Ghe hàng và những chuyện về quanh nó là một phần trong ký ức tuổi thơ của nhiều người miền Tây. Ngày nay, ghe hàng vẫn còn tồn tại giúp những gia đình nghèo mưu sinh, buôn bán.
“Ghe hàng giờ không biết có còn không”, anh Ngọc nhắc đi nhắc lại hoài câu hỏi với tôi. Nghe nhiều người kể, quê Cà Mau chỗ anh ở giờ lộ làng đã bê tông hóa. Cả xóm hiện chẳng tìm thấy một chiếc vỏ máy nào chạy dưới sông như ngày xưa. Thay vào đó, nhà nào cũng có xe máy. Chợ cách nhà chừng vài km là mọi người đi nhanh chóng, việc mua những thứ nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt gia đình cũng trở nên thuận lợi. Vì thế, người ta đã không còn dùng ghe để bán hàng trên sông nữa.
Băn khoăn của anh Ngọc nghe cũng có cơ sở, khi thực tế hiện nay, nhiều huyện vùng sâu, vùng xa ở Cà Mau từng lũ lượt ghe hàng như: U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển… nhiều chủ ghe hàng đã chuyển nghề. Có nơi hoàn toàn mất hẳn hoạt động bán ghe hàng trên sông.
Mấy ngày rong ruổi xóm làng các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau… chúng tôi nhận thấy đúng là số lượng ghe hàng còn hoạt độngchỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, chỉ tầm khoảng 5, 7 năm về trước, đây đều là những địa phương có đông đảo người làm nghề ghe hàng.
Lênh đênh tiệm tạp hóa từ sáng tới đêm
6h sáng, phóng viên theo ghe hàng của chị Châu Thị Tuyết (37 tuổi, ngụ ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khởi hành bán hàng trên các tuyến sông. Cùng đi có chồng chị và cậu con trai 5 tuổi. Trên ghe chở nhu yếu phẩm, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tây và nhiều loại hàng hóa khác, giống như một tiệm tạp hóa đúng nghĩa trên bờ đất.
Không gian ghe hàng khá chật, chỉ khoảng 15 m2, hàng hóa được chủ bày chi chít và lộn xộn. Nơi nào để hàng được là để, treo được là treo. Thậm chí vì mới lấy hàng nhiều để bán, ghe của chị Tuyết bày hàng cả lên mui ghe. Đó là những bọc nhựa chứa đầy lúa, rồi những gói đường, bình nước lọc và cả những trái dừa khô.
Ghe hàng rong ruổi trên dòng kênh, hai bên bờ sông là hai dãy dân cư phân bố khá đông đúc, chỉ một số đoạn địa hình đầm nước, khúc cua phức tạp thì nhà cửa người dân thưa hơn một chút. Đang nói chuyện với chị Tuyết, chợt tôi giật mình bởi tiếng gọi lớn “ghe hàng” từ một nhóm người đứng chờ sẵn trên bờ từ lúc nào. Anh Nhiễm (chồng chị Tuyết) nhanh nhẹn điều khiển bánh lái ghe hàng, ghé vào đúng chỗ nhóm người đang đợi.
Nhanh nhẹn, chị Tuyết lấy trang phục giấy (cúng điếu người quá cố) bán cho một vị khách theo yêu cầu. Rồi bọc hủ tiếu, bọc mứt chuối khô cũng được chị lấy bán cho những vị khách thôn quê. Đây là những món đồ khá đặc biệt và hiếm. Trước đây để mua được, tôi phải cùng mẹ ra tận chợ trung tâm của huyện. Hàng hóa bán trên ghe hàng giờ theo sát nhu cầu của người dân. Họ cần gì anh chị đều lấy về bán, đúng kiểu một tiệm tạp hóa nhưng bán di động trên sông.
Tôi thoáng nghĩ việc đa dạng hàng hóa có thể là cách mà những chủ ghe hàng như chị Tuyết lấy được lòng người mua và duy trì hoạt động buôn bán hàng ngày.
Bà Xinh (51 tuổi), ngụ trên bờ tuyến kênh thuộc xã Phong Lạc cười nói, gia đình bà “năm thì mười họa” mới ra chợ huyện cách nhà khoảng 12 km để mua sắm. Hàng ngày, mọi thứ đồ dùng, vật dụng, thực phẩm… bà đều đón các ghe hàng để mua. Bà có số điện thoại của chị Tuyết, khi cần những món hàng hiếm. “Không riêng gì cô Xinh, nhiều người trong xóm này cũng hay gọi điện đặt hàng tôi như vậy”, chị Tuyết nói.
Hơn nửa ngày theo ghe hàng của chị Tuyết, tôi không còn giật mình hay ngơ ngác bởi những tiếng gọi ghe hàng thất thanh từ những người thôn quê. Ngược lại, khi nghe tiếng kêu, tôi lại mừng cho vợ chồng anh chị vì bán được hàng, thu nhập trong ngày sẽ tốt hơn.
Trời về chiều và sập tối. Tiếng động cơ máy của ghe hàng cứ xập xình giòn tan. Không giống như ban ngày bằng những tiếng kêu ơi ới, người mua hàng ban đêm ra tín hiệu mua hàng bằng cách nhấp nháy chiếc đèn tích điện sáng choang. Việc buôn bán giữa họ diễn ra vẫn chóng vánh và không gặp một trắc trở nào bởi không gian đêm tối.
Thỉnh thoảng, ống kính của tôi bắt kịp nụ cười tươi rói từ cô chủ ghe hàng, khi vị khách trao đổi điều gì đó buồn cười, thích thú. Và trong cả ngày đi cùng chị Tuyết, tôi cũng thường thấy những nụ cười như vậy. Hơn 8h tối, trời lạnh hơn, người vắng mua. Đây cũng là lúc ghe hàng của gia đình chị Tuyết trở về nhà sau một ngày mưu sinh.
Tôi cũng người quê Cà Mau như anh Ngọc, lớn lên trên vùng đất chua phèn, chằng chịt sông ngòi. Dĩ nhiên, ghe hàng và những chuyện về nó cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ tôi. Giờ về Kiên Giang sinh sống, thỉnh thoảng mới về lại quê. Nhưng mỗi lần về hiếm hoi, tôi tìm kiếm những hình ảnh thân thuộc này. Có thể tôi thuộc tuýp người hoài cổ, dễ nhớ, dễ thương những điều không còn tương tác hàng ngày với cuộc sống hiện tại của mình. Và, ký ức về ghe hàng ở Cà Mau quê tôi là sự hiện diện cảm xúc kiểu nhớ thương như thế.
Ngôi nhà thứ hai, vừa ở vừa làm
Gần 12 năm nay, chị Tuyết và anh Nhiễm gắn bó với chiếc ghe hàng của mình. Hoạt động buôn bán trên ghe cũng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình chị. Mỗi ngày, gia đình chị kiếm lời vài trăm nghìn đồng, đủ tiền trang trải cuộc sống và lo cho con gái đang học lớp 12 và cậu con trai 5 tuổi.
“Lúc con vào lớp 1 cũng là lúc tôi và vợ xuống ghe hàng ngược xuôi buôn bán. Thấm thoát đã 12 năm. Nghề này trở thành nghiệp chính, chiếc ghe hàng này cũng là ngôi nhà thứ 2 của tôi”, anh Nhiễm trầm ngâm nói sau khi vừa vác xong thùng nước lọc xuống ghe làm đồ uống cho chuyến bán hàng ngày mới.
Anh Nhiễm không nói quá, vì trong 24 giờ mỗi ngày, vợ chồng anh ở ghe hàng hơn một nửa thời gian, tức nhiều hơn thời gian ở nhà. Con trai út 5 tuổi của anh chị cũng có gần 4 năm theo cha mẹ xuống ghe, ngược xuôi bán hàng vì chị hai phải đi học, út ở nhà không có người trông coi.
Vậy là mười mấy năm qua, ghe hàng chở thành mái nhà che mưa, che nắng cho vợ chồng anh Nhiễm và cậu con trai. Không gian chật chội, nhưng mọi người đã quen với việc lách mình nhường nhau lối nhỏ khi di chuyển trong ghe. Đây cũng là chỗ để cậu con trai 5 tuổi của anh chị nằm nghỉ ngơi, xem truyện tranh hay học vẽ. Dù trong lứa tuổi tinh nghịch, nó biết cách chọn chỗ nằm, chỗ ngồi thế nào cho không đè bẹp hàng hóa trên ghe của ba mẹ.
Chiều muộn, khóm dừa nước (cây dừa nước) vắng người là chỗ để vợ chồng anh Nhiễm và con trai cùng đứa cháu quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Địa điểm gia đình anh chị ngừng báng hàng, rồi ăn cơm trên ghe như thế này đương nhiên không cố định. Trong hành trình của mình, hễ đói thì họ dừng lại để ăn, nhanh chóng và phiêu bạt.
Cơm xong, chị Tuyết ngồi nghỉ ngơi trước mũi ghe. Chốc lát, chị và cậu con trai 5 tuổi quấn quýt lấy nhau, rồi hỏi thăm nhau, cười nói râm ran như đã mấy ngày chưa gặp mặt..
Nét văn hóa giao thương khác biệt
Sẽ không ít người nghĩ rằng, môi trường buôn bán bất kỳ thường kèm theo sự ồn ào. Cùng với đó là những điều ít hay ho dễ phát sinh bởi sự chi phối giá trị và lợi nhuận của người bán, người mua. Nhưng, tôi lại cảm nhận những điều tốt đẹp cho hoạt động buôn bán bằng ghe hàng ở quê tôi và một số nơi khác mà tôi có dịp trải nghiệm thực tế.
Trước hết, hàng hóa được các chủ ghe cam kết bằng chính uy tín của mình, giống như việc tối thiểu cần phải có để đảm bảo hoạt động buôn bán bền bỉ và thuận lợi từ năm này qua năm khác. Có người bán 5, hay 7 năm, không hiếm người bán hàng chục năm. Vì thế, chủ các ghe hàng phải xem rất kỹ nguồn gốc hàng hóa trước khi nhập hàng và bán hàng, sao cho đảm bảo chất lượng nhất.
An tâm về chất lượng, những vị khách hàng thôn quê đáp lại người bán bằng thái độ hào sảng đặc biệt, đậm chất miền Tây. Họ sẽ không, hoặc rất ít mặc cả giá, rồi thường xuyên đợi mua từ các chủ ghe hàng thân quen dù đồ dùng trong nhà đã hết.
Chị Tư Cường (ngụ ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đã 2 ngày hết gia vị nêm nếm cho bữa ăn, nhà chỉ còn mỗi muối. Nguyên nhân do chủ ghe hàng quen của chị là chị Thu Năm (ngụ cùng xã) hai ngày nay vì bận việc gia đình không bán hàng. Thay vì đi đường bộ ra tiệm tạp hóa cách đó vài km, chị mượn tạm gia vị của một người hàng xóm, để chờ đợi chị Thu Năm. Lời tâm sự nghĩa tình này của chị Tư Cường khiến tôi suy nghĩ và càng yêu quý những con người miệt vườn như chị.
Một ngày theo ghe hàng của chị Thu Năm, tôi mới biết chị bán hàng thiếu cho rất nhiều vị khách quen mặt trong xóm. “Mọi người nhiều lúc kẹt tiền, mua đồ tôi vẫn bán. Có khi họ nhanh hoàn trả, và cũng có khi một số gia đình chậm trả vì nhà nghèo túng. Tôi không kê lời, lấy lãi một ai cả, bà con xóm giềng mà. Họ trả tiền gốc mua hàng cho tôi là vui rồi”, chị Thu Năm cười nói. Vì bán thiếu nhiều, chị có hẵn một quyển sổ chuyên ghi chép tên của người mua và những món hàng mà họ đã mua khi chưa có tiền.
Nhờ đó, những người bán ghe hàng và người mua thân quen với nhau hơn. Đây cũng là một trong số những nguyên do căn cơ để nghề bán ghe hàng còn “đất sống” trong cuộc sống hiện đại, nhất là khi giao thông đường bộ ngày càng thuận lợi, thông thoáng.
Chiếc kèn hơn 10 năm tuổi của anh Nhiễm vang vang, cũng là lúc những người thôn quê nghĩ họ cần mua thứ gì. Tạm gác lại công việc, họ nhanh chân xuống bến sông đón ghe hàng. Chỉ một, hai người mua, nhưng họ lại thường đi cả gia đình xuống bến chào đón ghe và mua hàng. Rồi người mua, người chỉ trỏ, gợi ý trong không khí vui tươi, thỉnh thoảng vẫn náo nhiệt. Những cô bé, cậu bé được dịp nũng nịu đòi quà bánh, được tranh nhau khuân vác hàng hóa. Tôi ngẩn người vui mắt với hình ảnh mấy người phụ nữ thôn quê lấy bọc tiền (thay vì ví da) xuống ghe mua hàng, mặt cười tươi tắn. Hay ấn tượng cảnh một gia đình nọ, đã chập tối nhưng vẫn đông người ngồi chờ chuyến ghe hàng cập bến.
Tôi thầm cám ơn anh Ngọc vì đã khơi gợi ký ức tốt đẹp, làm động lực cho tôi vượt đường xa để tìm về và thưởng thức lại một giá trị văn hóa của người dân xứ tôi, mà đâu đó cứ ngỡ rằng nó đã mất. Đó đích thị là văn hóa giao thương của người dân miệt vườn sông nước quê tôi, trên những chiếc ghe hàng.