Một gian hàng ở chợ hoa trong bãi đậu xe Phước Lộc Thọ, Little Saigon. (Phúc Quỳnh/Viễn Đông)
Bữa hổm, Tư tui đi chợ Tết ở Bolsa, thấy nức lòng quá chừng. Chu choa! Sao mà hương vị quê nhà có đầy đủ như vậy? Hoa đào, hoa mai, hoa cúc vạn thọ, hoa lan.. đủ thứ hoa của miền Nam, lại còn những chậu Bonsai đẹp quá chừng chừng. Tui phục tác giả nào kiên trì tỉa cắt cho thành những cây trông tuyệt cú mèo! Tư tui thấy hoa đẹp quá, tính lại mua ít chậu về nhà chưng ba ngày Tết, nhưng chợt khựng lại, khi thấy giá tiền... nặng hơn cái túi tiền mà Tư tui mang theo. Khẳm địa luôn! Một chậu cây hoa lan có năm, bảy thân, có những chùm hoa trắng như tuyết, giá $1,500 lận. Mấy chậu nhỏ hơn cũng bốn, năm trăm đô! Thôi, thì đứng ngó cho đã con mắt rồi cứ coi như là đã mang về nhà rồi! Qua mấy quầy khác, nào là phong bao lì xì, đồ vàng, bạc, nào là tranh ảnh, và đồ chơi... thấy thèm quá. Tưởng tượng như có nhiều tiền như mấy trự đầu tư ở Việt Nam qua, Tư tui quyết rinh về nhà cả xe pick-up luôn. Ăn Tết thế mới đã!
Chép miệng một cái, Tư tui tản bộ qua các khu ăn uống. Trời! Trời! Đủ món ăn chảy nước miếng luôn! Món Nam, món Trung, món Bắc... sao mà thơm lừng! Không trách người ta xúm vào ăn như là mới nhịn đói cả tháng rồi vậy! Chả trách gì người ở các tiểu bang khác cứ kéo nhau về Nam Cali, làm đường đi chật cứng. Xe hơi nối đuôi nhau kìn kìn, không khác gì ở Saigon, thay vì xe hơi là người đi bộ đầy đường, nhất là ở khu có chùa to, có miếu lớn, như ở đền Lăng Ông Bà Chiểu, đông nghẹt đến nỗi người ta đứng không cựa quậy và không lê chân đi chỗ khác được, đành đứng ngửi hương nhang đầy cả mũi. Mấy người bạn tui ở xa về thăm miền Nam Cali, đều chắc lưỡi, “Cha! Cái điệu này, tui phải dọn về đây ở mới được! Như ở Thiên Đường! Không thiếu món gì, mà nhà hàng nào cũng ngon, vì phải cạnh tranh, nên ăn đã miệng luôn. Nhất là khí hậu, sao mà ôn hòa, y như Saigon!”
Tư tui nghe người ta khen khu Thủ Đô Tị Nạn này mà khoái trong lòng. Tui đã chọn đúng “nơi này làm quê hương,” ở đây từ hồi qua H.O.1, không dọn đi đâu hết, mặc dù, hồi mới qua, bà con, anh em ở chỗ khác rủ tui qua, là có việc làm ngon lành liền, Tư tui lắc đầu không đi. Ở đây người Việt mình đông đảo, vui nhộn lắm. Nhưng có điều mà Tư tui không dám hé môi với ai hết vì mắc cở: Đông thì đông vậy, vui thì vui lắm, mà sao người mình ở đây sinh hoạt... lạng quạng quá trời! Này nhé, hôm chuẩn bị Tết, Tư tui đi chợ Trung Đông, thấy mấy bà đang lựa xoài, những trái xoài vừa chín tới, trông mê luôn. Vậy mà mấy bả lựa xoài theo kiểu cực kỳ “bựa”: trái xoài của người ta mềm mỏng như thế mà mấy bả cầm ném vô góc như ném lựu đạn! Không ai thèm để ý đến sự lỗ lã của chủ chợ, cũng như làm cho người đi sau hết mua được luôn, vì xoài nát bét hết rồi. Các bà ào qua chừng mười phút là các quầy để xoài như vừa hết chiến tranh, trái nào trái nấy ngổn ngang, bẹp đầu này, nát đầu kia! Lựa xong rồi mấy bà tỉnh bơ đi qua chỗ khác, vừa đi vừa cười nói ồn ào. Tư tui bất mãn quá, nghĩ thầm, người nào mà cưới mấy bả nhất định là số con rệp!
Chán quá, Tư tui vòng qua khu chợ Đại Hàn. Ở đây, người ta bán lê theo hộp, một hộp hơn 10 trái no tròn. Chủ chợ đã đề chữ là “$19.00/box,” nghĩa là thấy sao mua vậy, người ơi, thì có ba cô sồn sồn, lấy tay xé cái thùng ra “rẹt” một cái, rồi thọc tay vô để lựa trái nào đẹp nhất thì bỏ vô hộp mình, trái nào không đẹp thì mấy cổ liệng ra xa. Sau khi lựa đã đời, mấy cổ cười hì hì, “Ê! Hôm nay mình trúng mánh!” Trời! Tư tui nghiến răng lại để khỏi văng ra câu có tính giang hồ, “Trúng cái con khỉ! Mấy người vô giáo dục! Làm mắc cở người Việt mình! Chủ chợ mà thấy, họ lôi ra bót cảnh sát thì mất thể diện cộng đồng!”
Những tưởng rằng chỉ có mấy bả mới làm “chiện” đó, ai dè cũng có một ông thanh niên, tuổi không trẻ, tàn tàn tiến đến chỗ để hành lá, ba bó một đồng! Ổng từ từ rút từng cọng hành ra, lựa rồi gom những cọng hành ngon vào một bó, để lại mấy cọng mà ổng thấy không đẹp nằm cong queo. Một bà trung niên, trông lịch sự, thấy chuyện “dơ” như vậy thì không nhịn được, nói ngay, “Này! Anh làm cái gì vậy? Người ta cười cho! Có hơn 30 xu một bó mà cũng đánh tráo!” Anh chàng mắc cở, bẽn lẽn, nói chữa, “Tôi thấy có sâu!” rồi bỏ đi một nước!
Tư tui phục bà lịch sự kia mười phần. Ít nhất cũng có người dám lên tiếng như bả! Bả đã dậy cho những kẻ kém văn minh mà bần tiện kia một bài học nhớ đời! Tiếc là bà lịch sự không thấy, hay chưa thấy cảnh mấy bả xé rách bọc nho tại chợ Trung Đông của người ta mà nhai chóp chép rồi gật gù, hoặc lắc đầu, chê bỏ! Khu đậu phọng, quýt... cũng thế, mấy bả bóc vỏ ăn tỉnh bơ rồi... bỏ đi, chứ không phải thử để mà mua! Tệ nhất là khi lựa dưa hấu, nếu không biết lựa thì hỏi người chung quanh, đằng này, mấy bả chọc cái móng tay sắc hơn dao vào quả dưa, khoét khoét xem có đỏ không? Thiệt mấy trự này đúng là dân Việt Cừu, thiếu học (chứ không thiếu ăn).
Tư tui thấy cảnh đi chợ Tết đó mà chán quá, bỏ đi, và lái xe đến khu chợ Việt Nam xem sao. Đến chợ Việt mình mới thấy dễ sợ hơn. Mấy bả sồn sồn, mấy ông già quá đát, lái xe kiểu cao bồi, ghê quá! Chẳng ai nhường ai, cứ thấy khoảng trống là lạng vào, bất kể bên trái, bên phải, hay là chỗ ngược chiều. Có trự lái vòng qua đầu xe của người ta, để “xịch” một cái, là đậu ngay vào chỗ mà có người đứng chờ từ lâu. May mà người Việt mình không có tính nóng như người Mỹ, hễ bị chơi ép, là móc súng ra, xịt liền!
Không có chỗ đậu xe và không muốn giành giật với ai về chỗ đậu, Tư tui lái xe đến một tiệm bán giò chả ở một khu thương mại đông đúc, có một chợ lớn, nhiều nhà hàng ăn, tiệm “bánh mì mua 3 tặng 1” để mua một cây giò về ăn đỡ ba ngày Tết. Đứng xếp hàng rồng rắn, chừng hơn nửa tiếng, mới thấy chủ nhân mang giò ra.
Mừng quá! Phen này có giò ăn đỡ phải nấu! Ai dè, mấy bả đứng chờ ở đầu hàng, bà nào bà nấy gọi mỗi bà từ 15, đến 20 cây! Khệ nệ khiêng ra, còng cả lưng! Tư tui nóng mặt, hỏi, “Bà mua làm gì mà dữ vậy? Phải chừa cho người khác mua với chứ! Mua về để bán lại à?” Một người khác cũng lên tiếng, “Một gia đình ăn hai cây giò là đủ rồi! Mua đầu tư hay bán lại như vậy thì người khác không có gì ăn Tết!” Mấy bả cứ lặng thinh, vừa khiêng vừa vác.
Y như đã đoán, vừa đến lượt Tư tui bước tới quầy tính tiền, thì ông chủ, mặt lạnh như đá, phán một câu xanh rờn, “Hết hàng! Chờ đến sáng mai, 7 giờ sáng, đây mở cửa!” Rồi ông tửng tửng đi vào. Tư tui nói với theo, “Này ông! Sao không bán hạn chế, mỗi người 4, 5 cây thôi?” Ông chủ không thèm trả lời! Chắc là ông không “ke” đến người mua, mà chỉ “ke” làm sao bán cho hết cho lẹ, nhét tiền vào đầy túi là thôi. Đúng là đồng hương không bằng đồng lương!
Bực quá, Tư tui phải lái xe, vừa chen, vừa lách, đến một cửa hàng chuyên bán giò chả từ mấy chục năm nay trong một khu thương mại nhỏ. Chỗ này thì khác hẳn! Ế như chùa bà Đanh! Bốn, năm nhân viên đứng khoanh tay chờ khách, vừa thấy Tư tui vào là niềm nở, “Bác mua mấy cây?” Tư tui nói, “Cho tui một cây thôi!” là mấy khuôn mặt kia chảy nhão xuống, y hệt như mấy cái bánh chưng, giò lụa, giò bò kia cũng đang chảy ra vì ế! Tiệm này từ trước vẫn ngon nổi tiếng, chừng hai năm nay, đổi chủ hay đổi tay giã giò hay sao mà giò dần dần mất hương vị, không còn ngon nữa. Mở gói lá ra thấy thịt còn hồng hồng, tức là chưa chín! Tui nhớ có lần trước đây, tui mua hai cây giò về nhà, thì một cây bị mốc! Tui mang ra đổi lại thì bà chủ nhăn hơn là bị táo bón, nói chảy hết nước bọt, bả mới chịu cho đổi! Hôm nay, kẹt quá, mua đỡ về kẻo Tết không có giò lụa thì thiếu thiếu. Cũng y như rằng, về nhà, mở gói lá ra, thấy thịt còn mầu hồng, đành phải cắt ra từng khoanh và cho vào “mai cro uê,” nướng cho chín, không dám ăn thịt sống! Tui có người bà con ở Việt Nam, ăn đồ sống, bị con sán chó chui vào người, đẻ lia chia, rồi chạy lung tung dưới da, uống đủ thứ thuốc mà không hết. Bây giờ phải ở... truồng! Vì không mặc quần áo được, chỉ che phần cần che bằng một miếng vải, y như người Thượng xưa, để dễ gãi, mà gãi bật máu ra nhé! Cả người đỏ loét, gần phát điên, nhất là khi con sán chui ra dưới da, gãi nó văng ra, như cái kim khâu ngắn, trắng bóc.
Thôi! Thôi! Nói nữa, rợn da gà! Bỏ qua khu chợ, vào chỗ bán trái cây, tính mua vài trái mãng cầu cúng ông vải mà nhìn thấy giá trên trời, tui sợ quá, quay lưng chạy thục mạng. Trái mãng cầu nhỏ xíu mà $15 đô! Trái bự bằng nắm tay thì... $100 đô! Mấy chủ vựa lợi dụng nhu cầu sắm Tết mà chém ghê quá. Thôi, đành về nhà, móc gói mì tôm ra ăn. Trước khi ăn, đọc kỹ cái vỏ nylông để xem nó được làm ở đâu. Nếu ở Thái Lan, Đại Hàn, Nhật thì ăn liền, còn của Trung Cộng và Việt Cộng làm thì ớn lắm, vì đã từng đọc trên báo, thấy “người Việt giết người Việt” bằng cách pha thuốc sâu rầy, thước diệt cỏ cho vào thức ăn đóng hộp... Món gì cũng có độc dược! Thiệt kinh hãi, nhất là có lần, coi Youtube, thấy rõ ràng một bà chở rau muống trên xe đạp. Đến một góc ngã tư, gần vào thành phố, bà dựng xe lại, lôi hết cả thúng rau muống, ra nhúng xuống cái hố cống vuông đen ngòm đầy chất dơ, phân chó, phân người, dầu cặn... ở gần ngã tư, để rửa rau! Xong rồi, mang ra chợ, bán thoải mái...
Thiệt ớn lạnh! Tư tui chào thua....