Thursday 22 August 2013

THÀY ĐỒ LƯU - Phạm Quân Hồng


     Ngay từ ngày còn đi học, giáo sư Lưu Trung Khảo đã được bạn bè gọi là "Thày Đồ". Ai cũng biết "Thày Đồ" là người dạy chữ Nho (chữ Hán) của nước ta ngày trước . Người học sinh, sinh viên Lưu Trung Khảo được gọi là Thày Đồ vì ngay khi còn nhỏ ở nhà quê, anh đã được học chữ Nho với các bậc cha anh. Khi vào Đại học, anh lại được thụ huấn với các bậc túc nho như cụ Cử Ngô mạnh Nghinh, cụ Cử Thẩm Quỳnh, cụ Nghè Nguyễn Sỹ Giác, nên anh đã có một kiến thức Hán học rất vững chắc.


    Tôi được biết Anh Khảo khá lâu trước khi quen anh. Hồi mới di cư vào Nam, các học sinh, sinh viên di cư đã có những cuộc biểu tình phản đối Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến vì họ đã có những hành động Thiên vị phía Cộng sản Hà nội. Uỷ Hội ấy gồm ba quốc gia: Ấn độ (trung lập), Ba Lan (phe Cộng sản) và Cânda (phe tự do). Ở Saigon, họ có trụ sở tại đường Champagne (sau là đường Yên dổ). Tại cuộc biểu tình trong khuôn viên trụ sở Uỷ Hội, tôi đã tận mắt chứng kiến anh Khảo cầm máy vi âm, đứng trên nóc một chiếc xe phóng thanh, hô khẩu hiệu "Đả đảo Uỷ Hội Kiểm Soát Đình Chiến!!!" bằng tiếng Pháp. Mọi người đều biết anh Khảo không có thân hình to lớn, nhưng giọng Anh sang sảng, tiếng hô của anh có mãnh lực thúc đẩy đoàn biểu tình hô theo. Đến mùa Hè năm 1955, tôi lại thấy anh và đoàn sinh viên Đại Học Saigon tổ chức các lớp Học Hè miễn phí tại trường Tiểu Học Cầu Kho (góc đường Gallieni và Nguyễn tấn Nghiệm). Hai đường này sau đổi tên thành Trần Hưng Đạo và Phát Diệm. Khuynh hướng phục vụ Cộng đồng nơi Anh quả đã thể hiện rất sớm, ngay từ khi còn trai trẻ.

    Mãi đến khoảng  năm 1963, 1964, tôi mới có dịp quen anh. Thời gian ấy, anh làm việc tại sở Thanh Niên Học Đường thuộc bộ Giáo Dục. Một người bạn chung là anh Tạ Quang Khôi được thuyên chuyển từ Mỹ tho về bộ, làm việc cùng với anh. Tôi đến bộ thăm anh Khôi và đã được anh Khôi giới thiệu, làm quen và thân cận với anh, do cả ba chúng tôi cùng xuất thân ban Việt Hán trường Sư Phạm Saigon, đã từng cùng học một sách, một thày. Tuy nhiên, tôi và Anh ít có dịp tiếp xúc vì lúc ấy, tôi còn đi dậy ở Miền Tây. Năm 1967, tôi được thuyên chuyển về Saigon thì anh đương làm Thanh tra tại Nha Tư Thục.rồi Thanh tra Dặc biệt tại Bộ. Trước khi trở lại dậy học ở Trường Chu Văn An, Anh làm Chánh Văn Phòng cho ông Thứ trưởng Giáo Dục đặc trách Trung Tiểu Học. Cùng ở Saigon, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng vẫn rất thưa thớt. Khoảng hai năm cuối cùng, trước khi bỏ nước ra đi, tôi hay gặp Anh Chở cháu Khoa đi ăn Sáng ở tiệm phở Tàu Bay đường Lý Thái Tổ. Lúc này cháu Khoa đã vào Học trường Chu Văn An.

    Phải đợi đến khi sang Mỹ, tôi và anh mới thật sự thân thiết với nhau. Trên đường di tản, tôi quen với một người đã từng làm báo ở Việt Nam và trong khi trò chuyện, biết người ấy cũng quen biết với anh Trần Bích Lan. Khoảng mùa Hè 1976, tôi và người quen đó gặp lại nhau một buổi sáng sớm khi cả hai cùng đưa vợ đi làm tại một Công ty ở Costa Mesa. Chợt nhớ người quen này có biết anh Nguyên Sa, tôi vội hỏi thăm xem ông ta có biết anh Lưu Trung Khảo hay không. May sao, ông ta có cả địa chỉ và số điện thoại của anh Khảo. Lúc ấy Anh đang tạm trú ở Ânheim, còn Anh Nguyên Sa ở Pháp. Trở về nhà, có số điện thoại, tôi gọi liền và may thay, cả hai chúng tôi đều cùng đi làm ca tối, nên buổi Sáng Anh có Nhà để trả lời điện thoại của tôi. Thời gian ấy, số người Việt ở Oảnge County còn thưa thớt lắm. gặp được người Việt đã là quý rồi, huống chi gặp lại được người quen cũ. Thật đúng như câu thơ trong sách Ấu Học Ngũ Ngôn Thi: Tha hương ngộ cố tri

    Ngay cuối tuần ấy, tôi và cả gia đình đi thăm anh. Tôi phải đến anh trước vì anh là đàn Anh của tôi cả về tuổi tác lẫn Học vấn và tuổi nghề. Mình là đàn em mà, phải biết giữ lễ với người trên chứ. Từ đấy chúng tôi liên lạc thường xuyên với nhau, thăm hỏi tin tức bạn bè, đồng nghiệp cũ.

    Đến năm 1981, tôi mời được khoảng hơn chục bạn đồng nghiệp cũ, họp nhau hàn huyên và buổi họp đầu tiên ấy không ngờ hơn năm sau tiến tới việc thành lập Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam tại Hải Ngoại. Buổi họp thành lập Hội được tổ chức tại trường Trung Học El Modena, thành phố Orange. Anh Khảo đã được tất cả các tham dự viên tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Ba mươi năm qua, anh đảm đương nhiệm vụ Hội trưởng, luôn luôn được bạn bè kính mến yêu thương. Tuổi anh đã cao, nhưng nhiệt huyết của anh không giảm. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng tôi thấy anh còn bận bịu hơn cả khi còn "đi cầy để trả nợ áo cơm". Anh hăng hái tham gia các sinh hoạt Cộng đồng, dặc biệt là giúp đỡ các sinh hoạt văn hoá, giáo dục, như Giải Khuyến Học và Lịch Sử Việt Nam, các Trung Tâm Việt Ngữ, Anh thường nói: Nhà giáo-dù không còn đi dạy- có nhiệm vụ "hối nhân bất quyện" (dạy người không biết mỏi mệt). Việc anh bỏ nhiều thì giờ vào các hoạt động mà nhiều người thường đùa là "vác ngà voi" chắc cũng làm cho chị Khảo đôi khi buồn lòng, nhưng đã làm cho anh trở thành nhân vật được nhiều người quý trọng trong Cộng đồng người Việt ở Miền Nam California.

    Keep up the good work anh Khảo! Anh đã nêu gương Sáng cho chúng tôi !!!!!

Đàn em của anh
Phạm Quân Hồng