Ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới trong nhóm G7 mới ra thông cáo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình trên Biển Đông, nhất là chuyện quân sự hóa vùng lãnh hải tranh chấp này, nhưng không đề cập cụ thể Trung Quốc.
“Chúng tôi nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào gây leo thang căng thẳng và làm suy yếu ổn định khu vực và trật tự hàng hải theo luật lệ quốc tế, như việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, việc lấn biển quy mô lớn và việc phát triển các tiền đồn cũng như việc sử dụng chúng cho các mục đích quân sự”, các nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm gồm Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Italia và Canada ra tuyên bố hôm 6/4, sau hai ngày họp ở Pháp.
Họ cũng nhắc tới việc phải “tuân thủ” Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Việt Nam từng nhiều lần nêu lên trong khi ra các tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước.
Các nhà ngoại giao cũng đề cập tới phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, coi đó là “một cột mốc quan trọng và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.
3 năm trước, Tòa Trọng tài này ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, nói rằng Bắc Kinh “không có cơ sở pháp lý” để đòi hỏi chủ quyền với đường đứt khúc chín đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, trên Biển Đông.
Tuy nhiên, chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới nói rằng phán quyết đó “không có giá trị” nên “không chấp nhận”.
Tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông của ngoại trưởng nhóm G7 được đưa ra một ngày trước khi báo chí Trung Quốc đưa tin rằng một giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai của nước này sẽ được kéo vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông ngày 10/4 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng Sáu.
Theo Tân Hoa Xã, giàn nổi có tên gọi Dongfang 13-2 CEPB nặng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá.
Năm 2014, quan hệ giữa Việt Nam và quốc gia láng giềng phương bắc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào khu vực Hoàng Sa mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Năm 2014, quan hệ giữa Việt Nam và quốc gia láng giềng phương bắc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào khu vực Hoàng Sa mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Diễn đàn Facebook
Biển Đông : Tàu đổ bộ tấn công của Mỹ tập trận chung với Philippines