Thursday 8 August 2013

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc August 9, 2013

THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc

Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta

Ngày 5 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ mới đây của Trương Tấn Sang, người ta đã được nghe mấy câu tuyên bố của Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao Hà Nội về một hai chuyện liên quan đến nước Mỹ.
Nghe mấy câu tuyên bố của người đàn ông này, người ta đã phải nhìn kỹ lại xem y có phải là người không, hay chỉ là một con ếch vừa mới trèo được lên được miệng giếng, oàng oạng vài ba câu bậy ba rồi lại nhẩy xuống đáy giếng, tiếp tục làm một con ếch "tỉnh để chi oa."


Trả lời một cuộc phỏng vấn của đài BBC, Nguyễn Thanh Sơn nói rằng so sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu. Ý nói chưa chắc Mỹ dân chủ hơn Việt Nam. Cũng có thể hiểu là Việt Nam hơn Mỹ về mặt dân chủ.
Tại sao không dám nói thẳng ra rằng Việt Nam dân chủ hơn Mỹ? Tại sao phải nói vòng vo như vậy?
Nghe Nguyễn Thanh Sơn, người ta nhớ ngay đến mẩu chuyện có từ thời còn chiến tranh lạnh. Chuyện kể rằng hai binh sĩ Mỹ và Nga gặp nhau ở Bá Linh. Anh lính Mỹ khoe ở Mỹ, người dân có thể chỉ trích, phê bình, gọi đích danh tổng thống Mỹ ra đả kích, mà không hề bị bất cứ một khó khăn nào. Ý nói ở Mỹ, người dân rất tự do, muốn phê bình, chỉ trích tổng thống Mỹ cũng không thể bị bắt đem đi giữa đêm, tống vào một cái goulag, một trại tù nào như ở Liên Xô. Anh lính Nga liền nói với anh lính Mỹ rằng như vậy mà nhằm nhò gì, vì ở Nga, anh có thể đến trước điện Kremlin chửi bới, lăng mạ thậm từ, dùng những lời lẽ nặng nề nhất, nhắm vào tổng thống Mỹ mà anh cũng không hề gặp bất cứ một khó khăn gì.
Nguyễn Thanh Sơn lôi dân chủ của Mỹ và của Việt Nam ra so sánh. Úp mở nói rằng Mỹ thua Việt Nam về dân chủ. Ở Việt Nam, tha hồ chửi Mỹ không ai đụng tới một sợi lông, có thua gì người dân Mỹ đâu.
Tôi không biết người đàn ông này học hành ra sao, ở đâu, hiểu biết về các vấn đề quốc tế như thế nào để đến nỗi đầu óc như một con ếch ngó quanh quẩn lên đầu chỉ thấy trời xanh nhỏ như cái vung để cứ thế mà coi trời không to hơn cái vung nên mới đưa ra câu nói thậm ngu như thế.
Việc so sánh anh ta làm cũng không nên thân. Làm thế nào so sánh khi hai sự kiện, hai vật không cùng chung với nhau một số điều được? Có thể so sánh quả cam với quả quít hay quả bưởi. Nhưng không thể so sánh quả cam với cục gạch chẳng hạn.
Nước Mỹ là một quốc gia dân chủ. Việt Nam là nước không có dân chủ . Vì thế, không thể so sánh Việt Nam với Mỹ.
Nước Mỹ có hơn 200 năm dân chủ, với một chính thể xây dựng trên lý tưởng dân chủ với các cơ chế dân chủ và một quá trình kinh nghiệm sinh hoạt dân chủ lâu đời nhất thế giới. Đây là một điều gần như toàn thể thế giới đều nhìn nhận, ngoại trừ một vài thành phần thiếu hiểu biết và ngoan cố như cái thứ Nguyễn Thanh Sơn mới dám lộng ngôn, mới dám nói nước Mỹ không dân chủ bằng Việt Nam.
Trong suốt những năm Cộng Sản nắm quyền ở Việt Nam, người dân Việt Nam chưa được một ngày sống với tự do và dân chủ. Năm 1954, chưa cần biết Việt Minh lên nắm quyền sẽ ra sao, hơn 1 triệu người đã phải bỏ ngay miền Bắc di cư vào Nam. Rồi năm 1975, lại cả triệu người khác đã bỏ phiếu bằng đôi chân, chạy thật nhanh trước khi Cộng Sản tiến vào các thành phố miền Nam.
Và bây giờ, sau mấy chục năm không còn Mỹ Ngụy, người dân Việt có dân chủ tự do hay không?
Mới đây chuyện vượt biển đi tìm tự do dân chủ lại sống dậy. Trong nước, nhà cầm quyền tiếp tục chà đạp lên những quyền căn bản nhất của người dân: những vụ cưỡng chiếm đất đai đã làm phát sinh ra những phong trào chống đối mới của người dân. Đất nước bị đem bán đứng, dâng nộp cho Bắc kinh, dân chúng chỉ cần nhắc đến tên Hoàng Sa, Trường Sa là có thể bị bắt, tống giam và đổ cho những tội khác. Cách đối sử với Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Điếu Cầy, Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi, Hòa Thượng Quảng Độ, Linh Mục Lý … mà là dân chủ hay sao? Con cái của các cán bộ gộc được trao cho những chức vụ quyền hành phi lý, cả một xã hội băng hoại đang lao xuống vực thẳm, đạo đức suy kiệt đến mức đáng sợ, người dân thà bán mình đi làm tôi mọi ở nước ngoài còn hơn là tiếp tục sống trong nước.
Vậy mà là dân chủ hơn nước Mỹ sao?
Hơn Lào, Campuchea còn không được, nói chi đến Mỹ. Mở miệng ra mà toàn ăn nói lếu láo, ngu xuẩn như vậy thì mở mồm ra làm gì!
Ngu thì cũng ngu vừa vừa cho mấy đứa khác còn được ngu chứ độc quyền ngu như vậy thì đúng là hết thuốc chữa.
Có dám trở lại quận Cam tranh luận công khai về chuyện dân chủ ở Việt Nam và Mỹ không, hay lại vẫn cứ ngồi đáy giếng mà ngó lên, thỉnh thoảng đưa ra vài ba câu khắm thối như thế?

Ngày 8 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tờ Pháp Luật ở trong nước vừa đăng một bản tin rất kỳ lạ: một thanh niên ở tỉnh Quảng Nam, sau một chầu ăn nhậu với bạn bè, đã xông vào một cư xá, định hiếp dâm một cô giáo, nhưng bị cô giáo chống cự dữ dội nên đương sự không thực hiện được ý định, lại còn bị một đòn rất đau của cô giáo.
Bản tin cho biết đêm hôm 29 tháng 1 năm 2012, đương sự đến cư xá của trường tiểu học Thôn , gọi nạn nhân ra nói chuyện, nhưng không được nên đã dùng đá ném vỡ cửa kính phòng của cô và khi cô chạy ra ngoài, đương sự lôi cô trở vào phòng, ôm lấy đòi "quan hệ", nói theo ngôn ngữ của báo chí trong nước. Nạn nhân chống cự quyết liệt, cuối cùng nạn nhân đã phản đòn làm cho đương sự đau đến độ ngất xỉu tại chỗ.
Đương sự sau đó bị bắt giữ, bị truy tố ra tòa và bị tòa phạt 3 năm tù. Đương sự kháng cáo, xin được giảm án và tòa sau khi xét lại hồ sơ , đã giảm bản án 3 năm tù xuống còn 2 năm.
Chuyện tòa xét lại và giảm án không phải là chuyện lạ. Đã có nhiều vụ kháng án thành công, bản án được giảm đáng kể, có khi còn được tha bổng. Quyết định giảm án có thể vì nhiều lý do. Thí dụ đương sự không có tiền án, trước khi phạm tội, đương sự là một công dân gương mẫu, có công ăn việc làm, có tỏ ra ăn năn hối lỗi vân vân.
Nhưng những lý do mà tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định giảm án cho đương sự thì có một lý do không thuộc những lý do vừa nêu ở trên. Theo tin của tờ Luật Pháp số đề ngày 6 tháng 8 thì đương sự đã bồi thường cho nạn nhân một số tiền. Việc này là lý do có thể hiểu được cho quyết định giảm án của đương sự. Khoản tiền bồi thường không thấy nói là bao nhiêu, nhưng vì hành vi hiếp dâm chưa thực hiện được nên có thể không lớn lắm. Khoản tiền đó có thể coi như khoản tiền phạt mà chính đương sự đã tự nguyện đóng trước.
Nhưng lý do thứ hai mà tòa đã dựa vào để giảm án cho Hoàng Thanh Sơn 26 tuổi ở xã Trà Nú, huyện Bắc Trà Mi tỉnh Quảng Nam là vì gia đình của Sơn "có công với cách mạng".
Không thấy tờ Luật Pháp nói rõ công đó là công gì. Nhưng chuyện có công với cách mạng thường có thể được nại ra để làm một số chuyện khác hơn là xin giảm hình phạt cho một phạm nhân nhúng tay vào một âm mưu như hiếp dâm phụ nữ chẳng hạn.
Thí dụ những sai sót trong công việc, vô ý gây thiệt hại tài sản người dân, liên can đến một tai nạn vì bất cẩn… Hay trong trường hợp muốn được dành cho những ưu tiên trong các kỳ thi, trong việc xin tuyển dụng làm công chức, xin cấp học bổng hay xin được trợ giúp trong công việc, thăng thưởng vân vân.
Tất cả những chuyện như vừa kể nếu muốn được đối xử đặc biệt bằng cách nại ra những công ơn đối với cách mạng, với việc chống Mỹ cứu nước bịa đặt hay không bịa đặt thì cũng là chuyện hiểu được.
Nhưng trong trường hợp Hoàng Thanh Sơn dùng võ lực định khống chế một cô giáo đòi được thỏa mãn tình dục mà tòa tuyên bố vì gia đình của đương sự có công với cách mang để quyết định giảm án cho y thì nghe không ổn chút nào.
Gia đình có công với cách mạng chứ Hoàng Thanh Sơn thì có công gì?
Mà nếu như chính Hoàng Thanh Sơn có công với cách mạng thì cũng không thể lôi cái công ấy ra để giảm án cho Sơn được.
Không lẽ tòa nói rằng Hoàng Thanh Sơn có công với cách mạng nên chuyện định hiếp dâm người của Sơn cũng nên được hưởng các biện pháp trừng phạt nhẹ tay hay sao? Tòa sẽ nói vì Sơn đã anh dũng chống Mỹ nên có nài ép, khống chế một phụ nữ thì cũng nên bỏ qua cho Sơn hay sao? Bộ cứ có công với cách mạng là tòa án sẵn sàng giảm án cho tội âm mưu hiếp dâm người hay sao?
Cách mạng gì mà kỳ quá vậy?
Có thể vì thế, mà những kẻ nói là có gia đình nhiều công với cách mạng nên con cái được đưa vào những chức vụ mà tài đức không hề có như người ta đang thấy ở Việt Nam hay chăng?
Như vậy , công với cách mạng là cái giấy phép để làm càn, để phạm pháp hay sao?

Ngày 9 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Nó hiền lắm. Chưa bao giờ tôi nghe nói nó làm một công việc độc ác nào trong suốt bao nhiêu năm tôi biết nó.
Lần đầu tiên tôi thấy nó là trong một quảng cáo chiếu trên màn ảnh của một rạp ciné ở Hà Nội. Quảng cáo nói là chỉ cần đổ cho nó một bình xăng, là nó có thể chạy được 100km. Như vậy là chỉ một bình xăng, nó đủ sức đưa tôi đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm người bạn nhỏ ở phố Trại Cau. Tôi đã nghĩ ra ngay điều mơ ước đó.
Nhưng chuyện đi thăm người bạn không bao giờ làm được, vì hồi ấy, cái xe đạp của mình còn chưa có, nói gì đến một chiếc vélosolex. Mãi gần một chục năm sau tôi mới lại gần được nó. Nó là phần thưởng đậu Trung Học Phổ Thông của chị tôi. Vài ba lần, tôi đã lén lấy nó chạy vài vòng quanh cư xá qua cửa nhà một cô bạn nhỏ học trường Trưng Vương. Nhưng nói là thích nó thì chắc là không.
Tôi không bao giờ muốn có nó: nó chạy chậm quá, trông lại phụ nữ quá. Rốt cuộc tôi phải đi cái mobylette sau khi có tên trên bảng kết quả kỳ thi Trung Học Phổ Thông. Mấy tháng sau, chiếc mobylette bị lấy cắp mất ngay ở trường, và tôi lại lóc cóc cái xe đạp cũ cho đến khi học xong trung học.
Hồi ấy, nó không bao giờ có trong mơ ước thầm kín cũng như không thầm kín lắm của tôi.
Nhưng yêu nó thì tôi có. Nó đến Việt Nam khoảng giữa những năm 1950 và nó nhập ngay vào đời sống ở Việt Nam một cách dễ dàng.
Nó là một loại xe không an toàn chút nào. Máy đặt ở đằng trước nên rất khó lái. Những người sử dụng nó gần như tất cả đều là phụ nữ, những nữ sinh áo dài của mấy trường nữ trung học. Nó trở thành hình ảnh quen thuộc ngay với họ như trong mấy câu thơ của Nguyên Sa:
…Sài gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen huyền nhung rất nhung…
Một quảng cáo của xe Honda viết rằng "You meet the nicest people on a Honda". Nhưng có nói những người đi solex là những người dễ mến nhất thì cũng không sai vào đâu.
Người ta không dùng nó để chạy đua, chèn ép những người đi xe khác. Những vụ cướp giật ở ngoài đường không bao giờ người ta dùng đến nó. Nó bao giờ cũng hiền lành, dịu dàng trên đường phố Sài Gòn trong suốt bao nhiêu năm. Nó hợp một cách kỳ lạ với những người phụ nữ Việt sử dụng nó.
Tuần qua đến nhà một người bạn, tôi thấy mấy bức ảnh chụp nó. Người phụ nữ trong hình là con gái của người bạn. Không biết tại sao trong chuyến về Sài gòn, cô lại chụp một loạt hình với nó. Cô mặc một chiếc áo dài để chụp với nó. Những bức ảnh đen trắng đó lập tức kéo tôi lại thời gian của hơn một nửa thế kỷ trước. Tà áo trắng con đường có cây cao, một chiếc cổng sắt cũ kỹ, cô con gái người bạn bỗng thành người học sinh của cái trường trung học nọ khi tôi cũng còn là một học sinh chưa bước qua ngưỡng cửa đại học.
Cô không biết khoảng thời gian đó, khoảng thời gian có thể cha mẹ cô cũng còn rất nhỏ. Nhưng cô đã tạo lại được cái thời gian và không gian đó.
Hôm nay, vào internet, tôi được biết là sau mấy năm nó không được sản xuất ở Pháp, nay nó lại được tiếp tục được làm tại Pháp. Những chiếc solex 4800 có một vài thay đổi so với những chiếc chúng ta gặp ở Việt Nam trước đây, nhưng nó vẫn là những chiếc solex của những năm đẹp nhất của đời sống chúng ta một thời.
Tôi nghĩ ai cũng có trong đầu một chiếc solex. Có thể luôn cả chiếc áo dài ở yên sau, những sợi tóc thơm mùi nắng phả từ phía sau lên.
Còn thơm mãi đến tận ngày hôm nay.

Bùi Bảo Trúc