Wednesday, 24 April 2019

Ông bác sĩ và bộ sưu tập cổ vật Việt Nam đồ sộ ở Mỹ - Ngọc Lan/Người Việt

Một góc phòng khách tại tư gia Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, nơi có chiếc trống đồng Đông Sơn “gọi mưa” với chu vi 1.15 mét, cùng chuông đồng, các bình gốm sứ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
SANTA ANA, California (NV) – Gần 40 năm thu nhặt cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam, đến nay trong tay ông là cả một bảo tàng đồ cổ Việt Nam ngay tại nhà riêng của mình ở thành phố Santa Ana. Đặc biệt, theo ông, quý nhất trong các cổ vật này là những chiếc trống đồng Đông Sơn.
Vậy nhưng, ông tâm sự, “Đời sống con người thì ngắn ngủi, trong khi những món đồ ở đây đã tồn tại 2,000 đến 3,000 năm. Cho nên, tôi chỉ là người giữ món đồ của ông bà mình để lại trong một thời gian ngắn, rồi nó sẽ sang tay người khác. Có thể tôi sẽ tặng bộ sưu tập này cho một cơ quan nào đó để họ tiếp tục gìn giữ, chứ nhất thiết tôi không có nhu cầu bán lại.”
Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn bên bộ sưu tập cổ vật Việt Nam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ông là Kiều Quang Chẩn, người được biết đến không chỉ trong vai trò của một bác sĩ gây mê tại bệnh viện Fountain Vallley, mà ông còn là một võ sư Taekwondo 5 đẳng, một cựu đại úy y sĩ Tiểu Đoàn I Nhảy Dù VNCH.
Nhớ quê hương, khắc khoải về cội nguồn 
Bước chân vào cửa chính ngôi nhà nằm ngay góc đường được những hàng cây cổ thụ che phủ, người ta có cảm giác lạc ngay vào một gian trưng bày nào đó ở bảo tàng viện.
Nơi góc trái phòng khách, chễm chệ một chiếc trống đồng lớn, với chu vi mặt trống hơn 1 mét. Ngay bên phải chiếc trống là kệ treo chiếc chuông đồng cũng bao phủ một màu xanh thời gian. Bên trái là chiếc độc bình vừa phải bằng sứ trắng với những hình hoa lá và đào tiên. Một chiếc tủ kính bên trong trưng bày nhiều món nữ trang cổ, có cả một chiếc vòng cẩm thạch màu hoa lý đã bị bể một khúc.
Ở một góc khác, lại có những chiếc bình Lý hoa nâu. Những chiếc đĩa lớn bằng sứ to như nắp lu. Những chiếc khạp đồng, khạp sứ. Những chiếc bình rượu đủ hình đủ dáng. Và lại trống đồng. Chiếc trống đồng Đông Sơn được cho là còn hoàn hảo nhất trong số những chiếc được đào lên từ thuở nào. Cũng phủ một lớp ten đồng, xanh màu cẩm thạch.
Mặt khắc của một chiếc trống đồng Đông Sơn và quyển sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” mà Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn mất 10 năm biên soạn, sẽ ra mắt vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, 2019, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Sau năm 1975, khi mình bỏ nước ra đi, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở, tâm trạng không bao giờ còn có cơ hội trở về quê nhà nữa đeo bám, cùng nỗi thắc mắc về nguồn gốc dân tộc Việt Nam của mình, đã khiến tôi đi gom góp tất cả những gì mình nghĩ là của Việt Nam, từ những đồng tiền xu, tiền giấy, tiền từ thời Minh Mạng, Tự Đức, tất cả những gì liên quan đến Việt Nam thì tôi thu thập hết,” Bác Sĩ Chẩn bắt đầu câu chuyện.
Ông mua những đồng tiền xu cổ do những người lính Mỹ đi đánh trận ở Việt Nam thu thập mang về bán cho những tiệm bán tiền cổ.
Ông mua đồ gốm được bày bán với giá rẻ ở Pháp, từ Paris cho tới những tỉnh nhỏ – những món đồ theo ông là do các quan lại người Pháp từng sang Việt Nam đô hộ thấy đẹp mua về, nhưng giờ con cháu họ không dùng tới nữa.
Ông mua được rất nhiều trống đồng Đông Sơn khi ông đi Đông Nam Á, từ Hồng Kông cho đến Thái Lan.
“Phải tiết lộ thêm, khi Việt Nam bắt đầu do nhà nước Cộng Sản cầm quyền thì Bangkok đã thiết lập bang giao với Hà Nội. Ngay lập tức, những tay buôn Thái Lan nhảy qua Việt Nam để mua những món đồ quý giá của Việt Nam và đem về nước họ bằng các vali ngoại giao mà không bị khám xét. Chính những tay buôn đó có được những chiếc trống đồng quý giá của Việt Nam, và đó cũng là lý do vì sao mình có thể mua được nhiều trống đồng Việt Nam,” ông giải thích.
Và, cứ thế, theo ông, “Từng cái một, từng cái một, từ từ trở thành bộ sưu tập.”
Trống Đông Sơn tiêu biểu nhất cho thời đại đồ đồng Việt Nam 
Trống đồng Đông Sơn là bộ sưu tập mà ông ưng ý và chú trọng nhất, bởi, như ông nói, “Tôi chú trọng nhất là đồ đồng Đông Sơn, vì nó nói cho mình biết vào thời đại mà mình gọi là Vua Hùng, mình đã có nền văn minh như thế nào.”
Nhắc đến trống đồng Đông Sơn, ông Kiều Quang Chẩn như được “gõ” đúng ngay niềm đam mê bất tận của mình, để ông có thể nói về nó một cách say sưa, không dứt.
“Gọi là trống đồng Đông Sơn bởi vì nó được làm ra tại làng Đông Sơn ở tỉnh Thanh Hóa vào thời đại Vua Hùng. Trống Đông Sơn có những quy luật mà các học giả ngoại quốc đặt cho nền văn minh của mình là văn minh Đông Sơn, mà trống Đông Sơn là vật tiêu biểu của nền văn minh đó. Trống Đông Sơn có đặc điểm mà các học giả ngoại quốc đều công nhận là có một ngôi sao ở giữa và có ít nhất một con chim bay ngược chiều kim đồng hồ,” ông dẫn giải.
Chỉ vào chiếc trống lớn, bên trên mặt trống còn có một vài con cóc, ông giải thích, “Dân gian mình có câu ‘con cóc là cậu ông Trời,’ đó là lý do vì sao có trống đồng gọi là ‘rain drum’ tức là trống cầu mưa, trống đánh lên nghe như tiếng cóc kêu thì trời cho mưa xuống cho dân làng được mùa. Trống còn là một khí cụ âm nhạc, được đánh lên mừng lễ hội, mừng khải hoàn, hoặc trống trận thúc quân ra trận, hoặc một ngày buồn thảm tiếng trống trầm buồn cũng được gõ lên tiêu biểu cho một cái đám ma.”
Theo ông, người đã bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu về văn minh Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn, thì “Các bộ tộc Đông Nam Á đều sản xuất trống Đông Sơn, nhưng người ta tìm thấy ở Việt Nam nhiều nhất, những trống đẹp nhất, to nhất. Điều đó chính tỏ các bộ tộc ở Bắc Việt đã có một nền văn minh hơn tất cả các bộ tộc khác ở miền Nam Trung hoa, nếu dựa vào đồ đồng, cũng như ngày nay, quốc gia nào làm được vệ tinh, hỏa tiễn, máy bay, tàu ngầm nhiều nhất thì nước đó là văn minh nhất. Thì vào thời đại đồ đồng, trống là tiêu biểu nhất cho kỹ nghệ đồ đồng, ai làm nhiều trống đẹp nhất, to nhất thì người đó là văn minh nhất, đơn giản vậy thôi.”
“Trống Đông Sơn quý vì nó tiêu biểu nhất cho thời đại đồ đồng Việt Nam,” ông đúc kết một cách ngắn gọn.
Một điều khá thú vị mà ông Kiều Quang Chẩn cho biết, đó là, “Chiếc trống đồng Đông Sơn lớn nhất có đường kính 1.5 mét hiện giờ đang ở một viện bảo tàng tư nhân của Pháp.”
Còn chiếc 1.15 mét ở nhà ông có thể xem cũng là một trong những chiếc có hạng trên thế giới.
Ngôi nhà cổ ba gian hai chái được mang về từ làng Quỳnh Lưu, Nghệ An, đặt trong sân sau nhà ông Kiều Quang Chẩn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Với ông, điều khiến ông cảm thấy hãnh diện nhất khi nhìn lại những gì mình thu thập được trong mấy mươi năm qua chính là ông “có thể nhìn rõ về lịch sử của ông bà mình.”
“Và mình có quyền tự hào rằng đồ đồng Bắc Việt mình thời xưa hơn đồ đồng của bất cứ nơi nào trên Đông Nam Á. Bất cứ ai cũng có quyền hãnh diện về điều đó. Chính vì vậy chúng ta mới gọi đó là sức sống Đông Sơn,” ông khẳng định.
Vui buồn thu nhặt cổ vật quê hương 
Sau đồ đồng, thì đồ gốm cũng là niềm đam mê của ông, mặc dù ông tâm sự, “Đây là những món so với gốm sứ đồ Tàu thì không bằng, nhưng trong lòng mình thì nhìn những món đồ đó mình thấy thương ông bà cha mẹ. Người ta nói sưu tập đồ Trung Hoa là sưu tập bằng con mắt. Còn sưu tập đồ gốm Việt Nam là sưu tập bằng trái tim. Vì tự dưng nhìn món đồ mình sẽ trỗi dậy niềm cảm thương ông bà mình, nên mình thấy nó đẹp, ví như bà mẹ sanh ra đứa con, có thể nó không phải là đẹp nhất, nhưng trong mắt mình thì nó đẹp vô cùng. Mình nhìn đồ gốm Việt Nam cũng bằng con mắt ấy, vì thương nên thấy nó đẹp.”
Tuy nhiên, ông cho rằng việc sưu tập đồ cổ không phải là hiện tượng “chảy máu đồ cổ.” “Nếu mình tìm thấy những món đồ cổ của Việt Nam ở đây đó trên thế giới thì mình không nên buồn mà phải tự hào,” ông nói.
Theo ông, “Mình nhìn thấy đồ cổ Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia thì cũng giống như khi mình đi đây đó khắp nơi trên thế giới, đều thấy có trưng bày đồ đồng, đồ gốm, đồ sứ Trung Hoa. Đến một viện bảo tàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, mình có thể thấy những đồ gốm Việt Nam quý giá nhất nằm ở đó, là vì thời đó người mình đã xuất cảng đồ gốm sang bên đó một cách chính thức.”
“Trong phòng này có nhiều món đồ được tìm thấy trên một con tàu đắm trong hành trình đang đi tới các nước Trung Đông. Chúng tôi có những món đồ tiêu biểu mà ông bà mình đã xuất cảng sang Nhật để dùng trong trà đạo như những lu nước, những chén uống trà vào mùa Đông, những chén uống trà vào mùa Hè,” ông cho hay.
Là người có đam mê đi tìm cổ vật, ông cho rằng, “Cái gì hiếm thì nó quý, mà cái gì quý thì đắt tiền,” và “giá trị của mỗi món đồ là vô chừng.”
Ông kể, những món đồ ông đặt trong phòng khách này đều là những món ông ưng ý nhất. Đó là chưa kể, những món quý, quan trọng, ông đã đem cho viện bảo tàng mượn. “Viện Bảo Tàng Âm Nhạc ở Phoenix, Arizona, đang mượn 15 món đồ của tôi trong thời gian 10 năm, trong đó có những trống đồng Đông Sơn,” ông nói.
Với một bảo tàng đồ cổ Việt Nam ngay tại nhà riêng, không những ông “muốn tặng bộ sưu tập này cho một cơ quan nào đó để họ tiếp tục gìn giữ” mà ông còn nghĩ đến chuyện sẽ tặng lại những món đồ này lại nơi nguồn gốc của nó, với điều kiện “nếu có một sự thay đổi!” (Ngọc Lan)
Trong 30 năm đeo đuổi tìm hiểu trống đồng Đông Sơn, và mất gần 10 năm để biên soạn quyển “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn,” Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn sẽ trình làng tác phẩm kỳ công này của ông vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, 2019, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.
—–
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com