Gởi cho những tên như Ngô Vĩnh Long tại Mỹ
Lê Bá Hùng
62 rue Boileau, một buổi chiều…
Đối với bà con Việt Nam ở Paris, số 62 phố Boileau là một địa chỉ không xa lạ : trụ sở đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Tòa nhà màu trắng gần 40 tuổi này nằm ở một phố nhỏ quận 16 thủ đô Paris, thuộc khu « tư sản » sang trọng (như nhiều sứ quán khác). Đường phố và địa chỉ 62 đều mang dấu ấn lịch sử : nó mang tên nhà thơ cổ điển thế kỉ 17 Nicolas Boileau (1636-1711). Boileau đã sống nhiều năm ở phố này, tương truyền cái cây ở số 62 (mà đại sứ quán không được quyền bứng đi) là cái cây mà dưới bóng, nhà thơ Pháp thường ngồi sáng tác. Gần đây hơn, vào tháng hai 1973, khi Hiệp định Paris chưa ráo mực, ngôi biệt thự nằm trên thửa đất này cũng đã đi vào lịch sử điện ảnh : cuốn phim La Grande Bouffe (Bữa ăn nhậu vĩ đại) của Marco Ferreri đã được quay tại đây.
Một năm sau, quan hệ ngoại giao được thiết lập ở cấp đại sứ giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lịch sử sang trang. Nhà nước Việt Nam mua thửa đất ở phố Boileau để xây dựng đại sứ quán. Trong lịch sử ngoại giao của nước Pháp, có lẽ chưa bao giờ có chuyện này : đồ án xây dựng là của một kiến trúc sư Việt kiều (anh Võ Thành Nghĩa), đã là chuyện hiếm có, nhưng sau phần xây dựng cơ bản, phần lớn những công đoạn « hoàn thành » đều do những bàn tay Việt kiều « ăn cơm nhà vác ngà voi » ; các bác công nhân (ai xem phim Công Binh của Lê Lâm còn được gặp một vài bác), tất nhiên, nhưng bên cạnh các bác là đông đảo những trí thức, sinh viên, nam phụ lão ấu.
Chiều nay, 29 tháng bảy 2013, bước chân tới 62 rue Boileau, tôi không khỏi nhớ tới lịch sử gần bốn thế kỉ của địa điểm này. Gốc cây Boileau, La Grande Bouffe… Tới ngày tháng tư 1977, thủ tướng Phạm Văn Đồng khánh thành ngôi nhà đại diện cho Việt Nam, ngôi nhà mà biết bao người đã góp phần xây dựng cách đây bốn thập niên.
Cùng đi với tôi, là tám chín anh chị em Việt Nam. « Việt kiều » cũ, hầu hết, nhưng có một chị đã từng là cán bộ Bộ tài chính, rồi ra làm cho một công ti nước ngoài, lấy chồng, sang Pháp sống được hơn mười năm nay. Hôm nay, lần đầu tiên « tôi đi như vậy », nên « hơi run », chị mỉm cười nói – cũng là lần đầu tiên, tôi được gặp chị. Một anh là nhà vật lý, từng làm việc ở Nguyên tử lực cuộc Pháp, năm 1979 (giữa khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam) về nước làm việc ở Viện nguyên tử Đà Lạt ; nay anh về hưu, thỉnh thoảng sang Pháp thăm và giữ cháu « đích tôn » — chiều nay, anh trao cháu cho người khác giữ để tới đây. Hôm nay, « các nhà vật lý » chiếm sân khấu như trong vở kịch của Friedrich Dürrenmatt : bên cạnh nhà nguyên tử học Đà Lạt, là hai nhà vật lý, giám đốc nghiên cứu CNRS…
Trong « đoàn » chín người chúng tôi, đếm sơ có ba bốn anh chị em đã từng lặn lội tới đây bốn mươi năm về trước để lát gạch, sơn tường, quét dọn (hay… bày bừa). Và cũng có những anh chị chưa hề tham gia « phong trào », thậm chí còn hoạt động ở « phía bên kia ». Hôm nay chúng tôi hẹn nhau tới đây – hoan hô internet ! – để trao lá Thư yêu cầunhờ sứ quán Việt Nam chuyển về Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, « để khẩn cấp giải quyết vụ tuyệt thực, nhằm giữ mạng sống cho công dân yêu nước Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày ». Và « Chúng tôi đòi các nhà chức trách trả tự do vô điều kiện cho công dân Nguyễn Văn Hải và các tù nhân lương tâm khác. » Chúng tôi chỉ là vài người trong số những người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng sáng kiến của mấy trăm đồng bào trong nước (danh sách mạng Bauxite Việt Nam công bố sáng nay, có 623 chữ ký).
Theo đúng phép lịch sự, chúng tôi đã gọi điện thoại tới sứ quán từ buổi sáng để thông báo là chúng tôi sẽ tới vào lúc 15g để đưa thư.
Qua khỏi cửa sắt bên trái, trước khi tiến vào cổng chính của sứ quán, chúng tôi gặp một nữ nhân viên sứ quán. Bà/cô ấy cho biết cán bộ sứ quán đều bận công tác, không thể tiếp chúng tôi. Lá thư chúng tôi nhờ chuyển cho Chủ tịch Trương Tấn Sang, mà bà/cô ấy « không có thẩm quyền nhận », chúng tôi cứ việc bỏ vào hộp thư, nhân viên văn phòng tới giờ sẽ ra lấy. Vốn là người cẩn thận, anh bạn tôi hỏi bà/cô ấy có thể làm một tờ giấy biên nhận không ? Câu trả lời, bạn đọc cũng đoán trước : « không có thẩm quyền ».
Thế là, sau nửa mét bước vào lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi bước trở lại lãnh thổ Pháp, để một « nhà vật lý » (được « đoàn » chúng tôi nhất trí bầu cử) bỏ phong bì vào hòm thư của sứ quán. Hi vọng khi tôi viết dòng này, đã tới giờ nhân viên văn phòng ra lấy.
Nhà vật lý học Phạm Xuân Yêm bỏ Thư Yêu Cầu vào…
….hòm thư của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp
Cũng hi vọng là với phương tiện viễn thông hiện đại, lá thư yêu cầu được chuyển về Chủ tịch Trương Tấn Sang nhanh và gọn hơn là lá thư phản đối của anh Nguyễn Văn Hải, hơn ba mươi ngày vẫn chưa đi hết con đường từ trại giam số 06 đến Viện kiểm sát Nhân dân Nghệ An, cả hai đều ở cùng một tỉnh.
Trước khi ra về, chúng tôi chụp một tấm hình kỉ niệm. Để ghi nhớ là đằng sau chấn song thép là tòa nhà, có bàn tay xây dựng của những người trong chúng tôi, nhưng quan trọng hơn cả, nó là tòa nhà đại diện cho đất nước của hơn 90 triệu người, trong đó, tư tưởng và tình cảm của chúng tôi, hôm nay, hướng về những con người cụ thể, đứng sau những chấn song khác nữa : Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ (ngày nào tôi còn gặp Hà Vũ và cha anh cũng ở số 62 rue Boileau này), Nguyễn Phương Uyên…
29.07.2013
KIẾN VĂN