan Suu Kyi, Iran vẫn theo đuổi chương trình võ khí hạt nhân, Bắc Hàn vẫn có anh lùn mã tử làm Lãnh Tụ Kính Yêu Kim Chính Nhật vân vân. Nghị quyết Liên Hiệp Quốc vẫn không làm được gì. Thế nên những cái resolutions viết cho mình thì cứ viết, tuân thủ hay không thì cũng không chết ai.
Thí dụ tự hứa là năm mới sẽ không đánh răng bằng Heineken nữa. Mỗi ngày chỉ uống X (X= ẩn số) lon bia mà thôi. Sẽ không khó chịu khi nghe các ông bà em xi vô duyên xin quí vị một tràng pháo tay (hê hê) mỗi 30 giây nữa. Sẽ tin là những giọng hát (cho nhau nghe) quả tình không muốn lên hát ( liên tiếp 4 bài) vì không sửa soạn mà bị lôi lên hát để phá bữa tiệc vui. Tin chắc rằng những người nhường cho quẹo phải, quẹo trái không thèm quay lại ban phát cho một nụ cười không phải là những con khỉ vừa đớp nguyên một củ gừng to tổ chảng. Hoàn toàn tin rằng những lời mừng các cô cậu tân khoa là của bạn bè (bỏ tiền ra đăng báo) chứ không phải là của gia đình những người vừa đem về mấy cái bằng cấp lớn. Không bực bội vì người lái xe trước mặt không biết dùng đèn chớp để đổi lane là những người làm chủ những con đường ở thành phố chứ không phải là những loại ngu dốt đến độ không đọc được cuốn manual chỉ dẫn cách sử dụng chiếc xe của họ. Thành thật nghĩ cậu Nguyễn Minh Triết ăn nói có duyên mặc dù lên diễn đàn lôi cả cu ba ra khoe nhắng lên. Sẽ cố yêu ông Lê Khả Phiêu hơn và nghĩ ông có Mênh Mông Tình Dân là có thật chứ không phải là bị dân vạch mông đít dí vào mặt. Tin những người về nước dự đại hội Việt kiều hải ngoại là những người có tài nhổ ra một đống đờm rồi lại gục mặt vào liếm cho sạch. Tin là không cần phải lasik vẫn có thể sáng mắt ra như ông nhạc sĩ nọ. Sẽ hết lòng yêu quí Michelle cho dù nàng có chỗ để ngồi chiếm hơi nhiều diện tích của những cái ghế. Tin ngay là các thứ quần áo nàng mặc đều là những thời trang mới, đẹp và đắt tiền cho cả thế giới bắt chước như mấy tờ báo Mỹ ra rả từ đầu năm đến nay. Quyết tâm tin là người phụ nữ nét mặt nghiêm và buồn mỗi khi giữ cửa cho các nàng đi đều la chủ của những tòa building ấy nên không cần phải nụ cười héo hắt trên môi nữa. Cũng sẽ tin là sữa con kiến đực số con rệp sẽ làm cho làn da đẹp hơn là Shiseido, Estee Lauder. Tin chắc là nàng có định gánh cháo lòng đi bán để cho chồng khỏi phải cúi đầu nhưng không có cháo lòng nên đành bán phở vậy. Cố gắng tin là các nữ Việt kiều sồng sộc lên sân khấu tự phát hát bài Việt Nam Hồ Chí Minh là những người có liêm sỉ. Tin chắc các nàng không là cò mồi. Tin chắc những cái mặt hớn hở tại hội trường Hà Nội có nhiều lằn chứ không phải là chỉ có một lằn. Thôi không nói ra sự thèm khát tình dục đối với má của bác Hồ, của các cậu Triết, Dũng, Mạnh miếc vân vân. Thôi không nghĩ bọn mất dậy ở Hà Nội là đồ chó đẻ nữa sau khi nghe bọn chó gâu gâu phản đối, quyết lòng không nhận là mẹ của chúng. Tiếp tục thù ghét những cái nón cối. Vẫn vững tin rằng những giải thích của chính phủ về vụ bô xít chỉ là bull shit.
Nhưng đọc lại thì lại thấy đây là một nghị quyết rất nguy hiểm. Vì nếu không tuân thủ những điều viết xuống để rồi thèm khát những má của bác, của Triết, Mạnh, Dũng diếc thì bẩn người ra hay sao.
Vậy nên lại không viết resolution nữa cũng là điều hay.