Ông Joel Simon, giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tuyên bố : « Vào thời điểm mà thông tin đã trở thành tài nguyên toàn cầu, bốn nhà báo trên đây đã bất chấp nạn kiểm duyệt và trấn áp để mang lại thông tin cho chúng ta. Chúng tôi nhìn nhận lòng can đảm, sự dấn thân và sự chối từ im lặng của họ ».
Thông cáo của CPJ cho biết, bốn nhà báo được giải – Janet Hinostroza ( đài Teleamazonas, Ecuador), Bassem Youssef (đài Capital Broadcast Center, Ai Cập), Nedim Sener (báo Posta, Thổ Nhĩ Kỳ) và Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày, Việt Nam) – đang phải đối mặt với những sự trả thù do công việc của họ, kể cả quấy rối về luật pháp, đe dọa về thân thể và bắt giam.
Cũng theo thông cáo trên, bà Janet Hinostroza đã buộc phải tạm ngưng một chương trình truyền hình sau khi bị đe dọa, ông Youssef bị điều tra về các bản tin châm biếm, ông Sener bị quy tội hoạt động khủng bố vì các bài điều tra mang tính chỉ trích và có thể bị lãnh án 15 năm tù.
Ông Nguyễn Văn Hải, một trong các blogger nổi tiếng nhất Việt Nam, đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trong một đất nước mà báo chí đều do Nhà nước kiểm soát, và đã bị 12 năm tù kèm theo 5 năm quản chế theo một điều luật mơ hồ về « tuyên truyền chống Nhà nước ».
Các bài viết trên blog của ông dưới bút danh Điếu Cày đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị, trong đó có những bài phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa, và chống giới chức tham nhũng. Ông Nguyễn Văn Hải cũng kêu gọi xuống đường phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh đến Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2007.
CPJ nhắc lại, ông Nguyễn Văn Hải bị giam giữ 5 tháng vào năm 2008 trong khi không bị cáo buộc tội danh nào, đến tháng 9/2008 bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì tội « trốn thuế ». Sau khi mãn án, ông vẫn phải tiếp tục ở tù vì lại bị lãnh thêm một bản án mới, và tháng 7/2013 blogger này đã tuyệt thực hơn một tháng để phản đối các điều kiện giam giữ. Theo một nghiên cứu của CPJ, đến cuối năm 2012 tại Việt Nam có ít nhất 14 nhà báo bị giam cầm, đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập với mục tiêu bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới. Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế được thành lập từ năm 1991, mỗi năm trao giải cho bốn nhà báo đã tỏ ra dũng cảm trước mọi đe dọa.
Bốn nhà báo đoạt giải năm nay sẽ được vinh danh tại lễ trao giải thưởng niên của CPJ và được mời dự ăn tối tại New York ngày 26/11/2013. Trong quá khứ, có những nhà báo bị cầm tù nhiều năm sau đó khi được trả tự do đã đến dự lễ, và có ba phóng viên được truy tặng giải.
Blogger Điếu Cày đoạt Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013
Trà Mi (VOA) - Một blogger Việt Nam được thế giới biết tiếng vừa đoạt Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 do Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ trao tặng.
Giải thưởng thường niên nhằm vinh danh những ngòi bút bất chấp sự đàn áp, can đảm tranh đấu và hy sinh vì một nền báo chí tự do được trao cho blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam cầm với bản án 12 năm về tội danh ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.
Điếu Cày là một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, một mạng báo ‘công dân’ độc lập tại quốc gia mà tất cả báo chí truyền thông đều của nhà nước và bị kiểm duyệt gắt gao.
Cùng được vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm nay, ngoài Điếu Cày còn có 3 ký giả người Ecuador, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ai Cập.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả nói trong thời đại thông tin toàn cầu hiện nay, 4 nhà báo được vinh danh đã vượt qua sự kiểm duyệt và đàn áp để mang đến tin tức trung thực cho người dân.
Ông Joel Simon, Giám đốc điều hành CPJ |
Giám đốc điều hành CPJ, ông Joel Simon, nhấn mạnh quốc tế ghi nhận công lao của các ngòi bút này vì sự can đảm, dấn thân, và không cam chịu bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
Điều phối viên Chương Trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Ký giả, Bob Dietz, nói với VOA Việt ngữ:
“Trường hợp của Nguyễn Văn Hải là một ví dụ cho thấy vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam, nơi mà nhà nước không chỉ kiểm duyệt báo chí gắt gao mà còn đàn áp cả truyền thông xã hội, những tiếng nói độc lập trên mạng. Ông Hải là một nạn nhân điển hình trong số những người bị nhà nước nhắm mục tiêu hòng bóp nghẹt những tiếng nói không theo lề đảng.”
Vợ blogger Điếu Cày, bà Dương Thị Tân, nói Giải thưởng này không chỉ dành riêng cho chồng bà mà cho tất cả các blogger chống lại áp bức tại Việt Nam:
“Dù bất cứ sự vinh danh nào hoặc một sự chú ý, hỗ trợ nào từ cộng đồng quốc tế cũng như của cộng đồng người Việt khắp nơi, gia đình chúng tôi cũng rất lấy làm vinh hạnh vì mọi người đã biết đến những sự cống hiến, hy sinh của ông Hải nói riêng cũng như của cộng đồng blogger ở Việt Nam nói chung đang chịu sự đàn áp rất hà khắc của chính quyền cộng sản Việt Nam.”