Thursday, 5 September 2013

Luận bàn về các phe theo và phe chống việc can thiệp quân sự ở Syrie - Nhữ Đình Hùng

Trong việc tố cáo việc xử dụng vũ khí hoá học ở Syrie và qui trách-nhiệm cho chế độ của Bachar Al Assad, các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ là những quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất và cũng là những quốc gia chủ trương can thiệp quân sự vào Syrie dưới cớ để trừng phạt nước Syrie đã có những "tội ác chống nhân loại". Thủ tướng Anh, trong ngày 26.08 đã nói đến việc can-thiệp gần kề và đồng thời cũng đã cho triệu tập khẩn cấp quốc hội ngày thứ năm 26.08 để thảo luận về việc tấn can-thiệp quân sự vào Syrie. Một chuyện 'bất ngờ' xảy ra: quốc hội với đa số tương đối đã không chấp thuận việc này!  Theo tin RIA Novosti, trong cuộc điều trần tại quốc hội Anh, thù tướng Cameron đã thú nhận không thể xác quyết 100% việc chế độ Damas đã xử dụng vũ khí hoá học cũng như không thể xác quyết 100% là quân nổi dậy không có vũ khí hoá học. Điều này không ngăn cản việc Mỹ và Pháp tiếp tục đưa ra các cáo buộc đối với chế độ Damas.Vậy là phe chủ trương tấn công chỉ còn hai là Mỹ và Pháp.

Cho đến ngày 30.08, lập-trường của Pháp và Mỹ không có gì thay đổi, sẵn sàng để can thiệp quân-sự ở Syrie.  Ngoại trưởng Mỹ đã nói đến việc tấn công trừng phạt vì Syrie đã dùng vũ khí hoá-học, đưa ra các bằng chứng của tình báo Mỹ, nói đến việc tấn công giới hạn trong các mục tiêu định trước và không kéo dài, không có việc xử dụng lục quân,vân vân. Trong khi đó, chính bộ ngoại Mỹ không biết ai là người ra lệnh tấn công và ai đã tấn công, chỉ biết là có một cuộc điện đàm 'hoảng hốt' sau khi có cuộc tấn công ngày 21.08. (Bản tin: http://www.nouvelordremondial.cc/2013/08/29/etats-unis-le-departement-detat-admet-quil-ne-sait-pas-qui-a-donne-lordre-de-lattaque-chimique-en-syrie/)

Sang ngày thứ bảy, ông Obama cũng tái xác nhận việc can thiệp quân sự nhưng với sự phê chuẩn của quốc-hội Hoa Kỳ. Quốc Hội Mỹ làm việc trở lại vào ngày 09.09.2013, cuộc tấn công nếu có sẽ sau khi có quyết định của quốc hội. Trong khi đó, tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết kết quả của phái đoàn điều tra sẽ có trong vòng ba tuần lễ. Nếu quốc hội Mỹ chờ kết quả cuộc điều tra quốc tế, sẽ không có can thiệp quân sự ở Syrie trong ba tuần nữa! Như vậy, việc can thiệp quân sự Mỹ ở Syrie bị treo lơ lửng, trong tình trạng nước đôi 'có thể có, có thể không'.

Tuyên bố chờ một biểu quyết của quốc-hội của ông Obama đặt tổng thống Pháp François Hollande vào tình trạng khó xử vì là người duy nhất còn xót lại trong 'bộ ba Obama, Cameron, Hollande'  chủ trương can thiệp quân sự tức khắc vào Syrie. Điều này có thể thấy qua phát biểu của ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius  'nước Pháp không thể làm một mình,..nhưng không làm gì cả là trở thành đồng loã với tội ác chống nhân loại' mà theo Fabius, tội ác này do Bachar al Assad gây ra!

Cách tháo gỡ là đưa vấn đề ra quốc hội thảo luận, dự trù ngày 04.09 , việc thảo luận này không nhất thiết phải được biểu quyết nhưng phe đối lập đòi có một biểu quyết!Trong ngày thứ hai 02.09, thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault có những tiếp xúc với chủ tịch quốc-hội và chủ tịch thượng viện, các nhóm dân biểu, ủy ban ngoại giao và ủy ban quốc phòng để thảo luận về tình hình Syrie.

Về việc can thiệp quân sự vào Syrie, người ta thấy được ba nhiệm ý: đồng ý can thiệp, can thiệp nếu có sự đồng ý của HĐBA LHQ và chống lại việc can thiệp.


  • Về các nước đồng ý can thiệp:

*Hoa Kỳ: tổng thống Obama,trong ngày thứ sáu 30.08, nói việc can thiệp được nghĩ đến ở Syrie sẽ là một việc dấn thân có giới hạn và không đòi hỏi một chiến dịch quân sự đại quy mô. Nhưng sau đó, ông Obama nói cần có một biểu quyết của quốc hội. Trong khi chờ đợi quốc hội nhóm họp, có thể coi Hoa Kỳ đồng ý can thiệp ở Syrie.

*Pháp: cũng trong ngày thứ sáu, tổng thống Pháp Hollande cho biết quyết tâm muốn can thiệp quân sự cạnh Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi quyết định quốc hội Mỹ, Pháp coi như đồng ý tấn công Syrie.

*Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Syrie trước đây, đã dấn thân vào liên minh chống Damas dù cho không có sự đồng thuận của LHQ.

*Các quốc gia vùng Vịnh chống lại Bachar al Assad như Koweit, Arabie Saoudite, Qatar. Trong những ngày qua, Mỹ đã coi các nước thuộc liên đoàn ả rập là những đồng minh khả dĩ cho việc can thiệp quân sự ở Syrie nhưng về việc này, liên đoàn ả rập bị chia rẽ trầm trọng. Các quốc gia như Ai Cập, Algérie, Iran, Irak, Liban và Tunisie cho biết chống việc can thiệp quân sự vào Syrie.

  • Những nước đồng ý với điều kiện có sự đồng ý của HĐBA.
Điều này được coi như một sự không đồng ý bởi vì HĐBA không thể quyết định can thiệp quân sự vào Syrie khi Nga và Trung Hoa phủ quyết.

* Ý: ngoại tưởng Ý, Emma Bonino, mong muốn dùng áp lực ngoại giao và chánh trị đối với Syrie, không mong muốn có một cuộc tân công nào mà không có sự cho phép của HĐBA LHQ. Nhưng Ý không loại bỏ việc các căn cứ không quân của nước này có thể được  các đồng minh xử dụng!

*Tây Ban Nha. Bộ ngoại giao Tay Ban Nha cho biết tin tưởng nơi HĐBA LHQ và yêu cầu tổ chức này có những quyết định bảo đảm rằng công pháp quốc tế được tôn trọng.

*Ba Tây: Ba Tây cho biết không hỗ trợ một can thiệp quân sự vào Syrie nếu không có phê chuẩn của HĐBA LHQ. Theo ngoại trưởng Luiz Alberto Figueiredo 'điều này là một vi phạm quốc tế công pháp và hiến-chương LHQ'.

  • Những nước chống việc can thiệp quân sự vào Syrie.

*Anh: ngay sau khi việc can thiệp quân sự bị quốc hội bác với 285 phiếu/272 phiếu, thủ tướng Anh David Cameron nói 'tôi đã nhận được thông điệp và chánh phủ sẽ hoạt động theo'.

*Đức: Trong ngày thứ sáu 30.08, Đức cho biết 'không nghĩ đến việc tham dự vào một hành động quân sự ở Syrie. Hiện Đức chủ trương ưu tiên khai thác đường lối ngoại giao.

*Nga: Moscou là đồng minh của Syrie, đương nhiên chống lại việc can thiệp quân sự vào Syrie! Trong lúc Poutine thách thức các nước tây phương nhất là Hoa Kỳ cung cấp bằng chứng cho phái đoàn điều tra LHQ và cho HĐBA LHQ, một cố vấn ngoại giao của điện Kremlin, Iouri Ouchakov, cho rằng 'một việc can thiệp quân sự vào Syrie là là một đòn nghiêm trọng vào trật tự thế giới, đặt nền tảng trên vai trò Trung tâm của LHQ'. Moscou cũng đã coi rằng việc qui trách quá sớm cho Syrie việc xử dụng vũ khí bị coi là hoá học sẽ là một sai lầm bi thảm và khuyến cáo Washington không nên lập lại sai lầm trong quá khứ '.(Năm 2003, Washington đã tấn công Irak dựa trên những chứng cớ tình báo là Irak có vũ khí có tầm sát hại cao, kết quả là không tìm thấy vũ khí này nhưng Saddam Hussein bị xử treo cổ vì tội tàn sát dân Kurdes).

*Trung Hoa: nước này đòi phải xác nhận rõ trách nhiệm của Syrie trong việc xử dụng vũ khí hoá học trước khi quyết định mọi hành động. Điều này đã được ngoại trưởng Wang Yi của Trung Hoa nói với ông Laurent Fabius, ngoại trưởng Pháp, trong một cuộc điện đàm.

*Nhật Bản: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ sự quan ngại sâu xa về tình hình Syrie, coi việc xử dụng vũ khí hoá học là điều không chấp nhận được trong bất cứ hoàn cảnh nào nhưng mong muốn tiếp tục các nỗ lực về ngoại giao.

*Gia Nã Đại: nước này không nghĩ đến việc tham dự một cuộc can thiệp quân sự tuy nhiên, 'hỗ trợ' trong trường hợp có can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh. Thủ tướng Stephen Harper nói rằng "chánh phủ  Gia Nã Đại không dự trù việc có một sứ mệnh quân sự".( Năm 2011, Gia Nã Đại đã gởi phi cơ khu trục tham chiến ở Libye).

*Ai Cập: Ngoại trưởng Nabil Fahmy tuyên bố Ai Cập không tham dự vào bất kỳ một cuộc tấn công quân sự nào và chống lại mọi can thiệp quân sự vào Syrie. Ngoại trừ việc đã có thoả thuận ngầm từ trước, thái độ của Ai Cập khó thể giải thích. Nước này cần viện trợ kinh tế để có thể đứng vững. Do việc đảo chánh Morsi, Hoa Kỳ doạ (nhưng trên thực tế đã) cắt viện trợ. Arabie Saoudite đã nhận chi viện 12 tỉ đô la cho Ai Cập. Arabie Saoudite chủ trương can thiệp quân sự vào Syrie nhưng Ai Cập chống lại việc này. Việc này có thể giải thích như thế nào?
Có những tin tức nói Ai Cập muốn đóng kinh  Suez đối với các tàu chiến. Vừa qua Ai Cập loan báo việc phá vỡ một mưu toan khủng bố nhằm đánh chìm tàu để ngăn chặn lưu thông trên hải lộ Suez. Có thể đây là một áp lực với Mỹ để đòi viện trợ, cũng có thể vì nhu cầu an ninh của Ai Cập, giữa Ai Cập và Syrie có một liên minh hỗ tương trong cuộc chiến chống Do Thái trước đây! Từ 1958 đến 1961, Syrie và Ai Cập hợp thành một cộng hoà )

*Algérie: nước này chống mọi can thiệp quân sự vào Syrie. Đặc sứ của tổng thư ký LHQ về Syrie là Brahimi, một chánh khách của Algérie. Bộ ngoại giao Algérie ngày 29.08 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khuyến khích và hỗ trợ các phe ở Syrie dấn thân vào một tiến trình chánh trị để giải quyết khủng hoảng
chính trị. "Algérie bày tỏ sự bác khước mọi can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền!";

Những lý do viện dẫn để can thiệp quân sự vào Syrie không nhiều lắm. Nói chung chỉ có hai lý do chánh. Lúc đầu, đó là chế độ của ông Bachar al Assad là một chế độ độc tài. Những người nổi dậy đòi thay đổi chế độ độc tài bằng chế độ dân chủ. Ghi nhớ là cuộc nổi dậy ở Syrie xảy ra sau cuộc nổi dậy ở Libye. ở Libye,ngay từ buổi đầu cuộc nổi dậy, đã có sự can thiệp mạnh mẽ của các cường quốc tây phương, đứng đầu là bộ ba Anh, Mỹ ,Pháp nhưng khoác bên ngoài bằng hình thức can thiệp của OTAN để thi hành lệnh của HĐBA LHQ về việc thiết lập vùng cấm bay ở Libye và bảo vệ người dân sự. Điều khoản bảo vệ người dân sự đã được thông giải rộng rãi đi đến chỗ tấn công các lực lượng của Kadhafi và sau cùng lật đổ chế độ của ông này, Kadhafi đã bị bắt và bị quân nổi dậy giết tại chỗ không xét xử. Con trai ông ta cũng bị bắt,bị giam nhưng sau đó cũng bị giết trong nhà giam. Vào lúc đó, Trung Hoa và Nga đã không phủ quyết quyết nghị của HĐBA LHQ.

Rút kinh nghiệm, Nga và Trung Hoa phủ quyết các quyết nghị về Syrie. Điều khiến các nước tây phương không can thiệp được vào việc thiết lập một chế độ dân chủ cho Syrie do quân nổi dậy lãnh đạo. Mặt khác, quân nổi dậy Syrie không thống nhất được với nhau, bên phiá quân nổi dậy có nhiều thành phần khác biệt,trong số có những thành phần có liên hệ với Al Qaïda,điều khiến các nước tây phương dè dặt trong việc viện trợ võ khí. Buổi đầu, quân nổi dậy có vẻ chiếm thế thượng phong, nhưng hiện nay, quân trung thành với chế độ Damas đang mở rộng vùng kiểm soát.

Tới giai đoạn này, các quốc gia tây phương tố cáo Damas xử dụng vũ khí hoá học và đòi mở cuộc điều tra kể từ tháng ba.Cuộc tấn công vào ngày 21.08 trong vùng phụ cận Damas dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy được coi là của chánh quyền Damas và coi là đã xử dụng vũ khí hoá học. Các báo chí tây phương đưa ra các hình ảnh của các nạn nhân. Các nước tây phương đòi phải cho phái đoàn điều tra LHQ đến tại chỗ. Damas  đồng ý cho phái đoàn đến. Các nước tây phương nói việc cho phép điều tra quá muộn, các chứng cớ sinh học có thể biến mất, chưa kể chế độ Damas đã tiếp tục oanh tạc vùng này để xoá các dấu vết có tính cách vật lý. Nói chung, việc can thiệp quân sự vào Syrie không tuỳ thuộc vào kết quả của phái đoàn điều tra LHQ như ông Obama nói là cân nhắc việc can thiệp quân sự vào Syrie có phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, điều này mở ngõ cho hai nhiệm ý  'có can thiệp' và 'không can thiệp'. Việc ông Obama chờ đợi một biểu quyết của quốc hội giúp cho ông có ngõ ra không can thiệp vì từ trước đến giờ, ông ở trong vị thế súng mở an toàn,vị thế tác chiến. Việc chờ biểu quyết quốc hội được coi như khoá an toàn, nếu quốc hội không thuận thì có cơ hội 'đem súng xuống', chỉ khi nào có được một giải pháp về Syrie mới được coi là 'thao diễn,nghỉ'.

Nhưng trong lúc này, ông Obama vẫn còn ở vị thế 'súng cầm tay'.

Việc biều quyết của quốc hội Hoa Kỳ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như vận động hành lang của chánh quyền để quốc hội phê chuẩn việc can thiệp quân sự, vận động của Do Thái, vận động của các nước ả-rập và phản ứng của dư luận quần chúng!

  • Về phản ứng của quần chúng,có thể thấy bốn thành phần:

*Những người thuộc phong trào phản chiến. Đây là những người chống tất cả mọi cuộc chiến tranh không riêng gì chống can thiệp quân sự Mỹ ở Syrie. Ở nhiều nước, các phong trào phản chiến đã đưa ra các kiến nghị chống lại việc can thiệp quân sự ở Syrie, tại Mỹ là nhóm Occupy Wall Street.

*Những người e ngại xảy ra trường hợp Irak trước đây với các tin tức tình báo sai lạc nếu không muốn nói là ngụy tạo Có thể đó là lý do đã khiến quốc hội Anh chống lại việc can thiệp vào Syrie.

*Những người chủ trương không can thiệp vào nội bộ một nước khác.

*Những người coi rằng thà Assad hơn quân khủng bố. Hiện trong hàng ngũ quân nổi dậy có các  djihadistes đi theo Al Qaïda. Nếu phe nổi dậy thay Assad, lực lượng nào sẽ nắm quyền? Tình hình hỗn loạn ở Syrie từ sau khi lật đổ Kadhafi cho đến nay là một bằng chứng.
Nếu như phe nổi dậy thuỗc ASL và CNS chờ đợi sự can thiệp quân sự của các nước tây phương và Mỹ (nhưng hiện nay chỉ chắc chắn có Pháp và Mỹ) với các nước Thổ Nhĩ Kỳ,  Arabie Saoudite và Qatar, cũng có những người thuộc đối lập ở Syrie chống lại việc can thiệp quân sự của nước ngoài.
Haytham Al-Manna
Haytham Al-Manna, lãnh tụ một nhóm đối lập không thuộc CNS coi kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ là kế hoạch quỷ Satan! Ông này là phát ngôn viên của Ủy ban phối hợp quốc gia (CNC), một tổ chức đối lập qui tụ mười hai đảng chánh trị tả phái thế tục, nói rằng một can thiệp quân sự tây phương ở Syrie là 'một hành động  ma quỷ (satanique) chống lại một chế độ ma quỷ. CNC không phải thành viên của CNS.

Khó có thể nói Haytham Al Manna có khuynh hướng thân Bachard Al Assad. Anh ông ta bị chế độ của ông Al Assad giết Ông Al Manna lại là thành viên của phong trào đòi hỏi nhân quyền ở Syrie. Ông này coi rằng "pháo binh Mỹ không biết phân biệt các mục tiêu quân sự và dân sự. Tôi đã thấy những gì xảy ra ở Irak...và trong những cuộc can thiệp quân-sự khác của Mỹ....Chúng tôi chống lại việc can thiệp của Hezbollah và của các chiến đấu quân ngoại quốc  của al-Qaïda. Chúng tôi không thể xây dựng dân chủ ở Syrie với những người khác....Chúng tôi không thuận cho một cuộc can thiệp ma quỷ để chống lại chế độ ma quỷ!"

Dĩ nhiên phe ủng hộ sự can thiệp quân sự của tây phương không nhịn, đã coi CNC là 'mặt khác của cùng một đồng tiền'. Al Manna đã  phản pháo là phe đối lập hiện diện ở ngoài nước Syrie chỉ là 'thiểu số ở trong nước' và nói rằng 'phần lớn xã hội Syrie chống lại sự can thiệp quân sự nước ngoài'. Vẫn theo Haytham Al-Manna, "hiện có một cơ may để đẩy cả hai phe, đối lập và chế độ, đến Genève. Cho đến ngày nay, chế độ luôn luôn chấp nhận việc khả dĩ đến Genève". Về nghi ngờ rằng Bachar al-Assad từ chối thảo luận với đối lập, Al-Manna có ý nghĩ ngược lại là nếu Assad từ chối, Nga sẽ ngưng hỗ trợ cho  chế độ Damas. Và nói thêm từ hai năm qua, chính phe đối lập đã từ chối thương thuyết với chế độ Damas, chẳng những điều này làm có 70.000 người chết nhưng chỉ có lợi cho Assad và Al Qaïda.  Haytham Al Manna nói rằng chế độ và đối lập phải tham dự Genève 2 không điều kiện.  Điều kiện duy nhất là áp dụng các nguyên tắc của thông cáo Genève. Đó là trong lợi ích của đối lập dân chủ, không phải của al Qaïda hay 'islamistes'.

Sau khi Obama tái xác nhận ý định tấn công chống chế độ Damas, dù còn phải chờ biểu quyết của quốc hội Mỹ, đại diện của Syrie ở LHQ, Bachar Djaafari  trong văn thư gởi văn phònh TTK/LHQ đã yêu cầu ông Ban Ki-moon đảm nhận trách nhiệm ngăn cản mọi việc tấn công vào Syrie và làm thuận hợp một giải pháp chánh trị cho cuộc khủng hoảng Syrie. Ông ta lượng định rằng HĐBA LHQ phải ở trong vai trò bảo đảm an ninh bằng cách ngăn cản mọi xử dụng bạo lực một cách phi lý ngoài khuôn khổ pháp lý quốc tế. 
Nicolas Maduro
Trong ngày thứ tư 28.08, tổng thống Vénézuéla Nicolas Maduro đã nói đến việc có một liên hệ trong dự án khủng bố chống lại ông ta và việc can thiệp quân sự tại Syrie trong cùng thời gian, cũng giống như vào năm 2002 khi có âm mưu đảo chánh chống lại tổng thống Chavez tiếp theo sau việc can thiệp ở Irak!

Sau đó, tổng thống Maduro của Vénézuéla đã viết thư cho tổng thống Obama thuyết phục ông này 'nên ngưng ngay guồng máy chiến tranh đang chạy'. Vẫn theo ông này, nếu việc tấn công Syrie được phê chuẩn, tổng thống Mỹ sẽ lập lại tình hình ở Irak, ở Afghanistan và Libye!

Trong khi chờ đôi quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết về việc có hay không cho phép can thiệp quân sự ở Syrie, ngày thứ ba 03.09, ông Obama đã bay sang Suède, chặng dừng chân trên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Xem chừng ông Obama đã phần nào thuyết phục được quốc hội Hoa Kỳ về việc cần thiết phải can thiệp quân sự ở Syrie, không phải chỉ vì Syrie có và xử dụng vũ khí hoá học nhưng còn vì vấn đề Iran. Có tin quốc hội sẽ thuận cho một can thiệp quân sự trong 90 ngày.( Nhưng sau đó, có gì ngăn cản việc xin gia hạn và chấp thuận cho gia hạn?). Nhưng dù quốc hội không chấp nhận, tổng thống Mỹ vẫn có thể đi đường vòng như  gián tiếp can thiệp thông qua một nước hoặc một liên minh khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Arabie Saoudite, Qatar, Pháp...
TT Obama - Thủ tướng Fredrik Reinfeldt 
Trước hội nghị G20, ông Obama sẽ gặp riêng tổng thống Pháp François Hollande, chủ tịch nước Trung Hoa Xi Jinping.Không có nghị trình chánh thức họp riêng giữa Obama và Poutine nhưng không có gì ngăn cản một cuộc gặp gỡ không chánh thức.

Sau khi cho phổ biến các tài liệu liên quan đến việc xử dụng vũ khí hoá học ở Syrie, lập trường của Pháp có vẻ cứng rắn. Trong cuộc họp báo ngày thứ ba 03.09, ông Hollande nói "sự đe dọa sẽ không thể ngưng khi chế độ Bachar al-Assad hãy còn tại chỗ". Lời tuyên bố này cho thấy mục tiêu chính của Pháp không phải là 'trừng phạt' Syrie vì đã xử dụng vũ khí hoá học mà là để lật đổ ông Bachar al-Assad.

Trong khi đó, trong một phỏng vấn dành cho Le Monde, tổng thống Pháp François Hollande nói ' Không phải là việc lật đổ nhà độc tài Syrie. Tôi không thuận hợp cho một cuộc can thiệp quốc tế nhằm 'giải phóng' nhân dân Syrie hay để lật đổ nhà độc tài nhưng tôi coi là một là một đòn chấm dứt phải làm đối với một chế độ đã phạm điều không thể sửa chữa đối với nhân dân họ'.

Trong một cuộc phỏng vấn sáng thứ tư 04.09 dành cho RMC/BFMTV, phát ngôn viên chánh phủ, Najat Vallaud-Belkacem nói là 'Ngày nay, François Hollande nỗ lực để tạo những điều kiện  để có thể có một liên minh rộng rãi nhất... một liên minh quân sự trong bước đầu và rồi chúng tôi sẽ xem nếu như liên minh quân sự không làm được, vì nước Pháp sẽ không can thiệp một mình... Kể từ khi có được một liên minh, nghĩa là khi nhiều nước cùng làm, tôi nghĩ rằng can thiệp quân sự là thích hợp nhất, nhưng nếu không có được liên minh, vậy thì phải nghĩ đến những phương tiện khác". Điều cho thấy một dự trù xuống thang!

Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Poutine trong ngày thứ tư 04.09 cho biết 'không loại trừ' việc hỗ trợ cho một hành động quân sự tây phương trong một số điều kiện khá rõ ràng."Nếu có những tin tức theo đó những vũ khí hoá học đã được xử dụng và xử dụng bởi quân chính qui (của Syrie), vậy thì những bằng chứng đó phải được trình lên HĐBA LHQ...Và những bằng chứng đó phải thuyết phục...Sau việc này, chúng tôi có thể sẽ hành động một cách quả quyết nghiêm chỉnh . Đối với các ký giả nhiệm sở ở Moscou, có vẻ Vladimir Poutine đang  buông tay đối với Bachar al Assad.. Điều này thực ra có thể thông giải một cách khác. Ngày thứ năm, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được nhóm họp và do Nga chủ trì. Sự hoà dịu của Nga mang tính cách chiến thuật, tạo một số thuận lợi cho các thương thuyết trong hội nghị. Về Syrie, cho đến nay vẫn coi các bằng chứng do tây phương đưa ra không có tính cách thuyết phục.

Về việc Nga có thể hỗ trợ một quyết nghị của HĐBA LHQ về Syrie, điều gì ngăn cấm Nga và Trung Hoa tham dự vào lực lượng LHQ về Syrie (thay vì trừng phạt thì đây là lực lượng kiểm soát các địa điểm được coi là tồn trữ vũ khí hoá học?). Việc này không làm mất mặt Nga và cũng không làm mất mặt tây phương Và tại sao không có một cuộc bầu cử dân chủ, tự do, dưới sự giám sát của LHQ. Trong trường hợp này, hoặc ông Bachar Al Assad, hoặc phe đối lập sẽ rời chính trường trong danh dự.  Đó là chưa kể trong hội nghị G20, vấn đề Syrie có thể giải quyết cùng với việc giải quyết trường hợp Snowden. Ông này được Nga cho tị nạn một năm. Và bầu cử tổng thống Syrie cũng vào năm 2014. Một sự trùng phùng ngẫu nhiên hay có toan tính? Vladimir Poutine cũng cho biết việc giao hoả tiễn S-300 cho Syrie đã bị ngưng, đồng thời nói rằng mọi can thiệp quân sự vào Syrie không có ủy mệnh của LHQ được coi là một sự gây hấn.

Việc này thì Nga nắm đằng cán: nếu  Nga không thuận thì đương nhiên không có sự ủy mệnh!
Giáo Hoàng François
Trong lúc đó, Giáo Hoàng François đã kêu gọi nhịn ăn và cầu nguyện vào ngày thứ bảy 07.09 để chống mọi can thiệp quân sự vào Syrie. Lời kêu gọi này đã được hưởng ứng ngay cả ở ngoài giáo hội Thiên Chúa. Ahmad Badreddin Hassoun, trưởng giáo sunnite ở Syrie đã kêu gọi các tín đồ hồi-giáo tham dự vào cuộc cầu nguyện của Giáo Hoàng. Nữ ngoại trưởng Emma Bonino của Ý, một người không tín ngưỡng, cho biết sẵn sàng tham dự vào việc nhịn đói. Tổng trưởng quốc phòng Ý, Mario Mauro, cho biết muốn tham dự cuộc nhịn đói. Nhiều phong trào thiên-chúa giáo như Focolari và Sant'Egido hưởng ứng sáng kiến của Giáo Hoàng!

Trong bài giảng vào ngày thứ ba 03.09, Đức Giáo Hoàng đã nói 'Jésus không cần đến quân đội để thắng sự ác, sức của Người chính là sự nhẫn nhục'.

Toà Thánh đã tận dụng mọi nỗ lực,môi phương tiện nhằm để giải thích ý nghĩa sáng kiến của Giáo Hoàng ? Radio Vatican,phát thanh bằng nhiều thứ tiếng, Đức Ông Mario Toro  trả lời một cuộc phỏng vấn đã nói đến một cuộc chiến có tầm vóc toàn cầu  'khi nhìn các cách phản ứng của những nước lớn của quả đất'. Khó có thể nghĩ là không phải ám chỉ Hoa Kỳ và Pháp.

Nhữ Đình Hùng/tổng hợp và bình luận/ 04.09.2013
  • Tham khảo:
-http://www.francetvinfo.fr/monde/revolte-en-syrie/syrie-poutine-cherche-a-gagner-du-temps_403587.html
-http://www.lemonde.fr/proche-orient/article/2013/09/04/syrie-la-russie-prete-a-agir-si-les-preuves-sont-convaincantes_3470741_3218.html
-http://www.nouvelordremondial.cc/2013/08/29/etats-unis-le-departement-detat-admet-quil-ne-sait-pas-qui-a-donne-lordre-de-lattaque-chimique-en-syrie/
-http://www.egaliteetreconciliation.fr/Intervention-en-Syrie-derniers-developpements-19811.html
-http://french.irib.ir/info/international/item/272424-syrie-guerre-cameron-fait-marche-arri%C3%A8re
-http://www.huffingtonpost.fr/2013/09/03/syrie-opposition-haytham-al-manna-juge-plans-intervention-militaire-americains-sataniques_n_3858409.html
-http://www.huffingtonpost.fr/2013/08/29/intervention-syrie-angleterre-david-cameron-parlement-britannique_n_3839674.html
-http://www.lexpress.fr/actualite/monde/proche-orient/armes-chimiques-en-syrie-les-etats-unis-et-la-france-vont-degainer-leur-preuves_1277801.html
-http://www.lefigaro.fr/international/2013/08/31/01003-20130831ARTFIG00259-tour-d-horizon-des-partisans-et-opposants-a-une-frappe-en-syrie.php