Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Giới cầm quyền Việt Nam hiện nay, một khi còn biết nói về khái niệm đạo lý, liêm sỉ, lương tâm, pháp luật v.v... nghĩa là họ còn hiểu được làm "người" không dễ nhưng cũng không quá khó. Do đó, cần nhắc lại trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung để ĐCSVN ngẫm lại hành xử có xứng đáng với sự "quang vinh muôn năm" mà họ tụng ca hay không (!).
Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983. Ngày người thanh niên này trở về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hạng ưu lĩnh vực công nghệ thông tin tại Pháp, anh vừa tròn 24 tuổi. Trung du học từ năm 2002, với nhiều hoạt động xã hội sôi nổi và điều ấn tượng nhất, anh đã cùng bạn hữu lập ra tổ chức "Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ" vào ngày 6/5/2006.
Tháng 8 năm 2007, Trung về Việt Nam sau 5 năm du học.
Điều tồi tệ cần nhắc lại: Sau khi Trung về nước, người cộng sản đã dựng trò "đi nghĩa vụ quân sự" đối với chàng trai này vào năm 2008.
Lúc bấy giờ, nhiều người tin rằng, việc buộc Trung đi nghĩa vụ, nhằm mục đích "cảm hóa" anh đừng đi vào con đường "phản động" (!).
Có thể lúc bấy giờ, người Cộng sản nuôi chút hy vọng, dù sao Trung sinh ra, lớn lên trong gia đình "truyền thống cách mạng", nên họ dùng "tư duy" "suy bụng ta ra bụng người" mà mong Trung nghĩ lại?! Bên cạnh đó, họ dường như cũng biết tiếc rẻ, nếu như để mất một thạc sĩ hạng ưu do "bọn tư bản" đào tạo?
Đó như là điều trớ trêu và giễu cợt người Cộng sản, vì có lẽ, những năm dài u mê tăm tối trong mớ giáo điều "Mác - Lê - Hồ" pha trộn thói gia trưởng đặc sệt trong tâm tưởng, nên họ không thể nào hình dung ra phẩm chất đặc biệt của Tuổi Trẻ luôn - tiếp thu cái mới và sáng tạo - sẵn sàng thăng hoa tối đa, một khi môi trường tự do thật sự bày ra trước mắt các chàng trai, cô gái. Ở đó, những thanh niên, thiếu nữ mặc sức bay bổng với những ý tưởng tuyệt vời nhất mà họ có thể nghĩ ra, sau những nhìn ngắm và ấp ủ trong những năm tháng sống ở nước ngoài.
Hồ Chí Minh chẳng từng như thế sao?
Hãy ngẫm lại mà xem, hỡi người Cộng sản! Ngay lúc này đây, được mấy người trong hàng ngũ cấp cao "ăn học" tại nước ngoài ở tuổi đôi mươi mà bằng chính khả năng có thật như Nguyễn Tiến Trung, chứ không phải những chuyến đi, "học" thì chẳng mấy mà "ăn" thì nhiều.
Năm 2009, người Cộng sản loại ngũ Trung vì không ép được anh đọc cái gọi là "lời thề" "trung với đảng" - một thứ thề thốt phản động nhất, u mê nhất và phản khoa học nhất trong lịch sử Việt Nam.
Hai mươi bốn giờ đồng hồ sau loại ngũ, ngày 07/7/2009, Trung đã bị bắt để rồi bị truy tố, ép cung và kết án 7 năm tù giam cùng 3 năm quản thúc.
Có lẽ, người Cộng sản thất vọng và không đủ kiên nhẫn sau khi "cố" "giáo dục" Trung, nên họ đã lạnh lùng bóp nát tài năng và tương lai, bằng cách chụp vào đầu người thạc sĩ công nghệ thông tin "tội 88" (!).
Nhắc đến chi tiết "đi nghĩa vụ quân sự" của Nguyễn Tiến Trung để nhắn tới những ông cộng sản như: Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Quốc Thước, Dương Trung Quốc v.v... trước khi mạt sát, chê bai thanh niên "trốn nghĩa vụ", các ông hãy "vui lòng" nhớ lại hành vi đớn hèn của chính thể cộng sản đối với tuổi trẻ Việt Nam lồng trong mưu mô được gọi là "nghĩa vụ thiêng liêng" đối với Tổ quốc.
Trong một thư ngỏ năm 2006, Nguyễn Tiến Trung, 23 tuổi, gởi cho Nguyễn Minh Hiển - Bộ trưởng Bộ giáo dục lúc bấy giờ, anh viết [1]:
"...Chúng em được học những tư tưởng thù hận và nghi kị đối với các nước tư bản, phải tiêu diệt, đào mồ chôn họ chứ không được học cách sống chung trong hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngày 11/09/2001, khi cả thế giới bàng hoàng và đau đớn khi hai tòa nhà WTC ở New York bị tấn công, em đã nhảy lên vui mừng vì "đế quốc Mỹ" bị trừng phạt. Tính "ác" trong người em trỗi dậy nhưng em lại cho đó là suy nghĩ đúng đắn, theo những gì được dạy dỗ. Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao lúc đó em có thể suy nghĩ như vậy..."
Đó là bằng chứng khó chối cãi được gọi tên "nhồi sọ" - tội ác man rợ và ngu xuẩn nhất mà người cộng sản đã gây ra suốt hàng chục năm qua. Nó để lại sang chấn tâm lý kéo dài nhiều thế hệ cho đến nay, nhưng người cộng sản chưa bao giờ nhận ra họ là hiện thân của quỷ dữ! "Đảng ta là đạo đức là văn minh" càng trở nên mỉa mai hơn bao giờ hết!
Tuổi trẻ Việt Nam trong nhiều năm dài chỉ được dạy hận thù, trả đũa và hả hê trước nỗi đau nhân loại. May mắn thay, vài năm ra nước ngoài, với tư chất thông minh cộng với cái nhìn khoáng đạt và tâm hồn nhân ái, Trung đã nhận ra sai lầm khi giật mình nói về "tính ác" trong con người của anh. Đó cũng là đặc tính hay nhất của tuổi trẻ: biết nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi nhanh chóng.
Vì thế, trước khi mắng thanh niên Việt Nam ngày càng vô trách nhiêm, chỉ biết hưởng thụ, hèn nhát và độc ác, người cộng sản Việt Nam nên ăn năm sám hối tội lỗi của họ hơn 70 năm qua đã gieo rắc nọc độc vào các thế hệ Việt Nam khởi từ lúc trẻ con vừa ê a trong những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.
Sự đấu tranh tự nhiên giữa "Thiện" và "Ác" như vốn dĩ tạo hóa luôn đặt để cho nhân loại là quy luật muôn đời. "Thiện", dù ban đầu yếu ớt, mong manh, ít ỏi nhưng cuối cùng vẫn chiến thắng "Ác".
Hơn 4 năm qua, kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tiến Trung nhận án, phong trào dân chủ tiến một bước thật dài, trong đó, Tuổi Trẻ đã vươn lên, trở thành lực lượng dẫn đầu trong hầu hết các phong trào, các hình thức đấu tranh. Họ trở thành đại diện sáng giá nhất trong phong trào đấu tranh dân chủ và bảo vệ Tổ quốc.
Không những thế, chính thế hệ trẻ luôn tạo ra những bất ngờ, độc đáo mà vô cùng thú vị như "Tuyên bố 258" gần đây đã vươn ra thế giới; cũng chính họ đã khơi nguồn cảm hứng, gieo mầm trăn trở, đánh thức nỗi niềm thao thức cho thế hệ ông cha, để từ đó suy ngẫm về sai lầm trong quá khứ mà đoạn tuyệt với cái cũ, làm nền cho cái mới như luật gia Lê Hiếu Đằng vừa công khai đòi phải có đa nguyên đa đảng với ý tưởng thành lập một chính đảng?
Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi cũng đã tạo ra bất ngờ lớn lao bằng những phát ngôn sâu sắc như nhiều người đã thấy trong phiên tòa phúc thẩm, cũng như trả lời rất đĩnh đạc trước các trang báo mà cô dành cho họ cuộc phỏng vấn.
Trong các trả lời đầy bản lĩnh của Uyên, điều gây chú ý khi cô nói [2]: "...kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi".
Ngày nay, với lứa tuổi này, nhiều thanh niên thiếu nữ trang lứa, họ không đặt nặng vai trò tôn giáo gắn kết với làm giàu tâm hồn để biết yêu mình cũng như yêu người. Nhiều người còn báng bổ tôn giáo theo những cách rất kém văn hóa hoặc bắt chước người lớn "ngã giá" với thánh thần trong những cuộc thi cử.
Không chỉ tuổi trẻ, dẫn lời Phật dạy, Phương Uyên còn như khuyên những người lớn với danh tiếng như cồn, học vị cao thâm nên úp mặt vào gối mà suy ngẫm tục ngữ: "thương người như thể thương thân", nó đã bị lãng quên và chối bỏ quá lâu rồi!
Nguyễn Tiến Trung bị kêu án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc ở tuổi 26. Đinh Nguyên Kha với tuổi 25 bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc.
Dù thật vui mừng khi cô gái xinh đẹp và cương nghị đã thoát khỏi nhà tù nhỏ, nhưng đọng lại trong băn khoăn của nhiều người là chàng trai 25 tuổi kia tại sao vẫn chịu mức án nặng nề trong cùng một nội dung mà người Cộng sản kết tội?
Ở đây, như ló lên một "sự kèn cựa" giữa các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng mà người Cộng sản hay gọi là "cân bằng động"? Ai cũng hoài nghi và không chủ quan về một kết quả mà mọi người đều gọi là chưa có tiền lệ từ trước tới nay, dành cho "án chính trị". Dù sao, đó cũng có thể coi như một điểm son cho Trương Tấn Sang sau chuyến Mỹ du.
Tuy nhiên, trong luật hình sự, những con số tù như thế này lại làm bật lên sự tùy tiện nhất cũng... chưa từng có. Trong điều 88, chỉ có tù giam, làm gì có tên gọi nào là "tù treo"?!. Có lẽ, "họ" bí lắm rồi và một sự thỏa hiệp mà không bị mất mặt với Mỹ cùng nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích gay gắt là có thể tạm chấp nhận trong buổi "giao thời"?
Đã quá muộn và quá nhiều lần của rất nhiều người cùng vô số tổ chức quốc tế, một lần nữa, người cộng sản được kêu gọi hãy hủy bỏ tất cả những cái tội: "tạm tạm", "hai năm tạm", "bậy chín" và mới nhất là cái "nghị định bầy hầy" nhằm bịt miệng dân chúng.
Thời thế đã đổi, lòng người đang chuyển, vận nước đang nguy. Người Cộng sản đừng lần lữa và đấu đá thêm nữa!
Phải chăng Việt Nam đang "xua tan nghìn dấu lệ"?
Tuổi Trẻ mãi mãi là những gì mới nhất, đẹp nhất, tinh khôi nhất.
Vui mừng dâng trào trong từng ánh mắt, khuôn mặt, lời nói và vì vậy không thể thiếu âm nhạc. Tôi muốn gởi đến cô gái tuổi thanh xuân nhạc phẩm "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ" do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác [3]:
...
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Sài Gòn nắng mưa em chợt đến
Làm lời mộng mị giữa thiên thu
Em hai mươi tuổi em đâu ngờ
Năm xưa vui buồn chút phù du
Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ
Cho em bây giờ mắt tình đưa.
Không chỉ Sài Gòn "xua tan nghìn dấu lệ" mà Hà Nội, Đà Nẵng và khắp mọi miền đất nước này sẽ bừng nở những nụ cười tươi mới, mong ngày dân chủ tự do đang đến thật gần, phải không Phương Uyên?