Saturday 24 August 2013

Bạc Hy Lai cứng cỏi : Bắc Kinh lúng túng

Phiên xử ông Bạc Hy Lai tại toà án Tế Nam - REUTERS /CCTV via Reuters TV
Phiên xử ông Bạc Hy Lai tại toà án Tế Nam - REUTERS /CCTV via Reuters TV
Trọng Nghĩa 
Phiên tòa xử cựu lãnh đạo Trung Quốc Bạc Hy Lai bước qua ngày thứ ba vào hôm nay, 24/08/2013. Hôm qua, vợ của bị cáo – Cốc Khai Lai – đã khai trước tòa về các tội tham nhũng và lạm quyền của chồng mình. Bạc Hy Lai đã bác bỏ các lời chứng kể trên, gọi vợ mình là một người vô trách nhiệm và điên rồ.
Trả lời đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde, Lý Đại Đồng (Li Datong), cựu Tổng biên tập viên tuần san Băng điểm (Bingdian) - bị cách chức vì một bài viết bị coi là nhạy cảm – đã phân tích về hai ngày đầu tiên của phiên tòa.
RFI : Lần đầu tiên, biên bản phiên tòa được công bố trên mạng xã hội. Liệu điều đó có đủ để chứng tỏ tính minh bạch của vụ xử hay không ?
Lý Đại Đồng : Dẫu sao thì đây là cũng là một tiến bộ, vì đây là lần đầu tiên mà hình thức thông tin này được áp dụng cho một phiên tòa. Tòa án đã làm đúng khi tôn trọng quyền của bị cáo. Thông qua mạng tiểu blog, tòa án có thể công bố bản ghi chép các lập luận của cả hai bên bị cáo và bên công tố một cách khá đầy đủ vào nhanh hơn. Điều này cho phép chúng ta có được ý kiến ​​riêng về vụ xử. Một lần nữa, đây là lần đầu tiên mà điều này được thực hiện ở Trung Quốc, do đó cần được hoan nghênh.
RFI : Bạc Hy Lai đã bác bỏ các cáo buộc nhắm vào ông ấy. Ông nghĩ gì về thái độ đó ?
Lý Đại Đồng : Tôi cho rằng Bạc Hy Lai đã khiến chính quyền Trung Quốc bất ngờ khi ông phủ nhận những lời thú tội của mình. Ngay ngày đầu tiên của phiên tòa, chế độ đã bị lúng túng. Trong các bản tin buổi tối lúc 19g00 rất quan trọng ở Trung Quốc, chúng tôi đã không nghe thấy nói gì về phiên tòa vừa diễn ra. Rõ ràng là chính quyền không biết phải đối phó như thế nào với tình huống đó.
RFI : Một số nhà phân tích nói rằng phiên tòa là một phần trong một màn diễn để biện minh cho quyết định thanh trừng ...
Lý Đại Đồng : Chúng ta không thể nói rằng tất cả mọi thứ đã được an bài. Chính quyền rõ ràng là đã không lường trước được tình huống này. Bạc Hy Lai đã nhận tội trong quá trình điều tra của cơ quan kỷ luật đảng, và không ai nghĩ rằng ông ấy sẽ phủ nhận lời thú của mình.
Tôi cho rằng phiên tòa sẽ kéo dài thêm hai ngày, và đó cũng là một yếu tố mới. Ai cũng tưởng rằng phiên tòa lần này cũng sẽ được kết thúc nhanh chóng, tương tự như vụ xử bà Cốc Khai Lai, với tất cả mọi thứ đã được dự tính trước. Thế nhưng ông Bạc Hy Lai đã nhét một hạt cát vào trong guồng máy.
Phiên tòa xử ông Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) - nguyên Bộ trưởng Bộ Đường sắt bị kết án án tử hình treo vì tội tham nhũng – chỉ kéo dài nửa ngày, cho dù ông ta đã nhận được hàng trăm triệu nhân dân tệ hối lộ. Tất cả mọi người lúc ấy đều coi phiên tòa đó là trò hề, với mọi sự được sắp xếp trước. Thậm chí bị cáo còn thèm kháng án. Ai cũng tưởng lầm rằng trường hợp ông Bạc Hy Lai cũng sẽ như thế.
RFI : Làm thế nào để giải thích thái độ cứng cỏi của ông Bạc Hy Lai ?
Lý Đại Đồng : Bạc Hy Lai là một nhân vật thuộc về lịch sử của Trung Quốc và ông ấy biết rõ điều đó. Ông ấy không giống như các nhà lãnh đạo tham nhũng khác mà thuộc tầng lớp quý tộc đỏ và từng là Ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Do vậy, ông muốn để lại một dấu ấn trong lịch sử. Chính quyền cáo buộc ông là sử dụng mưu mẹo, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Ông ấy rất trầm tĩnh trong phiên xử, ông đã chỉ tự bảo vệ mà thôi.
RFI : Tại sao thỏa hiệp đạt được với chính quyền trong lúc ông Bạc Hy Lai bị giam giữ lại không thực hiện được ?
Lý Đại Đồng : Trong thực tế, người ta nghĩ rằng thỏa hiệp đã dựa trên hai điều. Lẽ ra Bạc Hy Lai đã có thể dùng sự ăn năn của mình để xin giảm án và yêu cầu cho con trai ông là Bạc Qua Qua được an toàn và được quyền trở về Trung Quốc. Thế nhưng chúng ta thấy rằng tình thế đã thay đổi. Bạc Hy Lai đã phủ nhận mọi cáo buộc, đẩy chính quyền vào tình trạng rất bối rối.
Bây giờ đến lượt cấp lãnh đạo cao nhất của đảng phải quyết định. Phiên tòa như vậy sẽ phải tiếp tục cho đến khi guồng máy lãnh đạo của nhà nước đưa ra phán quyết.
RFI : Điều đó có thể thay đổi bản án cuối phiên tòa hay không ? Và bản án đó sẽ ra sao ?
Lý Đại Đồng : Không. Sẽ không có gì có thể ảnh hưởng đến bản án vì điều này đã được quyết định. Nhưng cách thức mới trong việc tiến hành một phiên tòa chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Bạc Hy Lai không thể thoát khỏi cảnh tù tội. Lập luận « Rất tiếc, nhưng tôi không hay biết » của ông không đủ sức giúp ông thoát tội. Ông phải đối mặt với một bản án 20 năm tù. Còn án tử hình sẽ khó mà áp dụng đối với với ông vì ông ấy đã không giết bất cứ ai, trong lúc tiền hối lộ ông nhận không cao. So với các quan chức cao cấp khác, nó không phải là nhiều.
RFI : Về ngôi biệt thự ở Pháp, liệu con trai của ông Bạc Hy Lai có thể bị điều tra hay không ?
Lý Đại Đồng : Điều chắc chắn là việc ông Bạc Hy Lai không biết về ngôi nhà này không có nghĩa là ông ấy vô tội. Có thể là Bạc Hy Lai không hay biết về sự tồn tại của tòa biệt thự đó, nhưng ngay cả khi đó là sự thật, trong luật pháp Trung Quốc, nếu các thành viên gia đình ông thủ lợi, thì ông phải chịu trách nhiệm.
Nhưng kể cả trong trường hợp đó, tôi không nghĩ rằng vụ ngôi biệt thự sẽ ảnh hưởng đến bản án trong trường hợp của ông Bạc Hy Lai. Chính bà vợ và đứa con trai của ông mới là sở hữu chủ của tòa biệt thự và do đó chính cậu con trai này mới phải giải thích về bất động sản đó.