Wednesday, 24 April 2019

Ngự Thuyết - 30-04-75

1975 – 2015. 40 năm đã trôi qua! Đối với đời người, đó là một thời gian dài. Biết bao nhiêu chuyện đã xẩy ra, thử nhìn lại quãng thời gian đằng đẵng ấy, nhớ quên chồng chất lên nhau. Nhiều khi chuyện đáng nhớ lại quên, và ngược lại.
Nhưng thời thơ ấu thì nhớ lắm. Trí nhớ như những sợi dây mong manh bắt từ hiện tại nối vào quá khứ. Những sợi dây có khi bị đứt đoạn, có khi thẳng băng, có khi cuốn tròn, có khi thắt nút, có khi mòn mỏi phôi pha. Tôi thử tháo gỡ, phanh phui những vùng tối trong ký ức, cũng gặp được nhiều điều tưởng như đã rời bỏ tôi vĩnh viễn. Chẳng hạn vài ba câu hát thật xưa: “Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm ...”, “Nắng trên khóm cây, xuân sáng ngời ...”, “Đoàn niên thiếu ta, hát đùa vui suốt ngày ...” Cả mấy câu hát tiếng Bà Ngư (tiếng một bộ tộc người Thượng vùng Đà Lạt) cũng tình cờ hiện lên dù tôi không hiểu nghĩa, “Mạch non dù ni – Báng phí du xề non ...”,và cả hình ảnh thằng bé con ở trần, đóng khố, mặt bôi lọ nghẹ, hai tay chống nạnh, mông lắc, vừa co ro bước vì trời lạnh quá vừa hát mấy câu trên theo tiếng vỗ tay của thầy dạy Nhạc. Thời thơ ấu đẹp. Oái ăm thay, đấy cũng là thời gian ách đô hộ tàn bạo của Pháp đè nặng. Về sau, trừ mấy năm thanh bình ngắn ngủi sau khi đất nước chia đôi và khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chưa ra đời, với tôi, với thế hệ chúng tôi, toàn là những ngày máu lửa, chém giết, hận thù.


Bây giờ thử nhớ lại những ngày của Tháng Tư 40 năm về trước. Quả đấy là biến cố trọng đại nhất trong đời tôi, nó để lại những dấu ấn rất đậm nét. Quá khứ dần dần hiện ra, có lúc nó xuất hiện nguyên vẹn như ký ức về thời thơ ấu.
Trước kia tôi dạy học. Theo lệnh động viên, tôi nhập ngũ, được dạy tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội, Sài Gòn sau một kỳ thi tuyển. Sau bốn năm, được giải ngũ, làm việc cho Công Ty Dầu Hỏa Esso. Rồi tái ngũ, phục vụ tại Phòng Dịch Thuật Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Được Esso xin biệt phái ngoại ngạch, làm việc tại đó cho đến khi Miền Nam thất thủ.
Chiến tranh càng tiến gần Sài Gòn, nhân viên người Mỹ tại Esso càng giảm dần. Một vài người Việt cũng bỏ đi. Có một bạn đồng nghiệp, NTK, trước kia du học tại Úc, mua tàu nhỏ tìm cách trốn khỏi Việt Nam để đi Úc ngay từ đầu tháng Tư, 1975. Có lẽ đấy là thuyền nhân đầu tiên của Việt Nam. Đó là lúc Vùng I, Vùng II chiến thuật đã mất gần hết, Nha Trang gần như bỏ ngỏ, Quân Cảng Cam Ranh rúng động. Dân chúng trốn Cộng Sản tìm đường vào Nam bằng mọi cách. Có người liều mạng đu vào cần trực thăng đang cất cánh, có người lén chui vào ngăn chứa bánh xe máy bay dân sự đã đầy nghẹt. Trên bộ thì xe cộ bò ngổn ngang đầy đường, ai không xe thì gồng gánh, bồng nách, cõng trên lưng, đeo lên vai, người tàn phế ngồi trên xe lăn, ùn ùn chạy. Ven biển thuyền bè và cả tàu Hải Quân chở đầy khẳm người tỵ nạn tuôn về Vũng Tàu. Trong cơn tuyệt vọng, một đơn vị nhỏ của Quân Đội đã nổi điên lên tàu bắn phá. 
Trước tình huống đó, F.K., phụ trách Trương Mục Quốc Tế (International Accounts Manager) của Esso tỏ vẻ rất ngạc nhiên, nhất là trường hợp NTK trốn đi Úc. Trong một lần chuyện trò, F.K. nói với tôi rằng người Việt với nhau cần gì phải lo sợ đến thế. Họ vào sẽ chung sống tử tế với người Miền Nam, sẽ dùng tôi, dùng những bạn tôi, như những chuyên gia. Anh ta là người Mỹ mới cần đi, nhưng sẽ không đi xa, có thể trở lại Việt Nam không lâu. Anh sắp bay qua Thái Lan và làm việc cho Esso bên đó. Rồi chúng ta lại liên lạc với nhau trên công việc như cũ, anh nói. Tôi nhớ F.K. có vợ người Thái Lan, có nuôi hai con chó to lớn lông đen nhánh. Anh nói thêm Bắc và Nam của nước Mỹ từng đánh nhau khốc liệt trong hơn bốn năm. Bắc thắng, sau đó cùng Nam hàn gắn những đổ vỡ.
Tôi cho rằng F.K. nói đùa, hay nói để trấn an chúng tôi. Mỗi chiến tranh mỗi khác, ai cũng biết, nhất là chiến tranh do người Cộng Sản chủ trương. Họ đánh để chiếm đoạt, để xây dựng một Việt Nam theo đường lối của họ mà chúng tôi không chấp nhận. Họ đã xây dựng những gì, hủy hoại những gì?
Những ngày của Tháng Tư, 1975! Lúc chiến tranh chưa kết thúc, dân tỵ nạn chạy về Nam. Khi Miền Nam thua trận, họ hết đường chạy. Trong một thời gian ngắn, thấy rằng không thể cùng tồn tại với Cộng Sản, một số xông vào rừng núi Cambốt, Lào, Thái để vượt biên giới, đại đa số thì  bồng bềnh chìm nổi trong những chiếc thuyền con ọp ẹp trên đại dương mênh mông để tới đâu thì tới, hoặc chết. Làm tôi liên tưởng một chuyện lạ về một đàn chuột ở Phi Châu. Một đàn chuột rất dài, dài đến cả ngàn mét, không hiểu vì lý do gì bỗng dưng bỏ nơi đang sinh sống kéo nhau đi. Vượt đồng bằng, vượt đèo, vượt suối. Cuối cùng hết đường, trước mặt là bờ vực, bên dưới bờ vực thăm thẳm là biển. Đàn chuột đói, khát, đầy thương tích vẫn không chịu dừng lại. Thế là rơi, rơi, rơi xuống biển. Cố gắng bơi. Đuối sức chìm nghỉm hoặc bị cá đớp. Những con đi sau vẫn tiếp tục theo bước chân những con đi trước. Cho đến khi tất cả đều “Làm Hôn Phối Với Đại Dương”. Số kiếp người tỵ nạn Việt Nam vượt biển cũng thê thảm như thế đấy. Theo ước tính của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, con số người thiệt mạng có thể lên đến trên 300 ngàn. Số người mất tích cũng đến mức đó. Những con số khủng khiếp!

30thang4-dao-4
Lại nhớ thỉnh thoảng có tin một chị A cần một loại máu hay tủy hiếm hoi gì đó để có thể thoát khỏi bàn tay của Tử Thần,hay một anh B trên một du thuyền đang bị sóng gió đánh chìm, thế là cả thế giới xôn xao, người hiến máu, hiến tuỷ đặc biệt, kẻ lái trực thăng, thuỷ phi cơ tới cấp cứu. Lại nghĩ đến hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam vùi thân xuống đáy biển, hay trong bụng cá, hay bị hải tặc tàn sát, loài người im lặng. Rồi bàng hoàng. Mãi đến năm 1979 Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cứu vớt thuyền nhân Việt Nam mới ra đời.
Thế Miền Bắc thắng trận hành xử ra sao? Thoạt đầu trong một chuyến công du tại Indonesia trả lời phỏng vấn, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng của họ gọi thuyền nhân là bọn đĩ điếm, lưu manh, chạy theo liếm gót Mỹ. Khi người tỵ nạn thành công ở nước ngoài gởi nhiều tiền của về giúp thân nhân đói khổ, rất có lợi cho nền kinh tế đang kiệt quệ của họ, họ thay đổi giọng điệu gọi đấy là khúc ruột ngoài ngàn dặm, là Việt kiều yêu nước, và những chuyến vượt biên, vượt biển được xưng tụng là cuộc di dân vĩ đại nhất chưa từng thấy trong lịch sử giống nòi. Đồng thời họ tìm cách phá hủy những dấu tích mà người tỵ nạn để lại trên một số đảo Nam Thái Bình Dương.

30thang4-dao-5
Rồi họ tung ra sách lược “Quên quá khứ, xoá bỏ hận thù, hoà giải hoà hợp dân tộc, chung sức xây dựng đất nước”. Nhưng đó là khẩu hiệu. Trên thực tế, lời nói không đi đôi với việc làm. Bạo lực luôn luôn được sử dụng để củng cố những gì họ đã chiếm đoạt, và trấn áp quyết liệt những đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Cho nên người bất đồng chính kiến, và Bên Thua Trận, nếu muốn, chỉ có thể tuân thủ mệnh lệnh để gia nhập, một hành vi đầu hàng, chứ không hề có chuyện hoà hợp, hoà giải. Và đấy cũng là lý do tại sao sau 40 năm Bên Thắng Trận không thống nhất được lòng dân. Tôi không muốn dùng nhóm chữ Bên Thắng Cuộc như có người đã gọi, vì thắng cuộc hàm ý đã giải quyết mọi vấn đề.
Chưa hết, họ có thể giỏi về mặt quân sự. Hoặc nhờ được hai nước Cộng Sản khổng lồ Liên Xô và Trung Quốc tận tình viện trợ, kể cả mang quân lính qua tiếp ứng như mới được tiết lộ, trong khi Miền Nam bị Đồng Minh bỏ rơi, nên họ giành chiến thắng. Tuy nhiên, trên những lãnh vực khác như kinh tế, giáo dục, văn học, nghệ thuật, văn hóa nói chung[1] Bên Bại Trận đều chiếm ưu thế. Đó là chưa nói đến những yếu tố khác không kém phần quan trọng: Miền Nam dân chủ hơn, nhân bản hơn, văn minh hơn. Người dở khó điều khiển người giỏi; một tập thể lạc hậu khó cai trị một tập thể tiến bộ. Cũng xin nói rõ rằng sở dĩ có sự chênh lệch hơn thua nói trên là do ở sự điều hành của guồng máy Cộng Sản tại Miền Bắc, chứ không phải do ở cá nhân con người Việt Nam. Vậy họ phải làm gì để bình định? Chỉ có cách rất thô bạo là bắt nhốt và đày đọa cả triệu người vào những trại tập trung nằm rải rác khắp núi rừng, quậy nát xã hội Miền Nam, gây mâu thuẫn và căm thù, tuyên truyền lừa gạt, dối trá, đồng thời hạ thấp trình độ của Bên Thua Trận xuống ngang tầm của mình, hoặc thấp hơn, cho dễ xoay xở. Chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ về tư thế của người thắng trận: những y tá trong rừng được dán nhãn hiệu y sĩ đứng ra chỉ huy những y sĩ trong Nam đã được đào tạo kỹ càng, chu đáo, có trình độ chuyên môn không kém những đồng nghiệp từ những nước tiên tiến nhất trên thế giới.
Số người chết trong tù không ít. Gia đình ly tán, xã hội băng hoại, oán hờn chồng chất. Tất cả đều do người Cộng Sản gây nên. Đó là tội ác bên cạnh nhiều tội ác khác, chẳng hạn du nhập một chủ thuyết ngoại lai lỗi thời làm tan rã quê hương, đất nước; để ngoại bang chiếm đất, chiếm biển; thẳng tay đàn áp người khác chánh kiến; vơ vét tài sản của quốc gia, của nhân dân làm của riêng của phe nhóm v.v...
Thế nhưng, như đã nói, kẻ gây tội ác mới đây vẫn còn cố tung ra Nghị Quyết 36 với ý đồ hoà giải hoà hợp dân tộc vờ vĩnh, vì cũng chính những ngưởi của họ tuyên bố rằng bên thua trận chẳng còn gì để mặc cả, hoà hợp, hoà giải, được khoan hồng cho trở về với tổ quốc là may mắn lắm rồi. Theo lẽ phải, lẽ công bằng, vấn đề đền tội có thể được đặt ra. Tội ác và hình phạt gắn liền với nhau, đấy là công lý. Nhưng ở nước ta, nghịch lý lấn áp công lý. Chỉ mong kẻ gây tội ác sớm thức tỉnh.
Những ngày của Tháng Tư, 1975! Cao Nguyên đã mất, Miền Trung đã mất, quân ta cố thủ phòng tuyến Xuân Lộc, cứ điểm cuối cùng cách thủ đô Sài Gòn 42 km. Đánh lớn kể từ ngày 8 Tháng Tư ở Dầu Giây, Xuân Lộc, Long Khánh giữa Sư Đoàn 18 và một số ít đơn vị tăng phái thiếu súng đạn của ta chống với Cộng Quân được trang bị đầy đủ và đông gấp ba lần. Đánh nhau dữ dội, dằng co, sức tiến như vũ bão của Cộng Quân bị khựng lại.Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ, Tổng Thống Gerald Ford, trước tình hình ấy, đã tuyên bố ông rất tin tưởng phần còn lại của Miền Nam trong đó có Sài Gòn và hai Vùng Chiến Thuật III và IV sẽ  đứng vững, và xin Quốc Hội chuẩn chi viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Hội Mỹ bác bỏ. Một Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ (Jacob Javits) còn tuyên bố rằng nên dùng số tiền lớn cho việc di tản chứ đừng ly ra năm xu cho viện trợ quân sự (... large sums for evacuation, but not one nickel for military aid). Đấy là cung cách của một đồng minh đối với một đồng minh chăng? Mấy ngày sau Tổng Thống Gerald Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam, đứng từ phía Hoa Kỳ, đã chấm dứt. Trong khi đó quân ta vẫn quyết liệt chống trả những đợt tấn công khủng khiếp của quân xâm lăng. Cầm cự như thế được 12 ngày, sư đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo được lệnh rút đi trấn giữ mặt trận khác. Long Khánh thất thủ. Biên Hòa lâm nguy. 
xuanloc-1975-3
Xuân Lộc - 1975
Sau đấy là ác mộng. Cộng Sản bắn tiếng còn Thiệu thì không thể có điều đình. Do đó ngày 21/4 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức với một bài diễn văn nẩy lửa lên án sự bội bạc của Đồng Minh Mỹ, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên thay. Cộng Sản lại không chấp thuận, bảo rằng Hương có khác gì Thiệu, cho nên đến ngày 28/4 Tổng Thống Trần Văn Hương phải bàn giao chính quyền cho Đại Tướng Dương Văn Minh, người có một số quan hệ với Cộng Sản, mong “còn nước còn tát”, mong bám vào cọng rơm trên dòng nước lũ. Ngày 30/4, xe tăng Cộng Sản húc sập cổng Dinh Độc Lập tràn vào, Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng. Và những câu đối đáp phũ phàng, khó quên. Người bại trận: Tôi chờ từ sáng để bàn giao chánh quyền cho quý vị. Người thắng trận: Không, không có chuyện bàn giao. Anh không thể bàn giao cái anh không có.
Đấy là trên chính trường. Thế còn ngoài đời?
Dân từ Miền Trung, Cao Nguyên, Long Khánh chạy vào Sài Gòn; dân Sài Gòn tuôn ra Vũng Tàu, một số hướng về Miền Tây, Lục Tỉnh. Ngày 24/4 Cộng Sản nằm vùng dùng máy bay A-37 ném bom vài nơi trong thành phố. Ngày 27/4, đường Sài Gòn – Xuân Lộc bị cắt. Ngày 28/4 xác một xe tăng T-54 của Cộng Sản nằm trên đường Trương Minh Giảng gần Lăng Cha Cả. Ngày 29/4 Phi Trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích dữ dội, nhiều máy bay bị kẹt trên phi đạo. Bến Bạch Đằng tràn ngập người muốn đào thoát, hành lý ngổn ngang. Họ là những người được tin Hải Quân cho đi tỵ nạn.
30thang4vungtau
Vũng Tàu 4/1975
Tại hãng Esso, tất cả nhân viên người Mỹ đều rời nhiệm sở, kể cả Tổng Giám Đốc, đến tạm trú tại Singapore, Hồng Kông, Thái Lan. Cũng có kế hoạch di tản bằng máy bay chia ra làm nhiều đợt cho nhân viên người Việt, kết hợp với việc di tản của Ngân Hàng Chase Manhattan. Càng về cuối tháng, số người đến sở làm càng thưa thớt. Đến cũng không có việc làm, ngồi tụm năm tụm ba theo dõi tin tức trên các đài phát thanh. Bàn tán xôn xao, hoang mang. Có người tìm được đường dây di tản riêng, những người khác chờ đi theo chương trình của hãng. Một số ít, rất ít, thản nhiên, gieo nghi ngờ này nọ. Cảm tình viên đấy chăng? Hay dân nằm vùng? Cộng Sản vốn có thiên tài cài người mà. Và vẫn có người tự trấn an rằng Mỹ đã tìm thấy mỏ dầu hỏa ngoài khơi nước ta, đã ký hợp đồng khai thác, thì làm gì có chuyện bỏ rơi. Đây là nước cờ cao, cố ý để mất đất dụ Cộng Sản xuất đầu lộ diện ra khỏi rừng núi, và bỏ trống Miền Bắc. Rồi chỉ cần đổ bộ lên Hải Phòng, chiếm Hà Nội, thế là xong chuyện. Chỉ có thế mới giải quyết được cuộc chiến đã kéo dài quá lâu. Trong tuyệt vọng vẫn thường lóe lên vài đốm nhang tàn.
Mấy ngày cuối cùng Sài Gòn hỗn loạn, nhất là về đêm. Vắng bóng cảnh sát. Cứ chập tối đã thấy bọn hôi của xông vào những cơ sở của Mỹ bỏ ngỏ cướp lấy TV, tủ lạnh, quạt máy, và những đồ tế nhuyễn khác. Trên những lề đường quanh đấy, bọn hôi của đẩy dài dài những cái tủ sắt có bánh xe dùng đựng hồ sơ, những chiếc bàn sắt có bánh xe của văn phòng, khua ầm ĩ. Tiếng súng nổ khá nhiều không biết của phe ta hay phe địch. Những đám khói đây đó. Tiếng máy bay trực thăng chốc chốc gào thét, trên nóc nhà cao tầng này trực thăng đáp xuống, trên nóc nhà cao tầng kia trực thăng cất cánh. Người ta bảo đấy là trực thăng đi bốc đợt chót những nhân vật quan trọng.
Nhưng hai sự kiện sau đây cũng gây ấn tượng mạnh nơi tôi.
Trưa ngày 28/4 tôi đang lái xe chạy trên đường Nguyễn Kim gần sân Vận Động Cộng Hòa bỗng nghe từ xa, từ trên cao, dồn dập tiếng động cơ gào lên khủng khiếp. Tôi hoảng hốt thắng xe lại. Ngay phía trên không gần mặt đất, một máy bay loại vận tải đang lảo đảo bay, đuôi đã bị đứt, để lại đằng sau một chuỗi khói đen ngòm dài, và chưa đầy một phút, nó đâm vào một toà nhà cao tầng. Một tiếng nổ vang trời tiếp theo sau ánh lửa đỏ lóe lên sáng rực trong đám khói mù mịt. Có bao nhiêu người trong chiếc máy bay ấy, tôi tự hỏi, và họ có kịp nghĩ gì trong giây phút cuối cùng đó? Chiều ngày 29/4 trên đường Nguyễn Thiện Thuật từ phía đường Hồng Thập Tự hướng về đường Phan Thanh Giản, thuộc khu Bàn Cờ, một xe bọc sắt của Dù hoặc Thuỷ Quân Lục Chiến chạy len giữa đám đông dân chúng đổ ra đầy đường, kẻ sững sờ nhìn, người tò mò chạy theo. Vì thế xe không thể chạy nhanh được. Hai người lính ngồi trên nóc xe đâu lưng vào nhau ghìm súng chĩa bên này, chỉa bên kia, mặt rắn lại, mắt nhìn quanh trừng trừng. Có lẽ họ sợ có Việt Cộng trong đám đông trên đường. Tôi nhìn ngóng theo xe, lo ngại những chuyện bi thảm có thể xẩy ra. Xe chạy đến đường Phan Thanh Giản thì rẽ trái hướng về Ngã Bảy Chợ Lớn. Tôi đứng yên lắng nghe. Không có tiếng súng nổ. Thế là họ đã an toàn chạy tiếp. Nhưng tôi tự hỏi chiếc xe độc nhất đó sẽ chạy được bao lâu, về đâu.

30thang4toadaisumy
Sáng 30/4 nhằm ngày Thứ Tư trong tuần nhưng mấy đứa con của chúng tôi không đến trường ngủ nướng trên giường của chúng, người chị vợ loay hoay làm gì đó ở nhà dưới, tôi không đến sở làm, cùng vợ ngồi nghe ra-đi-ô theo dõi tình hình, đài Sài Gòn, đài Quân Đội, đài VOA, và nhất là đài BBC. Toàn là những tin tức không muốn nghe. Lại có tin tối vừa rồi Cộng Sản bắn đại pháo, sơn pháo vào khu dân cư Ngã Năm Bình Hòa, nhiều người trúng đạn chết nằm la liệt, số bị thương càng nhiều hơn.
Ngôi nhà chúng tôi rộng hẳn ra vì gia đình người em họ của tôi từ Nha Trang chạy vào lánh nạn đã dọn đi hôm qua tiếp tục tìm nơi lánh nạn khác. Trước mặt nhà có nhiều tiếng rì rầm, dường như có cả một đoàn xe di chuyển từ từ, rồi đậu lại. Phòng ngủ của chúng tôi nằm trên lầu nhìn ra con đường khá lớn trong cư xá. Tôi không mở cửa sổ, cửa lớn vào buổi sáng cho nắng tràn vào như mọi khi. Vợ tôi thì thầm thôi thế là hết, tôi lặng người, khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Trời chuyển dông lớn rồi đổ cơn mưa ào ào trái mùa.
Bên ngoài nhiều tiếng nói xì xào, văng vẳng vài ba tiếng lẻ tẻ hoan hô quân giải phóng, hoan hô quân giải phóng. Chúng tôi quên bữa ăn sáng, tụi nhỏ háu đói cũng im lặng, không dám nhắc. Buổi trưa chúng tôi ăn uống qua loa, loay hoay không biết làm gì, chưa bước chân ra khỏi nhà. Cửa lớn nhà dưới chưa mở, cửa sổ và cửa lớn của tầng trên cũng đóng kín. Cuối cùng vợ tôi nói trước sau gì mình cũng phải mở cửa ra chứ, lỡ vì cửa đóng mà có chuyện không hay xẩy ra sao. Thì mở. Ngay trước mặt nhà tôi là những quân xa kiểu Trung Cộng chở đầy lính, họ ngồi trên hai hàng ghế dọc theo hông xe. Lính trẻ quá, khoảng 16, 17 tuổi, đầu đội nón tai bèo, quân phục dài, rộng, luộm thuộm, chân mang dép râu, tay ôm súng AK, mặt mày non nớt, ngơ ngác, ngây dại. Tôi hiểu ra ngay. Lực lượng chính quy của Cộng quân chắc chắn đang hờm súng nằm chờ ở những nơi nào đó, và giao việc đi thăm dò trước cho những lính trẻ con này. Và cũng có thể đó là thường dân nguỵ trang làm lính chăng?
Suốt ngày cũng như đêm 30/4 chúng tôi không đi ra khỏi cửa. Thế là Chương Trình Di Tản của Esso đã không thực hiện được. Trong khi đó chúng tôi cũng đã tìm những cách thoát ly riêng, đều thất bại. Một người bạn thân của tôi, BXN, Bác Sĩ Trưởng Bệnh Viện Cao Bá Nhạ Quận Ba, Sài Gòn có em vợ là Đại Úy Hải QuânHMG, rủ tôi đào thoát theo đường biển ngã Gò Công. Tôi bằng lòng ngay. Khoảng 3 giờ chiều tôi được tin sáng ngày mai 1/5 phải trình diện tại sở làm, và hôm sau sẽ tiếp tục làm việc như bình thường. Tôi vội vàng liên lạc với BXN hẹn ngày mai 1/5,  sau khi tôi đi trình diện tại Esso, hai gia đình chúng tôi sẽ lái xe xuống Gò Công nơi đó có HMG đợi sẵn để cùng xuống một chiếc thuyền nhỏ trên bãi biển Tân Thành, từ đó sẽ tìm cách ra ngoài hải phận tìm tàu lớn.
Tối 30/4 chúng tôi sắp xếp hành lý vào hai chiếc va - li và cho vào xe hơi. Lũ con còn nhỏ quá ngơ ngác không biết chuyện gì sắp xẩy ra, bà chị vợ thì không chịu vượt biển cùng chúng tôi nhưng sẽ theo xe tiễn đưa. Sáng 1/5 tôi đến sở trình diện, khoảng sau 10 giờ tôi vội trở về nhà. BXN chờ không được đã đi trước, hẹn gặp nhau ở Gò Công. Cả nhà đã sẵn sàng. Không kịp ăn sáng, tôi lên xe ngay, cầm tay lái.
Có hai đường từ Sài Gòn đi Gò Công. Chạy xuống Phú Lâm, qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, đi một mạch về Ngã Ba Trung Lương, rẽ trái vô Mỹ Tho, vòng qua Chợ Gạo, đến Gò Công. Con đường này rộng, tốt, nhưng xa. Hoặc chạy xuống cầu Nhị Thiên Đường, đến cầu Chà Và rồi cầu Ông Thình, hướng về Cần Giuộc, Cần Đước, Cầu Nổi, qua Kinh Nước Mặn, rồi lên phà qua sông Cửu Long, thế là đến địa phận Gò Công. Đường này rất gần nhưng phải qua phà. Chẳng biết có phà đưa hay không trong những ngày đầy biến động này. Tôi đánh liều chọn lộ trình thứ hai.
Đường đi vắng vẻ. Chúng tôi không gặp một xe nào chạy cùng chiều hay ngược chiều. Xe hai bánh cũng chỉ lác đác. Người dân quê đang lo ngại, ở yên trong nhà nghe ngóng, chờ đợi. Qua khỏi cầu Ông Thình chúng tôi gặp một toán lính khoảng 30 người đi hướng về phía Cần Giuộc. Họ đi bộ hàng một, súng đeo vai, người dẫn đầu cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tôi bấm còi xe, họ thủng thẳng nép ra bên đường, đầu cúi gầm. Trông họ rất giống như những người lính trẻ trên quân xa đậu trước nhà tôi hôm qua. Có thể chỉ vài ba toán lính như thế đã được luân lưu đi nhiều nơi của Sài Gòn và phụ cận. Nếu gặp tàn quân Miền Nam phục kích, loại lính trẻ ấy là những người hy sinh trước tiên. Gần một tiếng sau, chúng tôi đến bến phà qua sông Cửu Long.
May quá có phà đưa. Chúng tôi rất ngạc nhiên thấy chiếc xe Jeep của BXN nằm ở một bên bến phà, không có ai trên xe. Họ đâu cả? Hỏi những người quanh đấy, và những người đưa phà, không ai biết gì hơn. Chúng tôi lo lắng nhưng cũng đành lái xe lên phà. Sông nước mênh mông tràn trề phản chiếu nắng trưa, thỉnh thoảng gió giật mạnh, sóng lớn như sóng biển khơi tung vào mạn chiếc phà làm ướt đẫm những người đứng kề lan can mải miết nhìn phía trước. Không ai nói với ai một lời. Lục bình xanh lốm đốm hoa tím nhạt cụm dài cụm ngắn từ xa tít tắp ở cuối trời lênh đênh như chìm nổi trôi trên sóng xuống phía hạ lưu. Nhìn lui, mái nhà nâu, đỏ, cây lá biếc, xanh đã biến thành những vết nhòe và mờ dần. Phải chăng đây là lần cuối cùng mình được nhìn thấy chặng đường mình vừa đi qua? Lòng bỗng phiền muộn. Chẳng bao lâu bờ bên kia của sông Cửu Long  hiện ra, chúng tôi vội vàng lên xe chạy từ từ rời khỏi chiếc phà đã được neo lại. Từ đấy đến chỗ hẹn là khu chợ Gò Công mất gần nửa tiếng.
Khu chợ cũng không đông. Có khá nhiều tiệm ăn của người Tàu quanh chợ. Đói quá, chúng tôi vào một tiệm gọi hoành thánh, bánh bao, xíu mại – những món nổi tiếng ngon của Gò Công. Có lẽ vẫn ngon và rẻ, tôi không để ý. Gò Công yên tĩnh, có vẻ như chưa đổi chủ, tuy trên khuôn mặt mọi người đều nhuốm lo âu. Chúng tôi kêu thêm cà phê uống chậm rãi, ngồi đó chờ rất lâu, không thấy tăm hơi của bạn tôi đâu cả. Tôi đi quanh quẩn tìm. Càng thất vọng và lo cho gia đình bạn. Chờ mãi không được, đến chiều chúng tôi phải quay trở về nhà theo đường cũ. Tôi đã tính nếu vì trễ giờ phà hết đưa, tôi sẽ chạy vòng ngã Chợ Gạo, Mỹ Tho. Thì khuya cũng sẽ đến ngôi nhà cũ của mình, ngôi nhà mình đã ở trên 10 năm với nhiều kỷ niệm, sẽ thấy lại bàn thờ tổ tiên trên đó có bức hình của mẹ tôi mới mất, và sẽ gặp lại hai con mèo, một con chó. Chúng sẽ mừng lắm. Thật ra chúng tôi không bỏ rơi chúng. Nếu chúng tôi đi thoát, bà chị vợ cũng sẽ về với chúng. Khi mọi người lên lại xe, chị khóc nức nở vì vui sướng. Mấy hôm nay chị nín thinh. Chị rất lo sợ cho chuyến đi liều lĩnh và đầy bất trắc của chúng tôi, chị bảo thế. 
Nếu cần phải nói thêm vài lời, trước hết xin trở lại với bạn tôi, BXN.
Hai hôm sau tôi liên lạc được với BXN. Thì ra khi đến bến phà, bạn tôi không lên phà được vì phà đầy. Thấy trên phà có cả xe đò Sài Gòn - Gò Công, BXN và gia đình liền bỏ lại xe hơi của mình trên bến, theo lên xe đò vì ngại HMG phải chờ lâu. Không tìm thấy HMG, BXN quay trở lại phà, thấy chiếc xe Jeep vẫn còn đó, lái về Sài Gòn. Trong khi đó HMG đậu thuyền chờ đến hai ngày trên bãi biển Tân Thành cách thị xã 5km. Trong cơn bối rối, họ hẹn sai chỗ. Mấy ngày sau BXN trở lại Bệnh Viện, tôi cũng trở lại Esso. Sau đó BXN và tôi, theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản, hẹn nhau trình diện “Học Tập Cải Tạo” tại cùng một địa điểm, cho có bạn. Sau hơn hai năm tù, vì là bác sĩ,  BXN được thả về sớm, làm việc tại Bệnh Viện Sùng Chính, Sài Gòn trước khi vượt biển thành công, nay định cư tại Canada. Tôi thì sau hơn ba năm tù, về nhà thoạt tiên không có việc làm phải đi “lao động tổng quát” (phụ thợ hồ, mang gạch cho thợ hồ xây nhà) một thời gian, vượt biên ba lần đều thất bại. Về sau dạy học tại các Trung Tâm Sinh Ngữ và bốn năm tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn, rồi đi Mỹ theo diện HO (sĩ quan biệt phái ngoại ngạch). Trong thời gian tôi dạy học, một hôm Phường yêu cầu tôi lên Tây Ninh đốt củi làm than vì tôi từng làm việc cho hãng Esso, tất nhiên có kinh nghiệm về nhiên liệu. Cứ hai tháng tôi sẽ được về thăm gia đình một lần. Tôi xuất trình tờ Hợp Đồng dạy học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm nên được miễn đi làm than.
Và thêm vài dòng về đêm 30/4/1975 của chúng tôi. Sau bữa ăn tối qua loa, chị vợ và vợ tôi bàn bạc thật sôi nổi. Lũ con đã ngủ. Mang theo mấy chiếc va - li đây? Hai chiếc thôi. Chạy giặc mà, chứ đâu phải đi du lịch. Rồi lên lầu, xuống lầu lục lọi; chạy ra phòng trước, chạy vào phòng sau tìm kiếm. Đem cái này, bỏ cái nọ, thêm cái kia, bớt cái khác, phân vân hoài. Thỉnh thoảng liếc mắt nhìn tôi, tôi lắc đầu ngầm bảo rằng hai chị em muốn làm gì thì làm, tôi không có ý kiến. Họ làm việc luôn tay, chăm chút, hăng hái, gọn gàng. Đàn bà tài thật, trong hoàn cảnh nào họ cũng không buông xuôi, tôi chợt nghĩ ra. Mấy hôm nay đêm nào tôi cũng thức đến ba, bốn giờ sáng, để chả làm được gì cả. Đêm nay mọi chuyện đã ngã ngũ, một cách thảm hại, phải chuẩn bị ra đi, tôi lại trở chứng, buồn ngủ quá chừng. Rồi ngồi ngủ từng giấc ngắn trên chiếc ghế dài, choàng hai tay ra sau làm gối. Tiếng khua động của đồ đạc, tiếng xếp áo quần sột soạt, tiếng nói lúc to lúc nhỏ, và có cả tiếng cười khe khẽ thỉnh thoảng đi vào giấc ngủ chập chờn của tôi. Khiến tôi lơ mơ thoáng có ý nghĩ rằng đàn bà tài thật mà cũng lạ thật, trong tình huống này vẫn có thể cười.
Bỗng mọi âm thanh, tiếng động, đều ngưng bặt. Cái im lặng đột ngột làm tôi tỉnh giấc trở mình mở mắt ngó dáo dác. Rồi tôi kín đáo nhìn. Hai chị em đang ngồi xệp trên sàn nhà đối diện nhau qua một chiếc va - ly, tần ngần. Bốn bàn tay đang cầm bốn góc lá cờ, nước mắt cả hai người ràn rụa. Tôi vờ ngủ tiếp nhưng cũng kịp nhìn thấy lá cờ sau đó được xếp làm hai, rồi làm bốn. Vợ tôi lấy ra hết các thứ  trong chiếc va - li nằm trước mặt, rồi đặt lá cờ vào đáy va- li, xong cho các thứ vào lại.

Ngự Thuyết
Tháng 4 2015
[1] Xin xem “Miền Nam và Miền Bắc”- Nguyễn Hưng Quốc (Diễn Đàn Thế Kỷ 26-3-2015)
https://hung-viet.org/p17a26602/30-4-1975