Monday, 9 September 2013

Cảm xúc về chiều thơ nhạc Cung Trầm Tưởng hay theo bước chân ”Một hành trình thơ 1948-2008” Nguyên Trần

            Tôi vốn sinh ra có trái tim mẫn cảm với ngoại cảnh và con người nhất là trong lãnh vực văn thơ nhạc. Thế cho nên khi được thi nhạc sĩ Phan Ni Tấn mời tham dự “Đêm thơ nhạc Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ” là tôi nhận lời ngay vì chỉ nội cái tiêu đề như vậy đã là một lời mời gọi thật thơ mộng trang nhã.

         Nhắc tới thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì trước hết là phải phải nhắc tới hai bài thơ của ông một thời là sách gối đầu nằm của nhiều sinh viên học sinh tay trắng mộng đầy: “Chưa bao giờ buồn thế” qua giai điệu ngủ ngôn óng ả mượt mà  với những câu thơ lãng mạn trong sáng như viên ngọc bích lung linh và thật nhẹ nhàng trau chuốt như mây trời bàng bạc:

        
            Lên xe tiễn em đi
         Chưa bao giờ buồn thế
         Trời mua Đông Paris
         Suốt đời làm chia ly
        
         Tiễn em về quê mẹ
         Anh nói bằng chiếc hôn
         Không có gì lâu hơn
         Một trăm ngày xa cách
         --------------------------
         (Chưa bao giờ buồn thế)

Hay bài “Mùa Thu Paris”:

         Mùa thu Paris
         Trời buốt ra đi
         Hẹn em quán nhỏ
         Rưng rưng rượu đỏ tràn ly

         Mùa thu đêm mưa
         Phố cũ hè xưa
         Công trường lá đổ
         Ngóng em kiên khổ phút, giờ

         Mùa thu âm thầm
         Bên vườn Lục-Xâm
         Ngồi quen ghế đá
         Không em buốt gía từ tâm

         Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc rất nhiều thơ của Cung Trầm Tưởng nhưng có lẽ bản “Tiễn em” (đổi tên bài thơ “Chưa bao giờ buồn thế” ) là bài hay nhất mà tôi tin rằng trong chúng ta không ai tránh khỏi rung động xao xuyến khi nghe bản nhạc nầy nhất là qua giọng ca cao vút chết người của nữ ca sĩ Thái Thanh.

(Hình ảnh: Nguyễn Ngọc Duy)


    
     Hình như cuộc đời với Cung Trầm Tưởng là một con tàu chạy không ngừng nghỉ và cứ dừng lại ở nhng sân ga bên đường cho bao kẻ lên người xuống rồi lại tiếp tục đi, đi mãi cho tới một nơi vô cùng vô tận:

                 Mùa đông tuyết lũng âm u
         Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
                 Nhớ ngày tàu cũng đi luôn
         Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
                 Phương xa nhịp sắt bon bon
         Tàu đi dưới tỉnh núi còn vọng âm
                  Sân ga mái giọt âm thầm
         Máu đi có nh hồi tâm đêm nào
                 (Khoác kín)

         Từ nãy giờ hoa lá cành hơi nhiều , bây xin mời quý độc giả cùng bước vào con đường Một hành trình thơ (1948-2008) với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, một ngôi sao sáng trong nền trời thơ văn Việt Nam.


    Buổi ra mắt tuyển tập thơ “Một Hành Trình Thơ” của Cung Trầm Tưởng đã được Hội Nha Y Dược Ontario tổ chức vào 1:00 giờ chiều ngày chúa nhật 8/9/2013 tại hội trường thư viện Noel Ryan Auditorium, 301 Burnhamthorpe Rd. W. Missisauga với sự tham dự của gần 200 đồng hương và sự điều khiển chương trình của Ngọc Hân và Việt Phương.

         
         Sau nghi thức chào quốc kỳ quốc ca Canada, VNCH và phút mặc niệm, bác sĩ Nguyễn Duy Sản trưởng ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng cám ơn quan khách đồng bào đã đến tham dự thật đông đảo buổi sinh hoạt vào một ngày chúa nhật quý báo là một thành công ngoài dự tưởng của ban tổ chức và cũng chứng minh được trình độ thưởng thức và tình yêu thơ văn của đồng bào Toronto. Ông cũng sơ lược tiểu sử nhà thơ đã từng đi du học ở Pháp rồi trở về nước theo tiếng gọi núi sông với cấp bậc trung tá không quân và đi tù cải tạo mười năm. Ngoài ra, ông còn phác họa vài nét đặc biệt trong dòng thơ liên tục của Cung Trầm Tưởng, từ những vầng thơ tình trước 1975 cho tới những bài thơ sau 1975 nói lên sự trăn trở cho nỗi bất hạnh của dân tộc và cáo giác tội ác tày trời của Cộng Sản cầm quyền trên quê hương.


         Tiếp đến, thi nhạc sĩ Phan Ni Tấn giới thiệu tập thơ Một hành trình thơ của Cung Trầm Tưởng, một tên tuổi lớn của nền thi ca Việt Nam mà thơ ông đi tới đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt vì thơ Cung Trầm Tưởng có một phong thái rất riêng biệt. Ngay những sáng tác đầu tay, ông đã đến với người yêu thơ bằng vóc dáng của một nhà thơ mà trong con người ông hiển lộ những tài hoa, sâu sắc, buồn vui, ơn nghĩa và quan trọng hơn cả là sự chân thật với chính mình, với con người. Thi sĩ luôn phóng khoáng, nghĩa là họ vẫn duy trì cái bản ngã uyên nguyên của mình, luôn luôn rưng rưng một cảm hứng trước những vẻ đẹp trần thế. Trong tình yêu, hầu như con người ai cũng hăm hở, đam mê và cường tráng. Đọc thơ, đặc biệt về thơ  tình của Cung Trầm Tưởng chẳng hạn, ta thấy xuyên suốt một niềm vui, niềm hạnh phúc dạt dào và niềm đam mê vô lượng. Tất cả những cảm tính này đều được thi sĩ biểu hiện trên trang giấy một thứ tình yêu da diết trước những vẻ đẹp thăng hoa của dòng đời sinh hóa. Ngoài ra những bài thơ tình của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phổ nhạc tài tình và giọng hát bất hủ của Thái Thanh đã đẩy thơ Cung Trầm Tưởng đi xa hơn, bay cao vút lên không gian. Đó là sự kết hợp toàn bích của ba bộ môn thi ca nhạc. Sau cuộc đổi đời 1975, sống dưới chế độ độc tài toàn trị  của Cộng Sản, Cung Trầm Tường cũng đổi thể thơ sáng tác từ thơ tình sang thế  đột khởi dấn thân với  thơ tù phản kháng hiện thực, đứng thẳng với một thái độ bất khuất của một kẻ sĩ anh hùng: 
      
                          Lòng ta đứng thẳng như vầu
                  Thân cao lòng thẳng giữa bầu trời xanh
 hoặc:
                          Vầu đanh như thép sáng ngời
                 Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay
                          (Biểu tượng)

(vầu là loại tre,nứa luôn đứng trẳng tượng trưng cho bật chính nhân quân tử)

         Nhân dịp nầy, anh Phan Ni Tấn cũng giới thiệu tới khán tính giả tập thơ Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ 1948-2008 do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành và được bán với giá $40.

            Phần quan trọng nhất của buổi ra mắt thơ  là lời phát biểu của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Qua giọng nói đầy nét văn thơ, ông ngỏ lời cám ơn ban tô chức, các MC,ban nhạc, ban âm thanh, các ca sĩ đã nhiệt tình thực hiện đươc buổi sinh hoạt văn hóa đầy nghĩa như buổi chiều nay.

         Ông cũng nhấn mạnh 3 nét chính về tập thơ Một Hành Trình Thơ:

1)  Quá trình lâu dài chuẩn bị cho tập thơ với những sửa đổi nhuận sắc theo dòng suy tư thay đổi của ông.Một lần qua Pháp qua thăm lại Paris, ông gặp nhà thơ Vi Khuê nhà phê bình văn học nghệ thuật của đài RFI và trình bày ý nghĩ muốn hình thành một tập thơ và đã được nữ sĩ tận tình khuyến khích.

2)  Đối với quê hương dân tộc, ông không dám cho là mình đã làm tròn nhiệm vụ vì công việc phản ảnh được đầy đủ  tâm tư nguyện vọng  của dân tộc nó quá lớn và phức tạp trước thảm họa chưa từng có trong lịch sử do Cộng Sản gây ra trong suốt 70 năm. Do đó sự tồn tại của tập thơ hoàn toàn tùy thuộc vào cách nhìn và sự đón nhận phê bình của mọi đồng hương.

3) Tập thơ đã phải trải qua một thời gian dài 10 năm mới hoàn tất       vì người nhiệt tình chăm sóc mọi chi tiết cho việc ấn hành tập     thơ là nhà văn Uyên Thao, giám đốc nhà xuất bản Quê Hương đã     ngã bệnh  vì kiệt sức khi phải làm việc 14 tiếng/ngày trong tình     yêu văn chương chữ nghĩa.  

         
Ngay sau đó  là cuộc mạn đàm văn thơ lý thú thi vị giữa nhà thơ Cung Trầm Tưởng và giáo sư Phùng Quang Tuấn. Trong buổi nói chuyện nầy giáo sư Phùng Quang Tuấn có nhắc tới một câu chuyện vừa mới xảy ra  tại Toronto , số là có một vị nữ lưu nọ ái mộ thơ Cung Trầm Tưởng từ lâu nhưng tới nay mới vừa gặp mặt lần đầu nên cô làm hai câu thơ tặng thi sĩ:

                 Trông xa cứ tưởng đây là chú          
                 Lại gần mới thấy vẫn là anh

         Trong phần hỏi đáp, Nguyên Trần tâm sự với nhà thơ Cung Trầm Tưởng là anh mê thơ ông từ nhỏ và ước mong sao có th làm thơ chỉ được một góc của nhà thơ nhưng cho tới bây giờ anh mới nhận ra rằng: Mơ ước ngàn năm chỉ ước mơ” mà thôi .Sau đó Nguyên Trần nêu lên hai thắc mắc về bài thơ “Chưa bao giờ buồn thế” :

1)  Cuộc chia ly tại Paris : lên xe tiễn em đi,chưa bao giờ buồn thế , trời mùa Đông Paris...rồi sao ngay bên dưới lại là ga Lyon đèn vàng. Sao mà đi đâu nhanh thế?

2)  Người em xóm học.Như vậy có phải thi sĩ ở resident trường Đại Học hay không?

thì Cung Trầm Tưởng trả lời rằng ga Lyon không phải ở thành phố Lyon mà là tên một nhà ga ở phía Nam Paris, còn xóm học là ông lấy từ nhóm chữ quartier Latin là khu ở gần trường Đại Học mà sinh viên ở rất đông nên ông dịch ra là Xóm Học.

         Tiếp theo giáo sư Trần Trung Lương tức nhà văn Trà Lũ kể câu chuyện ông nghe một cô ca sĩ hát bài “Mùa Thu Paris” theo đó ông tin lời thơ Cung Trầm Tưởng ca ngợi vườn Lục Xâm Bảo tươi đẹp  nên trong một chuyến đi Paris ông thuê xe hết 200 mỹ kim để ngoạn cảnh vườn Lục Xâm Bảo thì lúc tới nơi ông mới thấy rõ là chả có gì đẹp như lời thơ Cung Trầm Tưởng viết. Ông nói như vậy là nhà thơ lừa nhà văn nên Trà Lũ bắt đền Cung Trầm Tưởng phải trả lại ông $200. Chuyện nầy chắc phải đưa ra Tòa Án Congo xử mới được.

         Xen kẻ là chương trình văn nghệ đặc sắc do những ca sĩ địa phương như: Đinh Ngọc Bôi, Tâm Huyền, Diễm Hương, Phan Ni Tấn, Ngọc Hương, Lâm Lương, Trần Khánh Ly, Đoan Nguyên...trình bày mà đa số là những nhạc phẩm phổ thơ của Cung Trầm Tưởng. Ngoài ra, cô Vân Khanh lần lượt diễn ngâm hai bài thơ “Đêm tù nhớ Đỗ Phủ” và “Kiếp sau”. Đặc biệt nữ ca sĩ Xuân Mai ái nữ của nhạc sĩ Xuân Tiên hiện định cư tại Úc lên hát bài “Duyên Tình” của chính thân phụ cô.

         Riêng hai bản nhạc “Mùa Thu Paris” và “Tiễn Em” đã khiến cử tọa hình dung ra được một Paris và Vườn Hoa Lục Xâm Bảo thơ mộng trữ tình.

         Buổi ra mắt thơ đã kết thúc lúc 5:00 giờ chiều trong những ánh mắt còn ngẩn ngơ phiêu bạt dưới vườn thơ Cung Trầm Tưởng muôn sắc muôn màu.

Mississauga 8/9/2013
Nguyên Trần
Hình ảnh: Nguyễn Ngọc Duy



Hình Ảnh của Trần Thái Lực