Wednesday, 17 August 2016

TC: Tam Đầu Thọ Địch - Vi Anh



Có thể nói TC đang lâm vào thế tam đầu thọ địch. Đầu trên đông bắc Á châu Thái bình dương là Nhựt, Nam Hàn; đầu giữa đông trung, Đài Loan, Phi và Mỹ; và đầu dưới đông nam, Nhựt và Nam dương (Indonesia) đang thành lập trận đồ bao vây TC.

Đầu trên và giữa trận đồ ngăn chận TC đã có lâu rồi, TC đã bị Phi kiện ra toà PCA. Đài Loan ngang sát TC, Tân Tổng Thông Đài Loan Bà Thái anh Văn (Tsai Ing-wen) vẫn trước sau như một không thừa nhận chính sách “một Trung Quốc”. Ngày 20/05/2016, Bà đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, và chấm dứt 8 năm cầm quyền thân TC của ông Mã Anh Cửu. Trong bài diễn văn nhậm chức, người phụ nữ thép 59 tuổi này không hề nhắc đến chính sách “một nước Trung Quốc duy nhất”. Mà Bà kêu gọi TC đối thoại với Đài Loan như một thực thể bình đẳng, một đảo quốc chớ không phải một tỉnh của TC, điều mà TC luôn luôn chủ xướng.

Còn tại Nam Hàn, Mỹ đã lần đầu tiên đưa dàn hoả tiễn THAAD vô cùng lợi hại qua bố trí ở Nam Hàn, áp tuyến lửa của Mỹ gần TC hơn. Mỹ còn điều thêm Hạm Đội 3 để cùng Hạm Đội 7 mở rộng phạm vi hoạt động bảo vệ tự do hàng hải và luật quốc tế ở Á châu Thái bình dương.

Ở phía Nam, Nhựt đã ký kết phát triển đối tác chiến lược với VN, viện trợ tàu tuần duyên cho VN, vốn là nước bị TC xâm chiếm biển đảo nhiều nhứt.

Và mới đây Nhựt và Nam dương với yểm trợ của Mỹ, Úc, Ấn đang gầy thế trận chống TC qua hai việc. Một là ngăn chận âm mưu TC kiểm soát Eo Biển Mã Lai, cửa ngỏ cổ chai ra vào của con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Hai là ngăn chận “ý đồ” TC mở con Đường Tơ Lụa Trên Biển thông thương với thế giới, giành thế hải thượng (maritime supremacy) hoàn cầu.

Trong tuần đầu của tháng Tám, tức một tháng sau Toà Trọng Tài Thường Trực về Luật Biển Quốc tế [PCA] bác bỏ bản đồ hình lưỡi bò của TC tự nhận chủ quyền trên 90% biển và đảo của Biển Đông thuộc Á châu Thái bình dương. TC ngang ngược phủ nhận thẩm quyền, bác bỏ phán quyết của của Toà trọng tài về luật biển là luật TC đã ký gia nhập. TC xuất tiền hàng triệu Đô la đăng quảng cáo điện tử nói TC có chủ quyền trên Biển Đông ở công trường Times Square ở Thành phố New York ( Mỹ). TC tung tàu, máy bay ra tuần tra Đông Bắc, Đông Nam Thái bình dương, tuyên bố tập trận bắn đạn thiệt, bắt bỏ tù một năm bất cứ ai xâm phạm vùng biển lưỡi bò của TC. Trước những phản ứng bạo ngược và ồn ào của TC, cuối tuần đầu của tháng Tám, tức non một tháng sau có phán quyết của Toà PCA hai quốc gia Nhựt bổn và Nam dương họp ngăn chận TC nam tiến.

Nhựt và Nam dương là hai đối thủ đáng gờm của TC. Nhựt hiện là đệ tam siêu cường kinh tế, phát triển bền vững hơn TC, hàng hoá và đầu tư của Nhựt trên thế giới rất có qui mô, uy tín, chớ không chụp giựt, ăn xổi ở thì như của TC. Nhựt vốn là nước từng đánh lấy Trung Hoa thời người Mãn Châu Nhà Thanh thống trị suốt cả 100 năm. Nói hiểu đất nước và con người Trung Hoa không nước nào nhiều kiến thức kinh nghiệm, địa hình, tình thế Trung Hoa và Trung Quốc hơn Nhựt – kể cả Mỹ.

Còn Nam dương là một quốc gia Á châu đại đa số dân theo Hồi Giáo, đông nhứt thế giới. Quân dân cán chính của Nam dương có thời đứng lên lật đổ Tổng Thống Sukarno thân TC. Hai nước Nam Dương và Mã Lai đa số dân theo Hồi Giáo lâu nay ít khi can dự hay phản đối hành động TC xâm lấn của các nước như Việt Nam, Phi luật tân.. Nhưng gần đây TC lò mò bành trướng về hướng Nam, đụng chạm với hai nước đông dân Hồi Giáo là Nam dương và Mã Lai. Hải quân Indonesia ngày 17/06/2016 bắn nhiều phát súng cảnh cáo ép tàu cá khai thác lậu phải dừng lại. Indonesia rượt theo, bắn, và bắt một tàu treo cờ Trung Quốc «kéo về Ranai» cùng với 7 thuyền viên, theo phía Indonesia, vụ này không gây thương vong. Thế là Hải quân TC tấn công tàu Nam dương để giải vây cho tàu TC. Bộ trưởng bộ Thủy Sản Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, ngày 21/03 tổ chức họp báo quốc tế lên án hành vi thô bạo của Bắc Kinh, thậm chí tuyên bố công khai là Indonesia không loại trừ việc kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về hành vi vi phạm này. Còn TC phản đối quyết liệt. Bà Hoa Xuân Oánh Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Indonesia bắn tàu cá TQ trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, nơi “tuyên bố chủ quyền của hai quốc gia chồng lấn”.

Sau đó Nhựt bổn và Nam dương ngày 4 tháng 8 họp bàn tăng cường và siết chặt mối liên kết của hai nước trong chiến lược quân sự. Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam dương Ryamizard Ryacudu và Phó Bộ Trưởng Ro Manabecủa Nhựt gặp nhau. Cả hai đều tập chú vào việc hợp tác quân sự. Nam dương muốn tăng cường hải lực và không lực trong công tác tuần tra biển và cứu hộ. Còn Nhựt thì chú mục vào công tác tăng cường thế lực cho các nước Đông Nam Á của ASEAN, trong đó Nam dương là nước lớn và đông dân nhứt. Nhựt cũng quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội bán những sản phẩm của kỹ nghệ quốc phòng mà Nhựt đã được Quốc Hội cho phép bán vũ khí sau khi chiếu luật phòng vệ tập thể của Nhựt được ban hành hồi tháng 4 năm 2014.

Tương quan liên kết quốc phòng này của hai nước phát triển từ khi Tổng Thống Joko “Jokowi” Widodo đắc cử lên nắm chánh quyền đầu năm 2015. Từ đó Nhựt tăng cường phát triển đối tác chiến lược và quốc phòng với Nam dương ngày thêm thân thiết.

Không những Nhựt phát triển cộng tác quốc phòng với Nam dương mà Nhựt còn siết chặt việc phòng thủ chung với các nước Đông Nam Á và đặc biệt với Mỹ và Úc nữa. Phía Nhựt trong cuộc hội nghị với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam dương, Nhựt còn bàn bạc việc tăng cường an ninh mạng và mua bán thủy phi cơ U2 mà Nam dương rất cần và đã ngỏ ý trước đây muốn mua của Nhựt.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Ryacudu bày tỏ và đánh giá công tác quốc phòng Nhựt Nam dương sẽ tiếp tục, siết chặt thêm trong tương lai, với Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhựt là Bà Tomomi Inada là nhân vật lập trường rất cứng rắn đối với TC.

Binh thư Tôn Tử của Trung Hoa cổ đại có câu “Mãnh hổ nan địch quần hồ”. Qua hành động làm ngang nói ngược của TC trong vấn đề Biển Đông, từ ngày CS mở cửa kinh tế với thế giới, chưa bao giờ TC bị các nước cô lập như bây giờ. TC chưa phải là một mãnh hổ so với lực lượng kinh tế, chánh tri, quân sự, ngoại giao của Mỹ và Liên Âu, kể cà Nhựt nữa. Hoàn cảnh tam đầu thọ địch của TC ở Á châu Thái bình dương có thể thành tình trạng thậm chí nguy cho chế độ CS ở TC. Nhiều đối thủ ở ngoài bao vây. Dân chúng trong nước bất mãn dễ trở thành một phong trào nổ chụp như ở Liên xô và các nước CS Đông Âu, mà các nhà chánh trị học gọi là phong trào “cách mạng màu”, chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, phần thắng thuộc về Thế giới Tự do.

Vi Anh