Thursday 5 September 2013

THUYỀN NHÂN TRONG CUỘC BẦU CỬ TUẦN NÀY. Nguyễn Quang Duy


Ngay khi trở lại với vai trò Thủ Tướng Úc, ngày 19-7-2013, ông Kevin Rudd thông báo đã ký với Thủ Tướng Papua New Guinea Peter O'Neill một Hiệp định Định cư các thuyền nhân tại quốc gia hải đảo Papua New Guinea. Ít lâu sau, Thủ Tướng Peter O'Neill phải lên tiếng nước ông không có khả năng để tiếp nhận định cư người tị nạn.

Thuyền nhân vẫn chưa có giải pháp cụ thể và lại tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Kinh tế và thuyền nhân là hai đề tài tranh cử chính tại Úc lần này.

Ngày 29-8-2013, báo The West Australian, đưa bản tin “Những Người Chạy Trốn Công An Việt Nam”. Theo bản tin một nhóm công an từ Việt Nam vào tận trại tạm giam Yongah Hill, để xem xét hồ sơ của các thuyền nhân và ép họ phải ký vào giấy chấp nhận hồi hương. Vì lý do này 5 thuyền nhân đã lo sợ phải vượt trại để tìm tự do. Bản tin đã nhanh chóng tạo nhiều xôn xao trong cộng đồng người Việt.

Cùng ngày 29-8-2013, ông Võ Trí Dũng chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu đã viết một lá thư cho Bộ Trưởng Di Trú Úc Dân Biểu Tony Burke đề nghị giải thích việc này. Theo ông Dũng thuyền nhân là những người vượt biển đi tìm tự do, vượt thoát chế độ cộng sản Việt nam để xin tị nạn chính trị, đã qua đây, họ lại bị công an cộng sản Việt nam điều tra, thì việc làm này đã đi ngược lại Hiệp định về Quyền tị nạn của Liên Hiệp Quốc mà Úc là một thành viên.

Ông Tony Burke, Bộ Trưởng Di Trú, đã gởi thư chính thức xác nhận Bộ Di Trú đã cho phép một nhóm nhỏ “nhân viên di trú” Việt Nam thăm một số trại tạm giam Yongah Hill, Darwin và Sydney. Ông cam kết những “nhân viên di trú” này đã không được phép xem xét hồ sơ những thuyền nhân đang xin tị nạn.

Ông cho biết có những thuyền nhân không hội đủ điều kiện là người tị nạn, chính phủ Úc phải làm việc với giới chức các quốc gia khác để những thuyền nhân này có thể được hồi cư. Vì thế sự hiện diện của các “nhân viên” nói trên không vi phạm Hiệp định về Quyền tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

Về lá thư trả lời, ông Võ Trí Dũng cho biết mặc dù bận rộn tranh cử ông Burke đã chính thức và nhanh chóng trả lời là một điều đáng trân trọng. Ông Burke cũng đã trả lời khá rõ và cam kết không vi phạm Hiệp Định. Tuy nhiên Cộng đồng vẫn rất quan tâm và sẽ tiếp tục tìm hiểu và giám sát việc làm của Bộ Di Trú Úc, cũng như sẽ tiếp tục tích cực hành động để các thuyền nhân Việt được cứu xét một cách công bằng theo đúng các Quy Định Quốc Tế.

Theo tin từ trung tâm tạm giam Yongah Hill, ngày 30-8-2013, một thuyền nhân Việt Nam đã treo cổ tự tử vì lo sợ việc Úc để công an Việt Nam vô trại xác minh lý lịch của mình. Những thuyền nhân Việt được báo chí và đài phát thanh phỏng vấn cho biết nhóm công an này thuộc A18 Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh.

Ông Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ước tính lên tới 6,7 triệu người Việt làm việc trong các lực lượng an ninh Việt Nam. Với dân số lao động hiện này là khoảng 43 triệu, thì cứ một trong sáu người lao động hoặc làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian cho một cơ quan an ninh nào đó của Việt Nam. Nhân viên di trú Việt Nam hay công an đều làm các công việc giống nhau là thu thập tin tức của người dân để bảo vệ chế độ, đó chính là lý do các thuyền nhân lo sợ đến phải trốn trại hay tự sát.

Ngay cả chúng ta những công dân Úc gốc Việt còn lo sợ các “nhân viên” Việt Nam. Chúng ta không phải chỉ lo sợ cho chúng ta, mà chúng ta còn lo sợ cho gia đình chúng ta hiện đang sống tại quê nhà. Đối với những thuyền nhân Việt, những người phải bỏ nước ra đi nay phải gặp những “nhân viên” Việt Nam thì chẳng khác gì họ phải gặp lại tử thần.

Điều quan trọng khác là chính phủ Úc không có quyền cưỡng bức người tị nạn hồi hương. Việc hồi hương phải là việc làm tự nguyện của thuyền nhân và không ai có quyền ép họ phải ký vào giấy chấp nhận hồi hương. Điều này không biết các “nhân viên di trú” Việt Nam có hiểu hay không?

Vấn đề thuyền nhân là một vấn đề chưa có giải pháp cụ thể. Giải pháp cho vấn đề phải phát xuất từ nguồn đã tạo ra hiện tượng thuyền nhân. Nếu được chọn lựa không ai chọn đổi mạng sống của mình trên một con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển nhiều ngày để đến Úc. Khi nhân quyền đã được tôn trọng, khi quyền mưu cầu hạnh phúc đã được bảo đảm, thuyền nhân sẽ không bỏ nước ra đi, hay nếu muốn đi họ sẽ tìm những cách thức an tòan và hợp pháp. 

Chúng ta là những người may mắn được định cư tại các quốc gia tự do, chúng ta làm được gì để cải thiện tình trạng chính trị tại quê nhà?
Thứ bẩy ngày 7-9-2013 này, người Việt tại Úc lại có cơ hội để chọn những người đại diện cho mình, để chọn một chính phủ đại diện cho mình. Về các vấn đề kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, mỗi đảng có chính sách riêng. Nhưng về vấn đề thuyền nhân và nhân quyền xét cho cùng cả hai đảng Lao Động và Tự Do đều có những giải pháp và quan điểm ngắn hạn khá tương tự.

Lá phiếu của chúng ta lại vô cùng giá trị vì thế cần cân nhắc chọn đúng người hay đúng đảng để bầu. Nhân mùa bầu cử xin chia sẻ với bạn đọc về phương cách tôi đã sử dụng lá phiếu của mình.

Đáng tiếc, sống trong một khu vực rất ít người Úc gốc Việt và đảng Lao Động chắc chắn sẽ thắng, thành ra lá phiếu của tôi không có giá trị. Để Dân Biểu Lao Động lắng nghe tôi bầu và vận động bầu cho đảng Tự Do. Khi khỏang cách giữa hai đảng thu nhỏ, cả hai đảng đều phải quan tâm đến nguyện vọng tôi, của những lá phiếu thiểu số.

Nếu tôi sống tại vùng Cabramatta Fowler New South Wales nơi có đông người Việt tôi sẽ bầu cho dân biểu Lao Động Chirs Hayes. Tôi bầu cho ông Chirs Hayes vì ông ấy thực sự quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam, vì ông ấy có cùng chung ước mơ một ngày Việt Nam có tự do dân chủ và vì ông ấy rất cần lá phiếu của chúng ta.

Trong 3 năm vừa qua ông Chirs Hayes liên tục vận động cho nhân quyền tại Việt Nam. Ngày 17-6-2013, trước Quốc Hội Liên Bang ông cùng 7 dân cử khác đã đồng lòng lên tiếng đòi đảng Cộng sản phải thả Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Đóng góp của ông đã phần nào tạo sức ép đảng Cộng sản phải trả Nguyễn Phương Uyên về với gia đình và giảm án cho Đinh Nguyên Kha.
Bầu cho ông Chirs Hayes không phải chỉ để cám ơn tấm thiện tình của ông mà còn để giữ một người đại diện cho tiếng nói nhân quyền tự do dân chủ của người mình.

Khi đi bầu, không phải tôi không quan tâm đến những vấn đề như kinh tế, nhưng là một thuyền nhân tị nạn cộng sản tôi không thể quên được một quê hương đang cần tự do, cần dân chủ và vì thế cần những tiếng nói đại diện như dân biểu Chirs Hayes.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
5-9-2013