Là người Việt Nam, ai không thấy hãnh diện khi trong cộng đồng mình sản sinh ra những nhân tài nổi tiếng, ai không thấy vui mừng khi sự thăng tiến của tập thể mình được ghi nhận và vinh danh. Ngược lại, chúng ta cũng xấu hỗ lây khi nghe đài truyền hình, báo chí phanh phui những việc gian lận, buôn người, băng đảng, mà các can phạm mang những họ Trần, Lê, Nguyễn…
Vài năm trước đây, không rõ từ nguồn tin nào mà báo chí tiếng Việt đưa những tin rất “phần chấn” rằng tỷ lệ người Việt có bằng đại học cao đến 40%. Điều khó phủ nhận là con em của những người tị nạn Việt Nam ngày nay đa số đã thành đạt. Các em học giỏi, đứng đầu lớp khi tốt nghiệp trung học, nhận bằng tối ưu, danh dự khi tốt nghiệp đại học… Dường như gia đình nào cũng có con em tốt nghiệp đại học. Nào kỹ sư, nào bác sĩ, dược sĩ, nào luật sư… Các trang báo đăng tin mừng, chia vui đầy rẩy trong mùa tốt nghiệp. Các hội đoàn cũng nhân ngày họp mặt xướng danh và ban phát giấy khen các tân khoa.
Nhưng thực tế, cái tỷ lệ tốt nghiệp đại học trong cộng đồng Việt không cao như thế, dù đang có chiều hướng gia tăng. Có lẽ họ đã mượn nhầm con số tổng quát của tập thể Mỹ gốc Á (48%) mà trong đó sắc dân Việt khiêm tốn đứng hàng thứ ba (19%) tính ngược từ dưới lên (chỉ cao hơn sắc dân Cambodia, Lào và Hmong)
Người viết bài này đã tham khảo nhiều tài liệu của chính phủ cũng như của các cơ quan nghiên cứu. Vì vấn đề thống kê dân số rất phức tạp, tốn kém, nên phải 10 năm, chính phủ mới có một văn bản với đầy đủ các chi tiết. Tài liệu mới nhất mà tác giả tìm được cũng từ năm 2010. Đa số là tài liệu năm 2000. Do đó bài này không thể phản ảnh đúng tình trạng hiện nay của đầu thập niên 2010, nhưng tác giả tin rằng sự sai biệt là không đáng kể.
1.- Sự hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt
Dù mọi người đã biết rõ về sự hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt, chúng tôi cũng xin nhắc lại sơ qua với các tình tiết liên quan đến chủ đề của bài này.
Trước ngày miền Nam mất vào tay Cộng Sản, chỉ có 650 người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ. Họ là những sinh viên du học thời Việt Nam Cộng Hoà và không về nước trước biến cố 30/4/1975. Ngay những ngày sôi động khi miền Nam thất thủ, hàng chục ngàn người mà đa số là thị dân, công chức quân nhân cao cấp đã thoát kịp và được nhận vào Hoa Kỳ. Sau đó, nhờ vào Đạo Luật Giúp Đỡ Di Dân Tị Nạn Đông Dương năm 1975 (Indochina Migration and Refugee Assistance Act) do cố Tổng Thống Gerald Ford đề xướng và được Quốc Hội ban hành, cho đến 2002, có tổng cộng 1,146, 650 di dân đến từ ba nước Đông Dương, trong đó đông nhất là dân Việt Nam với 759, 482 người thứ đến là Lào (241,996) và Cambodian (145,172). Sau 2002, các chương trình đặc biệt như Định Cư Cựu Tù Nhân Chính Trị và Con Lai đã chấm dứt, chỉ còn chương trình Đoàn Tụ Gia Đình, cho nên lượng di dân của người Việt cũng không còn ồ ạt. Do đó sự gia tăng không đáng kể. Thống kê 2010 cho biết có 1,737,433 người Việt định cư tại Hoa Kỳ trong đó có 82% đã trở thành công dân Mỹ. Có đến 581,946 người (38%) cư trú tại Tiểu Bang California, và 210,913 người (14%) tại Texas. Người Mỹ gốc Việt đông hàng thứ tư trong tổng số dân Mỹ gốc Á Châu, tập trung tại các thành phố lớn như San Jose, Houston, Seattle, Washington, D.C. (vùng Bắc Virginia), và Dallas-Fort Worth.
Có đến hơn một triệu người Việt trên 5 tuổi nói tiếng Việt trong gia đình, làm cho Việt Ngữ đứng thứ bảy trong số những ngôn ngữ được dung nhiều nhất tại Hoa Kỳ.
2.- Thành phần xã hội:
Thành phần xã hội và mức lợi tức của người Mỹ gốc Việt rất đa dạng. Trong đợt đến Mỹ đầu tiên, như đã nói ở trên, là những người dân trung lưu các thành thị lớn ở miền Nam mà đa số là công chức, quân nhân cao cấp, hàng ngũ trí thức.
Trong đợt di dân thứ hai từ năm 1978 đến giữa 1980, ước tính có cả triệu người Việt đã trốn tránh chế độ CS trên các con thuyền mỏng manh. Có phân nữa đã bị vùi thây trên biển cả, phân nữa khác đến được các nước tự do, mà đa số là đến Hoa Kỳ. Thành phần di dân này đuợc gọi là Thuyền Nhân đa số ở tầng lớp thấp của xã hội, học vấn từ trung bình đến thấp, không có tay nghề chuyên môn. Sau khi Quốc Hội thông qua Đạo Luật Tị Nạn (Refugee Act, 1980), từ đầu thập niên 1990, các cựu quân nhân công chức từng bị Cộng Sản giam cầm và gia đình (531,310 người) được Hoa Kỳ cho nhập cư. Kế đó là đợt di dân của các con lai, mà cha họ là những người Mỹ từng làm việc hay chiến đấu ở Việt Nam.
Dù thuộc thành phần trung lưu hay thấp kém, đa số người Việt đều bị trở ngại bởi hàng rào ngôn ngữ. Chỉ có một số rất nhỏ học thêm ở đại học để có công việc tốt ở các hãng điện tử, văn phòng, giáo dục…, đa số còn lại phải làm thợ trong các hãng xưởng, tiệm ăn, sửa chữa xe cộ, cắt cỏ và hành nghề làm móng tay, cắt tóc. Sự cách biệt được thấy khá rõ ở San Jose khi so sánh những cư dân Việt làm nghề lao động bình thường (blue collars) ở khu vực downtown San Jose với dân có trình độ làm chuyên viên (professionals) ở khu Evergreen và Berryessa. Một điều lý thú là người Việt thích chọn nghành Nails, có lẽ vì lý do dễ học, chỉ cần khéo tay mà lại không cần biết Anh ngữ. Trong số những người làm neo toàn quốc, có 43% là người Việt. Tỷ lệ này lên đến 80% tại Tiểu Bang California.
3.- Mức Độ Hội Nhập vào Xã Hội Mỹ
Theo một nghiên cứu của Học Viện Manhattan vào năm 2008, thì nhìn chung, người Việt nhanh chóng hội nhập vào đời sống Mỹ (chỉ thua Canadian, Filippino, ngang hàng với Cuban, Korean). Về phương diện đời sống (Civic) thì người Việt có mức hội nhập cao nhất, nhưng về mặt văn hoá, thì thua kém các cộng đồng dân khác (chỉ hơn Trung Hoa và Ấn Độ). Xin lưu ý: Mức độ hội nhập văn hoá không liên quan đến trình độ học vấn, người Việt có chỉ số thấp vì trở ngại ngôn ngữ. Sự tham gia hoạt động chính trị cũng cao có lẽ vì họ là những người tị nạn chính trị, và đã chấp nhận Hoa Kỳ là quê hương mới.
Các so sánh này không đề cập đến dân Lào và Cambodian
So với những người Mỹ gốc thì rõ ràng người Việt kém hẳn về sự thành đạt trong học vấn và sự giàu có. Nhưng họ đang có chiều hướng vượt lên. Chỉ trong mười năm 1989 và 1999 tỷ lệ nghèo khó của cư dân Việt giảm từ 34% xuống còn 16%, so với 12% là tỷ lệ nghèo khó chung của toàn dân Mỹ cũng trong năm 1999.
4.- Trình Độ Học Vấn:
Tại Việt Nam trước năm 1975, có khoảng 25% dân số có trình độ Trung Học. Bằng Tú Tài là mức phổ cập của giới trung lưu. Nhưng tại Mỹ, thì bằng đó chỉ là mức phổ cập của đại chúng.
Thống kê Mỹ cho thấy có 61.9% trong tổng số cư dân Việt có bằng Trung Học hoặc cao hơn, so với tỷ lệ chung toàn dân Mỹ là 80.4%. Người Việt chỉ khá hơn người Lào (50.5%) và Cambodian (47.1%). Trong các sắc dân Mỹ gốc Á châu, người Nhật có tỷ lệ cao nhất (91.4%), kế đó là Filippino (87.4%), Korean (86.4%), Ấn Độ (85.4%), và Trung Hoa (77.6%). Tỷ lệ dân có bằng Đại học của Mỹ là 24.4%, trong khi các nước dân Mỹ gốc Á theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Ấn Độ (60.9%), Trung Hoa (46.6%), Korean (43.1%), Filippino (41.7%), Nhật Bản (40.4%), Việt Nam (19.5%), Cambodian (9.1%), Laotian (7.6%). Con số theo thống kê năm 2003 có khả quan hơn (Xem đồ biểu)
Source: U.S. Department of Commerce, Economics and Statistics Administration, U.S. Census Bureau. 2000.
Bước qua thế hệ thứ hai, người Mỹ gốc Việt đã có sự tiến bộ đáng kể về phương diện học vấn. Truyền thống gia đình của người Việt là khuyến khích con cái học hành vì họ quan niệm sự giáo dục là chìa khoá vạn năng, sẽ giúp mở tất cả các cánh cửa vào đời, bảo đảm sự thành công về danh vọng và tiền tài. Thanh niên Việt đặc biệt chú trọng vào các nghành kỹ sư và y, nha, dược, mà ít theo đuổi các ngành nhân văn, một phần có lẽ do trở ngại về văn hoá và rất thực tế là các ngành này khó kiếm ra nhiều tiền. Theo thống kê 2010, trong tổng số những người Việt trên 25 tuối, có 29% chưa có bằng Trung Học hoặc thấp hơn. Trong khi tỷ lệ này là 38% cho người Hmong, 37% cho người Cambodia, 33 cho người Lào so với Nhật chỉ có 5.4%, Indonesian 7%.
Những sự yếu kém về các mặt của người Mỹ gốc Việt có thể đổ cho trở ngại ngôn ngữ. người Việt có tỷ lệ cao nhất (45%) trong các sắc dân gốc Á về điểu mà các nhà Xã Hội Học Mỹ gọi là “Linguistically Isolated” (tạm dịch là bị cách biệt vì ngôn ngữ bất đồng) tệ hơn cả dân Lào, Hmong,Cambodia. Tỷ lệ chung cho các sắc dân Á là khoảng 25%. Thống kê 2010 cũng cho biết có đến 51% người Việt không nói sỏi tiếng Anh,
5.- Mức Giàu-Nghèo:
Cũng theo thống kê 2000, lợi tức trung bình một gia đình Mỹ (tổng quát) là $60,609, bình quân đầu người là $26,059; Mỹ gốc Á cao hơn: $75,964 (gia đình) và $27,284 (đầu người). Trong khi đó Mỹ gốc Việt là $56,958 (Gia đình) và $19,987 (đầu người), chỉ khá hơn dân Lào và Cambodian. (Xem thống kê).
Theo thống kê Reeves Bennet 2004 và Teranishi 2010, nếu tính theo tỷ lệ số người trong sắc dân mà sống dưới mức nghèo khó (theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ) thì Việt Nam có 16.6%, trong khi toàn quốc là 15.3%, dân Mỹ gốc Á là 12.4%. Dân Mỹ gốc Việt lại cũng chỉ khá hơn dân Lào (18.5%), Hmong 37.8%) và Cambodian (29.3%). Chỉ có người Ấn Độ, Filippino và Nhật là có tỷ lệ thấp nhất. Dĩ nhiên, dân gốc Việt khá hơn nhiều so với các dân Mỹ da đỏ (25.7%), Mỹ da đen (24.7%), Hispanic (22.6%). Biểu đồ bên dưới là của năm 1999.
Các nghiên cứu mới nhất cho biết hiện nay có đến gần phân nửa số dân Mỹ phải lãnh trợ cấp welfare và Phiếu Thực Phẩm (Xin xem các bài của tác giả Đỗ Văn Phúc trong:http://www.michaelpdo.com/USAWrongTrack.htm, http://www.michaelpdo.com/USAWelfareState.htm
Trở lại thống kê năm 2000, trong tổng số 477 ngàn gia đình Mỹ gốc Việt, có 15.8% nhận Trợ Cấp An Sinh Xã Hội, 9.3% nhận Trợ Cấp Gia Tăng (SSI), 11.9% nhận phiếu Thực Phẩm. So với toàn thể dân Mỹ nói chung và các sắc dân Đông Dương nói riêng, thì sắc dân Việt có điểm khá, có điểm yếu kém hơn. Xin xem biểu đồ 7 bên dưới với nhiều chi tiết hơn.
Tuy nhiên, các con số thống kê của Mỹ không hẳn đã phản ảnh chính xác sự thật. Là người hoạt động cộng đồng trong hơn hai thập niên, tác giả biết nhiều về những hiện trạng kinh tế tài chánh của các gia đình Việt Nam. Có rất nhiều người làm các nghề tự do, nhận tiền mặt mà không khai báo hết khi khai thuế cuối năm. Nhiều người đi làm có lợi tức nhưng vẫn man khai nghèo khó để lãnh tiền An Sinh Xã Hội và Phiếu Thực Phẩm. Chính tận mắt tác giả đã thấy một bà dùng Phiếu Thực Phẩm (ở Texas, đó là thẻ Lone Star cấp cho gần 2 triệu dân Texas) để mua một xe (shopping cart) đầy những trái sầu riêng. Có những người Việt “nghèo” ở trong những căn nhà trị giá nửa triệu, đi trên những chiếc xe Lexus, BMW láng bóng. Mỗi năm, người Việt ở Mỹ gửi về cho gia đình bên Việt Nam hàng tỷ đô la. Như thế, có quá mâu thuẫn khi nhìn vào mức nghèo khó của tập thể Mỹ gốc Việt trên các thống kê của chính phủ? Những người lương thiện hẳn phải bứt rứt, cảm thấy xấu hỗ mỗi khi nghe đến các vụ gian lận bị phanh phui, và bị những người Mỹ bản xứ nhìn vào như những người đến đất của họ để ăn bám, lạm dụng hệ thống An Sinh Xã Hội!
Sự trưởng thành của các người Việt thế hệ sau này chắc sẽ làm thay đổi nhiều tình trạng yếu kém về tài chánh và trình độ mà đã đẩy người Mỹ gốc Việt xuống gần cuối thang của sự đánh giá chung. Người Việt vốn thông minh, tháo vát, có óc cầu tiến chắc sẽ không thua kém các sắc dân Á Châu khác. Một điều cần lưu ý là sự di dân của những sắc dân Á Châu khác hoàn toàn khác hẳn với dân ba nước Đông Dương. Họ là những người trung lưu đến Mỹ du học hoặc lập nghiệp mà số vốn tài chánh và tri thức mang theo cao hơn nhiều so với những người Việt Nam chúng ta. Do đó không lạ, họ ở mức thang rất cao trong sự đánh giá. Có lãnh vực còn cao hơn cả dân Mỹ bản địa.
Cuối tháng 8/2013
Đỗ Văn Phúc