Saturday, 27 April 2019

Lữ Phương/ Nguyễn Trung Tôn/ Nguyễn Công Khế & Nguyễn Thị Bình - Sihanoukville & Chim Phượng Hoàng Tầu

sổ tay thường dân

Tưởng Năng Tiến

1 Trung Tôn
Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.
M.S Nguyễn Trung Tôn

Bút Ký Những Chuyến Ra Đi của ông Lữ Phương (nguyên) Thứ Trưởng Thông Tin Văn Hoá, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam, có nhiều trang rất thú vị. Đọc lai rai vài đoạn cho vui, nếu rảnh:
Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi!
Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn): chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen “chính trị hoá” mọi quan hệ xã hội.
Cái “chính quyền Sài Gòn” hồi đó, xem ra, khác xa (và khác hẳn) cái chính phủ  Hà Nội bây giờ. Tuần qua –  vào ngày 9 tháng 4 năm 2019 –  FB Trang Nguyen vừa buồn bã, và ái ngại cho hay:
VỢ MỤC SƯ NGUYỄN TRUNG TÔN BỊ AN NINH THANH HÓA KHỦNG BỐ TINH THẦN
Không chỉ thường xuyên xua quân đi canh cửa, an ninh Thanh Hóa còn liên tục gửi giấy mời, giấy triệu tập như là một thủ trấn áp tinh thần bà Nguyễn Thị Lành – vợ của Mục sư, TNLT Nguyễn Trung Tôn.
Chồng bị bỏ tù, một mình bà Nguyễn Thị Lành phải vất vả gánh vác gia đình. Những ngày qua càng thêm vất vả bởi chăm mẹ chồng lớn tuổi mắc bệnh phải nhập viện, và con bị tật nguyền. Nhưng bà Lành vẫn liên tục bị an ninh tỉnh Thanh Hóa sách nhiễu, đe dọa…
2 Trung Tôn
Vợ chồng Nguyễn Trung Tôn chào đời không đúng chỗ, và cũng không đúng lúc (wrong time and wrong place) nên gặp phải lắm nỗi gian truân. Ông bà Lữ Phương sinh sống tại miền Nam (vào một thời điểm khác) nên cuộc sống của họ cũng hoàn toàn khác, êm thắm và khoẻ khoắn hơn nhiều.
Hồi đó bà Lữ Phương vẫn được mọi người, “ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn hết lòng giúp đỡ che chở.” Thỉnh thoảng, bà lại cùng cả đại gia đình “lúc nhúc một đoàn” kéo nhau vô bưng để thăm nom và chăm sóc cho đức phu quân – dù cuộc sống trong bưng biền không thiếu thốn hay nhọc nhằn chi cả:
Các nhân vật trong “Mặt trận 2” này đã được Đảng chăm sóc một cách đặc biệt: bất cứ việc gì, từ sinh hoạt ăn uống, chỗ ở, quần áo, tiền tiêu vặt mỗi tháng đều được cung cấp chu đáo bởi cả một khung cán bộ và nhân viên chuyên lo việc tiếp phẩm và phục vụ phối hợp với một đội bảo vệ được tuyển khá kỹ lưỡng về thành tích và lý lịch.
Chả riêng chi ăn uống, ăn nói cũng thế, cũng được Đảng bao biện tất:
Riêng đối với những bài viết, bài phát biểu mà các vị trong Liên Minh phải trình bày hoặc trên báo chí, đài phát thanh hoặc trong các Hội nghị này nọ thì đều do một số nồng cốt thực hiện, cuối cùng bao giờ cũng được Huỳnh Tấn Phát xem và sửa chữa lại.
Thiệt là quá đã và quá đáng! Nhà nghiên cứu Lữ Phương “dấn thân” vào đến tận chiến khu để làm cách mạng mà sinh hoạt cứ y như trong nhà giữ trẻ vậy. Ông chắc là đẻ bọc điều nên lúc nào cũng được cuộc đời chiều đãi.
Năm 2018, năm Nguyễn Trung Tôn bị tuyên án lần thứ hai (“12 năm tù và ba năm quản chế ”) thì Lữ Phương được trao giải Giải Văn Hóa Phan Châu Trinh, vì đã có những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx.” Trong diễn từ nhận giải, ông phát biểu:
Như mọi người đều biết, học thuyết Marx đã được du nhập vào Việt Nam không phải trong một hoàn cảnh bình thường của một xã hội bình thường ở đó người ta có thể coi việc nghiên cứu Marx như một thao tác nghề nghiệp mang tính học thuật hàn lâm thuần tuý. Đất nước bấy giờ chìm đắm trong bóng tối của sự bất bình thường: nhà nước dân tộc bị tước mất chủ quyền, nhân dân sống trong nô lệ, trí thức thì bơ vơ, tuyệt vọng. Chủ nghĩa Marx đã đến với chúng ta (tnt tô đậm) trong tình thế đó, và mặc dù không có đủ điều kiện để tìm hiểu đến nới đến chốn, chúng ta đã tiếp nhận học thuyết ấy như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng: không phải chỉ mang đến cho dân tộc biện pháp xây dựng hiệu nghiệm cuộc sống mới mà còn giúp người trí thức lấp đầy được cái khát vọng ngàn đời của mình về sự tồn tại của một trần gian ở đó con người có thể hoà giải vĩnh viễn với nhau. Trong khung cảnh tinh thần đó, việc tìm đến Marx đối với chúng ta đã mang nội dung một cuộc dấn thân toàn diện và triệt để, bấy giờ thường được xưng tụng là “hiện thực và khoa học”, nhưng thực chất lại rất giống với một hình thức tín ngưỡng nào đó, đặt niềm tin tuyệt đối vào một đấng bậc phi phàm có thể dẫn đường một cách kỳ diệu cho các kế hoạch mà chúng ta vạch ra để cải tạo thế giới, làm lại con người.
Trong số “chúng ta” đã từng “tiếp nhận học thuyết chủ nghĩa Marx …  như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng” theo diễn từ thượng dẫn (dường  như) không có ông bà và cha mẹ của Nguyễn Trung Tôn – qua lời tự sự của chính tù nhân lương tâm này, trước khi bị giam giữ lần thứ hai:
“Tôi là một trong số hàng trăm triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chưa thể nào vạch trần hết tội ác của chủ nghĩa rừng rú này; nhưng cũng sẽ góp một phần nhỏ để những ai còn ngây thơ mù quáng đi theo nó sớm nhận ra và từ bỏ còn đường tăm tối được thêu dệt nên bằng những dối trá và tội ác.
Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.”
Cùng với hằng chục triệu gia đình “suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản” tại Việt Nam, ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx – nói nào ngay –  cũng đã “vô tình” đem đến hào quang (cũng như danh lợi) cho không ít kẻ ở xứ sở này. Xin đan cử thêm một trường hợp nữa, rõ nét hơn nhiều: Nguyễn Thị Bình.
3 Trung Tôn
Chủ tịch Mao Trạch Đông của TQ đón Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Đại sứ Nguyễn Văn Quang tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Ảnh & chú thích: BBC.
Bà nguyên là Phó Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam, từ 1992 đến 2002, và hiện là Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Qũi Văn Hóa Phan Chu Trinh. Danh lợi bà có đủ, kể cả huân chương (Huy Hiệu 70 Năm Tuổi Đảng) cùng những lời khen thưởng không thiếu trên mọi phương tiện truyền thông.
Mới đây – vào ngày 12 tháng 04 năm 2019 – khi góp ý về vụ nhà nước VN thất kiện trọng vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Nguyễn Công Khế đã không quên tán dương công đức của “bà chị” như sau:
 “Tôi vừa ra Hà Nội thăm chị Bình, chân chị yếu nhưng trí tuệ chị thật minh mẫn. Tấm lòng của chị với đất nước này chưa bao giờ nguôi phai. Chị lo cho đất nước này như chăm lo cho một gia đình yêu quí nhất của mình.”
Thiệt là qúi hoá!
Chỉ có điều hơi đáng tiếc là dường như trong cái “đất nước này” của Nguyễn Thị Bình không bao gồm hằng chục triệu gia đình (“bốn đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản”) như trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn, và cũng chả có phần nào biển đảo cùng lãnh thổ đã bị xâm chiến hay đang bị đe doạ cả. Thế nên dù trí tuệ “còn thật minh mẫn,” bà chị vẫn nhất định không hé môi nói lấy một lời – nửa lời cũng nỏ.
Riêng có cậu em Nguyễn Công Khế là vẫn cứ mồm năm mép mười – dù chả ai nhờ. Tuy chỉ thuộc thế hệ ăn theo cái “ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx” nhưng cậu này cũng hoạn lộ hanh thông từ A tới Z. Nay đã may mắn hạ cánh an toàn song vẫn chưa chịu sống an thân, vẫn còn thích đóng vai kẻ sỹ – phù thế giáo một vài câu thanh nghị – và cố tình quên rằng chính mình đã góp phần (tích cực) trong việc tạo ra cái xã hội nhiễu nhương trước mắt.
Tưởng Năng Tiến

Sihanoukville & Chim Phượng Hoàng Tầu


1 tàu
Làm đặc khu phải theo nguyên lý “dọn tổ đón phượng hoàng.”
Uông Chu Lưu – Phó Chủ Tịch Quốc Hội VN


Tôi sinh tại Sài Gòn nhưng lớn lên và trưởng thành ở Đà Lạt, nơi được mệnh danh  là Little Paris. Nửa phần đời kế tiếp, cái mảnh đời của kẻ tha phương cầu thực, tôi thường chỉ sống quanh quẩn ở hai thành phố: San Jose và Westminster (California) nơi còn được gọi là Little Saigon. Thỉnh thoảng, tôi có bay sang tiểu bang Florida thăm bà chị (cả) nên cũng có ghé qua Little Havana – đôi bận.
Cứ tưởng thế giới chỉ có vài ba cái “little” nho nhỏ vậy thôi (Petit Paris, Petit Saigon và Petit  Havana) nhưng không phải thế. Năm rồi, đi lòng vòng qua Malaysia và Singapore mới biết có Little India ở cả hai quốc gia này.
Tháng trước, tôi lại vừa có dịp ghé Little Macao. Nói vui vậy thôi, chứ cái tên mới toanh này là do tôi vừa “sáng tác,” chứ thật sự (và nguyên thủy) nó được gọi là Kampong Som hay còn được biết đến rộng rãi hơn là Sihanoukville – Krong Preah Sihanouk.
Theo ước tính chung thì đến cuối năm 2018 đã có trên 70 sòng bạc ở Sihanoukville. Còn theo tôi (sau nửa ngày chạy xe gắn máy lòng vòng trong thành phố cảng này) chắc dễ phải tới hơn trăm chứ không thể ít hơn, nếu kể luôn mấy cái casino nho nhỏ nữa. Con số này, tất nhiên, sẽ còn tăng đều đều trong những ngày tháng tới. Lý do, được nữ ký giả Hannah Ellis-Petersen giải thích như sau:
“Các chủ sòng bài người Hoa cũng lợi dụng việc chưa có luật lệ về các sòng bạc và sự thiếu vắng của luật chống rửa tiền để thiết lập một vương quốc, nơi chỉ có người nước ngoài được vào – bởi vì cờ bạc vẫn là bất hợp pháp đối với người Căm bốt. Chinese casino owners have also taken advantage of the nonexistent gambling regulation and lax money-laundering laws to set up an empire that is accessible only to foreigners – because gambling is still illegal for Cambodian locals.” (“No Cambodia left: how Chinese money is changing Sihanoukville.” The Guardian 31 Jul 2018 translated by Bùi Xuân Bách).
Nhà báo Philip Dubow cũng lên tiếng bầy tỏ sự quan ngại:
“Mặc dù khá rõ ràng là BRI và hoạt động bất hợp pháp sẽ liên kết với nhau theo cách nào đó, nhưng hầu như chưa có nghiên cứu nào nhằm định lượng hay định tính và xác định quy mô của mối quan hệ này. Although it is fairly self-evident that the BRI and illicit activity are somehow connected, barely any research has been conducted to quantify or qualify the nature and magnitude of these relationships.(“ Examining Crime and Terrorism Along China’s Belt and Road. The Diplotmat 8 Mar 2019 translated by Phạm Nguyên Trường).
Sáng đầu tiên ở Kampomg Som, tôi choàng thức dậy trong một cái resort bình dân không phải nhờ tiếng chim kêu hay vượn hú gì ráo trọi mà vì tiếng động bất ngờ và ầm ĩ của một cái building đang thi công kế cạnh. Từ đây ra bãi biển Otres (khoảng cách chưa tới hai cây số) tôi đếm được thêm chừng mười cái cao ốc đang xây cất dở dang. Xen cạnh là khoảng chục restaurant và supermarket của người Hoa – đỏ rực bảng hiệu tiếng Tầu – nằm san sát hai bên con đường lỗ chỗ ồ gà, mịt mù bụi bặm, và ngập ngụa rác rưởi. 
2 tau
Sihanoukville: ảnh (tnt) 2019
Trên trang Trip Advisor, một du khách từ Đài Loan cũng vừa buông đôi lời cay đắng về những bãi biển (vốn nổi tiếng êm đềm và thơ mộng) Otres như sau:
If you want to spend your vacation in garbage and construction sites instead of white sand, if you want to smell stinky, burnt and highly polluted air instead of a fresh breeze, if you want to bath in polluted waste water rather than turquoise fresh clean ocean water OR if you actually wanted to travel to China – go to Sihanoukville and its beaches – and get wasted yourself!!
Tôi không rành tiếng Anh, tiếng Mỹ gì cho lắm nên đoán (loáng thoáng) là tác giả của đoạn văn thượng dẫn có ý mỉa mai rằng chả cần gì phải đến tận Trung Hoa Lục Địa làm chi – cho má nó khi – chỉ cần ghé qua Sihanoukville là cũng nhìn ra ngay bộ mặt của cái nước Tầu.
Ông (hay bà) Trung Hoa Quốc Gia nào đó e có vì “chống cộng cực đoan” mà quá lời chăng?
– Dạ, không đâu!
Những tiệm ăn Tầu mà tôi ghé qua ở Sihahoukville thực đơn hoàn toàn ghi bằng tiếng Trung, không xen lẫn một dòng chữ của bất cứ thứ ngôn ngữ nào khác cả. Tôi sống sót được sau vài ngày ở đây chỉ là nhờ vào may mắn. May mà còn có mấy bức ảnh in hình tô hoành thánh, đĩa cơm vịt quay, hay heo quay dán sẵn trên tường. Chứ không thì phen này “ngộ” dám chết đói như không, chứ chả phải chuyện đùa!
3 tau
Sihanoukville: ảnh (tnt) 2019
Thức ăn không dở nhưng quá mắc, 6 U.S.A dollars cho một đĩa cơm gà Hải Nam nho nhỏ. Tôi “chuyên trị” cơm gà nên biết chắc rằng nó mắc gấp đôi Singapore, gấp ba Bangkok, và gấp bốn so với Phnom Penh hoặc Yangon. Trong khi tiền lương trung bình của một công nhân ở Sihanoukville chỉ cỡ 10 Mỹ Kim mỗi ngày. Bởi vậy, tuy không có bảng cấm nhưng dân Cambodia chả mấy ai “dám” hẻo lánh đến đây.
Người Trung Hoa cũng ở biệt lập trong những khách sạn sang trọng, hay những khu chung cư cao cấp. Ngoài tiệm ăn, họ còn có chợ riêng, và chỉ chia chung với người bản xứ mấy con suối nước đen lừ đừ và lềnh bềnh rác rưởi.
Sihanoukville là cảng nước sâu duy nhất của Cambodia, và được xem là một trọng điểm trên lộ trình (一带 一路 / nhất đới, nhất lộ) mang đầy tham vọng của Tập Cận Bình. Hàng tỉ Mỹ Kim đã đổ vào đây nhưng không một cắc nào đầu tư cho cơ sở hạ tầng, và cũng chả có mấy đồng rơi vãi vào tay người dân địa phương – nếu họ không thuộc giới quan chức có đủ thẩm quyền để nhận tiền (hối lộ) hay không phải là chủ đất có nhà cho thuê.
Cạnh những công trình kiến trúc hoành tráng là mấy mái tôn lụp xụp, và len lách giữa đám xe du lịch đắt tiền (đậu trước những casino tráng lệ) là những đứa bé phải nhặt rác để mưu sinh – thay vì cắp sách đến trường.
4 tau
Sihanoukville: ảnh (tnt) 2019
Dù chỉ là thiểu số, khoảng 20/25 phần trăm gì đó, hiện nay người Tầu mới là chủ nhân đích thực của Sihanoukville. Qúi vị tân chủ nhân của thành phố này – xem chừng – không hề muốn giao tiếp thân thiện gì với người dân bản xứ, và cũng chả mảy may quan tâm chi đến môi trường sống xung quanh. Dường như họ có cái khả năng thiên phú là có thể ăn và ỉa ngay cùng một chỗ.
5 tau
Sihanoukville: ảnh (tnt) 2019
Cách ăn ở vô hậu này, tất nhiên, khiến dân Cambodia rất đỗi bất bình. Tuy thế, đám người Trung Hoa ở Sihanoukville vẫn được ông Thủ Tướng Hun Sen dang rộng vòng tay đón chào và ôm ấp. Còn ở Việt Nam thì họ được qúi vị lãnh đạo của xứ sở này mô tả là một loài chim qúi và đang sẵn sàng dọn tổ để “chào đón phượng hoàng,” với niềm tin rằng “một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng.” Những người không chia sẻ “niềm tin” này, và biểu tình phản đối, đều đã bị tuyên án và giam giữ.
Trung Tâm Phát Triển Toàn Cầu (Center for Global Development – CGD) đã báo cáo rằng ít nhất là 8 nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ vì các khoản vay liên quan tới dự án BRI – Belt and Road Innitiative. Cùng lúc  T.S Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát triển Kinh Tế – Xã Hội, Đà Nẵng) vừa bị kỷ luật và khai trừ khỏi ĐCSVN vì những lời cảnh báo của ông:
“Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành lưu dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá … Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không thèm làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình.”
Đ .. má tụi bay, “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ” mà. Cứ rước chúng nó vô đi rồi cả nước sẽ khóc bằng tiếng Tầu luôn!

Tưởng Năng Tiến