Saturday, 27 April 2019

Diễn Đàn Trái Chiều của Vũ Linh: BÀI 70: CÁC TỔNG THỐNG MỸ VÀ VIỆT NAM (Phần II)

Diễn Đàn Trái Chiều

Tuần này, chúng ta bàn qua phần hai của bài nhận định về vai trò của các tổng thống Mỹ trong việc mất trọn miền Nam VN vào tay VC.
Ba tổng thống Johnson, Nixon, và Ford sẽ được bàn qua trong phần này.
      Đây là giai đoạn chiến tranh VN lên cao điểm, rồi đi đến kết cuộc bi thảm mà ta đã biết.
Image result for president johnson
4. TT Johnson. Dân Chủ 1963 – 1968

TT Kennedy bất ngờ bị ám sát chết ba tuần sau khi TT Diệm bị giết. Nhiều người tin dị đoan sẽ gọi là ‘quả báo’? TT Johnson lên thay thế, một năm sau ông ra tranh cử và đắc cử, làm tổng thống chính danh chứ không còn là ‘tổng thống ngáp’ sau khi TT Kennedy chết, nhưng 4 năm sau đó, quyết định không ra tranh cử nữa.
TT Johnson, dân ‘cao bồi’ Texas thứ thiệt, chủ trương cứng rắn hơn TT Kennedy. Ngay từ đầu, ông muốn tiếp tục hậu thuẫn TT Diệm, phản đối lại mọi đề nghị đảo chánh, chống ngay cả những áp lực đẩy cố vấn Nhu ra ngoài vòng quyền lực. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã muốn can dự mạnh, nhưng vì phải ra tranh cử cuối năm 1964,nên phải dè dặt, tuyên bố sẽ không cho “thanh niên Mỹ chết trong đồng ruộng Á Châu” và đả kích mạnh thái độ ‘diều hâu’ cực đoan của ứng cử viên CH ông Barry Goldwater.

     Sau khi đắc cử, ông mau mắn lật ngược chính sách, can thiệp mạnh vào nam VN, nhất là sau khi tình hình VN suy xụp mau chóng qua các ‘chỉnh lý’ không ngừng của các tướng lãnh.
TT Johnson quyết tâm sẽ không là tổng thống Mỹ đầu tiên thua trận hay bỏ rơi đồng minh. Trong thời gian đầu, ông được hậu thuẫn của đảng DC khi đó nắm đa số tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Đảng CH diều hâu cũng hậu thuẫn tuy họ đòi hỏi những biện pháp can thiệp còn mạnh hơn nữa. Quốc hội biểu quyết cho TT Johnson toàn quyền đánh BV sau vụ tàu Maddox bị tàu VC bắn, qua Nghị Quyết Tonkin –Tonkin Resolution- chỉ có đúng 2 phiếu chống so với 98 phiếu thuận tại Thượng Viện, với 0 phiếu chống và 416 phiếu thuận tại Hạ Viện. Mở màn cho các chiến dịch dội bom Bắc Việt kéo dài qua tới thời TT Nixon.
Cái nhức răng cho TT Johnson là ông là người có khuynh hướng cấp tiến nặng, có tham vọng lớn muốn thay đổi xã hội, tung ra các chương trình cấp tiến để thực hiện cái mà ông gọi là Great Society, nhưng kẹt chiến tranh VN, vừa tốn tiền quá mức, vừa gây phân hóa lớn trong chính trường cũng như trong dư luận quần chúng, là những cản trở vĩ đại cho giấc mộng Great Society.
Sau vài năm đầu thậm thụt leo thang từng bước, đưa đến việc hơn nửa triệu quân Mỹ tham gia cuộc chiến mà vẫn không thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’, ông tìm cách ‘tháo chạy’ nhưng không tìm ra lối thoát.
Những cố gắng mở đường nói chuyện với VC qua nhiều ngã đều thất bại. Ngay cả sau khi Mỹ và VC thỏa thuận gặp nhau tại Paris tháng 5/1968 sau khi VC thảm bại trong vụ tổng công kích Mậu Thân, hai bên cũng chẳng đi đến một thỏa thuận nào hết, tranh cãi cả mấy tháng trời về những chuyện lẩm cẩm như hình thù cái bàn họp. Thật ra, VC cố tình trì hoãn để đợi bầu cử tổng thống Mỹ cuối 1968. Khi hai bên chuẩn bị nói chuyện cũng là lúc TT Johnson đã công khai tuyên bố ông không ra tranh cử lại, trong khi các ứng cử viên tổng thống của đảng DC, trong đó có các thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, George McGovern và Robert Kennedy, đều công khai muốn Mỹ rút khỏi VN.
TT Johnson là người chịu trách nhiệm mang hơn nửa triệu quân Mỹ vào VN, ‘chiếm’ quyền trực tiếp điều hành cuộc chiến từ quân sự đến chính trị, với những hậu quả tốt cũng như xấu. Tốt vì hiển nhiên đã cứu miền Nam khỏi một đại bại ngay từ những năm 65-66 khi quân lực VNCH gần như tan hàng vì những chỉnh lý của các tướng, chỉ lo đánh lẫn nhau chứ không lo đánh VC nữa. Xấu vì đúng như TT Eisenhower và TT Diệm đã lo ngại, việc Mỹ can thiệp trực tiếp quá mạnh, đã khiến VNCH mất chính nghiã, tặng cho VC một vũ khí tuyên truyền vô giá là “lính da trắng Mỹ chỉ là thay thế lính da trắng Pháp thôi”.
Qua việc TT Johnson can thiệp mạnh, nhiều người nghe theo tuyên truyền của CS cho rằng việc đó thể hiện tính ‘đế quốc’ của Mỹ. Thật ra, nếu hiểu người Mỹ rõ thì sẽ biết quyết định can thiệp mạnh của TT Johnson chẳng qua là đúng theo tính người Mỹ, làm gì cũng muốn mình là người lấy quyết định trọn vẹn, không tin người khác có khả năng làm được việc, nhất là khi thấy cấp lãnh đạo VNCH, từ TT Diệm đến các tướng lãnh, đều đã đi từ thất bại này đến thất bại khác.
Đáng tiếc thay, chính quyền Mỹ cũng không khá hơn, đã đưa ra hết chiến lược sai lầm này đến chính sách trật bét nọ, luôn đi theo VC nhưng chậm hơn một bước. Ban đầu, Mỹ chờ đợi một cuộc chiến quy ước lớn kiểu Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn, thì VC chơi du kích chiến. Khi Mỹ chuyển qua chống du kích trong rừng thì VC tổng công kích thành phố. Khi Mỹ lo bảo vệ thành phố và lùng du kích VC trong núi, thì VC xua thiết giáp tràn qua biên giới.
TT Johnson coi cuộc chiến như một cuộc đấu võ chính trị trong đó quân sự chỉ là công cụ. Tất cả các chiến dịch quân sự lớn, tất cả các cuộc đánh bom BV, đều phải được Tòa Bạch Ốc ô-kê dựa trên tính toán chính trị, từ nhu cầu, ý nghiã, đến hậu quả. Rồi lại còn phụ thuộc vào phân tích thống kê điện toán –computer data analysis- theo kiểu tỷ lệ địch chết so với số lượng đạn bắn, số làng đã bình định so với số bom đã thả,... Nhiều chuyên gia đã nhận xét không sai là cuộc chiến không phải do các tướng bốn năm sao điều hành trên chiến trường, mà là do các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, chuyên gia tranh cãi lý thuyết chính trị và phân tích thống kê, làm việc trong phòng lạnh tại Tòa Bạch Ốc hay Ngũ Giác Đài, chỉ nhìn thấy những con số thống kê, chưa bao giờ thấy một giọt máu hay nghe một phát súng nổ.
Mỹ thua vì không hiểu mà cũng chẳng bao giờ muốn tìm hiểu những yếu tố tâm lý chính trị đặc thù của VC nói riêng và VN nói chung, mà chỉ trông cậy vào hỏa lực. Lý luận của người Mỹ: Mỹ đã diệt tan cả Đức lẫn Nhật, luôn cả Trung Cộng tại Bắc Hàn, mà đâu có cần tìm hiểu tâm lý của Hitler, Hirohito hay Mao gì đâu, sao bây giờ phải thắc mắc chuyện mấy ông nông dân Việt nghĩ gì? Ngay cả các tướng tá, sĩ quan VNCH nghĩ gì, Mỹ cũng chẳng cần biết.
Cái sai lầm của lập luận này là Đức, Nhật và Trung Cộng đều dùng hỏa lực của họ chống lại hỏa lực của Mỹ, và họ thua; trong khi VC không dùng hỏa lực mà dùng chiến tranh gặm nhấm. Vũ khí chính của VC là lấy lòng dân bằng đủ cách, từ dụ dỗ ngon ngọt đến lừa gạt xảo trá nhất đến khủng bố và giết thẳng tay, tùy đối tượng. Với mục đích kéo dài cuộc chiến, gặm nhấm vào tính kiên nhẫn của dân Mỹ. Trong khi HCM nói chuyện “100 năm trồng người” thì người Mỹ chỉ nhìn thấy 4 năm nhiệm kỳ một tổng thống.
Dĩ nhiên là VC cũng phải dùng hỏa lực, nhưng chỉ để ‘dứt điểm khi thời cơ chín mùi’. Ở đây ta thấy ngay cái sai lầm của cấp lãnh đạo VC, quá chủ quan, quá tin tưởng vào tuyên truyền của chính mình, tưởng ‘cơ hội dứt điểm’ đã tới với Mậu Thân 68 và Mùa Hè 72, để rồi cả hai lần đều ôm đầu máu, chết lính như rạ. ‘Cơ hội dứt điểm’ chỉ thực sự đến với VC năm 75 khi quốc hội DC Mỹ đã cắt đứt cuống rốn cung cấp bom đạn và xăng nhớt cho QLVNCH.
Chính sách của TT Johnson tiêu biểu cho chính sách đối ngoại cũng như quân sự của các tổng thống của đảng DC: bao đồng muốn can dự nhưng lại nhát tay, vừa đánh vừa run vì sợ TC nhẩy vào. Khi TT Johnson được mật báo có cả ba trăm ngàn lính TC ở BV, ông tiếp tay VC dấu nhẹm tin này vì sợ đụng độ lớn với TC.
Image result for president nixon
5.     TT Nixon. Cộng Hòa 1969 – 1974
TT Johnson không ra tranh cử lại, đảng DC đưa PTT Hubert Humphrey ra chống lại cựu PTT Richard Nixon. Ông Nixon thắng.
Ông Nixon khi ra tranh cử bảo đảm ông đã có “kế hoạch bí mật” để chấm dứt chiến tranh VN. Sau này, kế hoạch bí mật đó được bật mí và mọi người thấy đó là giải quyết cuộc chiến VN bằng cách nói chuyện thẳng với các đàn anh đang đỡ đầu VC là Liên Xô và Trung Cộng, trao đổi quyền lợi dựa trên tính toán địa chính trị toàn cầu, trong khi chỉ điều đình với VC về chi tiết đình chiến, rút quân, và trao trả tù binh.
TT Nixon nhìn cuộc chiến VN dưới nhiều khiá cạnh:
-                Cuộc chiến VN là một vi khuẩn vĩ đại gây phân hóa không hàn gắn được trong xã hội và chính trị Mỹ, làm tê liệt tất cả mọi chương trình nội bộ hay ngoại giao của Mỹ. Chưa kể tốn kém quá mức về tiền bạc và nhất là sinh mạng thanh niên Mỹ. Mà lại không thấy giải pháp nào khi khối CS quốc tế vẫn kiên trì giúp VC và VC nghiến răng thí mạng cùi tới cùng. Ông cho rằng việc cần phải làm là một mặt củng cố quân lực VNCH qua sách lược gọi là ‘Việt Nam hóa’, mặt khác điều đình với Liên Xô và TC chấm dứt hay ít nhất giảm mạnh viện trợ quân sự của họ cho VC, như vậy sẽ giúp cho VNCH một cơ hội đánh nhau ngang tay với VC, và trong cuộc chiến ‘ngang tay’ đó, TT Nixon tin tưởng VNCH sẽ chỉ thắng hay huề, không thể thua.
-                Nhưng quan trọng hơn nữa trong cái viễn kiến quốc tế của TT Nixon, cuộc chiến VN là một chất keo kết nối khối CS, nhất là Nga và Tàu, mà nếu Mỹ chấm dứt can thiệp thì chất keo sẽ tan và mấy ông CS sẽ túm đầu đánh nhau túi bụi. Khối CS quốc tế đang bị chi phối bởi việc dành ảnh hưởng giữa hai ông anh lớn, Mỹ cần phải triệt để khai thác phân hóa đó để tạo ra thế chân vạc, ‘tam quốc tân thời’, chứ hai ông CS lớn đó ngồi với nhau thì Mỹ khó chống đỡ.
TT Nixon đã có viễn kiến xa hơn tất cả mọi người. Sau khi chiến tranh VN chấm dứt, quan hệ Liên Xô - Trung Cộng đổ vỡ hoàn toàn, không hàn gắn được. Sau đó, ngay cả TC cũng đánh VC trong khi VC đánh Căm-Pu-Chia. Chuyện ‘môi hở răng lạnh’ biến thành răng cắn cho đứt môi.
Phải thẳng thắn nhìn nhận chiến tranh VN là một hột cát kẹt trong con mắt của Mỹ, không có một ích lợi nào mà chỉ làm cộm mắt. TT Nixon thực sự muốn chấm dứt chiến tranh VN. Nhưng cũng không khác TT Johnson, ông không muốn là tổng thống đầu tiên thua trận, nhất là thất hứa không bảo vệ đồng minh. Thất hứa đó, ông sợ Mỹ sẽ phải trả giá quá cao khi Mỹ và khối Liên Xô-TC còn đang tranh dành ảnh hưởng trên các quốc gia đệ tam. Mỹ bỏ miền Nam VN quá dễ dàng sẽ khiến các quốc gia đệ tam cân nhắc việc làm đồng minh với Mỹ.
Điều ông hy vọng là sẽ có thể điều đình trên đầu VC, tức là điều đình thẳng với Liên Xô và TC để hai xứ đàn anh này ép VC chấp nhận một giải pháp nào đó mà sẽ không có bên nào thắng bên nào thua, chấm dứt chiến tranh VN theo mô thức Triều Tiên, duy trì tình trạng hai miền trong khi chờ đợi thống nhất có thể cả chục năm sau.
TT Nixon sai lầm và thất bại vì ông đã không tính trước sự chống đối quá mạnh của đối lập DC và nhất là không tính Watergate.
Đảng DC thất bại với TT Johnson nhất quyết không cho ông CH Nixon thành công. Trong suốt thời gian nắm quyền, ông Nixon đã gặp phải chống đối tuyệt đối của phe đối lập DC và TTDC thiên tả suốt ngày bôi bác miền Nam và ca tụng VC, chưa kể hàng vạn người xuống đường biểu tình liên tục cả mấy năm trời. Chỉ trong 4 năm nhiệm kỳ đầu, TT Nixon đã bị Hạ Viện DC biểu quyết hơn 80 lần, trung bình 3 tuần một lần trong suốt bốn năm liền, đòi TT Nixon chấm dứt can dự vào cuộc chiến.
Tháng Chạp 1969, Thượng Viện DC thông qua luật Church-Cooper (thượng nghị sĩ DC Frank Church của Idaho, và CH John Cooper của Kentucky) cấm triệt mọi hoạt động quân sự -hành quân hay dội bom- trên lãnh thổ Lào. Đường mòn Hồ Chí Minh được các nghị sĩ DC Mỹ bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Năm 1974, VNCH bất lực nhìn VC chuyển quân và súng đạn ào ạt vào Nam VN qua đường mòn bây giờ đã thành xa lộ HCM. TT Nixon muốn đánh bom, nhưng bị vướng xình lầy Watergate, không đủ hậu thuẫn chính trị để vượt qua luật Church-Cooper.
Tháng 6, 1970, Thượng Viện DC thông qua tu chính Church-Cooper cấm chính quyền Nixon không được chi một đồng nào cho cuộc chiến tại Căm-Pu-Chia, cấm gửi lính qua hay đánh bom xứ này luôn. Đến phiên các mật khu VC trên đất Căm-Pu-Chia được Thượng Viện DC Mỹ bảo đảm an toàn. VC di chuyển bộ tư lệnh từ “R” ở Nam VN qua Căm–Pu-Chia.
Năm 1973, lấy cớ Hiệp Định Paris đã ký, TNS Church lại cho thông qua luật mới cắt hết mọi viện trợ quân sự cho ba nước Việt-Miên-Lào. QLVNCH hết nhận được viện trợ quân sự. Cũng năm 1973, quốc hội thông qua luật War Power Act, Quyền Tham Chiến, bắt tổng thống phải xin phép quốc hội nếu tham gia bất cứ cuộc chiến nào quá ba tháng. Vì Hiệp Định Paris đã chấm dứt chiến tranh VN, nếu Mỹ trở lại VN thì sẽ coi như mở đầu một cuộc chiến mới, phải có sự chấp thuận của quốc hội do DC nắm đa số tại cả hai viện. (Cả hai luật cắt viện trợ hoàn toàn và cấm tham chiến khi đó được tân nghị sĩ Joe Biden ủng hộ)
Trong khung cảnh ‘nội chiến’ với đối lập DC đó, TT Nixon lại dính vào vụ Watergate, dĩ nhiên bị TTDC và DC triệt để khai thác, cuối cùng ép ông phải từ chức.
Câu hỏi không bao gi có câu trả lời: nếu TT Nixon không bị DC chặt chân trói tay và dính lầy Watergate thì số phận VN sẽ ra sao? Hiệp Định Paris sẽ như thế nào? Ông sẽ đối phó thế nào khi thấy VC chuyển quân giữa ban ngày trên xa lộ HCM? Ông sẽ phản ứng ra sao khi VC xé Hiệp Ước Paris, tung thiết giáp chiếm Nam VN năm 75?
Nhiều người VN trách cứ TT Nixon và nhất là cố vấn Kissinger đã gian trá, lừa gạt VNCH, bán đứng VNCH cho Trung Cộng, để bảo vệ Do Thái.
Luận cứ này có đúng nhưng cũng sai. Đúng ở điểm TT Nixon muốn tìm giải pháp rút khỏi VN và nhiều khi đã không hoàn toàn chân thật với TT Thiệu, vì nhu cầu bảo vệ quyền lợi Mỹ cũng như thực hiện sách lược ‘tam quốc’ của ông, trong khi ông lại không muốn TT Thiệu công khai chống vì ông sợ mang tiếng phản đồng minh, do đó đã dấu TT Thiệu nhiều chuyện. Không đúng ở điểm TT Nixon muốn bán đứng VNCH cho TC với bất cứ giá nào, để bảo vệ Do Thái. Tố Kissinger “bán đứng VN để bảo vệ Do Thái” là một luận cứ thô thiển dễ ăn khách vì Kissinger là Do Thái. Cũng chỉ là một giả thuyết nằm trong câu chuyện hư cấu thế lực ngầm Do Thái thao túng cả thế giới. Thật ra, Do Thái chưa bao giờ là một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết chiến tranh VN.
TT Nixon cố gắng tìm một giải pháp để VNCH có thể tồn tại lâu dài, qua những cuộc dội bom Căm-Pu-Chia và nhất là những cuộc dội bom trên Hà Nội mùa Giáng Sinh 72, nhưng mỗi lần ông ra tay mạnh là một lần bị khối DC ra luật mới trói tay thêm.
Luận cứ TT Nixon bán đứng miền Nam thật ra là do phe DC tung ra để chạy tội sau khi mất miền Nam, dấu nhẹm tất cả những biểu quyết của khối DC tại quốc hội đã khoá chặt tay TT Nixon. Nếu quốc hội đã ra luật cắt mọi viện trợ quân sự, cấm Mỹ dội bom trên cả bốn vùng, nam và bắc VN, Lào và Căm-Pu-Chia, cấm cả tổng thống không được tham chiến trở lại thì cho dù TT Nixon muốn giữ miền Nam thì ông có cách nào? Làm sao có thể nói TT Nixon là người chịu trách nhiệm về việc bỏ/mất VNCH? Điều ngạc nhiên phải nói là việc ông đã cứng cựa, cầm cự dai dẳng được 4 năm, vớt vát đến cùng, trước khi ký Hiệp Định Paris.
TT Nixon bị phe đối lập DC đánh đến độ không còn giữ được cái ghế của ông, làm sao giữ được cả miền Nam VN?
Related image
6.     TT Ford. Cộng Hòa 1974 – 1976
TT Ford nhậm chức sau khi TT Nixon từ chức. Ông thừa hưởng một nước Mỹ đang bị khủng hoảng nặng chưa từng thấy và phải tập trung mọi nỗ lực để cứu con bệnh Mỹ, trong khi uy tín ông không có bao nhiêu vì chỉ là tổng thống ‘ngáp’ do Nixon chỉ định chứ không ai bầu (tuy ông có được quốc hội phê chuẩn). Trong chuyện VN, ông hoàn toàn bị trói tay bởi Hiệp Định Paris cũng như các luật Church-Cooper.
Khi VC rầm rộ chiếm miền Trung, ào ạt nam tiến, TT Ford tìm mọi cách cứu giúp. Ông yêu cầu quốc hội cho lính Mỹ trở lại viện cớ không phải để cứu nam VN, mà là để cứu lính và dân Mỹ còn đang ở VN. Ông cũng yêu cầu quốc hội cho tháo khoán khẩn cấp 720 triệu tiền viện trợ quân sự đã được phê chuẩn cho tài khoá 75 nhưng chưa tháo khoán. Những yêu cầu này bị quốc hội DC bác bỏ. Nhưng TT Ford vẫn bất chấp, trong những ngày cuối, cho chở hàng loạt vũ khí, đại bác, súng đạn qua cho VNCH, lấy cớ thay thế hao mòn, trên nguyên tắc được Hiệp Định Paris cho phép. (Những chuyến bay này chở bom đạn đến, khi rời VN thì chở qua Mỹ hàng ngàn trẻ mồ côi VN; chuyến bay đầu tiên, họa vô đơn chí, rớt ngay tại Tân Sơn Nhất, cả trăm trẻ em bị chết)
Cuối tháng Tư 75, khi VC gõ cửa Sàigòn, quốc hội DC cũng bác luôn yêu cầu của TT Ford xin viện trợ khẩn cấp 300 triệu để tăng cường bảo vệ thủ đô Sàigòn và phần còn lại của miền Nam trong khi chờ đợi (hy vọng?) các bên điều đình lại. Cận ngày mất nước khi không còn hy vọng gì, TT Ford xin chuyển số 300 triệu này qua một quỹ đặc biệt giúp chuyên chở và định cư tại Mỹ khoảng 200.000 quân cán chính VNCH mà ông cho rằng chắc chắn sẽ bị VC giết sau khi họ chiến thắng. Đề nghị này cũng bị quốc hội DC bác.
Mãi đến ngày 23/5, ba tuần sau khi VNCH đã mất, trong khi cả vạn người Việt đang chờ tại Guam và Wake, và sau những vận động mạnh của TT Ford trong hậu trường, quốc hội mới biểu quyết chấp nhận 130.000 người Việt đầu tiên tỵ nạn. Ở đây, phải ghi nhận khi đó, tân thượng nghị sĩ Joe Biden đã là tiếng nói chống đối mạnh nhất.
KẾT
Nhìn vào thực tế lịch sử, VN từ thời Quốc Gia VN đến Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Cộng Hòa, cũng kể luôn cả chế độ VC tại miền Bắc, trước sau vẫn chỉ là quân chốt trên bàn cờ chính trị thế giới. Quân chốt của Mỹ và quân chốt của khối CS quốc tế, trong một cuộc chiến ‘ủy nhiệm’ không hơn không kém. Việc đánh hay giúp VN –QG hay CS- luôn nằm trong những tính toán lớn của các đại cường. Cấp lãnh đạo VN từ CS đến QG, có tiếng nói rất nhỏ và quyền hành còn nhỏ hơn nữa.
Dù vậy, cũng không thể nói cấp lãnh đạo VN hoàn toàn không có trách nhiệm. Về phiá quốc gia, những chuyện như Bảo Đại ăn chơi trác táng không lo việc nước, hay TT Diệm xây dựng nên một quốc gia thịnh vượng và ổn định, nhưng sau đó phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng trở nên độc đoán, hay các tướng lãnh đảo chánh trên danh nghiã để đánh VC hữu hiệu hơn, nhưng rồi vì tham vọng cá nhân liên tục chỉnh lý lẫn nhau, bán cái việc đánh VC cho Mỹ, các sư sãi ‘chống chiến tranh’, linh mục ‘chống tham nhũng’, sinh viên ‘chống bắt lính’, ký giả ‘đi ăn mày’, nhân sĩ ‘đòi quyền sống’, các chính khách thời cơ ‘cẳng giữa’, những cuộc triệt thoái hỗn độn qua những quân lệnh bất nhất, rồi cuộc đầu hàng vô điều kiện quá nhanh thay vì cầm cự ít lâu để tìm cách điều đình,… cuối cùng đưa đến mất nước, đó chính là những phần trách nhiệm lớn của người Việt quốc gia, không phải là lỗi của Johnson hay Nixon hay Kissinger gì hết.
Những sai lầm đó đưa đến sự hy sinh cao cả nhưng oan uổng của một số tướng lãnh oai hùng tuẫn tiết vì nước và những sĩ quan và lính can trường chiến đấu đến cùng dù biết vô vọng.
Những lập luận "Mỹ tháo chạy" hiển nhiên không sai lắm, nhưng dù sao cũng vẫn là cách các quan chức miền Nam xiả tay đổ thừa mà không dám nhận phần trách nhiệm của chính mình.
Nhiều chính khách và tướng lãnh có trách nhiệm lớn trong cuộc chiến đã viết sách hay nói chuyện. Hầu hết đều khoe mình đúng và tài giỏi, để đổ thừa tất cả sai lầm lên đầu người khác. Điều đáng buồn là hình như những vị này, trong đó có nhiều vị bỏ quan bỏ lính ôm vợ con chạy, đã không có một vị nào đủ can đảm đứng ra nhận sai lầm của chính mình, công khai có một lời xin lỗi người dân và nhất là xin lỗi người lính miền Nam, từ lính chủ lực tới địa phương quân, nghiã quân, nhân dân tự vệ và cảnh sát, và nhất là vợ con của lính, là những nạn nhân khốn khổ thật sự trong cuộc chiến bi thảm kéo dài 30 năm.

APRIL 27 – 2019

DƯ ÂM BÁO CÁO MUELLER
Phe DC và TTDC dĩ nhiên đang tức lồng lộn, thề không chấp nhận báo cáo của công tố Mueller.
Bà Pelosi tuyên bố “không tin ông Barr, vì ông này bưng bít cho TT Trrump”.
Ông Barr thật ra chẳng là gì cả, chỉ là người nhận được báo cáo của ông Mueller rồi công bố lại cho quốc hội sau khi đã bôi đen một số tin bị cấm phổ biến theo luật hiện hành. Nói cách khác, ông Barr chỉ là anh phát thơ, mang tin xấu lại cho đảng DC nên bị đánh thôi. DC không đánh ông Mueller được vì há miệng mắc quai, trước đây đã tung hô và bảo vệ ông Mueller quá mức vì tin tưởng với hơn một tá luật sư DC, ông Mueller sẽ vồ được TT Trump.
Thật ra, báo cáo của ông Mueller được ông Barr tóm lược lại trong bốn trang là quá dài, mà chỉ cần hai chữ: “VÔ TỘI”. Có nhào nặn, bới rác gì thì cũng vô ích. Nếu có tội gì thì giờ này Hạ Viện đã làm thủ tục đàn hặc rồi.
Dân biểu Jerrold Nadler chính thức ra trát bắt bộ Tư Pháp phải nộp nguyên văn báo cáo không kiểm duyệt cho ông trước ngày 1/5. Chuyện xi-nê-ma của các chính khách. Hạ Viện chẳng có quyền ra lệnh gì cho Hành Pháp hết, nhất là lệnh phải nộp kết quả của một cuộc điều tra nội bộ. Ông Barr bác bỏ ‘lệnh’ của ông Nadler thì cùng lắm Hạ Viện chỉ có thể biểu quyết là ông Barr đã ‘khinh thường’ quốc hội, hết chuyện. Có thưa kiện thì ông Barr sẽ đưa đủ thứ luật hiện hành ra để biện minh.
Bà Kamala Harris hô hào đàn hặc và tuyên bố cần phải “đuổi tổng thống này đi”. Thế thì kết quả bầu cử tổng thống năm 2016 bà liệng đi đâu? Phán quyết của một nhúm dân biểu và nghị sĩ DC có giá trị hơn lá phiếu của hơn 60 triệu dân Mỹ sao? Mà đàn hặc về tội gì?
Báo Washington Post loan tin một thăm dò của báo cho thấy gần 60% dân Mỹ chống đàn hặc TT Trump. Đa số dân Mỹ không ngu, vẫn tỉnh táo.
Thượng nghị sĩ CH Mitt Romney phán ông “muốn mắc bịnh” khi đọc được những mánh mung gian trá trong chính quyền Trump. Quan điểm của ông này hoàn toàn vô giá trị, chỉ là đòn thù của một tiểu nhân muôn mặt. Ta cần nhớ khi ông Trump còn đang tranh cử thì ông Romney miệt thị ông Trump tối đa vì ông Trump đã không ủng hộ khi ông Romney ra tranh cử tổng thống năm 2012. Sau khi ông Trump đắc cử, thì ông Romney đổi giọng, ca tụng TT Trump để hy vọng xin được job ngoại trưởng, sau khi không được job, lại quay qua sỉ vả TT Trump nữa. Đến khi ông ra tranh cử thượng nghị sĩ Utah, lại vuốt mặt ca tụng TT Trump và xin ông ủng hộ. Bây giờ, đắc cử rồi, đang ôm mộng làm lãnh tụ khối CH chống Trump #NeverTrump, lại quay qua đánh Trump. Một người như vậy, tiếng nói giá trị như thế nào?
Điều quái lạ nhất là ủy ban của ông Mueller được thành lập để điều tra xem ông Trump hay phụ tá/cố vấn của ông có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống không. Kết quả, ông Mueller báo cáo là KHÔNG! Tất cả mọi người thỏa mãn? Cũng không luôn. Bây giờ không ai bàn một chữ nào về Nga nữa, coi như chưa bao giờ có người nào thắc mắc về thông đồng với Nga hết. Bây giờ tất cả xúm vào chuyện mới: chuyện chính quyền Trump bực mình, rồi luộm thuộm, loay hoay chống đỡ, không hợp tác với ông Mueller.
Cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Bush Con, ông Michael Mukasey nhìn dưới khiá cạnh mới, đặt câu hỏi công tố Mueller đã biết không có thông đồng từ hồi nào? Sao giữ im lặng cho đến ngày nộp báo cáo cho bộ Tư Pháp?
Ở đây, vấn đề khá nghiêm trọng. Nếu ông Mueller xác nhận không có thông đồng trước ngày bầu cử quốc hội tháng 11 vừa qua, thì biết đâu, đảng DC đã không chiếm được Hạ Viện trong khi đảng CH có thể chiếm được nhiều ghế hơn nữa tại Thượng Viện? Như DĐTC đã bàn qua, việc công bố báo cáo vào lúc này đúng là lúc ít tai hại cho đảng DC nhất.
Có người đã công khai chỉ trích quyết định của công tố Mueller trong vụ TT Trump  cản trở công lý khi giải nhiệm giám đốc FBI. Ông Mueller cho biết không có bằng chứng gì về chuyện TT Trump cản trở công lý hay phạm pháp gì, nhưng ông không thể hoàn toàn bạch hóa TT Trump vì ông không biết ‘ý định’ thực sự của TT Trump.
Đây là một phán quyết ... chẳng giống ai hết. Không có một công tố hay quan tòa nào phán quyết một nghi can ‘không phạm pháp gì hết nhưng không thể nói vô tội vì không biết ‘ý định’ thực của phạm nhân’. Vai trò và trách nhiệm của quan tòa cũng như của công tố là kết luận ‘có tội hay không có tội’ chứ không phán quyết úp úp mở mở về ‘ý định’. Ở đây, hiển nhiên ông Mueller đã bỏ cái áo công tố để lấy một quyết định chính trị ẫm ờ mà ông tưởng sẽ an toàn nhất cho ông, thỏa mãn cả hai phe, nhưng thực tế đã bị cả hai phe công kích.
Kết luận nửa chừng xuân này cũng phản ảnh thái độ của đám luật sư DC cố tìm cho ra tội của TT Trump, không tìm ra tội gì nên kết luận một cách ẫm ờ, để cửa ngỏ cho phe DC tiếp tục đánh Trump trong mùa bầu cử tới.
Một nhà báo chuyên gia về FBI, ông Ron Kessler đã cho rằng việc tố TT Trump cản trở FBI điều tra khi giải nhiệm ông Comey là vô lý. Ngay sau khi sa thải ông Comey, TT Trump đã nói ngay với nội các ông biết việc sa thải này sẽ khiến cuộc điều tra rắc rối và kéo dài thêm vì phe đối lập sẽ tố đây là tìm cách bịt miệng FBI. Quả nhiên việc sa thải này đã là động cơ chính trị ép thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein bổ nhiệm ông Mueller. Nói cách khác, nếu TT Trump không sa thải ông Comey thì có lẽ đã không có cuộc điều tra của ông Mueller, như vậy sao có thể nói sa thải ông Comey là cản trở việc điều tra thông đồng với Nga?
Cựu luật sư của TT Trump, ông John Dowd, trước đây là người lo đàm phán với ông Mueller, đã tố ông Mueller báo cáo sai sự thật. Theo ông Mueller, TT Trump ra lệnh cho luật sư Don McGahn giải nhiệm ông Mueller nhưng ông McGahn đã từ chối. Ông Dowd khẳng định chuyện này không hề xẩy ra vì thứ nhất TT Trump không bao giờ ra lệnh này vì ông hiểu rõ hậu quả chính trị rất tai hại, và thứ nhì, ông McGahn thật ra không có quyền giải nhiệm ông Mueller, chỉ có thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein là người duy nhất có quyền này. TT Trump cũng cho biết chẳng có chuyện phụ tá hay luật sư của ông cãi lệnh cách chức Mueller vì ông chưa bao giờ ra lệnh đó hết.
Dù vậy, Hạ Viện cũng đã mau mắn ra trát bắt ông McGahn ra điều trần cho rõ chuyện gì đã xẩy ra.
Nhà báo Kimberley Strassel của Wall Street Journal chất vấn ông Mueller điều tra can dự của Nga mà lại không dòm ngó tới vụ ‘Hồ Sơ Nga’, Russian Dossier của anh cựu gián điệp Steele, được dùng làm căn cứ để FBI theo dõi ban vận động của Trump, phản ảnh việc ông Mueller không chu toàn trách nhiệm –dereliction of duty.
Tin mới nhất, lên tiếng lần đầu tiên sau ngày báo cáo Mueller được công khai hóa, thứ trưởng Tư Pháp Rosenstein, người đã bổ nhiệm công tố Mueller, đã công kích TT Obama đã nhắm mắt không làm gì trước sự can thiệp lộ liễu của Nga trước ngày bầu cử. Ông Rosenstein cũng đả kích thái độ phe đảng thiếu trung thực của đảng DC và nhất là TTDC trong suốt hai năm qua về vụ điều tra của ông Mueller, trong khi ông ca tụng TT Trump đã tuyệt đối tôn trọng luật pháp, để cuộc điều tra tiến hành mà không cản trở gì. Ông cũng cho biết báo cáo Mueller chỉ mới là bước đầu trong việc điều tra về can thiệp của Nga.
Một tờ báo tỵ nạn đã viết bài về báo cáo của ông Mueller, trong đó có câu “Nhờ cuộc điều tra, nhóm Công Tố đã thấy có nhiều nỗ lực móc nối giữa chính quyền Nga và một số viên chức trong ban Vận Động Tranh Cử Trump. Trong cuộc họp ngày 9-6-2016 tai Trump Tower cũng có các viên chức của ban Vận Động và luật sư Nga. Nhưng trong tất cả các cuộc tiếp xúc mà nhóm Công Tố biết được, phía Nga đã hứa hẹn giúp đỡ ban Vận động Trump, nhưng họ không có bằng cớ nhân viên Ban Tranh Cử đã đồng ý hợp tác với Nga. Vì vậy không thể kết tội là đã có âm mưu toa rập”.
Ngay cả các dân biểu DC hay báo Mỹ chống TT Trump nhất cũng không bao giờ dám xuyên tạc láo và vô trách nhiệm như báo tỵ nạn. Đoạn viết mập mờ ám chỉ đã có thông đồng nhưng vì chùi mép kỹ nên Trump thoát nạn. Công tố Mueller, hơn một tá luật sư DC, cùng 40 nhân viên FBI điều tra 2 năm trời, kết luận không có thông đồng gì hết, chỉ có anh nhà báo tỵ nạn ngồi hút 2 điếu thuốc lá tại Phước Lộc Thọ là thấy có thông đồng ngay.

TIN VỀ TT TRUMP
Cuộc chiến Trump-quốc hội đã leo thang mạnh sau khi TT Trump đã ra lệnh tất cả viên chức chính quyền Trump không được ra điều trần trước quốc hội. Trong tuần qua, hai viên chức cao cấp đã không ra điều trần trước Hạ Viện.
TT Trump cũng đã chính thức nhờ luật sư kiện chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hành Pháp – Oversight Committee, dân biểu Elijah Cummings về tội sách nhiễu tổng thống vì mưu đồ chính trị.
Ông Cummings mới đây đã ra trát -subpoena- đòi công ty Mazars, là công ty kế toán đã làm sổ sách tài chánh cho TT Trump từ cả chục năm qua, phải nộp cho ông tất cả hồ sơ tài chánh của cá nhân ông Trump cũng như tất cả các công ty của ông Trump từ 10 năm qua.
TT Trump cho rằng Hạ Viện đã lạm dụng quyền hành chính trị, chúi mũi vào cuộc sống riêng tư của ông Trump cả chục năm trước để đi lùng tin xấu để đánh ông.
Trên nguyên tắc, tất cả những tài liệu này đều là tài liệu mật cho tất cả các công dân Mỹ, quốc hội chỉ có thể đòi xem nếu có lý do chính đáng vì nhu cầu làm luật nào đó.
Vụ kiện này có triển vọng lên tới Tối Cao Pháp Viện vì quan tòa đầu tiên thụ lý vụ này là một quan tòa cấp tiến nặng do TT Obama bổ nhiệm có lẽ sẽ phán theo yêu cầu của Hạ Viện DC.
Bộ Tài Chánh đã phớt lờ kỳ hạn yêu cầu sở thuế IRS nộp năm giấy khai thuế của ông Trump và 8 đại tập đoàn của Tổ Chức Trump Organization của chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, dân biểu Richard Neal. Ông Neal dọa sẽ chính thức ra trát đòi –subpoena.

TIN BẦU CỬ CẬP NHẬT
Cuối cùng thì sau khi ưỡn ẹo “em chả” mấy tháng, cụ Joe Biden đã chính thức đau khổ hy sinh thân già ra ... cứu nước Mỹ khỏi tay hung thần Trump cũng như đám choai choai xã hội chủ nghĩa tân thời. Cụ tỵ nạn Mít nào hoan nghênh ông Biden, xin email báo cho bà con biết nhé!
Như vậy, bên phiá DC, tuần qua đã có thêm 4 ứng cử viên mới, nâng tổng số lên tới 22 người.
Các ngôi sao DC thay phiên nhau vụt sáng rồi vụt tắt như... sao chổi! Ngôi sao Kamala vừa vụt ra thì đã biến. Ngôi sao Beto tiếp theo cũng không khác. Bây giờ là ngôi sao Buttigieg. Chưa chi thì anh Buttigieg đã muốn chơi nổi, công kích “các cử tri của cụ Sanders cũng quá khích như cử tri của Trump”. Cụ Sanders đã đáp lễ, công kích anh Buttigieg “không lương thiện”, bóp méo để xuyên tạc.
Cuộc chiến cực hấp dẫn trong nội bộ DC thật ra chưa bắt đầu. Ta chờ xem.
Trong khi đó, tình hình kinh tế có vẻ không thuận lợi chút nào cho phe DC.
Trong khi các chuyên gia tiên đoán tổng sản lượng GDP sẽ tăng từ 2,0% tới 2,5% trong tam cá nguyệt đầu của năm nay, GDP đã thực sự tăng tới 3,2%. Các chỉ số Nasdaq và S&P đều tăng tới những mức kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Chỉ số Dow cũng tăng lên tới trên 26.540 điểm.
Trong khi tỷ lệ lạm phát đã thấp hơn dự đoán tới 2%, đưa đến tiên đoán Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ hạ thấp lãi suất lại, một điều TT Trump mong muốn để tiếp tục giúp tăng trưởng kinh tế.
Nhớ lại câu tuyên bố bất hủ của cố vấn của TT Clinton, James Carville nói về luật bầu cử tổng thống: “It’s the economy, stupid!”.
Cái ông kinh tế gia đoạt giải Nobel tiên đoán kinh tế Trump sẽ giết nước Mỹ, nếu là dân samourai thì đã ... harakiri rồi, nhưng vì là dân cấp tiến Mỹ nên vẫn tỉnh bơ đi... dạy đại học và viết bài cho New York Times.

ĐẢNG DÂN CHỦ BẤT THÌNH LÌNH SỢ DI DÂN
Miả mai lớn nhất lịch sử Mỹ đã hiện lên trước mắt cả thế giới. Các chính khách DC với hậu thuẫn kèn trống ồn ào của TTDC đã ca tụng những đóng góp của di dân, để rồi hoan nghênh việc họ muốn vào Mỹ sống. Họ sỉ vả TT Trump và những người chống di dân lậu là những thành phần ‘Mỹ trắng thượng tôn’ kỳ thị chủng tộc. Đi xa hơn nữa, các chính khách mỵ dân này tung ra những luật an toàn cho di dân lậu, gọi là Sanctuary Law, để bảo vệ di dân lậu không cho chính quyền liên bang của ‘tay kỳ thị Trump’ bắt và trục xuất.
Đụng ngay ông thần lửa Trump. Ông ra lệnh đám di dân lậu bị bắt nhưng không giam giữ lâu được vì luật pháp không cho phép hay vì không đủ trại tạm giữ phải được thả ra tại những tiểu bang hay tỉnh có luật Sanctuary Law.
Phe ta té ngửa. Thị trưởng New York, Bill de Blasio cho biết sẽ kiện TT Trump ra tòa để chặn việc đổ đám di dân lậu vào New York. Bà Pelosi thì hô hoán TT Trump thả đám di dân lậu này chung quanh nhà bà ở San Francisco là vi phạm Hiến Pháp (?). Nghe không thể nào chéo cẳng ngỗng hơn những tuyên bố hùng hồn hoan nghênh di dân lậu của họ trước đây.
Tin mới nhất cho biết TT Trump đã ra hai sắc lệnh xiết chặt việc kiểm soát di dân lậu. Cấm di dân lậu –không giấy tờ- được thuê nhà với trợ cấp của chính quyền liên bang, và lùng bắt và trục xuất tất cả những người ở lại Mỹ quá hạn chiếu khán (visa). Không ít quan chức VC, hay thân nhân chúng sẽ bị truy lùng. Cụ tỵ nạn nào phản đối quyết định của TT Trump, xin lên tiếng!
Trong khi đó, Hạ Viện tiểu bang Florida đã ban hành luật bắt tất cả các tỉnh, quận phải tuân hành luật di trú của liên bang, nếu vi phạm sẽ bị phạt tới 5.000 đô một ngày. Luật này được tất cả mọi người hiểu có mục đích ngăn chặn các tỉnh hay quận ra luật an toàn -sanctuary law- để bảo vệ di dân lậu. Thượng Viện Florida do CH nắm đa số trong khi thống đốc cũng là CH, do đó dự luật này sẽ thành luật trong nay mai.
Một tin liên quan đến chuyện di dân: bộ Tư Pháp đã truy tố một quan tòa Massachusetts về tội cản trở công lý, giúp di dân lậu trốn không cho ICE bắt. Bà quan tòa Shelley Joseph xử một di dân phạm tội liên quan đến ma túy. Khi nghe tin nhân viên ICE –là sở kiểm soát di dân- đang chờ bắt anh di dân lậu này, bà đã thảo luận với luật sư của bị can, bảo nhân viên ICE chờ ở cửa trước, rồi ra lệnh thả anh di dân lậu này ra cửa sau của tòa. Chuyện khôi hài là hình báo chí chụp cho thấy bà quan tòa khi bị cảnh sát đã mếu máo hóc ròng! Sự nghiệp quan tòa coi như cáo chung.

BẮC HÀN TÌM HẬU THUẪN CỦA NGA
Chủ Tịch Bắc Hàn đã gặp TT Putin tại một hòn đảo nhỏ ngoài khơi thành phố Vladivostok phiá cực đông của Nga, sát BH.
Hiển nhiên là cuộc họp này có lợi cho cả hai bên sau khi BH thất bại trong cuộc thương thuyết với TT Trump và Nga bị đỏ rơi ra khỏi cuộc nói chuyện.
TT Putin đã cho biết cậu Ấm Ủn không tin vào những bảo đảm của TT Trump nên muốn có những gì cụ thể và ngay tức khắc. TT Putin cũng cho rằng bảo đảm của một TT Trump không đủ, mà còn cần bảo đảm quốc tế lớn hơn, ngoài Trung Cộng và Nhật, tức là phải có thêm Nga và Tây Âu.
Tiết lộ này cho thấy hai chuyện:
-     Uy tín của TT Trump trên thế giới đã bị suy giảm vì những tấn công quá tàn khốc của đối lập DC cà TTDC Mỹ. Cậu Ấm không tin những bảo đảm của TT Trump, sợ ông này có thể bị mất chức hay sẽ không tái đắc cử và phe DC sẽ thay đổi chính sách với BH. Điều này hại cho TT Trump ít mà hại cho quyền lợi cả nước Mỹ nhiều hơn, chưa kể vẫn duy trì mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử tại Á Châu, nhưng dĩ nhiên những người cuồng chống Trump bất cần viô đối với họ đánh Trump quan trọng hơn tất cã những chuyện gì khác kể cả chiến tranh nguyên tử chết cả triệu người.
-     Nga đang tìm cách biện giải để có dịp chen chân vào cuộc nói chuyện giữa BH và Mỹ, cho tới nay, chỉ có sự tham gia gián tiếp và kính đáo của Nhật và Trung Cộng, trong khi Nga bị cho ngồi ngoài xem tuồng hát.
Ngoài ra, có tin khi cậu Ấm Ủn trả anh Otto Warmbier về Mỹ cũng đã gửi theo hóa đơn đòi Mỹ trả triệu đô “tiền chữa trị cho anh Warmbier trong lúc đang bị giam tại BH”. Anh này bị tra tấn đến mê man bất tỉnh, rồi được trả về Mỹ khi sắp chết. Về đến Mỹ không bao lâu sau thì chết. TT Trump đã tuýt cho thiên hạ biết ông đã không trả một xu nào cho cậu Ấm.
Tin mới nhất: ít nhất là bốn viên chức cao cấp của bộ Ngoại Giao BH đã bị xử bắn sau khi hội nghị Trump-Kim thất bại tại Hà Nội.
Chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Trước khi cậu Ấm đi Hà Nội, ai cũng thấy cậu rất vui vẻ, tự tin sẽ đạt được thoả thuận với TT Trump. Khi đề nghị của cậu (gỡ bỏ hết cấm vận đổi lấy việc đóng cửa một căn cứ nguyên tử BH) bị TT Trump bác và bỏ về, cậu đã chưng hững, cảm thấy mất mặt. DĐTC khi đó đã viết ngay thế nào cũng có hậu quả lớn trong nội bộ BH.

GIÁ XĂNG CALI ĐẠT KỶ LỤC
Giá xăng Cali đã vọt lên mức cao nhất từ 5 năm nay, không có cây xăng nào bán dưới 4 đô một ga-lông trong khi giá xăng trung bình trên cả nước Mỹ là 2,83 đô một ga-lông. Tại Quận Cam, giá xăng trung bình là 4,25 đô. Chỉ trong một tháng Ba vừa qua, giá xăng Cali đã tăng tới 67 cents một ga-lông.
Xăng Cali đắt nhất nước vì bị thuế tiểu bang cao nhất nước, đồng thời cũng vì luật tiểu bang, mùa hè phải đổi qua một loại xăng khác đắt tiền hơn xăng bán trong mùa đông, trên nguyên tắc do nhu cầu bảo vệ môi sinh gì đó. Đây chính là tác phẩm của các nhà làm luật cấp tiến của tiểu bang Cali đó.

Cách đây hai tuần, DĐTC đã loan tin quốc hội Cali đang tìm cách thu thêm 6 tỷ tiền thuế mỗi năm, bằng cách tăng thuế trên một số hàng tiêu thụ thông dụng như nước ngọt, và xăng. Quý độc giả ở Cali nên chuẩn bị mỗi nhà mua một con heo đất lớn, để bỏ bạc cắc, dành dụm tiền đổ xăng cho những năm tháng tới.

Tuần này, DĐTC đăng bài chót của loạt bài chụp lại hình các số của tạp chí TIME xuất bản tháng 4/75, coi như lật trang sử xem lại những ngày bi thảm của đất nước. Tuần này sẽ đăng luôn hai số báo của các tuần lễ 28/4 và 5/5, 1975. TIME còn ra tiếp vài số nữa trong tháng 5/75 mô tả những ngày cuối của VNCH, cũng như những ngày đầu tiên của dân tỵ nạn Việt trong các trại định cư tạm ở Mỹ, nhưng đều ra ngoài đề tài của trang đặc biệt này, nên DĐTC không đăng lại.
Xin quý độc giả ghi nhận DĐTC bình thường không đăng hình cờ VC, nhưng vì đây là những hình của báo TIME mà DĐTC chụp lại, không có quyền tùy tiện 'đục bỏ'.