Thursday 26 September 2013

Vang Vang Trời Vào Xuân - Quỳnh Giao

Vang Vang Trời Vào Xuân


Thanh Tâm Tuyền ra đi vào ngày đầu của Mùa Xuân khi ông vừa tròn bảy chục. Có nói rằng ông đã qua bảy mươi Mùa Xuân thì không sai.


Bảy mươi Mùa Xuân là bảy chục lần thấy đời bỗng như mới. Thanh Tâm Tuyền thấy văn chương bỗng như mới khoảng nửa thế kỷ trước, là lúc nhóm Sáng Tạo ra đời, muốn xé các tờ lịch cũ để làm mới tất cả. Cũ ở đây là văn nghệ tiền chiến, lên đến cả thời Tự Lực Văn Ðoàn. Thời ấy, Mai Thảo cũng mới chỉ ba chục, Thanh Tâm Tuyền thì đúng vào tuổi đôi mươi, và vào tới miền Nam bát ngát, ai ai cũng hăng hái nghĩ đến một trang giấy trắng. Tha hồ muốn viết gì thì viết.

Nhóm Sáng Tạo ra đời trong nguồn cảm hứng cuồn cuộn đó. Chiến tranh đã hết, cuộc đời mở mùa tái tạo...


Việt Nam ta có một cái rất giỏi là chiến tranh, cho nên định nghĩa “tiền chiến” là cái gì đó thật co giãn, thường thì kéo dài, quá dài. Trong thời tự do của miền Nam, 21 năm ngắn ngủi từ 1954 đến 1975, thì “tiền chiến” có thể là thời kỳ kéo dài từ những năm 1930 đến 1945, hoặc những gì xảy ra trước 1954. Sau đấy và cho đến ngày nay, “tiền chiến” có thể là những gì xuất hiện trước 1975. Với Thanh Tâm Tuyền, tiền chiến có khi trải dài cho đến những năm về sau, sau khi chiến tranh chính thức kết thúc năm 1975. Những năm ông ở trong tù.


Chiều Thứ Năm tuần trước, ngày 30 Tháng Ba, một số bằng hữu của ông tại Orange County đã gọi nhau tổ chức một buổi tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền tại hội sở vừa được làm mới của tờ Việt Báo. Trong ban tổ chức, các bạn của ông đều là những người sinh sau Thanh Tâm Tuyền - trừ cô Thái Thanh, mà vẫn là vai em vì ông chơi với người anh là Phạm Ðình Chương. Và cũng không có ai là văn nghệ sĩ đã viết trong nhóm Sáng Tạo. Thái Tuấn hay Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh hay Tô Thùy Yên đều ở xa. Mai Thảo hay Ngọc Dũng thì không còn. Không góp mặt trên tờ Sáng Tạo vì trẻ hơn, nhưng mọi người hôm ấy đều đồng ý và ngợi ca Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Trong số “mọi người” này có Ðỗ Quí Toàn, Trần Dạ Từ và Nhã Ca đều cũng là những nhà thơ.


Thời Thanh Tâm Tuyền, các tác giả trong nhóm Sáng Tạo đều muốn bước ra khỏi cái bóng của thơ “tiền chiến”, những thi sĩ của loại “thơ mới”. Họ muốn làm mới thơ mới, không viết loại thơ bảy chữ, tám chữ như thế hệ Phan Khôi, Ðông Hồ hay Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng nữa. Thời nay, hôm ấy, mọi người đều nhắc đến với sự trân quý tài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Ra đến ngoài này, trong cõi tự do đang cuộn chảy, không ai còn muốn làm mới tất cả và nhìn lại sự khai phá của Thanh Tâm Tuyền, và cả những cây bút cùng thời của ông, với niềm tiếc nhớ.


Quỳnh Giao muốn trở lại cái thời mà Thanh Tâm Tuyền đã nối lại vòng tay với các nhà thơ đi trước, qua những bài thơ ông viết trong tù, được đưa ra ngoài dưới bút hiệu Trần Kha. Ông trở lại thơ lục bát, những bài thơ có vần điệu, những câu thơ bảy chữ... Ở tuổi bốn mươi, trong tù, ông viết với sự an nhiên của một cụ già. Và ra tới bên ngoài này là gác bút. Ông tự xé lấy tờ lịch của chính mình.


Vang Vang Trời Vào Xuân là tập thơ ngắn của Trần Kha, với những bài như Chôn Tù, Long Giao, Mưa Trên Núi, Chiều Hanh Khô Trên Ðồi Hương Nhu, Ngã Trên Núi Khi Vác Nứa, Nhổ Cỏ Hương Nhu Nhớ Bạn...


Gần hai chục năm trước, Cung Tiến phổ nhạc loạt thơ này thành tập “liên ca” gồm một chục ca khúc ngắn. Lần đầu chúng ta hát thơ Thanh Tâm Tuyền sau các bài nổi tiếng như Dạ “Tâm” Khúc, Lệ Ðá Xanh hay Ðêm Màu Hồng là khi Lê Văn tổ chức tại miền Ðông, có Mai Hương và Quỳnh Giao chia nhau hát liên ca ấy. Sau đó, liên ca còn được hát hai ba lần tại California và Minnesota... rồi đi dần vào lãng quên: "Trăng lạnh soi mái ngoài / Lênh đênh đêm chẳng thấy / Gió hú rợn núi đồi / Ðêm sâu kín khắc khoải...". 


Quỳnh Giao nhớ mãi câu này. Ðêm trên núi đồi giữa vùng trăng lạnh, tâm trí người tù lại thấy lênh đênh, không mênh mang mà lênh đênh, như đang trôi dạt trên biển đen.
"Trượt dốc té nhào trên hẻm núi / Chết điếng toàn thân trong giây lâu....", Thanh Tâm Tuyền viết như vậy khi ngã trên núi ở Yên Bái năm 1979.


Với nhạc Cung Tiến - những Hoài Cảm hay Nguyệt Cầm đều đã thành Hương Xưa - người hát phải “té” trên năm nốt nhạc. Từ ré xuống tới sol mới “nhào”, và hẻm núi sâu hun hút với nốt láy không nguôi. Thơ làm nhạc té như chiếc lá, lảo đảo rơi xuống vực.


Sáng nay mệt chết giấc ở trên đồi / Vòng quanh, tiếng cuốc bổ liên hồi
Ðào huyệt chôn tù nghe đây chúng bạn: "Cứ để nguyên người tù xác phơi...".


Câu “mệt chết giấc” là một giấc rất dài, kéo không dứt trên nhiều nốt nhạc. Nôm na dễ hiểu là hát không dễ!


Duy nhất dễ nhớ là đoạn trích dẫn cuối bài Nhổ Cỏ Hương Nhu Nhớ Bạn, nhạc Dang Dở của Ðoàn Chuẩn Từ Linh, như nhớ về thời “tiền chiến”.


Vì hát không dễ mà sau này ít còn ai nghe thấy Vang Vang Trời Vào Xuân, một điều thật đáng tiếc.


Cung Tiến càng học nhạc lại viết càng khó, giai điệu của ông đã ra khỏi thời mượt mà cảm động năm xưa, trở thành “classique”, nhưng “contemporain”, cổ điển mà đương đại, và trúc trắc khó diễn tả. Cho nên những bài “tiền chiến” của ông, từ Hoài Cảm đến cả Vết Chim Bay, may ra còn có người hát. Chứ sau đó thì thôi.


Mà Phạm Ðình Chương không còn nữa, ông mất quá sớm khi vừa qua lục tuần. Thơ Thanh Tâm Tuyền vì vậy bị đọng trong thời Sài Gòn tự do, thời “tiền chiến” 1954-1975. Thơ Xuân phơi phới của ông ở trong tù tan loãng dần trong cõi tự do, có khi đã trở lại núi rừng Việt Bắc năm xưa... Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu...


Năm xưa, bên huyệt sâu của Mai Thảo, Võ Phiến đã có bài điếu văn nói về cái nghiệp của người cầm bút lưu vong như Mai Thảo. Trong một thế giới quý trọng vật chất họ tiếp tục theo đuổi cái đẹp, nhiều khi phù phiếm vô vọng, nhưng giúp chúng ta trở thành văn minh hơn.


Trong cõi văn minh ấy của tâm tư, trong cõi văn minh riêng tư ấy, nếu có cơ hội cùng hát và đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, dù chỉ để cho nhau nghe, thì cũng là một niềm vui và là một sự nhắc nhở đầy đủ về di sản thơ văn của ông.


Ðể tỏ lòng quý trọng thi sĩ của chúng ta, nói như Thảo Trường.


Với Thanh Tâm Tuyền, tiền chiến có khi trải dài cho đến những năm sau 1975. Những năm ông ở trong tù.


Quỳnh Giao