Wednesday 17 August 2016

Carlyle Thayer: Vũ khí Việt Nam ở Trường Sa gây nguy hại cho Trung Quốc hơn tàu Mỹ



Theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters ngày 10/08/2016, Việt Nam đã âm thầm đưa các gián phóng phi đạn và tên lửa có sức công phá mạnh ra năm thực thể mà Việt Nam kiểm soát trong khu vực quần đảo Trường Sa. Sau đây là nhận định củaGiáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho RFI Tiếng Việt
Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc cho rằng hệ thống vũ khí mới này của Việt Nam là một mối đe dọa tiềm tàng lớn cho các sân bay và cơ sở quân sự mà Trung Quốc cho xây dựng trên các đảo nhân tạo họ vừa bồi đắp tại Trường Sa. Nguy cơ đối với Trung Quốc từ vũ khí của Việt Nam còn lớn hơn cả mối đe dọa đến từ tàu Mỹ.


RFI : Giáo sư nhận định sao về động thái mới này của Việt Nam ?

Carlyle Thayer : 
Nếu thông tin (về việc Việt Nam đưa giàn pháo mới ra Trường Sa) là xác thực, thì đó sẽ là hành động vi phạm quan trọng đầu tiên của Việt Nam đối với bản Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002, yêu cầu tự kiềm chế để không làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp. Cần lưu ý rằng Việt Nam đã phủ nhận việc bố trí giàn phóng tên lửa trên các thực thể mà họ kiểm soát. Bản tin của Reuters cũng ghi nhận rằng các bệ phóng không được trang bị đầu đạn.
Động thái của Việt Nam mang dấu hiệu của một phản ứng hoàn toàn tự vệ để đối phó với việc Trung Quốc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo trong tay họ, trong đó có việc xây dựng nhiều nhà chứa máy bay có khả năng tiếp nhận chiến đấu cơ đa năng Su-30, oanh tạc cơ, phi cơ tiếp tế nhiên liệu và máy bay cảnh báo sớm và điều khiển.


RFI : Mỹ và Trung Quốc có thể phản ứng ra sao ?

Carlyle Thayer : Hoa Kỳ sẽ nhắc lại chính sách thường xuyên được tuyên bố là các bên tranh chấp không nên quân sự hóa thêm các thực thể địa lý trong tay mình ở vùng quần đảo Trường Sa, và nên tham gia vào việc thực hiện các biên pháp xây dựng lòng tin. Mỹ chưa chính thức xác nhận thông tin của Reuters.
Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng các nước tranh chấp khác nên có những bước đi mang tính xây dựng. Trung Quốc cũng đã gắn tiến trình quân sự hóa (Biển Đông) của họ với mức độ đe dọa mà họ phải đối mặt. Điều đó nhắm vào những hành động của Hoa Kỳ.
Động thái (mới) của Việt Nam đã phức tạp hóa kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc. Ba sân bay mới của Bắc Kinh (trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn) đã trở thành mục tiêu dễ bị hệ thống pháo EXTRA của Việt Nam gây tổn hại. Lý do là pháo Việt Nam là một mối đe dọa thường trực, trong lúc các chuyến tuần tra của Hải Quân Mỹ chỉ thoáng qua mà thôi.


RFI : Tình hình Biển Đông có thể diễn biến ra sao ?

Carlyle Thayer : Diễn biến hiện nay chứng minh cho nhận định rằng các hành động của Trung Quốc đã kích động một phản ứng ngược lại, hoặc là điều mà giới phân tích an ninh gọi một chu kỳ "động lực-phản động lực".
Tình hình ở quần đảo Trường Sa sẽ căng thẳng thêm lên nếu Trung Quốc đột ngột triển khai máy bay quân sự trên ba đường băng mà họ đã xây dựng một khi các nhà chứa máy bay được hoàn thành. Trung Quốc sẽ không có khả năng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông và buộc nước khác tuân thủ ngày nào mà họ chưa xây dựng đủ các bể chứa nhiên liệu, và các cơ sở bảo trì và sửa chữa rộng lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể triển khai một phi đội máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ, hoạt động xoay vòng trong thời gian ngắn, làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Điều này sẽ có tính cách hù dọa các nước ven biển.


RFI 
: Hệ thống tên lửa EXTRA mà Việt Nam bố trí tại Trường Sa là gì ?

Carlyle Thayer : Thông tin đã được công khai là vào năm 2014, Việt Nam đã mua 10 giàn phóng phi đạn dẫn đường và tên lửa địa-đối địa EXTRA của Israel. Hình ảnh các tên lửa này đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, và phô trương là "tên lửa chống xâm lược". EXTRA là tên tắt của Extended Range Artillery (pháo với tầm bắn mở rộng), và có thể dùng trong các cuộc tấn công chuẩn xác nhắm vào tàu chiến hay các cơ sở trên đất liền trong một bán kính từ 20 đến 150 km. Tên lửa này có độ chính xác cao, và sai số so với đích nhắm chỉ khoảng mười mét. Tên lửa có thể mang một đầu đạn thuốc nổ cực mạnh, hay nhiều quả bom nhỏ. Đầu đạn thuốc nổ có thể gây tổn hại cho một tàu chiến, hoặc tạo nên một hố lớn trên một đường băng, còn bom nhỏ có thể gây thương vong hàng loạt trong một khu vực nhất định, phá hủy máy bay nằm đưới đất, các trung tâm chỉ huy và thông tin liên lạc, và các cơ sở hậu cần và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

Từng có tin về việc Việt Nam tăng cường vũ khí ra Trường Sa. Giới quan sát hiện đang tìm hiểu xem Việt Nam có thể bố trí các vũ khí mới ở đâu tại Trường Sa. Dẫu sao thì đây không phải là lần đầu tiên có tin là Việt Nam tăng cường vũ khí hiện đại ra Trường Sa.

Cuối năm 2014, chính quyền Đài Loan từng báo động về việc Việt Nam "tăng cường sự hiện diện quân sự với các vũ khí tinh vi trên đảo Sơn Ca (Sandy Cay), cách đảo Ba Bình chỉ 11 km về phía Đông". Nguồn tin trên cũng cho rằng Việt Nam đã triển khai một số lượng không xác định tên lửa phòng không vác vai mới và mở rộng địa bàn đóng quân trên đảo Sơn Ca trong năm 2014.
Tháng Ba năm 2015, một dân biểu diều hâu Đài Loan Lâm Úc Phương (Lin Yu-fang) thuộc Quốc Dân Đảng, cũng khẳng định rằng có dấu hiệu là Chính quyền Việt Nam tăng cường lực lượng pháo binh trên cả hai đảo Sơn Ca và Nam Yết (Namayit), cách Ba Bình 22km.

 (Trọng Nghĩa (RFI) thực hiện)

*** Hà Tường Cát (NV): 
Việt Nam mang hỏa tiễn ra Trường Sa để làm gì?

Tình hình Biển Ðông lại nóng lên trong mấy ngày vừa qua sau khi hãng tin Reuters hôm Thứ Tư đăng bài phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode nói rằng Việt Nam đã triển khai hỏa tiễn đến vùng quần đảo Trường Sa.

Dẫn nguồn tin từ giới ngoại giao và quân sự phương Tây, cũng như căn cứ vào thông tin tình báo, bài phóng sự này cho biết Hà Nội đã bí mật vận chuyển một số giàn phóng hỏa tiễn từ đất liền tới năm căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ nói thông tin này là “không chính xác,” và không giải thích gì thêm. Chưa có bằng chứng gì khác để minh định việc ấy, nhưng Reuters cho biết rõ chi tiết hơn rằng đó là loại hỏa tiễn EXTRA (Extended Range Artillery Rocket) mà Việt Nam đã mua của Israel từ mấy năm trước. Về mặt chiến thuật, khác với trọng pháo bắn đi những đạn trái phá bay tự động theo đường đạn đạo, đây là loại đạn pháo đẩy đi bằng hỏa tiễn và có thể có bộ phận điều khiển để nhắm trúng mục tiêu.

Một giàn hỏa tiễn EXTRA có nhiều ống phóng, trung bình là 4 và có thể tới 8 hay 12, đặt trên xe di động và có thể khai hỏa từng hỏa tiễn hay toàn thể cùng lúc. Trường hợp ở Trường Sa là những đảo nhỏ, giàn phóng có thể gắn cố định và được ngụy trang để máy bay hay vệ tinh không nhìn thấy từ trên không. Sử dụng hệ thống hỏa tiễn EXTRA ở Trường Sa có lợi điểm là ít đòi hỏi nhu cầu tiếp liệu và bảo trì, đồng thời chỉ cần hỗ trợ bằng những giàn radar chiến thuật nhỏ. Tầm bắn xa của EXTRA khoảng 80 dặm (hơn 150 km), đủ để tấn công đến các căn cứ trên những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trên đá Xu Bi, Chữ Thập, Vành Khăn. Mỗi hỏa tiễn mang đầu nổ 275 pounds. Trang bị hệ thống điều khiển dựa vào GPS, độ chính xác nhắm trúng mục tiêu trong vòng 10 mét. Theo nhận định của tờ The Diplomat ở Nhật thì việc Việt Nam đưa những giàn phóng di động đến Trường Sa thật ra không làm thay đổi cán cân lực lượng trên Biển Ðông.

Các căn cứ Trung Quốc xây dựng trong vùng đã nằm trong tầm bắn của các loại hỏa tiễn mà Việt Nam đã mua của Nga từ năm 2011-2012 và đặt trên đất liền. Ðó là các loại hỏa tiễn tầm trung K-300P Bastion phòng thủ duyên hải và hỏa tiễn phòng không S-300 PMU-2 tầm xa. Ngoài ra Việt Nam có một số hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm loại mới và hỏa tiễn bình phi siêu thanh như 3M-14E Klub có khả năng tấn công tới lục địa Trung Quốc. Như thế việc triển khai các giàn hỏa tiễn EXTRA có lẽ chỉ nhắm mục đích đưa ra một tín hiệu cho thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Có thể đây là hậu quả của việc Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế phán định phủ nhận giá trị đường lưỡi bò mà Trung Quốc áp đặt trái phép trên Biển Ðông và Việt Nam phòng ngừa trước những hành động bất ngờ Trung Quốc có thể tiến hành. Việt Nam cũng muốn răn đe ý đồ bành trướng và lấn chiếm chủ quyền biển ngăn chặn hoạt động của ngư dân, bằng sự gia tăng hoạt động của các tàu dân sự và bán quân sự chứ chưa phải là tàu Hải Quân Trung Quốc. Hành động của Việt Nam do đó mang tính cách phòng vệ tới một chừng mực cần thiết chứ không có nghĩa là quân sự hóa khu vực Biển Ðông. Tuy nhiên phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc là điều dễ hiểu.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Tư gởi fax cho Reuters: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) và các vùng nước lân cận. Trung Quốc kiên quyết phản đối quốc gia chiếm đóng phi pháp một phần Nam Sa của Trung Quốc, mà còn tiến hành xây dựng và điều động quân sự phi pháp ở các đảo và đá ngầm chiếm đóng tại Nam Sa.”
Phía Mỹ chưa tỏ thái độ gì mới về sự việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Elizabeth Trudeau nói “có được biết tin rằng Việt Nam điều hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn ra một số đảo thuộc Trường Sa” và chỉ nhắc lại quan điểm cố hữu: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Ðông tránh các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng, có các bước thiết thực để xây dựng lòng tin và tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và ngoại giao cho các tranh chấp.”
Tiến Sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát từ Hà Nội, nói với BBC: “Việt Nam hiểu rằng Trường Sa là khu vực đang có tranh chấp và không muốn làm thay đổi hiện trạng. Ðây là lập trường nhất quán của chính phủ Việt Nam.” Năm 1988, Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa lần đầu tiên sau trận chiến với hải quân khi đó còn yếu của Việt Nam, 64 binh sĩ mang vũ khí nhẹ thiệt mạng khi họ cố gắng bảo vệ bãi Gạc Ma, một biến cố mà Hà Nội vẫn cảm thấy đau xót.

Báo chí Trung Quốc mạnh mẽ lên án Việt Nam, gọi đây là “một sai lầm nặng nề.” Tờ Hoàn Cầu Thời báo bản tiếng Anh gọi hành động của Việt Nam là “sai lầm khủng khiếp” và kêu gọi Hà Nội “rút ra bài học” từ cuộc chiến biên giới giữa hai nước năm 1979 ,

Cũng tờ báo này, phiên bản tiếng Hoa, nói Bắc Kinh cần phải làm rõ rằng Hoa Kỳ vẫn là “mối đe dọa lớn nhất” đối với các hòn đảo của Trung Quốc trên Biển Ðông. “Cần phải cảnh giác về những bước đi sắp tới của Hà Nội ở trên biển, nhưng chúng ta không được để việc đối đầu quân sự với Việt Nam trở nên nổi bật hơn so với những xung đột khác, Việt Nam không có khả năng như Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các đồng minh hành động. Việc xử sự với Việt Nam mang tính quan hệ song phương nhiều hơn – đó là điều nằm trong khả năng của Trung Quốc.” Tuy nhiên Hoàn Cầu Thời Báo cũng nói thêm là mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng không bị ảnh hưởng gì bởi các tranh cãi trên biển.

Bài báo tiếng Anh đăng tin các công ty Trung Quốc đặt tại Việt Nam vẫn làm ăn bình thường bất chấp các sự kiện bài Trung diễn ra gần đây, và dẫn lời các du khách Trung Quốc tại Sài Gòn nói người dân Việt Nam đối xử với họ rất dễ chịu.

Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, với bài xã luận mang tiêu đề “Việt Nam bí mật triển khai rocket ở Nam Hải,” viết: “Việc Việt Nam có các hành động quân sự tại các hòn đảo ở Nam Hải không phải là tin mới gì. Việt Nam hiện đã chiếm 29 đảo của chúng ta ở Nam Hải. Việt Nam đã bắt đầu việc xây dựng ở Nam Sa kể từ thế kỷ 20.” Theo tờ báo này: “Trên đảo Việt Nam đã chiếm giữ có một phi đạo dài 550m và bãi đáp trực thăng. Việt Nam cũng đã bắt đầu bồi đắp đảo quy mô lớn và tiến hành các dự án xây dựng trên năm hòn đảo khác. Tuy nhiên, Việt Nam thỉnh thoảng lại vẫn phản đối Trung Quốc.”

Qua những ý kiến, nhận định, và phản ứng như thế từ các bên, có lẽ việc Việt Nam đưa hỏa tiễn đến Trường Sa sẽ chưa tạo nên những chuyển biến bất ngờ và trầm trọng gì hơn trên Biển Ðông trong một tương lai gần. Một điều đáng chú ý là truyền thông Việt Nam cho đến bây giờ giữ yên lặng, tránh không đề cập tới sự kiện nhạy cảm này.

*** VOA: 
Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về "dàn pháo di động" của Vệt Nam

Ngũ Giác Đài cho biết rằng Hoa Kỳ “đã nắm được các tin tức về việc Việt Nam đã triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn trên một số tiền đồn ở Trường Sa”. Reuters hôm 10/8 dẫn lời các nguồn tin nói rằng Hà Nội đã, theo lời hãng này, “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.

Cùng ngày, trả lời VOA Việt Ngữ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và gia tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để [giải quyết] các tranh chấp”.


Trong khi đó, tất cả các báo lớn của Việt Nam đều không đề cập tới bản tin độc quyền của Reuters, và dường như, chỉ duy nhất có tờ Giáo dục Việt Nam viết về điều tờ báo này nói là “quyền phòng thủ chính đáng của Việt Nam ở Trường Sa”. Tờ báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam viết thêm rằng “nếu thiếu những tiếng nói giải thích cho rõ có thể dẫn đến những băn khoăn, lo lắng trong dư luận Việt Nam về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”.


Trong bản tin của mình, Reuters trích tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng thông tin mà hãng này thu thập được “không chính xác”, trong khi trả lời VOA Việt Ngữ, một quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng “không có chuyện đấy”.


Tính tới tối 11/8, giờ Hà Nội, cả trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đều không đăng tải bất kỳ tuyên bố nào về tin tức được cho là “gây căng thẳng” cho quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh.

Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một nhà nghiên cứu về biển Đông, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng dù Việt Nam bác bỏ tin triển khai giàn phóng tên lửa, đó cũng là lời “cảnh báo” cho Trung Quốc. Cựu quan chức của Liên Hiệp Quốc này nói thêm: “Họ làm như vậy để cho Trung Quốc biết rằng họ sẵn sàng đề phòng. Nếu mà Trung Quốc muốn chiếm thêm chỗ này, chỗ kia, thì sẽ bị phản ứng. Việt Nam bây giờ ở thế bắt buộc phải chứng tỏ mình phòng bị, chứ không phải mình ở cái thế có thể tấn công được. Nếu tấn công, Trung Quốc sẽ lạm dụng cái đó để nó làm tới nữa. Việt Nam chỉ có phản ứng khi nào cần thiết thôi”. Ông Việt nhận xét tiếp rằng, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc giờ “mất thế chính nghĩa”, và tình hình ở biển Đông sẽ còn “căng thẳng” trong thời gian tới.


Trong bài báo độc quyền, Reuters trích dẫn tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc fax tới hãng này hôm 11/8, tái khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Trường Sa và các vùng biển kế cận. Bắc Kinh còn được trích lời lên tiếng phản đối việc “chiếm đóng trái phép các đảo và bãi đá của Trung Quốc” và “triển khai quân sự trái phép” tới đó.

Tại sao Việt Nam triển khai bệ phóng rocket ở Trường Sa?

Print Friendly
tsa
Nguồn: Le Hong Hiep, “Understanding Vietnam’s rocket launcher deployment in the Spratlys”, The Straits Times, 17/08/2016.
Tuần trước, truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi rằng Việt Nam đã âm thầm triển khai một số lượng không rõ các bệ phóng rocket EXTRA trên năm thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Các hệ thống rocket di động tối tân này được cho là có khả năng bắn tới các đường băng và cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo lân cận được Trung Quốc xây dựng gần đây.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ những thông tin trên là “không chính xác”, nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố vào tháng Sáu năm nay rằng Hà Nội có quyền triển khai các vũ khí như vậy nhằm mục đích tự vệ.
Diễn tiến này đã chứng minh cho thực tế rằng nhiệt độ ở Biển Đông đang tăng lên, và các quốc gia tham gia tranh chấp có nguy cơ bị đẩy vào tình trạng leo thang quân sự, điều cuối cùng có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực.
Tuy vậy, việc triển khai các bệ phóng rocket của Việt Nam không phải là một bất ngờ. Thay vào đó, nó là một diễn tiến logic nếu xét đến quỹ đạo gần đây của tình hình tranh chấp Biển Đông.
Thứ nhất, để bảo vệ tốt hơn lợi ích của mình ở Biển Đông, Việt Nam đã theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân sự trong một thời gian. Ví dụ, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, tổng số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699 phần trăm so với giai đoạn 2006-2010, đưa Việt Nam thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới trong cùng thời gian. Hầu hết các loại vũ khí và trang thiết bị mới đều liên quan đến các năng lực trên biển.
Các bệ phóng tên lửa EXTRA mà Việt Nam triển khai tới quần đảo Trường Sa được cho là được nhập khẩu từ Israel, một trong những đối tác quốc phòng mới nổi của Việt Nam. Chúng góp phần vào nỗ lực của Hà Nội nhằm xây dựng một mức độ răn đe khả tín chống lại các cuộc tấn công có thể có vào các thực thể trong quần đảo Trường Sa hiện đang do Việt Nam kiểm soát.
Theo nghĩa đó, tin tức trên không nhất thiết phải là một điều xấu đối với Việt Nam. Để đảm bảo răn đe có hiệu quả, ngoài việc phát triển các khả năng áp đặt chi phí một cách đáng tin cậy, người ta cũng cần làm cho đối thủ mà mình muốn răn đe biết được điều đó. Do đó, việc triển khai các bệ phóng tên lửa được báo chí đề cập có thể giúp Hà Nội truyền đạt một thông điệp, đặc biệt là tới Bắc Kinh, không chỉ về các năng lực sẵn có của Việt Nam, mà còn về quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông.
Thứ hai, từ quan điểm của Hà Nội, việc triển khai các bệ phóng không phải là một động thái khiêu khích hoặc leo thang. Thay vào đó, nó được xem như một phản ứng tự vệ cần thiết để chống lại các mối đe dọa mới được thiết lập bởi Bắc Kinh ở Biển Đông. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vị trí cách bờ biển miền Trung Việt Nam 119 hải lý, hay việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, đã mạnh mẽ đánh động Việt Nam về ý đồ chiến lược của Trung Quốc cũng như khả năng dễ bị tổn thương của Việt Nam ở Biển Đông. Do đó, các phản ứng mạnh mẽ nhưng được tính toán kỹ lưỡng là cần thiết để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Việt Nam ở đó.
Trong khi không ai biết thời gian chính xác của việc triển khai các bệ phóng nêu trên, nó có thể đã diễn ra trước khi các tin tức được loan báo tuần trước khá lâu. Thật vậy, một số nguồn tin cho rằng Hà Nội có thể đã bắt đầu xem xét việc triển khai này từ tháng Năm năm ngoái, khi xuất hiện những báo cáo về việc Trung Quốc triển khai các xe tên lửa di động trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng. Dù là trường hợp nào đi nữa, mức gia tăng nhận thức các mối đe dọa xuất phát từ sự quân sự hóa các đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc rõ ràng đã khuyến khích Hà Nội đưa ra một phản ứng mạnh mẽ hơn.
Từ góc nhìn lịch sử, việc triển khai các dàn phóng rocket nêu trên phản ánh mẫu hình truyền thống trong cách Việt Nam ứng xử với Trung Quốc, trong đó kết hợp giữa sự tôn trọng và thách thức.
Là bên nhỏ hơn trong mối quan hệ, Việt Nam luôn mong muốn duy trì quan hệ hòa bình và ổn định với Bắc Kinh. Trong thời kỳ tiền hiện đại, Việt Nam đã sẵn sàng thể hiện sự tôn trọng Trung Quốc bằng cách tham gia vào hệ thống triều cống của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc nhiều lần khác nhau khi chủ quyền, quyền tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị xâm phạm.
Trong những thập niên gần đây, tổng thể quan hệ Việt -Trung đã được cải thiện đáng kể, nhưng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông tiếp tục là một thách thức lớn cho cả hai nước. Tuy nhiên, mức độ giao lưu kinh tế song phương chưa từng có đã giúp giữ hai nước khỏi xung đột với nhau.
Cụ thể, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng một phần năm tổng giá trị thương mại hàng năm của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ chín tại Việt Nam. Vì vậy, trong khi Việt Nam có xu hướng hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích trên biển của mình, Việt Nam cũng không muốn để cho các tranh chấp ở Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang, điều sẽ phá hủy những lợi ích rộng lớn hơn mà các mối quan hệ với Trung Quốc mang lại.
Vì vậy, việc triển khai các bệ phóng tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn của các biến đổi gần đây trong tranh chấp Biển Đông, cũng như cách ứng xử truyền thống của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Động thái này, chủ yếu nhằm mục đích phòng vệ, không nên khiến các nước trong khu vực quan ngại. Chắc chắn rằng xung đột quân sự với một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều là điều cuối cùng mà Việt Nam muốn vấp phải.
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/08/17/tai-sao-viet-nam-trien-khai-be-phong-ten-lua-truong-sa/#sthash.QqZTCozM.dpuf