Wednesday 20 February 2019

Phan Khôi: 60 Năm Ngày Mất; Người Sinh Năm Đinh Hợi 1887 Mất Năm Kỷ Hợi 1959

1_Phan Khoi
Phan Khôi

Phan Khôi sinh năm Đinh Hợi 1887 tại Điện Bàn, Quảng Nam, mất năm Kỷ Hợi 1959 tại Hà Nội. Ông là con của tri phủ Phan Trân, cháu của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Ông giỏi Nho văn, 19 tuổi đỗ tú tài, 20 tuổi ra Hà Nội tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục rồi phong trào Văn Thân, làm báo chống thực dân, từng bị Pháp cầm tù. 


Uyên thâm nho học nhưng khinh thói từ chương ỉ lại của nho sĩ, chống thực dân nhưng cổ súy tinh thần duy lý kiểu Tây phương, Phan Khôi là học giả, nhà báo tiền phong, thi sĩ mở đường cho thơ mới với bài Tình Già, 1933. Ông còn là người dịch Kinh Thánh Cựu Ước - Tân Ước cho Đạo Tin Lành tại Việt Nam. 

Toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh mời ông ra chiến khu, Võ Nguyên Giáp mời ông đánh hồi trống khai lễ xuất quân.

Tại Hà Nội 1956, ông cùng số đông văn nghệ sĩ chống chính sách kềm kẹp học thuật tư tưởng của chế độ cộng sản. Cũng từ đó, là vị trưởng lão trong số văn nghệ sĩ bênh vực tự do nghôn luận. Nhà cầm quyền Cộng sản đấu tố, đầy đọa ông cho tới cuối đời. 

Ông mất tại Hà Nội năm Kỷ Hợi 1959. 

Nơi chôn cất ông bị cầy sới, di dời. 

Sau 60 năm, cho tới nay, con cháu vẫn không tìm thấy mộ.


****

Viếng Mộ Ông Lê Chất

Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu, 
Ấy cỏ mờ rêu đất một u! 
Ấy dũng ấy trung là thế thế! 
Mà ân mà nghĩa ở mô mô! 
Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ; 
Hùm thét oai lưa gió vụt vù, 
Cái chuyện anh hùng ai giở đến, 
Hồ Tây còn vẳng tiếng chuông bu.
(Thực Nghiệp, 1921)

****

Cảm đề khi đọc Thuỷ Hử 
Bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải
Đời loạn vua hèn quan giết dân, 
Ông thần pháp luật đứng bằng chân. 
Trời sinh thẻo sắt tuôn ra máu, 
Đổ lại trên đầu lũ bất nhân.

Trăm tám người linh, một vẻ hào, 
Nằm trên rượu thịt, gối gươm đao. 
Xưa nay nổi việc phường này cả, 
Tú sĩ, phương sanh có kẻ nào?
Khăn áo hương hoa lạy Võ Tòng. 
Giết người như bác mới anh hùng; 
Một đêm đi đứt mười lăm mạng, 
Hàng máu trên tường nhỏ giọt hồng!
Võ nghệ tuy thường, lượng khác thường 
Gần xa suy phục Hắc Tam Lang. 
Cho hay trong cuộc phong vân đó, 
Ai lượng hơn người, ấy chủ trương.
Nầy vũng Lương Sơn nay ở đâu? 
Xa trông che khuất mấy ngàn lau! 
Hát anh bài hát sau bia sách, 
Cảm khái riêng ta với ả đầu...

****

Tình Già

Hai mươi bốn năm xưa, 
một đêm vừa gió lại vừa mưa. 
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, 
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, 
Mà lấy nhau hẳn là không đặng, 
Để đến nỗi, tình trước phụ sau, 
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! mới bạc làm sao chớ? 
Buông nhau làm sao cho nỡ! 
Thương được chừng nào hay chừng nấy, 
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy! 
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng. 
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau. 
Tình cờ đất khách gặp nhau. 
Đôi cái đầu đều bạc. 
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. 
Liếc đưa nhau đi rồi, 
Con mắt còn có đuôi.
(Phong Hóa, 24 Janvier 1933)

*****
Tự Vịnh
Ngừng tim, bặt óc, lặng dòng tình 
Tai mắt như không phải của mình 
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc 
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh 
Suối tiên mát mẻ bao cho chán 
Giấc mộng vờn mơn vẫn chẳng thành 
Cái thú vui xưa nào thấy nữa 
Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh. 
(Thơ thời kháng chiến, gửi Vũ Hoàng Chương)

****
Hồng Gai
Hồng nào hồng chẳng có gai 
Miễn đừng là thứ hồng lài không hoa
Là hồng thì phải có hoa 
Không hoa chỉ có gai mà ai chơi? 
Ta yêu hồng lắm hồng ơi! 
Có gai mà cũng có mùi hương thơm.
(1951)

****
Hớt Tóc
Tuổi già thêm bệnh hoạn 
Kháng chiến thấy thừa ta 
Mối sầu như tóc bạc 
Cứ cắt lại dài ra.
(1952)

****

Thơ thời Nhân Văn Giai Phẩm
Nắng Chiều
Nắng chiều đẹp có đẹp 
Tiếc tài gần chạng vạng 
Mặc dù gần chạng vạng 
Nắng được nắng cứ nắng.

****
Tự trào
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao. 
(1956)