Friday 8 March 2019

Đọc Hạ Tri Chương, nhớ quê nhà

Đã hơn 40 năm qua người Việt như đàn chim vỡ tổ, mang kiếp sống ly hương ở khắp các quốc gia tự do trên thế giới. Nhìn về quê nhà ai chẳng có chút ưu tư cùng với nỗi xót xa… Bao hình ảnh thân thương của chốn cũ, quê xưa. Trong nỗi xót xa ấy, khách ly hương lại nhớ đến chuyện Hạ Tri Chương người nổi tiếng với bài thơ “Hồi Hương Ngẫu Thư - Bài Thơ Khi Về Quê”. Bài thơ chỉ có 4 câu đại ý nói sau bao nhiêu năm mới về lại quê cũ, khi đi còn trẻ lúc về đã già, không ai nhìn ra, và trẻ con lại tưởng là khách lạ từ đâu ghé thăm.

Đặc San Lâm Viên mời quý vị đọc bài thơ “Đọc Hạ Tri Chương, Nhớ Quê Nhà” của Lê Tấn Dương để cảm thông với nỗi đau lòng của người biệt xứ, cảm thấy không được may mắn như Hạ Tri Chương, vì chưa được “về” lại quê nhà:

Ông đã hơn tôi một chữ “về”
Nên ông vẫn nhớ được tiếng quê.
Tôi còn lưu lạc phương trời thẳm,
Đành gởi lòng theo vạn sơn khê.


Đặc San Lâm Viên

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

April 24, 2015


YOU CAN’T GO HOME AGAIN

You Can’t Go Home Again là tác phẩm của Thomas Wolfe xuất bản sau khi ông qua đời năm 1940. Cuốn sách tôi đọc đã lâu lắm, có đến ngoài năm chục năm, vì thế nay tôi đã gần như quên hết, không nhớ nổi  được cả vài ba chi tiết chính của nó và cũng không muốn tìm đọc lại nó. Nhưng cái tựa của nó thì tôi không thể quên được mặc dù nó không liên quan gì tới cái lý do làm cho tôi nhớ nó mãi.
You Can’t Go Home Again, bạn sẽ không bao giờ trở lại căn nhà cũ của bạn được nữa. Tôi cũng vậy. Cái tựa như một nhắc nhớ mãi như hai câu Kiều mà  ông cụ tôi đọc cho  tôi khi gặp lại tôi cuối năm 1975 ở Canada:
…thôi con còn nói chi con
sống nhờ đất khách, chết chôn quê người…
Tôi không trở lại căn nhà cũ ở cái ngõ nhỏ rất hiền lành ở gần Ngã Sáu Sài Gòn từ hơn 40 năm nay. Và chắc cũng chẳng bao giờ về lại cái thành phố đó nữa. Cứ mỗi lần nhớ đến nó, là bài tứ tuyệt của Hạ Tri Chương lại trở về lẩn quẩn mãi:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

(Hồi Hương Ngẫu Thư)
Ông thi sĩ đời Đường đi biệt xứ từ khi còn trẻ, đến lúc già mới trở về. Nơi làng cũ, tiếng nói vẫn như xưa không có gì thay đổi, chỉ có mớ tóc mai là đã thay mầu. Lũ trẻ trông thấy ta mà không biết ta là ai nên chúng nó cười và hỏi ông khách từ đâu tới vậy…
Căn nhà ấy chắc có về đứng lại trước cửa tôi cũng không thể nhận ra được nữa. Bức ảnh một người bạn  mới chụp trong chuyến về Việt Nam năm ngoái cho thấy như thế. Tôi chỉ  nhận ra được cái cửa sắt sơn bong lỗ chỗ. Gốc bông giấy không còn nữa. Những người ở trong nhà dọn vào từ bao giờ  và là những người như thế nào tôi sẽ không bao giờ biết mà cũng không muốn tìm hiểu. Không biết trên cái cầu thang lên gác có còn dấu tích của hai đứa con ngày xưa không, cái bể nước bên cạnh, phòng ngủ trên lầu của chúng, phòng làm việc những cái tủ sách của tôi… Nơi lũ con đã sống những năm thơ ấu tuyệt vời của chúng. Thế mà đã hơn 40 năm…
Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi:”lâu không gặp”
Đáp khẽ : “đi xa mới trở về”
Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư
Tóc mai giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê hương cũ nghe không khác
Mà vẫn lạ tai câu trẻ thơ
Ô hay tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối ra đi thuở thịnh Đường
Mà thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy sao thơ cũng não lòng
Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn
(2014)
Hơn 40 năm vẫn nghĩ về một chuyến trở về nhưng chuyến trở về ấy chắc sẽ không bao giờ có… Tối hôm qua vừa đổ một trận mưa…Lại nhớ những mùa mưa cũ:

Đêm nay mưa xuống Sài Gòn
Giọt giăng lối cũ, giọt buồn xuống  tôi
Áo xưa nhạt mộng lâu rồi
Theo con nước cũ đã trôi xuống nguồn
Người đi bước có ngại ngùng
Chiều ơi đã mất theo từng đốt tay
Con đường mất những hàng cây
Bước chân xóa nốt thơ ngây ngày nào
Trở về không một âm hao
Mùi hương cũ đã mất vào hư không…

April 24, 2014

April 25, 2014

Ngày 21 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Gửi bạn mấy bài thơ viết trong những năm ở ngoài Việt Nam...

XA NHÀ ĐỌC THƠ HẠ TRI CHƯƠNG

Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi : "Lâu không gặp?"
Đáp khẽ: "Đi xa mới trở về."
Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư (*)
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ
Ô hay, tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Đường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng
Tôi cũng như ông, đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn.

(*)Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất thương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?

Tuổi trẻ đi xa, già mới trở về
Tiếng quê hương không có gì thay đổi chỉ có tóc là bạc
Bọn trẻ trông thấy ta không biết ta là ai
Nên cười và hỏi ta từ đâu đến

TRỞ VỀ CĂN NHÀ CŨ Ở SÀI GÒN
gửi các con

Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng
Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten
Này buổi tối, cứ nằm yên ở đó
Đèn ơi đèn, đừng trở dậy đêm nay
Ta nhớ kỹ ở đây là chiếc ghế
Tủ sách ngày xưa đứng ở chỗ này
Chiếc bàn viết chắc còn nguyên trong góc
Những đêm buồn ngồi dậy viết lăng nhăng
Giấy mực ơi, biết có còn trong hộc
Hãy ra đây, nói tiếp chuyện văn chương
Ở dưới bếp vẫn những đồ thân thiết
Bể nước mưa ngày đó phải nằm đây
Chiếc ống máng vẫn lạnh tanh mùi thiếc
Từ bếp này xưa khói ấm xa bay
Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ
Ta vẫn thường rón rén tối về khuya
Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây
Phòng bên cạnh ta đã nằm đêm cuối
Ngó trần nhà mà nước mắt rưng rưng
Ngoài cửa sổ lao xao dàn bông giấy
Cỏ cây ơi, phút chốc đã như sương
Đêm còn tối trên tàng cây trứng cá
Ta phải đi, buổi sáng sắp lên
Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ
Đường xá xác xơ, thành phố cũng thay tên.

GỬI CĂN NHÀ CŨ

Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui
Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
Mấy bức thư đọng lại những năm qua
Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa
Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa
Hãy tưởng tượng khi bước chân lên gác
Bàn ghế còn nguyên, sách vở còn bầy
Bỗng nghe thoáng tiếng mưa khuya dìu dặt
Những giọt buồn rơi mãi xuống đêm nay
Hãy tưởng tượng đêm sẽ nằm nghe gió
Trên chiếc giường thân thiết mấy năm xưa
Mấy con muỗi nhận ra người bạn cũ
Chú thạch sùng trong vách cũng bò ra
Hãy tưởng tượng trở về nơi hẹn cũ
Thăm hàng sao và bể nước đầy mây
Trên ghế đá vọng âm lời tình tự
Nét chữ mờ quấn quýt vẫn còn đây
Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly
Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn
Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Đường thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi
Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.


GỬI NGƯỜI SẮP RỜI SÀI GÒN

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang theo chút trời và chút đất
tẩm trong mái tóc
nhớ mang theo chút gió, chút mưa
chút nắng mùa hạ
gói trong vạt áo
nhớ mang theo tiếng guốc trên đường về học
những chiều tan trường
những bàn tay thơm
và những trang sách
cất trong ngăn kéo bàn học từ mấy chục năm nay
Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang cho anh miếng môi
miếng mắt
miếng tóc
miếng đồng tiền
miếng cằm chẻ, miếng nốt ruồi duyên
miếng chanh chua, miếng hay hờn, miếng làm cao, miếng điệu
miếng ngúng và miếng nguẩy, miếng mắc cở, miếng bầy đặt
miếng nguýt, miếng lườm, miếng làm lành, miếng nói mát...
Em Sài Gòn bao giờ em qua đây
làm ơn mang theo chút bụi đường tội nghiệp
chút thổ mộ khốn khổ
chút xích lô nhọc nhằn
chút xe lam chật chội khói mù
và chút xe buýt ngột thở buổi chiều
chút xe lô mệt mỏi qua cầu
Em yêu dấu bao giờ em đi
mang cho anh miếng nước mía Viễn Đông
mang cho anh miếng đậu đỏ bánh lọc
mang cho anh miếng bò khô, miếng bò bía, miếng bia 33
miếng chanh muối, miếng bánh cuốn Phan đình Phùng
miếng bia ôm, miếng quán cóc, miếng phở đêm, miếng mì thất nghiệp...
Em Sài Gòn bao giờ em lên đường
nhớ mang cho anh
thật nhiều Việt Nam
thật nhiều Sài Gòn, thật nhiều Chợ Lớn, thật nhiều Phú Nhuận, Đa Kao
nhớ mang cho anh thật nhiều Thủ Đức và Gia Định
thật nhiều ngã năm, ngã bẩy
thật nhiều ngoại ô, thật nhiều ngõ tối
thật nhiều ổ gà, thật nhiều mái tôn, thật nhiều ngõ lội
thật nhiều bùn lầy đêm mưa
và thật nhiều số nhà năm bẩy lần chồng chất lên chúng ta
Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ thăm hộ anh những hàng cây trong sở thú
đọc hộ anh những hàng chữ viết trên tường
thăm hộ anh những chiều mưa
những đêm cúp điện
những đầu ngày nóng hổi mệt nhoài trước mặt
những rạp ciné thường trực
những quán nước, những hàng hiên đã giữ chúng ta trong cơn mưa hạnh phúc
nhớ mang câu vọng cổ trưa buồn não nuột xuyên qua vách ván
nhớ mang truyện tình kết rất đẹp đêm cải lương thứ bẩy
và nhớ mang cho anh một chút dịu dàng mà ở đây anh rất thiếu
Em Sài Gòn, bao giờ em đi....

Ngày 22 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Đáng lẽ tôi không mất thì giờ để đề cập tới người này, và những điều ông ta viết xuống không đáng để nhắc lại ở đây và cũng không đáng được một đôi câu trả lời.
Ông ta đọc bài viết của tôi (12 tháng 3 năm 2014) về mấy phụ nữ Việt bị những tên ma cô ma cạo người Hoa đưa sang Ghana ép làm điếm rồi "nổi sùng như hỏa diệm sơn vừa mới bộc phát". Ông nói là đã muốn "lặng" nhưng "gió chẳng muốn ngừng" vì ông nhận được bạn bè của ông gửi bài viết của tôi cho ông tới hai lần khiến ông ta "nổi giận, hơi nóng tỏa ra xì xèo trên đầu". Ông cho là tôi, khi viết về những việc làm của những người Hoa đó, đã "dùng từ ngữ xấu xa không tốt xỉ vả cả dân tộc Trung quốc". Ông cho biết ông "ngứa tai vì chữ dùng khinh miệt gọi người Trung quốc" trong bài viết của tôi và vì tôi đã "xúc phạm" khi dùng những chữ mô tả những người Hoa ma cô ma cạo đó. Ông ta còn viết thêm là nếu "chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình là người nóng tính, đọc được tiếng Việt" có thể "xua quân đánh Việt Nam" thì mọi chuyện sẽ ra sao.
Xin nói với bạn ngay là trong vài viết tôi không hề "vơ đũa cả nắm" như ông ta đề quyết. Trong bài, tôi đề cập rõ ràng tới "hai người Hoa", tới "bọn Tầu bất lương sang tận Việt Nam dụ dỗ (người) đem sang Ghana bắt làm điếm", tới "mấy thằng Tầu khốn nạn (ở Ghana)", rồi "mấy thằng Tầu khốn kiếp đó", và "bọn Tầu khốn nạn vẫn được tự do ra vào đất nước Việt Nam". Những cách đề cập đó không hề mang ý nghĩa miệt thị toàn thể dân tộc Trung Hoa mặc dầu trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, cái quốc gia phương Bắc đó không bao giờ để nước của chúng ta yên. Cách đối xử của họ dành cho các triều đại và người dân Việt Nam không bao giờ là cách đối xử tử tế.
Trong lịch sử hiện đại, Tầu Tưởng (Giới Thạch) cũng như Tầu Mao (Trạch Đông) đều có tham vọng đất đai nhắm vào biển đảo của chúng ta. Tầu quốc (gia) cũng như Tầu Cộng đều không bao giờ tử tế gì với chúng ta hết.
Tôi nghĩ bài viết của tôi, bạn đọc lại sẽ thấy, không có một đoạn nào mảy may "xúc phạm" tới dân tộc Trung Hoa mặc dù là nếu có, thì cũng chẳng sao khi nhớ lại cái thái độ không tốt của nước Trung Hoa dành cho chúng ta suốt chiều dài lịch sử. Ông ta đòi tôi nên viết rõ thêm chữ"này" khi đề cập tới những người Hoa trong vụ Ghana để thành "bọn Tầu bất lương NÀY""bọn Tầu khốn nạn NÀY" "mấy thằng Tầu khốn kiếp NÀY". Ông ta coi tôi vì giận quá nên đã mất khôn và viết ra những điều mà ông cho là "xúc phạm" tới cả một tỉ người Hoa.
Rõ ràng là ông ta đọc bài viết của tôi mà không hiểu, rồi cố tình xuyên tạc những điều tôi viết xuống. Vậy nên chính ông ta mới là "giận quá mất khôn" như ông đã thú nhận là "nổi giận, hơi nóng tỏa ra xì xèo" ngay trong mấy dòng đầu.
Bạn xem Nguyễn Trãi viết ở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo có cần phải viết "mấy thằng giặc Minh NÀY đang xâm lấn Việt Nam" đâu. Cứ viết thẳng thừng: "Cường Minh tứ khích"... bọn cường Minh thừa cơ tứ ngược ... nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ..."
Đâu có cần viết phải "bọn quân Minh NÀY" bao giờ.
Người đàn ông đó đọc bài viết của tôi, rồi hoặc vì không hiểu hết, hoặc cố tình bẻ cong để chỉ trích và méc bu Tập Cận Bình dọa Tập Cận Bình sẽ nổi giận đem quân sang đánh Việt Nam.
Tôi không nghĩ bài viết của tôi lọt vào mắt của Tầu phệ Tập Cận Bình và tôi cũng không bao giờ cho rằng thằng híp đó đọc bài của tôi rồi đem quân sang đánh Việt Nam. Tôi không hề hoang tưởng đến mức đó.
Bài ông ta viết được chuyển đi nhiều nơi cùng với câu hỏi của ông: "Nên hay không nên viết". Ý nói (tôi) có nên viết xuống những điều không tử tế về những người Hoa ở Ghana, ở Việt Nam, ở vùng biển của Việt Nam, và về những chuyện không tốt họ đang làm ở đất nước chúng ta không.
Chắc chắn ông ta nghĩ là không.
Tôi thì nghĩ là phải viết nữa, tiếp tục viết mãi về bọn Tầu khốn nạn ấy. 
Còn ông ta, cái người viết lá thư ấy, nếu còn ở Việt Nam chắc chắn phải là một trong đám ngợm hóa dại kéo nhau ra nhẩy đầm ở vườn hoa Hà Nội để phá thối khi có những người tụ họp tưởng niệm các nạn nhân của bọn Tầu trong cuộc chiến biên giới. Ông ta cũng có thể là thứ chỉ điểm để công an bắt Điếu Cầy, Phương Uyên, Mẹ Nấm và những người can đảm xuống đường đòi Tầu khựa cút khỏi biển Đông ... hay cái thứ động một chút là lôi thằng mặt chó Tập Cận Bình ra dọa sẽ đem quân sang đánh Việt Nam lần nữa.
Câu hỏi "nên hay không nên viết" thì trả lại cho ông mang về ... luộc lên mà ăn. Làm cứ như những bài viết đụng nhẹ tới mấy thằng Tầu chó má đó là động mồ động mả cha mả bố nhà ông ta.
Khốn khổ cho cái thân vừa nô dịch vừa hèn hạ.
Hệt như suốt mấy chục năm qua, cứ vừa nhắc tới Hoàng Sa là như phạm húy ba đời bọn chó dại lên không bằng.