Wednesday, 11 September 2013

Ông Cò Lộc - Một Huyền thoại sống . BS Nguyễn Hoài Vân



TIỂU SỬ ÔNG CÒ NGUYỄN VĂN LỘC (1933-2008)
     
        . Sanh năm 1933, tại Marseille 
. Thân phụ và thân mẫu đều là người Việt đến Pháp vào năm 1914
. Thân phụ làm nghề thủy thủ, đầu bếp và quản lý trên tàu.
. Văn Bằng : Cử Nhân Luật
. Cấp bậc : Đại Tá Cảnh Sát từ năm 1982 (Commissaire Divisionnaire)
từ chối cấp bậc Tướng lãnh năm 1989 vì bất đồng với thượng cấp.
Thành công tiêu biểu :
. Sáng lập và Chỉ huy Toán Đột Kích Cảnh sát Quốc Gia (Groupe dIntervention de la Police Nationale) năm 1973.
. Nhiều chiến công chống tội ác và khủng bố : Giải quyết nhiều vụ cướp có võ trang, thu hồi hàng Tỷ đồng quan Pháp, chận đứng nhiều vụ bắt con tin. Trong 16 năm : tỷ lệ thành công 100%, đồng thời không có thiệt hại nhân mạng nào trong Toán.
Võ khí thường xử dụng :
357 Magnum Manurhin 4 pouces (được đặt làm riêng)
và SIG P 226 - 15 viên đạn (do người Thụy Sĩ tặng)
Sách đã xuất bản :
. Le Chinois -Presse de la Cité- 1989.
. Le Chinois Tome 1 : Le Chinois, 1989 Presses de la Cité.
. Triangle dor, 1992 Presses de la Cité.
. Le Chinois : La peau dun caïd, 1994 Presses de la Cité.
. Affaires criminelles, 1995 Presses de la Cité.
. Le Chinois : Les marchands de venin, 1995 Presses de la Cité.
. Le troisième juge, 1996 Presses de la Cité.
. Meurtres au soleil, 1996 Presses de la Cité.
. Le Chinois : Les aviseurs, 1997 Presses de la Cité.
. Vengeance transversale, 2002 Ramsay.
. Van Loc, 2004 Autres Temps.
. Les Marchands de venin, 2004 Autres Temps.
. La peau dun caïd, 2004 Autres Temps.
. Paroles dhomme, 2005 Autres Temps.
. Le Chinois Tome 6 : Le Crépuscule des voyous, 2006 Autres Temps.
Điện Ảnh :
. tự thủ diễn vai mình trong nhiều phim truyện kể lại các chiến công của ông, cho đài Truyền Hình Pháp.
. Van Loc: un grand flic de Marseille (9 hồi)
. Van Loc, le flic de Marseille
. La Grenade
. La Vengeance
. LAffaire Da Costa
. Le Grand Casse
. Victoire aux poings
. Ennemis denfance
. Pour lamour de Marie
. La Relève
Huy Chương :
. Chevalier de la Légion dHonneur
. Chevalier du Mérite National
. Huy Chương AFN
. Huy Chương Vàng "Courage et Dévouement" (thường chỉ trao tặng người quá cố)
. Huy Chương Danh Dự Cảnh Sát Quốc Gia
. Huy Chương Vàng Thành Phố Nice.
Gia Cảnh :
. Vợ - Christiane, Giáo viên.
. Con trai trưởng : Bác Sĩ, chuyên khoa Châm Cứu
. Con trai thứ : Tốt nghiệp École Supérieure de Commerce
. Con gái : Chuyên Viên Kế Toán.

TỪ MIỆT THỊ ĐẾN TÔN VINH :

"Chinois", thằng "Ba Tầu", thằng "Chệt", đó là tiếng gọi miệt thị mà cậu bé Nguyễn Văn Lộc đã hàng ngày phải chịu đựng, từ khi lớn lên trong xóm "Panier", một khu bình dân thuộc tỉnh Marseille, nằm giữa một vùng vừa rất đẹp, nhưng cũng vừa bị coi như trung tâm của tội ác. Bao lần Lộc đã phải xiết chặt nắm đấm để bảo vệ danh dự của mình. Chân mày em đã nhiều lần vỡ toang, máu đã nhỏ xuống để Nguyễn Văn Lộc có thể ngước mặt lên, với niềm kiêu hãnh. Và niềm kiêu hãnh ấy, thoát thai từ một ý chí vượt thắng mãnh liệt, sẽ không bao giờ rời bỏ người Nguyễn Văn Lộc. Kết qủa là năm mươi năm sau; với những huy chương cao qúy nhất của nước Pháp, với sự kính phục của người dân, sự nể sợ của bọn bất lương, tên gọi "Chinois" không còn là một câu chửi nữa, mà đã trở thành một huyền thoại, một danh dự...

TRƯỚC NGÃ BA ĐƯỜNG :

Nguyễn Văn Lộc đã có thể trở thành Tướng Cướp, thay vì một vị Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát. Trong thời thơ ấu, ông từng quen biết các tay anh chị lừng danh nhất, như Gaetan Zampa biệt danh Tani, "Godfather" của vùng Marseille, như Lucien "Les Beaux Yeux" với đôi mắt đẹp, như "Planch " Paolini được gọi là "planche" vì gầy như khúc gỗ, như Muzzioti, chúa tể nghiệp vụ mãi dâm, vv...Khi ông làm thủ quân của đội bóng chuyền trên bãi biển catalans thì người nhặt bóng là Francois Girad, kẻ mà về sau sẽ chủ mưu ám sát Quan Toà Michel khi ông này điều tra về các hệ thống buôn lậu ma túy. Lúc ấy Nguyễn Văn Lộc đã nổi tiếng : từ khắp nơi ở Marseille người ta đổ về xem ông đánh bóng. ý chí của ông luôn thúc đẩy ông trội vượt hơn người khác, trong bất cứ lãnh vực nào.
Từ nhỏ ông đã quen thói chỉ huy. và một phần không nhỏ những đứa trẻ đã từng chơi đùa với ông , sau này trở thành những kẻ phạm tội. vậy, điều gì đã khiến Ông Cò Lộc không đi vào con đưởng bất hảo ? Theo ông, đó là nhờ sự nghiêm khắc của phụ thân, và lòng từ ái của một bà mẹ rất mộ đạo. Kết qủa là một nền nếp đạo đức hằn sâu trong tâm khảm, đã đưa con người ông đến những chọn lựa không nhân nhượng. Khi được tin ông đậu Tú Tài, người cha thủy thủ của ông đã mở Champagne đãi tất cả mọi người trên tầu. Sự thảnh công của thế hệ thứ hai, quả là một ước vọng vô cùng mạnh mẽ nơi mọi người di dân. Có lẽ điều ấy cũng đã ảnh hưởng nhiều đến những nỗ lực, và lựa chọn, của Ông Cò Lộc sau này trong cuộc sống.

NGHIỆP VĂN HAY NGHIỆP VÕ ?

Nhưng, người cha ấy chỉ ít lâu sau lại chẳng may qua đời, để lại bà vợ góa, và chàng thanh niên Nguyễn Văn Lộc vừa đậu Cử Nhân Luật, đã có một con. Rồi ông lại bị gọi động viên. Thế là việc học của ông từ đó coi như bỏ dở. Tuy nhiên vẫn với ý chí vượt thắng, ông đã đậu ngay thủ khoa kỳ thi ra trường Sĩ Quan năm 1957 và được bổ nhiệm vào một đơn vị tác chiến tại Algérie (504è Bataillon de Marche du Train). Tại đây, ông chỉ huy một trung đội. Công tác của ông lúc đó là các cuộc tấn công "biệt kích" trong vùng địch. Sau khi được giải ngũ, ông ở lại làm việc trong ngành Cảnh Sát tại Algérie cho đến năm 1961. Chiến cuộc Algérie có lẽ cũng đã là một môi trường đào tạo ông trở thành vị Cảnh Sát Trưởng lừng danh sau này.Theo ông, ông đã thực nghiệm được ở đây tầm quan trọng của người chỉ huy, của sự siêng năng luyện tập hàng ngày, của tình đồng đội, của yếu tố tâm lý. Ông cũng đã thực nghiệm sự kính trọng đối thủ, những người Algérie chiến đấu cho độc lập của nước họ. Đối với ông, việc tham gia vào chiến cuộc Alhérie là một thái độ sòng phẳng đối với nước Pháp. Nước Pháp đã đón nhận gia đình ông, ông có bổn phận phải đáp lời khi nước Pháp cần đến. Đó cũng là một vấn đề danh dự. Mà dang dự, như mọi người đều biết, là điều quan trọng nhất trong cuộc đời Ông Cò Lộc...

TÌNH CỜ TRỞ THÀNH " SIÊU CẢNH SÁT" :

Nghề Cảnh Sát đã không hề là một quyến rũ đối với Ông Cò Lộc. Ông nói ông đã không chọn làm Cảnh Sát. Tất cả chỉ do hoàn cảnh : cha qua đời, mẹ goá, riên ông cũng có một người con. Vấn đề khi ấy đơn thuần chỉ là sinh kế. Nhưng khi đã là Cảnh Sát, thì phản xạ tự nhiên nơi con người ông đã bắt ông trở thành một Sĩ Quan Cảnh Sát ngoại hạng.
Thật ra, ông không bao giờ muốn được gọi là "super-flic" (supercop). Đối với ông, không hề có những "siêu cảnh sát viên ". Tất cả chỉ do sự chuyên cần luyện tập hàng ngày, để duy trì những khả năng cần thiết trước biến động: " điều gì cũng phải học ", như ông thường nói. Các thuộc cấp của ông trong Toán Đột Kích, và cả chính ông, đều phải luôn luôn lập đi lập lại hàng ngàn lần những động tác cần thiết cho công tác, như động tác vừa rút súng vừa xuống tấn, còn gọi là "cầu nguyện" (la prière), cùng với lối bắn phản xạ và các động tác võ thuật.Mặt khác, ông rất coi trọng tình đồng đội, và đặt khả năng của nhóm còn quan trọng hơn khả năng của mỗi cá nhân. Khả năng của nhóm, theo quan điểm của ông, lại rất tùy thuộc nơi người chỉ huy. Vì thế, ông tự định nghĩa mình như một vị chỉ huy sắt đá, nhưng chỉ là một con người bình thường. Ông cho rằng những thành công của ông trong các công tác khó khăn và hiểm nghèo nhất là do sự tiên liệu những gì có thể xảy ra, và cố gắng tập luyện từng cá nhân cũng như cả Toán để ứng phó với những điều ấy. Ông tôn trọng những phản ứng "người" của thuộc cấp, như sự sợ sệt trước hiểm nguy. Ông nói: "Sợ hãi là một thanh tố của mọi con người. Nhưng điều mà tôi không tha thứ, là việc che dấu sự sợ hãi. Điều ấy có thể đưa đến tai hoạ cho cả Toán trong công tác. Tôi không muốn có những kẻ ba hoa, tự đắc, trong Toán".

NGƯỜI CHỈ HUY PHẢI CHỈ HUY !

Toán Đột Kích của Cảnh Sát Quốc Gia (GIPN) được coi như khuôn mẫu cho sự hình thành của nhiều nhóm tương tự (RAID, GIGN), do ông chủ trương, thành lập, và chỉ huy từ năm 1973. Đầu tiên chí có 15 thành viên, sau lên tới 170 người. Sự tuyển lựa của Toán này hoàn toàn do ông đảm trách, dựa trên sức khỏe thể chất, sự cân bằng tâm lý, và những giá trị đạo đức. Toán được điều hành trong tình huynh để, sự tôn trọng danh dự, và tinh thần kỷ luật tự nguyện. Các thành viên đều gắn bó với nhau một cách thân thiết, chung quanh vị chỉ huy của họ là Ông Cò Lộc. Họ trung thành với ông một cách tuyệt đồi. Đáp lại sự trung thành ấy, ông luôn đảm nhận đúng đắn vai trò chỉ huy của mình, luôn đi đầu trong những công tác nguy hiểm, luôn mau lẹ trong định đoạt, và quả quyết trong thi hành, như lời ông :"trước hiểm nguy, người chỉ huy phải chỉ huy!". Thuộc cấp của ông không do dự khi chính họ phải tự quyết định một hành động, vì họ biết họ có một vị chỉ huy luôn che chở cho họ, một vị chỉ huy đã đào tạo họ để lấy những quyết định ấy. Họ có thể hài lòng về ông, vì trong suốt 16 năm ông chỉ huy họ, đã không có một người nào trong Toán đã phải tử nạn vì công tác. " Đó là phần thưởng lớn nhất, là huy chương cao qúy nhất của tôỉ, theo lời Ông Cò Lộc.

KHÔNG TRÌNH DIỂN

Ông Cò Lộc rất ngại những màn trình diễn. Đối với ông, những cuộc biểu diễn đu dây từ trực thăng xuống nhảy qua cửa kính vào một căn phòng để tấn công một tên khủng bố, chỉ là " cinéma " ! Ông cho rắng khi anh nhảy qua một cửa kính, nếu anh không nhảy hụt, thì trước hết anh phải lo tự che chở cho mình khỏi những mảnh kính, rồi phải tự chống đỡ khi ngã xuống sàn nhà, và sau đó mới lo tới đối thủ. Vì thế, nếu gặp phải một tay khủng bố hay ăn cướp lão luyện, thì anh chỉ là miếng mồi ngon mà thôi. Những màn ngoạn mục ấy chỉ có tác dụng trình diễn. Ông Cò Lộc chú trọng đến sự kín đáo. Không ai cần biết anh xử dụng kỹ thuật nào để thành công, miễn là anh thành công, thế thôi. Với kinh nghiệm của Toán Đột Kích Cảnh Sát QG, ông đã đề nghị với Pierre Joxe, Bộ Trưởng Nội Vụ, thành lập một lực lượng đặc biệt tương tự, nhưng với nhân sự và chỉ huy hoàn toàn bí mật, theo mô hình của Israel. ý kiến này cho tới nay vẫn chưa được thực hiện.

NHỮNG PHƯƠNG TIỆN VÔ CÙNG EO HẸP

Một trong những trách nhiệm của Ông Cò Lộc đối với thuộc cấp, là đảm bảo cho họ những phương tiện thích hợp. Ông thường than phiền về sự yếu kém phương tiện của Toán ông. Theo ông, đó là sự kỳ thị của Paris đối với địa phương. Tất cả đều được quyết định ở Paris! Mọi người Pháp đều biết rõ tệ trạng này. Thậm chí có lần ông bị hỏng xe trong công tác Cả Toán lúc ấy (năm 1975) chỉ có hai chiếc xe "phế thải "(theo lời Ông Cò Lộc)...Tệ hơn nữa, một ngày nọ, các "quan lớn" sau khi tính toán sao đó, đã quyết định thu hồi loại súng dài mà Toán ông đang sử dụng, khẩu FRF 1, vì qúa đắt tiền, để thay bằng loại Carabine BAR bán tự động của Bỉ. các cuộc thử nghiệm với khẩu súng này đều cho thấy một kết qủa thảm hại. Mặc dù vậy, họ vẫn áp đặt khẩu BAR cho Toán của ông, và ông đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức chống lại quyết định trên, "một cách cô độc" theo lời ông. Rốt cuộc người ta phải công nhận rằng ông có lý, và trả lại cho ông những khẩu FRF 1. Với "chiến thắng" ấy, ông lấn tới, và đòi hỏi khẩu carabine danh tiếng Steyr Mannlicher của Áo, tương đương với khẩu Mauser của Đức. Cần nói thêm là súng dài vô cùng quan trọng trong việc giải quyết từ xa những tình thế rất khó khăn, có thể khơi mào cho một sự "bổ túc " bằng súng ngắn (lúc thành lập Toán, đó là khẩu PA MAC 50 9mm parabellum, 10 viên đạn), bởi các nhân sự ở gần bên hung thủ.

DANH DỰ CỦA BẬC LÃNH ĐẠO

Những tranh chấp không ngừng nghỉ của ông đối với cấp trên vì an ninh của nhân viên dưới quyền, đã khiến ông phải từ chức vào năm 1989. Sự ganh tỵ đã khiến người ta hạn chế quyền chỉ huy của ông trong công tác. Đối vời ông, điều này đe doạ sự an toàn của cả Toán, và xúc phạm đến danh dự của ông. Trước tiếng tăm lừng lãy của ông trong dân chúng, chính phủ lúc ấy đã phải đề nghị vinh thăng ông lên hàng Tướng Lãnh (Contrôleur Général), với một chức vụ " ngồi chơi sơi nước "! Đương nhiên là ông từ chối, và về làm Cảnh sát Trưởng cho thành phố Cannes? Julius Caesar, khi đi qua một làng nhỏ ở chân núi Alpes, gần nơi ông ở, chẳng đã từng nói : "Thà ta làm người đứng đầu ở nơi hẻo lánh này, còn hơn làm nhân vật số hai ở Roma"...Tại Cannes, ông quan niệm một loại cảnh sát khác, gần với dân chúng, đi sát với những nhu cầu thường ngày của mọi người, và luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân từ những công việc nhỏ nhặt.

MỘT ĐỐI THỦ SÒNG PHẲNG

Thái độ của ông đối với ngững người tội phạm, những đối thủ của ông, cũng rất đáng được chú ý. "Tôi không khi nào phán xét ai cả ", đó là tôn chỉ của ông. Ông tìm hiểu đối phương, tìm một sự thông cảm, một cách giải quyết đỡ gây tổn hại nhất. Để tìm hiểu những người tội phạm, ông có nhiều ưu thế hơn những kẻ xuất thân từ tầng lớp trưởng gỉa, chỉ biết đến "bần dân" qua giấy tờ. Ông Cò Lộc đã từng sống chung đụng với những tay anh chị lẫy lừng nhất, như đã nói ở trên. Ông đã từng chứng kiến sự biến đổi của những người này, từ tuổi trẻ hiếu động, trong những khu xóm nghèo nàn, đến tuổi thanh niên bị cám dỗ bởi những cách kiếm tiền dễ dàng, bắt đầu trộm cắp nho nhỏ, rồi càng ngày càng lên cao trong mức thang tội phạm, cuối cùng là án mạng, buôn ma túy v.v...Ông rất hiểu sự biến đổi ấy, rất nắm vững những lý do khiến một trẻ thơ trong sạch trở thành tên sát nhân ghê tởm. Vì thế, lời nói của ông được sự kính trọng của những người tội phạm. Phải chăng sự cảm thông của ông đối với họ, có khả năng đưa họ, trong tiềm thức, trở vể với một tuổi thơ trong sạch mà họ luôn nuối tiếc ? Điều hiển nhiên là trong các cuộc bắt giữ con tin, chỉ cần Ông Cò Lộc xuất hiện, là lập tức các tội phạm đồng ý thương thảo. Nhiều lần, ông đã tự nguyện thế vào chỗ của các con tin. Kẻ tội phạm chấp nhận sự trao đổi ấy đã tin tưởng nơi ông : "ông là người sòng phẳng", đó là lời mà họ thường nói, khi bằng lòng thương thảo với Ông Cò Lộc. Ông đặt họ trước trách nhiệm của họ; bắt họ phải chọn lựa giữa đường sống, tức là bỏ vũ khí, đầu hàng, và con đường chết, tức là dường kháng cự, nhất là sát hại con tin. Có lần ông nói với một kẻ bắt giữ con tin : "nếu anh gây đổ máu, thì, dù cho anh có trốn ở bất cứ đâu, tôi cũng sẽ tìm ra anh, và nhét vào đầu anh hai viên đạn..." Ông không lên án tử hình người tội phạm, nhưng để cho chính anh ta tự quyết định sự sống hay sự chết của anh ta. Luật chơi được đặt ra, rõ rệt. Người tội phạm phải chọn : sống hay là chết. Công việc làm của ông có thể tóm tắt bằng sự chứng minh cho người ấy biết không có con đường thứ ba. Khi người tội phạm đã tin tưởng nơi ông, ông không bao giờ phụ bạc họ. Ông giúp họ được hưởng những thủ tục pháp lý nhẹ nhàng hơn, và dành cho họ một sự đối đãi trong tình người khi họ còn nằm trong quyền hạn của ông
Ông rất chú trọng đến yếu tố tâm lý trong việc giải quyết các vụ tội phạm. Ông cho rằng cần phải phân biệt giữa tâm lý của các tay anh chị lão luyện, với những người càng ngày càng lún sâu trong tuyệt vọng vì gia cảnh, vì thất nghiệp, hay vì nghiện ngập. Trong một cuộc bắt giữ con tin, ông đã tình nguyện lái xe chở một người tội phạm tay cầm một qủa lựu đạn đã mở chốt, và đã thuyết phục được anh ta vứt bỏ qủa lựu đạn ấy nơi một cánh đồng trống. Sau đó, khi người kia toan bỏ trốn, ông đã không bắn theo anh ta, mà chỉ đuổi kịp anh để thuyết phục anh đừng kháng cự. Ông cũng đã tránh còng tay người này. Người tội phạm ấy đã chỉ chịu khai cung với ông, và trong vài giờ đã thú nhận hàng chục vụ cướp có võ trang...Đối với bất cứ ai khác, anh ta đã không bao giờ chịu khai như vậy, và nếu có thể khai thì cũng sẽ phản cung sau đó.

VỚI TỬ THẦN

Nhiều lần Toán ông đã phải hạ sát đối thủ. Ông nói :"Tôi không bao giờ tự cho phép mình mỉm cười trước một người chết. Khi chúng tôi hạ sát một đối thủ, chúng tôi kính trọng đối thủ ấy ". Bản thân ông cũng đã từng nhiều lần chạm mặt với thần chết. Mỗi lần như vậy, ông nói "tôi là một người may mắn ". Và hình ảnh của một sĩ quan bạn trong thời chiến tranh Algérie thường trở lại trong ký ức ông. Câu chuyện như sau : anh bạn này được giải ngũ, và đã giữ chỗ xe lửa để trở về quê quán vào lúc một giờ trưa. Sáng sớm hôm ấy, anh lại muốn cùng đồng đội đi công tác một chuyến chót. Nhóm của anh và của Thiếu Úy Nguyễn Văn Lộc cùng di chuyển đến một ngã ba đường thì phải chia hai. Họ rút một đồng tiền, chơi sấp ngửa, để quyết định xem ai đi đường nào ? Anh bạn được giải ngũ chọn nhằm con đường Wilaya IV. Chỉ 15 phút sau, anh lọt ổ phục kích, và tử trận, cùng 11 đồng đội.
Có lần một kẻ tội phạm đã chĩa súng vào ngực Ông Cò Lộc, và bóp cò. Nhưng, súng kẹt đạn...Ông ước lượng đã rất gần với cái chết như vậy, khoảng bốn lần mỗi năm, từ 1972 đến 1989. Những lần thoát hiểm nhờ vào may mắn này đã dạy cho ông một bài học khiêm nhường lớn, theo lời ông tâm sự.

VẾT THƯƠNG VÀ THANH KIẾM

Còn đối với chúng ta, cuộc sống của Ông Cò Nguyễn Văn Lộc đã dạy cho chúng ta bài học nào ? Chúng ta nên nhìn vào ý chí sắt thép của ông, hay; xa hơn, vào niềm ước vọng, và căn bản đạo đức vô cùng vững chắc của cha mẹ ông ?
Năm 1943, giữa mùa Đông giá rét, một đứ bé 10 tuổi dẫn đầu một đám trẻ khác đi ăn cắp củi về để đốt lò sưởi. Người lính gác, thuộc quân đội Đức đang chiếm đóng nước Pháp lúc bấy giờ, nổ súng...Ai có thể tiên đoán được rằng đứa nào trong đám trẻ con ấy sẽ trở thành du đãng, trùm buôn lậu, hay sĩ quan cảnh sát ngoại hạng ? Một trong những em bé, đúa cầm đầu, có biệt danh là "Thằng Chệt " (Le Chinois), một tên gọi khinh miệt...
" Vì nghĩa trừ gian diệt bạo của Marseille " (Nouvel Observateur), "Người được bọn bất lương nể sợ nhất" (Paris Match), "Một huyền thoại sống " (Le Provencal), "Superflic" (Siêu Cảnh sát viên), v.v.., giữa tất cả những tên gọi ấy, Ông Cò Lộc đã chọn "Le Chinois", làm tước hiệu danh dự. Đó cũng là tựa đề quyển sách best-seller của ông. Phải chăng chính từ tên gọi ấy, mà mọi sự đã bắt đầu, và chấm dứt, trong danh dự, với niềm kính phục của mọi người ? Và phải chăng đó cũng là cái khóa đề chúng ta có thể hiểu câu thơ của Baudelaire mà ông Cò Lộc thường trích dẫn : 
 
"Tôi là nạn nhân và hung thủ
Là vết thương, là thanh kiếm "? 

(Je suis la victime et le bourreau
La plaie et le couteau) 
         22 tháng Tư 1995 
bản có dấu :08.12.2008 
(*) Viết theo những tài liệu cung cấp bởi anh Louis (Gia Đình Âu Cơ),
một nhân vật lừng danh của Cộng Đồng Người Việt tại Marseille, và tại Pháp,
từ trước năm 1975. Xin anh nhận nơi đây sự cảm ơn chân thành của người viết.