Ở đời chẳng biết sợ aiSợ người say rượu nói dai nói khùng. (ca dao)
Đăng hai phần của bài viết Lính Nào Chẳng Nhậu xong, tôi nghĩ viết như vậy đã đủ lắm rồi. Nhưng rồi được các tay nhậu đã rồi khen cho vài câu, tôi lại nổi hứng viết thêm phần này, lại lan man chuyện nhậu, chuyện la de nữa. Tôi nói dai nói khùng không chừng bị cho là người say rượu nhưng thây kệ.
Nhớ lại hồi còn nhỏ ở dưới quê, tôi thấy người trong làng phơi men, nấu rượu lậu, làm cơm rượu, đem đổ hèm vô máng heo cho heo ăn, có con ăn hèm nhiều quá đi băng xiên băng nai. Và tôi cũng nghe mấy bà vợ ăn trầu chê mấy ông chồng ăn... nhậu là hôi hèm. Kể ra mấy ông nhậu cũng hơi ở dơ thiệt. Nhậu xong họ lăn ra ngủ, bạ đâu ngủ đó, không rửa mặt, không súc miệng, không đánh răng, coi bệ rạc lắm. Mồi nhậu lỡ làm rớt xuống đất, lượm lên, phủi phủi mấy cái hay lau đại vô vạt áo dài, xong bỏ vô miệng nhai ngon lành.
Mà tôi thấy dường như hồi xưa người ta nhậu chỉ uống là chánh, còn mồi nhậu và thức ăn là phụ. Mồi nhiều khi chỉ là một trái cóc, trái ổi, một dĩa tôm khô củ kiệu, một con khô mực nướng. Tôi thấy họ chỉ nhậu có một thứ rượu duy nhất là rượu đế. Tôi tưởng “rượu đế” là rượu ngon nhất theo ý nghĩ “Đế” là vua. Nhưng hóa ra “đế” ở đây có nghĩa là cỏ đế, một thứ cỏ hoang cao rậm giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Đó là nơi lý tưởng để giấu rượu lậu khi có thanh tra ruồng xét để bắt. Địa danh Đồng Đế ở Nha Trang cũng mang ý nghĩa này chăng, một cánh đồng mọc toàn cỏ đế?
Các cuộc họp bàn công chuyện quan trọng thường thường xảy ra bên mâm rượu. Người ta bảo “rượu vào lời ra”, có uống sơ sơ ba sợi mới chịu mở miệng cóc rồi sẵn đó làm thơ con cóc luôn. Mặc dù không thể nói chắc có bao nhiêu quyết định quan trọng trong lịch sử thế giới đã nhờ lấy gân trước bởi một hoặc hai xị bia làm cho ấm bụng, nhưng thức uống thần lực nầy đã đóng một vai trò trong ít nhất là một vài sự kiện mốc quan trọng, từ các bệnh dịch của thời Trung cổ Châu Âu đến sự thành lập của Hoa Kỳ.
Bia cũng xưa gần bằng như chính nền văn minh. Các sử gia tin rằng, khi người xưa tình cờ để lúa mì hoặc lúa mạch lên men - nhờ đó tạo thành bia thô sơ - là thời kỳ chỉ xảy ra không lâu sau sự ra đời của cây trồng nông nghiệp. Vậy thì câu hỏi đáng được đặt ra là: ai là người đầu tiên tình nguyện uống cái thứ nước lúa mì đục đục lợn cợn thiu thiu đó? Bằng chứng khảo cổ học cụ thể cho thấy bia đầu tiên đến từ Iraq, nơi mà người Sumerians cổ xưa xây dựng các thành phố lấy nông nghiệp làm căn bản đầu tiên khoảng 6.000 năm trước. Một bảng dấu bằng đá có khắc niên đại được khai quật và tìm thấy; bảng nầy thực sự có ghi rõ từng chi tiết quá trình chế tạo bia qua một bài thơ dành riêng cho Ninkasi, nữ thần nấu bia của người Sumerians. Ấy vậy mới là chuyện lạ. Bà nấu rượu cho ông uống. Như vậy chứng tỏ triết lý “ông uống bà khen” trong lịch sử đã có từ xưa rồi.
Hai thiên niên kỷ sau đó, Babylon sống trong cùng một khu vực đã hoàn thiện ít nhất 20 loại bia cất khác nhau. Pha nấu bia được coi là một nghề cao cấp được trọng vọng trong xã hội và hầu như là độc quyền của phụ nữ, vì nữ giới cũng chuyên môn trong việc xay ngũ cốc và làm bánh mì. Các sử gia tin rằng bia phổ biến rất rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng trong tất cả các nền văn minh ban sơ của nhân loại vì ngũ cốc đã có sẵn và quá trình lên men tương đối khá dễ dàng. Nó cũng được xem như là một nguồn dinh dưỡng quan trọng và thường dùng thay cho phát lương. Thí dụ như phu phen lao động xây dựng các Đại Kim Tự Tháp ở Ai Cập được trả một phần lương bằng bia. Có bia mới có sức hăng “thi công” chớ!
Uống bia vừa phải có công dụng làm tăng lực đó bạn. Các nhà nghiên cứu khuyên những người luyện tập thể thao phái nữ nên uống mỗi ngày 250ml bia tức khoảng độ 2/3 chai; phái nam uống nửa lít, tức khoảng một chai cộng với 1/3 phần chai bia còn lại của phái nữ. Bia được coi như một phần trong chế độ dinh dưỡng dành cho vận động viên.
Còn điều này nữa thú vị lắm! Đó là theo các cuộc thăm dó và khảo cứu, cánh đàn ông nhậu thích được ngồi nhậu chung với cánh phụ nữ. Chưa hết, lúc nhậu chung, cánh đực rựa cảm thấy các đối tượng nữ đều đẹp hơn, quyến rũ hơn, duyên dáng hơn và dĩ nhiên là đáng yêu hơn. Lúc đó các ông cư xử nhã nhặn hào hoa và rộng lượng hơn với các bà các cô. Cứ hỏi các cô trong các quán bia ôm thì biết.
Trong bia có chứa CO2 , sau khi đi vào cơ thể, chất này lập tức được thải ra, mang đi một phần nhiệt từ trong cơ thể, làm cho ta có cảm giác tươi mát. Chính vì thế bia là một thức uống được nhiều người ưa chuộng vào mùa nóng. Ở Việt Nam ta lúc nào mà chẳng nóng cho nên uống thả giàn suốt ngày. Bởi vậy dân nhậu mói hỏi bạn bè súc miệng chưa, nếu chưa thì đi ra quán kêu bia súc luôn cho nó tiện.
Người cổ Ai Cập đã nhận ra giá trị của bia rượu từ khuya. Các hũ đựng bia được chôn theo các Pharaoh đi về thế giới bên kia, cùng với các thực phẩm khác, vàng bạc và các đồ dâng cúng vô giá được đặt trong ngôi mộ của họ. Ngày nay, bia rượu không thể thiếu trong các dịp cúng giỗ của phe ta. Khi đốt giấy tiền vàng bạc, người ta không quên tưới một ít rượu lên đóm lửa đó. Coi như hối lộ người khuất mặt chút đỉnh, chờ nhang cúng tàn rồi người sống mang số rượu còn lại uống hết luôn. Dân ta siêng cúng kiến giỗ quải để có dịp ăn nhậu chớ. Lý do chánh đáng quá trời.
Trong suốt thời Trung Cổ, các nhà tu châu Âu đã bắt đầu làm bia riêng cho họ uống trong các thời kỳ nhịn ăn như một cách để tránh bị suy dinh dưỡng. Các ông linh mục ngày nay cũng có rượu lễ được làm riêng để uống. Nhớ thuở còn là lính nghèo, tôi có một anh bạn cùng đơn vị vốn là cháu của tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Anh bạn lâu lâu đi phép xoay được vài chai rượu lễ mang về đơn vị cùng đánh chén. Và tôi được uống ké. Rượu chát của quí cha quả là quí và ngon đáo để. Khi hết rượu, chúng tôi phải quay trở về với mấy chai la de con cọp trái thơm Quân Tiếp Vụ thôi.
Vừa rồi báo Toronto Star có đăng cái tin hấp dẫn này nè: “How a Texas man became drunk without touching a drop”.
Tin đó kể trường hợp một chàng nọ sau một tai nạn bị gãy chân phải dùng nhiều thuốc trụ sinh. Thuốc cộng với thức ăn giàu hóa chất các-bon phản ứng tạo ra quá nhiều vi khuẩn men, biến đường thành chất cồn ê-tha-nôn và làm cho chàng ta say mặc dù chẳng có uống một giọt rượu nào. Người ta gọi đó là Hội Chứng Lên Men Ruột (Gut Fermentation Syndrome) và gọi người bị hội chứng kỳ lạ này là Lò Rượu Tự Động (LRTĐ) (Auto-Brewery).
Vợ nạn nhân này là một y tá, lấy dụng cụ đo độ cồn trong máu của chồng thì thấy nó ở mức từ 0.33 tới 0.44, so với mức độ hợp pháp cho người lái xe ở Mỹ và Canada là 0.08 mà thôi. Như vậy ông này mà lái xe và rủi bị cảnh sát bắt hà hơi để đo thì ông ta bị cho một cái giấy phạt là cái chắc.
Bạn thử tưởng tượng một hoạt cảnh như vầy nè:
Cảnh sát 1: Đây là Chiến Dịch Chống Uống Rượu Lái Xe. Yêu cầu ông hà hơi vào máy đo này.
LRTĐ: Nhưng tôi đâu có uống rượu.
Cảnh sát 1: Đây chỉ là thủ tục. Yêu cầu ông hãy làm theo.
LRTĐ: Hà thì hà sợ gì!
Cảnh sát 1: Máy đo cho thấy nồng độ rượu trong người ông là 0.33, vượt quá mức hợp pháp. Yêu cầu ông trình bằng lái xe.
LRTĐ: Trình thì trình sợ gì!
Cảnh sát 1: Yêu cầu ông bước qua xe chúng tôi. Chúng tôi tạm câu lưu ông về bót về tội uống rượu lái xe.
LRTĐ: Nhưng tôi đã nói là tôi không có uống rượu. Tôi chỉ tới nhà Đặng Sơn xin trái bầu rồi về. Bộ bạn tưởng cứ ai vừa rời nhà ổng ra về đều xỉn hết hả?
Cảnh sát 1: Chúng tôi không cần biết điều đó. Ông hãy về bót rồi muốn khai gì khai.
LRTĐ: Được. Bắt tôi thì bắt sợ gì. Nhưng xin phép để tôi gọi báo tin cho bề trên của tôi hay.
Cảnh sát 1: Bề trên của ông là ai?
LRTĐ: Là vợ tôi chớ ai.
Cảnh sát 1 lắc đầu cười. Nửa giờ sau nơi bót cảnh sát, độ cồn trong người của LRTĐ đã hạ xuống mức bình thường. Cảnh sát 2 làm biên bản.
Cảnh sát 2: Ông bị bắt về tội uống rượu lái xe. Ông có điều gì muốn trình bày không?
LRTĐ: Có. Tôi là người ăn chay trường. Không tin thì hỏi Châu Hiền Quang đi. Tôi chỉ đi xin bầu về luộc chấm chao. Tôi không có uống rượu.
Cảnh sát 2: Ông nói ông không uống rượu vậy tại sao máy đo hơi thở cho thấy độ cồn trong máu ông vượt khỏi mức giới hạn tối đa quá xa?
LRTĐ: Biết đâu máy hư thì sao? Tui đi đo huyết áp trong tiệm thuốc tây mười lần kết quả khác đủ mười. Máy đo của cảnh sát “Made in China” phải không? Cái gì làm ở bên Tàu thì không thể chính xác được. Yêu cầu đo lại.
Cảnh sát đo lại. Lần này con số hiện ra là 0.06. Viên cảnh sát làm biên bản ngẩn người kinh ngạc. Lúc đó vợ của LRTĐ bước vào, giải thích với cảnh sát về Hội Chứng Lên Men Ruột đặc biệt của chồng bà.
Cảnh sát 2: Chúng tôi thành thật xin lỗi ông bà.
LRTĐ: Hehehe… Không có chi!
Các bạn còn muốn nghe thằng cha Phan Hạnh lan man tiếp chuyện nhậu không? Nếu còn thì kỳ sau thằng chả sẽ… đến hẹn lại lên. Hihihi…
Phan Hạnh