Thursday 3 January 2019

NHỮNG CHUYỆN CHỈ CÓ Ở CÔN ĐẢO


Image result for côn đảo south vietnam

CÁCH DI CHUYỂN CỦA CƯ DÂN CÔN ĐẢO ĐẦU THẬP NIÊN 1970

Vào những năm 1971-1972, ngành hàng không dân dụng chưa có đường bay ra Côn Đảo. Phi đạo chỉ dài hơn một cây số không thể tiếp nhận nhiều loại máy bay thông thường. Để ra vào đảo bằng đường không, cư dân đảo đi nhờ các chuyến bay quân sự của người Mỹ cần ra đó tiếp tế cho các đơn vị của họ. Để thỏa mãn nhu cầu của cư dân đảo, đồng thời thực hiện một số việc cần như mua sắm vật tư, liên lạc với các đơn vị có quan hệ với chính quyền đảo ở Sài Gòn, Bộ chỉ huy Đặc khu Côn Sơn và TTCH phối hợp thiết lập và điều hành một “Ban hậu cứ Côn Sơn” đặt tại Nha Cải Huấn, Bộ Nội vụ, dưới sự điều hành của một sĩ quan cấp Trung úy hay Đại úy thuộc Đặc khu Côn Sơn, có sự phối hợp của 1-2 giám thị cải huấn. Cuối năm 1970, người phụ trách Hậu cứ Côn Sơn là Trung úy Phúc, có sự phối hợp của giám thị cải huấn Triệu Văn Đống.

Các cư dân Côn Đảo khi cần trở ra đảo, sẽ liên lạc với Ban hậu cứ Côn Sơn, ghi tên và chờ thông báo ngày giờ có mặt tại hậu cứ. Để làm việc này, Hậu cứ Côn Sơn thường xuyên liên lạc với các đơn vị Mỹ thường có chuyến bay ra đảo. Khi biết rõ ngày giờ của một chuyến bay, họ nhanh chóng thông báo cho những người đã ghi tên và khoảng vài tiếng đồng hồ trước chuyến bay, họ chở những người này ra phi trường, đến đúng ngay chỗ đậu của chiếc máy bay sẽ ra Côn Đảo. Thời đó, loại phương tiện hàng không cho phép người dân Côn Đảo tháp tùng là những chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ C123 và C130. Máy bay có khoang rất rộng để chở được nhiều hàng hóa, vật dụng, hành khách ngồi trên hai dãy ghế treo bằng vải xếp dọc theo hai bên hông máy bay. Vì là máy bay quân sự, phi công cho máy bay cất cánh hay hạ cánh rất “mạnh bạo”, không lên hay xuống chậm như máy bay hàng không dân dụng, còn tiếng động cơ gầm rú nghe đinh tai nhức óc, ngồi gần nhau nói cũng khó nghe.
Ngoài hai loại máy bay quân sự này, thời đó, người Mỹ còn ra đảo bằng máy bay Air Cofat loại C47, nhỏ gọn, thường dùng chuyển thư từ hay hàng hóa, vật dụng loại nhẹ. 
Về vận chuyển đường thủy, cư dân Côn Đảo thường ra đảo nhờ vào tàu tuần tra của Hải quân VNCH tại căn cứ Cát Lở (Vũng Tàu). Việc di chuyển này không phù hợp với những người thần kinh yếu, hay say sóng, vì nhiều người kể rằng gặp những lúc biển động, người đi theo tàu chưa quen bị “ói đến mật xanh, mật vàng”, đến nỗi khi trong bụng không còn gì để ói nữa cũng phải ói. Được nghe kể lại rằng, mỗi tàu tuần tra của hải quân căn cứ Cát Lở lúc bấy giờ được cấp một lượng dầu đủ để thường xuyên tuần tra vòng quanh đảo, song nhiều khi họ không sử dụng hết lượng dầu được cấp phát, nếu quay về căn cứ với một số lượng dầu dư sẽ gián tiếp tự tố cáo là đã không thực hiện đầy đủ các lượt tuần tra theo qui định. Vì thế, giải pháp tốt nhất họ chọn là xả lượng dầu dư cho các cơ quan làm việc trên đảo. Lọt sàng xuống nia, nhà máy điện Côn Sơn là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất những đợt dầu xả này.

CHUYỆN KHÓ TIN Ở ĐÀI LORAN
Chuyện này có thể khó tin đối với các bạn trẻ lớn lên dưới mái trường XHCN, song là chuyện có thật. Vào đầu thập niên 1970, và trước đó, gần phi trường Cỏ Ống ở Côn Đảo có một căn cứ của người Mỹ hoạt động hoàn toàn biệt lập với chính quyền và cơ quan quân sự Việt Nam trên đảo. Cơ sở này có tên là đài Loran, nghe đâu đây là một đài ra-đa hiện đại có nhiệm vụ hướng dẫn máy bay B52 cất cánh từ đảo Guam bay sang miền Nam Việt Nam can thiệp vào các chiến trường. Nhắc đến đài Loran thời đó, người dân Côn Đảo tuy không rõ họ làm những gì cụ thể, song khó quên lối hành xử đầy tính nhân đạo của những người Mỹ làm việc tại đây. Thời đó, mỗi khi tại Ty Y tế / Bệnh viện Côn Sơn có một ca bệnh nào không thể cứu chữa tại địa phương, phải di tản về Sài Gòn, họ phối hợp với cơ quan chức năng thông báo cho đài Loran là chỉ vài tiếng đồng hồ sau, một chiếc máy bay trực thăng từ đất liền bay ra đảo để đưa người bệnh về Sài Gòn. Tất nhiên, trong những chuyến bay như thế, cư dân Côn Đảo, ưu tiên hơn cả là thân nhân người bệnh và nhân viên y tế, được tháp tùng cho đủ công suất chuyên chở của một chuyến trực thăng. Lâu ngày chầy tháng, thỉnh thoảng có chuyện lạm dụng của phía Việt Nam, một vài ca bệnh có thể chữa trị tại đảo nhưng vẫn gọi cho đài Loran. Điều này có khi người Mỹ cảm nhận được nên về sau việc gọi xin trực thăng trở nên khó hơn trước.


CHUYỆN MƯU SINH CỦA NGƯỜI TÙ CÔN ĐẢO

Ở Côn Đảo những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, những người tù Côn Đảo không chống đối, nhất là những ai đang sống bên ngoài trại giam như công nhân văn phòng, công nhân tư gia, đều có những cơ hội mưu sinh thêm. Một trong những thành phần tù được sống khá “lãng mạn” là các tù trật tự hoạt động ở các chòi trên nhiều cao điểm vòng quanh đảo. Tại Côn Đảo có hai mùa gió chính: một là mùa gió Tây Nam thổi từ tháng 4 - 5 đến tháng 11-12, hai là mùa gió chướng, thổi từ tháng 11-12 đến tháng 4-5 năm sau. Gió Tây Nam thổi từ đảo về hướng Philippines nên chính quyền trên đảo ít lo chuyện tù đóng bè vượt ngục. Đặc biệt vào mùa gió chướng, gió thổi mạnh từ đảo vào đất liền nên việc canh phòng tù đóng bè vượt ngục được tăng cường đến mức độ cao nhất. Đó là lúc các chòi trật tự trên núi hoạt động hết công suất, tù trật tự được tăng cường. Mùa gió chướng đầu tiên vào đầu năm 1971, tôi chứng kiến một trường hợp tù vượt ngục, lực lượng an ninh trên đảo bủa ra đi tìm, khoảng hơn 10 ngày sau thì bắt lại được. Họ ẩn lánh trong rừng chưa kịp làm gì thì bị bắt. 
Cuộc sống người tù trật tự ở các cao điểm trong mùa gió chướng khá “thi vị”. Mỗi tháng một đôi lần, họ xuống thị xã lãnh gạo và cá, mắm quảy lên núi, dành phần lớn thời gian cho việc mưu sinh thêm. Việc làm phổ biến của họ là trồng rau củ bổ sung cho bữa ăn hàng ngày và nuôi gà. Có những chòi trật tự nuôi nhiều đàn gà, khi gà đủ lớn, họ mang xuống thị xã để bán.
Tù công nhân tư gia cũng sống thoải mái như vậy, nhất là những người ở với các “ông lớn” một chút. Nhà có những khoảnh sân rộng, họ được phép nuôi gà và thực hành một nghề phổ biến là làm đũa ăn. Đũa làm bằng cây “oăng” (không thấy có từ này trong tự điển, vị nào rành về các loại gỗ trong rừng xin cho biết rõ), loại gỗ chắc thịt, có sớ khác màu như gỗ cẩm lai. Họ tự chế máy chuốt đũa và tạo bóng cho đũa bằng cách dùng chai thủy tinh lăn mạnh xuống những chiếc đũa đã thành hình. Tuy nhiên, nghề làm đũa của người tù không “sang” bằng nghề làm quân cờ tướng. Nguyên liệu vẫn là loại cây oăng, họ làm thành những quân cờ tròn trịa, đều đặn. Phía trên một mặt (hoặc cả hai mặt), họ khoét một rãnh đủ sâu để nhét vào mảnh ốc đụn, loại ốc sáng óng ánh như ốc xà cừ, nhét sao cho mặt quân cờ thật bằng phẳng, tạo chung quanh quân cờ một hình vành khăn nhỏ, thật đều đặn. Với người ở tù, không có những phương tiện cơ khí phù hợp mà làm được những quân cờ xinh xắn như vậy đã là một kỳ công. Tinh tế hơn nữa là kỹ thuật khắc chữ lên từng quân cờ, sao cho chữ rõ ràng, sắc nét, điều này nói lên cái tài riêng của mỗi người tù. Thông thường ngoài quân cờ, họ cũng làm luôn một bàn cờ bằng gỗ, khi trải ra có thể xếp quân cờ lên để đánh, khi xếp đôi lại trở thành một hộp đựng quân cờ xinh xắn.

MẤY “ĐẶC SẢN” CỦA VÙNG BIỂN CÔN ĐẢO

Cá cơm Côn Đảo ngon hơn cá cơm của nhiều nơi khác ở Việt Nam. Riêng ở Côn Đảo, chúng còn được nhiều người dùng để nuôi đồi mồi. Còn đầu cá thu tươi ở Côn Đảo mà nấu canh chua thì không gì bằng. Song “đặc sản” đầu tiên phải kể đến ở Côn Đảo là món thịt vích được nhiều người mệnh danh là “bò biển”. Cũng như thịt bò, thịt vích đỏ au, thường được cư dân đảo làm món nhúng giấm. Biển Côn Đảo có rất nhiều vích, đi trên thuyền nhìn xuống tầng nước trong vắt thấy chúng bơi mà … thèm. Mùa đẻ trứng, chúng bò lên những hòn đảo không người ở và đẻ thoải mái. Bắt loài này rất dễ, chỉ cần lật ngửa cho chúng giơ 4 chân lên trời là xong. Một lần nọ, anh Trưởng ty Cảnh sát (tên Năm) đi cùng một số người ra một hòn đảo vắng, rình thấy một con vích hàng trăm ký bò lên bãi cát đẻ trứng, nó đẻ xong, anh chạy lại dùng hết sức bình sanh lật mãi mà không lật ngửa nó nổi, cuối cùng phải hô hoán cho nhiều người đến phụ giúp. Loài “đặc sản’ thứ hai tôi chưa từng nghe nói ở đâu có bao giờ, có thể do sự khác biệt ngôn ngữ chăng? Đó là loài “cá cúi” mà cư dân gọi là “heo biển”. Bữa sáng nọ, tôi chạy xe ngang nhà ông Nguyễn Minh Châu (đã nhắc ở bài trước), thấy trước nhà treo từng nửa con vật gì đó không rõ, thịt đỏ tươi, có những rẽ sườn y như loài heo mà các xưởng sản xuất trong đất liền vẫn xẻ đôi. Lấy làm lạ, tôi xuống xe quan sát, được chủ nhà cho biết đó là loài cá cúi anh vừa bẫy được. Buổi trưa về, trong bữa cơm, tôi ăn món ba rọi muối chiên quen thuộc, không nghi ngờ gì, mãi đến hôm sau mới được biết đó chẳng phải là thịt heo chính danh, mà là món ăn làm từ mấy kg cá cúi do ông Châu mang lại biếu! Nói thế để hiểu rằng đặt cho loài cá cúi là “heo biển” không sai chạy một chút nào.
Riêng món “đặc sản” cùi ốc (hay cồi ốc) thì có lẽ ngay cả cư dân Côn Đảo cũng ít người có dịp thưởng thức. Nó là cái “bản lề” giúp loài ốc tai tượng khổng lồ có thể khép hay mở hai cái vỏ ốc dài đến hai gang tay, nặng đến 5 - 6 kg. Món này chỉ dùng để đãi các phái đoàn cao cấp từ trung ương đến, vào hàng Bộ trưởng hay Tướng lãnh. Để có món cùi ốc, các tù nhân nguyên là người nhái phải lặn ở những vùng nước sâu, miệng ngậm con dao bén, thấy con ốc tai tượng nào đang há miệng dưới đáy biển là lặn xuống, dùng dao cắt lìa hai cái “bản lề” của vỏ ốc và nhanh chóng trồi lên. Mỗi cái cùi ốc như thế dài khoảng một tấc, màu trắng trong, đường kính cỡ một đồng tiền, luộc lên, thái từng khoanh nhỏ, vị giòn và ngọt một cách kỳ lạ. Nghe kể rằng thỉnh thoảng có những tù người nhái ham mồi quá, thấy con ốc tai tượng nằm ở độ sâu quá mức chịu đựng của cơ thể, vẫn cố lặn xuống, khi lấy xong cùi ốc, trồi lên đến mặt nước thì máu ở hai hốc mũi trào ra. Thành thử, trong những bữa đại yến như thế, bỏ khoanh cùi ốc vào miệng, ngoài vị ngọt của món ăn ngon, còn nghe như có vị mặn của máu người tù!
Ngoài các loài cá và ốc, vùng biển Côn Đảo có một loại cây đặc biệt gọi là cây dương nước, nghe đâu nếu có chúng bên mình thì sẽ tiêu trừ được nhiều bệnh tật. Cây dương nước mọc dưới biển, thân có nhiều nhánh nhỏ, màu đen tuyền và rất cứng. Trong suốt thời gian ở Côn Đảo, tôi chỉ biết có mỗi trường hợp Trung tá chúa đảo Nguyễn Văn Vệ có một cây “can” (gậy chỉ huy) làm bằng cây dương nước, được chế tác rất đẹp.

MỘT BÀI HỌC NHỎ Ở CÔN ĐẢO  

Những năm 1971-1972, lâu lâu người dân Côn Đảo nghe tiếng còi tàu rúc từ xa, nhìn thấy những chiếc tàu lớn chạy gần đảo. Hỏi ra mới biết đó là tàu Đại Hàn (Hàn Quốc) chở binh sĩ về nước. Họ ghé lại đảo để mua đồ lưu niệm mang về và thứ họ mua nhiều nhất là những con vích to đã được móc ruột, chế tác thành đồ mỹ nghệ. Họ lại không mua đồi mồi, loại đặc sản của Côn Đảo rất có giá trị, có mai đẹp, lại có thể dùng làm đồ mỹ nghệ khác như lược, hộp đựng nữ trang... Nghe kể về chuyện này của các anh lính Hàn Quốc, tôi cười thầm trong bụng về cái “ngu” của họ.
Một ngày nọ, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi đem chuyện này ra kể cho mấy người quen thân, và sự giải đáp mang lại cho mình một bài học mới. Họ cho biết hai loại rùa biển là vích và đồi mồi có cấu tạo rất khác nhau về cái mai: mai loài đồi mồi gồm nhiều vảy xếp lên nhau, còn mai loài vích là một tảng duy nhất trên có những đường rãnh chạy ngoằn ngoèo chia thành từng ô nhỏ, trông như những chiếc vảy của nó. Hàn Quốc là xứ có những lúc cực lạnh, vào mùa này, những chiếc vảy đồi mồi chịu sự tác động của nhiệt độ quá thấp, sẽ bung ra hết, còn mai của loài vích thì không hề hấn gì. Người lính Hàn Quốc không mua đồi mồi mà mua vích là vì thế. Bài học này cho thấy không cái ngu nào giống cái ngu nào.

CHÚT KỶ NIỆM VỀ HAI PHÒNG HỌC CẤT MỚI Ở CÔN ĐẢO

RMK là hãng thầu xây dựng lớn, trước năm 1972 từng thực hiện cho quân đội và các cơ quan dân sự Mỹ nhiều công trình xây dựng to tát. Khoảng 1970-1971, hãng này ra Côn Đảo xây dựng đài vô tuyến trên núi Chúa. Công trình vừa xong thì hãng hết hợp đồng với chính phủ Mỹ, rút toàn bộ về nước. Theo thỏa thuận giữa hai phía Mỹ và Việt, RMK chuyển giao phần lớn phương tiện thi công lại cho chính phủ VNCH, đại diện là Bộ Công chánh. Nhân sự kiện này, chính quyền Côn Đảo làm tờ trình xin với Bộ Nội vụ và Bộ Công chánh cho được nhận lại số vật tư và phương tiện mà RMK đã sử dụng khi làm đài vô tuyến trên núi Chúa. Tất nhiên RMK cũng rất vui lòng vì họ đỡ phải mang về giao cho Bộ Công chánh tại Sài Gòn. Đề nghị của chính quyền Côn Sơn được chấp thuận, và RMK bàn giao cho đảo nhiều máy xúc, máy ủi, máy xay đá cùng nhiều phương tiện hiện đại khác (so với máy móc của miền Nam lúc bấy giờ). Điều quan trọng không kém là số vật tư như sắt thép, xi măng họ còn để lại khá nhiều. Trong một dịp bàn luận với nhau, ông chúa đảo Cao Minh Tiếp và tôi nảy ra “sáng kiến” tận dụng những vật tư RMK để lại cùng một số vật tư còn tồn kho trên đảo để xây cho trường trung học Côn Sơn 2 phòng học. Mọi việc xuôi rót, 2 phòng học hoàn thành không tốn một đồng kinh phí nào của nhà nước. Tất nhiên anh hiệu trưởng Nguyễn Minh Nhựt là một trong những người sung sướng nhất. Anh âm thầm gửi một báo cáo theo hệ thống dọc cho Bộ Văn hóa-Giáo dục xin ân thưởng huy chương Văn hóa - Giáo dục bội tinh cho ông Tiếp và tôi. Chúng tôi không biết gì, cho đến khi nghị định ân thưởng do ông Tổng trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh ký được chuyển theo đường công văn ra đến Côn Sơn. Cuối cùng thì buổi lễ khánh thành hai phòng học mới và gắn huy chương cũng đã diễn ra tại Côn Đảo một cách đơn giản nhưng ấm cúng, với sự hiện diện của ông Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh. 
45 năm đã qua đi, song ký ức về người hiệu trưởng trường Trung học Côn Sơn Nguyễn Minh Nhựt vẫn còn mới mẻ. Những ngày ấy, trong vai vế chính quyền giữa tôi và Nhựt, tôi là “sếp”, song trong quan hệ cá nhân, chúng tôi là hai người bạn thân. Những khi rảnh rổi, Nhựt thường đạp chiếc xe đạp thể thao đến văn phòng của tôi nói chuyện khào. Vào thời điểm đó, anh đã có bằng cử nhân văn khoa và đang soạn luận văn cao học sử với đề tài “Các chế độ lao tù tại Côn Đảo”. Anh thường kể tôi nghe về sự “nghiêm khắc” của người thầy hướng dẫn luận văn cho anh: giáo sư Nguyễn Thế Anh, trưởng khoa Sử trường Đại học văn khoa Sài Gòn, người sau này là một nhà nghiên cứu sử nổi tiếng trên trường quốc tế, giám đốc thuộc Trung tâm Khảo cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Với sở học của Nhựt và sự hướng dẫn của một trí thức lớn như giáo sư Nguyễn Thế Anh, tôi tin rằng luận văn cao học sử của anh là tác phẩm mang tính học thuật nghiêm túc, khách quan và đầy đủ nhất về chế độ lao tù ở Côn Đảo. Tiếc rằng, khi đề cập đến Côn Đảo ngày nay, người ta chú trọng đến khía cạnh tuyên truyền nhiều hơn là học thuật, nên sau gần 45 năm, luận văn cao học sử của Nguyễn Minh Nhựt vẫn chưa thể là… sách. Cách đây 1-2 tháng, tình cờ đọc thấy một người bạn FB vốn là học trò cũ của Nhựt “khoe” vừa được anh tặng cho quyển luận văn cao học còn ở dưới dạng những trang đánh máy photocopy, lòng chợt chùng xuống trong một nỗi buồn. Nghe người học trò cũ kể lại những gì tôi đã viết về hai phòng học ngày nào, Nhựt đều nhớ cả, chỉ có điều anh hiện không có Facebook, không có cả email nên chúng tôi chưa có dịp gặp lại nhau để nhắc lại kỷ niệm xưa. 
Lê Nguyễn


Inline image

Ngôi nhà tại Côn Đảo nơi tôi đã ở cách nay 45-46 năm, (ảnh vừa do bạn Báu Lại Thanh chụp). Sau gần nửa thế kỷ, cấu trúc ngôi nhà không có gì thay đổi, ngay sát tường rào là con đường chính từ phi trường Cỏ Ống về thị xã, bên kia con đường là bãi biển 

Inline image

Huy chương vửa được gắn xong 

Inline image

Ông Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh (đứng bìa phải) trong lễ cắt băng khánh thành hai phòng học mới tại trường Trung học Côn Sơn và gắn huy chương cho 2 giới chức tại đảo


Inline image

Bộ cờ tướng do người tù Côn Đảo làm, những mảnh vỏ ốc tạo nên trên mặt quân cờ những hình vành khăn rất đều đặn

Inline image

Các quân cờ tướng thể hiện nét tài hoa và công lao khó nhọc của người tù Côn Đảo