Chiều 28 tháng 4 viên phi công bội phản Nguyễn Thành Trung ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. Trưa 30 gia đình tôi trong số dân chúng cố gắng lên chiếc tàu sắt đậu bên kho 5 Khánh Hội. Bố mẹ tôi đành ở lại vì chúng tôi hãy còn quá nhỏ để đủ sức chen lấn trong hỗn loạn với tiếng súng cùng khắp.
Lâu lâu là những tiếng nổ ầm rung chuyển với cột khói của pháo kích dâng lên phía Thủ Thiêm. Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Vương Mộng Long đang bắn những viên đạn cuối cùng… Chúng tôi về lại phố Tân Định, chiếc Thiết vận xa M-113 vẫn đậu trước cửa nhà nhưng không còn những người lính bên trên.
Chiếc thiết giáp bỏ hoang, trống trơn với những dây đạn đại liên 50 vàng choé. Chiến tranh kết thúc và kể từ lúc này là chuỗi ly tán. Không gia đình miền Nam nào không chồng, cha, anh, em hay con tù đày hoặc vượt biên. Với những người lính thất trận, hơn một lầm than, bị xoá tên, không lối thoát nào khác ngoài lìa bỏ tổ quốc.
Với phía chiến thắng, thống chế Graf von Moltke đã tiên tri: “Trong chiến tranh con người tìm ra những phẩm hạnh lớn nhất: lòng can đảm, sự chối từ bản thân, lòng trung thành và ý chí hy sinh. Thiếu chiến tranh, thế giới chìm đắm vào chủ nghĩa vật chất”. Bốn thập niên sau, dân Việt nhìn thấy phía thắng trận vẫn tiếp tục ngụp lặn say sưa trong khoái lạc của vật chất.
[Trần Vũ]
Mặt trời lên cao khỏi ngọn cây, tôi thức dậy bởi tiếng động cơ của một chiếc trực thăng chỉ huy đáp bên căn cứ hoả lực của Dù. Ba người cao lớn nhảy xuống, chiếc tàu bay đi.
Không rõ những người vừa xuống máy bay là ai, chỉ thấy sau khi trao đổi vài lời gì đó với những pháo thủ Dù, họ quay sang tiến về phía Tiểu Đoàn 82 BÐQ.
Khi họ đến gần thì tôi nhận ra Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Úy Ðức tùy viên của ông, và một anh lính mang máy truyền tin. Tôi ra lệnh cho Tiểu Đoàn tập họp năm Đại Đội dàn chào.
Sau khi bắt tay tôi, Tướng Toàn đi một vòng, bắt tay từng người lính đứng trong hàng. Ông chỉ vắn tắt, lặp đi, lặp lại, có một câu:
- Good! Giỏi! Tiểu Đoàn ni giỏi lắm!
Rồi ông quay qua tôi nhỏ giọng:
- Thôi cho anh em giải tán đi Long, ở đây sát nách căn cứ Mây-Tào, tụi nó pháo bất cứ lúc nào, nguy hiểm.
Tôi cười:
- Pleime tứ bề là địch, vậy mà Trung tướng xuống thăm, tụi tôi vẫn đội hình đàng hoàng dàn chào; còn ở đây thì có cái gì đáng ngán mà bỏ lễ nghi quân cách?
Tướng Toàn cũng cười theo:
- Ừ, nhắc Pleime tức là chú mi nhắc khéo ta còn nợ cái lon Trung Tá của chú mi trận đó có phải không? Thôi về Long-Bình kỳ này ta đền cho! Chịu chưa?
Rồi Trung tướng Toàn bắt tay tôi từ giã, có xe chờ đưa ông vào Hội Ðồng Xã Bình-Ba họp với Tướng Ðảo.
Tướng Toàn không lạ gì chúng tôi, chúng tôi cũng chẳng lạ gì Tướng Toàn. Trong thời gian Tướng Nguyễn Văn Toàn giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II, ông thường ghé thăm Pleime và Tiểu Đoàn 82 Biệt Ðộng Quân. Tướng Toàn đã chứng kiến khả năng đơn vị này qua những trận đánh lẫy lừng, Căn Cứ 711, Pleime, Ðạo Trung.
Trong năm 1974 Tướng Toàn đã hai lần gắn Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu lên hiệu kỳ Tiểu Đoàn này. Sau đó ông thuyên chuyển về làm Tư Lệnh Quân Khu 3.
Tháng 4/1975 Quân Đoàn II tan rã. Khi được tin báo rằng Tiểu Đoàn 82 Biệt Ðộng Quân còn đang lặn lội trong rừng già Bảo-Lộc, chính Tướng Nguyễn Văn Toàn đã ra lệnh cho Không quân Vùng 3 Chiến thuật cứu Tiểu Đoàn này về Long-Khánh chiều ngày 6/4/1975.
Chiều hôm đó, tại phi trường Long-Khánh, Tướng cũng chỉ ngắn gọn một câu:
- Good! Giỏi! Tiểu Đoàn ni giỏi lắm!
Chúng tôi đã đáp lại lời khen của ông bằng những chiếc T54 cháy bên rào Trại 181 PB, và bằng những khẩu phòng không nước thép còn xanh biếc được trưng bày ở phi trường Long-Khánh.
Trưa hôm đó tôi vào gặp Chuẩn Tướng Ðảo trong Hội Ðồng Xã Bình-Ba, ông cho biết Lữ Đoàn 1 Nhảy dù đã thành công diệt xong những con chốt chặn và đang trên đường tập trung vùng bắc xã Bình-Ba.
Riêng tin tức liên quan đến Tiểu Khu Long-Khánh thì còn mù mờ. Trung Tá Ðình (K10 VB) Tiểu Khu Phó đã tử trận vì một quả B40 trúng ngay xe ông. Số phận Ðại Tá Phúc, Tỉnh Trưởng thì chưa rõ rệt, còn đang phối kiểm.
Tôi mượn xe và tài xế của Chuẩn Tướng Ðảo để ra Bà-Rịa, vào trung tâm tiếp cư, dò tên gia đình vợ con tôi trên danh sách nạn nhân chiến cuộc, nhưng không thấy tin tức gì của Ban-Mê-Thuột cả.
Khi tôi về lại Hội Ðồng Xã Bình-Ba thì Ðại Tá Hiếu cho tôi biết địch đã bôn tập truy kích đúng như dự đoán của tôi. Chúng chặn đánh quân bạn ngay tại ngã ba Xà-Bang, Trung Tá Ðình chết ở đây, Ðại Tá Phúc cũng bị địch bắt ở địa điểm này. Tiểu Ðoàn 2/43 BB của Thiếu Tá Chế thì đang bị xe tank CSBV truy lùng, phải lẩn trốn trong rừng cao su để tìm đường rút về hướng Long-Thành.
Ngày hôm đó Tổng Thống Thiệu từ chức trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương. Tiểu Đoàn tôi rút vào nhà dân ngủ qua đêm.
Sáng hôm sau chúng tôi rút về Long-Bình, đơn vị tôi xuất phát từ Sư Đoàn 18 và được trả về cho Biệt Ðộng Quân. Từ ngày về Long-Bình tôi mải lo đi tìm tin tức vợ con, không màng tới việc gặp Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn III để “đòi nợ” cái lon Trung Tá.
Ngày 28/4/1975 Tiểu Đoàn 82 Biệt Ðộng Quân được lệnh vào vùng hành quân phía sau lưng Trường Bộ Binh Long-Thành. Vì lệnh đến bất ngờ do đó 1/3 quân số đơn vị xuất trại về không kịp giờ di chuyển nên Tiểu Đoàn vào vùng với quân số 161 người, thiếu vắng Thiếu Úy Ðặng Thành Học, người sĩ quan Ðại Đội Trưởng ưu tú nhất của tôi.
Tiểu Đoàn có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ hướng bắc tiến về, đồng thời hỗ trợ cho một đơn vị bạn tái chiếm trường Bộ Binh Long-Thành. Ngọn đồi chúng tôi phòng thủ là một cái tiền đồn cũ, có ba cái lô cốt nhỏ, không hầm hố địa đạo, không có hàng rào. Chúng tôi chỉ chất sơ sài những viên đá tổ ong thành một chiến lũy cấp thời.
Tối hôm đó, từng đoàn xe vận tải của CSBV đã đổ hàng trăm bộ đội xuống khu rừng hướng bắc ngọn đồi trọc mà chúng tôi trấn giữ. Khoảng tám giờ tối, đoàn xe bật đèn rọi đường cho bộ binh theo sau T54, dàn hàng ngang xung phong biển người vào tuyến phòng ngự của Tiểu Đoàn 82 BÐQ.
Ngay loạt đạn 100 ly mở màn, 3 cái lô cốt đã bị bắn sập. Ðại Úy Hoàn và anh lính truyền tin của ông là những người chết đầu tiên. Tôi bò sang hố của ông, quấn tấm thân đầy máu bằng tấm mền poncho line.
Khi tôi di chuyển sang kiểm soát vị trí phòng ngự của Thiếu Úy Thủy, Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 4 thì bộ binh địch bắt đầu hô “Xung phong!” Chúng tôi phải dùng lựu đạn M26 để chặn bước tiến của giặc. Những trái M72 bắn xéo qua xéo lại từ đỉnh đồi đã khiến cho chiến xa CSBV thoái lui. Dọc theo sườn đồi có bốn, năm chiếc T54 bị hạ nằm bất động. Hai khẩu M60 bắn chéo cánh sẻ đã vô hiệu hoá đợt sóng biển người đầu tiên của địch.
Tôi gọi cho Liên Ðoàn 24 BÐQ xin không yểm và pháo yểm nhưng đơn xin yểm trợ không có ai trả lời!
Chợt đèn xe vụt tắt, tiếng động cơ chiến xa rú lên. Khoảng năm sáu chiếc T54 tắt đèn và mở hết tốc lực chạy lên đồi. Chúng đảo một vòng chữ “C” trên vị trí đóng quân của Biệt Ðộng Quân, xích xe đè nát thân thể những người không kịp tránh né rồi chạy đi. Sự kiện này thật là bất ngờ!
Chúng tôi chưa kịp phản ứng thì chiến xa địch đã chạy khuất xuống chân đồi. Ông Thượng Sĩ Phạm Hoa, Thường Vụ Tiểu Đoàn bị xích xe tank nghiến nát ngực chết cùng với anh Binh Nhất Bích, người nấu cơm cho tôi. Khẩu cối 81 bị đè gãy càng bất khiển dụng. Chuẩn Úy Thiều, Trung Đội Trưởng Trung Đội súng nặng ngồi ôm xác Thượng Sĩ Hoa khóc rưng rức. Cả Tiểu Đoàn đều biết Chuẩn Úy Thiều là ứng cử viên rể quý của “Thượng Sĩ Tía”. Ái nữ của Thượng Sĩ Thường Vụ đang là hoa khôi lớp 11 trường trung học Minh-Ðức Pleiku.
Tôi chưa kịp chấn chỉnh lại đội hình thì đạn 100 ly lại ầm ầm dội trên đỉnh đồi, rồi đèn xe lại bật sáng soi đường cho bộ binh địch mở đợt biển người tiếp theo. Lần này chúng tôi ngăn chúng từ xa bằng những quả lựu đạn M67 nổ chậm. Chúng tôi ném hết sức thẳng tay những quả M67 xuống chân đồi.. Ðèn xe soi rõ những thân hình cán binh Cộng sản loạng choạng ngã chúi xuống đất vì trúng mảnh lựu đạn. Hai khẩu M60 vẫn đan cánh sẻ. Những xác người chết đè lên nhau, những tiếng thét đau đớn vang lên man rợ trong đêm đen.
Ðèn xe lại tắt, tiếng chiến xa lại hú. Những nòng M72 đã sẵn sàng phóng đạn. 2 khẩu M60 được nâng cao lên nhằm vào những xạ thủ phòng không trên tank. Vài chiếc tank bị trúng đạn, nằm lại giữa triền đồi, nhưng có 2 chiếc đã lọt được vào vị trí phòng ngự của Biệt Ðộng Quân. Xạ thủ 12.8 ly trên xe đã chết, cái dây xích còn móc vào chân xạ thủ, treo tòn ten cái xác xạ thủ đung đưa bên hông chiến xa.
Trong khi chiếc tank hướng đông đã xoay sang trái chạy xuống đồi thì chiếc thứ nhì còn đang trở đầu ở khoảng đất giữa hai cái lô cốt. Có một Biệt Ðộng Quân đứng xổng lưng giữa đồi chờ đợi cái xe tank đó. Chiếc xe nhằm anh lao tới, anh tránh sang một bên, rồi nắm sợi xích treo cái xác bên hông xe đu lên pháo tháp. Một quả lựu đạn ném gọn vào lòng xe, quả thứ hai, quả thứ ba… bùng! bùng ! bùng! Chiếc xe loạng choạng rồi ngừng trên đỉnh đồi.
Người Biệt Ðộng Quân nhảy xuống xe, anh xả một băng M16 vào cái thây ma cán binh Cộng-Sản, xạ thủ phòng không. Hết đạn, anh thay băng đạn khác, nhả đạn tiếp tục, cái thây ma te tua từng mảnh. Rồi anh ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc rống lên. Người ấy là Chuẩn Úy Thiều!
Tôi cứ để cho người sĩ quan trẻ khóc, khóc cho vơi hận thù, cho vơi nỗi thương tâm.
Khoảng nửa đêm, đèn xe lại rọi sáng, đạn 100 ly lại cày xới ngọn đồi không tên. Tôi không thể nắm vững được con số tổn thất của quân bạn là bao nhiêu. Chúng tôi đã sử dụng đến những ống M72 cuối cùng. Tôi gọi Thiếu Úy Thủy và cho lệnh anh đi gom góp lựu đạn của những người đã tử trận về chia cho những người còn sống để đánh địch lần chót.
Dưới ánh đèn xe, những người lính xâm lăng trong đợt xung phong này hình như không còn hăng hái như hai đợt trước; họ bắt đầu bò lên, nương theo những mô đá nhấp nhô. Như vậy là địch đã mất tinh thần! Khi những quả lựu đạn vừa bật mỏ vịt nổ “Ùm!” thì những anh bộ đội Cộng sản cũng quay lưng chạy thục mạng ngược về hướng rừng.
Thế là đèn pha vụt tắt. Dưới chân đồi có tiếng rên la của lính CSBV bị thương. 2 khẩu M 60 tưới đạn không thương tiếc về hướng có những tiếng rên la đau đớn ấy.
Chừng 10 phút sau đoàn xe tank lại ào ạt tiến lên đồi lần thứ ba. Lần này chúng theo đội hình hai hàng dọc, đâm thẳng lên đỉnh đồi rồi đồng loạt pha đèn, chia hai ngả, trái, phải giày xéo vị trí trú quân của chúng tôi. Trên thành xe không có tên xạ thủ phòng không nào! Những đứa nạp đạn đại bác thì thò đầu lên thụp đầu xuống ném những trái thủ pháo xuống những cái lều poncho và những hố cá nhân.
Chúng tôi giờ này như những con thú bị thương, miệng la, “A!… A!… A!… Biệt Ðộng!… Sát!” tay bóp cò M16 nhắm những cái đầu địch nhấp nhô trên pháo tháp.
Một trái thủ pháo ném trúng lưng tôi, tôi chụp nó ném đi hướng khác, trái thủ pháo nổ trên trời, thủ pháo Cộng sản nổ chậm hơn lựu đạn M26 của ta, sát thương cũng không bằng M26.
Bây giờ chúng tôi đã mất trí, không còn biết sợ chết nữa! Chúng tôi trở thành những tay giác đấu, gắng sức leo lên lưng những con quái vật T54 để đánh quả lựu đạn sau cùng.
Tôi đã leo lên cái pháo tháp, tôi lần tay tìm trên sợi dây ba chạc, còn một quả mini và một quả lân tinh! Tay tôi chưa kịp mở chốt quả mini thì một cái đầu địch nhô lên, nó đập một trái thủ pháo trên mũ sắt của tôi rồi ra sức xô tôi xuống xe. Hai con vật giằng co, quả mini tụt tay tôi rơi mất! Tôi gỡ cái nón sắt ra, thẳng tay choảng vào đầu thằng giặc, đầu nó ngúc ngoắc, rồi nó thụp vào lòng xe. Tôi đang cố gỡ trái lân tinh móc trên dây ba chạc thì cái pháo tháp xoay tròn, tôi bị gạt rơi xuống xe. Tôi lăn sang sau một ụ đá, chiếc xe đảo một vòng, xích sắt cày sâu trên đất, cát sỏi tưới rát mặt, tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc!
Chúng tôi giờ này như những con cọp bị thương, bị dồn vào đường cùng! Chúng tôi chạy bộ đuổi theo đoàn chiến xa đang rút đi. Trong đám bụi mù, một Biệt Ðộng Quân đã bỏ được một trái M26 vào trong lòng chiếc T54 hướng Ðại Ðội 4 khiến nó quýnh quáng đâm vào hông một chiếc khác rồi lật nhào xuống triền đồi bốc cháy. Chiếc xe bị đâm trúng thì đứt xích, từ trên xe, bốn tên CSBV nhảy xuống, chúng chưa đứng vững thì năm sáu họng M16 đã nhả hàng trăm viên đạn lên người chúng, bọn xâm lăng chết không kịp than tiếng nào.
Có vài Biệt Ðộng Quân còn bám trên pháo tháp những chiếc tank đang đổ dốc, họ cố chúi mũi M16 vào miệng pháo tháp bóp cò vô vọng. Pháo tháp xoay tròn, họ rơi xuống đất. Chiếc xe chạy sau đè lên thân họ. Ðoàn xe biến dạng trong đêm.
Ðêm ấy tôi đã sống sót sau một trận chiến đấu đẫm máu và dã man nhất trong cuộc đời mười năm trận mạc. Cái lều của tôi bẹp gí. Chiếc máy PRC25 của tôi cũng bẹp gí. Chiến xa địch đã rút xa, tôi còn đứng sững trên đỉnh đồi nhìn theo chúng. Tay tôi còn cầm chắc quả lựu đạn lân tinh cuối cùng, tiếc rẻ.
Tôi bước rảo quanh ngọn đồi trọc đã xác xơ. Thuộc cấp của tôi chết phơi thây trên miệng hố, la liệt đó đây. Không còn khẩu M72 nào, lựu đạn cũng cạn, pháo yểm không có, không yểm cũng không có. Tôi quyết định cho đơn vị rút lui.
Một trái mìn cóc nổ dưới chân Chuẩn Úy Trung, người sĩ quan trẻ theo sau lưng tôi đi kiểm tra trận chiến, bàn chân trái của Trung toe ra như miếng bã trầu đẫm máu. Tôi dìu Trung vào cái lều sập của Ðại Úy Hoàn, xác Ðại Úy Tiểu Đoàn Phó đã bị pháo 100 ly xẻ thành từng mảnh, đầu văng một nơi, tay chân văng một ngả. Tôi chụp cái máy PRC25 của ông ra lệnh cho Trung Úy Trần Văn Phước Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 3 cho người dìu Chuẩn Úy Trung xuống đồi. Rồi tuần tự, các Đại Đội 3, 4, 2, 1 rút lui qua con suối dưới chân đồi.
Trên đồi, những anh hùng Pleime vừa tử trận, nằm phơi thân trên miệng hố cá nhân. Không có tiếng rên la nào cả, tất cả đã ra đi êm ả, tất cả đã ra đi kiêu hùng. Ðêm 28/4/1975 máu chúng tôi, máu những người Biệt Ðộng còn tưới ướt đẫm một ngọn đồi không tên của quê hương.
Khi chúng tôi xuống tới vườn cam dưới chân đồi thì xe tank địch ào ạt lên đồi lần thứ tư. Những trái đạn 100 ly bắn dài, vượt qua đỉnh đồi, bay trên đầu chúng tôi rồi rơi bên bờ suối. Ðất đá bụi mù sau lưng chúng tôi. Trong đêm tối, tôi cho quân lội nhanh qua bờ bên kia.
Ðêm 28/4/1975, chợ chiều rồi! Không ai đáp ứng lời xin tác xạ yểm trợ. Không ai đáp ứng lời tôi xin một trái hoả châu! Qua suối, tôi cho đơn vị giấu đội hình trong bãi mía. Từ đây, sáng hôm sau tôi nhìn lại bên kia bờ, ngọn đồi trọc đẫm máu không một bóng người, những chiếc xe tank bị phá hủy đêm qua đã được kéo đi. Không thấy bóng dáng quân thù, không nghe tiếng động cơ chiến xa. Ngọn đồi nằm phơi dưới nắng mai im ắng. Vào lúc này, bên trái cái lô cốt hướng bắc, cạnh một gốc bằng lăng, Ðại Úy Hoàn thoải mái nằm ngủ yên trên đó, đầu một nơi, thân một ngả. Có cả chục người lính can trường yên nghỉ trên ngọn đồi này cùng ông. Gió ngàn lồng lộng, hoa mía bay lồng lộng…
Sáng 29/4/1975 tôi nhìn về hướng căn cứ Long-Bình, có vài cột khói đen bốc lên từ nóc các nhà vòm. Người ta lại đốt gia tài, người ta lại rút đi rồi! Người ta rút đi đâu? Tôi vẫn còn ở sát địch quân, vậy mà người ta lại nỡ bỏ tôi mà đi, như ở Quảng-Ðức, Blao! Kiểm điểm lại quân số, cả Tiểu Đoàn còn 107 người!
Tôi lấy cái PRC25 rà những tần số quen. Tôi bắt được giọng nói của Hằng Minh và Ðại Tá Hiếu, Sư Đoàn18 đang lún càng tại Trảng-Bom! Khi biết điểm đứng của tôi, Ðại Tá Hiếu hẹn gặp nhau tại cổng số 10 Căn cứ Long-Bình.
Muốn đi về Long-Bình tôi phải tạt qua ngã Hố-Nai. Pháo hai bên Quốc Cộng đều tập trung trên vùng này..
Vậy là, đội pháo ta đi! Chúng tôi đi như những cái thân robot, đạn nổ đằng trước, đạn nổ đằng sau, đạn nổ bên hông, đạn nổ chụp trên đầu. Chúng tôi không nghe gì cả, cứ thế mà đi, hướng Long-Bình, Ok! Tiến lên!
Nơi ô cửa sổ hai bên đường, có những họng súng AK chĩa vào đoàn quân đang di chuyển; chúng tôi không màng tới chúng; chúng tôi cứ đi trong mưa pháo; pháo bạn từ hướng tây dội tới; pháo địch từ hướng đông câu sang. Pháo cứ rơi; những người trúng đạn ngã xuống; những người chưa trúng đạn cứ bước đi; những bước đi không hồn; đường phố đầy hố đạn, đường phố đầy xác người…
Tôi vào tới vòng rào Căn cứ Long-Bình vào lúc buổi chiều. Tôi là dân Vùng 2 không biết cái căn cứ này có bao nhiêu cổng, đi tìm cái cổng số 10 thì biết nó ở đâu? Tôi thấy một doanh trại có cái bảng Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 32 Biệt Ðộng Quân bỏ trống, vậy là thầy trò tôi nhào vào đấy hạ trại. Ðếm đầu thuộc cấp trong sân, Tiểu Đoàn 82 Biệt Ðộng Quân giờ ấy còn 67 người! Như thế là chẵn 40 người chết rải rác trên đoạn đường mưa pháo từ Hố-Nai về tới Long-Bình!
Cơm nước xong thì trời đã tối. Chúng tôi ngủ như chết. Ðến 3 giờ sáng 30/4/1975 Trung Úy Trâm, sĩ quan truyền tin Tiểu Đoàn dựng tôi dậy:
- Có tin từ Liên Đoàn ra lệnh cho chúng ta rút về Sàigòn!
Tôi uể oải ngồi dậy:
- Mẹ kiếp! Về Sàigòn! Về Sàigòn làm cái con mẹ gì đây!
Xa cuối trời, hoả châu le lói hướng Sàigòn.
Tôi ra lệnh cho Tiểu Đoàn (!) chuẩn bị lên đường.
Tới ngã ba Tam-Hiệp chúng tôi gặp một bộ phận của Sư Đoàn 22 Bộ Binh, cùng là dân Vùng 2 mất đất, thấy thương nhau, tay giơ vẫy vẫy…
Cầu xa lộ đã bị xe tank CSBV chận đường, chúng tôi rẽ vào thành phố Biên-Hoà.
Thành phố vắng lạnh buồn thiu. Tôi cho đơn vị đi dọc theo đường xe lửa, ngang qua những căn nhà tôn ổ chuột, một vài khuôn mặt buôn phấn bán hương thò ra, ánh đèn vàng hiu hắt, đôi câu vọng cổ vang theo sau lưng người chiến bại: “Anh ơi! Bỏ gươm đao, bỏ mộng khanh tướng công hầu mà về với em đi! Chiến cuộc đã tàn rồi! Anh ơi! Anh ơi!”
Chúng tôi cúi đầu lầm lũi mà đi. Chúng tôi đi qua cầu Ðôi rồi đến cầu Hang, tôi cho đơn vị dừng lại tấp vào những cái quán bỏ trống bên đường. Từng đoàn quân xa, chiến xa có Biệt Ðộng Quân và lính Dù tùng thiết đi qua mặt chúng tôi, hướng về Sàigòn. Khoảng 8 giờ sáng thì không còn chiếc xe nào đi qua đó nữa. Lúc này trong ngôi chùa bên kia đường tàu, những nhà sư áo vàng đang chất đồ đạc lên xe hướng về Sàigòn. Ít lâu sau xe của họ lại quay trở lại chùa không hiểu vì lý do gì.
Tôi cho quân tiếp tục lên đường. Khi còn cách Thủ-Ðức chừng vài cây số người lính có radio loan tin Tổng thống Dương Văn Minh đang kêu gọi đầu hàng! Tôi cho quân dừng lại, tạt vào một quán cà phê bên đường. Bà chủ quán thấy tôi, ái ngại vặn nhỏ volume cái máy thu thanh.
- Hết rồi! Chị cứ mở lớn cho tôi nghe với! Hết rồi! Chị ơi!
Bà chủ quán mở radio lớn hơn, và tôi nghe rõ từng lời kêu gọi của ông Tổng thống, ông tân Tổng thống nước Việt-Nam Cộng-Hoà mà tôi không rõ ông ta đã lên ngôi lúc nào!
Ngoài cổng có cái xe Jeep từ hướng Sàigòn chạy lên, một người trông dáng như Tư Lệnh bước xuống hỏi anh Biệt Ðộng Quân trước ngõ điều gì đó, rồi chiếc xe trở đầu phóng đi. Khi tôi ra ngoài đường thì người lính nói có Thiếu Tướng Ðảo hỏi tin Thiếu Tá, vì anh ta mới từ phía sau đoàn quân di chuyển lên đây, nên anh không rõ tôi ngồi trong quán nước, anh nói với Thiếu Tướng rằng anh không biết ông Tiểu Đoàn Trưởng ở chỗ nào cả, xin Thiếu Tướng chờ một lát để anh ta đi kiếm, nhưng Thiếu Tướng Ðảo đã vội vã ra đi.
Ngày 10 tháng 5 năm 1975, tôi đang ngồi uống cà phê trước cửa nhà ông chiêm tinh gia Trần Cẩm số 144 đường Nhật-Tảo, Chợ-Lớn thì bên kia đường một người tóc húi cao, vừa xuống yên chiếc xe đạp thể thao.
Tôi gọi:
- Tư Lệnh! Tư Lệnh!
Tướng Ðảo ngơ ngác một lúc rồi nhận ra tôi, ông bước sang nhập bàn với tôi và chú Trung Úy Phước, con trai bác Cẩm.
Tư Lệnh nói hôm 30 tháng Tư ông có quay lại tìm tôi ở cái quán cà phê bên đường để rủ tôi đem quân trốn về Vùng 4, nhưng không thấy tôi, nên dự định không thành.
Tôi nhìn vào mắt Tư Lệnh, an ủi ông:
- Số mệnh mà Tư Lệnh ơi!
Chúng tôi siết tay nhau cảm thông. Vinh quang đành bỏ lại sau lưng, đau lòng mà bỏ lại sau lưng! Trước mặt chúng tôi, những ngày sầu thảm bắt đầu…
Tháng 3 năm 1979 tôi được đưa từ Trại Cải Tạo Phú-Sơn 4, Thái-Nguyên về Trại Nam-Hà A, Phủ-Lý.. Tôi là thành phần của toán 40 người có tiền tích trốn trại, nên bị giải về đây với cái còng trên tay.
Khi chúng tôi nhập trại, những người tù trẻ tuổi can tội Vượt biên và Phục-quốc chào đón chúng tôi, những kẻ mang còng, bằng những đợt vỗ tay hoan hô tưng bừng.
Hôm sau có người nhắn với tôi rằng Chủ Nhật tới Thiếu Tướng Ðảo chờ mời tôi ăn cơm ở buồng số 1.
Trưa Chủ Nhật đó tôi tới buồng 1 gặp người chỉ huy cũ, ông ở đội lao động cùng Tướng Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân, Ðại Tá Phúc Tỉnh trưởng Long-Khánh, và Ðại Tá Khoái Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân Quân Khu 1.
Thời gian qua đã mấy năm không gặp, tôi rất vui khi bắt tay Tư Lệnh.
Bữa cơm ấy có tôi, Tư Lệnh, Tướng Sang và một người quen của Tướng Sang.
Tư Lệnh cầm tay tôi, giọng nói đầy hưng phấn:
- Những bạn trẻ như em đã làm qua tỉnh ngộ, xét lại mình. Từ nay qua sẽ sống xứng đáng hơn!
Tôi chẳng hiểu ý Tư Lệnh muốn gì, nhưng tôi tin chắc có điều lạ đang chuyển biến trong tâm tư Tư Lệnh (?)
Những buổi chiều sau đó, mỗi khi đi lao động về, chúng tôi đều tụ tập bên bờ giếng trước buồng 7 để nghe Thiếu Tướng Ðảo, Ðại Tá Trí, Ðại Tá Quy, và Ðại Tá Minh hoà nhạc. Họ là những nhạc sĩ siêu quần, tiếng đàn của họ có thể ví với tiếng đàn của một siêu “Band”, nhất là cây măng-đô-lin của Ðại Tá Minh.
Chuyện tụ tập đàn ca đến tai ban chỉ huy trại. Thằng “chèo” Lực xuống yêu cầu ban nhạc và khán giả giải tán. (Ở trại Nam-Hà A chúng tôi gọi những tên công an coi tù là “chèo”, hay “phường chèo”).
Những người trẻ tuổi hô to:
- Ðả đảo “chèo” Lực!
Lời qua tiếng lại, lũ “chèo” ùn ùn kéo xuống vây quanh đám đông.
Tướng Ðảo lớn tiếng:
- Anh không đủ tư cách nói chuyện với tôi! Anh về gọi Trung Tá Xuyên, trại trưởng xuống đây nói chuyện với tôi!
Trung Tá Xuyên không xuống, mà đoàn vệ binh thì càng lúc càng đông hơn. Chúng lùa tù về buồng, khoá cửa lại, khoá cả cửa ra sân lớn, không cho các buồng giao thiệp với nhau.
Sáng hôm sau một cái xe Molotova bít bùng đến trại Nam-Hà A đem Tướng Ðảo và vài ông Tướng khác đi mất biệt.
Sau khi chia tay nhau ngày ấy ở Trại Cải Tạo Nam-Hà A, tôi và Tư Lệnh chưa có dịp gặp lại nhau.
Tam nhân đồng hành trên Liên Tỉnh lộ Long-Khánh, Bà- Rịa tháng Tư năm xưa thì có hai người bị giữ trong trại tù 13 năm là tôi và Ðại Tá Hiếu, người thứ ba là Thiếu Tướng Ðảo thì bị nhốt lâu hơn. Ông và ba vị Tướng nữa của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hoà là những người sau cùng được tha khỏi gông cùm 17 năm sau khi Miền Nam sụp đổ.
Bây giờ là tháng Tư! Ba mươi năm đã trôi qua. Bao nhiêu lần kỷ niệm xưa hiện về. Tháng Tư nào cũng chở đầy nỗi buồn!
“Hằng Minh đây Tiên Giao gọi! Tháng Tư lại về rồi Hằng Minh ơi!”
Vương Mộng Long