Monday, 29 April 2019

Những Ngày Cuối VNCH - Vương Hồng Anh

alt
* Kịch chiến tại ngã ba Dầu Giây, tỉnh Long Khánh
Tại phòng tuyến ngã ba Dầu Giây, đến ngày 15/4/1975, trận chiến tại đây bước vào ngày thứ 7. Lực lượng bảo vệ phòng tuyến này là Trung đoàn 52 Bộ binh với sự yểm trợ của Thiết giáp và Pháo binh. Từ chiều ngày 14/4/1975 đến sáng ngày 15/4/1975, các tiền đồn, công sự phòng thủ của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 52 từ Kiệm Tân về đến ấp Phan Bội Châu đã bị Cộng quân tràn ngập. Chiều ngày 15/4/1975, trận chiến đã xảy ra quyết liệt ngay tại xã Dầu Giây, ở ngã ba Quốc lộ 1 và 20, giữa lực lượng trú phòng và 2 sư đoàn chính quy và 1 trung đoàn thiết giáp của Cộng quân.
Inline image 1
Thế trận và tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch. Lực lượng trú phòng còn khoảng 2 ngàn quân sĩ (kể cả các tiểu đoàn Địa phương quân của Tiểu khu Long Khánh từ Định Quán rút về hợp cùng với các đơn vị Trung đoàn 52 Bộ binh), trong khi đó lực lượng củaCộng quân đông gấp 10 lần. Những người lính VNCH tại phòng tuyến ngã ba Dầu Giây đã phải chiến đấu với thế trận 1 chống 10. Trận chiến đã diễn khốc liệt ngay từ những phút đầu. Cộng quân pháo kích như mưa xuống các vị trí công sự của quân trú phòng, sau đó là đợt tấn công biển người.
Sau 3 giờ kịch chiến, Cộng quân đã tràn ngập chia cắt các lực lượng của quân lực VNCH án ngữ trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Do trời tối, và 4 chiến xa M-48 của Lữ đoàn 3 Thiết kỵ bị trúng đạn Pháo của Cộng quân ngay từ đầu nên việc yểm trợ của Thiết giáp đã không thực hiện được. Khoảng 8 giờ tối ngày 15/4/1975 thì toàn phòng tuyến ngã ba Dầu Giây vị vỡ. Tất cả chiến xa và đại bác của quân trú phòng VNCH bị hủy diệt. Về lực lượng Bộ binh và Địa phương quân, chỉ còn khoảng 200 người rút về tuyến sau.
Chiếm được ngã ba Dầu Giây, 2 sư đoàn Cộng quân tiến về Xuân Lộc. Tuy nhiên đại quân của Cộng sản Bắc Việt đã không thể tiến ngay như Văn Tiến Dũng mong muốn, vì rằng ngay sau khi phòng tuyến Dầu Giây thất thủ, hai quả bom khổng lồ “Daisy Cutter” (do Mỹ cung cấp vào trung tuần tháng 4/1975) đã được Không quânVNCH thả xuống khu vực tập trung quân của Cộng quân, và một đoàn xe dài chở quân lính và đại bác Cộng quân trên quốc lộ 20. Theo các tài liệu tình báo, hơn 7 ngàn Cộng quân và hàng trăm vũ khí nặng, quân xa CSVN bị tiêu diệt bởi hai trái bom này.
Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, trong cuộc tiếp xúc với vị Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vào cuối tháng 2/1975, Đại tướng Cao Văn Viên đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt cung cấp vũ khí nào mà Không quân Việt Nam có thể sử dụng được. Đó là loại bom 15 ngàn cân Anh có tên là bom bạch cúc (Daisy Cutter) mà Không quân Hoa Kỳ thường dùng thả bằng phi cơ C-130 để khai quang dọn bãi đáp trong các khu vực rừng già. Thế nhưng, gần đến cuối cuộc chiến, Hoa Kỳ mới đáp ứng yêu cầu của Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, sau chuyến viếng thăm của Đại tướng Weyand. Vào giữa tháng 4/1975, ba trái chuyển đến trước và sau đó ba trái nữa chuyển đến chỉ hai ngày trước khi cuộc chiến kết thúc. Một chuyên viên Mỹ đi theo chuyến này để hướng dẫn cho chuyên viên VN cách gắn ngòi nổ và cách gắn bom lên phi cơ. Thế nhưng chuyên viên Mỹ này không đến kịp. Trước tình hình khẩn cấp và vì mức độ nguy hiểm nếu tồn trữ thứ bom này tại Tân Sơn Nhất hay tại Long Bình nên Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Tư lệnh Không quân VNCH phải chọn một phi công VNCH kinh nghiệm để bay thả thử trái đầu tiên.
*Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tại mặt trận Long Khánh
Như đã trình bày trong phần trước, để tăng viện cho lực lượng phòng thủ tại mặt trận Long Khánh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 đã điều động Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, lực lượng trừ bị cuối cùng, nhảy vào mặt trận Xuân Lộc.
Theo kế hoạch, hai tiểu đoàn Nhảy Dù được trực thăng vận xuống ấp Bảo Bình, cách Xuân Lộc 5 km về hướng Nam. Theo lệnh hành quân của Bộ Tư lệnh Chiến trường Long Khánh, sau khi nhảy xuống ấp Bảo Bình, 2 tiểu đoàn Nhảy Dù mở cuộc tấn công tái chiếm xã Bảo Định, một xã nhỏ bé giữa rừng cao su, cách ấp này 2 km về hướng Bắc. Tin từ Trung tâm hành quân của bộ Tư lệnh chiến trường Long Khánh cho biết xã này đã bị một tiểu đoàn Cộng quân chiếm giữ từ
ngày 10 tháng 4/1975 khi địch tung đợt tấn công thứ hai vào khu vực quanh tỉnh lỵ Long Khánh.
Tiểu đoàn Nhảy Dù thứ ba được trực thăng vận xuống khu vườn cao su, cách xã Bảo Định 1 km về phía Bắc. Từ vị trí này tiểu đoàn được lệnh tiến đánh một tiểu đoàn đặc công Cộng quân đang chiếm giữ vườn cây của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ. Theo sự phối nhiệm tác chiến, tiểu đoàn phải thanh toán thật nhanh mục tiêu nói trên để giải tỏa áp lực cho 1 tiểu đoàn Địa phương quân đang bị Cộng quân bao vây. Cùng thời gian này, tiểu đoàn thứ 4 được trực thăng vận xuống ngay trung tâm thị xã Xuân Lộc để đánh bật các đơn vị Cộng quân đang bao vây bộ Chỉ huy Tiểu khu, để bộ chỉ huy này có thể rút về phía sau, hoạt động chung với bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 18 Bộ binh. Cuộc tiến quân tái chiếm xã Bảo Định đã có những sự kiện bất ngờ, lạ lùng. Khi 2 đại đội đầu tiên của Tiểu đoàn 9 Dù tiến đến gần trụ sở xã Bảo Định thì trời đã về chiều. Điều làm cho các đại đội trưởng ngạc nhiên là tại phòng Thông tin xã, giáo đường Bảo Định, cờ Việt Nam Cộng Hòa vẫn bay phất phới, trong khi cả xã im vắng, không một bóng người, một sinh vật nào ở ngoài đường.
Trung đội đi đầu của đại đội 2 được lệnh khai hỏa. Ngay khi đó, các loạt đạn từ bên trong bắn ra. Lại một bất ngờ nữa là tiếng súng từ trong xã bắn ra không phải là từ loại súng AK 47 của Cộng quân mà lại là tiếng súng M 16 và đại liên 30 của Quân lực VNCH. Vị tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Dù cho lệnh các đại đội ngưng tấn công và bố trí chờ đợi. Vị tiểu đoàn trưởng gọi về Trung tâm Hành quân Sư đoàn 18 Bộ binh xin xác nhận lần chót về tình hình trước khi tiểu đoàn 9 Dù tấn công. Một sĩ quan có thẩm quyền của trung tâm hành quân quả quyết là xã Bảo Định đã bị Cộng quân chiếm trước đó vài ngày và yêu cầu tiểu đoàn 9 Dù thanh toán mục tiêu thật nhanh.
Khi tiểu đoàn Dù sắp tấn công thì chuông nhà thờ Bảo Định kéo lên, một sĩ quan Địa phương quân chạy ra hô lớn là lực lượng trong xã không phải là Việt Cộng. Thế là lệnh tấn công được hủy bỏ, các đại đội Dù tiến hành cuộc lục soát quanh khu vực đề phòng Cộng quân ẩn núp. Sau khi kiểm soát xã Bảo Định, các đơn vị Dù tiến nhanh về phía suối Gia Cốp, cũng nằm trong rừng cao su, gần vườn cây của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ.
Lại thêm một bất ngờ là khi lực lượng Dù vừa rời khỏi xã Bảo Định khoảng 200 mét, khi đó trời đã tối, thì “đụng đầu” một tiểu đoàn vũ khí nặng của Cộng quân. Trận tao ngộ chiến diễn ra hơn một giờ trong rừng cao su, những người lính Nhảy Dù với kinh nghiệm đánh đêm và cận chiến đã tiêu diệt gần trọn cả tiểu đoàn này. Theo tài liệu tình báo, tiểu đoàn vũ khí nặng của Cộng quân từ Định Quán được lệnh băng rừng di chuyển theo tỉnh lộ 332, bọc xuống phía nam Xuân Lộc để chiếm đóng xã Bảo Định, sau đó sẽ yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị của sư đoàn có bí số CT6 đang tập trung tại đồn điền Xuân Lộc. Tuy nhiên vừa đến gần xã Bảo Định thì tiểu đoàn Cộng quân đã bị Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù tiêu diệt.
Ngày 16/4/1975: Kịch Chiến Tại Phòng Tuyến Phan Rang 
Vương Hồng Anh
* Lược ghi tình hình chiến sự tại phòng tuyến Phan Rang
Như đã trình bày, phòng tuyến Phan Rang được tăng cường lực lượng với nỗ lực chính là Lữ đoàn 2 Nhảy Dù và các toán thám sát của Nha Kỹ thuật, lực lượng tiếp ứng này hoạt động tại hai khu vực Đông Bắc và Tây Bắc thị xã Phan Rang. Trước đó, vào ngày 4/4/1975, Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 được thành lập tại căn cứ Không quân Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh, giữ chức Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3. Với hệ thống chỉ huy mới, lực lượng mới đến tăng cường, được sự yểm trợ hữu hiệu của Không quân, tình hình an ninh, trật tự tại Ninh Thuận-Bình Thuận được vãn hồi nhanh chóng.
Trong tuần lễ đầu, chỉ có vài trận đụng độ nhỏ không đáng kể, chỉ có áp lực của sư đoàn 7 CSBV ở cạnh sườn Phan Thiết. Trong khi đó, tại Quân khu 3, áp lực của CQ đã gia tăng tại mặt trận Biên Hòa-Long Khánh. Trước tình hình đó, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, quyết định rút Lữ đoàn 2 Nhảy Dù từ Phan Rang về để củng cố lực lượng trừ bị phản ứng cấp thời. Thay thế cho Lữ đoàn 2 Dù và tăng cường lực lượng phòng thủ Bình Thuận là thành phần còn lại của Sư đoàn 2 BB được tái chính trang sau khi rút khỏi Quân khu 1 vào hai tuần trước đó, một liên đoàn Biệt động quân cũng vừa được củng cố cách đó ba ngày và một chi đoàn M-113 thuộc Quân đoàn 2 mới được tái thành lập.
Theo tài liệu ghi trong hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên thì lực lượng Sư đoàn 2 BB được tái thành lập với 2 trung đoàn BB, 1 tiểu đoàn Pháo binh 105 ly, 1 pháo đội 155 ly và chi đoàn M- 113. Việc chuyển quân ra thay thế vừa sắp hoàn tất thì chiến trận bùng nổ. Ngày 14 tháng 4/1975, Sư đoàn F-10 CSBV được tăng cường bởi các đơn vị của Sư đoàn 3 CSBV tấn công vào cụm vị trí của Thiết giáp và Pháo binh. Trước tình thế nguy kịch, Trung tướng Nghi yêu cầu giữ lại một tiểu đoàn Nhảy Dù đang chuẩn bị rút về để đối phó.
* Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn thị sát mặt trận Phan Rang.
Ngày 15/4/1975, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng (nội các của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn) đã bay ra Phan Rang để thị sát tình hình. Sau khi nghe Trung tướng tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3, trình bày về quân số, vũ khí và thực trạng chiến trường, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn hứa là sẽ tìm mọi cách để cung cấp các loại vũ khí chiến lược như hỏa đạn CBU cho lực lượng bảo vệ phòng tuyến Phan Rang. Sau khi về đến Sài Gòn, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn cho mời Thiếu tướng Smith, Tùy viên Quân sự tòa đại sứ Mỹ, đến gặp ông tại văn phòng Tổng trưởng Quốc phòng VNCH ở đường Gia Long. Trong cuộc gặp này, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã yêu cầu Thiếu tướng Smith cung cấp cho Bộ Quốc phòng VNCH những loại vũ khí mà Quân lực VNCH đang cần đến, trong đó có hỏa đạn CBU, ống dòm và máy truyền tin cho các đơn vị chiến đấu.
Trước yêu cầu của Bộ Quốc phòng VNCH, Thiếu tướng Smith cho biết hiện trong kho vũ khí của Hoa Kỳ không còn những loại này. Tướng Smith hứa sẽ hỏi lại Bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, vì vào thời gian này vũ khí và đạn dược đều nằm ở những tổng kho ngoài lãnh thổ Việt Nam. Rời Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Simth ghé qua Văn phòng của Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, ông báo cho Đại tướng Viên biết qua về nội dung cuộc gặp gỡ của ông với Tổng trưởng Quốc phòng VNCH. Thiếu tướng Smith nói với Đại tướng Viên: “Tôi được ông Tổng trưởng Quốc phòng mời đến, tưởng ông bàn chuyện di tản gia đình của ông, không ngờ ông bàn chuyện tiếp vận cho các đơn vị ngoài tiền tuyến. Lần đầu tiên, ông Tổng trưởng Quốc phòng bàn với tôi vấn đề đó từ mấy tháng nay”...
* Ngày 16-4-1975: trận chiến cuối cùng tại phòng tuyến Phan Rang
Trong khi Bộ Quốc phòng VNCH đang tìm cách để cung cấp các vũ khí tối cần thiết cho các đơn vị tại chiến trường thì tại mặt trận Phan Rang, ngày 16/4/1975, Cộng quân tung 2 sư đoàn tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã. Phòng thủ vòng đai căn cứ Không quân là 1 tiểu đoàn Nhảy Dù và 1 tiểu đoàn Địa phương quân. Tiểu đoàn Nhảy Dùø này thuộc Lữ đoàn 2 Dù chuẩn bị về Sài Gòn theo kế hoạch chuyển quân của Bộ Tổng Tham mưu nhưng do tình hình chiến sự rất nguy ngập, nên Trung tướng Nghi đã xin giữ lại đơn vị này. Bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Dù cũng còn ở lại Phan Rang khi Cộng quân tấn công vào thị xã này. Tại Trung tâm thị xã, lực lượng phòng thủ là một trung đoàn của Sư đoàn 2 BB và một tiểu đoàn Địa phương quân thuộc tiểu khu Ninh Thuận.
Hệ thống bảo vệ từ xa của phòng tuyến Phan Rang do một liên đoàn Biệt động quân, 1 tiểu đoàn Pháo binh, 1 chi đoàn M 113 phụ trách, đã bị Cộng quân tấn công từ ngày 14 tháng 4/1975. Để dọn đường cho bộ binh tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã, Cộng quân đã pháo liên tục vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ Không quân, đồng thời bắn phá dồn dập vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo để không cho phi cơ chiến đấu của Sư đoàn 6 Không quân cất cánh. Cùng lúc đó, Cộng quân tấn công mạnh vào thị xã bằng ba hướng... Lúc bấy giờ đại đa số cư dân Phan Rang đã di tản vào Nam, thị xã chỉ còn lại quân nhân, cảnh sát và một số công chức. Lực lượng phòng thủ thị xã chống trả quyết liệt, nhưng do Cộng quân quá đông nên lần lượt các tuyến phòng thủ trung tâm đều bị chiếm. Cùng lúc đó, Cộng quân tung một trung đoàn cắt đứt đường giao thông trên Quốc lộ 1 ở khu vực Cà Ná cách thị xã Phan Rang khoảng 48 km về hướng Tây Nam cốt để chặn đường rút quân của các đơn vị VNCH.
* Ngày 16-4-1975: Phan Rang thất thủ
Không còn lực lượng trừ bị để tăng viện cho các tuyến phòng thủ, trong khi đó căn cứ Không quân bị tấn công dữ dội, nên sáng ngày 16 tháng 4/1975, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 kiêm Tư lệnh mặt trận Phan Rang, họp khẩn cấp với Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, sư đoàn đang phụ trách căn cứ Không quân Phan Rang, và Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, để bàn kế hoạch rút quân. Giải pháp mà các vị tướng chọn lựa là phân tán và rút theo cá nhân.
Tình hình tại bộ Tư lệnh của Tướng Nghi vào lúc đó rất nguy kịch, do hệ thống truyền tin bị trúng đạn pháo kích của Cộng quân, nên Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ở Phan Rang đã không còn liên lạc được với Bộ Tư lệnh chính của Quân đoàn 3/Quân khu 3 đóng tại Biên Hòa, cũng như Bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn. Đến trưa ngày 16/4/1975, thị xã Phan Rang bị Cộng quân chiếm.
Tại Bộ Tư lệnh mặt trận Phan Rang đặt trong căn cứ Không quân, Cộng quân xua quân tiến sát đến vòng đai phi trường, Trung tướng Nghi và Chuẩn tướng Sang cho lệnh các sĩ quan và đơn vị trú phòng tùy nghi phân tán. Riêng Chuẩn tướng Nhựt được trực thăng (dành riêng cho Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh) đáp xuống ngoài hàng rào phi trường Phan Rang bốc đưa ra biển. Trực thăng chở Tướng Nhựt gặp tàu Hải quân. Tướng Trần Văn Nhựt kể lại rằng từ trực thăng ông nhảy xuống biển và được chiến hạm HQ 3 vớt lên. Từ HQ3, Tướng Nhựt dùng máy truyền tin của Hải quân báo cáo về Sài Gòn là Phan Rang đã thất thủ.
Trở lại với tình hình tại căn cứ Không quân Phan Rang, sau hàng loạt pháo kích bắn phá căn cứ phi trường, doanh trại và hệ thống công sự phòng thủ trong căn cứ, Cộng quân điều động bộ binh và thiết giáp đánh thẳng vào căn cứ. Trong tình hình nguy kịch, Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã mở đường máu ra khỏi phi trường và “bắt tay” Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù ở ngoài.
Sau đó, Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy Dù, đã liên lạc được với phi cơ quan sát, sĩ quan liên lạc của Sư đoàn Nhảy Dù trên phi cơ yêu cầu Đại tá Lương tìm bãi đáp để 25 trực thăng sẽ hạ cánh bốc quân đi. Vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 2 Nhảy Dù trình với Trung tướng Nghi đưa bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn và Sư đoàn 6 Không quân di chuyển đến bãi trống phía trái phi trường để lên chuyến trực thăng đầu, còn toàn bộ anh em Nhảy Dù sẽ di chuyển bộ đi về hướng núi Cà Núi để gặp một số đại đội Nhảy Dù bố phòng tại đây.
Theo tài liệu của cựu thiếu tá Nhảy Dù Trương Dưỡng, thì Trung tướng Nghi đã từ chối kế hoạch bảo vệ sự an toàn cho ông và các sĩ quan tham mưu của Quân đoàn tiền phương, ông nói với Đại tá Lương: “Báo cho đoàn trực thăng trở về túc trực, sáng mai sẽ tính... Bây giờ chúng ta tiếp tục di chuyển về Cá Ná lập phòng tuyến chận địch tại đó”. Nghe Trung tướng Nghi nói như vậy, Đại tá Lương đành cho lệnh bố trí chờ đêm tối băng đường ra khỏi vòng vây của Cộng quân. Về phần Trung tướng Nghi và Chuẩn tướng Sang, do từ chối kế hoạch đầy tình huynh đệ chi binh của Đại tá Lương, nên bị kẹt lại và cuối cùng đã bị CQ bắt.
Ngày 22/4/1975: Quân Đoàn 3 Lập Phòng Tuyến Trảng Bom 
Vương Hồng Anh
*Diễn tiến cuộc triệt thối của Lực lượng VNCH khỏi Long Khánh
Sau hơn 10 ngày quyết chiến với 4 sư đoàn Cộng quân, vào ngày 20 tháng 4/1975, toàn bộ lực lượng VNCH tham chiến tại mặt trận Xuân Lộc được lệnh rút khỏi chiến trườngnày để về Phước Tuy... Cuộc rút quân được diễn ra từ chiều ngày 20 tháng 4/1975, đến sáng ngày 22/4/1975, tất cả các đơn vị đã có mặt tại các vị trí mới do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 phối trí.
Theo kế hoạch rút quân, lực lượng tham chiến tại Xuân Lộc sẽ sử dụng liên tỉnh lộ 2 phía Nam Long Khánh, rút về Phước Tuy theo thứ tự: Sư đoàn 18 Bộ binh và các đơn vị trực thuộc. Bộ chỉ huy Tiểu khu Long Khánh và các tiểu đoàn Địa phương quân của tiểu khu này. Lữ đoàn 1 Dù và tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù.
Lộ trình rút quân là các cánh quân sẽ xuất phát từ Tân Phong, Long Giao, theo Liên tỉnh lộ 2 về Phước Tuy. Theo kế hoạch, Lữ đoàn 1 Dù vẫn tiếp tục giao chiến và đánh bật Cộng quân ra khỏi các vị trí trọng điểm trong thị xã và là lực lượng hậu đoạn sẽ rút đi sau cùng. Các đơn vị của Sư đoàn 18 Bộ binh và lực lượng Địa phương quân rút đi ngay trong buổi chiều. Cánh quân của Sư đoàn 18 BB rút đi tương đối an toàn. Còn cánh quân do Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh chỉ huy đã bị Cộng quân chận đánh. Gần tối 20/4/1975, khi Đại tá Phúc và bộ chỉ huy của ông đang di chuyển, một đơn vị Cộng quân từ trên một đồi cao sát với Liên tỉnh lộ 2, đã bắn nhiều loạt đạn B 40 và bích kích pháo xuống đoàn quân.
Là lực lượng đi đoạn hậu (rút quân sau cùng), các tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 Dù đã phải tử chiến với các trung đoạn Cộng quân trên đường lui binh. Do phải bảo mật cho cuộc rút quân, đồng thời để nghi binh, nên chỉ đến tối 20/4/1975, các tiểu đoàn Dù mới nhận được lệnh rời bỏ chiến tuyến. Tại khu vực Bảo Định, 7 giờ tốingày 20/4/1975, trong khi lực lượng Dù đang giao tranh quyết liệt với Cộng quân thì được lệnh rút quân. Các đơn vị phân thành 2 bộ phận: một bộ phận tiếp tục đánh chận Cộng quân cho bộ phận khác rút. Nói một cách khác, Lữ đoàn 1 Dù vừa đánh vừa tiến hành kế hoạch di chuyển quân về phòng tuyến mới. Lộ trình rút quân của Lữ đoàn Dù dài hơn 40 cây số đường rừng ven theo Liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong đến Đức Thành, Long Lễ về Bà Rịa…
Trong cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc và khu vực phụ cận, các chiến sĩ Dù được lệnh mang theo tất cả cấp số đạn và lựu đạn, quân trang quân dụng. Nhưng có một điều đã làm xót xa các cấp chỉ huy và binh sĩ Dù, đó là những chiến sĩ Dù bị thương nặng trong những trận giao tranh trước khi có lệnh rút quân đang chờ đợi tải thương. Với những người bị thương, nhưng còn tỉnh táo, còn có thể đi được thì từng tổ binh sĩ 4 người sẽ thay nhau dìu đi, còn với những chiến binh Dù bị trọng thương thì thật đau lòng. Trong một tình thế bất khả kháng, tất cả những người lính Dù đều khóc khi phải cố nén đau thương từ biệt những đồng đội của mình đang bị trọng thương ở các chiến hào.
Trước phút lên đường, nhiều người lính Nhảy Dù đã òa lên khóc lớn, ôm chầm lấy đồng đội, máu từ áo bạn thấm sang áo mình, lần đầu tiên và cũng lần cuối cùng họ phải để bạn bè bị thương vĩnh viễn ở lại với chiến trường… Họ sửa lại ngay ngắn thế nằm của đồng đội, vuốt từng đôi mắt sau khi các quân y sĩ, y tá quân y đã chích cho thương binh những mủi thuốc an thần. Nón sắt của thương binh được lấy ra, đầu của họ được gối trên ba lô, súng cá nhân để bên cạnh... Như một thước phim bi tráng trong các tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh, những người lính Dù đứng nghiêm, chào vĩnh biệt đồng đội. Rồi, đoàn quân lên đường.
Đến 9 giờ tối ngày 20 tháng 4/1975, các tiểu đoàn Dù ra đến Quốc lộ 1. Tại đây, đông đảo dân chúng của các khu Bảo Định, Bảo Toàn, Bảo An đã đứng sẵn ở hai bên đường và xin đi theo các chiến sĩ Dù để di tản. Cuộc hành trình gian khó bắt đầu…
*Những cảm tử quân trên đường rút quân
Theo kế hoạch rút quân, ngoại trừ Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù được di chuyển trên đường lộ với sự bảo vệ an ninh lộ trình của đại đội Trinh sát Dù, các tiểu đoàn Dù đều phải băng rừng mở đường di chuyển. 4 giờ sáng ngày 21/4/1975, tại ấp Quí Cả, gần địa giới hai tỉnh Long Khánh và Phước Tuy, đoàn xe chở Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù và Đại đội Trinh Sát Dù bị 2 tiểu đoàn Cộng quân phục kích. Pháo đội C và một trung đội của đại đội Trinh Sát Dù bảo vệ pháo đội này đã bị tổn thất, đa số quân sĩ đều bị thương vong trước các đợt tấn công biển người của Cộng quân. Trên lộ trình triệt thối, đại đội đi đầu của Tiểu đoàn 9 Dù đã đụng độ nặng với Cộng quân tại thung lũng Yarai, dưới chân núi Cam Tiên. Đại đội này đã bị những “chốt” của Cộng quân từ trên cao bắn xuống. Cuộc giao tranh kéo dài nhiều giờ. Để diệt các chốt của Cộng quân, các tốn cảm tử Dù được thành lập ngay tại trận địa với những quân nhân tình nguyên. Những cảm tử quân này mặc áo giáp, đeo súng phóng hỏa tiển cá nhân M 72, lựu đạn, bò đến các “chốt” Cộng quân ở trên núi cao. Có nhiều tốn vừa bò lên núi, đã bị cả chục trái lựu đạn của địch từ trên cao ném xuống.
Họ phải lách thật nhanh, nằm xuống, trước khi lựu đạn địch quân nổ, hoặc chụp lấy và mém trả lại. Trong trường hợp bắn M-72 nếu không có kết quả, họ phải thay đổi ngay vị trí để tránh sự bắn trả của Cộng quân.
Có những người lính Dù đã làm cho mọi người khâm phục về sự dũng cảm phi thường của họ. Chiếc bunker cuối cùng của Cộng quân trên núi Cam Tiên vô cùng kiên cố. Đó là hầm chỉ huy của một đơn vị CSBV. Hai cảm tư quân Dù đã bắn M72 vào bunker này nhưng vẫn không hạ được mục tiêu. Một đồng đội của họ từ lưng chừng núi đứng lên, để M 72 trên vai, bắn thẳng vào mục tiêu. Từng loạt đạncủa Cộng quân bắn trả tới tấp. Nhưng người xạ thủ gan dạ này vẫn đứng thẳng không chịu cúi xuống tiếp tục bắn: chiếc bunker chỉ huy và các ổ súng nặng của Cộng quân bị hủy diệt. Thanh tốn xong mục tiêu này, các đơn vị Dù tiếp tục cuộc hành trình gian khó tiến về Bà Rịa. (Phần này biên soạn theo tài liệu của Thiếu tá Phạm Huấn, 1 nhà báo quân đội, và lời kể của một số nhân chứng)
* Tái phối trí tại phòng tuyến mới: Trảng Bom-Long Thành-Phước Tuy.
Ngày 22 tháng 4/1975, cuộc rút quân hoàn tất. Sư đoàn 18 Bộ binh sau khi về đến Long Lễ trong ngày 21/4/1975, đã được được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cho di chuyển nghỉ dưởng quân hai ngày tại Long Bình, sau đó các trung đoàn và đơn vị thuộc dụng được điều động đi tăng cường phòng thủ tuyến mặt Đông thủ đô Sài Gòn, kéo dài từ Tổng kho Long Bình đến Kho đạn Thành Tuy Hạ, tiếp cận với lực lượng của các quân trường như Trường Bộ Binh, Trường Thiết Giáp;
Lữ đoàn 1 Dù được bố trí giữ Phước Tuy, bảo vệ Quốc lộ 15 từ LongThành về Bà Rịa, và là lực lượng tiếp ứng cứu Vũng Tàu khi thành phố này bị tấn công.
Với kế hoạch phối trí mới của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 để bảo vệ Sài Gòn, kể từ sáng 22/4/1975, phòng tuyến án ngữ phía Bắc và phía Đông của Quân đoàn 3 và Quân khu 3 được thành hình với liên tuyến Trảng Bom-Long Thành-Phước Tuy... Lực lượng chính tại phòng tuyến này có Sư đoàn 18 Bộ binh, Lữ đoàn 1 Dù, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ (do Chuẩn tướng Trần Quang Khôi chỉ huy) và Lữ đoàn 468 Thủy quân Lục chiến. Trước đó, Lữ đoàn 147 và 258 Thủy quân lục chiến đã được tăng phái cho Quân đoàn 3 và là lực lượng bảo vệ phía Bắc của phi trường Biên Hòa.
Về lực lượng phòng thủ vòng đai xa của Sài Gòn, tính đến ngày 22 tháng 4/1975, có 3 sư đoàn Bộ binh: Sư đoàn 18 BB do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy; Sư đoàn 25 Bộ binh do Tướng Lý Tòng Bá chỉ huy, phụ tại phòng tuyến Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An; Sư đoàn 5 Bộ binh do Tướng Lê Nguyên Vỹ chỉ huy, phụ trách phòng tuyến Bình Dương.
23/4/1975: Các Cuộc Dàn Xếp Giải Quyết Tình Hình VNCH
Vương Hồng Anh
* Cuộc họp tại Bộ Tổng Tham Mưu 
Để ổn định tình thế, 6 giờ chiều ngày 23/4/1975, với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã họp các tướng lĩnh tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng. Tại buổi họp này, cựu Tướng Đôn nói “Dù có thương thuyết để đình chiến, chúng ta cũng cố giữ những gì chúng ta có”. Vị Tổng trưởng Quốc phòng yêu cầu Đại tướng Viên, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3 sắp xếp lại tuyến phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn và đoạn đường từ Sài Gòn.Cũng tại cuộc họp này, Đại tướng Viên đã báo cáo tình hình chiến sự và khả năng phòng ngự của Quân lực VNCH tại khu vực vòng đai thủ đô Sài Gòn và khu vực các tỉnh lân cận. Tướng Viên cho biết lực lượng Cộng quanh chung quanh Sài Gòn và Biên Hòa đã lên đến 15 sư đoàn, trong đó có 1 sư đoàn pháo binh, nhiều lữ đoàn thiết giáp và các đơn vị phòng không sử dụng hỏa tiển SAM.
* Các cuộc dàn xếp về nhân sự lãnh đạo VNCH trong những ngày cuối của cuộc chiến
Cùng với những diễn biến dồn dập về quân sự, những dị biệt và bất đồng về vấn đề nhân sự lãnh đạo miền Nam cũng đang được các nhà hoạt động chính trị bàn thảo ráo riết, trong đó có cả sự tham dự “nhiệt tình” của Đại sứ quán Pháp.
Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức, Tòa Đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp là ông Brochand đã gặp cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng của nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng. Nhà ngoại giao này đã cho Phó Thủ tướng Đôn biết sứ quán Pháp có liên lạc với Hà Nội và nhấn mạnh thêm: “Nếu có thương thuyết thì Cộng sản chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi”. Ông Brochand cũng cho là ông Minh cần sự hợp của Tướng Đôn.
Trước khi ra về, ông Brochard hỏi Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn: Ông Minh có thể gọi điện thoại cho ông được không? Tướng Đôn gật đầu. Mười phút sau, ông Dương Văn Minh gọi điện thoại cho Tướng Đôn và xin một cuộc hẹn. Mười giờ tối ngày 22/4/1998, Tướng Đôn gặp ông Minh. Tướng Đôn hỏi ông Minh:
– Anh có thể thương thuyết với bên kia được không?
– Được, nhưng phải thật lẹ, nếu không chúng ta không có hy vọng.
Tướng Đôn cho rằng ông Minh biết Cộng sản Hà Nội đang chờ ông nắm quyền rồi sẽ thương thuyết. Ông Minh chưa tiếp xúc với Tổng thống Trần Văn Hương vì vị tân Tổng thống không thích ông Minh. Theo Tướng Đôn, việc này rất bất lợi nhất là sau khi VNCH bỏ Xuân Lộc. Ông Minh đề nghị Tướng Đôn đi gặp Đại sứ Mỹ Martin để thuyết phục Tổng thống Trần Văn Hương. Rời nhà ông Minh, ngay trong đêm 22/4/1975, Tướng Trần Văn Đôn đã đến nhà đại sứ Mỹ Martin dù đã gần 12 giờ khuya. Tướng Đôn kể lại khi ông vừa ngồi xuống trong phòng khách thì sĩ quan tùy viên của Đại sứ Hoa Kỳ đến nói nhỏ bên tai ông Martin. Vị đại sứ xin lỗi Tướng Đôn, bước vào phòng riêng, khi trở ra ông nói: Có một phi cơ xin phép đáp xuống phi trường Manila, vì bên đó Phi Luật Tân nghi trên phi cơ có Tổng thống Thiệu nên họ điện thoại hỏi thử có đúng không. Hỏi lại thì biết Tổng thống Thiệu còn ở trong Dinh Độc Lập.
Cựu Tướng Đôn xin lỗi ông Martin vì tình hình bắt buộc nên phải đến gặp vị đại sứ Hoa Kỳ trong giờ khuya. Sau đó, Tướng Đôn trao đổi với ông Marin về ý kiến của ông Dương Văn Minh và yêu cầu Đại sứ Martin đề nghị Tổng thống Trần Văn Hương giao quyền cho ông Minh đứng ra thương thuyết với CSBV. Ông Martin hứa với Tướng Đôn là sẽ cố thuyết phục Tổng thống Hương. Bấy giờ là 1 giờ sáng ngày 23/4/1975…
Cũng theo tài liệu của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, để tìm một giải pháp ổn định trước những biến động thời cuộc, ngày 23 tháng 4/1975, một một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp do Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, nguyên Chỉ huy trưởng Trường Chỉ huy Tham mưu, lúc bấy giờ đang giữ chức Tổng cục trưởng Quân Huấn; Trung tướng Vĩnh Lộc, nguyên Chỉ huy trưởng trường Cao Đẳng Quốc Phòng, hướng dẫn, đã đến tư dinh của Tướng Trần Văn Đôn. Phái đoàn này đề nghị Tướng Đôn với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng chỉ định người thay thế Đại tướng Cao Văn Viên trong chức vụ Tổng tham mưu trưởng vì theo các vị này, Đại tướng Viên không còn thiết tha với quân đội nữa.
Trước đề nghị của một số tướng lãnh, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn nói: “Tình thế sắp thay đổi, tôi không cần chỉ định ai, tự nhiên cũng có người thay thế.” Khi đó, Trung tướng Nguyễn Bảo Trị đề nghị: “Thôi Trung tướng làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm luôn Tổng Tham Mưu trưởng đi.” Cựu Trung tướng Đôn từ chối và nói: “Tôi đã về hưu lâu rồi, lâu nay không còn mặc quân phục nữa, nhưng nếu cần tôi cũng có thể đảm nhận vai trò Tổng Tham mưu trưởng lúc khó khăn này. Nhưng tôi thấy tình thế biến chuyển quá mau, chưa biết nó sẽ đi tới đâu.”
Tướng Trần Văn Đôn hỏi lại Trung tướng Trị: “Vậy thì ai có thể thay thế Đại tướng Viên?” Trung tướng Trị trả lời: “Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, gần hai năm nay ông ấy không có làm việc.”
Theo lời cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong hồi ký thì ông biết rõ khả năng của Trung tướng Thắng và đã gợi ý nhưng Tướng Thắng đã từ chối. Tướng Thắng xuất thân khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Nam Định-Thủ Đức năm 1952, là một trong bốn tiểu đoàn trưởng đầu tiên của binh chủng Pháo binh VNCH. Từ 1960-1969, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: đầu năm 1961, khi còn ở cấp trung tá, ông đã được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh và chỉ 1 tháng sau, được thăng cấp đại tá. Tháng 10/1961, ông bàn giao chức vụ nói trên cho Đại tá Nguyễn Văn Thiệu (1967 là Tổng Thống VNCH) và về làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh, cuối năm 1962, ông được điều động về Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách về kế hoạch hành quân; được thăng Chuẩn tướng vào tháng 8 năm 1964, thăng Thiếu tướng tháng 11/1965 và giữ chức Tổng trưởng bộ Xây dựng Nông thôn trong nội các của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ (từ 1965-1967), Tổng Tham mưu phó đặc trách Địa phương quân-Nghĩa quân (tháng 9 năm 1967); cuối tháng 1/1968 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 4 & Quân khu 4 (năm 1968), thăng trung tướng vào tháng 5/1968, một tháng sau ông xin thôi giữ chức tư lệnh Quân đoàn, trở lại Bộ Tổng tham mưu giữ chức phụ tá Kế hoạch của Tổng Tham mưu trưởng (1969 đến 1972); năm 1973, ông xin nghỉ dài hạn không lương 5 năm để hoàn tất chương trình cử nhân và cao học toán (trước đó ông đã thi đổ một số chứng chỉ Toán của đại học Khoa học với hạng ưu).
Tại cuộc gặp gỡ nói trên, một số tướng lãnh còn đề nghị với cựu Tướng Đôn là nên bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin để Mỹ tiếp tục viện trợ giữ miền Nam. Tướng Đôn trả lời với phái đoàn là chuyện đó đã có tin đồn rồi, thế nào Mỹ cũng biết và có kế hoạch đối phó. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang chờ ở ngoài khơi sẽ đổ bộ với lực lượng hùng hậu, chừng đó, theo Tướng Đôn sẽ có đổ máu và tình thế sẽ rối rắm nguy ngập hơn nữa. Cựu Tướng Đôn cũng phân tích là hơn một ngàn người Mỹ còn lại ở Việt Nam muốn cùng với Quân đội Việt Nam Cộng Hòa để cùng chiến đấu đồng thời thúc đẩy, xoay chuyển dư luận Mỹ yểm trợ cho miền Nam. Cuối cùng cựu Trung tướng Trần Văn Đôn khuyên mọi người là cần phân biệt chính quyền Mỹ và những người Mỹ ở Sài Gòn. Ông nói rằng chính quyền Mỹ ở Sài Gòn chỉ có ông đại sứ đại diện mà thôi, bỏ rơi Việt Nam là chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ, chứ không phải là những người Mỹ đang ở Sài Gòn, nếu bắt một số người Mỹ ở Sài Gòn làm con tin thì tội nghiệp cho họ và chẳng có ích lợi gì.
27-4-1975: Quốc Hội Họp Khẩn Bầu Tân Tổng Thống VNCH 
Vương Hồng Anh
*Quốc hội VNCH họp khẩn xét 2 đề nghị của Tổng thống VNCH Trần Văn Hương về chức vụ Tổng Thống và Thủ tướng VNCH
Sáng ngày 27/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương đã mở cuộc họp đặc biệt tại tư dinh với thành phần tham dự gồm các ông: Trần Văn Linh, Chủ tịch Tối cao Pháp viện; Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng viện; Phạm Văn Út, Chủ tịch Hạ Viện; cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng (Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn đã từ chức từ 23-4-1975), và 1 phụ tá Tư pháp của Tổng thống. Tại cuộc họp này, Tổng thống Trần Văn Hương nhắc lại 2 biện pháp mà ông đã đề nghị trong phiên họp với Quốc hội ngày 26/4/1975:
Thứ 1: Giao cho Tổng thống đương nhiệm toàn quyền chỉ định 1 Thủ tướng toàn quyền.
Thứ 2: Bầu ông Dương Văn Minh làm Tổng thống.
Theo lời kể của Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, trong phiên họp sáng ngày 27/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương trình bày diễn tiến cuộc họp riêng với ông Dương Văn Minh, và cho biết “ông có mời ông Minh làm Thủ tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận, mà yêu cầu ông phải từ chức, giao chức vụ Tổng thống cho ông Minh để ông Minh có toàn quyền nói chuyện với Việt Cộng”.
Chiều ngày 27 tháng 4/1975, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn cầm đầu một phái đoàn gồm nhiều Tướng lãnh trong Bộ Tổng Tham mưu và vị Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô đến tham dự cuộc họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội. Phái đoàn của Tổng trưởng Quốc phòng đến trước, và khoảng 7 giờ 30 phút tối ngày này thì có 138 nghị sĩ, dân biểu hiện diện. Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn tóm tắt tình hình quân sự: Sài Gòn đang bị bao vây bởi 15 sư đoàn CSBV đặt dưới quyền của ba quân đoàn CSBV. Quốc lộ Sài Gòn-Vũng Tàu bị cắt đứt và CQ đang tiến về Long Bình. Đến 8 giờ 20 ngày 27 tháng 4/1975, Đại hội đồng lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu (136 thuận-2 chống) chấp thuận trao chức vụ Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh.
* Cuộc gặp gỡ giưã Tổng thống Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh.
Như đã trình bày, sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức vào ngày 21/4/1975, Tòa Đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp là ông Brochand đã gặp Tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng. Ông Brochand đã cho Tướng Đôn biết sứ quán Pháp có liên lạc với Hà Nội và nhấn mạnh rằng “Nếu có thương thuyết thì Cộng sản chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi”. Ông Brochand cũng cho là ông Dương Văn Minh cần sự hợp của Tướng Trần Văn Đôn.
Theo sự sắp xếp trung gian của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, 10 giờ sáng ngày 24 tháng 4/1975, cựu Đại tướng Dương Văn Minh đã đến gặp Tổng Thống Trần Văn Hương tại tư dinh của Đại tướng Khiêm trong Bộ Tổng Tham mưu. Tiếp đó, vào buổi trưa, cựu Trung tướng Đôn cũng đến nhà Đại tướng Khiêm để tìm hiểu tình hình, ông đã gặp bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ tướng và Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Canh nông của nội các Nguyễn Bá Cẩn (nội các này từ chức ngày 23/4/1975 và được yêu cầu xử lý thường vụ trong khi chờ nội các mới). Tại cuộc gặp này, các nhân vật trên đã nói là cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa Tổng thống Trần Văn Hương và ông Dương Văn Minh đã thất bại vì ông Minh từ chối ghế “Thủ tướng toàn quyền”.
Trước tình hình như thế, Đại tướng Khiêm đề nghị cựu Trung tướng Đôn nên nhận chức vụ thủ tướng để thương thuyết. Cựu Tướng Đôn đã kể cho Đại tướng Khiêm nghe lời của ông Brochand là Pháp đã liên lạc với CS Hà Nội và phía CS chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi. Sau đó cựu Trung tướng Đôn đến thẳng Tòa Đại sứ Pháp. Các viên chức cao cấp sứ quán này lặp lại ý kiến trên và cho biết thêm rằng Cộng sản chờ đến ngày Chủ nhật 27/4/1975, nếu không tiến triển gì thì CQ sẽ pháo kích vào Sài Gòn. Theo lời kể của cựu Trung tướng Đôn, sau khi nghe tin này, ông lo ngại cho dân chúng sống chen chúc trong thành phố bị trúng đạn pháo của Cộng quân bắn bừa bãi, nên ông hứa sẽ cố gắng dàn xếp để tìm một giải pháp tạm thời. Chiều hôm đó, Đại tướng Khiêm điện thoại cho cựu Tướng Đôn biết là Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ tướng. Theo Đại tướng Khiêm, ông Huy là người chống Cộng triệt để nên khó có thể hòa giải được. Cựu Trung tướng Đôn điện thoại báo cho cựu Đại tướng Minh, ông Minh mời cựu Trung tướng Đôn lại nhà để bàn tính tìm một giải pháp.
Lúc 5 giờ 45 ngày 24/4/1975, cựu Trung tướng Đôn vào Dinh Độc Lập thì gặp ông Nguyễn Ngọc Huy đang nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phong, Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm, từ Pháp mới về. Vừa lúc đó, Đại sứ Martin từ trong văn phòng Tổng Thống Trần Văn Hương đi ra. Cựu Trung tướng Đôn hỏi Đại sứ Mỹ là có phải Tổng Thống Hương chỉ định ông Huy làm thủ tướng hay không. Nhưng ông Martin đã trả lời là không có chuyện đó. Thế nhưng, sau đó, Đại tướng Khiêm vào gặp Tổng thống Hương và ra báo cho cựu Trung tướng Đôn biết là ông Hương sẽ chỉ định ông Huy làm thủ tướng. Đến lượt ông Huy vào gặp Tổng thống Hương. Cuối cùng là Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn và Đại tướng Viên vào trình bày cho Tổng thống Hương tình hình quân sự: Cộng quân đang tiến sát vòng đai Sài Gòn, vũ khí, quân dụng, đạn dược thiếu, tinh thần chiến đấu của binh sĩ sa sút… Nghe xong phần trình bày, Tổng Thống Hương nhìn Đại tướng Viên và nói: “Ông sẽ làm Tổng tư lệnh Quân đội”. Tổng Thống Hương nói tiếp rằng ông sẽ chia xẻ với số phận của anh em quân nhân trên các chiến trường, nghĩa là ông sẽ chết cùng với anh em binh sĩ.
Trước khi rời Dinh Độc Lập, cựu Trung tướng Đôn nói với Tổng thống Hương: “Cụ nghiên cứu lại, vì bên kia họ chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi”. 8 giờ tối hôm đó, cựu Trung tướng Đôn trở lại nhà ông Dương Văn Minh và thấy một số nhân vật ở đây: ông Nguyễn Văn Huyền, cựu chủ tịch Thượng nghị viện, giáo sư Vũ Văn Mẫu và ông Brochand, cố vấn chính trị sứ quán Pháp. Cựu Tướng Đôn giải thích với ông Dương Văn Minh: “Ông Hương vừa mới lên mà yêu cầu ông từ chức thì cũng khó xử cho ông ấy, hơn nữa còn Hiến pháp, còn Quốc hội.” Ý kiến của cựu Trung tướng Đôn chỉ có ông Huyền đồng ý, còn ông Minh và ông Mẫu thì cho rằng ông Hương trì hoãn như vậy nhưng thế nào rồi cũng chấp thuận.
* TT Nguyễn Văn Thiệu gặp cựu Trung tướng Trần Văn Đôn lần cuối cùng
8 giờ sáng ngày 25 tháng 4/1975, cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho cựu Trung tướng Đôn ngỏ ý muốn gặp ông tại Dinh Độc Lập (sau khi từ chức, cựu TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn ở trong dinh này) để nhờ lấy giúp cho bạn của ông một giấy chiếu khán đi ngoại quốc. Khi cựu Trung tướng Đôn vào dinh Độc Lập, cựu Tổng Thống Thiệu cho biết là ông đã hiểu rõ diễn biến. Câu chuyện nửa chừng thì cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho Tổng thống Hương và nói: “Nếu ông Dương Văn Minh không chịu làm Thủ tướng toàn quyền thì cụ tìm một người khác có thể thương thuyết với bên kia và người đó theo tôi là ông Đôn”.
Để điện thoại xuống, cựu Tổng Thống Thiệu nói với ông Đôn: “Theo tôi, ngoài ông Minh ra, ông là người có thể nhận trách nhiệm này. Tôi đã nghĩ đến ông từ năm 1973. Tôi đã biết ông từng tiếp xúc nhiều giới chức…Ông có uy tín trong giới chính trị và quân đội. Nhưng tôi không thay đổi lập trường chống Cộng triệt để của tôi nên không thể ngồi chung với Cộng sản. Nếu chịu thương thuyết tôi đã mời ông làm Thủ tướng từ năm 1973 rồi. Nhưng ngày nay thì tôi đề nghị với ông Hương mời ông làm việc”.
Cựu Trung tướng Đôn hỏi lại cựu TT Thiệu: “Ông có nghĩ là bây giờ đã trễ không?” Ông Thiệu im lặng không đáp. Trước khi từ giã, cựu Trung tướng Đôn nhìn thẳng cựu TT Thiệu, rồi nói: “Còn phần ông, chừng nào ông đi? Tôi biết Mỹ không muốn chuyện xảy ra như ông Diệm. Xung quanh ông đang bỏ ông nhất là khi nghe có tân thủ tướng và chính phủ mới. Ông phải đi cho nhanh. Nếu tôi làm Thủ tướng, nội các của tôi cũng sẽ đòi bắt ông và tôi làm theo.”
Từ biệt cựu TT Thiệu, cựu Trung tướng Đôn ghé nhiều nơi để trao đổi ý kiến với một số yếu nhân và sau đó trở về nhà. Đến nhà, cựu Trung tướng Đôn được biết cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho ông mấy lần và có để lại số điện thoại. Cựu tướng Đôn gọi lại thì cựu Tổng thống Thiệu nói lời từ giả với cựu Tướng Đôn: “Chúc anh thành công và cám ơn anh.” Cựu Tướng Đôn nhắc lại những gì đã nói khi gặp cựu Tổng thống Thiệu và nói: “Ông đừng quên những gì tôi đã nói hồi sáng, nghĩa là ông phải ra đi.” Sau đó, cựu Tướng Đôn được báo là người Mỹ đã giúp cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và cả gia đình hai vị này rời khỏi Việt Nam bằng máy bay đặc biệt đến Đài Bắc, Thủ đô Đài Loan.
Ngày 28/4/1975: Tướng Minh Nhận Chức Tổng Thống VNCH
Vương Hồng Anh
* Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền cho ông Dương Văn Minh
Trong khi Cộng quân áp lực nặng quanh vòng đai Thủ đô Sài Gòn, thì một sự kiện trọng đại đã xảy ra trong ngày 28/4/1975: Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền nguyên thủ quốc gia cho ông Dương Văn Minh, cựu đại tướng. Lễ bàn giao diễn ra vào chiều ngày 28 tháng 4/1975. Trong buổi lễ này, Quân lực VNCH cử Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân và Trung tướng Đồng Văn Khuyên tham mưu trưởng Liên quân thay mặt Đại tướng Cao Văn Viên đến dự lễ. Trước khi bước xuống bục để nhường cho ông Dương Văn Minh đọc diễn văn nhận chức, Tổng thống Trần Văn Hương đã công bố sắc lệnh giải nhiệm Đại tướng Cao Văn Viên khỏi chức vụ Tổng tham mưu trưởng (theo nguyện vọng của Đại tướng Viên). Sau nghi lễ nhận chức, ông Dương Văn Minh đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng.
* Tướng Trần Văn Đôn kể lại những biến cố, sự kiện trong ngày 28/4/1975
Theo lời kể của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong Việt Nam Nhân Chứng, trong buổi lễ bàn giao, ông Dương Văn Minh đã “trầm tĩnh đọc bản tuyên bố đường lối của mình là “sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thương thuyết và hòa giải với Mặt trận Giải phóng miền Nam”.
Vào 6 giờ chiều, cuộc lễ xong, ông Minh tiễn cụ Trần Văn Hương ra cổng. Nhà của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ở gần dinh Độc Lập nên chỉ vài phút sau ông đã về đến nhà, lại nghe “tiếng nổ ầm ầm, súng bắn lung tung, phi cơ bay. Trên dinh Độc Lập. Nưả giờ sau, tiếng súng ngưng nổ, tiếng động cơ máy bay nhỏ dần rồi im lặng... Tướng Đôn điện thoại cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Không quân thì được báo cáo có 3 phi cơ của Không quân VNCH bị bỏ lại ở Đà Nẵng và Việt Cộng đã sử dụng để bay vào Sài Gòn dội bom. Hai phản lực cơ F-5 của Không quân đã bay lên nghinh chiến đuổi 3 phi cơ này. (Tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên cho biết 3 phi cơ tham gia cuộc dội bom là phản lực cơ A-37 ).
Cũng theo lời kể của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, trước lễ bàn giao chức vụ Tổng thống VNCH diễn ra vào buổi chiều 28/4/1975, thì vào 8 giờ sáng ngày 28 tháng 4, cựu Trung tướng Đôn đã đến văn phòng Tổng tham mưu trưởng như thường lệ gặp Đại tướng Cao Văn Viên để theo dõi tình hình quân sự... (Theo tài liệu ghi trong Quân sử VNCH, vào năm 1955, ông Trần Văn Đôn là Thiếu tướng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu , ông Cao Văn Viên là Thiếu tá, giữ chức vụ Trưởng phòng 4 Bộ Tổng Tham mưu).
Trong cuộc gặp nói trên, Tướng Viên nhắc với Tướng Đôn rằng Tổng thống Trần Văn Hương đã ký sắc lệnh cho ông nghỉ, do đó, ông yêu cầu Tướng Đôn với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cử người thay thế. Ngay lúc đó, có điện thoại của ông Dương Văn Minh gọi cho Tướng Đôn, dặn ông cố gắng giữ Tướng Viên ở lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, đừng cho Tướng Viên đi.
Trước sự việc như thế, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn không biết xử sự làm sao vì Tướng Viên đã được Tổng thống Trần Văn Hương cho nghỉ (sắc lệnh này được Tổng thống Trần Văn Hương công bố vào chiều ngày 28/4/1975). Tướng Đôn hỏi Tướng Viên:
-Nếu anh đi, thì theo anh ai sẽ thay thế được ?
Tướng Viên không trả lời thẳng mà hỏi lại Tướng Đôn:
-Anh sẽ làm gì ?
Tướng Đôn trả lời:
-Tôi cũng chưa quyết định. Mấy ngày trước, ông Minh và ông Mẫu muốn tôi tiếp tục giữ ghế Tổng trưởng Quốc phòng nhưng tôi chưa trả lời, nay ông Minh cho tôi biết Hà Nội không muốn có người nào trong nội các cũ ở lại trong nội các mới.”
Về lại văn phòng, Tướng Đôn nhận được điện thoại của ông Dương Văn Minh hủy bỏ sắc lệnh mà Tổng thống Trần Văn Hương đã ký cho phép Tướng Viên nghỉ dài hạn không lương, nhưng sắc lệnh đó Tổng thống Trần Văn Hương đã ký trước khi bàn giao chức vụ Tổng thống.
* Chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH vào những ngày cuối tháng 4
Về chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, như đã trình bày, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4/1975, và sau cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, Đại tướng Cao Văn Viên không còn thiết tha với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, trong khi đó, tân Tổng Thống Trần Văn Hương lại muốn bổ nhiệm Đại tướng Cao Văn Viên làm Tổng tư lệnh Quân đội với đầy đủ quyền hạn, so với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng mà Đại tướng Viên đã nắm giữ từ tháng 10/1965. Thế nhưng, Đại tướng Cao Văn Viên đã trình xin Tổng Thống Trần Văn Hương cho ông được giải nhiệm. Tổng thống Trần Văn Hương không đồng ý và yêu cầu Đại tướng Viên tiếp tục giữ chức vụ. Chỉ đến khi Tổng Thống Trần Hương trao quyền cho ông Dương Văn Minh thì Đại tướng Viên mới nhận được quyết định giải nhiệm. Kể lại chuyện này, Đại tướng Cao Văn Viên ghi trong hồi ký như sau: “Trước khi Tổng Thống Hương bước xuống, Tổng Thống đưa ra một sắc lệnh giải nhiệm tôi khỏi chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham Mưu. Đến khi tân Tổng Thống (cựu Đại tướng Dương Văn Minh) muốn chọn người thay thế tôi, tôi đề nghị Tướng Đồng Văn Khuyên, lúc ấy đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận”.
* Tình hình chiến sự trong ngày ông Dương Văn Minh nhận chức Tổng Thống
Tình hình chiến sự trong ngày 28/4/1975 ghi nhận nhiều diễn biến dồn dập. Cộng quân đã tung thêm lực lượng áp sát vòng đai SàiGòn.Tại Bình Dương, sau khi đã đưa một sư đoàn vào khu Đông Nam và tấn công vào các khu vực Phú Giáo, Tân Uyên, Cổ Mi, Cộng quân đã điều động 2 sư đoàn thuộc Quân đoàn 1 CSBV tiến sát đến các tuyến phòng tuyến do các trung đoàn 7, 8, 9 của Sư đoàn 5 Bộ binh. Trong các trận đánh tại BìnhDương vào 10 ngày cuối của tháng 4/1975, nổi bật nhất là trận Bến Sắn giữa sư đoàn 5 Bộ binh và 1 sư đoàn chủ lực Quân đoàn 1 của Cộng quân. Cộng quân muốn chiếm Bến Sắn để từ đó chọc thủng mặt đông của tỉnh Bình Dương và mặt tây của tỉnh Biên Hòa nhưng đã bị sự kháng cự mãnh liệt của Sư đoàn 5 Bộ binh, Cộng quân bị tổn thất nặng.
Cũng trong ngày 28/4/1975, Căn cứ Không quân Biên Hòa bị pháo kích dữ dội. Theo tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên, tất cả các phi cơ tại căn cứ này đều đã được dời qua phi trường Tân Sơn Nhất hay xuống phi trường Trà Nóc ở miền Tây. Sư đoàn 3 Không quân bắt đầu phá hủy những phương tiện còn lại trong căn cứ Biên Hòa.
29/4/1975: Tân Chính Phủ VNCH Đòi Mỹ Rút Khỏi Việt Nam
Vương Hồng Anh
* Tân Thủ tướng Vũ Văn Mẫu nhận chức, yêu cầu Mỹ rút khỏi VN
11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, ông Vũ Văn Mẫu chính thức nhận chức Thủ tướng. Do ông Nguyễn Bá Cẩn, Thủ tướng do Tổng thống Thiệu bổ nhiệm đã rời Việt Nam, nên Phó Thủ tướng Đôn thay mặt nội các cũ ký biên bản bàn giao với tân thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Diễn tiến lễ bàn giao này được cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại như sau:
10 giờ sáng ngày 29 tháng/4, cựu Tướng Trần Văn Đôn đến Phủ Thủ Tướng, đi đường Thống Nhất. Khi đi ngang Tòa Đại sứ Mỹ, ông thấy nhiều người vô ra tấp nập như thường ngày.

Nguyên Phó thủ tướng Trần Văn Đôn đến Phủ Thú Tướng cùng với sĩ quan tuỳ viên , nơi đây một số Tổng trưởng nội các mới đã có mặt. Nội các cũ thì có Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, Dương Kích Nhưỡng…. . . Một lúc sau, ông Châu, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng cho biết ông Mẫu muốn điện đàm với Tướng Đôn. Ông Mẫu xin lỗi đến trễ một giờ vì phải qua đài phát thanh đọc lời tuyên bố quan trọng. 11 giờ 30 ông Châu cho biết ông Thủ tướng đến, Tướng Đôn ra cầu thang đón. Ông Mẫu đến đúng nghi lễ, đi bằng xe Mercedes dành cho Thủ tướng, có xe máy dầu hộ tống”.
Tướng Đôn mời ông Mẫu vào văn phòng Thủ tướng và bắt đầu cuộc lễ. Ông Mẫu ngồi bên tay mặt Tướng Đôn. Ông Châu đưa biên bản bàn giao để ký. Tướng Đôn ký xong trao cho ông Mẫu ký, nhưng ông Mẫu ký hoài mà viết của ông ấy vẫn không ra mực nên Tướng Đôn phải đưa viết của ông cho ông Mẫu ký. Ai cũng im lặng chờ đợi. Ký biên bản bàn giao xong, Tướng Đôn nói vài lời cầu chúc và ông Mẫu đáp từ. Sau đó, ông Mẫu nói chuyện với các Tổng trưởng:
-Tôi vưà lên Đài phát thanh tuyên bố, yêu cầu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ 5 giờ sáng nay( 29-4-1975)
Nghe ông Mẫu nói, Tướng Đôn dùng điện thoại màu xanh lá cây dành riêng cho Thủ tướng và Phó Thủ tướng để liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ. Có tiếng người bắt điện thoại, Tướng Đôn hỏi ngay: Chuyện gì đã xảy ra? Tôi vưà nghe ông Thủ tướng yêu cầu DAO (Cơ quan tùy viên Quân sự tại Đại sứ quán Mỹ) trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Phiá Đại sứ quán Mỹ trả lời:Không phải chỉ có DAO mà tất cả những người Mỹ sẽ rút. Nếu ông muốn đi thì lên Tòa Đại sứ Mỹ trước 2 giờ trưa này (ngày 29-4-1975)
*Tổng thống Dương Văn Minh cho Hải quân toàn quyền hoạt động
Theo ghi nhận của cựu Tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong hồi ký, vào sáng ngày 29/4/1975, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư lệnh Hải quân đến gặp Tổng thống Dương Văn Minh cho biết hiện tình tàu bè đủ để chở Chính phủ và binh sĩ xuống miền Tây, nhưng ông Minh cho biết đang lo thương thuyết. 5 giờ chiều cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh gọi phó Đô Đốc Chung Tấn Cang đến gặp. Phó Đô Đốc Cang cử Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy đi thay. Tổng thống Dương Văn Minh nói với Phó Đề Đốc Thủy: “Tôi trao cho Hải quân được toàn quyền hoạt động.”
*Tình hình chiến sự trong ngày 29/4/1975
Rạng sáng ngày 29 tháng 4/1975, Bộ Tổng Tham mưu, Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân tại bến Bạch Đằng đã trở thành mục tiêu của pháo binh Cộng quân. Những đợt pháo kích liên tiếp của Cộng quân đã rót vào các vị trí trên. Ngay tại Bộ Tổng tham mưu và bộ Tư lệnh Hải quân chỉ bị thiệt hại nhẹ, nhưng căn cứ Tân Sơn Nhất bị thiệt hại nặng nhất. Các bãi phi cơ đậu, các ụ xăng dầu và các trạm truyền tin đều bị đạn pháo bắn trúng. Lửa cháy, đạn nổ khắp nơi.
Cộng quân bắt đầu tấn công bằng Bộ binh và Thiết giáp vào Sài Gòn bằng hai mũi: Phú Lâm và cầu Nhị Thiên Đường. Sau một đợt giao tranh, Cộng quân chiếm cầu Nhị Thiên Đường. Tại Phú Lâm, khu phát tuyến tại đây bị pháo kích nặng và bị tấn công. 9 giờ 30 ngày 29/4/1975, căn cứ Không quân bị pháo kích nặng. Nhiều phi cơ trong bãi đậu, kể cả những chiếc A 37 và đặc biệt có 4 chiếc C 130 có gắn bom sẵn, bị trúng đạn pháo kích và nổ tung. Lửa cháy cùng khắp, lan đi rất nhanh. Căn cứ Tân Sơn Nhất hoàn toàn bất khiển dụng và hỗn độn. Khoảng hơn 3 ngàn người đang chờ sau lưng cơ quan DAO (Phòng Tùy viên Quân sự Sứ quán Hoa Kỳ) từ ngày 28 tháng 4/1975 để chờ phi cơ đến đón đi, kinh hoảng bỏ chạy ra khỏi căn cứ. Đến 10 giờ thì hầu như bộ Tư lệnh Không quân không còn kiểm soát được quân sĩ thuộc quyền nữa. Trên trời, từng đoàn trực thăng của Mỹ vần vũ và bay lơ lửng trên các nóc cao ốc và trong cơ quan DAO để đón nhân viên Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, khó phân biệt được trực thăng của Không quân Mỹ hay của Không quân VNCH.
Quanh vòng đai Sài Gòn, chiến trận khốc liệt đã diễn ra tại Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hòa. Tại Long An, các đơn vị Sư đoàn 22 Bộ binh đã giao chiến quyết liệt với hai trung đoàn Cộng quân muốn chọc thủng phòng tuyến thị xã Tân An. Sư đoàn 22 Bộ binh từ Quân khu 2 rút vào và được phối trí hoạt động tại khu vực này.
Tại mặt trận Củ chi, Hậu Nghĩa, 7 giờ sáng ngày 29/4/1975, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Hậu Nghĩa bị mất liên lạc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3. 10 giờ sáng cùng ngày, Quân đoàn 3/Quân khu 3 báo cáo về Bộ Tổng tham mưu là Tiểu khu Hậu Nghĩa thất thủ. Tại phòng tuyến Củ Chi của Sư đoàn 25 Bộ binh, Cộng quân tung 1 sư đoàn chính quy CSBV có 1 trung đoàn chiến xa yểm trợ tấn công ồ ạt vào các vị trí của quân trú phòng. Từ hầm chỉ huy, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá trực tiếp điều động các tuyến chống trả các đợt xung phong biển người của địch quân và xin trực thăng chiến đấu yểm trợ. Quốc lộ 1 nối Sài Gòn với Củ Chi bị đắp mô, giao thông tắc nghẽn. Đêm 29/4/1975, bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh phải bỏ phòng tuyến Củ Chi rút về Hóc Môn.
Tại tuyến phòng thủ Trảng Bom do một đơn vị thuộc Sư đoàn 18 phụ trách, vào 7 giờ 30 sáng, nhiều vị trí bị Cộng quân chọc thủng và đến 10 giờ phòng tuyến này hoàn toàn bị Cộng quân tràn ngập. Một số đơn vị của Sư đoàn 18 rút về phía nam căn cứ Long Bình, Lữ đoàn 257 Thủy quân Lục chiến án ngữ mặt bắc Long Bình cũng bị tấn công. 11 giờ sáng ngày 29/4/1975, Cộng quân tấn công vào phòng tuyến nam Long Bình, Sư đoàn 18 Bộ binh đã đẩy lùi được nhiều đợt xung phong của các trung đoàn Cộng quân. Trong khi đó căn cứ Long Bình đã bị pháo kích liên tục. Tại căn cứ kho đạn Thành Tuy Hạ, nhiều vựa chứa đạn trong kho đã bị pháo kích và vòng đai phòng thủ kho đạn đã bị khoảng 2 tiểu đoàn Cộng quân bao vây.
Tại Bình Dương, căn cứ Lai Khê bị pháo kích dữ dội suốt đêm 28 và rạng ngày 29/4/1975. Quận lỵ Bến Cát bị một trung đoàn Cộng quân tấn công. Quốc lộ 13 bị cắt đứt tại đoạn giữa Phú Cường, tỉnh lỵ Bình Dương, và Lai Khê. Ngay trong sáng ngày 29 tháng 3/1975, nhiều biệt đội đặc công của Cộng quân đã lọt được vào Phú Cường và đóng chốt nhiều nơi trong thị xã.
Tại Biên Hòa, quận lỵ Tân Uyên bị tấn công ác liệt. Lực lượng Địa phương quân và Cảnh sát chiến đấu phòng thủ quân lỵ đã phải bỏ phòng tuyến, thị xã bỏ ngỏ. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3, căn cứ Không quân Biên Hòa, và một số doanh trại quân đội gần Biên Hòa, dọc xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn cũng bị pháo kích.
Tại phía Tây Nam Sài Gòn, hai liên đoàn Biệt động quân bị tấn công vào giữa 0 giờ 30 giờ sáng ngày 29/4/1975 và bị tổn thất 50% quân số. Rạng sáng cùng ngày, quận lỵ Hóc Môn cũng bị tấn công, đơn vị Địa phương quân và Nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Trung tâm Huấn luyện Quang Trung cũng bị tấn công và pháo kích từ 1 giờ sáng. Tại khu vực tiếp vận Hạnh Thông Tây bị Cộng quân tấn công.
Tại Vũng Tàu, ngay từ đêm 28/4/1975, Bộ Chỉ huy hành quân của Thiếu tướng Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh kiêm Tư lệnh mặt trận Vũng Tàu, đã phải làm việc tại duyên đoàn 33 Hải quân để điều động các cánh quân. 4 giờ sáng ngày 29/4/1975, Đại tá Lợi và Trung tá Nhã đến gặp Tướng Hinh trên một chiếc tàu nhỏ của Duyên đoàn 33 và cho biết tình hình tại Bộ Tổng Tham mưu. Theo hai vị sĩ quan này thì Đại tướng Viên và Chuẩn tướng Thọ, Trưởng phong 3 BTTM, đã ra đi từ chiều ngày 28/4/1975. Gần sáng, lại có thêm Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Tư lệnh Sư đoàn 3 Không quân và và đại tá cùng khoảng 60 sĩ quan, binh sĩ Không quân từ Biên Hòa về Vũng Tàu. Tướng Tính đã đến gặp Tướng Hinh tại Duyên đoàn 33. Chuẩn tướng Tính cho biết ngay trong chiều 28/4/1975, phi trường Biên Hòa đã được lệnh phá hủy các cơ sở. Lệnh này do Chuẩn tướng Bê, chỉ huy Tiếp vận Không quân trực tiếp ban hành mà không thông qua tư lệnh Sư đoàn 3 Không quân. Sáng ngày 29/4/1975, có thêm rất nhiều sĩ quan từ Sài Gòn ra Vũng Tàu.
30/4/1975: LỰC LƯỢNG VNCH TỬ CHIẾN TẠI THỦ ĐÔ SÀI GÒN
Tử Thủ Sau Lệnh Đầu Hàng: Giết 1,000 VC, Diệt 32 Xe Tăng CS
Vương Hồng Anh
* Hơn 1 ngàn Cộng quân tử trận, 32 chiến xa CSBV bị bắn cháy trong trận chiến sáng ngày 30-4-1975 tại phòng tuyến Sài Gòn
Vào những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, trong khi những người lãnh đạo tối cao của quốc gia và quân đội tìm mọi cách để ra đi, thì tại mặt trận vòng đai Sài Gòn và ngay trong Thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, người lính Quân lực VNCH từ anh binh nhì cho đến các trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng… thuộc các binh đoàn bộ chiến, vẫn giữ vững tay súng tử chiến với Cộng quân đến phút cuối cùng.
Từ 0 giờ sáng đến 10 giờ ngày 30/4/1975, trên các cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn, những người lính Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt kích Nhảy Dù, Biệt động quân, Thiết giáp, Thủy quân Lục chiến… đã đánh trận cuối cùng trong đời lính của họ: 32 chiến xa và gần 30 quân xa Cộng quân bị bắn cháy, hơn 1,000 Cộng quân tan xác… Đó là chiến tích của người lính VNCH tại mặt trận Thủ Đô Sài Gòn trong buổi sáng cuối cùng của cuộc chiến, trước khi ông Dương Văn Minh ra lệnh Quân lực VNCH buông súng vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 30/4/1975. Trong những giờ phút cuối cùng này, tại Sài Gòn, trái tim của Việt Nam Cộng Hòa, có rất nhiều sự kiện diễn ra dồn dập, những trận đánh hào hùng và bi tráng của một số đơn vị Nhảy Dù, Biệt Cách Nhảy Dù… trước giờ G.
* Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH, những giờ cuối cùng:
Trưa ngày 29 tháng 4/1975, các vị tướng có thẩmquyền tại Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH đã ra đi. Đại tướng Viên rời Việt Nam từ chiều 28/4/1975 cùng với Chuẩn tướng Thọ (trưởng phòng 3); Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tiếp vận ra đi vào lúc 11 giờ 30 ngày 29/4/1975. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệtkhu Thủ đô cũng đã “chia tay” với các cộng sự viên của mình từ sáng ngày 29/4/1975. Để có tướng lãnh chỉ huy Quân đội, tân Tổng thống Dương Văn Minh đã cử một số tướng lãnh và cựu tướng lãnh giữ các chức vụ trọng yếu: Trung tướng Vĩnh Lộc giữ chức Tổng Tham mưu trưởng; Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn tướng, đã về hưu từ tháng4/1974, làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng; cựu Thiếu tướng Lâm Văn Phát, được cử làm Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô; chuẩn tướng Lê Văn Thân, nguyên Tư lệnh phó Quân khu 2,làm Tư lệnh phó phụ giúp Tướng Phát; Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Công binh, Thứ trưởng Định cư trong Nội các Nguyễn Bá Cẩn, giữ chức Tổng cụctrưởng Tiếp vận.
Sau khi nhận chức Tổng tham mưu trưởng, chiều 29/4/1975, Trung tướng Vĩnh Lộc đã triệu tập một cuộc họp với các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp đang còn ở lại Sài Gòn tại phòng họp bộ Tổng Tham Mưu và yêu cầu “mọi người đừng bỏ đi, hãy ở lại để làm việc vớitất cả trách nhiệm”.
* Trận chiến tại các cửa ngõ vào Sài Gòn:
Tại phòng tuyến Củ Chi, tối 29/4/1975, toàn bộ quân trú phòng và bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh mở đường máu về Hóc Môn. Riêng Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn và một Thượng sĩ cận vệ tên Ngọc đã phải thay nhau làm khinh binh với chiến thuật cá nhân để thoát khỏi vòng vây của Cộng quân. Cuối cùng vị tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh bị lọt vào tay địch khi ông và người cận về gần đến Hóc Môn.
Tại mặt Nam của Sài Gòn, ngay từ ngày 28/4/1975, bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô không còn quân trừ bị để giải tỏa áp lực của Cộng quân. Một liên đoàn Biệt động quân đang hành quân dọc theo quốc lộ 4 phía nam Bến Tranh đã được điều động về quận lỵ Cần Đước theo liên tỉnh lộ 5A vào buổi trưa và đặt dưới quyền điều động của bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Liên tỉnh lộ nối liền Chợ Lớn và Cần Đước cũng bị cắt nhiều đoạn nên các lực lượng VNCH không thể phá vỡ được các chốt chận của Cộng quân tại cầu Nhị Thiên Đường (khu vực này bị Cộng quân chiếm từ rạng sáng ngày 29/4/1975).
Trong khi trận chiến xảy ra tại nhiều nơi thì kho đạn Thành Tuy Hạ lại bị pháo kích nặng nề nên phát nổ nhiều nơi. Hệ thống truyền tin liên lạc với bộ chỉ huy Kho đạn bị mất vào lúc 1 giờ chiều. Xe tăng Cộng quân xuất hiện tại Cát Lái và bắn vào cầu tàu chất đạn chưa được bốc dỡ.
Tại cụm phòng tuyến khu vực từ ngã tư Quân Vận (gần trung tâm huấn luyện Quang Trung) đến cầu Tham Lươn Bà Quẹo; Bình Thới-Ngã ba Bà Quẹo; Bảy Hiền-Lăng Cha Cả, đơn vị Nhảy Dù phòng ngự tại đây đã nỗ lực ngăn chận Cộng quân... Những người lính Dù không hề nao núng, bình tĩnh chuẩn bị cho trận đánh giờ thứ 25.
Tại vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu, một chiến đoàn thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù do thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy đã dàn quân chận địch, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng, chiến đoàn này đã bắn cháy 6 chiến xa Cộng quân và nỗ lực đánh bật địch ra khỏi trận địa.
* Những trận đánh trước giờ G…
Từ sáng sớm ngày 30 tháng 4, tại các mặt trận quanh Sài Gòn và Biên Hòa, các đơn vị của Sư đoàn 5BB, Sư đoàn 18BB, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các đơn vị Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân… đều đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến để chận đánh Cộng quân. Tại bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Thiếu tướng Lâm Văn Phát từ sáng sớm đã dùng trực thăng bay quan sát tình hình, vừa đáp xuống bộ Tư lệnh ông gọi máy liên lạc với Chuẩn tướng Tần, sĩ quan cao cấp nhất của Không quân vào lúc đó. Tướng Phát yêu cầu Tướng Tần cho các phi tuần khu trục liên tục oanh kích Cộng quân đang chuyển quân dọc theo con đường từ ngả tư Bảy Hiền lên đến Hóc Môn.
Trong khi các đơn vị VNCH đang nỗ lực đẩy lùi Cộng quân ra khỏi bộ Tổng tham mưu, thì vào 10 giờ 15 phút, tân Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngưng chiến. Trước đó vài phút, chiến đoàn Biệt Cách Dù đang tung các đợt phản công để đánh bật địch quanh vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu. Khi nhận được lệnh ngưng bắn, Thiếu tá Phạm Châu Tài, chiến đoàn trưởng Biệt Cách Dù đã lấy xe jeep vào Bộ Tổng Tham Mưu, ông được anh em binh sĩ gác cổng cho biết là Trung tướng Vĩnh Lộc, Tân Tổng Tham mưu trưởng, đã ra đi lúc 6 giờ sáng, tất cả tướng lãnh và các đại tá đã họp với Thiếu tá Tài về kế hoạch phòng thủ Tổng hành dinh bộ Tổng Tham mưu trong đêm 29/4/1975, cũng không còn ai.
Trước tình hình đó, Thiếu tá Tài đã bốc điện thoại quay số gọi về văn phòng Tổng Tổng phủ, gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở đầu giây. Ông Hạnh hỏi Thiếu tá Tài là ai? Vị chiến đoàn trưởng đã trả lời: “Tôi là chiến đoàn trưởng Biệt cách Nhảy Dù đang trách nhiệm bảo vệ bộ Tổng tham mưu, tôi xin được gặp Tổng thống”... Vài giây sau, thiếu tá Tài nghe tiến ông Dương Văn Minh nói ở đầu máy: “Đại tướng Dương Văn Minh nghe đây, có chuyện gì đó?” Thiếu tá Tài trình bày: “Tôi đang chỉ huy cánh quân tử chiến với Cộng quân ở Bộ Tổng Tham mưu thì có lệnh ngưng bắn, nhưng Cộng quân vẫn tiến vào, tôi đã liên lạc với bộ Tổng Tham mưu nhưng không có ai, nên muốn nói chuyện với Tổng thống là Tổng Tư lệnh Tối cao của Quân đội để xin quyết định.” Tướng Minh trả lời: “Các em chuẩn bị bàn giao đi!”. Thiếu tá Tài ngạc nhiên hỏi lại: “Bàn giao là như thế nào thưa Đại tướng, có phải là đầu hàng không?”, Tướng Minh đáp: Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng Việt Cộng đang tiến vào Dinh Độc Lập. Nghe tướng Minh cho biết như vậy, Thiếu tá Tài nói ngay: “Nếu xe tăng Việt Cộng tiến vào dinh Độc Lập, chúng tôi sẽ đến cứu Tổng thống”. Tướng Minh suy nghĩ, Thiếu tá Tài nói tiếp: “Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước 2 ngàn cảm tử quân đang tử chiến với Cộng quân ở bộ Tổng tham mưu...” Tướng Minh trả lời: “Tùy các anh em”.
Theo lời Thiếu tá Tài, sau này, khi bị CQ giam trong trại tù, ông đã găp trung tá Võ Ngọc Lan, Liên đoàn trưởng Liên đoàn phòng vệ Tổng thống Phủ. Trung tá Lan nói với Thiếu tá Tài: “Lúc đó, moa đứng cạnh ông tướng Minh, moa nghe toa nói vào cứu Tổng thống”. Thiếu tá Tài giải thích: “Tổng thống là vị lãnh đạo tối cao của Quân lực, phải cứu ông ra để có người chỉ huy Quân đội”.
Tài Liệu Đặc Biệt: Mật Trình Của Tướng Weyand & Tài Liệu Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Vương Hồng Anh
* Từ chuyến viếng thăm VN của Đại tướng Weyand, đến cái chết bí ẩn của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó hành quân Quân đoàn 3, ngày 8-4-1975.
Như đã trình bày, vào tuần lễ cuối cùng của tháng 3/1975, Tổng thống Ford đã cử Đại tướng Frederick C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đến Việt Nam để tìm hiểu tình hình. Đại tướng Weyand là một vị tướng đã từng phục vụ ở chiến trường Việt Nam qua nhiều chức vụ khác nhau: Tư lệnh Sư đoàn 25 Hoa Kỳ, Tư lệnh Bộ chỉ huy tiền phương Lực lượng 2 đặc nhiệm, Tư lệnh phó bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam (tư lệnh là Đaị tướng Creighton W. Abrams), sau cùng là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Yểm trợ Hoa Kỳ (MACV).
Đại tướng Weyan đã thăm và tìm hiểu tình hình VN từ ngày 28/3/1975 đến ngày 4/4/1975. Trở về Mỹ, ông đã làm một phúc trình đặc biệt lên Tổng thống Ford về tình hình VN và những đề nghị khẩn cấp để cứu nguy VNCH.
Bốn ngày sau khi Đại tướng Weyand rời VN, vào ngày 8 tháng 4/1975, trong khi Cộng quân khai triển lực lượng để mở cuộc tấn công vào Long Khánh, thì tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó Quân đoàn 3, đã chết một cách bí ẩn ngay tại văn phòng. Những người gần văn phòng của Tướng Hiếu nghe 1 tiếng súng nổ, 1 đại tá chạy qua thì thấy Tướng Hiếu nằm bất động trên chiếc ghế bành bàn giấy. Một giòng máu tươi chảy chan hoà xuống mặt và ngực. Một viên đạn đã xuyên qua trán đi thẳng lên óc. Viên đạn này còn trớn bay lên trần nhà, soi thủng một lỗ.
*Tập tài liệu đặc biệt “Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu”, và những bí mật về những phúc trình của Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, và của Đặc sứ Tổng thống Mỹ.
30 năm sau ngày VNCH bị bức tử, những bí ẩn về cái chết của Tướng Nguyễn Văn Hiếu, từng là Phụ tá Phó Tổng tổng thống VNCH Trần Văn Hương đặc trách bài trừ tham nhũng, cùng những tài liệu mật về những phúc trình của Đại sứ Bunker, của các tướng lãnh Mỹ, đã được công bố qua tập tài liệu: “Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Một viên ngọc quân sự ẩn tàng”, dày 546 trang, khổ giấy lớn, do ông Nguyễn Văn Tín, em ruột của Tướng Hiếu, sưu tầm và biên soạn với tất cả tấm lòng của một người em đối với người anh được đồng đội vinh danh là “dũng tướng”. Tập tài liệu vừa được phát hành vào cuối tháng 4/1975. Theo ghi nhận của một số cựu sĩ quan cao cấp và cựu viên chức Chính phủ VNCH, đây là tập tài liệu có giá trị về phương diện lịch sử và chiến sử với những bài viết, tài liệu về các cuộc hành quân lớn trên chiến trường VN, về sự tham chiến của Hoa Kỳ tại VN, về thực trạng chính trị xã hội VN, thông qua đời binh nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu từ khi theo học khóa 3 sĩ quan hiện dịch trường Võ bị Liên quân Đà Lạt năm 1950 cho đến tháng 4/1975 qua các chức vụ: sĩ quan phòng 3 Bộ Tổng tham mưu, Trưởng phòng Quân đoàn 1, Tham mưu trưởng Sư đoàn 1 Bộ binh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Tư lệnh Sư đoàn 22, Tư lệnh 5 Bộ binh, Tư lệnh phó Quân đoàn 1, Phụ tá Phó Tổng thống đặc trách bài trừ tham nhũng, và chức vụ cuối cùng là Tư lệnh phó đặc trách hành quân của Quân đoàn 3. (Bạn đọc muốn mua tập tài liệu này, xin liên lạc với Tin Nguyen, 1144 Simpson Street, Bronx, NY 10459, điện thư: tinvnguyen@generalhieu.com)
*Báo cáo lượng định tình hình VNCH của Đại tướng Weyand đệ trình lên Tổng thống Ford 
Trở lại chuyến thị sát tình hình VN của Tướng Weyand, sau khi trở về Mỹ, vị đại tướng này đã làm phúc tình lên Tổng thống Ford. Phúc trình này đã được dịch và phổ biến trong tập tài liệu ” Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu” (trang 315-328). Sau đây là những điểm chính của bản phúc trình mà Đại tướng Weyand đệ trình lên Tổng thống.
-Phần mở đầu, Đại tướng Weyand viết như sau:
“Vâng theo chỉ thị của Tổng Thống, tôi đã viếng thăm Nam Việt Nam trong thời gian từ 28/3 đến 4/4. Tôi đã hoàn tất công việc lượng định tình hình hiện tại đó, đã phân tách Chính Phủ Cộng Hòa Việt Nam có những dự tính nào để phản công sự gây hấn từ phía Bắc Việt, đã cam kết với Tổng Thống Thiệu sự hỗ trợ kiên trì của Tổng Thống trong thời gian khủng hoảng này, và đã kiểm điểm các lựa chọn và các đường lối hành động mà Hoa Kỳ có thể thi hành để trợ giúp Nam Việt Nam.”
“Tình hình quân sự hiện tại đang lâm vào tình trạng gây cấn, và sự tồn tại của Nam Việt Nam trong tư thế một quốc gia đứt đoạn tại các tỉnh phía nam thật là mong manh. Chính Phủ Nam VN đang bên bờ vực thẳm của một sự thất bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, Nam Việt Nam dự tính tiếp tục chống cự với phương tiện có trong tay, và, nếu được phép dưỡng thở, có thể tái tạo khả năng chiến đấu tùy thuộc vào sự yểm trợ chiến cụ về phía Hoa Kỳ cho phép. Tôi xác tín là chúng ta có bổn phận phải hiến sự hỗ trợ này cho họ.”
“Chúng ta đã tới Việt Nam, trước tiên là để hỗ trợ nhân dân Nam Việt Nam,-chứ không phải để đánh bại Bắc Việt. Chúng ta đã chìa bàn tay ra cho nhân dân Nam Việt Nam, và họ đã nắm lấy bàn tay ấy... Giờ đây họ cần tới bàn tay đó hơn bao giờ hết. Bằng mọi giá chúng ta đã trợ giúp cho 20 triệu người. Họ đã nói với cả thế giới là họ lo sợ cho tính mạng của họ. Họ là những người ưa chuộng các giá trị trùng hợp với các giá trị của các hệ thống không cộng sản, họ tha thiết đeo đuổi cơ hội tiếp tục phát triển một lối sống khác lối sống của những người hiện sống dưới ách Bắc Việt.”
-Về phần viện trợ, Đại tướng Weyand ghi nhận
“Mức độ yểm trợ hiện tại của Hoa Kỳ bảo đảm cho sự thất bại của Chính Phủ Nam VN. Trong số 700 triệu mỹ kim cho tài khóa 1975, số còn lại 150 triệu mỹ kim có thể xử dụng trong một thời gian ngắn cho một cuộc tiếp tế qui mô; tuy nhiên, nếu muốn đạt được một cơ may thành công thật sự, cần có lập tức thêm 722 triệu mỹ kim để đưa Nam Việt Nam tới một thế phòng thủ tối thiểu chống lại sự xâm chiếm được Nga và Tàu hỗ trợ. Sự viện trợ bổ túc này của Hoa Kỳ hợp với tinh thần và ý định của Hiệp Định Ba Lê. Hiệp Định này vẫn là phương thức thực tiễn làm việc cho một sự thỏa hiệp ôn hòa tại Việt Nam.”
“Việc xử dụng hỏa lực không quân Hoa Kỳ để tăng cường khả năng Nam Việt Nam chống lại sự xâm chiếm của Bắc Việt sẽ đem lại sự hỗ trợ cả trên hai bình diện chiến cụ và tâm lý đối với Chính Phủ Nam VN và đồng thời sẽ đem lại một thế trì hoãn cần thiết trên chiến trường. Tuy nhiên tôi nhìn nhận những phiền phức khả quan về mặt pháp lý và chính trị nếu thi hành chọn lựa này.”
-Về kế hoạch di tản, Đại tướng Weyand đề nghị
“Xét về mặt biến chuyển nhanh chóng của các biến cố, Tổng Thống cần phải quan tâm tới một vấn đề khác. Dựa trên các lý do thận trọng, Hoa Kỳ phải có ngay bây giờ một kế hoạch di tản đại qui mô 6 ngàn kiều dân Mỹ và hàng vạn người Nam Việt Nam và Đệ Tam Quốc Gia mà chúng ta có bổn phận phải bảo vệ. Bài học tại Đà Nẵng cho thấy công việc di tản này đòi hỏi tối thiểu một chiến đoàn Hoa Kỳ của một sư đoàn tăng cường yểm trợ bởi không lực tác chiến để dập tan pháo binh và hỏa lực phòng của Bắc Việt. Khi tình thế đòi hỏi, một lời xác định công khai về chính sách này phải được công bố và Bắc Việt phải được cảnh cáo một cách rõ ràng : về ý định của Hoa Kỳ sẽ dùng tới vũ lực để bảo toàn tính mạng của các người được di tản. Hành Pháp phải được Quốc Hội cho toàn quyền xử dụng các hình phạt quân sự chống lại Bắc Việt nếu họ cản trở công cuộc di tản.”
“Thế giới đánh giá sự trung tín của Hoa Kỳ trên tư cách một đồng minh tại Việt Nam. Để duy trì sự tin tưởng đó, chúng ta phải thực hiện một nỗ lực tối đa trong việc hỗ trợ cho Nam Việt Nam ngay bây giờ.”
-Về vai trò và các lựa chọn hành động của Hoa Kỳ, Đại tướng Weyand đề nghị và phân tích như sau:
“Điều gì Hoa Kỳ làm, hay không làm, trong những ngày tới có lẽ là yếu tố định đoạt cho những biến cố xảy ra trong mấy tuần tới; điều này cũng đúng đối với điều gì Sàigòn hay Hànội làm hay không làm. Một mình Hoa Kỳ không thể cứu vãn Nam Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ có thể, cho dù có vô tình đi nữa, xô đẩy Nam Việt Nam xuống hố chôn.”
“Đề nghị cụ thể của tôi có thể được phân thành hai loại. Có những hành động ngắn hạn–một phần về mặt thể lý nhưng chính yếu về mặt tâm lý–cần để nâng tinh thần Nam Việt Nam và, nếu có thể, ép buộc đình trệ hành động. Điều này chỉ mua được thời giờ, nhưng trong tình thế hiện tại thời giờ là điều tối cần. Thứ đến, có những hành động dài hạn, tuy mang tính chất vật chất nhưng cũng có khía cạnh tâm lý mạnh mẽ, cần thiết nếu muốn Nam Việt Nam có tí hy vọng tồn tại trước sự tàn phá của Bắc Việt hay thương thảo một hiệp ước khác hơn là đầu hàng.”
“Điều kiện tiên quyết và cấp bách là Việt Nam cảm thấy Hoa Kỳ ủng hộ. Cảm quan này quan trọng về mọi mặt. Cảm quan Hoa Kỳ giảm thiểu ủng hộ Nam Việt Nam khuyến khích Bắc Việt tiếp tục tấn công. Chính cảm quan này đã khiến Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu triệt thoái khỏi các vị trí lẻ tẻ và lộ liễu tại các tỉnh phía bắc. Cảm quan này được cấu tạo bởi các hành động sau đây: Ngay sau khi ký kết Hiệp Định Ba Lê, 1.6 tỷ mỹ kim được đệ trình để cung ứng cho nhu cầu của Nam Việt Nam cho tài khóa 1974; 1.126 tỷ mỹ kim được xuất ra–thanh thỏa 70% nhu cầu. Tiếp sau đó 500 triệu mỹ kim còn lại bị từ khước không được tháo khoán. Đối với tài khóa năm nay, 1.6 tỷ được đệ trình để duy trì khả năng tự vệ của Nam Việt Nam; 700 triệu được chấp thuận–thanh thỏa 44 nhu cầu. Những hành động này đã giúp khai sinh khủng hoảng tin tưởng khiến Chính Phủ Nam VN dùng tới biện pháp triệt thoái chiến lược.”

“Điều then chốt cho sự tồn tại sống còn của quốc gia Việt Nam nằm trong khả năng của Chính Phủ NVN ổn định tình thế, và đem các nguồn lực quân sự chống đối lại sức tấn công của Bắc Việt. Khả năng ổn định tình thế này tùy thuộc, một phần lớn, vào khả năng thuyết phục hạ tầng giới quân nhân và dân sự là chưa đến nỗi mất tất cả, và còn có thể chận đứng Bắc Việt. Tuy đó là trách vụ chính của Chính Phủ Việt Nam, các hành động về phía Hoa Kỳ mang tính chất quyết liệt trong việc tái tạo niềm tin.”
“Hành động mà Hoa Kỳ có thể làm để gây nên ấn tượng tức khắc cho Việt Nam–Bắc lẫn Nam–là dùng không lực Hoa Kỳ để chận đứng thế tấn công hiện tại của Băc Quân. Cho dù chỉ giới hạn trên phần đất Nam Việt Nam và chỉ thực hiện trong một thời gian giới hạn, những tấn công này sẽ gây tổn thất lớn lao cho lực lượng viễn chinh Bắc Việt về mặt nhân sự và quân cụ, và sẽ tạo một chấn động về mặt tâm lý đối với các chiến binh xâm lăng. Những tấn công không tập này cũng sẽ khiến giới lãnh đạo Hànội phải đắn đo suy nghĩ, thái độ mà hiện giờ họ không có, đến hậu quả tai hại có thể xảy đến nếu họ làm ngơ lời cam kết chính thức họ đã hứa với Hoa Kỳ.”

“Giới lãnh đạo quân sự Nam Việt Nam thuộc mọi cấp bậc đều luôn lập đi lập lại tầm mức quan trọng của sử dụng B-52 phản công chống lại một lực lượng địch to lớn hơn và quan điểm này hợp lý về mặt quân sự. Tôi ý thức đến các khó khăn về mặt pháp lý và chính trị gây nên bởi việc thi hành biện pháp không tập này.”

“Một việc quan trọng mà Hoa Kỳ cần phải làm là xác định cách rõ ràng Hoa Kỳ quyết tâm ủng hộ Nam Việt Nam. Việc này phải bao gồm lời minh định tích cực của Tổng Thống và các giới chức cao cấp Mỹ. Tinh thần suy sụp của dân chúng Việt Nam đã hứng khởi lên rõ rệt khi phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng Thống phái đi với nhiệm vụ điều tra tình hình đặt chân tới Sàigòn. Có thêm những hành động tương tợ như vậy sẽ minh chứng mối quan tâm của Hoa Kỳ. Cộng thêm vào các lời xác định của Ngành Hành Pháp, cần thêm nỗ lực tạo một mối quan tâm chung tại mọi lãnh vực trên đất Hoa Kỳ. Sự ủng hộ từ các thành viên của Quốc Hội; xác định lập trường ủng hộ từ các nhân vật có trọng trách trong và ngoài chính phủ; và sự thông cảm trong giới báo chí Hoa Kỳ sẽ cải biến cảm quan về phía Hoa Kỳ liên quan đến tình hình tại Việt Nam.”